10.7.18

Trường học của Lý tính


TRƯỜNG HỌC CỦA LÝ TÍNH

Nguyễn Xuân Xanh
Lời nói đầu. Những dòng này đã được tác giả ghi lại từ nhiều năm trước, nay được bổ sung. Con đường của lý tính dài 2.500 năm. Ở đây tác giả chỉ ghi lại một số ý tưởng trong chuỗi phát triển lịch sử vô cùng phong phú của phương Tây liên quan đến lý tính để cuối cùng thế giới hiện đại hình thành. NXX (Aug 2017)
Chính cái tính khí của phần nóng nảy và mê tín của nhân loại trong những vấn đề của tôn giáo mà từ trước đến giờ họ yêu thích những cái huyền bí, và chính lý do này mà họ thích nhất những gì họ hiểu ít nhất.
NEWTON
Trong ánh hào quang của phương Đông, cá nhân chỉ có biến mất; ánh sáng sẽ chỉ biến thành tia chớp của ý tưởng ở phương Tây, đánh vào chính nó, và từ đó thế giới của nó hình thành.
HEGEL
Những ai không biết lịch sử bị dành cho số phận lặp lại nó.
EDMUND BURKE
Lý tính (reason, Vernünft, logos) là sự tư duy, lập luận về sự vật, thế giới, bằng sự sử dụng lôgíc, trực giác, kinh nghiệm, quan sát, chứ không dựa vào thần linh, mê tín hay một uy quyền nào khác. Lý tính có quan hệ chặt chẽ với triết học, khoa học, toán học, thực nghiệm. Hegel trong tác phẩm “Triết lý của Lịch sử” tóm tắt: “Các định luật của tự nhiên, và nội dung của cái gì là đúng, là tốt, người ta gọi đó là Lý tính. Người ta gọi Khai sáng là sự có hiệu lực của các định luật này.” Lý tính gắn liền với khoa học, và phát triển theo khoa học. Các dân tộc có tinh thần khai phá và đam mê cần đến lý tính không bị che đậy bởi những đám mây phản khoa học để tiến lên.
Có thể nói, vào những thế kỷ 6 và 5 trước Công Nguyên tại vùng Ionia của Tiểu Á (Asia Minor, nay thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ) khi những người Hy Lạp đầu tiên bằng cách sử dụng lý tính, bằng tư duy thuần túy, thâm nhập vào nguồn gốc và cấu trúc của thế giới, mà không viện dẫn thần linh, tôn giáo, thì con người bắt đầu có những tư duy đột phá bằng lý tính vào khoa học. Vũ trụ không phải bị chi phối bằng quyền lực tùy tiện của thần linh mà bằng những quy luật khoa học con người có thể hiểu được. Đó là giấc mơ của họ. Thế giới là một vũ trụ có trật tự, do đó một sự phân tích lý trí của thế giới thực nghiệm là có thể. Vũ trụ như một tổng thể được diễn đạt bằng một sự thông minh lan tỏa khắp nơi, và thông minh tặng cho tự nhiên mục đích và thiết kế của nó, và nó là có thể hiểu được đối với lý tính con người, nếu lý tính này được phát triển ở một mức độ cao. Căn nguyên của các hiện tượng tự nhiên là không liên quan đến con người (impersonal), có tính vật lý, và cần được tìm trong thế giới của tự nhiên quan sát được. Tất cả những nhân tố thần thoại (mythological) và siêu nhiên (supernatural) cần được loại ra khỏi những lời giải thích nhân quả. Democritus là một trong những người đầu tiên đưa ra thuyết cấu tạo nguyên tử của vật chất, một lý thuyết chết đi trong thời Trung cổ rồi sống lại vào thế kỷ 17 và tiếp tục phát triển mạnh mẽ thế kỷ 19, và 20 để dẫn đến khám phá các hạt cơ bản quark, và hạt Higgs.
Lịch sử của khoa học và triết học của châu Âu bắt đầu từ đó. Ionia là vùng đất có đầy đủ tự do, hoà bình và thương mại phát triển, những điều kiện tốt lành cho sự phát triển lý tính. Hy Lạp là dân tộc không có sách thánh và do đó không bị ràng buộc trong tư duy, họ là những “freethinker”. Nếu có ai hỏi, chúng ta chịu ơn cái gì nhiều nhất đối với người Hy Lạp, có lẽ những thành tựu của họ trong văn học và nghệ thuật hiện ra trước nhất với chúng ta. Nhưng câu trả lời đúng hơn, như J. B. Bury viết, có thể là sự biết ơn sâu xa nhất đối với họ nằm ở chỗ họ là những người đã xướng lên đầu tiên và sử dụng tự do tư tưởng và thảo luận. Bởi vì tự do tinh thần này không chỉ là điều kiện cho những tư biện của họ trong triết học, sự tiến bộ của họ trong khoa học, các thử nghiệm của họ trong các thể chế chính trị; đó cũng là một điều kiện của sự trác việt văn chương và nghệ thuật.
Khoa học buổi sơ khai: Archimedes khám phá lực đẩy của nước khi đang tắm.
Người Hy Lạp có thể nói là những người đầu tiên xem thế giới không phải như một tặng vật, mà như một câu hỏi cần được trả lời, “nicht gegeben, sondern aufgegeben” chính xác như Kant quan niệm. Họ bị thu hút bởi sự đam mê hiểu biết, xuyên thấu vào chuỗi các hiện tượng để nắm bắt chân lý sâu xa đằng sau đó. Họ thiết lập một truyền thống sinh động của tư duy phê phán để theo đuổi mục đích hiểu biết trên. Họ có óc tò mò, có sự táo bạo không đặt rào cản nào trong tư duy của họ. Tinh thần khoa học phương Tây được sinh ra từ đó. Phương Tây không bao giờ dứt ngưỡng mộ tính sinh động và sâu sắc của người Hy Lạp, dù trải qua những giai đoạn thăng trầm. Tinh thần Hy lạp như một vì sao dẫn đường không thể nhầm lẫn, không bao giờ lu mờ, và bao giờ cũng hiện ra tươi trẻ như suối nguồn của cảm hứng. Đối với họ, trời và đất như không bao giờ bị chia cách nhau, vẫn gắn bó là một trong tư duy của họ.
Có thể nói gọn lại về lịch sử của phát triển lý tính: Lý tính phát triển tương đối tự do trong thời Hy Lạp và La Mã. (Nói như thế nhưng không phải con người có hoàn toàn tự do tuyệt đối để tư duy. Cái chết của Socrates là một thí dụ. Nhưng chưa nghiêm trọng.) Đến thời Trung cổ, lý tính mới thực sự bị “nhốt” vào tù. Mâu thuẫn giữa giới tu sĩ với lý tính đạt tới đỉnh điểm, và khoa học bị trấn áp dữ dội. Đến thời Phục Hưng và thời Cải cách, lý tính bắt đầu được “thả ra”, trong chừng mực, và phát triển. Vị trí con người, và thế giới thế tục, dần dần được khôi phục. Thế giới bắt đầu đi vào những giai đoạn thuận lợi cho sự phát triển lý tính và khoa học. Phục Hưng là ngưỡng cửa của thế giới hiện đại, mà tiếp theo sau là Cải cách, và cuộc Cách mạng khoa học thế kỷ 17, ảnh hưởng sâu rộng lên tôn giáo và xã hội. Thế kỷ 18 tiếp theo là thế kỷ của Khai sáng. Lý tính và phương pháp tư duy khoa học ảnh hưởng mạnh hơn bao giờ hết vào tư duy của con người.
Lịch sử phát triển lý tính, và khoa học, là phức tạp ở phương Tây, để rồi cuối cùng chúng ta có cái gọi là khoa học và cách suy nghĩ một cách khoa học, sáng sủa và lôgíc như hôm nay. Không phải tự nhiên mà có. Không phải con đường đi đến khoa học là trơn tru và bằng phẳng như một ân huệ. Mà con đường đó đã phải trả giá bằng mồ hôi, máu và nước mắt.
Nhà thờ La Mã, với vai trò ảnh hưởng độc tôn lên các xã hội châu Âu, nhiều thế kỷ liền đã khinh miệt lý tính, khoa học, óc tò mò. Nhưng sau đó nhà thờ muốn ôm lấy khoa học để làm cho tôn giáo có tính khoa học, để đạt tới hoàn hảo và “toàn trị”, vừa chỉ ra con đường lên trời, đồng thời cũng muốn chỉ ra trời vận hành thế nào. Nhưng hãy nhìn, không phải họ đi theo khoa học, mà lấy khoa học làm đầy tớ, kẻ cầm đèn cho quyền lực thần học, như Immanuel Kant nói. Rồi kẻ cầm đèn kia một ngày nọ đã phát triển lớn mạnh để trở thành người khai sáng cho cả thế giới[1]. Cuối cùng phương Tây đã có khoa học mà toán học và tư duy lôgíc là nòng cốt, thấm đượm lý tính.[2]
