7.6.17

Thỏa thuận Paris: Sự rút lui của Washington sẽ có những tác động tài chính ngay lập tức



KHÍ HẬU: TRUMP MUỐN “ĐẠI DIỆN CHO NGƯỜI DÂN PITTSBURGH” VÀ TỰ RƯỚC LẤY MỘT ĐÁP TRẢ NGHIÊM KHẮC CỦA THÀNH PHỐ
Tổng thống Mỹ đã viện dẫn thành phố để biện minh cho sự rút lui khỏi Hiệp định Paris vào hôm thứ Năm. Trừ phi thành phố khẳng định việc họ tiếp tục tuân thủ các hướng dẫn của Hiệp định Paris.
Le Monde.fr với AFP

Tôi được bầu để đại diện cho người dân Pittsburgh, chứ không phải của Paris”, tổng thống Mỹ Donald Trump đã giải thích, vào hôm Thứ năm ngày 1 tháng 6, khi sử dụng thành phố công nghiệp của miền đông nước Mỹ (Pennsylvania) để biện minh cho sự rút lui khỏi thỏa thuận Paris về khí hậu. Một khẩu hiệu sốc, nhưng việc chọn thành phố là điều không ổn. Trong những phút tiếp sau đó, thị trưởng thuộc đảng Dân chủ Bill Peduto, đã phản đòn lại vị đứng đầu Nhà nước trên Twitter.
Hoa Kỳ đã gia nhập cùng với Syria, Nicaragua và Nga, khi quyết định không tham gia Hiệp định Paris [về khí hậu] của thế giới. Bây giờ đã đến lúc các thành phố phải nắm lấy dây cươngcủa nền kinh tế xanh, theo lời viết ban đầu [trên trang tweet] của vị ủy viên hội đồng thành phố.
Là thị trưởng Pittsburgh, tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng chúng ta sẽ tuân thủ các hướng dẫn của Hiệp định Paris vì [lợi ích của] nhân dân ta, vì nền kinh tế của chúng ta và vì tương lai của chúng ta, Bill Peduto viết tiếp.
Chỉ trong vòng vài phút sau loạt bài đăng trên tweet, vị thị trưởng đã trở thành thần tượng của các mạng xã hội và là biểu tượng của sự phản kháng chính trị ở cấp địa phương chống lại quyết định sốc của Donald Trump.
Pittsburgh, ngày 31 tháng 5. Darrell Sapp / AP
Thời kỳ phục hưng siêu nhanh
Nhưng tổng thống đã không chỉ viện dẫn có Pittsburgh. Trong tuyên bố của mình, ông đã nhấn mạnh rằng: Đã đến lúc phải đặt Youngstown, thuộc bang Ohio, Detroit, thuộc bang Michigan, và Pittsburgh, thuộc bang Pennsylvania, vốn là những nơi tốt nhất trong cả nước, lên trên Paris, ở Pháp.Như thế ông đánh đồng những thành phố công nghiệp cũ bị bỏ lại phía sau, như Detroit, với những thành phố khác như Pittsburgh, những thành phố đã trải qua một thời kỳ phục hưng hậu công nghiệp siêu nhanh với các trung tâm đô thị biến đổi hoàn toàn trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, có một điểm chung nữa giữa ba thành phố nói trên, ngoài việc chúng đều thuộc vùng “vành đai công nghiệp han gỉ” (“rust bell”) [các tiểu bang miền Trung Đông Bắc Hoa Kỳ]: tất cả người dân ở đó đều đã bầu cho Clinton vào tháng 11 năm 2016, như lời nhấn mạnh của vị thị trưởng thành phố Pittsburgh, một lần nữa trên Twitter: Sự thật: Hillary Clinton đã nhận được 80% số phiếu bầu ở Pittsburgh. Pittsburgh sẽ đứng cùng với thế giới và sẽ tuân thủ Hiệp định Paris.
Hai thành phố kia cũng đã bầu bằng đa số phiếu áp đảo cho đối thủ của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm 2016: 95% cho Clinton ở Detroit (56% trong khu vực thành thị) và hơn ba phần tư số phiếu bầu ở Youngstown (tuy nhiên, với một kết quả ít vẻ vang hơn với 49,9% so với 46,7% số phiếu trong toàn hạt).
