19.10.17

Richard Thaler: Giải thưởng về Kinh tế học để tưởng nhớ Nobel năm 2017

RICHARD THALER: GIẢI THƯỞNG VỀ KINH TẾ HỌC ĐỂ TƯNG NHỚ NOBEL NĂM 2017
Timothy Taylor
Giải thưởng Sveriges Riksbank về Kinh tế học để tưởng nhớ Alfred Nobel năm 2017 đã được trao cho Richard Thaler “vì những đóng góp cho kinh tế học hành vi”. Kinh tế học hành vi là gì và tại sao nó xứng đáng với giải thưởng này? Ủy ban Nobel cung cấp một số tài liệu hữu ích để giải đáp cho những câu hỏi trên, bao gồm một tiểu luận ngắn, dễ hiểu dưới dạng “thông tin cho đại chúng”, “Easy money or a golden pension? Integrating economics and psychology“ (Tiền dễ vay hay trợ cấp vàng? Tích hợp kinh tế học và tâm lí học) và một tiểu luận dài dưới dạng “thông tin chuyên môn”, đào sâu hơn về kinh tế học “Richard H. Thaler: Integrating Economics with Psychology“ (Richard H.Thaler: Tích hợp Kinh tế học với Tâm lí học).
Ủy ban Nobel viết rằng: “Richard Thaler đã góp phần mở rộng và cải tiến việc phân tích kinh tế bằng cách xem xét ba đặc điểm tâm lí có ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế một cách hệ thống – đó là tính duy lí hạn chế (limited rationality), nhận thức về sự công bằng (perceptions about fairness), và sự thiếu khả năng tự kiểm soát (lack of self-control)”. Bây giờ tôi sẽ giải thích ngắn gọn về từng thuật ngữ này và về bức tranh tổng thể của kinh tế học hành vi.
Là một ví dụ về tính duy lí hạn chế, hãy xem xét một câu hỏi khảo sát từ một trong những công trình nghiên cứu của Thaler.
“(a) Giả sử bạn đã tiếp xúc với một căn bệnh mà nếu mắc phải sẽ dẫn bạn đến cái chết nhanh chóng và không đau đớn trong vòng một tuần. Xác suất mắc bệnh của bạn là 0,001. Mức tiền tối đa mà bạn sẽ sẵn sàng trả để chữa trị là bao nhiêu?
(b) Giả sử việc nghiên cứu về căn bệnh trên cần đến những tình nguyện viên. Tất cả những gì người ta yêu cầu là bạn tự mình phơi bày để nhiễm bệnh với xác suất là 0,001. Mức tối thiểu mà bạn sẽ yêu cầu để làm tình nguyện viên cho chương trình này là gì? (Bạn sẽ không được phép bỏ tiền mua liệu pháp chữa trị).”
Lưu ý rằng trong cả (a) và (b), bạn được yêu cầu định một giá trị bằng tiền khi phải đối mặt với xác suất chết là 0,001. Tuy nhiên, đối với những người tham gia cuộc khảo sát vào năm 1980, một câu trả lời chung cho câu hỏi (a) là 200 đô la, trong khi câu trả lời chung cho câu hỏi (b) là 10.000 đô la. Nhưng các kịch bản đều được thiết kế khác nhau, và Thaler thường cho thấy bản thân mình đang đào sâu vào “các hiệu ứng khung” (framing effects). Ông đề cập đến một ví dụ về “hiệu ứng sở hữu” (endowment effect), tức là khi bạn có một cái gì đó, bạn có xu hướng chọn một mức giá khác so với khi bạn không có thứ đó. Nếu bạn đang bán nhà riêng của mình, bạn yêu cầu một mức giá bán cao hơn so với khi bạn đưa ra mức giá để mua một ngôi nhà về cơ bản là tương tự.
“Kế toán cảm tính” (mental accounting) là một ví dụ khác về tính duy lí hạn chế. “Một ví dụ là có bao nhiêu người phân chia ngân sách gia đình của họ thành một tài khoản cho các hóa đơn gia đình, một tài khoản khác dành cho các ngày nghỉ lễ ... với các quy tắc ngăn cản việc sử dụng tiền từ một tài khoản này để trả tiền cho tài khoản khác.” Ví dụ, có thể mọi người đều có cả một tài khoản tiết kiệm – nơi họ nhận được mức lãi suất thấp – lẫn một thẻ tín dụng được quyền có thiếu hụt, trên đó họ đang phải trả nợ với một lãi suất cao. Tuy nhiên, họ lại không sử dụng tài khoản tiết kiệm để thanh toán nợ của thẻ tín dụng, bởi một “tài khoản tiết kiệm” trong tâm trí của họ tách biệt với chi tiêu tiêu dùng. Và tất nhiên, sự tách biệt này có thể là điều tốt, nếu nó giúp mọi người ép mình vào kỉ luật để trả hết nợ của thẻ tín dụng mà không bỏ đi khoản tiết kiệm của mình.
