30.7.18

Tại sao bất bình đẳng cực đoan gây ra sự sụp đổ về kinh tế


TẠI SAO BẤT BÌNH ĐẲNG CỰC ĐOAN GÂY RA SỰ SỤP ĐỔ VỀ KINH TẾ

Blogger khách mời tuần này là Tiến sĩ Sally Goerner, cố vấn khoa học của Học viện Tư bản (Capital Institute).
Sách trắng của John Fullerton, Chủ nghĩa tư bản Tái tạo, liệt kê 8 nguyên tắc có tính quyết định đối với sức khoẻ hệ thống kinh tế. Nhóm nghiên cứu, RARE[1], của Học viện Tư bản, sử dụng các tiến bộ khoa học gần đây - cụ thể là vật lý của dòng chảy[2] - để tạo ra một giải thích hợp lý và có thể đo lường được về cách những quy tắc này hoạt động để tạo nên hoặc phá vỡ sức sống trong những mạng lưới con người (human networks) nơi mà các nền kinh tế được xây dựng. Ở đây chúng tôi giải thích tại sao sự bất bình đẳng quá nhiều không chỉ là một vấn đề đạo đức. Trên thực tế, nó điều khiển các hệ thống kinh tế hướng về sự sụp đổ bằng cách hút sinh lực ra khỏi các nền kinh tế thực trên toàn thế giới.
Theo một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Quốc tế Oxfam, trong năm 2010, 388 người giàu nhất đã sở hữu của cải nhiều bằng của cải của một nửa dân số nghèo nhất của thế giới, lên tới 3,6 tỷ người. Đến năm 2014, con số này đã giảm xuống còn 85 người. Oxfam tuyên bố rằng, nếu xu hướng này tiếp diễn, vào cuối năm 2016, 1% số người giàu nhất thế giới sẽ sở hữu nhiều của cải hơn tất cả mọi người còn lại trên thế giới gộp lại. Đồng thời, theo Oxfam, những người cực kỳ giàu có thì cũng cực kỳ hiệu quả trong việc tránh thuế, hiện họ đang che giấu ước tính khoảng 7,6 nghìn tỷ đô la ở các thiên đường thuế hải ngoại (offshore tax-havens)[3].
Tại sao chúng ta nên quan tâm đến bất bình đẳng kinh tế gộp như vậy?[4] Rốt cuộc, điều này không tự nhiên sao? Khoa học của dòng chảy nói: Vâng, một mức độ bất bình đẳng nào đó là tự nhiên, nhưng bất bình đẳng cực đoan lại vi phạm hai quy tắc cốt lõi của sức khoẻ hệ thống: sự lưu thông và cân bằng.
 
Sự lưu thông tượng trưng cho mạch máu của tất cả các hệ thống dòng chảy, dù là các nền kinh tế, hệ sinh thái hay sinh vật sống. Ở sinh vật sống, sự lưu thông máu kém khiến sự hoại tử có thể gây nên cái chết. Trong sinh quyển, việc lưu thông khí carbon, oxy, nitơ, v.v. kém bóp nghẹt sự sống và làm cho mọi hệ thống sống, từ vi khuẩn đến sinh quyển, sụp đổ. Tương tự, sự lưu thông tiền tệ, hàng hoá, tài nguyên và dịch vụ kém dẫn đến hoại tử kinh tế - sự chết dần chết mòn các mảng lớn của mô kinh tế, cuối cùng làm suy yếu sức khoẻ của nền kinh tế nói chung.
Trong các hệ thống dòng chảy, sự cân bằng không đơn giản chỉ là một cách hay để tồn tại, mà là một bộ các yếu tố bổ sung - chẳng hạn như lớn và bé; tính hiệu quả và co dãn; tính linh hoạt và ràng buộc - mà sự cân bằng tối ưu của nó cực kì quan trọng để duy trì sự lưu thông qua các quy mô. Ví dụ, cấu trúc phân nhánh thông thường trong phổi, cây cối, hệ thống tuần hoàn, các đồng bằng sông và hệ thống ngân hàng (Hình 1) kết nối một tỷ lệ ổn định về mặt hình học một số thực thể lớn, một số lớn hơn các thực thể có kích thước trung bình và rất nhiều thực thể nhỏ. Sự sắp xếp này, các nhà toán học gọi là một phân dạng (fractal), rất phổ biến vì nó là sự cân bằng đặc biệt giữa nhỏ, trung bình và lớn giúp tối ưu hóa sự lưu thông qua các cấp độ khác nhau của tổng thể. Đúng như quá nhiều động vật lớn và quá ít động vật nhỏ tạo ra một hệ sinh thái không ổn định, cũng như các hệ thống tài chính có quá nhiều ngân hàng lớn và quá ít các ngân hàng nhỏ có xu hướng dẫn đến sự lưu thông kém, sức khoẻ tồi và sự bất ổn định cao.

