18.3.18

Homo oeconomicus [Con người kinh tế]



HOMO OECONOMICUS 

[Con người kinh tế]

02/09/2017 │ Hồ sơ đặc biệt n°006
Có vẻ như thuật ngữ homo oeconomicus ra đời vào cuối thế kỷ XIX dưới ngòi bút của John Stuart Mill ít lâu trước khi ông mất, để phê phán phân tích của Stanley Jevons, người mà khi xuất bản cuốn The Theory of Political Economy [Lý thuyết kinh tế chính trị] vào năm 1871, đã đặt nền tảng cho phân tích “tân cổ điển”. Thật vậy, Mill đã ưu tiên (giống như tất cả các nhà kinh tế học cổ điển) cho cách tiếp cận kinh tế vĩ mô, trong trường hợp của ông có nhuốm màu sắc xã hội, trong cuốn Principes d’économie politique [Các nguyên lý của kinh tế chính trị] (1848) rằng “luật pháp cần đảm bảo trợ giúp người nghèo hợp pháp hơn là dựa vào công tác từ thiện của các tổ chức tư nhân”. Vilfredo Pareto đã lặp lại cụm từ đó trong cuốn Manuel d’économie politique [Chuyên luận kinh tế học chính trị] từ năm 1906 để bảo vệ lập luận nói trên: “Cơ học thuần lý, khi quy giản các vật thể thành những điểm vật chất tầm thường, và kinh tế học thuần túy, khi quy giản con người thực thành con người kinh tế, đều sử dụng những khái niệm trừu tượng hoàn toàn tương tự.” Homo oeconomicus, một sự đơn giản hữu ích hay có tính đánh lừa?
Bernard Maris

Thuật ngữ này đề cập đến con người duy lý, sử dụng những nguồn lực mà mình có được để tìm kiếm sự hài lòng (hoặc “lợi ích”) cao nhất có thể. Lợi ích này không thể quy giản thành sự tiêu thụ: lợi ích có thể bao gồm một tặng phẩm, một sự trợ giúp người khác hoặc bất kỳ ứng xử vị tha nào khác mang lại sự hài lòng cho người thực hiện nó. Điều mà Bernard Maris, trong cuốn Plaidoyer (impossible) pour les socialistes [Sự biện hộ (bất khả) cho các nhà xã hội chủ nghĩa] (Albin Michel, 2012), diễn giải như sau: homo oeconomicus là “con người của Adam Smith, của Marx; con người của dòng nước băng giá của sự tính toán ích kỷ. Ích kỷ. Ái kỷ. Chỉ nghĩ về bản thân. Thực hiện điều tốt cho xã hội từ sự ích kỷ cá nhân. Thói xấu riêng tư, đức hạnh công cộng. Homo oeconomicus đánh cược canh bạc tự do: con người mang tính xấu, nhưng sự cân bằng các điều độc ác làm nên hạnh phúc công cộng.”
Hôn nhân, gia đình, những tính toán
Một ngày nào đó, nếu có ai thấy cần dựng tượng để vinh danh homo economicus, không có gì phải nghi ngờ: phải tạt tượng đó với khuôn mặt của Gary Becker. Bởi vì theo nhà kinh tế học người Mỹ, giáo sư tại Đại học Chicago, cách tiếp cận đặc trưng cho homo oeconomicus có thể ứng dụng cho tất cả các hành vi con người, cho dù các hành vi này liên quan đến [...] những quyết định lớn hoặc nhỏ, người giàu hoặc người nghèo, người lớn hoặc trẻ em, người ngu dốt hoặc thông minh, bác sĩ hoặc bệnh nhân, chính trị gia hoặc doanh nhân, giáo viên hoặc sinh viên[1].” Hôn nhân, gia đình, tội phạm, đào tạo huấn luyện..., tất cả mọi thứ đều xuất phát từ những lựa chọn được thực hiện một cách duy lý bởi những cá nhân tìm kiếm lợi ích cao nhất có thể: “Những người kết hôn [...] hy vọng sẽ nâng cao mức độ lợi ích của mình cao hơn những lợi ích khi sống độc thân”, ông đã viết như vậy vào năm 1973 trong “Une théorie du mariage [Lý thuyết về hôn nhân][2]. Điều được Kenneth Boulding[3], khi bài xích “nỗ lực của khoa học kinh tế để hấp thụ tất cả các khoa học xã hội khác”, gọi bằng “chủ nghĩa đế quốc kinh tế”. Nhưng đó là chính cách tiếp cận đã làm cho Becker được trao “Giải thưởng về khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel” năm 1992, vì “đã mở rộng lĩnh vực của phân tích kinh tế vi mô sang một số lớn các hành vi của con người”.[4]
Homo oeconomicus có lẽ là một con người huyền thoại, một phát minh của các nhà kinh tế học. Nhưng đó là một phát minh không hơn không kém những định luật vật lý liên quan đến cách thức hoạt động của các nguyên tử hoặc các điện tử. Cũng giống như homo oeconomicus, các định luật này thường là những định luật mang tính thống kê về một cách thức hoạt động “trung bình”, mà không có ý định mô tả cách thức hoạt động thực sự của từng hạt.”
Gary Becker (1930-2014)

