12.8.18

Mười lăm luận đề về nghiên cứu xuyên ngành của Gertrude Hirsch Hadorn và cộng sự


MƯỜI LĂM LUẬN ĐỀ VỀ NGHIÊN CỨU XUYÊN NGÀNH CỦA GERTRUDE HIRSCH HADORN VÀ CỘNG SỰ[1]

Bùi Thế Cường (Giới thiệu, biên dịch)
Cẩm nang Nghiên cứu Xuyên ngành (Handbook of Transdisciplinary Research) do Gertrude Hirsch Hadorn và cộng sự biên tập, xuất bản năm 2007, là một công trình được nhiều người sử dụng và trích dẫn. Trong đó, chương cuối cùng số 29 do Urs Wiesmann và cộng sự viết nhan đề Tăng cường Nghiên cứu Xuyên ngành: Một Tổng hợp 15 Luận đề (Enhancing Transdisciplinary Research: A Synthesis in Fifteen Propositions). Chương này tổng kết nội dung cuốn sách dưới dạng những luận đề về nghiên cứu xuyên ngành. Các tác giả trình bày 15 luận đề trong ba nhóm. Nhóm thứ nhất gồm sáu luận đề đầu tiên, liên quan đến định nghĩa, phạm vi, quá trình và đầu ra của xuyên ngành. Nhóm hai gồm sáu luận đề tiếp theo (luận đề bảy đến 12) đề cập đến cách xuyên ngành vượt qua trở ngại. Nhóm cuối gồm ba luận đề còn lại đề cập những thách thức khoa học, định chế khoa học và xã hội đối với xuyên ngành. Dưới đây, tôi phỏng dịch 15 luận đề do Urs Wiesmann và cộng sự trình bày.
Luận đề 1. Định nghĩa nghiên cứu xuyên ngành
Nghiên cứu xuyên ngành là nghiên cứu bao gồm sự hợp tác trong cộng đồng khoa học và một sự tranh luận giữa nghiên cứu và xã hội. Do đó, nghiên cứu xuyên ngành vượt bỏ những ranh giới giữa các bộ môn và giữa khoa học với các lĩnh vực xã hội khác và bao gồm sự thảo luận về các sự kiện, thực tiễn và giá trị.
Luận đề 2. Phạm vi liên quan
Nghiên cứu xuyên ngành là một hình thái thích hợp của nghiên cứu để tìm kiếm những giải pháp dựa trên khoa học cho những vấn đề trong thế giới thực (hay thế giới sống, life-world) có độ phức tạp cao theo nghĩa có những sự kiện không chắc chắn, những giá trị và các bên xã hội liên quan. Thông qua kết nối giữa tri thức khoa học và tri thức xã hội, nghiên cứu xuyên ngành cải thiện đáng kể chất lượng, sự chấp nhận và tính bền vững của giải pháp. Tuy nhiên, thảo luận về các sự kiện, thực tiễn và giá trị là liên tục khi đưa kết quả ra thực tế trong thế giới thực cũng như trong cộng đồng khoa học.
Luận đề 3. Lặp đi lặp lại quá trình
Nghiên cứu xuyên ngành hàm ý không được xác định trước bản chất chính xác của một vấn đề muốn tiếp cận và giải quyết, và cần minh định nhu cầu theo lối hợp tác giữa các bên liên quan đến từ khoa học và từ thế giới thực. Để tăng khả năng định nghĩa tinh sâu vấn đề cũng như cùng cam kết trong việc giải quyết hoặc giảm thiểu vấn đề, nghiên cứu xuyên ngành kết nối việc nhận diện và cấu trúc hóa vấn đề, tìm kiếm giải pháp, và đưa kết quả vào thực tiễn, kết nối những cái đó trong một quá trình nghiên cứu và thương lượng lặp đi lặp lại. Như vậy, xuyên ngành tháo bỏ quy trình truyền thống đi từ nghiên cứu đến hành động.
Luận đề 4. Các hình thái tri thức
Liên quan đến bản chất tiếp cận trong nghiên cứu xuyên ngành, không được xác định trước bộ quy tắc của các bộ môn tham gia và nguồn lực đến từ khoa học tự nhiên, công nghệ, xã hội và nhân văn cũng như từ thế giới thực. Chỉ trong quá trình nghiên cứu mới xác định tri thức nào phải được thống hợp, sản xuất và liên kết các tri thức hệ thống, tri thức mục tiêu và tri thức biến đổi.