Trong một ví dụ nổi tiếng khác về kế toán cảm tính, những người lái taxi ở thành phố New York (Mỹ) dường như nghĩ rằng mỗi ngày làm việc là một tài khoản tâm lí (mental account) riêng biệt, với mục tiêu là cố gắng kiếm được một khoản tiền mỗi ngày. Do đó, trong những ngày có cầu [tức lượng khách đi taxi] cao, người lái taxi đạt được mục tiêu thu nhập hàng ngày sớm hơn và nhanh hơn, trong khi những ngày có cầu [tức là lượng khách đi taxi] thấp, người lái taxi phải làm việc lâu hơn. “Nói cách khác, mỗi ngày làm việc dường như tương ứng với một tài khoản tâm lí riêng biệt. Do đó, người lái xe làm ít hơn vào những ngày có cầu cao và làm nhiều hơn vào những ngày có cầu thấp, đó là điều trái ngược với những gì mà lí thuyết kinh tế học chuẩn đã dự đoán.”
Về tầm quan trọng của nhận thức về sự công bằng trong các giao dịch kinh tế, có một số bằng chứng chỉ ra rằng nếu người lao động cảm thấy rằng họ được trả lương thấp không công bằng, thì động lực của họ có thể suy giảm theo cách trả lương này, từ đó làm giảm năng suất của họ. Những cơn bão gần đây ở Texas, Florida và vùng biển Caribbean đã đưa ra một ví dụ về nhận thức về sự công bằng trong thị trường tiêu dùng: liệu các cửa hàng có nên tăng giá các mặt hàng có cầu cao trong thiên tai hay không? Tất nhiên, phân tích kinh tế cho thấy tính hai mặt của những vấn đề này. Những người lao động không có động lực sẽ có năng suất thấp là một vấn đề, nhưng trong một số trường hợp, công ty nào không thể hạn chế hoặc cắt giảm lương thì thay vào đó sẽ sa thải một lượng lớn người lao động hoặc thậm chí phá sản. Việc bán với mức giá cao hơn trong thời điểm cơn bão hoành hành có thể là không công bằng, nhưng nếu bán giá thấp có nghĩa là làn sóng đầu tiên của những người mua sẽ hoàn toàn làm trống các kệ hàng, không để lại gì cho những người đến sau, thì đó cũng lại là một vấn đề nữa. Như Ủy ban Nobel đã viết:
Các thí nghiệm quy mô lớn được Richard Thaler và các nhà kinh tế học hành vi khác tiến hành đã chỉ ra rằng ý niệm về sự công bằng đóng vai trò lớn trong việc ra quyết định. Con người được chuẩn bị để cố dằn lòng mình lại trước các lợi ích vật chất để duy trì cái mà họ nhận thấy đó là sự phân phối công bằng. Họ cũng sẵn sàng chịu thiệt để trừng phạt những người vi phạm các nguyên tắc công bằng cơ bản, không chỉ những lúc chính bản thân họ chịu tác động mà còn những lúc họ thấy ai đó chịu tác động bởi sự bất công.
Về vấn đề tự kiểm soát, “chúng ta được đánh giá qua những cám dỗ ngắn hạn làm ảnh hưởng đến phúc lợi (well-being) lâu dài. Đấy có thể là thức ăn, nước uống, chuyện hút thuốc, sự tiêu dùng, các khoản tiết kiệm cho tương lai, hoặc kế hoạch nghỉ hưu. Một người chọn một chương trình giáo dục dài hơn thì có thu nhập thấp hơn trong quá trình học tập của họ, nhưng họ mong đợi những lợi ích [lớn hơn] trong tương lai.” Vì thế, những người duy lí vốn biết rằng mình có khả năng tự kiểm soát yếu thì có thể cố gắng cam kết hành động mà họ biết khi làm được như thế nó sẽ làm họ hạnh phúc hơn trong tương lai. Việc đăng kí và trả trước cho một lớp tập thể dục hoặc một chương trình ăn kiêng là những ví dụ (nghĩ cho cùng, nếu bạn cần tập thể dục hoặc chế độ ăn kiêng, tại sao không tự làm điều đó cho riêng mình?).