***
Thời Trung cổ ở cuối kỳ có những sự kiện quan trọng về tri thức diễn ra: Từ thế kỷ 11, 12, 13 đại học châu Âu xuất hiện tại Ý, Anh, Pháp, và nhanh chóng lan tỏa như các trung tâm học thuật, mô hình học thuật ngày nay còn tồn tại bên cạnh nhà thờ. Các tác phẩm của Aristote được tìm thấy từ những người Moslem và Byzantin, như Siêu hình học, Vật lý, và De Anima (Về linh hồn), cũng như tác phẩm thiên văn học Almagest của Ptolemy, và được dịch sang La tinh, thúc đẩy học thuật phát triển mạnh mẽ trong giới trí thức, những người được đại học rèn luyện sắc bén về năng lực lý luận thông qua giáo dục đại học. Cuộc dịch thuật quy mô này kéo dài hai thế kỷ.[3] Nhà thờ “kết hôn với Aristote”, với gia tài triết học và khoa học đồ sộ và thuyết phục của ông không thể từ chối, một cuộc hôn nhân vừa có mặt tích cực mà cũng vừa có mặt tiêu cực. Tuy nhà thờ vốn không mặn mòi với tri thức, nhưng về mặt thực tiễn, nhà thờ muốn có một tôn giáo của quyển sách, của tri thức, sau khi xã hội bắt đầu phát triển, ổn định, các thành phố phồn vinh. “Sau khi đã vững vàng trong đức tin, chúng ta cần ra sức hiểu những gì chúng ta tin” như Anselm, Tổng giám mục của Canterbury, tuyên bố. Thực sự châu Âu đang thua kém thế giới Moslem phồn thịnh và có văn hóa học thuật cao.
Chương trình đại học gồm có bảy môn học nhân văn: văn phạm, hùng biện, biện chứng hay logic (ba môn này được gọi là Trivium), và âm nhạc, số học, hình học, thiên văn (Quadrium). Cao hơn, có các môn chuyên ngành thần học, y và khoa luật, để chuẩn bị cho nghề nghiệp. Phương pháp học gồm bài giảng, lectura, và tranh luận, disputatio về một luận đề (thesis). Các môn học hùng biện, logic, số học, hình học, thiên văn, đều góp phần giúp cho năng lực lý luận sắc bén. Sinh viên khắp nơi có thể đến để học, nghiên cứu và chứng kiến những cuộc tranh luận công khai của các bậc thầy. Với sự phát triển này, giới trí thức có thái độ suy nghĩ, phản tư hơn đối với nhà thờ, chứ không phải chỉ thụ động nghe lời. Chân lý dần dần có tính đa dạng (plurality), với nhiều lập luận cạnh tranh nhau, và với năng lực lý tính con người ngày càng tăng để nhận thức đúng, sai. Không phải chân lý tôn giáo bị đặt lại vấn đề, mà những chân lý đó trở thành đối tượng của sự phân tích. Nhiệm vụ của triết học trung cổ là nối liền đức tin và lý tính, để cho những tín điều của tôn giáo được giải thích và bảo vệ dựa trên sự phân tích có lý tính. Triết học trở thành người hầu gái của thần học, và lý tính trở thành người diễn giải của đức tin. Tri thức con người dần dần thâm nhập và tạo được sự công nhận trong hàng lãnh đạo tôn giáo. Bằng cách mở rộng tri thức, con người trở nên càng giống Chúa, và giống Chúa là cứu cánh đích thực được mong muốn của con người. Theo Aquinas, nỗ lực con người để hiểu biết là được Chúa phú cho với ý nghĩa tâm linh sâu sắc: Con đường của chân lý cũng là con đường của Thánh Linh. Đó là giai đoạn mà sự thai nghén của nền văn hóa phương Tây từ trong lòng nhà thờ Trung cổ đạt tiến tới mức tới hạn, mà vượt qua đó không còn gì có thể kềm hãm lại bằng các cấu trúc cổ xưa. Sau một nghìn năm, phương Tây trưởng thành và sắp sửa trải qua một chuỗi biến động văn hóa để cho ra đời thế giới hiện đại.
***
Thời Phục Hưng từ thế kỷ 14-17 là giai đoạn vĩ đại thứ hai sau giai đoạn cổ điển của Hy Lạp. Con người phương Tây được tái sinh. Đó là một bước nhảy lượng tử không nhầm lẫn trong cuộc tiến hóa của nền văn minh châu Âu. Phục Hưng tái lập sự tự tin của lý tính con người. “Con người là thước đo của mọi vật”, câu nói của Protagoras được lấy làm khẩu hiệu. Và cuộc sống trên thế giới thế tục từng bước được thừa nhận có một giá trị độc lập với những niềm hy vọng và nỗi sợ hãi liên quan đến một cuộc sống bên kia cái chết. Leonardo, Michelangelo và Raphael sản xuất ra những kiệt tác nghệ thuật, Columbus chinh phục Tân thế giới, Gutenberg phát minh kỹ thuật in, thúc đẩy nhanh mọi sự phát triển học thuật, đưa các sách vở đến đông đảo công chúng chưa từng có, làm xói mòn độc quyền về học thuật của giới tăng lữ, thúc đẩy Cải cách, và sự hình thành khoa học hiện đại, Luther nổi loạn chống lại Nhà thờ Công giáo và khởi đầu cuộc Cải cách, Copernicus đưa ra giả thuyết của vũ trụ lấy mặt trời làm trung tâm để khơi mào cho cuộc Cách mạng khoa học. Một thiên hà tài năng lần lượt xuất hiện, được xem như những “siêu nhân” trong hầu hết mọi lĩnh vực. Không có lãnh vực nào về tri thức, sáng tạo, hay thám hiểm dường như vượt quá khỏi tầm tay của con người.
Nicolas Copernicus (© Tomasz Bidermann). Ông đấu tranh cho một vũ trụ quan lấy mặt trời làm tâm điểm, một ý tưởng cách mạng và gây sốc. Một vị giám mục Ý định bắt Copernicus cho vào tù khi hay tin, nhưng ngạc nhiên khi biết rằng Copernicus đã chết đã bảy mươi năm trước đó.
Phục Hưng lấy các nhà tư tưởng Hy Lạp làm hướng đạo, và lấy tinh thần của thế giới cổ đại để xua đuổi ma quỷ của thời đen tối. Ảnh hưởng của thời Trung cổ là nặng nề và sâu đậm trong tinh thần con người. Mãi đến giai đoạn gần cuối của Phục Hưng mới hình thành một cuộc chống lại qui mô các ảnh hưởng sâu đậm đó. Thế kỷ 16, con người đó đây bắt đầu, một cách rụt rè và ngập ngừng, nổi dậy chống lại sự chuyên chính của thời cổ đại, hay đúng hơn, chuẩn bị con đường nổi loạn công khai để bùng nổ vào thế kỷ 17. Nổi loạn diễn ra ngay trong lòng của học thuật cổ đại: Copernicus chống lại Ptolemy, và Aristote; Versalius chống lại Galen; Aristote bị “phản công” từ nhiều nơi, như từ Telesio, Cardano, Ramus, Bruno, rồi đến Galilei.
Trong các ngành khoa học tự nhiên, một sự đổi mới sáng tạo bằng cách sử dụng thực nghiệm và toán học bắt đầu xuất hiện, báo hiệu một cuộc cách mạng triệt để trong nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên, mặc dù ý nghĩa của triển vọng của tương lai mà các nghiên cứu mở ra vẫn còn được hiểu một cách ngờ ngợ. Các nhà tư tưởng và con người của khoa học đang sống trong buổi tranh tối tranh sáng của khoa học. Nhưng đó là ánh sáng của Hừng đông mà người ta chưa biết. Trong khi Bruno, Campanella, Galilei chấp nhận thiên văn học của Copernicus, thì Francis Bacon, nhà tiên tri của khoa học hiện đại, lại từ chối.
Các kiệt tác chân dung của thời Phục Hưng. Trái: tượng David của Michelangelo. Phải: chân dung của một phụ nữ trẻ của danh họa Botticelli. Cả hai thể hiện nét đẹp trọn vẹn của con người. Đó là những biểu hiện của sự trở lại của con người thế tục. Nghệ thuât không những thể hiện óc thẩm mỹ mà còn óc quan sát chính xác bậc thầy của người phương Tây mà từ đó ngành hội họa và khoa học nẩy sinh, như Leonardo nhận xét rất chí lý.