Ví dụ, đối với Becker, tội phạm là một lựa chọn duy lý của một người khi so sánh lợi ích được kỳ vọng từ việc phạm tội với xác suất bị kết án với mức độ nặng nhẹ của bản án: mức phạt càng nặng, thì những người bị cám dỗ ít dám hành động [phạm tội]. Tương tự, điều duy lý là phụ nữ nên chăm sóc gia đình và con cái, bởi vì từ bỏ (toàn phần hoặc từng phần) công ăn việc làm là mất mát ít hơn do tiền lương của phụ nữ thấp hơn tiền lương của nam giới. Chúng ta hiểu rằng phần công trình này của Becker, ngày nay, ít được đánh giá cao so với công trình của ông về vốn con người[5] và công tác đào tạo, mà từ nay là một chương quan trọng của cách tiếp cận tân cổ điển: một người theo đuổi việc học khi mà các lợi ích được mong đợi cao hơn các chi phí phải gánh chịu (trong đó có việc mất thu nhập gắn với việc không đi làm).
“Giám đốc của một trung tâm truyền máu, muốn gia tăng ngân hàng máu của mình, vào một ngày, đã có ý tưởng thưởng tiền cho người hiến máu. Trước sự kinh ngạc của ông, kết quả hoàn toàn trái ngược: số lượng máu hiến giảm sút. Lý do không có gí là bí ẩn. Người hiến máu muốn chứng tỏ tính cao thượng của mình. Họ quen sống với một hành vi có tính đạo đức, quan tâm đến người khác. Việc trả tiền [hiến máu] cho họ làm thay đổi mọi thứ. Nếu không phải vì mục đích giúp đỡ người khác mà là vì mục đích kiếm tiền, thì sự tham gia [hiến máu] của họ đã thay đổi bản chất. Một thùy khác của bán cầu não của họ đã bị đánh động. Con người đạo đức rời khỏi phòng khi con người kinh tế bước vào. Cả hai đều có vai trò của họ, nhưng không thể ngồi cùng bàn với nhau.”
Điều chắc chắn, theo Becker, là “sự lựa chọn duy lý” không hàm ý sự hiểu biết đầy đủ về hậu quả của sự lựa chọn đó. Trong thực tế, việc đánh giá tất cả những chi phí và lợi ích của sự lựa chọn đó đòi hỏi phải thu thập rất nhiều thông tin không nhất thiết có thể truy cập được hoặc biết được. Đến một lúc nào đó việc thu thập các thông tin này sẽ tốn kém hơn những gì nó mang lại. Vì vậy, có một ngưỡng mà nếu vượt qua chúng ta không đáng bõ công nữa để tìm hiểu, đó là “sự ngu dốt duy lý”. Khi lập luận về mặt lợi ích, không phải về mặt thu hoạch, Becker cho rằng nếu một người rất nhạy cảm với những khó khăn của người khác, thì họ sẽ cảm thấy hài lòng khi giúp đỡ người này. Nhưng họ sẽ không đi quá xa đến việc dốc hết của cho người khác. Vì vậy, khả năng giúp đỡ chuyển biến theo thu nhập của họ, cho nên người nghèo có lợi khi người giàu giàu hơn.
Còn các yếu tố quyết định có tính xã hội hoặc bắt chước?
Cách tiếp cận này đã dấy lên nhiều phê phán. Khả năng làm sáng tỏ những hành vi thực tế là vấn đề còn tranh cãi: ví dụ, những nước có mức phạt hình sự nặng nhất (án tử hình) cũng là những nước có tội phạm hình sự nhiều nhất, trong khi sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng thường không đi kèm với sự gia tăng lòng từ tâm bác ái. Ngoài ra, sự vận hành của xã hội được cho là có nguồn gốc từ các quyết định kinh tế mang tính cá nhân theo kiểu duy lý (kể cả đối với vấn đề thời trang và phân biệt đối xử), một điều làm loại bỏ tất cả những phân tích ủng hộ các yếu tố quyết định về mặt xã hội (trong quá trình đào tạo, ví dụ) hoặc bắt chước (như sự vận hành của các thị trường tài chính).