Thị trưởng thuộc đảng Dân chủ của Youngstown, John McNally, cũng đáp trả lại tổng thống, trên một tờ báo địa phương: Việc nước Mỹ rút khỏi [thỏa thuận khí hậu Paris] dường như không đảm bảo tạo ra thêm bất kỳ việc làm nào mới tại thành phố Youngstown.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

*
*    *
THỎA THUẬN PARIS: SỰ RÚT LUI CỦA WASHINGTON SẼ CÓ NHỮNG TÁC ĐỘNG TÀI CHÍNH NGAY LẬP TỨC
Chính phủ Mỹ rút khỏi các mục tiêu làm giảm lượng khí thải hiệu ứng nhà kính của họ và tự cho mình quyền khai thác nhiều hơn nữa các năng lượng hóa thạch.
LE MONDE |2017/06/03 lúc 10:18 • Cập nhật 2017/06/03 lúc 11:18 |Simon Roger
Bằng việc lựa chọn rút khỏi thỏa thuận Paris về hiện tượng khí hậu nóng lên, Hoa Kỳ đang dấn bước vào một thủ tục phức tạp hơn và bất định hơn những gì mà ta có thể nghĩ trước những khẳng định của Donald Trump, vào hôm Thứ năm 1 tháng 6, trong bài phát biểu của ông ấy tại Nhà trắng.
Dừng các tài trợ cho vấn đề khí hậu
Tổng thống Mỹ gắn việc rút khỏi thỏa thuận đạt được tại COP21 với việc chấm dứt ngay lập tức các cam kết về tài chính cho vấn đề khí hậu. Đối với ông Trump, số học là một điều khắt khe: ít chi tiền hơn để kiềm chế hiện tượng nóng lên của hành tinh, có nghĩa là có được nhiều tiền hơn để tạo ra công ăn việc làm và hỗ trợ cho các gia đình người Mỹ. Vì vậy, Hoa Kỳ sẽ ngừng đóng góp khoảng 15 triệu US$ (13 triệu euro) hàng năm cho Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) để đảm bảo sự vận hành [chống lại sự biến đổi khí hậu] – tức gần 25% ngân sách. Lỗ hổng tài chính này sẽ được lấp đầy bởi một quỹ của vị cựu Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg, người đã đề nghị thanh toán khoản thiếu hụt 15 triệu US$ nói trên.
Hoa Kỳ, nước đã hứa bổ sung cho Quỹ Khí hậu Xanh (được thành lập để giúp đỡ các nước phương Nam tài trợ cho chính sách thích ứng với sự biến đổi khí hậu của họ) khoảng 3 tỷ US$, sẽ dừng lại với số tiền một tỷ US$ đã chi trả dưới thời của chính quyền Barack Obama. Trong các phân bổ ngân sách dự kiến cho mùa thu, Washington sẽ xem xét lại mức đóng góp của họ cho các quỹ khí hậu khác và cho Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, mà trong đó Hoa Kỳ đảm bảo 40% ngân sách từ năm 1988.
Sự từ bỏ mức đóng góp quốc gia của Hoa Kì
Trong một tuyên bố chung vào năm 2014, một năm trước cuộc họp của COP21, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đi tiên phong khi công bố các mục tiêu rõ ràng về khí hậu. Lúc đó, lộ trình của Washington là giảm từ 26% đến 28% lượng khí thải hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2025 so với năm 2005. Khi không còn mức “đóng góp quốc gia” này nữa (không mang tính ràng buộc theo yêu cầu dứt khoát của các nhà đàm phán Mỹ), thì nền kinh tế hàng đầu của thế giới sẽ xoay sở mà không có các mục tiêu định lượng cụ thể về mức giảm lượng khí thải của họ. Ngược lại, các quốc gia khác sẽ dựa vào một tài liệu có tính cương lĩnh như luật chuyển đổi năng lượng tại Pháp.
