17.12.17

Các thiên đường thuế, một vấn đề có tính hệ thống

CÁC THIÊN ĐƯỜNG THUẾ: MỘT VẤN ĐỀ CÓ TÍNH HỆ THỐNG

Công ty tín dụng tại Saint Helier, Jersey. Ảnh: O. SAINT-HILAIRE / HAYTHAM-REA
Hết tiết lộ này đến tiết lộ khác, các thiên đường thuế xuất hiện với bản chất thật của chúng: một cơ sở hạ tầng then chốt của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Đó là những gì, một lần nữa, vừa được Hồ sơ Paradisemột cuộc điều tra mới do Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tiến hành chứng minh. Ở một cấp độ cao hơn những người giàu có và nổi tiếng, toàn cầu hoá không thể hoạt động mà không có những lãnh thổ này, đây là những gì mà cuộc thám hiểm mới này về các kênh [kinh doanh] thiếu minh bạch trên thế giới cho thấy.

Một cuộc điều tra quốc tế mới

Trước một ngành tài chính mang tính toàn cầu hóa, giới báo chí điều tra biết làm thế nào để tập trung các nguồn lực (huy động 96 cơ quan truyền thông ở 67 quốc gia) để cung cấp cho chúng ta một cuộc điều tra mới về những thực hành đáng ngờ nghĩa vụ thuế của các cá nhân và các doanh nghiệp. Lần này, đó là thông qua một phân tích hành vi các chuyên gia của công ty luật Appleby, nhà cung cấp quốc tế về dịch vụ thuế trong hơn một thế kỷ qua. Bổ sung thêm vào đó là các dữ liệu từ một công ty luật nhỏ hơn của Singapore, tập đoàn Asiaciti, cũng như các sổ sách đăng ký thành lập công ty bí mật tại khoảng hai mươi thiên đường thuế.
Là biểu tượng của sự thiếu minh bạch [trong con mắt] của khách hàng, các phóng viên điều tra của báo Le Monde đã gặp rất nhiều khó khăn để định vị trụ sở chính của công ty [Appleby], nằm khuất giữa Bermuda, Jersey và quần đảo Man! Những yếu tố đầu tiên được tiết lộ từ cuộc điều tra làm nổi bật những hành vi che giấu của nhiều nhân vật quan trọng trong nhóm người thân cận của các tổng thống Mỹ và Nga, của Thủ tướng Canada (và các cựu chính trị gia của nước này) cũng như của các nhà lãnh đạo chính trị ở nhiều nước mới nổi (Brazil, Mexico, Ấn Độ, Indonesia ...).
Là biểu tượng của sự thiếu minh bạch [trong con mắt] của khách hàng, trụ sở chính của công ty [Appleby], nằm khuất giữa Bermuda, Jersey và quần đảo Man!
Trong khi chờ đợi những thông tin khác liên quan đến các doanh nghiệp: báo Le Monde hứa tiết lộ nhiều điều về các tập đoàn đa quốc gia của Pháp, ICIJ gợi lên tên của những ngân hàng lớn (Barclays, Goldman Sachs, BNP Paribas) trong số các khách hàng của Appleby và làm nổi bật tên của Nike hoặc của Glencore, công ty kinh doanh nguyên liệu thô, trong số những khách hàng sử dụng các dịch vụ của công ty luật này. Đồng thời còn có tên của công ty Apple, một điều chắc chắn sẽ làm cho Ủy ban châu Âu quan tâm trong cuộc chiến gay cấn chống lại việc tối ưu hóa thuế được công ty này triển khai.
Việc giải mã 13,6 triệu tài liệu được thu thập không cho chúng ta biết thêm được điều gì mới về hoạt động của thế giới các thiên đường thuế. Nhưng nó cho phép, một lần nữa, khẳng định ba kết quả quan trọng.