Giai đoạn đầu của Phục Hưng là phục hồi con người tự nhiên (natural man), là khẳng định anh ta chính là người lèo lái vận mệnh của mình, quả quyết tự do của anh ta trong những lãnh vực nghệ thuật và văn học. Nhưng sự phát triển của Phục Hưng đi xa hơn. Nó đòi hỏi tiếp rằng tự do nghiên cứu là bản chất tự nhiên của con người không thể phủ nhận, và rằng thế giới này có những giá trị dành cho con người độc lập với các mối quan hệ của nó với thế giới siêu-thế-tục. Giordano Bruno và Francis Bacon đóng vai trò của khúc dạo đầu của một thời đại mới trong đó Khoa học lên ngôi nữ hoàng. Như Rabelais nhận xét: “Tất cả thế giới có đầy các nhà thông thái, các người thầy uyên bác, và các thư viện lớn. Tôi nghĩ rằng không phải thời của Plato, Cicero, hay Papinianus có những điều kiện thuận lợi của học thuật như chúng ta thấy hiện nay.” Ramus cũng nhận xét: “Trong một thế kỷ (16) chúng ta đã thấy một sự tiến bộ lớn về con người, và về tác phẩm của học thuật, hơn tổ tiên chúng ta đã thấy trong thời gian của 14 thế kỷ trước.” (J. B. Bury)
***
Với sự xuất hiện của Galilei, Kepler, và Newton ở cao điểm với tác phẩm vĩ đại Principia (Các nguyên lý), bình minh của phương Tây đã hiện ra rõ nét, chấm dứt mọi sự hoài nghi về năng lực tư duy của con người. Vũ trụ không phải hoạt động tùy tiện, mà rất có trật tự, được lực hấp dẫn như bàn tay huyền bí quy định theo các định luật rất chính xác, y như những nhà khai sáng Ionia từng mơ ước hai nghìn hai trăm năm trước! Huyền diệu làm sao! Một sự bứt phá chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Đó là một khám phá làm say sưa lòng người. Nhưng đồng thời một sự tương phản đập vào mắt: So sánh với tính đơn giản và trật tự của các định luật hấp dẫn, các định luật của con người còn lộn xộn làm sao!
Khoa học, và lý tính đạt đến độ cao chưa từng thấy. Con người tin vào mũi tên tiến bộ của xã hội loài người. Uy tín của chủ nghĩa kinh viện bảo thủ không bao giờ được hồi phục. Từ đây, khoa học và triết học có thể đi tới mà không cần phải dựa vào sự biện hộ của thần học. Đức tin và lý tính cũng như khoa học dần dần rẽ nhánh. Vị trí của tôn giáo và khoa học bị đảo ngược. Tôn giáo đã bị phê phán bởi người hầu gái của nó, và chịu sự tu chỉnh theo ý tưởng của nó. Tôn giáo phải “gạn lọc”. Khoa học cung cấp các tiêu chuẩn cho chân lý. Nhưng Newton vẫn là con người duy lý có đức tin (religious rationalist). Cũng như như những người đi trước ông: Kepler, Galilei. Tôn giáo giờ đây không thể thiếu lý tính. Sự hài hòa giữa khoa học và tôn giáo là một mệnh đề cơ bản. Newton nói rõ, mục tiêu chính yếu của nghiên cứu khoa học là tìm ra căn nguyên tối hậu của sáng thế (creation). Nhiệm vụ chính của triết học tự nhiên, như ông giải thích trong Opticks, không phải là phát triển cơ chế hoạt động mang tính cơ học (mechanism) của vũ trụ, nhưng để suy ra những căn nguyên từ các các hiện tượng, cho đến khi chúng ta đạt tới Căn nguyên ban đầu (First Cause), căn nguyên chắc chắn không còn mang tính cơ học nữa. Tự nhiên chính là khuôn mặt của Chúa, và con người muốn hiểu đến cùng căn nguyên của khuôn mặt ấy. Nhà thơ Alexander Pope hát lên lời ca ngợi cho Newton:
Tự nhiên, và các định luật của Tự nhiên nằm ẩn mình trong bóng đêm:
Chúa nói, Hãy để Newton xuất hiện! và tất cả đều sáng lên.
“Trong thế kỷ 18 và từ đó trở đi, Newton được xem là người đầu tiên và vĩ đại nhất của thời hiện đại của các nhà khoa học, một người duy lý (rationalist), người dạy chúng ta tư duy bằng con đường của lý tính lạnh lùng và không tô màu”, nhà kinh tế John Maynard Keynes nói. Nhưng chưa đủ, với cái nhìn xa hơn về lịch sử ông nói thêm:
“Tôi không nhìn ông dưới ánh sáng này… Newton không phải là người đầu tiên của thời đại của lý tính. Ông là người cuối cùng của những thuật sĩ (magicians), người cuối cùng của những người Babylon và Sumer, bộ óc vĩ đại cuối cùng nhìn ra thế giới tri thức và thế giới nhìn thấy được, với cùng con mắt như những người đã bắt đầu xây dựng di sản trí thức của chúng ta sau 10.000 năm trước rất nhiều. Isaac Newton, một đứa con sinh ra mồ côi cha vào ngày Giáng Sinh 1642, là đứa trẻ thần đồng cuối cùng mà các Đạo sĩ có thể đến bày tỏ lòng tôn kính chân thành và thích đáng.”
Ngọn đèn của học thuật đã được chuyền tay, từ các dân tộc phương Đông (Sumer, Babylon, Ai cập) sang Hy Lạp, rồi đến La Mã, vùng Moslem, trước khi nó sắp tắt. Sau khi bị dập vùi bởi những người man di một nghìn năm, nó lại được thắp sáng ở châu Âu, hơn bao giờ hết. Từ những thế kỷ 13-15, châu Âu đã bứt phá và bỏ lại sau các nền văn minh khác về khoa học và công nghệ.
Galilei trình bày viễn vọng kính với giáo sĩ nhà thờ. Ông hoạt động trong thời kỳ mà tất cả những người trí thức Âu châu sống trong nỗi sợ hãi có thể bị thiêu sống chỉ vì dám tư biện về bản chất của vũ trụ và các vì sao.
Đấy là một cuộc giải phóng có tính bứt phá vĩ đại trong lịch sử loài người, vượt lên trên cả thời cổ đại Hy Lạp. Khoa học Aristote không những có những cái sai mà còn không tiên đoán được nhiều hiện tượng, và cũng tách rời Đất (được xem là thông tục), và Trời (được xem là thiêng liêng). Thuyết hấp dẫn của Newton thống nhất hai thế giới này làm một. Nó cũng tiên đoán sự lên xuống của thủy triều, sự xuất hiện của sao chổi và nhiều hiện tượng thiên văn khác. Con người lần đầu tiên có cảm giác mình có thể kiểm soát được vũ trụ, và tin rằng có thể kiểm soát được định mệnh của chính mình.
Đêm dài đã qua. Bức tranh nhân loại giờ tỏa sáng. Trong phần lớn thời gian con người có mặt trên hành tinh, chúng ta sống trong một thế giới được Carl Sagan gọi là “bị quỷ ám”, một thế giới các lực lượng huyền bí và ác ý thống trị sự hiểu biết con người. Cỗ máy tòa án dị giáo đã thôi gieo rắc kinh hoàng. Condorcet tuyên bố: “Thời đại sẽ đến khi mặt trời sẽ chỉ chiếu lên những con người tự do, những người không biết ai là người chủ khác hơn là lý tính.” Các nhà khoa học khám phá trở thành những động cơ chính yếu của sự tiến bộ nhận thức. Cuộc chiến đấu của lý tính chống lại quyền uy cũng trở thành một cuộc chiến thắng quyết định và vĩnh viễn cho tự do, có giá trị như một nguyên lý nền tảng của xã hội để phát triển. Và cũng không phải ngẫu nhiên khi sự suy giảm của mê tín và truy bức những người suy nghĩ khác từng bị quy là dị giáo diễn ra đồng thời trong một thời đại chứng kiến sự đang lên của khoa học hiện đại. Từ thế kỷ 17 trở đi, khoa học trở thành một hoạt động chính thức, một định chế xã hội, như tôn giáo.
Hai Viện hàn lâm được thành lập để khẳng định hướng phát triển không thể đảo ngược được của khoa học, của lý tính, là Hàn lâm viện Anh (1660) và Hàn lâm viện Pháp (1666). Đó cũng là những ngọn hải đăng để truyền ánh sáng khoa học đi đến thế giới. Sprat, Giám mục của Rochester, trong tác phẩm Lịch sử của Viện hàn lâm Anh cho rằng viễn cảnh của các cuộc khám phá trong tương lai của nhân loại tùy thuộc vào sự mở rộng ảnh hưởng của vùng văn minh phương Tây “nếu như thiên tài cơ khí này, cái hiện đang ngự trị trong các phần đất của Ki-tô giáo, sẽ lan tỏa rộng rãi trong chúng ta và các quốc gia văn minh khác, hay bằng một định mệnh tốt đẹp nó được chuyển xa hơn đến các nước còn chưa hoàn toàn văn minh.” Ông tin rằng ở những nơi đó, khoa học có thể được làm cho tinh xảo hơn, như các học trò từng có khả năng hơn thầy, người Hy Lạp vượt hẳn hơn các bậc thầy phương Đông của họ, và rồi đến lượt các dân tộc của châu Âu hiện đại vượt hẳn hơn các bậc thầy Hy Lạp của họ năm xưa.