Nhưng có lẽ ví dụ nổi tiếng nhất về công trình của Thaler về tự kiểm soát là tiết kiệm hưu trí. Nhiều người không tiết kiệm đủ nhằm khi nghỉ hưu; những người đã bỏ ra một khoản chi quá nhiều, nhiều người giữ một phần lớn tài sản của họ dưới một dạng gì đó an toàn nhưng có lợi nhuận rất thấp, thay vì nhận ra rằng một người tiết kiệm với một quan điểm dài hạn có lẽ sẽ đặt tiền vào thị trường chứng khoán – bởi trong một thời gian dài vài thập kỉ họ rất có khả năng tiến lên phía trước. Để thay đổi hành vi, hãy xem xét một chính sách thay vì để mọi người tự cứu mình, họ sẽ tự động tham gia vào chương trình tiết kiệm, trong đó tiền được đầu tư vào một quỹ về chỉ số thị trường chứng khoán. Bất cứ ai muốn chọn không tham gia chương trình sẽ được phép làm như vậy! Nhưng bằng chứng cho thấy chắc chắn rằng hầu hết mọi người sẽ dính chặt vào kế hoạch tiết kiệm tự động, và sau này vào cuối đời sẽ cảm thấy rất hài lòng rằng mình đã làm như vậy.
Thaler và một đồng nghiệp đã thúc đẩy kế hoạch “Save More Tomorrow” [Tiết kiệm Nhiều hơn cho Ngày mai] (SMART), mà một khi đăng kí, sự đóng góp của bạn vào khoản tiết kiệm hưu trí sẽ tăng dần theo từng năm. Ví dụ, kế hoạch có thể chỉ ra rằng khi thu nhập của bạn tăng, thì một nửa sự gia tăng này sẽ được tiết kiệm thêm, cho đến khi mức tiết kiệm của bạn đã tăng lên mức mong muốn.
Cả kinh tế học hành vi lẫn sự tương tác của tâm lí học và kinh tế học đều đã cung cấp nhiều sự hiểu biết sâu sắc trên nhiều lĩnh vực kinh tế học trong nhiều thập kỉ. Thật vậy, một số tiết lộ ban đầu về các công trình của Thaler được ông trình bày trong các bài viết vào cuối những năm 1980 và vào những năm 1990 cho tờ Journal of Economic Perspectives (Tạp chí về các Quan điểm Kinh tế học), nơi tôi điều hành Ban Biên tập. Ủy ban Nobel thậm chí còn ghi nhận điều này cho JEP khi đề cập đến “chuỗi Anomalies [Những điều bất thường] nổi tiếng” trên tờ Journal of Economic Perspectives. Sự tồn tại của các hiệu ứng hành vi trong kinh tế học đã được xác lập từ lâu, và nghiên cứu trong lĩnh vực này cũng đã gợi mở một số vấn đề về bức tranh lớn đang diễn ra.
Cass Sunstein (1954-)

Ví dụ đầu tiên, chủ đề kinh tế học đã cung cấp một chiến trường giữa những người nhấn mạnh lợi thế của các lực của thị trường và những người đáp trả có những tình huống mà sự can thiệp của chính phủ dường như có ích. Thoạt nhìn có vẻ rằng kinh tế học hành vi sẽ tạo ra một động lực đáng kể cho những người biện hộ để bổ sung cho sự can thiệp của chính phủ, nhằm mục đích giúp mọi người đạt được điều họ thực sự muốn – nếu họ không phải vật lộn với các vấn đề về tự kiểm soát, kế toán cảm tính, hiệu ứng sở hữu, và các vấn đề khác. Trong một cuốn sách vào năm 2008 có tên gọi là Nudge: Improving Decisions About Health, Wealth, and Happiness (Cú hích: Cải thiện các quyết định về Sức khoẻ, Sự giàu có và Hạnh phúc), cả hai tác giả Thaler và Cass Sunstein đều đã thảo luận về những khả năng này. Trong những nghiên cứu trước đây, họ đã đề cập đến triết lí về “chủ nghĩa gia trưởng tự do” (libertarian paternalism), có thể giống như một phép nghịch ngữ (oxymoron), nhưng đề cập đến một chính sách suy nghĩ nghiêm túc về các lựa chọn mặc định và thông tin sẽ được cung cấp cho người dân – và sau đó để mọi người tự làm theo tâm trí của riêng mình.
Nhưng những hiểu biết của kinh tế học hành vi – như tính duy lí hạn chế và sự thiếu khả năng tự kiểm soát – còn được áp dụng mạnh mẽ như thế vào hành động của các nhà lập pháp, nhà quản lí và chính trị gia. Ví dụ, tôi đã viết về một nghiên cứu về sự thiên lệch trong hành vi của các chuyên gia về phát triển trong Focusing Behavioral Economics on Development Professionals“ [Tập trung vào Kinh tế học Hành vi về các Chuyên gia Phát triển] (ngày 10 tháng 12 năm 2014). Trong “Who Will Nudge the Nudgers?“ [Ai sẽ hích những người thực hiện cú hích?] (ngày 21 tháng 7 năm 2015), tôi lập luận rằng những thiên lệch về hướng chưa hợp lí thậm chí còn phổ biến trong các nhà hoạch định chính sách của chính phủ. Cass Sunstein, một người cùng đứng tên đồng tác giả thường xuyên với Thaler, đã đưa ra những điểm tương tự. Trường hợp này, trong đó kinh tế học hành vi nên dẫn ta tới việc suy nghĩ lại rất nhiều về chính sách của chính phủ, là trường hợp dễ thực hiện; trường hợp mà nó phải dẫn đến một mức độ can thiệp vào thị trường lớn hơn thì còn xa mới được chứng minh.