Homo oeconomicus tượng trưng cho nguyên mẫu của cá nhân ích kỷ: sự ích kỷ, là sự quan tâm đến bản thân, hiểu theo nghĩa quan tâm đến những điều duy nhất ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi của cá nhân, không thông qua trung gian của những người khác. Trong ngôn ngữ hàng ngày, chúng ta nói rằng homo oeconomicus là con người kiên quyết không quan tâm đến hoàn cảnh của người khác. [...] Hành động của người ích kỷ phản ánh sự xem nhẹ những hiệu ứng gián tiếp của những quyết định cá nhân mang tính ích kỷ đối với lợi ích chung. [...] Phân tích kinh tế cũng chỉ ra rằng sự hợp tác là một giải pháp có thể cho những thiệt hại gây ra bởi sự thiếu quan tâm đối với lợi ích chung.”
Albert Hirschman (1915-2012)
Tomáš Sedlácek (1977-)
Lập luận về mặt lợi ích rất dễ diễn đạt về mặt toán học (chỉ cần một chữ cái, u chẳng hạn), nhưng nội dung của nó thì, trong trường hợp tốt nhất, mang tính bí ẩn – sự thỏa mãn, phúc lợi, cuộc sống sung túc, sự hài lòng, hạnh phúc?, – hoặc trong trường hợp tồi tệ nhất là quy giản chỉ còn phần đo lường được bằng tiền thu hoạch, thu nhập, tài sản... Như nhà kinh tế học người Tiệp Tomáš Sedlácek[6] đã viết: “Khi một người mẹ không chăm sóc con mình, thì nhà kinh tế học sẽ nói một cách khéo léo rằng: người mẹ không chăm sóc con mình bởi vì bà ấy có một lợi ích từ việc không chăm sóc con mình.” Như vậy lợi ích đóng vai trò của lá phổi như trong vở hài kịch Le malade imaginaire [Bệnh giả tưởng], một biện minh chưa được kiểm chứng của sự khẳng định dứt khoát của “con người khoa học”. Và Tomáš Sedlácek kết luận: “Niềm tự hào của các nhà kinh tế học, việc cho rằng mô hình homo oeconomicus bao gồm tất cả các khả năng và do đó có thể giải thích tất cả mọi thứ, trên thực tế phải là điều xấu hổ lớn nhất của họ. Nếu chúng ta có thể giải thích mọi thứ bằng một từ ngữ hoặc một nguyên lí mà mình không biết ý nghĩa, thì chúng ta nên tự hỏi chúng ta đang giải thích điều gì trong thực tế.”
Lời phê phán này cũng đã được phát triển trên một lĩnh vực khác: liệu sự lựa chọn có được hướng dẫn bởi sự tính toán duy lý hay bị ảnh hưởng, hoặc thậm chí bị áp đặt bởi nhiều tiêu chí khác, như áp lực xã hội, ghen tị, giáo dục, tín ngưỡng, v.v., như Albert Hirschman đã suy nghĩ: “Những thiệt hại do cách tiếp cận kinh tế”, dựa trên mô hình truyền thống về lợi ích cá nhân, gây ra, [...] là vì mô hình quá đơn giản này về hành vi con người nói chung. Điều cần thiết là các nhà kinh tế phải kết hợp trong phân tích của họ, khi cần thiết, những cảm xúc và tính cách cơ bản như sự ham muốn quyền lực và sự hy sinh, nỗi sợ buồn chán, niềm vui của sự dấn thân và sự bất ngờ, sự tìm kiếm ý nghĩa và tình đoàn kết, v.v..[7]
John M. Keynes (1883-1946)