Chiến thắng của phương Tây là chiến thắng của lý tính, của tinh thần sáng tạo, luôn luôn khai phá và khai phóng, của lòng đam mê chân lý, đấu tranh can trường để đem chân lý và lý tính đến toàn thắng. Con người nhìn thấy trong thế giới không còn là một sự hỗn độn nữa, mà một cỗ máy hài hòa và hợp lý. Chưa bao giờ như thế, cả thế giới có học được thuyết phục rằng sức mạnh có ích lợi nhất và thánh thiện nhất trong đời sống con người, thành quả tối cao của con người và viên ngọc quý sáng giá nhất, đó là khoa học. Lần đầu tiên trong lịch sử dài dằng dặc của nhân loại, con người tin tưởng rộng rãi rằng hạnh phúc nhân loại và tri thức nhân loại đi đôi với nhau tay trong tay. Khoa học lần đầu tiên tiến vào mọi lãnh vực của mối quan tâm con người, và thu hút được trí tuệ của mọi người có học. Một cuộc cách mạng về niềm tin và thói quen tư duy diễn ra. Thế kỷ 18, còn được gọi là Thời đại của Lý tính, vượt lên trên hết, là thời đại của lòng tin vào khoa học. (John H. Randall, Jr) “Lý tính! hãy dẫn dắt những bước chân vô định của con người qua các nẻo đường đời. Chân lý! hãy để ngọn đuốc của ngài chiếu sáng trí tuệ anh ta, xua tan bóng tối trên con đường của anh ta.[4] (Holbach) Khoa học, Khai sáng và Lý tính đã chiếm ngự trái tim và khối óc con người một cách sâu thẳm như một ‘đức tin tôn giáo’ mới, một ‘ý thức hệ’ mới, và tạo nên sức bật mới sau đêm dài bị giam hãm. “Hạnh phúc làm sao, Ô con người!” (Holbach)
Phương Tây không biết chủ nghĩa “chúng ta sẽ không biết” (ignorabimus). “Đối với chúng ta không có ignorabimus, và theo tôi, cũng không hề có điều đó đối với khoa học”, và chỉ có khẩu hiệu “Chúng ta phải biết/ Chúng ta sẽ biết” như David Hilbert khẳng định trong một bài diễn từ.[5] Một thế kỷ trước, Kant cũng từng nói: “Hãy dám biết” như khẩu hiệu của Khai sáng.
Isaac Newton được minh họa bởi William Blake, mô tả ông là một “nhà hình học thần thánh”. Newton sinh ra trong một thế giới còn đen tối, ma lực, từng đứng bên bờ của điên loạn, nhưng đã khám phá nhiều hơn tất cả những gì thế giới hai ngàn năm trước đó khám phá. Ông là kiến trúc sư trưởng của thế giới hiện đại. Ông thiết lập được những nguyên lý được gọi là các định luật mang tên ông.
Tác phẩm Các nguyên lý toán học của Triết học tự nhiên của Newton năm 1687
Voltaire của thế kỷ khai sáng cho rằng lý tính là nguyên lý của sự tiến bộ văn minh loài người. Ông lạc quan tin vào một “lý tính phổ quát” đã được ươm trồng trong con người, và nó vẫn tồn tại âm ỉ cho dù có những sự cuồng nộ gây chiến tranh chống lại nó, cho dù có các tên bạo chúa tìm cách dìm nó vào máu, cho dù có những kẻ mạo danh lừa gạt muốn thủ tiêu nó bằng mê tín (Bury). Nói chung, sự tiến bộ của nhân loại là kết quả của cuộc chiến đấu gian khổ giữa cái cũ và cái mới. Con người tuy có hạt giống lý tính trong người như Voltaire nói, nhưng cũng có những hạt giống của vô minh, của thành kiến đã hằn lại trong tiềm thức. “Khó khăn không phải ở ý tưởng mới”, như Keynes nói, “mà ở chỗ thoát ra khỏi những ý tưởng cũ, những thứ đã phân nhánh, đối với những ai đã lớn lên như phần lớn chúng ta, vào mỗi ngõ ngách của trí tuệ chúng ta.” Cornelius Lanczos một nhà vật lý đồng nghiệp của Einstein từng nói: “Không có khám phá khoa học nào từng được dựa trên sự áp dụng của common sense (‘lý tính bình thường’) cả”, và theo Einstein, “lý tính bình thường là lớp đất các thành kiến được kết lại trong tinh thần” từ nhỏ đến khi lớn lên trong một xã hội, hay trong một thời kỳ nhất định. Các lý thuyết khoa học, theo Einstein, là một phương tiện để nới rộng trực giác của chúng ta vào những thế giới vượt khỏi lý tính bình thường. Khoa học của Galilei, Kepler, và Newton trở thành lý tính bình thường mới.
***
Nếu ai đó nói rằng phương Tây nhờ có tự do nên đã có nhiều khám phá, trong khi Trung Hoa vĩ đại không có tự do nên đã bị tụt hậu từ 1500 trở đi, và tiếp tục tụt hậu khủng khiếp sau đó, thì nhận xét ấy chỉ có tính hiện tượng luận, chứ chưa đi vào gốc rễ của sự thật. Giới tinh hoa, nhất là giới khoa học, trí thức phương Tây, không hề dễ dàng được ban phát tự do đầy đủ cho hoạt động tri thức của họ. Ngược lại, họ phải tự tranh đấu để giành lấy quyền tự do tư duy và phát biểu những gì họ khám phá được trước công luận. Lịch sử của sự vươn lên của khoa học phương Tây là lịch sử của cuộc đấu tranh dữ dội giữa các nhà khoa học, những người đại diện của lý tính, và quyền lực của nhà thờ, mà đổ máu và chết chóc là tất yếu đã xảy ra. Cho nên người ta đã gọi các nhà khoa học là những “kẻ nổi loạn”, nổi loạn trong tư duy, trong việc thay đổi dòng nhận thức của nhân loại. Nổi loạn đối với tri thức cũ đã trở thành thành kiến và rào cản. Đồng thời họ cũng là những người kiến tạo thế giới quan mới. Albert Einstein là một nhân vật điển hình, vừa kiến tạo, vừa nổi loạn. Không có những người tiên phong như thế, nhân loại có lẽ vẫn còn sống với thế giới quan của thời Trung cổ.
Trung Hoa – phương Tây là một chương dài, để hiểu hết tại sao Trung Hoa tụt hậu, trong khi phương Tây lại bứt phá tiến lên. Đó là Câu hỏi Needham nổi tiếng. Một trong những yếu tố khách quan quan trọng thúc đẩy và tạo điều kiện để tự do phát triển là châu Âu có nhiều quốc gia riêng biệt − một sự phân mảnh chính trị − khiến họ luôn luôn cạnh tranh nhau để sinh tồn, trong khi Trung Hoa chỉ có một chính quyền trung ương duy nhất thống trị toàn cõi vương quốc. Sự cạnh tranh là nhân tố kích thích quan trọng đem lại tiến bộ về mọi mặt: thương mại, sản xuất, khoa học, công nghệ, tư tưởng vân vân. Quốc gia này có thể dung nạp những kẻ bị đàn áp ở quốc gia khác, nghĩa là cho họ “tị nạn chính trị”, vì họ hoặc khác tôn giáo, khác ý kiến, hoặc bị ghép vào tội dị giáo. Các sách bị cấm của Galilei tại Ý có thể được xuất bản tại Hà Lan. Những người Hugenot bị đàn áp ở Pháp có thể chạy sang các quốc gia khác sống. Các nhà khoa học của các quốc gia riêng lẻ vừa cạnh tranh nhau vừa hợp tác nhau theo một “tinh thần khoa học quốc tế” cao cả. Khoa học có ngôn ngữ chung: Tiếng La tinh. David Hume trong quyển The Rise of Arts and Sciences đối chiếu sự đa dạng (diversity) và đa nguyên (pluralism) của châu Âu với sự đồng nhất (homogeneity) và nhà nước thống nhất của Trung Quốc. Ông cảm nhận sự phân mảnh chính trị của châu Âu là nguyên do chính đàng sau sự phát triển thăng hoa của tri thức hữu dụng. Và cũng chính nó cho phép các nhà tư tưởng không theo lề thói hưởng được nhiều quyền tự do hơn. Châu Âu nhờ sự phân mảnh đó mà trở nên “khoan dung” hơn, trong khi Trung Hoa thống nhất không có độ khoan dung cần thiết về chính trị và tư tưởng cho sự phát triển. Lấy trường hợp của Zhu Shunshui, hay Châu Thuấn Thủy, một trong ít học giả thế kỷ 17 có kiến thức rộng về tri thức hữu dụng cũng như về kiến trúc và nghệ thuật. Vì ủng hộ nhà Minh cho nên đến khi nhà Minh bị lật đổ, ông đầu tiên chạy qua Việt Nam để xin tị nạn, ra vô đến năm lần, từng tới Hội An, nhưng không được vua hiểu tài để trọng dụng, lại còn bị hành hạ, xúc phạm, và bị dọa giết, nên cuối cùng ông bỏ sang Nhật, phục vụ cho Daimyô Mitsukuni của Mito-han, là một trong những han quan trọng của Nhật Bản. Ở đó, ông được rất trọng đãi nên đã đem hết sở học ra cống hiến cho đến khi mất.[6]