Một chủ đề lớn thứ hai là trong khi tâm lí học và kinh tế học hành vi thường tập trung vào việc ra quyết định của các cá nhân thì lĩnh vực kinh tế học thường xem xét các kết quả khi các cá nhân tương tác trên thị trường, hai điều này có thể khá khác nhau. Ví dụ, hãy xem xét một người vì lí do tâm lí và hành vi nào đó sẽ sẵn sàng trả gấp 3 lần so với giá thị trường đối với bất kì thực phẩm nào được dán nhãn là “không có chất béo”. Nếu tiến hành nghiên cứu, ta có thể tìm thấy một vài người như vậy. Nhưng đối với các nhà kinh tế học, điểm chính là chỉ vì những người như vậy sẽ sẵn sàng trả gấp 3 lần giá thị trường không có nghĩa là họ phải làm như vậy; Thay vào đó, những người như thế chỉ có thể trả theo giá thị trường, như bao người khác. Nói cách khác, các lực của thị trường do sự tương tác với quy mô lớn giữa người mua và người bán sẽ trong một số trường hợp làm cho những thiên hướng về hành vi trở nên ít xác đáng. Một lĩnh vực hoạt động tích cực về nghiên cứu xem xét các thị trường có sự tham gia của một số người ứng xử theo kinh tế học hành vi và một số người ứng xử một cách duy lí, và xem xét những gì sẽ xảy ra.
Cuối cùng, trong nhiều trường hợp, sự ảnh hưởng của kinh tế học hành vi là có ý nghĩa, nhưng không lớn. Ví dụ, hãy xem xét vấn đề mà nhiều người mua bảo hành dịch vụ mở rộng trên các thiết bị lớn như tủ lạnh hoặc máy giặt. Nhìn hạn hẹp như là chính sách bảo hiểm, đây thường là một thỏa thuận xấu, nhưng người ta đang trả tiền cho sự an tâm và để giảm bớt nỗi sợ hãi của người mua phải hối tiếc sau này. Hiện tượng này rất thú vị, nhưng nó tương đối nhỏ. Tương tự như vậy, hãy quan sát để thấy rằng các cửa hàng bán lẻ hoặc trạm xăng có nhiều khả năng trưng bảng “giảm giá khi trả tiền mặt” hơn là bảng “phụ thu khi trả bằng thẻ tín dụng” là một ứng dụng thú vị của tâm lí học ứng dụng, nhưng có lẽ điều này không có ảnh hưởng lớn đến số lượng hoặc giá xăng trên toàn thị trường. Nhiều hiểu biết của kinh tế học hành vi có thể được xem như một cảnh báo hữu ích để cảnh giác về cách thức lựa chọn và thông tin được đóng khung và trình bày, về cách thức mà marketing đang cố gắng ảnh hưởng đến hành vi của bạn.
Timothy Taylor
Đến thời điểm này, “ứng dụng sát thủ” (killer app) của kinh tế học hành vi – nghĩa là lĩnh vực kinh tế nơi mà những hiệu ứng này đặc biệt lớn và có ý nghĩa – là những thiết lập trong thị trường tài chính, như người ta tiết kiệm bao nhiêu, vì sao thiên hạ tiết kiệm, hình thức tiết kiệm và cách thức thị trường tài chính có thể đôi khi hành động một cách phi lí. Nhưng các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm các ứng dụng sát thủ khác cho kinh tế học hành vi, và tôi sẽ không ngạc nhiên nếu những ứng dụng khác xuất đầu lộ diện theo thời gian.
Những người theo dõi blog này sẽ thấy hơi quen thuộc với Thaler và công trình của ông. Ví dụ, các cuộc phỏng vấn với Thaler và một trong những bài nói chuyện của ông đã được thảo luận tại đây:
     Richard Thaler về Kinh tế học hành vi“ (ngày 28 tháng 10 năm 2013)
     Phỏng vấn Richard Thaler: Bàn thêm về Kinh tế học Hành vi“ (ngày 2 tháng 2 năm 2016)
     Hai bài phát biểu về kinh tế học hành vi“ (ngày 26 tháng 1 năm 2016)
Nguyễn Việt Anh dịch
Nguồn: Richard Thaler: The 2017 Nobel Prize in Economics, Conversable Economist, Oct.9 2017.
Print Friendly and PDF