Luận đề này nêu lên ba kiểu tri thức, nên tôi thấy cần giải thích ngắn gọn về chúng trong quan niệm của xuyên ngành. Tri thức hệ thống (systems knowledge) liên quan đến câu hỏi về cội nguồn và sự phát triển của một vấn đề nào đó và về việc diễn giải vấn đề ấy trong thế giới thực. Nó bao hàm cả việc tìm hiểu những hoàn cảnh ẩn dưới sự tồn tại của vấn đề. Tri thức mục tiêu (target knowledge) nhằm trả lời vấn đề xác định và giải thích về nhu cầu phải thay đổi, về những mục tiêu mới cần mong muốn, về những thực hành tốt hơn. Tri thức biến đổi (transformation knowledge) nhằm giải quyết những vấn đề về công cụ công nghệ, xã hội, luật pháp, văn hóa, để biến đổi các thực tiễn hiện tồn và áp dụng những thực tiễn mới. Trong dạng tri thức này phải tính đến những công nghệ, quy định, thực hành và quan hệ quyền lực ‘chính thống’ hiện có. Bởi vì những lựa chọn cho thay đổi không có cách nào khác hơn là dựa trên những cơ sở hạ tầng, hệ thống luật lệ, cơ cấu quyền lực và định hướng văn hóa hiện tồn. (Hadorn và cộng sự, 2007, trang 431-432).
Luận đề 5. Tính bối cảnh và tính khái quát
Nghiên cứu xuyên ngành chịu sự định hình của bối cảnh của vấn đề cụ thể và hoàn cảnh xã hội liên quan. Về cơ bản nghiên cứu xuyên ngành có tính hiệu lực cho những bối cảnh ấy. Tuy nhiên, tính đến những điều kiện tiên quyết của bối cảnh xã hội, nghiên cứu xuyên ngành cũng nhắm đến sự khái quát bằng cách cung cấp các tìm hiểu, mô hình và tiếp cận mà có thể áp dụng sang những bối cảnh khác sau khi tra xét cẩn thận về tính hiệu lực và tính thích ứng.
Luận đề 6. Chuyên môn hóa và đổi mới
Phẩm chất của nghiên cứu xuyên ngành là ở các khái niệm về sự thống hợp (integration). Điều này đòi hỏi nó phát triển một hình thái chuyên môn hóa riêng của mình. Nhưng nghiên cứu xuyên ngành sẽ không có ý nghĩa gì nếu thiếu sự đóng góp của các chuyên ngành. Xuyên ngành có tiềm năng thúc đẩy đổi mới các bộ môn tham gia. Để điều này thành hiện thực cần nổi lên những cộng đồng/ nhóm đồng nghiệp có khả năng kết nối tính chuyên môn của các chuyên ngành với tính chuyên môn xuyên ngành.
Luận đề 7. Tham gia và học hỏi lẫn nhau
Tham gia trong xuyên ngành đòi hỏi những thương thảo và tương tác được cấu trúc hóa, quy trình hóa và lựa chọn cẩn thận. Cần tính đến những nguồn lực, mục tiêu và giá trị khác nhau nơi các bên tham gia. Tinh thần học hỏi lẫn nhau nhằm kết nối các vị trí và vai trò rõ ràng chứ không phải hòa tan chúng, đây chính là xuất phát điểm mang tính nguyên tắc để có được sự tham gia cùng hướng đến mục tiêu.
Luận đề 8. Kết nối và hợp tác
Trong nỗ lực hợp tác và kết nối phải chú ý đến bản chất lặp và xoay vòng của nghiên cứu xuyên ngành. Kết hợp những công cụ kết nối khác nhau (như phát triển các khung lý thuyết chung, các mô hình ứng dụng, những đầu ra chung cụ thể) trong một quá trình lặp lại liên tục và chia sẻ rộng rãi. Đó là ưu điểm của xuyên ngành đã được khẳng định. Mặt khác, xuyên ngành cũng phải tổ chức theo cách tạo ra cân bằng có hiệu suất giữa hợp tác có cấu trúc hóa và lợi ích và quyền của mọi bên tham gia.
Luận đề 9. Giá trị và tính không chắc chắn
Để chú ý đầy đủ đến các giá trị và quyền lợi của những bên tham gia trong mọi giai đoạn của quá trình nghiên cứu xuyên ngành, ta cần hợp tác và thương thảo với nhau bằng thái độ học hỏi lẫn nhau chứ không phải bằng các vị trí ta có. Điều này đỏi hỏi các nhà nghiên cứu phải phản tư sâu về phân bố thời gian thích đáng, tạo ra tính đồng sở hữu rộng rãi đối với vấn đề, và xây dựng ý thức về giá trị. Phản tư cũng là công cụ cốt lõi để đương đầu với tính không chắc chắn và những ranh giới bề ngoài của tri thức.
Luận đề 10. Quản lý và lãnh đạo
Lãnh đạo các dự án xuyên ngành phải tìm ra sự cân bằng khả dĩ giữa các giai đoạn hợp tác cường độ cao với những đầu ra chung được xác định rõ ràng và những giai đoạn dành cho nghiên cứu đơn ngành chuyên sâu. Việc cân bằng như thế được hỗ trợ bằng dịch vụ quản lý làm giảm nhẹ gánh nặng hành chính cho các đối tác, cung cấp công cụ cấu trúc hóa và tiến độ rõ ràng trong truyền thông, kết nối và phản tư, phát triển sự thừa nhận bên trong và bên ngoài đối với mọi bên tham gia, thông qua cung cấp tiếp cận đến cộng đồng đồng nghiệp rộng rãi.
Luận đề 11. Đào tạo và thăng tiến nghề nghiệp