Robert Reich (1946-)
Trong phim tài liệu của mình, Bất bình đẳng cho Mọi người (Inequality for All), Robert Reich sử dụng các vòng xoắn tiến để làm rõ sự lưu thông mạnh mẽ của tiền tệ phục vụ sức khoẻ hệ thống như thế nào. Trong vòng xoắn tiến, mỗi bước chuyển động tiền tệ làm cho mọi thứ tốt hơn. Ví dụ, khi lương tăng lên, người lao động có nhiều tiền hơn để mua đồ, việc này làm tăng cầu, mở rộng nền kinh tế, kích thích thuê mướn (nhân công), và tăng thu thuế. Về lý thuyết, chính phủ sẽ dành nhiều tiền hơn cho giáo dục, điều này sẽ nâng cao kỹ năng, năng suất và tiền lương mong muốn của người lao động. Việc này còn kích thích sự lưu thông nhiều hơn, bắt đầu vòng xoắn tiến một lần nữa. Về mặt dòng chảy, tất cả điều này thể hiện dòng chảy có tính cách xây dựng mạnh mẽ, loại hình phát triển vốn con người và mạng lưới và nâng cao phúc lợi cho tất cả.
Tất nhiên, các nền kinh tế đôi khi cũng biểu hiện những vòng luẩn quẩn, trong đó sự lưu thông yếu ớt làm cho mọi thứ đi xuống – nghĩa là lương, tiêu dùng, cầu, thuê mướn, thu thuế, chi tiêu của chính phủ, v.v. đều giảm xuống. Đây là những dòng chảy huỷ hoại, những dòng chảy bào mòn sức khoẻ hệ thống.
 
Cả vòng luẩn quẩn và vòng xoắn tiến đều đã xảy ra ở các nền kinh tế khác nhau vào những thời điểm khác nhau và dưới các lý thuyết kinh tế và áp lực chính sách khác nhau. Tuy nhiên, trong 30 năm qua, nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Mỹ nói riêng đã chứng kiến ​​một kiểu kết hợp kỳ lạ trong đó sự thịnh vượng bùng nổ cho các giám đốc điều hành (CEO) và các nhà đầu cơ Wall Street, trong khi phần còn lại của nền kinh tế - đặc biệt là công nhân, tầng lớp trung lưu, và các doanh nghiệp nhỏ - đã trải qua một vòng luẩn quẩn riêng biệt. Năng suất đã tăng lên một cách ồ ạt, nhưng tiền lương thì đình trệ. Tiêu dùng vẫn duy trì ở mức cao một cách vừa phải vì, với nỗ lực để duy trì mức sống, người lao động phải: 1) làm thêm giờ, trở thành gia đình có hai thu nhập, một người thường có đến hai và thậm chí ba việc làm; và 2) gia tăng nợ hộ gia đình. Bất bình đẳng đã tăng vọt vì tỷ lệ thuế thật sự lên nhóm 1% giảm (bất kể sự đảo chiều một phần dưới thời Obama), trong khi thu nhập và lợi nhuận của họ đã tăng dốc.
Chúng ta nên quan tâm đến loại bất bình đẳng này bởi vì lịch sử cho thấy rằng sự tập trung của cải quá nhiều vào nhóm trên cùng và sự trì trệ quá lớn ở tất cả những nhóm khác cho thấy nền kinh tế đến gần sự sụp đổ. Chẳng hạn, như Reich cho thấy (Hình 1a & b), cả hai vụ sụp đổ kinh tế xảy ra vào năm 1928 và 2007 đều theo gót các đỉnh, trong đó 1% số người đứng đầu sở hữu 25% tổng tài sản của cả nước (Hoa Kỳ - ND).
 