Cái học của Trung Hoa chủ yếu chỉ phụng sự cho thi cử làm quan, vừa vinh quang, vừa có quyền thế, và giàu có với bổng lộc. Với cái giá phải trả là không có khám phá khoa học, quốc gia không thể vươn lên như phương Tây, tư tưởng vẫn luôn luôn bị kềm hãm. Nhà Thanh, năm 1800 chẳng hạn, có sự dư thừa về nhân lực khủng khiếp: Có 1,4 triệu thí sinh cạnh tranh cho 20.000 chức vụ trong triều đình. Những người còn lại làm gì? Ngay cả những học giả giỏi nhất cũng có nguy cơ bị thất nghiệp. Không giống như ở châu Âu, nơi có trường đào tạo nghề cho thương mại và công nghiệp. Có ai quan niệm được một nho sĩ ở Trung Hoa đi làm nghề thủ công, thực hiện thí nghiệm, để tìm ra phương pháp luận, tìm ra cái mới có tính quy luật được che dấu trong thế giới vật chất, hay tìm ra những kiến thức hữu ích cho công nghiệp? Trong một đoạn nổi tiếng của trưởng nhóm Dòng Tên ở Trung Hoa, Matteo Ricci viết rằng ở xứ sở này: “Chỉ một người đã đạt được danh hiệu Tiến sĩ hay Cử nhân mới được nhận vào bộ máy hành chánh của vương quốc… không ai muốn lao động để đạt được sự thành thạo trong toán học hay y khoa, họ chỉ có niềm hy vọng trở thành nổi bật trong lãnh vực triết học (tức các môn học cổ điển). Kết quả là hầu như không có ai”. Cái học tự nhiên, toán học, thiên văn, kỹ thuật từng thời cũng có, chỉ biến mất vào thời Thanh, nhưng tất cả đều hình thức, và thí sinh phải tỏ ra trả bài trong khuôn khổ của Tứ thư. Tất cả những đổi mới sáng tạo đều có thể bị xem là đe dọa hệ thống, là không chính thống, và thí sinh sẽ bị đánh rớt. (Benjamin A. Elman) Mối sợ hãi truyền kiếp đối với tất cả những gì mới có thể gây xáo trộn trong xã hội. Đó là những tiên đề của sự bế tắc khoa học và công nghệ. Dĩ nhiên ở châu Âu cũng có thái độ như thế. Nhưng có điều khác biệt: Ở đó con người nhất định không cam chịu, dù bị trả giá. Và sự phân mảnh có thể tạo ra chỗ thoát cho họ.
Tượng của Giordano Bruno, tu sĩ dòng Dominic, tại Campo dei Fiori, nơi ông bị thiêu sống năm 1600 vì có những ý tưởng vũ trụ học khác với chính thống.
Tư tưởng Khổng giáo được đưa lên hàng tín điều bất khả xâm phạm, gần như một tôn giáo. Trung Hoa không có Tòa án dị giáo (Inquisition) như phương Tây, nhưng khoa học vẫn không phát triển được. Vì sao? Vì cái học chủ yếu để làm quan, không phải để khám phá, chế độ không cảm thấy mình bị đe dọa, nên không cần Tòa án dị giáo. Không học giả nào “dại dột” thách thức Khổng tử, Mạnh tử và Tuân Tử như giới học giả phương Tây từng làm đối với Aristote, Ptolemy và Galen. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” ở Trung Quốc giết chết sự đổi mới sáng tạo về tư tưởng từ trong trứng. Không ai dám nghĩ khác, “dám biết” như người phương Tây. Và các tác phẩm cổ điển “đã chứa tất cả túi khôn khả dĩ”, và “các mục đích theo đuổi khoa học không nhằm tiến gần đến sự thật khách quan mà chỉ là một sự khám phá những gì các bậc hiền triết cổ xưa đã biết.” (Lloyd & Sivin). Trung Hoa có các khoa học (viết nhỏ) nhưng không có Khoa học (viết hoa). (Sivin) Tuy Trung Hoa không bị thống trị bởi một thần quyền hà khắc như nhà thờ La Mã ở châu Âu, nhưng Trung Hoa cũng không bao giờ có cách mạng khoa học hay khai sáng, là những giai đoạn phát triển rực rỡ mà người hiện đại đã chiến thắng người cổ đại, bằng sức mạnh của khoa học và lý tính, đưa con người ra khỏi sự vô minh.
Max Weber (1864-1920)
Vì lối học từ chương để làm quan trong một đế chế thống nhất nên Trung Hoa không có “thị trường cạnh tranh của ý tưởng” như ở châu Âu, không có truyền thống tranh luận tự do, chỉ có trên nói dưới nghe, trên phán dưới chép. Các nhà khoa học như thời nhà Minh và nhà Thanh tập trung toàn tâm toàn trí vào “nghiên cứu văn bản và cổ học”, cho nên thay vì phát triển khoa học, họ bị ám ảnh với lịch sử của họ. Họ tự nhận có một lịch sử cổ đại vĩ đại không bao giờ vượt qua được, mà chỉ có nghiên cứu, diễn giải và học thuộc nó thôi, không cần phát minh thêm cái mới. Niềm hãnh diện của họ là vô bờ bến. Cũng chính vì niềm hãnh diện này mà họ đã không tiếp thu được khoa học từ các nhà truyền giáo. Khác hẳn với tình hình ở Nhật Bản. Nếu những người châu Âu cũng nói: Các thành tựu của thời cổ đại Hy Lạp là vĩ đại và không thể vượt qua, chỉ cần học và nghiên cứu lại, như các nhà nhân văn thời Phục Hưng đã làm, thì chúng ta có thể hình dung số phận châu Âu, và của cả thế giới hôm nay sẽ ra sao. Max Weber vì thế mới nói rằng, may thay cho châu Âu, giai cấp các nhà nhân văn không có ảnh hưởng thống trị lâu dài, nếu không thì châu Âu cũng có nguy cơ tụt hậu y như Trung Hoa.
Ở Trung Hoa, do làm ăn nhỏ, trong phạm vi gia đình, hay dòng họ, là đơn vị kinh tế của xã hội nông nghiệp và thủ công, nên chỉ có “đạo lý giới hạn” (limited morality), chỉ biết lợi ích của nhóm nhỏ, chỉ có lòng tin vào người ruột thịt họ hàng. Các cá nhân chỉ biết lo cho họ, và những người gần gũi họ nhất, rất ít cho xã hội rộng mà họ sống trong đó, cho nên họ dễ dàng có tinh thần “bộ lạc” và dễ trở thành cơ hội chủ nghĩa khi họ giao dịch với những người họ không biết. Trong khi đó, châu Âu có “đạo lý rộng” (general morality), các “enterprise” (công ty) hay “corporation” xuất hiện từ khoảng thế kỷ 16 trở đi, có qui mô vượt khỏi phạm vi gia đình, được nới rộng đến các thành viên ngoài xã hội. Lòng tin con người được mở rộng. Lòng trung thành nhóm, sự tin tưởng lẫn nhau, trách nhiệm lẫn nhau, sự nương tựa lẫn nhau giữa những người ngoài dòng họ, đó là những tình cảm mới được phát triển và vun xới. (Từ đó họ phát minh loại kế toán kép để bảo đảm sự minh bạch giữa các thành viên với nhau.) Đổi mới sáng tạo mà những lợi ích của nó tác động lên một cộng đồng rộng rãi, và có thể cả nhân loại, do đó dễ diễn ra ở những xã hội với đạo lý rộng. Ở đó, người ta có nhiều động cơ mong muốn làm một cái gì có lợi cho số đông, hay để nhận được sự công nhận của họ. Đạo đức rộng sẽ giúp kết nối con người nhiều hơn, dễ hơn, trên một mặt bằng nào đó, chẳng hạn như trường hợp của Cộng hòa trí thức (Republic of Letters). (Joe Mokyr) Với tầm nhìn rộng, khi giàu có, họ sẽ giúp lại xã hội, hoặc thế giới, như các nhà hoạt động nhân ái Mỹ. Họ xem quốc gia, và thế giới là nhà, chứ không chỉ biết gia đình nhỏ hẹp. (Xem Thư gửi Quý nhà giàu Việt Nam).
Nhưng nói cho cùng, Trung Hoa thiếu một Hy Lạp cổ đại như một tấm gương để đặt ra những tiên đề của sự phát triển mang tính con người, hiện thân của những giá trị cao cả của khoa học, nghệ thuật, văn học, cũng như của đạo đức dám bảo vệ chân lý, và tự do, nhìn thế giới với tầm nhìn của những con người khai phá, không phải xem thế giới được cho để hưởng thụ, mà xem thế giới được đặt ra như một câu hỏi để con người giải đáp, không vì một lợi ích vật chất nào cả. Các dân tộc khác làm ra thần thánh, vua chúa và ma quỷ. Chỉ có dân tộc Hy Lạp làm ra con người, con người luôn luôn khao khát đi tìm chân lý, cái thật, cái đúng, cái bản chất của vũ trụ.