Một sự gia tăng lượng khí thải nhà kính
Mặc cho các phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao, Rex Tillerson, vào hôm Thứ sáu 2 tháng 6, đảm bảo rằng Hoa Kỳ đã có một bản tổng kết tuyệt vời về mức giảm lượng khí thải hiệu ứng nhà kính của chính Hoa Kỳ,sự rút lui của Mỹ cũng giống như một giấy phép khai thác các năng lượng hóa thạch nhiều hơn nữa và gây ô nhiễm nhiều hơn nữa. Theo ước tính của Niklas Höhne, nhà nghiên cứu tại Viện NewClimate, sự rút lui của Hoa Kỳ, kết hợp với việc hủy bỏ các biện pháp chống lại hiện tượng khí hậu nóng lên đã được quyết định dưới chính quyền Obama, sẽ làm tăng thêm mức tương đương 500 triệu tấn CO2 vào lượng khí thải hiệu ứng nhà kính của Mỹ ở mức của năm 2030.
Sự hồi sinh ít có khả năng xảy ra của than
Thỏa thuận khí hậu đe dọa công ăn việc làm của các công nhân Mỹ, chủ yếu là các công nhân mỏ than, theo khẳng định của Donald Trump. Tuy nhiên, việc rút khỏi thỏa thuận không nhất thiết đồng nghĩa với một sự hồi sinh của ngành công nghiệp này, kém cạnh tranh hơn so với các ngành năng lượng tái tạo được, những ngành sử dụng 769.000 người trong năm 2015 (so với 50.000 công nhân mỏ). Ngành năng lượng mặt trời đã tăng 25% trong năm 2016. Trong một thông cáo báo chí ngày 1 tháng 6, hiệp hội các công nhân mỏ than thậm chí bày tỏ sự lo lắng về quyết định theo chủ nghĩa biệt lập của Donald Trump, có nguy cơ làm hạn chế khả năng của các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận các công nghệ “than sạch” mới, đang phát triển mạnh trên thị trường thế giới.
Một vị trí để xác định lại trong các cuộc đàm phán về khí hậu
Một chân trong, một chân ngoài. Đó sẽ là cách xử thế của phái đoàn Mỹ trong những tháng sắp tới. Bởi vì việc công bố, vào hôm Thứ Năm 1 tháng 6, sự rút lui khỏi thỏa thuận kể từ hôm naylà một đòn lừa. Theo quy định tại Điều 28 của văn bản thỏa thuận được thông qua tại Paris, mọi quốc gia sẽ phải tuân thủ một thời hạn không thể rút ngắn là bốn năm (kể từ ngày hiệu lực vào tháng 11 năm 2016) nếu muốn rút khỏi thỏa thuận.
Vì vậy, Hoa Kỳ, cho đến năm 2020, vẫn còn giữ vị trí [chính thức] của họ trong các sự kiện hoặc tại hội nghị sắp tới về khí hậu, COP23, vào tháng 11. Sẽ có hai tùy chọn mở ra cho họ: thực thi chính sách bỏ ghế trống hoặc ngược lại, can thiệp vào các cuộc tranh luận để tìm cách kiềm chế một quá trình đã bị cáo buộc, kể từ hôm thứ năm, bởi chính tổng thống của họ.
Washington sẽ không còn đảm nhận vai trò lãnh đạo mà họ đã chia sẻ với Bắc Kinh trong nhiều năm qua. Việc phân chia lại các quân bài ngoại giao khí hậu đã không phải chờ đợi lâu, bởi một hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc đã được tổ chức vào hôm Thứ sáu 2 tháng 6 bằng một cam kết của cả hai bên trong việc làm giảm phần sản xuất năng lượng hóa thạch và làm việc hướng tới việc xuất chi 100 tỷ US$ mỗi năm từ nay đến năm 2020 để giúp đỡ những nước dễ bị tổn thương nhất. Pháp và đặc biệt Đức, nước chủ nhà của G20 vào tháng 7 và của COP23 vào tháng 11, dường như cũng đã sẵn sàng để duy trì động thái đã được khởi động vào cuối năm 2015.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
----
Những bài liên quan trên Phân tích kinh tế: Biến đổi khí hậu.
Print Friendly and PDF