Hình 3a Phần Thu nhập của Top 1% ở Hoa Kỳ (Reich, 2013) & 3b Reich lưu ý rằng hai đỉnh trông giống như một cây cầu treo, các dốc đứng theo sau các đỉnh cao. (Nguồn: Piketty & Saez, 2003)
Điều gì giải thích cho sự pha trộn kỳ lạ về sự tập trung ngày càng tăng ở top đầu và sự bất ổn ngày càng tăng ở mọi nơi khác này? Tạm thời bỏ qua những điểm tương đồng với năm 1929, những lời giải thích phổ biến nhất cho tình hình ngày nay bao gồm: sự gia tăng của công nghệ khiến nhiều việc làm trở nên lỗi thời; và sự toàn cầu hóa gây áp lực đáng kinh ngạc lên các công ty trong việc giảm tiền lương và thuê ngoài để cạnh tranh với những công nhân có mức lương thấp trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, trong khi công nghệ và toàn cầu hóa rõ ràng đang tạo ra những áp lực biến chuyển, thì những yếu tố này lại hoàn toàn không giải thích được tình hình hiện tại của chúng ta. Vâng, công nghệ làm cho nhiều việc làm trở nên lỗi thời, nhưng nó cũng tạo ra nhiều việc làm mới. Tuy thế, nơi mà chính phủ Đức, Hàn Quốc và Na Uy đầu tư vào việc giáo dục lực lượng lao động của họ nhằm đáp ứng những việc làm mới đó thì chính phủ Mỹ đã cắt giảm giáo dục hàng thập kỷ nay. Suy nghĩ tương tự cho toàn cầu hóa. Vâng, chủ nghĩa công nghiệp khối lượng cao - tức là cạnh tranh đối đầu về giá của các sản phẩm đồng nhất, được sản xuất hàng loạt - dẫn tới cuộc chạy đua xuống đáy; điều đó đã được biết đến từ lâu. Nhưng trong cuốn Sản phẩm của Các quốc gia (The Work of Nations (2010)), Robert Reich cũng chỉ ra rằng các công ty đang phát đạt nhờ toàn cầu hóa và công nghệ là những công ty theo đuổi cái mà ông gọi là chủ nghĩa tư bản giá trị cao, sự đáp ứng cao hàng hoá và dịch vụ theo yêu cầu cụ thể của khách hàng không thể bị sao chép bằng tính đồng nhất được sản xuất hàng loạt ở những nơi giá rẻ trên khắp thế giới.
Vì vậy, dù các tác động của toàn cầu hoá và công nghệ là sâu sắc, nhưng sự giải thích thực sự về bất bình đẳng chủ yếu quy trách nhiệm cho niềm tin kinh tế rằng, dù cố ý hay không, nó được dùng để tập trung của cải ở nhóm trên cùng bằng cách bòn rút của cải từ mọi nơi khác. Hệ thống tin tưởng này được gọi là chủ nghĩa tân tự do, Chủ thuyết kinh tế Reagan, Trường phái Chicago, và thuyết kinh tế “nhỏ giọt” (trickle-down economics)[5]. Nó dễ dàng được nhận ra nhờ các khái niệm đặc biệt của nó: phi điều tiết hoá; tư nhân hóa; cắt giảm thuế cho người giàu; hạ thấp sự bảo vệ môi trường; loại bỏ các nghiệp đoàn; và áp đặt chế độ thắt lưng buộc bụng đối với công chúng. Ý tưởng là việc giải phóng các lực lượng thị trường sẽ khiến thuỷ triều dâng lên nâng tất cả các tàu thuyền, nhưng chiếc thuyền duy nhất thực sự nổi lên là nhóm 0,01%. Trong khi đó, sự bất ổn đã gia tăng.
Tác động mà hệ thống tin tưởng này có được ở nền kinh tế Mỹ và năng lực của nó có thể được nhận ra trong giáo dục Mỹ. Các thuyết kinh tế “nhỏ giọt” tất thảy là về việc cắt giảm thuế cho người giàu, nghĩa là ít tiền hơn cho giáo dục công cộng, nhiều thanh thiếu niên bị nợ nần đại học chồng chất và ít công nhân Mỹ hơn có thể đáp ứng được các việc làm công nghệ cao mới.
Để công bằng, quá trình này hầu như không phải là sự tham lam. Đa số những người tham gia vào cuộc sụp đổ kinh tế này không nhận ra mối nguy hiểm của nó bởi vì họ tin vào những gì họ được các vị thánh và bậc hiền triết của kinh tế học nói cho biết, và nhiều người được tưởng thưởng cho việc đi theo các nguyên tắc của nó. Như thế điều gì thực sự gây ra loại bất bình đẳng làm cho các nền kinh tế sụp đổ? Câu trả lời cơ bản từ khoa học dòng chảy là: sự hoại tử kinh tế. Nhưng, hãy để tôi bổ sung cho dồi dào câu chuyện.
Các nhà kinh tế học thể chế nói về hai loại chiến lược kinh tế chính: bòn rút và tìm kiếm giải pháp. (Hy vọng, những cái tên này đã tự giải thích.) Hầu hết các nền kinh tế đều có cả hai. Tuy thế, nếu các lực lượng bòn rút trở nên quá mạnh, họ bắt đầu sử dụng quyền lực của họ để thao túng các luật chơi kinh tế để làm lợi cho mình. Điều này tạo ra thứ mà các nhà khoa học gọi là vòng lặp phản hồi tích cực, theo đó "bạn càng có nhiều, thì bạn càng kiếm được nhiều". Trong nhiều loại hệ thống, vòng lặp này tạo ra một lực kéo mạnh mẽ hút tài nguyên lên nhóm trên và bòn rút hết nó từ phần còn lại của hệ thống gây nên hoại tử. Ví dụ, dòng chảy hoá chất vào Vịnh Mexico gia tăng sự phát triển tảo. Điều này tạo ra một quá trình leo thang, “bạn càng có nhiều, thì bạn càng kiếm được nhiều”, trong đó sự tăng trưởng tảo ồ ạt hút hết oxy ở khu vực xung quanh, giết chết tất cả sinh vật biển gần đó (cá, tôm, v.v.) và tạo ra một "vùng chết" rộng lớn.
 