***
Lý tính có thể học được, cũng như khoa học. Descartes cho rằng khả năng phán đoán được cái gì là tốt, phân biệt được cái gì là đúng, khác với cái sai, điều làm nên lý tính, là được phú bằng nhau trong tất cả con người. Lý tính, cái làm cho con người khác biệt với động vật, “có cả trong mỗi chúng ta”. Các nhà triết học tin rằng con người có thể học lý tính thông qua các phương pháp khoa học, toán học. Francis Bacon tin rằng phương pháp toán học sẽ có khuynh hướng làm giảm đi các khác biệt giữa con người với nhau, và làm cho độ thông minh họ bằng nhau. Nói dễ, ở mức độ nào đó, nhưng con người xuất thân từ sự vô minh trong hang động, như trong ẩn dụ của Plato, mà con đường trở về ánh sáng chân lý không phải phút chốc đạt được hết, mà chỉ từng bước, và rất khó khăn. Lịch sử phát triển khoa học đã cung cấp những bằng chứng sống động nhất. Ta đã thấy qua những thí dụ của Galilei, Kepler, Newton, Maxwell, Planck, Einstein và Heisenberg.
Steven Weinberg (1933-)
Steven Weinberg trong diễn văn nhận giải Nobel 1976 mô tả đầy kịch tính hoàn cảnh hoạt động khám phá hết sức khó khăn của các nhà vật lý thế kỷ 20, cũng như những trải nghiệm khám phá của chính ông, khi mượn ẩn dụ ngôn hang động Plato trong Republic, qua đó chúng ta có thể cảm nhận phần nào lộ trình không đơn giản của lý tính:
“Chúng ta ở trong một hang động như thế, bị cầm tù bởi những giới hạn về các loại thí nghiệm chúng ta có thể thực hiện. Đặc biệt chúng ta chỉ có thể nghiên cứu vật chất ở vùng nhiệt độ tương đối thấp nơi đó đối xứng dễ bị phá vỡ tự phát khiến cho tự nhiên không hiện ra ở dạng rất đơn giản hay được thống nhất. Chúng ta cũng không có năng lực ra khỏi hang động này, nhưng bằng cách quan sát lâu và chăm chú các bóng của bức tường hang, chúng ta ít ra có thể hình dung được hình dạng của các loại đối xứng, những đối xứng tuy bị phá vỡ, nhưng lại là những nguyên lý chính xác quản lý tất cả các hiện tượng, là những biểu hiện của vẻ đẹp của thế giới bên ngoài.[7]
 Francisco de Goya, Giấc ngủ của Lý tính sinh ra các quái vật, khoảng năm 1797, một bức tranh rất hàm ý (Wikipedia).
Sự phát triển của khoa học ở phương Tây không biết một sự hạn chế tiên đề nào từ một quyền lực hay định kiến bên trên. “Ai dám đặt ra giới hạn cho óc thông minh và năng khiếu khám phá của con người? Ai muốn khẳng định rằng tất cả những gì trong thế giới có thể trải nghiệm và nhận thức được đều đã được khám phá và nhận thức rồi?” như Galilei từng thách thức. Khoa học đi theo con đường riêng của nó, và các phương pháp tư duy, và thực nghiệm ngày càng tinh vi hơn để khám phá. Giới khoa học không bao giờ chịu sự phục tùng về lý trí trước quyền lực. Họ phải làm chức năng thiên phú của họ: là khám phá sự thật. “Bao lâu con người tin rằng những gì người Hy Lạp và La Mã đạt được vào thời huy hoàng nhất của nền văn minh, phát triển đến một mặt bằng trí thức mà đời sau sẽ không bao giờ đạt tới, bao lâu uy quyền của các nhà tư tưởng của họ được đặt ra như cái gì không thể nghi vấn được, thì một lý thuyết của sự thoái hóa sẽ phát triển không cưỡng được, điều loại bỏ một lý thuyết của sự tiến bộ”, như J. B. Bury nói. Đó là trường hợp của phương Đông với Khổng giáo kềm hãm sự phát triển. Ở phương Tây, giáo dục từng bước phát triển theo lộ trình tiến bộ của khoa học, bớt giáo điều, kinh điển, và hướng về khoa học, có lý tính nhiều hơn. Hệ thống tư duy ở phương Tây là từng bước buộc phải mở, trong khi ở phương Đông vẫn bị cố đóng lại.
***
Ở Mỹ tình hình thoáng hơn. Các người cha lập quốc ngay từ đầu là những nhà khai sáng và yêu thích khoa học, lý tính. Họ sống trong thời đại của Khai sáng. Không có một loại “chuyên chính trí thức” hay giáo điều nào thống trị ở đó. Tự do ngay từ đầu nhận được sự đồng thuận lớn để phát triển cho mọi thành phần. Xã hội có một động lực rõ rệt ngay từ đầu: là khai phá, là tiến bộ, để phục vụ hạnh phúc cho nhân dân, cho nên sẽ không tương thích với những gì cản trở, trong chính trị, hành chánh cũng như giáo dục. Emerson diễn tả rất thẳng thắn trong bài “Tiến bộ của Văn hóa”:
“Ai sẽ (muốn) sống trong thời đồ đá hay đồ đồng, hay sắt, hay ở ao hồ? Ai không thích thời đại của thép, vàng, than đá, dầu hỏa, bông vải, hơi nước, điện, và kính quang phổ? … Hãy xem, vào thời này, sự đa dạng làm sao của nhiều thứ, của doanh nghiệp công hay tư, thiên tài giỏi làm sao của khoa học, nền hành chánh tốt thế nào, kỹ năng thực hành, các bậc thầy, mỗi người trong một tỉnh riêng, xe lửa, điện tín, mỏ, sự thám tính các vùng nội địa và biển, tiểu thuyết, các hoạt động nhân ái, cũng như nông nghiệp, ngoại thương và buôn bán trong nước (mà sự lưu thông trong nước này cũng đã mênh mông như ngoại thương), sản xuất, nhiều phát minh, tất cả cũng trên phạm vi quốc gia đã gợi lên!”
Mặc dù Emerson không quên các chỗ tối trong bức tranh, nhưng đó là niềm tin vào tương lai của quê hương của ông, vào sức mạnh, và các tiềm năng của nó. Để bảo đảm con đường tiến đến hạnh phúc, Virginia Bill về các quyền năm 1776 đã tóm tắt đức tin của những người cha lập quốc Mỹ như sau:
“Chính quyền được, hay nên được, lập ra vì phúc lợi chung, bảo vệ hay an ninh cho người dân, quốc gia, hay cộng đồng; trong tất cả những kiểu, hay dạng chính quyền, thì dạng tốt nhất là dạng có năng lực tạo ra mức độ cao nhất của hạnh phúc, và an toàn, và dạng được bảo đảm hiệu quả nhất chống các nguy hiểm của nền hành chánh tồi; và khi một chính quyền bị xem là không thích hợp, hay đi ngược lại các mục đích này, một đa số của cộng đồng có những quyền không nghi ngờ được, không chuyển nhượng được, không thể thủ tiêu được để cải tổ, thay đổi hay xóa bỏ nó…”
***
Một trong những quyển sách, để minh họa, rất cũ nhưng rất có ảnh hưởng lớn lên văn hóa lý tính của phương Tây là Các cơ sở hình học của Euclid[8]. Einstein cũng có một trải nghiệm mạnh mẽ với nó. Năm 12 tuổi ông đọc một trong những quyển sách này về hình học Euclid trong mặt phẳng. Trong tự truyện, được viết vào lúc 70 tuổi, ông viết lại rằng đó là “sự nhiệm mầu” thứ hai mà ông trải nghiệm, sau cái nhiệm mầu thứ nhất là cái la bàn mà ông nhận được lúc 4 tuổi. Ông viết: “Đó là những mệnh đề (định lý), chẳng hạn như mệnh đề ba đường cao của một tam giác giao nhau tại một điểm – mặt dù điều đó không hiển nhiên – nhưng có thể được chứng minh với sự chắc chắn đến độ mọi sự nghi ngờ có thể bị loại trừ. Sự sáng tỏ, và chắc chắn này gây một ấn tượng không thể tả lên tôi.” Trước đó, ông đã có dịp tự chứng minh định lý Pythagore.[9] Ông gọi các quyển sách Euclid là “thần thánh”, “thiêng liêng”. Chúng có một sức tỏa trí tuệ ghê gớm và mầu nhiệm. “Đối với ai lần đầu tiên trải nghiệm, thì đó là đủ mầu nhiệm, rằng con người nói chung có khả năng đạt tới một mức độ lớn như thế về sự chắc chắn và tinh khiết, như những người Hy Lạp lần đầu tiên chứng minh cho chúng ta trong hình học.”[10]