Phê phán này tương tự như phê phán của Keynes, người mà vào năm 1937, một năm sau khi xuất bản La théorie générale de l’emploi, de l’intérêt et de la monnaie [Lý thuyết tổng quát về việc làm, tiền lãi và tiền tệ], đã viết cho Roy Harrod, cộng tác viên của ông: “Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến ý tưởng cho rằng kinh tế học là một khoa học đạo đức. Tôi đã chỉ ra rằng kinh tế học đề cập đến vấn đề nội quan và các giá trị. Tôi có thể nói thêm rằng kinh tế học đề cập đến vấn đề động lực, những kỳ vọng, những bất trắc về tâm lý.”[8] Vì vậy, cuộc tranh luận được Mill khơi mào khó mà kết thúc!
Nhà sáng lập báo Alternatives Economiques
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: L’homo oeconomicus, Alternatives Economiques, 02/09/2017.




[1] Trong The Economic Approach to Human Behaviour [Cách tiếp cận kinh tế về hành vi con người], The University of Chicago Press, 1976, bản dịch và trích dẫn của Nicolas Bouzou trong Les mécanismes du marché [Các cơ chế thị trường], Bréal, 2006.

[2] Xem Textes fondateurs en sciences économiques depuis 1970 [Các bài viết nền tảng về khoa học kinh tế từ năm 1970], của Maya Bacache-Beauvallet và Marc Montoussé, Bréal, 2003, trang 24.

[3] Tác giả tiên phong trong việc phân tích các mối quan hệ giữa môi trường và nền kinh tế. Theo John K. Galbraith (xem Une vie dans son siècle. Mémoires [Hồi ký: Một đời người trong thế kỷ] (1981), bản dịch của Daniel Blanchard, La Table ronde, 2006), Boulding là “nhà kinh tế học thuộc thế hệ của [John K. Galbraith] mà người ta khó có thể gán cho là dị giáo và là một trong những nhà kinh tế học thú vị nhất”.

[4] Xin chú ý sự khác biệt tinh tế: Becker đã viết “tất cả các hành vi” trong khi ban giám khảo của Ngân hàng Thụy Điển dùng cụm từ “một số lớn”. Chủ nghĩa đế quốc, là điều chắc chắn, nhưng được làm dịu bớt.

[5] Không có cuốn sách nào của Becker được dịch sang tiếng Pháp. Tuy nhiên, trong Dictionnaire des grandes oeuvres économiques [Từ điển các tác phẩm kinh tế vĩ đại] (Dalloz, 2002), Louis Lévy-Garboua viết một bài dành cho cuốn sách Human Capital [Vốn con người] của Becker (1964).

[6] Trong L’économie du bien et du mal [Kinh tế học của điều tốt và điều ác], bản dịch của Michel Le Séach, Eyrolles, 2013, trang 229.

[7] Trong L’économie comme science morale et politique [Kinh tế học như một khoa học đạo đức và chính trị], bản dịch của Pierre Andler et al., Gallimard/Le Seuil, 1984, trang 107.

[8] Thư được Gilles Dostaler trích dẫn trong Keynes et ses combats [Keynes và các cuộc chiến của ông], Albin Michel, 2009, trang 153.

Print Friendly and PDF