Các nền kinh tế tân tự do thiết lập một tình huống tương tự bằng cách cho phép người giàu sử dụng tiền của họ để bòn rút nhiều tiền hơn từ nền kinh tế nói chung. Tầng lớp siêu giàu càng trở nên giàu có hơn nhờ:
Chi trả cho những ưu đãi chính sách - cứu trợ và trợ cấp doanh nghiệp lớn; vận động hành lang; v.v.
Loại bỏ những ràng buộc đối với hành vi nguy hiểm - loại bỏ sự bảo vệ môi trường; không truy tố tội phạm gian lận tài chính; chấm dứt đạo luật Glass-Steagall[6], v.v.
Gia tăng tính dễ bị tổn thương của công chúng - tăng cường quyền lực độc quyền bằng cách giảm các quy định về chống độc quyền; hạn chế khả năng của công chúng trong việc kiện các tập đoàn lớn; hạn chế khả năng thương lượng của Medicare[7] với tỉ giá dược thấp hơn; hạn chế phá sản đối với các khoản vay của sinh viên, v.v..
Gia tăng lượng chảy vào của chính họ - tăng lương cho Giám đốc điều hành và leo thang hoạt động đầu cơ tại Wall Street; và hạn chế lượng chảy ra của chính họ - ngoại hiện chi phí, cắt giảm lương của người lao động và giảm thuế của bản thân họ.
Tất cả các quá trình này giúp những người giàu tập trung hơn, và lưu thông ít hơn. Về mặt dòng chảy, do đó, bất bình đẳng tổng thể cho thấy một hệ thống có: 1) sự tập trung quá nhiều và sự lưu thông quá ít; và 2) sự mất cân bằng về của cải và quyền lực có khả năng tạo ra sự bòn rút, sự tập trung, vô trách nhiệm, và lạm dụng hơn bao giờ hết. Quá trình này tăng tốc cho đến khi mạng lưới con người hữu quan trở nên cạn kiệt và/hoặc sự hoại tử tiếp diễn đạt đến điểm sụp đổ. Khi đạt tới điểm này, xã hội sẽ có ba lựa chọn: học tập, thoái bộ, hoặc sụp đổ.
Vậy chúng ta sẽ làm gì? Hiển nhiên, chúng ta cần phải cải thiện hành vi “tìm kiếm giải pháp” của chúng ta trong các lĩnh vực từ kinh doanh và tài chính cho đến chính trị và truyền thông. Phần lớn điều này đang diễn ra. Từ hoạt động kinh doanh có trách nhiệm với xã hội và các hình thức sở hữu khác, đến các nhóm cải cách dân chủ, các phương tiện truyền thông đối chọn, và phong trào cải cách kinh tế mới đang nảy sinh ở tất cả các khía cạnh.
Tuy nhiên, các giải pháp mà chúng ta mong muốn cũng thường bị cản trở bởi các lực lượng mà chúng ta đang cố gắng vượt qua, và bị ngăn cản bởi cái đà của vòng quay vô nghĩa “mọi việc đâu sẽ vào đấy”. Các cải cách ngày nay cũng thiếu sức mạnh bởi vì chúng đang diễn ra từng phần, cả triệu điểm riêng biệt với sự thống nhất nhóm chéo rất ít.
Làm thế nào để vượt qua những trở ngại này? Khoa học dòng chảy không mấy đề xuất được một chiến lược cụ thể, tựa như cho phép thay đổi quan điểm. Về bản chất, nó cung cấp một cách hiệu quả hơn để suy nghĩ về các quá trình mà chúng ta thấy mỗi ngày.
Động lực học được giải thích ở trên rất nổi tiếng; chúng là vật lý học cơ bản, giống như luật hấp dẫn. Việc áp dụng chúng vào các cuộc tranh luận kinh tế ngày nay có thể cực kỳ hữu ích bởi vì quan điểm trao quyền đã suy thoái thành các cuộc tranh luận ý thức hệ không có nền tảng khoa học nào.
Chúng tôi tin rằng Kinh tế học Tái tạo có thể cung cấp một khuôn khổ hợp nhất có khả năng kích động một loạt các nhóm cải cách rộng lớn bằng cách làm rõ bức tranh về những gì làm cho các xã hội lành mạnh. Tuy nhiên, khuôn khổ này sẽ chỉ có ích nếu nó được hỗ trợ bởi lý thuyết chính xác và các biện pháp và thực hành hiệu quả. Sự bền vững này là một phần trong những gì mà Học viện Tư bản và RARE đang cố gắng phát triển.
Phạm Văn Minh dịch
Nguồn: Why Extreme Inequality Causes Economic Collapse, CapitalInstitute.Org, February 15, 2016