Tượng Euclid để vinh danh ông tại Viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của Đại học Oxford (Wiki)
Phương Đông không có một quyển sách như thế. Yukawa Hideki, nhà vật lý Nhật Bản đầu tiên mang về giải Nobel cho quê hương ông năm 1949, có lần đến dự hội nghị tại Hy Lạp. Ông càng trăn trở về câu hỏi tại sao phương Tây có khoa học, còn phương Đông thì không. Câu hỏi đó dẫn về văn minh khai sáng của Hy Lạp nói trên.
Về sự khác biệt quan trọng giữa châu Âu và châu Á có lẽ nhận định sau đây của F. Nietzsche về tư duy lôgíc tại một thời điểm lịch sử nhất định trong quá khứ là đáng suy ngẫm, và đây là xuất phát điểm của bài viết này:
Friedrich Nietzsche (1844-1900)
Trường học không có nhiệm vụ nào quan trọng cho bằng nhiệm vụ dạy cách tư duy chặt chẽ, phán đoán thận trọng và kết luận lôgic. Cho nên trường học phải loại bỏ tất cả những gì không thích hợp với các thao tác này, thí dụ như tôn giáo[11]. Nó phải dự trù rằng sau này sự mơ hồ của con người, thói quen và ham muốn sẽ làm giảm đi khả năng tư duy chặt chẽ. Tuy nhiên bao lâu ảnh hưởng của nó còn cho phép, trường học cần phải dạy cho được điều cơ bản và trội bật ở con người sau đây: Lý tính và Khoa học, như khả năng tri thức cao nhất của con người"[12] như ít nhất Goethe nhận định. – Nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên von Baer nhận thấy tính ưu việt của người châu Âu so với người châu Á về năng lực được giáo dục ở nhà trường, rằng họ có thể đưa ra những lý lẽ để biện minh cho điều họ tin, trong khi những người kia hoàn toàn không có khả năng. Châu Âu đã trải qua trường học của tư duy lôgic và có tính phê phán, trong khi châu Á vẫn chưa phân biệt được giữa Sự thật và Thi ca[13], và chưa ý thức được niềm tin của mình có phải là kết quả từ sự quan sát riêng và cách tư duy đúng đắn, hay là từ những sự tưởng tượng mơ hồ cảm tính (phantasy). Lý tính trong trường học đã làm cho châu Âu trở thành châu Âu: trong thời Trung cổ nó đã có nguy cơ biến thành một mảnh đất và một phần phụ thuộc của châu Á – nghĩa là mất mát tinh thần khoa học mà nó đã học được từ những người Hy Lạp.
Friedrich Nietzsche
Trong bài Lý tính trong trường học
(Die Vernunft in der Schule)
Fukuzawa Yukichi trong tự truyện của mình cũng có nhận định về giáo dục phương Đông, rằng lối học cũ làm thiếu đi lý tính và tư duy sáng sủa của phương Tây:
Fukuzawa Yukichi (1835-1901)
Thừa nhận rằng số phận của cả một quốc gia lệ thuộc vào giáo dục nhân dân của nước đó (chúng ta thấy) có những dị biệt căn bản trong giáo dục của các dân tộc phương Tây và dân tộc phương Đông.
Trong giáo dục phương Đông, thường bão hòa với giáo lý của Khổng giáo, tôi thường thấy có hai điểm thiếu sót; đó là sự thiếu sót sự học về số (numbers, toán học) và lý tính (reason) trong văn hóa vật chất, và sự thiếu sót ý tưởng độc lập trong văn hóa tinh thần. […]
Nhật Bản không thể nào khẳng định mình trong hàng ngũ các cường quốc thế giới mà không có sự nhìn nhận và thực hành hai nguyên lý trên. Cho nên tôi mới kết luận rằng triết lý Trung Hoa như cội rễ giáo dục là trách nhiệm cho những thiếu sót hiển nhiên nói trên.
[…]
Lý do đích thực của sự chống đối rất mạnh mẽ của tôi đối với văn hóa Trung Hoa là lòng tin rằng bao lâu học thuyết nhìn lui cũ kỹ (old regrogressive) của trường phái Trung Hoa vẫn còn tồn tại trong đầu của thanh niên chúng ta, thì đất nước chúng ta không bao giờ có thể bước vào hàng ngũ các quốc gia văn minh của thế giới!!
Fukuzawa Yukichi trong Tự truyện
Xã hội mất đi nguyên lý lý tính ngự trị trong điều hành sẽ là tai họa. Xã hội sẽ diễn ra phi-lý tính, phản lôgic, phản khoa học và hỗn độn. Các “quái vật” đủ loại sẽ xuất hiện, như bức tranh của Goya minh họa. Cho nên chúng ta rất cần vun đắp con đường chúng ta đi bằng lý tính, khoa học, và ý thức lịch sử, để khiêm tốn học hỏi, cần phân biệt đâu là “thi ca”, điều mà lịch sử Việt Nam có nhiều, đâu là sự thật, điều mà Việt Nam còn khá ít, để phục vụ cho sự phát triển lành mạnh của đất nước. Không có sự phát triển nào lành mạnh mà không bao hàm lý tính, khoa học, như linh hồn, ngược lại với sự tùy tiện, hư cấu và duy ý chí.
NXX
Tháng 8, 2017 (bổ sung)
Nguồn: Trường học của Lý tính, Rosetta.Vn, 29 Tháng Tám, 2017




Chú giải:

[1] Xem Suy nghĩ nhân đọc Trò Chuyện Triết Học của Bùi Văn Nam Sơn

[2] Xem Diễn văn năm học mới

[3] Xem Đại học. Lịch sử của một ý tưởng, Nguyễn Xuân Xanh, trong Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 Năm. Nxb Tri Thức, 2011.

[4] Xem Lời dẫn nhập, Nguyễn Xuân Xanh, trong Albert Einstein, Thuyết tương đối hẹp và rộng, nxb Tổng hợp TP HCM, 2015.

[5] Xem: David Hilbert – Diễn từ bốn phút bất hủ trên đài phát thanh năm 1930

[6] Xem bài viết về 071/chu-thuan-thuy" target="_blank">Chu Thuấn Thuỷ của Vĩnh Sính trên Diễn Đàn.

[7] Xem Hạt Higgs và Chúng ta, Nguyễn Xuân Xanh, trong Kỷ yếu Hạt Higgs và Mô hình chuẩn. Nxb Tri Thức, 2014.

[8] Xem Euclid, Cơ sở của hình học

[9] Xem EINSTEIN của Nguyễn Xuân Xanh, Nxb Tổng hợp Thành phố HCM 2015.

[10] Xem thêm Abraham Lincoln: Phác họa tiểu sử

[11] Châu Âu từ thế kỷ 18 đang trong trào lưu loại bỏ ảnh hưởng độc tôn của nhà thờ ra khỏi học đường, chỉ còn cho phép những giờ giáo lý tối thiểu. Các cuộc chiến tranh tôn giáo của thế kỷ 16 và 17 đã làm tổn thương nghiêm trọng uy tín của nhà thờ Thiên chúa giáo.

[12] Từ hai câu thơ trong tác phẩm Faust của Goethe:
Verachte nur Vernunft und Wissenschaft,
des Menschen allerhöchtste Kraft

(Hãy khinh miệt Lý tính và Khoa học đi,
Khả năng tri thức cao nhất của con người)
(Những lời Mephisto nói với Faust để dụ dỗ từ bỏ khoa học và lý tính)

[13] Tên tác phẩm tự truyện nổi tiếng của Goethe Dichtung und Wahrheit.

Print Friendly and PDF