18.10.17

Richard Thaler: làm thế nào để thay đổi tư duy và gây ảnh hưởng đến người khác



RICHARD THALER: LÀM THẾ NÀO ĐỂ THAY ĐỔI TƯ DUY VÀ GÂY ẢNH HƯỞNG ĐẾN NGƯỜI KHÁC
Câu chuyện về việc làm thế nào một người 'lười biếng' đã được trao giải thưởng Nobel cũng quan trọng như việc vì sao ông giành được giải thưởng ấy
Tim Harford
Điều tốt nhất về Thaler, những gì thực sự làm cho ông trở nên đặc biệt, đó là việc ông là người lười biếng.” Daniel Kahneman, người được trao giải thưởng về kinh tế học năm 2002 để tưởng nhớ Nobel, đã nói như vậy. Giáo sư Kahneman nói về Richard Thaler, người đã lặp lại thành tích này 15 năm sau đó. Người hướng dẫn luận án của Thaler, nhà kinh tế học Sherwin Rosen, nói điều đó theo cách khác: “Chúng tôi không mong đợi gì nhiều ở ông ấy.”
Câu chuyện về về việc làm thế nào một người ‘lười biếng’ và không nhiều triển vọng đã được trao giải thưởng Nobel cũng quan trọng như việc vì sao ông giành được giải thưởng ấy. Thông báo của ủy ban Nobel đã công nhận Giáo sư Thaler “vì những đóng góp của ông cho kinh tế học hành vi”. Nhưng có một cách khác để mô tả cách thức ông định hình lại kinh tế học: ông thuyết phục một nhóm rộng lớn những người thành công bằng một thế giới quan mạnh mẽ để thay đổi tư duy của họ.
Tư duy đó là gì? Đơn giản hoá một cách thái quá, điều đó có nghĩa rằng tất cả chúng ta đều là những người tối ưu hóa duy lý giống như nhân vật Spock [trong bộ phim truyền hình Star Trek], có khả năng ngay lập tức đánh đổi rủi ro và khen thưởng, cân bằng lại một kế hoạch chi tiêu khi đối mặt với sự thay đổi giá cả, và chống lại những cám dỗ như bánh brownies sô-cô-la hoặc những khoản cho vay nóng.
Tất nhiên, không có nhà kinh tế học nào tin vào điều trên. Nhưng trong nhiều thập kỷ qua, hầu hết các nhà kinh tế học đều tin rằng những sai biệt với thế giới của Spock đủ nhỏ, đủ hiếm và đủ ngẫu nhiên để có thể bỏ qua chúng. Con người không giống như Spock, nhưng khi xây dựng các mô hình kinh tế và trình bày các chính sách kinh tế, chúng ta có thể xử lí con người như thể họ là Spock.
Cách tiếp cận này không ngớ ngẩn như nó có vẻ. Nó có tính linh hoạt, mạnh mẽ và nhất quán. Nó thường đủ gần với thực tế để có thể hữu ích. Giáo sư Thaler đã nói với tôi: “Nếu ông muốn có một lý thuyết thống nhất về hành vi kinh tế, thì ông sẽ làm không tốt hơn mô hình tân cổ điển.”
Maurice Allais (1911-2010)
Thomas Schelling (1921-)
Tuy nhiên, sức mạnh của cách tiếp cận tân cổ điển khiến thách thức trở nên khó khăn hơn. Giáo sư Thaler không phải là người đoạt giải Nobel đầu tiên nghiên cứu bên ngoài mô thức đó – trong số đó có Maurice Allais, Herb Simon và Thomas Schelling. Tuy nhiên, tất cả những người này, cho dù được ngưỡng mộ, đều không tìm cách làm chệch tư tưởng kinh tế dòng chính vượt ra ngoài kênh tối ưu hóa duy lý cũ rích. Chính Giáo sư Thaler là người đã thay đổi các chuẩn mực về cách thức kinh tế học được thực hành như thế nào, cả trong giới hàn lâm cũng như trong lĩnh vực chính sách.
Giờ đây, kinh tế học hành vi được tôn trọng từ chuyên san kinh tế American Economic Review đến Ngân hàng Thế giới. Cho dù bạn có cho rằng kinh tế học hành vi có quan trọng hay không, thì đây vẫn là một trường hợp đáng nghiên cứu như là một kì công trong việc thuyết phục con người thay đổi tư duy.