Một hiện tượng có quy mô rộng lớn

Quy mô rộng lớn của các thông tin thu thập được, sau các thông tin của những lần rò rỉ trước, nhấn mạnh đến việc tạo ra một mức độ thiếu minh bạch diễn ra trên quy mô công nghiệp. Các thiên đường thuế không chỉ phục vụ cho một thiểu số rất nhỏ những người siêu giàu và một số ít các tập đoàn đa quốc gia: một phần đáng kể của lưu lượng vốn quốc tế chảy qua các thiên đường thuế.
Về phía các cá nhân, các ước tính của Tax Justice Network [Mạng lưới công bằng thuế khóa], một tổ chức phi chính phủ (ONG) quốc tế có trụ sở tại London, hợp nhất toàn bộ các phong trào trên thế giới quan tâm đến các chủ đề này, tiết lộ con số 26.000 tỷ US$ được cất giữ ở các thiên đường thuế, trong khi theo các ước tính khác thì con số này là từ 10.000 đến 12.000 tỷ US$.
Các số tiền đó dù sao đi nữa cũng rất đáng kể. Và những hành vi vượt xa các nhà tỷ phú. Người ta có thể nhìn thấy điều này qua các vụ rò rỉ thông tin Swissleaks, Hồ sơ Panama và Hồ sơ Paradise. Trong số các khách hàng, có những ông chủ chuẩn bị nghỉ hưu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), những nhà quản lý cao cấp của các tập đoàn đa quốc gia lớn, những nhà buôn nhỏ, những người hành nghề tự do, những chuyên gia tư vấn... và thậm chí cả một vài vị giám mục (một nhà tu người Mêhicô trong Hồ sơ Paradise), những người đã tìm được cánh cửa của thiên đường nhanh hơn một chút! Những người có thu nhập rất cao, nhưng không nhất thiết là những nhà tỷ phú. Với cái giá nào?
Số tiền được cất giữ ở các thiên đường thuế và các khoản doanh thu thuế bị thất thoát là rất đáng kể.
Gabriel Zucman (1986-)
Pascal Saint-Amans (1967-)
Các con số ước tính, theo bản chất, mang tính chủ quan. Báo Le Monde dẫn con số ước tính của nhà kinh tế học người Pháp Gabriel Zucman: 350 tỷ US$ doanh thu thuế bị thất thoát mỗi năm trên toàn thế giới (120 tỷ US$ ở các nước trong Liên minh châu Âu, 20 tỷ US$ ở Pháp) từ thực tiễn các thực hành của các cá nhân và doanh nghiệp. Vị học giả này, một cách xác đáng không muốn nói vống lên thêm, chỉ ra rằng thường ông rất thận trọng với các con số ước tính của mình và các con số đó tương ứng với ngưỡng dưới của ước tính.
OECD [Organization for Economic Co-operation and Development – Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế] đã đưa ra một con số ước tính, vào tháng 10 năm 2015, tiền thuế doanh nghiệp bị thất thoát trên thế giới, từ 100 đến 240 tỷ US$ (từ 4 đến 10trên tổng tiền thuế). Nhưng Pascal Saint-Amans, nhà đàm phán chính về các chủ đề này, nhấn mạnh đến một lựa chọn các giả thuyết có tính rất bảo thủ”, một con số ước tính phi chính thức của định chế, chỉ vài tháng trước, cho thấy một con số gần 500 hoặc 600 tỷ US$, hay một phần tư tổng tiền thuế doanh nghiệp. Một nghiên cứu gần đây của Liên Hiệp Quốc đã xác nhận tầm quan trọng của các con số ước tính này ở mức 500 tỷ US$, chỉ tính riêng đối với các doanh nghiệp.

Một cơ sở hạ tầng then chốt của toàn cầu hoá

Đặc biệt, tất cả các dữ liệu đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các thiên đường thuế trong lòng các chiến lược của các doanh nghiệp. Trong khi chờ đợi những tiết lộ sắp tới, người ta có thể, ví dụ, nhắc lại rằng ba quốc gia hàng đầu của các điểm đến của khối đầu tư nước ngoài của các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ là Hà Lan, Vương quốc Anh và Luxembourg.
Các thiên đường thuế nhân rộng các giao dịch tưởng tượng giữa các tập đoàn đa quốc gia với nhau và giữa các công ty con của họ với nhau. 
Một phần ba các lợi nhuận thu từ quốc tế của các ngân hàng Pháp nằm ở các thiên đường thuế. Và, theo các dữ liệu của Ngân hàng Trung ương của Pháp [Banque de France], khi trừ ra các giao dịch giả tạo gắn với các thiên đường thuế, thì nguồn vốn đầu tư nước ngoài ở Pháp thấp hơn một phần ba so với các dữ liệu thường được bình luận, trong khi nguồn vốn đầu tư nước ngoài của các công ty Pháp thấp hơn một phần tư.
Các thiên đường thuế nhân rộng các giao dịch giả tạo giữa các tập đoàn đa quốc gia với nhau và giữa các công ty con của họ với nhau, và điều này dẫn đến ba hậu quả: các thiên đường thuế góp phần vào việc đánh giá quá cao sự toàn cầu hóa; chúng dựng lên một địa dư sai lạc các luồng vốn đầu tư nước ngoài; chúng được sử dụng để lách luật pháp (về mặt thuế khoá và quy định).