Tốt nhất, đào tạo xuyên ngành phải gắn mật thiết với các chuyên ngành. Bên cạnh xây dựng năng lực truyền thông và hợp tác thông qua thực tiễn, cần chú trọng phản tư và kỹ năng phương pháp luận, khái niệm và lý thuyết, những kỹ năng mở rộng ranh giới và nối kết các bộ môn. Về mặt thăng tiến nghề nghiệp, cần kế hoạch hóa và quy trình hóa cẩn thận những kết quả hướng đến những hệ thống tham chiếu của các bộ môn và các cộng đồng đồng nghiệp xuyên ngành.
Luận đề 12. Lượng giá và kiểm soát chất lượng
Lượng giá nghiên cứu xuyên ngành cần vượt khỏi các hệ thống quy chiếu truyền thống. Cần bao gồm cả việc xem xét chất lượng kết nối và hợp tác giữa các chuyên ngành và các bên tham gia, việc thiết kế lặp đi lặp lại trong quá trình nghiên cứu, xem xét cách mà dự án đã dựa trên đó, và cách dự án đóng góp sản phẩm cho tri thức khoa học và cho việc xử lý vấn đề xã hội. Để tăng cường năng lực kiểm soát chất lượng nội bộ, các nhà nghiên cứu cần tập trung tìm ra sự cân bằng tinh tế giữa việc tôn trọng năng lực chuyên môn với việc vượt bỏ chúng khi đối thoại xây dựng và phê phán trong nhóm nghiên cứu xuyên ngành.
Luận đề 13. Đối diện với thách thức khoa học
Thực tiễn xuyên ngành tốt và cụ thể phải bổ sung bằng những nỗ lực ở cấp độ những nền tảng khoa học của xuyên ngành và sự thừa nhận khoa học đối với nó. Những nỗ lực ấy cần vượt lên khỏi việc hệ thống hóa các quy trình nghiên cứu xuyên ngành, nhắm đến sự phát triển và đổi mới về lý thuyết, phương pháp luận và chủ đề trong sự tương tác giữa các ngành chuyên môn, đem lại ích lợi cho cả đôi bên. Đương đầu với những thách thức ấy đòi hỏi phát triển mạng lưới đồng nghiệp rộng rãi và những mạng lưới hợp tác khác để kết nối khung quy chiếu xuyên ngành và đơn ngành cũng như các hệ thống kiểm tra chất lượng.
Luận đề 14. Đối diện với thách thức định chế
Để thúc đẩy nghiên cứu xuyên ngành, nền tảng khoa học và tiềm năng đổi mới của nó, thì cần tăng cường địa vị định chế của xuyên ngành trong khoa học và hàn lâm. Có nghĩa là kết hợp xuyên ngành vào nghiên cứu, giảng dạy và xây dựng khung thăng tiến nghề nghiệp trong các định chế đơn ngành chính thống, và có thể là thành lập cả những định chế chuyên về xuyên ngành nữa. Phát triển mạng lưới đồng nghiệp là vai trò then chốt để cộng đồng khoa học ủng hộ tích cực hơn nữa cho thực tiễn xuyên ngành.
Luận đề 15. Đối diện với thách thức xã hội
Nỗ lực thúc đẩy xuyên ngành cần đồng hành và cần đặt hẳn nó vào bên trong những cuộc tranh cãi xã hội về vai trò của khoa học đối với xã hội, nhất là khi đối diện với những sự không chắc chắn hiện hữu. Đồng thời, cần thúc giục cộng đồng khoa học thường xuyên làm mới lại tranh cãi về vai trò của giá trị và lợi ích trong nghiên cứu. Việc xuyên ngành đóng góp vào giải quyết những vấn đề trong thế giới thực đòi hỏi khoa học phải ý thức rõ ràng về các giá trị và ranh giới của tri thức và kết quả mà nó tìm ra. Cũng cần một hình ảnh khoa học thường xuyên thông tin và báo cáo với xã hội.
CHÚ THÍCH
Bài giới thiệu và biên dịch này là một sản phẩm của Dự án “Thúc đẩy Mạng lưới Tri thức Đa phương Nghiên cứu Xuyên ngành Ứng phó với Thách thức Toàn cầu” (Fostering Multi-lateral Knowledge Networks of Transdisciplinary Studies to Tackle Global Challenges. KNOTS. Mã số: 574069-EPP-1-2016-1-AT-EPPKA2-CBHE-JP).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hadorn, Gertrude Hirsch, et al. (editors). 2007. Handbook of Transdisciplinary Research. Springer.
Urs Wiesmann et al. 2007. “Chapter 29. Enhancing Transdisciplinary Research: A Synthesis in Fifteen Propositions”. Trong: Hadorn, Gertrude Hirsch, et al. (editors). 2007. Handbook of Transdisciplinary Research. Springer. Trang 433-441.




Chú thích:
[1] In trong: Tạp chí Khoa học xã hội TPHCM. Số 1(233)/2018. Trang 82-86.

Print Friendly and PDF