[1] RARE (Research Alliance for Regenerative Economics) = Liên minh Nghiên cứu về Kinh tế học Tái tạo

[2] "Vật lý học dòng chảy" nghiên cứu về các mạng lưới dòng chảy, nghĩa là bất kỳ hệ thống nào mà sự tồn tại của nó nảy sinh từ và phụ thuộc vào sự lưu thông các tài nguyên và/hoặc thông tin quan trọng trong suốt toàn bộ sự tồn tại của chúng. Sinh vật sống phụ thuộc vào sự lưu thông chất dinh dưỡng và oxy. Các hệ sinh thái phụ thuộc vào sự lưu thông carbon, oxy, nước, v.v.. Các hệ thống kinh tế phụ thuộc vào sự lưu thông tiền tệ, thông tin và các nguồn lực. Vật lý học dòng chảy sử dụng các mô hình và các quy tắc phổ quát về dòng chảy để làm sáng tỏ những gì làm cho các nền kinh tế phát triển lành mạnh qua một thời gian dài. Vì “các hệ thống sống” là các mạng lưới dòng chảy, nên lợi thế của việc sử dụng các quy tắc này cho những trường hợp rộng lớn hơn là không cần bàn cãi về việc liệu những kết quả đó chỉ là phép ngoại suy ẩn dụ từ các hệ sinh thái hay không.

[3] https://www.oxfam.org/sites/www.oxfam.org/files/file_attachments/ib-wealth-having-all-wanting-more-190115-en.pdf; https://www.oxfam.org/en/pressroom/pressreleases/2015-01-19/richest-1-will-own-more-all-rest-2016

[4] Phim tài liệu 2013, http://inequalityforall.com

[5] “Thuật ngữ trickle-down economics hay trickle-down theory chỉ thuyết kinh tế cho rằng việc nhà nước giảm thuế cho doanh nghiệp và giới đầu tư sẽ kích thích sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế, nhờ đó giúp kinh tế tăng trưởng và tạo ra của cải cho mọi tầng lớp, chứ không chỉ những người [thường là tầng lớp giàu có] đóng thuế ít hơn. Bản thân thuật ngữ này cũng có phần hơi mỉa mai vì tác động kiểu nhỏ giọt (trickle down) thì biết tới khi nào các tầng lớp dưới cùng mới hưởng được mẩu nào của miếng bánh kinh tế.” (Trích từ “Những bài toán khó ở Davos 2014” của Phạm Vũ Lửa Hạ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 23/1/2014.) - ND

[6] “Được ban hành năm 1933, Glass-Steagall ra đời với mục đích tách biệt ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Đây là phản ứng sau cú sụp đổ của thị trường tài chính năm 1929 với ý tưởng tách bạch các hoạt động đầy rủi ro của ngân hàng đầu tư ra khỏi các chức năng liên quan đến khách hàng.” (Trích từ bài “Cơn ác mộng của phố Wall quay trở lại”, Cafef.Vn, 12-07-2013) - ND

[7] Chương trình của chính phủ Mỹ về việc chăm sóc người già - ND

Print Friendly and PDF