Vai trò then chốt của các bên trung gian

Sau công ty luật Mossack Fonseca, một công ty luật khác cũng nằm ở trung tâm của những tiết lộ mới. Nếu không có các bên trung gian này giữa khách hàng và các thiên đường thuế, thì các thiên đường thuế không thể hoạt động.
Trong thực tế, các bên trung gian này phục vụ cho ba việc: làm cho tiền biến mất, tránh bị bắt [vi phạm luật], làm cho tiền sinh sôi nẩy nở. Để làm cho tiền biến mất, họ tập hợp và cung cấp cho khách hàng những kĩ năng của các nhà kế toán, các nhà tài chính, các chuyên gia thuế vụ. Để tránh bị bắt, họ nhân rộng các tầng lớp thiếu minh bạch, từ đó mà họ hiện diện trong rất nhiều thiên đường thuế. Cuối cùng, tiền được “che giấu” ở các thiên đường thuế không tồn tại ở đó: tiền đó được đầu tư vào các thị trường tài chính quốc tế lớn để nó có thể sinh lợi.
Các bên trung gian này phục vụ cho ba việc: làm cho tiền biến mất, tránh bị bắt [vi phạm luật], làm cho tiền sinh sôi nẩy nở.
Thử lấy ví dụ của Apple. Bloomberg ước tính rằng, từ giữa năm 2012 đến năm 2016, chính phủ Hoa Kỳ đã trả cho Apple 600 triệu US$ lợi tức, trong đó 22% tiền đệm tài chính hải ngoại được đầu tư dưới dạng chứng khoán nợ công của Mỹ. Công ty truyền thông này của Mỹ cũng phát hiện thực tế là với 58% tiền thuế tiết kiệm được được đầu tư vào các trái phiếu doanh nghiệp, thì Blaeburn Capital, chi nhánh tài chính của công ty Apple, giờ đây là công ty đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới!
Qua trường hợp này, người ta có thể hiểu được rằng khi nói đồng tiền được che giấu ở các thiên đường thuế, điều đó có nghĩa là đồng tiền đó được đăng ký chính thức ở các thiên đường thuế nhưng không tồn tại ở đó: nó được đầu tư vào các thị trường nợ công và nợ quốc tế lớn, nhờ vào các dịch vụ của những chuyên gia pháp lý và số liệu.
Apple là công ty đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới!
Margaret Hodge (1944- )
Liệu các thực hành này có hợp pháp không? Chúng có thể hợp pháp. Nhưng nếu các bên trung gian này trở thành những chuyên gia về tính thiếu minh bạch, và nếu các khách hàng của họ chi trả cho các dịch vụ của họ, thì đó rõ ràng là để che giấu các nguồn thu nhập và né tránh các ràng buộc về thuế và quy định pháp luật.
Trong nhiều trường hợp, tính hợp pháp của các công cụ đã không được kiểm định tại tòa án. Ủy ban châu Âu đã cho thấy trong nhiều trường hợp – Apple, Amazon, v.v..– rằng các công cụ đó không phù hợp với các hiệp ước của Châu Âu. Là người lãnh đạo một Ủy ban Điều tra về vấn đề này, nữ dân biểu người Anh Margaret Hodge đã chỉ ra vào năm 2013 rằng PricewaterhouseCoopers đã đề xuất cung cấp các sản phẩm tối ưu hóa thuế, khi họ có 25% cơ may là các sản phẩm này được cơ quan thuế chấp nhận trong trường hợp bị kiểm tra, hay nói cách khác, khi còn  đến 75% cơ may là chúng bị tuyên bố không tuân thủ luật pháp!
Các thiên đường thuế không phải là bộ mặt của bóng tối, cũng không phải là mặt trái của toàn cầu hóa. Các thiên đường thuế là một phần của một thể thống nhất là toàn cầu hoá. Phục vụ cho sự bất bình đẳng – giữa các cá nhân và giữa các doanh nghiệp – và các hành vi của giới tinh hoa chống dân chủ: chúng ta phải không ngừng tố cáo những cách thực hành của chúng. Và theo dõi diễn biến tiếp theo của Hồ sơ Paradise.
Christian Chavagneux

 GIỚI THIỆU TÁC GIẢ

Christian Chavagneux là cây bút viết xã luận của Alternatives Économiques. Ông cũng từng là trưởng ban biên tập của L’économie politique trong 15 năm, một tạp chí mà ông đã tham gia vào năm 1999 trong Scop Alternatives Économiques.
Tiến sĩ kinh tế và tốt nghiệp trường London School of Economics, ông là một chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề kinh tế vĩ mô, toàn cầu hóa, đặc biệt là về các thiên đường thuế và sự điều tiết các ngân hàng và ngành tài chính, những chủ đề mà ông đã viết trong nhiều cuốn sách. Ông đã nhận được Giải thưởng dành cho tác phẩm tài chính hay nhất vào năm 2012. Cuốn sách mới nhất của ông, đồng tác giả với Thierry Philipponnat có tựa đề là La capture: où l'on verra comment les intérêts financiers ont pris le pas sur l'intérêt général et comment mettre fin à cette situation [Sự vay bắt: để biết được bằng cách nào các lợi ích tài chính được ưu tiên hơn các lợi ích công cộng và làm thế nào để kết thúc tình hình này] (NXB La découverte, năm 2014). Ông là thành viên ban biên tập của tạp chí Esprit.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Les paradis fiscaux: un problème systémique”, Alternatives Économiques, 06.11.2016
Print Friendly and PDF