Herbert A. Simon (1916-2001)
Vậy thì ông ấy đã làm như thế nào? Tất cả chúng ta đều có thể làm với hiểu biết của mình, bởi vì thế giới này đầy rẫy những người có đầu óc ngoan cố, những người cần được thuyết phục để thay đổi quan điểm của họ về những điều quan trọng.
Một phần của câu chuyện đơn giản là sự kiên trì: Bài viết khoa học của Giáo sư Thaler về kinh tế học hành vi đã được xuất bản vào năm 1980; ông đã ủng hộ mạnh mẽ kinh tế học hành vi trong một thời gian dài.
Điều quan trọng hơn là giáo sư Thaler hiểu rõ những gì ông phê phán. Thật quá dễ cho mọi người công kích những người mà mình bất đồng, dựa trên ý tưởng mơ hồ nhất về những gì họ suy nghĩ và lý do vì sao họ suy nghĩ như thế. Nhưng ông nắm bắt được, một cách hoàn hảo, lý do vì sao các đồng nghiệp kinh tế của ông chấp nhận tính duy lý, và những lập luận (tốt và xấu) họ đã sử dụng để bảo vệ điều đó. Giáo sư Thaler đã đấu tranh, một cách thẳng thắn và cẩn thận, với kinh tế học dòng chính.
Kỹ thuật thứ ba của ông là nhìn vào sự kiệnkhông chỉ là những số liệu thống kê tài tình, mà cả những sự kiện hàng ngày về sự tồn tại của con người. Chúng ta thấy khó cưỡng lại với các thức ăn chơi. Chúng ta chia tiền ra thành nhiều tài khoản cảm tính riêng biệt – tiền cho những ngày mưa bão [không đi làm], tiền để vui chơi giải trí, tiền ăn, tiền quần áo. Nếu tìm thấy một chai rượu cũ trong phòng áp mái, chúng ta có thể từ chối bán nó với giá hàng trăm pounds, mặc dù chúng ta không mơ chi ra một số tiền lớn bằng ba con số để mua bất cứ chai rượu nào. An tâm với sự tán thành về những sự kiện này, sau đó ông chuyển sang lập luận rằng chúng có thể có tầm quan trọng nào đó.
Cuối cùng, Giáo sư Thaler quan tâm đến cảm giác tò mò của con người. Loạt bài viết nhiều tập của ông “Anomalies [Những điều bất thường]”, được xuất bản trên chuyên san nghiên cứu học thuật có nhiều độc giả Journal of Economic Perspectives, thường bắt đầu bằng một câu đố – một số hành vi hoặc mô thức trong những dữ liệu mà không hề có ý nghĩa gì từ quan điểm của kinh tế học dòng chính. Sau đó, ông khảo sát câu đố, mở rộng nó, và xem xét giải pháp có thể.
Các nhà kinh tế học sẽ bàn luận về những điều bất thường này trong căng-tin của khoa. Theo lời mời của Giáo sư Thaler, họ sẽ gửi những ý kiến ​​riêng của mình. Thay vì nói với những người phản đối mình rằng họ đã sai, Giáo sư Thaler đã đưa ra một câu hỏi hóc búa và mời mọi người cùng thảo luận. Một trong những người phê phán ông, nhà kinh tế học vĩ đại Merton Miller của Đại học Chicago, đã hạ giọng khi phàn nàn rằng những điều bất thường của Giáo sư Thaler là một sự phân tâm khỏi sự mô hình hóa nghiêm túc, bởi vì chúng đơn giản quá thú vị.
Daniel Kahneman (1934-)
Merton H. Miller (1923-2000)
Điều này đưa chúng ta trở lại với tính lười biếng của ông. Giáo sư Kahneman cho rằng tính lười biếng của Giáo sư Thaler đã làm cho ông trở nên “đặc biệt” bởi vì điều đó có nghĩa là ông ta có thể chỉ quan tâm nghiên cứu những vấn đề hấp dẫn nhất mà thôi.
Có lẽ đúng. Nhưng có lẽ sự thật là tính lười biếng đó không có gì đặc biệt cả. Giáo sư Thaler cho rằng hầu hết chúng ta đều lười biếng. Hầu hết chúng ta không muốn suy nghĩ sâu về những niềm tin của mình, hoặc về những thách thức đối với các niềm tin đó. Giải pháp của ông là đảm bảo rằng những thách thức đó đơn giản là quá hấp dẫn để bỏ qua.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF