18.8.18

Thế nào là cạnh tranh hoàn hảo


THẾ NÀO LÀ CẠNH TRANH HOÀN HẢO?
Tóm tắt. Cạnh tranh hoàn hảo là mô hình cơ bản của lí thuyết kinh tế thống trị. Để nắm bắt chính xác và sâu rộng đến ngọn nguồn mô hình này cách tốt nhất là giải mã cách trình bày toán học mô hình này. Làm như vậy sẽ nhận thấy là mô hình không mấy liên quan gì đến cách trình bày “bằng lời văn” của các sách giáo khoa hay văn bản phổ biến đại chúng, như trong Wikipedia. Ta có thể tự hỏi làm sao một sự lộn xộn đến thế đã tồn tại hơn một thế kỉ – và tiếp tục tồn tại – trong một bộ môn tự xem mình là chặt chẽ nhất trong số các khoa học nhân văn.
Mô hình gọi là “cạnh tranh hoàn hảo” là mô hình cơ bản, không thể né tránh của lí thuyết thống trị (tân cổ điển). Nó giữ một vị trí ưu tiên trong giảng dạy kinh tế học - ở mọi cấp độ. Các cân bằng của nó được dùng làm điểm tham chiếu hay điểm so sánh cho tất cả những kiểu khác về phân bổ các nguồn lực. Tầm quan trọng mà lí thuyết tân cổ điển dành cho mô hình này là do nó cho được một phiên bản lí tưởng hoá của “quy luật cung cầu”, trong một khuôn khổ cho phép xác lập kết quả mà lí thuyết này tự hào nhất: định lí về sự tồn tại của ít nhất một cân bằng chung (được gọi là “định lí Arrow-Debreu”).
Trong những điều kiện này, ta có thể nghĩ rằng những giả thiết chính của mô hình – mà tính chất toán học đòi hỏi những cách trình bày chính xác – sẽ là đối tượng của một cách trình bày nhất trí và không nhập nhằng của những ai sử dụng nó hay quy chiếu về nó. Hoàn toàn không có điều đó. Để nhận thấy chỉ cần lướt qua Wikipedia – được coi là nói quan điểm của giới kinh tế nói chung. Trong lúc mục “cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo” bằng tiếng Pháp (một tên gọi được kéo dài, “đặc sắc” Pháp, tiếc thay[1]) bao gồm năm điều kiện – “tính nguyên tử”, “tính đồng nhất”, “tự do ra vào thị trường” (thành tố “thuần tuý”), “tự do lưu thông của các nhân tố”, “minh bạch thông tin” (thành tố “hoàn hảo”) – thì phiên bản tiếng Anh, perfect competition, con số này là gấp đôi trong đó 5 điều kiện giống (nhưng không đồng nhất) với năm điều kiện trên, năm điều kiện còn lại – “phí giao dịch bằng không”, “không có lợi tức tăng dần”, “quyền sở hữu”, “không có ngoại ứng”, “tính duy lí của các tác nhân” – hoàn toàn không dính dáng gì đến với năm điều kiện ấy[2].
Không có sự liên kết nào được xác lập giữa các “điều kiện” trên và cách trình bày toán học của mô hình. Mỗi người tự mình tưởng tượng và gán nội dung nào mà mình muốn cho các điều kin ấy. Những “ví dụ” được trình bày như là “xấp xỉ” đều không nghiêm túc.
Chỉ có một cách duy nhất để nắm bắt chính xác thế nào là cạnh tranh hoàn hảo: tham chiếu mô hình toán học được khoác nhãn hiệu này – hay đôi lúc là nhãn hiệu “cạnh tranh thuần tuý” (pure competition) – và cung cấp một kiến giải kinh tế khả dĩ cho những giả thiết của mô hình. Trong trường hợp này, có thể tiến hành điều này không mấy khó khăn: là sự lí tưởng hoá “quy luật cung cầu”, mô hình cạnh tranh hoàn hảo được xây dựng từ hai đối tượng toán học đơn giản, hàm cầu được kí hiệu là d(p) và hàm cung được kí hiệu là s(p) – các biểu tượng d, sp có thể liên quan đến các số lượng hay giá cả của một hay nhiều sản phẩm. Việc chỉ xem xét các kí hiệu này cho phép gán được một nội dung rõ ràng cho những giả thiết chính của cạnh tranh hoàn hảo.
Kí hiệu s(p) và d(p) và các giả thiết của cạnh tranh hoàn hảo
Trong ngôn ngữ hằng ngày, “quy luật cung cầu” gợi lên một quá trình trong đó giá của một sản phẩm tăng khi cầu của nó cao hơn cung của nó, và giảm trong trường hợp ngược lại. Có “cân bằng” – quá trình dừng lại – khi cung bằng cầu (cung và cầu đều được “thoả mãn”). Do đó giá cân bằng là nghiệm của phương trình:
s(p) = d(p)
Nếu ta quan tâm đến toàn bộ nền kinh tế thì cung và cầu của một sản phẩm không chỉ phụ thuộc vào giá của nó mà còn vào giá của các sản phẩm khác. Để đơn giản hoá các kí hiệu, giả sử là nền kinh tế chỉ có hai sản phẩm. Như vậy cầu của sản phẩm 1 phụ thuộc vào giá p1 của sản phẩm này và cả vào giá p2 của sản phẩm 2. Có thể kí hiệu bằng d1(p1, p2) cầu của sản phẩm 1. Giống như vậy vì cùng một do, ta kí hiệu theo thứ tự bằng s1(p1, p2) cung của sản phẩm 1, rồi bằng s2(p1, p2) cung và d2(p1, p2) cầu của sản phẩm 2.
Trong những điều kiện trên, các giá cân bằng cho nền kinh tế này là nghiệm của hệ phương trình:
s1(p1, p2) = d1(p1, p2)
s2(p1, p2) = d2(p1, p2)
Và viết một cách tổng hợp:
S(P) = D(P)
với các chữ viết hoa chỉ những vectơ – ví dụ, P = (p1, p2), hay trong trường hợp có n sản phẩm P = (p1, ... , pn).
Do đó các hàm cung và cầu chỉ có giá cả là các biến. Làm thế nào kiến giải kí hiệu này theo quan điểm kinh tế?
Những tác nhân nhận giá
Việc viết d(p), s(p), d(p) = s(p), S(P), D(P), v.v. giải định rằng những người cung và cầu tính toán trên cơ sở của cùng những giá chung cho mọi người – được kí hiệu là p hay P tuỳ trường hợp. Vấn đề đặt ra là các giá này đến từ đâu – hay được hình thành như thế nào. Một cách tiên nghiệm ta nghĩ rằng chúng là kết quả của những cuộc mặc cả, nhưng ta không hiểu vì sao chúng lại là duy nhất – mỗi người mặc cả trong một góc, rồi mặc cả ở chỗ khác, và cứ thế mà tiếp tục. Có thể giả định là giá cả do người bán – ví dụ, các nhà sản xuất – đề xuất, nhưng điều này đòi hỏi phải phân biệt (một “bất đối xứng”) giữa một mặt là người bán và mặt khác, người mua, một bên là những người “làm giá” và bên kia là những người (chấp) “nhận giá”. Như thế các kí hiệu phải phản ảnh sự phân biệt này – chẳng hạn, gọi p1s là giá do người bán i đề nghị. Do đó, khi kí hiệu “ngắn gọn” bằng p giá cả trong các hàm cung và cầu là đã giả định rằng giá này không do người bán lẫn người cung đề xuất. Nó được “cho trước”.
Đây là giả thiết thứ nhất của cạnh tranh hoàn hảo: giá cả là cho trước, các tác nhân – hộ gia đình và doanh nghiệp chỉ việc (chấp) “nhận” chúng.
Tuy nhiên, chỉ duy giả thiết này thôi không đủ để biện minh cho kí hiệu d(p), s(p), ... vốn giả định một kiểu phản ứng nhất định của các tác nhân trước những giá “cho trước”. Nếu họ nghĩ là với những giá này họ sẽ có những vấn đề đầu ra hay là họ sẽ không có được những gì mình mong muốn, thì không thể biểu trưng những cung và cầu của họ bằng những công thức đơn giản như d(p), s(p), v.v.. Đó cũng là trường hợp nếu các tác nhân nghĩ rằng những cung và cầu của họ có thể ảnh hưởng đến các giá “cho trước”[3].
Các kí hiệu d(p), s(p), v.v. chỉ có giá trị nếu các tác nhân nghĩ – hay tin – rằng họ có thể bán hay mua tất cả những gì mình muốn ở các giá “cho trước” và rằng hành động của họ không ảnh hưởng đến các giá này. Đây là giả thiết thứ hai của cạnh tranh hoàn hảo.
Giả thiết thứ nhất có tính thể chế vì nó giả định một hình thái tổ chức xã hội trong đó giá cả được đề xuất (không biết bởi ai) và được mọi người chấp nhận mà không cau có.
Giả thiết thứ hai thuộc về tâm lí học vì liên quan đến các tin tưởng của các tác nhân – các tin tưởng này là rất thô sơ, để không nói là ngây thơ, nhưng cho phép sử dụng những kí hiệu đơn giản d(p), s(p), v.v..
Thường hai giả thiết trên được tóm tắt bằng cách nói rằng, trong cạnh tranh hoàn hảo, các tác nhân là những người (chấp) “nhận giá” (price takers)[4].
Với các giả thiết trên, việc một tác nhân xác định các cung và cầu của mình, về nguyên tắc, là rất đơn giản. Người tiêu dùng chọn rổ sản phẩm nào làm “tỉ suất trao đổi chủ quan” của mình (tỉ suất thay thế cận biên, MRS) giữa hai sản phẩm bất kì bằng với tỉ số giá cả (“cho trước”) của chúng, trong khi doanh nghiệp mua những lượng đầu vào sao cho sản phẩm cận biên của mỗi đầu vào bằng với giá của nó. Như vậy, ta có được một hệ phương trình có dạng MRS(qi, qj) = pj/pipif(q1, ... , qn) = pj, thêm vào đó còn có ràng buộc ngân sách của người tiêu dùng, từ đây có thể “rút ra”, ít ra là trên lí thuyết, những lượng cung hay cầu q1, ... , qn tuỳ theo các giá p1, ... , pn. Các lượng này được kí hiệu, tuỳ trường hợp, s1(P), ..., sn(P) hay d1(P), ..., dn(P) với P là vectơ giá (p1, ... , pn).
Trên đây là những giả thiết, hay “điều kiện”, cho phép thu được những hàm cung và cầu trong cạnh tranh hoàn hảo. Điều còn lại là chuyển sang “lời giải” của mô hình: các giá cân bằng – và chỉ có thể hình dung các giá này trong một khuôn khổ tập trung hoá.  
“Quy luật cung cầu” và sự tập trung hoá
Các hộ gia đình và doanh nghiệp (chấp) nhận các giá P phát biểu những cung s(P) và cầu d(P), của họ theo các giá này. Để biết là toàn bộ các cung và cầu là (nói chung) tương thích với nhau, phải có “ai đó” hay “một vật gì đó” (một máy tính điện tử, ví dụ) thu thập và cộng chúng lại. Trong trường hợp tổng cầu D(P) bằng với tổng cung S(P) thì ta nói rằng là (vectơ) giá cân bằng của cạnh tranh hoàn hảo.
Do đó, để biết là vectơ giá P có ở thế cân bằng hay không phải cầu viện đến một giả thiết có tính thể chế: sự tồn tại của một thực thể đối chiếu chung toàn bộ các cung và cầu ở các giá P. Một cách hợp lí, ta cũng có thể giả định là cũng chính thực thể này cũng “cho” (trước - ND) được vectơ  P.
Bởi thế, cách viết d(p), s(p) (hay dưới dạng tổng quát hơn D(P), S(P)) giả định sự tồn tại của một hệ thống cực kì tập trung. Nếu ta hiểu “quy luật cung cầu” như là sự “đối đầu” của những cung và cầu có dạng S(P) và D(P) – những hàm mà các biến chỉ là các giá – thì sự vận động của “quy luật” này giả định sự tồn tại của một “trung tâm” (mà chức năng là – ND):
-       đề xuất một giá cho mỗi sản phẩm (“quy luật giá duy nhất”)
-       tập hợp các cung và cầu cá thể ở các giá được đề xuất và đối chiếu chúng với nhau để biết xem có phải chúng là những giá cân bằng hay không
-       chăm lo để mỗi tác nhân thực thi những gì đã cam kết một khi các giá cân bằng đã được “tìm ra”[5].
Chính trong khuôn khổ này – một nền kinh tế trong đó có một “trung tâm” đề xuất các giá được các tác nhân (chấp) nhận chúng – mà ArrowDebreu đã chứng minh rằng hệ phương trình
S(P) = D(P)
có ít nhất một nghiệm, được gọi là cân bằng chung của cạnh tranh hoàn hảo.
Đây được xem là kết quả quan trọng nhất của lí thuyết tân cổ điển – nếu không phải là kết quả duy nhất ở cấp độ tổng quát này.
Trong tất cả những gì vừa trình bày ở trên, chúng tôi đã không cần viện đến những ý niệm (mơ hồ) về tính “nguyên tử”, “minh bạch”, “thông tin hoàn hảo”, “tự do gia nhập thị trường”, v.v..
Vì sao có sự lộn xộn đến thế về cạnh tranh hoàn hảo?
Ở thế cân bằng của cạnh tranh hoàn hảo, mỗi người đạt được mục tiêu của mình (tối đa hoá lợi ích hay lợi nhuận của bản thân) và, hơn thế nữa, các nguồn lực được phân bổ một cách hiệu quả (tối ưu Pareto) – một đặc tính cực kì đáng mong muốn đối với một nhà kinh tế. Có thể giải thích điều này như sau: khuôn khổ thể chế của mô hình tránh được việc phải tìm các đối tác, thương thảo với họ, thay đổi dần dần kế hoạch của mình, v.v.. Hoàn toàn không cần đến những bên trung gian (người bán sỉ, bán lẻ), lẫn những hệ thống thông tin (quảng cáo) hay bảo vệ chống lại những “hành vi chiến lược”, hay đôi lúc là gian lận mà trong các nền kinh tế thị trường của chúng ta, sử dụng một phần đáng kể các nguồn lực sẵn có. “Trung tâm” đảm nhận hết mọi việc, với những tác nhân chấp nhận luật chơi khi chọn hành vi (ngây thơ) của những người “nhận giá”[6].
Nhưng làm sao giải thích cho sinh viên, và chung hơn cho công chúng rộng rãi, là để phân bổ một cách hiệu quả các nguồn lực phải cần đến một hình thái tổ chức cực kì tập trung của nền kinh tế trong lúc người ta lại muốn quảng bá một thông điệp hoàn toàn khác? Điều này đi ngược với niềm tin theo đó “chỉ cần có sự cạnh tranh” để đạt được sự phân bổ tối ưu các nguồn lực. Niềm tin này mạnh đến độ nó dẫn đến việc trình bày các điều kiện của cạnh tranh hoàn hảo sao cho niềm tin này được củng cố – cho dù phải nói rằng các điều kiện này “hiếm khi”, thậm chí không bao giờ, được “hoàn toàn” thoả mãn. Mọi người dường như đều có lợi, cuộc bàn luận nhắm vào tính “thực tế” của các điều kiện chứ không vào tính xác đáng của mô hình. Với nguy cơ là rơi vào một lập luận luẩn quẩn.
Những điều kiện giả và lập luận luẩn quẩn
Mục perfect competition của Wikipedia bắt đầu nói đến “một số lớn những người tiêu dùng (sản xuất)” muốn bán hay mua một sản phẩm “ở một giá nhất định” mà họ có “thông tin hoàn hảo”. Chỉ có hai lần như trên từ giá xuất hiện trong các “điều kiện” của cạnh tranh hoàn hảo. Không có lời giải thích nào là “một giá nhất định” từ đâu đến. Lần đầu tiên mà từ “giá” xuất hiện trở lại là trong một “ví dụ” trước khi liệt kê các “điều kiện”:
“Trong cạnh tranh hoàn hảo, một nhà sản xuất tối đa hoá lợi nhuận đối mặt với một giá thị trường bằng với chi phí cận biên của nó (P = MC). Điều này kéo theo là giá của một nhân tố bằng với sản phẩm cận biên mà nó sinh ra. Từ đó nó cho phép suy ra đường cung trên cơ sở đó lí thuyết tân cổ điển được xây dựng”.
Nhà sản xuất “đối mặt” với một giá được cho bởi chi phí cận biên của nó! Điều này được xác nhận bởi đẳng thức P = MC  và bởi câu tiếp theo sau (giá bằng với “sản phẩm cận biên mà nó sinh ra”). Từ đó người ta “suy ra” “đường cung” của doanh nghiệp, đường này cho được số lượng mà doanh nghiệp cung cấp tuỳ theo giá “thị trường”, giá này lại bằng với “chi phí cận biên” của nó mà bản thân lại phụ thuộc vào ... số lượng mà nó cung cấp! Ta ở trong một vòng luẩn quẩn.
Để tránh một lập luận luẩn quản như thế, phải bắt đầu bằng cách viết là MC = P (chính xác hơn là MC(q) = P) thay vì P = MC, rồi nói rõ rằng Pcho trước. Như vậy cung được suy ra từ đẳng thức MC(q) = P. Tức là q = MC-1(P), hàm ngược MC-1(.) là hàm cung, thường được kí hiệu là s(.). Do đó ta có q = s(p). Chiều hướng của tính nhân quả là rõ ràng, nó đi từ P đến q, chứ không phải chiều ngược lại như “ví dụ” của Wikipedia làm ta nghĩ đến.
Nói rõ rằng Pcho trước – cách duy nhất để tránh phạm lỗi logic – đặt ra một câu hỏi gây lúng túng: ai cho nó trước? Nêu những “điều kiện” mơ hồ của cạnh tranh hoàn hảo cho phép tránh trả lời câu hỏi này. Trong trường hợp này, ví dụ trên có tính biếm hoạ[7]. Có thể quy trách nhiệm của điều này là do Wikipedia được viết bởi “bất kì ai”, cho dù ta thấy ngạc nhiên là một mục phạm phải một sai lầm logic sơ đẳng lại được bách khoa toàn thư này giới thiệu là “rất quan trọng” ở “cấp 4” (cấp độ cao nhất) trong số những mục “thiết yếu”. Mục này đề cập đến mô hình trung tâm của lí thuyết thống trị và được biên soạn bằng ngôn ngữ được đọc nhiều nhất trong thế giới khoa học. Và nó tiếp tục tồn tại ... như thể đó là điều hiển nhiên. Phải nói rằng mục này được viết một cách hỗn độn đến độ bất kì ai có lí lẽ thông thường nhanh chóng bị lạc lối và không hiểu gì cả.
Cần phải tinh tế hơn một chút mới phát hiện được lập luận luẩn qun trong các sách giáo khoa, vốn thường tiến hành từng bước một. Bước thứ nhất nhằm xác định những cung và cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp bằng cách giả định các giá là cho trước mà không giải thích – hay ngụ ý rằng lời giải thích sẽ đến sau. Rồi ta chuyển qua những cung và cầu của “thị trường”, có được bằng cách cộng lại (ta không biết bằng cách nào và do ai) các cung và cầu cá thể. Cuối cùng kết luận rằng giá cả được các cung và cầu này xác định ...
Hal Ronald Varian (1947-)
Một ví dụ. Trong cuốn sách giáo khoa nổi tiếng của ông về kinh tế học vi mô – có lẽ là cuốn tốt nhất trong loại này – Hall Varian bắt đầu viết rằng:
“người ta cho rằng mỗi người cầu và mỗi người cung xem giá cả là cho trước – nghĩa là ngoài tầm kiểm soát của họ” (chương 17, điểm 17.2)
Để tiếp đó giải thích rằng:
“mặc dù trên một thị trường cạnh tranh giá thị trường có thể độc lập với hành động của một tác nhân, chính hành động của tất cả các tác nhân mới xác định giá này” (chữ in nghiêng là của Varian)[8].
Lập luận luẩn quẩn này – hành động của các tác nhân phụ thuộc vào giá cả đồng thời lại “xác định” chúng – được tiếp nối, trên cùng một đà, bằng một lỗi logic khác. Theo Varian, nếu giá cao hơn giá cân bằng thì
“một số nhà cung cấp sẽ không thể bán được lượng mong muốn”
 và do đó sẽ
“đề nghị bán ở một giá thấp hơn”
Một điều mâu thuẫn với khẳng định của ông theo đó các tác nhân xem giá cả là “cho trước” (hay “ngoài tầm kiểm soát của họ”).
Những lỗi logic của Varian, mà ta hầu như gặp lại trong tất cả các sách giáo khoa, một lần nữa là do các tác giả không muốn nói (hay thừa nhận) rằng giá cả là cho trước – và bị thay đổi – bởi một thực thể nằm bên ngoài các tác nhân.
Stanley Jevons (1835-1882)
Léon Walras (1834-1910)
Những “nhà sáng lập” lí thuyết tân cổ điển – đặc biệt là William Stanley Jevons và Léon Walras – từng muốn trang bị cho cạnh tranh hoàn hảo (hay “thuần tuý”, thuật ngữ được sử dụng nhiều hơn thời bấy giờ) một nền tảng toán học đã tìm cách thoát khỏi lập luận luẩn quẩn, nhưng để làm điều này họ buộc phải dùng nhiều tiểu xảo khác nhau nhưng không được những tác giả hậu thế lấy lại do chúng quá thô thiển, thay vào đó, các tác giả sau này chuộng sự mập mờ của các “điều kiện” hơn.
Những tiểu xảo của các nhà sáng lập, Jevons và Walras
Câu hỏi “ai ấn định giá cả?” trong mô hình “cạnh tranh” đã được đặt ra ngay từ thuở ban đầu của lí thuyết tân cổ điển, khi Jevons và Walras muốn trình bày lí thuyết này dưới dạng toán học. Bàn về kinh tế nên hai tác giả này cho là cần thiết phải xuất phát từ những gì quan sát được trên các thị trường – ít ra là trên những thị trường được tổ chức tốt nhất, như các thị trường chứng khoán – để đi đến một tình thế thuần khiết, khi chỉ còn một giá duy nhất cho mỗi sản phẩm (hay một tỉ suất trao đổi duy nhất hai sản phẩm bất kì). Để làm việc này, mỗi người sử dụng những ẩn dụ riêng.

Như vậy, trong chương IV của tác phẩm The Theory of Political Economy, Jevons xử lí “Lí thuyết trao đổi”. Ông bắt đầu bằng một “định nghĩa thị trường” (trang 84), lặp lại những gì mà “các thương gia gán cho từ này”, nghĩa là toàn thể những ai
“có liên lạc chặt chẽ với nhau, nhờ những hội chợ, cuộc họp, danh sách giá công khai, bưu điện hay bất kì phương tiện nào khác” (trang 85)
Hơn nữa, để thị trường là “hoàn hảo” thì sự “liên lạc” này phải sao cho
“các kho sản phẩm và ý đồ của những người cùng trao đổi được mọi người biết rõ. Điều thiết yếu là mọi người biết được tỉ số trao đổi giữa hai người bất kì” (trang 85)
Một đòi hỏi quá đáng liên quan đến những gì “được mọi người biết rõ” làm liên tưởng đến điều kiện “thông tin hoàn hảo” của những cách trình bày hiện nay về cạnh tranh hoàn hảo – vốn không đòi hỏi nhiều đến thế. Cố gắng làm cho điều kiện này đáng tin hơn một chút, Jevons đề cập đến vai trò của
“những người môi giới nỗ lực để có hiểu biết hoàn hảo nhất về cung và cầu” (trang 86).
Như vậy, ông chuyển từ tự hiểu biết (“thiết yếu”) về vô số những “tỉ số trao đổi giữa hai người bất kì” sang sự hiểu biết (“hoàn hảo”) “về cung và cầu”, những ý niệm trừu tượng hơn – và không được định nghĩa thật sự.
Tiếp đó Jevons đưa vào ý niệm “thực thể thương mại” (trading body) để chỉ
“mọi tập thể người mua hoặc người bán” (trang 88).
Những “thực thể” kì lạ này có thể được hợp thành từ những “cá thể”, “tất cả người dân của một lục địa”, hay từ những “cá thể có liên quan đến một kiểu thương mại của một nước”. Như vậy, những trao đổi giữa hai sản phẩm bất kì do vô số tác nhân tiến hành, ở những tỉ số khác nhau được quy về một trao đổi giữa hai “thực thể thương mại”, một thực thể bán và một thực thể mua, cho mỗi sản phẩm. Để cho tỉ số mà trao đổi được tiến hành giữa các “thực thể” này không phụ thuộc vào số lượng được trao đổi – để cho tỉ số này là duy nhất – Jevons đưa thêm vào một giả thiết mới, “quy luật bàng quan”, theo đó
“trên cùng một thị trường, tại cùng một thời điểm, tất cả những phần sản phẩm phải được trao đổi theo cùng một tỉ số” (trang 90).
Tất cả để dẫn đến điều mà Jevons gọi “chắc chắn đúng” miễn là có những “giải thích thích hợp”:
Trên cùng một thị trường mở, ở bất kì thời điểm nào, không thể có hai giá cho cùng một sản phẩm” (trang 91, chữ in nghiêng là của Jevons).
Để mỗi người kiến giải như mình muốn cụm từ “thị trường mở” ...
Như vậy ta đã chuyển – nhờ ma thuật của những “thực thể thương mại” và của “quy luật bàng quan” – từ một thị trường với vô số “người đồng trao đổi” giao dịch ở những tỉ số “được mọi người biết” sang một thị trường (“mở”) mà trên đó các tỉ số đều giống nhau cho mọi người và ở mọi thời điểm. Đó là những tỉ số duy nhất giữ chức năng của những giá tương đối ở thế cân bằng, khi các tác nhân làm bằng nhau những tỉ suất thay thế cận biên của họ và được dùng làm điểm xuất phát cho cách trình bày toán học của Jevons – cả cuộc bàn luận phi hình thức về các thị trường với những “thực thể thương mại” của chúng và “quy luật bàng quan” chỉ có mục đích dẫn nhập vào cách trình bày này.
Walras tránh dùng đến những ý niệm mơ hồ như thế. Ông thích lập luận trực tiếp với “quy luật cung cầu” để tìm cách biện minh cho tính duy nhất của các giá (tương đối) – điều này khiến ông có những trò nhào lộn đáng ngờ với “giải pháp toán học” và “giải pháp thường nghiệm” về giá trị cân bằng của các giá này.

Trong tác phẩm Éléments d’économie pure, giống như Jevons, ông mở đầu bằng cách đề cập đến
“những thị trường có tổ chức nhất về mặt cạnh tranh”
trên đó
“Các cuộc mua bán được tiến hành bằng cách rao đấu giá, thông qua những tác nhân trung gian như các nhà môi giới chứng khoán, môi giới thương mại, những người tập trung các lệnh này sao cho không có bất kì trao đổi nào được thực hiện mà những điều kiện không được thông báo và được biết, và sao cho không có người bán không thể hạ giá và người mua tăng giá (Walras, 1988, trang 44, tôi nhấn mạnh)”.
Cũng giống như với Jevons, mức độ thông tin phải cực kì cao. Như thế Walras hình dung “giải pháp toán học” giả định một sự tập trung cao hơn nữa khi tất cả các lệnh mua và bán – mà các nhà môi giới chứng khoán và môi giới khác, đã ghi trong sổ của họ – được tập hợp và đối chiếu chung, khiến cho vấn đề quy về việc tìm nghiệm của hệ phương trình S(P) = D(P) (theo các kí hiệu của chúng tôi)[9]. Tuy nhiên, Walras nhận xét là giải pháp này “trong hầu hết các trường hợp” là “không thể thực hiện được” (trang 65) do có “khó khăn trong việc xác lập các đường trao đổi và phương trình của chúng”. Nhưng may thay, có “giải pháp thị trường” cung cấp thông qua “việc tăng hay giảm của giá cả”
“một cách thức giải bằng dò dẫm hệ phương trình của sự bằng nhau giữa cung và cầu” (trang 130).
Cách thức giải này bắt đầu bằng “rao giá cả một cách ngẫu nhiên”. Mỗi người tham gia trao đổi như vậy “xác định cung và cầu của mình”, ở những giá này (trang 129). Tiếp đó ta có các “tổng” cung và “tổng” cầu bằng cách cộng các giá trị “cục bộ” của chúng. Nếu sau khi đối chiếu các tổng giá trị này khác nhau thì “người ta” (chữ được Walras dùng: on) làm cho giá cả biến thiên thể theo “quy luật cung cầu” cho đến khi tìm được giá trị cân bằng của chúng.
Giải pháp “thường nghiệm” này của thị trường, theo Walras, “giống hệt” với “giải pháp lí thuyết”, có tính toán học. Ông dành nhiều đoạn dài để “chứng minh” điều này, bằng một lập luận bị sự có mặt của những từ như “có khả năng”, “nói chung”, “không thể chấp nhận” làm yếu đi. Trong bài điểm sách cuốn Éléments, nhà toán học Bertrand không mất thời gian với cái gọi là chứng minh này. Ông chỉ nhận xét rằng trong quá trình tìm kiếm giải pháp “bằng thị trường”, các tác nhân tiến hành những trao đổi với nhau ở những “giá trung gian”, một số được thoả mãn rút ra khỏi thị trường khiến cho các đường cung và đường cầu “không ngừng đổi dạng” và “kết quả cuối cùng phụ thuộc vào những tình huống mà người ta có tham vọng loại bỏ”. Do dạng của các hàm D(.) và S(.) biến đổi trong quá trình dò dẫm nên giá cân bằng cũng thế – trong ngôn ngữ ngày nay ta nói là giá cân bằng “phụ thuộc vào lộ trình đã qua” (path-dependent).
Buộc phải chấp nhận phê phán này, trong những lần xuất bản sau của Éléments, Walras giả định là không có trao đổi khi nào chưa đạt đến các giá cân bằng. Do không có thị trường nào thoả mãn điều kiện này nên ý tưởng của ông theo đó các thị trường giải quyết “trong thực tiễn” vấn đề “lí thuyết” của cân bằng – dù cho là cân bằng bộ phận hay cân bằng chung – mất hết mọi hiệu lực. Một sự dò dẫm không có trao đổi ở ngoài thế cân bằng chỉ có ý nghĩa trong một hệ thống (cực kì) tập trung[10].
Về một nghiên cứu chi tiết hơn về các quan điểm của Jevons và Walras, và cả của Edgeworth, trên vấn đề “quy luật giá duy nhất”, có thể tham khảo bài viết tuyệt vời của Franco Donzelli.
Lợi thế của những cách trình bày toán học

Sau nhiều dè dặt kéo dài đến tận cuối những năm 1940, ý tưởng sử dụng toán học đã thắng thế. Các lí thuyết gia tân cổ điển không cần biện minh – bằng việc định nghĩa thị trường và mô tả, ngay cả đã tinh lọc, những gì xảy ra trên đó – việc viện dẫn đến các hàm cung, hàm cầu, v.v. ở các giá duy nhất và cho trước. Trong thực tế, các hàm, theo nghĩa toán học, dần dần hợp thành thế giới trong đó họ lập luận – mà không tìm cách xác lập bằng mọi giá mối liên hệ chính xác giữa chúng và các thị trường tồn tại thật sự. Thay vì muốn thiết lập một lí thuyết trao đổi bằng cách chỉ ra tính ưu việt của cạnh tranh – như Jevons và Walras đã làm, họ quan tâm trước tiên đến vấn đề tính chặt chẽ của hệ thống của họ, mà trong trường hợp này quy về sự tồn tại của ít nhất một nghiệm của hệ phương trình D(P) = S(P). Tự bản thân vấn đề này đã là phức tạp nên tốt hơn là nên tránh tự hỏi vì sao (vectơ) giá cả là duy nhất và nó đến từ đâu. Sự chú ý tập trung vào những điều kiện cần áp đặt cho các đặc tính của các tác nhân để cho các hàm D(.) và S(.) là liên tục[11] – một tính chất toán học đủ để đảm bảo sự tồn tại của cân bằng.
Andreu Mas-Colell (1944-)

Như vậy, điều ấn tượng là nhận xét rằng từ “cạnh tranh” không có mặt trong cuốn sách Théorie de la valeur của Gérard Debreu và General Equilibrium của Andreu Mas-Colell, cả hai tác phẩm này đều là đỉnh điểm của lí thuyết tân cổ điển. Trong khi từ “thị trường” hầu như không xuất hiện trong cuốn sách của Debreu và hoàn toàn vắng bóng trong cuốn của Andreu Mas-Colell thì nó được dùng trong bài tạo lập của Arrow và Debreu, “Existence of an Equilibrium for a Competitive Economy”, trong đó từ này chỉ một “nền kinh tế trừu tượng”, dưới dạng một trò chơi, theo nghĩa của lí thuyết trò chơi, với một tác nhân ảo – được các tác giả gọi là “the market participant” – đề xuất những giá với mục tiêu tối đa hoá giá trị những khoảng cách giữa các cung và cầu của “những người tham gia” khác.
Trong bài viết trên, Arrow và Debreu nói rõ thêm là họ
lệnh cho mỗi đơn bị tiêu dùng hành xử như thể là mỗi giá được thông báo là những giá cân bằng (trang 271, tôi nhấn mạnh).
Đó là giả thiết “người nhận giá”, trong phiên bản độc đoán của nó (hành vi bị áp đặt hơn là sự tin tưởng).
Chắc chắn là Walras sẽ vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng đã phải tưởng tượng ra thế thế giới kì lạ này mới chứng minh được sự tồn tại của một “lời giải lí thuyết” cho mô hình của ông.

Tác phẩm đồ sộ Microeconomic Theory của Mas-Collel, Whingston và Green cũng cho được một phiên bản đúng đắn – phù hợp với cách trình bày toán học – của cạnh tranh hoàn hảo. Nhưng phải có con mắt sắc bén mới khám phá ra nó, kể từ trang 311, trong khi nó có mặt ngầm ẩn trong 300 trang trước đó!
Trong bảng tra cứu, cực kì phong phú, không có từ “thị trường”; tuy nhiên ta có thể đọc ở trang 17, thuộc chương “Lựa chọn của người tiêu dùng”:
“Chúng tôi hiểu một nền kinh tế thị trường như là một khuôn khổ (setting) trong đó sản phẩm và dịch vụ ... có sẵn cho việc mua ở những giá cho trước (trang 17, các tác giả in nghiêng).
Xa hơn một chút (trang 20) có việc ám chỉ đến những “giá công cộng được niêm yết” và hành vi “người nhận giá” – một hành vi có vẻ phải chăng trong trường hợp của người tiêu dùng nhưng không mấy hợp lí trong trường hợp của người sản xuất khi điều này được lặp lại mà không có lời giải thích (trang 135).
Bảng tra cứu có một mục duy nhất cho “thị trường cạnh tranh” (trang 311) dẫn về tựa của một chương ... trong đó ý niệm này không hề được định nghĩa một cách rõ ràng! Tuy nhiên, có thể nghĩ rằng nó được định nghĩa một cách ngầm ẩn ở trang 314:
“trong một nền kinh tế cạnh tranh, có một thị trường cho mỗi một sản phẩm và tất cả những người tiêu dùng và và người sản xuất đều hành xử như những người nhận giá”
Nếu thay thế “thị trường” bằng “giá” thì ta có được định nghĩa ẩn này. Để biện minh cho hành vi “nhận giá”, Mas-Colell và alii gợi ý rằng các tác nhân là “nhỏ” nhưng nói rõ trong một chú thích ở cuối trang là ngay cả như vậy thì, “nói một cách chặt chẽ”, chỉ có hiệu lực ở thế cân bằng. Các tác giả biện minh cho tầm quan trọng dành cho cân bằng bằng cách viện lập luận thông dụng về điều gì sẽ xảy ra khi ở ngoài thế cân bằng (xem Varian) đồng thời thừa nhận (trong một khung) là có mâu thuẫn khi giả định là các tác nhân đề xuất những giá “theo chiều hướng tăng hay giảm” trong khi họ đã được giả định là những người nhận giá.
Người đọc ngoan cố muốn truy tìm cặn kẽ chính xác ngọn nguồn phải chờ đến 300 trang khi, sau khi đặt các câu hỏi
“nhiệm vụ ấn định giá cả được trao cho tác nhân kinh tế nào? Vì sao quy luật “giá duy nhất” có hiệu lực khi nằm ở thế ngoài cân bằng? (trang 321)
Mas-Colell và alii giải thích “câu trả lời xác đáng nhất cho các câu hỏi trên” là giả định sự tồn tại của một “tác nhân thị trường trừu tượng” – sau đó được gọi là “người phối hợp lớn” (trang 635) – tìm kiếm các giá cân bằng với mục đích “triệt tiêu các cầu thuần” (trang 637), mọi việc diễn ra trong “thời gian ảo”. Ta gặp lại, gần như từng chữ một, ẩn dụ được Arrow và Debreu sử dụng trong bài viết “tạo lập” của họ năm 1954. Và ở rất xa những (năm? bảy?) “điều kiện” của các sách giáo khoa, nhưng đã phải nghiên cứu tỉ mỉ trong đám rừng của những biểu tượng toán học mới rõ thực chất chính xác nằm ở đâu.
Một hệ thống thị trường đầy đủ
Mô hình cạnh tranh hoàn hảo, theo cách của nó, có thể tính đến tương lai và một dạng bất trắc – với điều kiện là những đối chọn khả dĩ là hữu hạn và được biết trước. Đối phần của việc mở rộng này là nhiệm vụ của trung tâm càng thêm nặng nề. Như thế người ta nói đến “hệ thống thị trường đầy đủ” (trang 88).
Những quyết định của các tác nhân kinh tế tại một thời điểm nhất định phụ thuộc vào hiện tại lẫn tương lai. Để tính đến điều này mà vẫn giữ được các kí hiệu d(p), s(p), v.v. thì chỉ có một khả năng duy nhất: xem các giá này liên quan đến những sản phẩm hiện tại lẫn tương lai. Với giả thiết này, những quyết định của các tác nhân được thể hiện bằng những cung và cầu cho suốt cuộc đời họ. Về mặt hình thức, không có gì thay đổi – các cung và cầu vẫn dưới dạng S(P) và D(P), với P nay chỉ các giá hiện nay và trong tương lai. Duy chỉ con số các sản phẩm là tăng – một cách kinh khủng vì nó được nhân với “thời lượng sống” của nền kinh tế (được giả định là hữu hạn).
Hệ quả của giả thiết hệ thống thị trường đầy đủ – vốn làm cho tương lai “đụng vào” hiện tại – là loại trừ sự bất trắc khỏi mô hình vì các tác nhân ra quyết định khi đã biết giá cả tương lai.
Có thể mở rộng mô hình thêm bằng cách giả định là có những “trạng thái của tự nhiên” và giá cả của sản phẩm phụ thuộc vào sự hoàn thành của các trạng thái ngẫu nhiên này. Như thế người ta nói đến những sản phẩm “có điều kiện”. Như vậy trung tâm đề xuất giá cho những sản phẩm này và lo sao cho, khi thời điểm đến, mỗi người tôn trọng những cam kết của mình – một khi thấy rằng trạng thái của tự nhiên đã thực sự xảy ra. Giống như trong các trường hợp trước đây, tất cả được quyết định tại “thời điểm khởi đầu”, vào lúc các tác nhân tiến hành “lựa chọn liên thời gian” của họ[12]. Duy chỉ con số các biến là tăng – nó được nhân với số trạng thái tự nhiên được hình dung.
Cho dù có vẻ kì lạ thì chỉ có thể hiểu giả thiết về hệ thống đầy đủ theo cách nhìn “giá cả cho trước, các tác nhân là những người nhận giá” của cạnh tranh hoàn hảo. Chính vì thế mà các sách giáo khoa và Wikipedia không bao giờ nói đến[13].
Thoát ra khỏi cạnh tranh hoàn hảo
Thoát ra khỏi cạnh tranh hoàn hảo có nghĩa là từ bỏ hoặc giả thiết “người nhận giá” hoặc giả thiết về những thị trường đầy đủ, hoặc là cả hai giả thiết ấy. Ở mỗi lần, các tác nhân, hay ít ra một số tác nhân, phải dự kiến cầu hướng đến họ để xác định những giá mà họ đề nghị, cho hiện tại và cho tương lai. Nhưng làm thế nào? Nếu giữ cách nhìn cân bằng chung, có thể hình dung là một tác nhân – ví dụ, một doanh nghiệp – tìm cách xác định cầu “thật”, “khách quan” hướng đến mình, bằng cách giả định là các tác nhân khác hành xử như những “người nhận giá”. Trong những năm 1980-1970, đã thử khai phá hướng này để cuối cùng kết luận rằng, ngay cả với những giả thiết mạnh đến thế, vấn đề không có lời giải – ta không thể khẳng định rằng có ít nhất một cân bằng (đặc biệt là do định lí Sonnenschein, và một cách ngẫu nhiên hơn vào những hiệu ứng phản hồi của mỗi đối chọn có thể).
Còn lại cách tiếp cận bằng cân bằng bộ phận, vốn có một truyền thống lâu đời – độc quyền bằng giá cả hay bằng số lượng, độc quyền hai người của Cournot, Bertrand, Stackelberg, Bowley, v.v.. Ta đứng trước một danh sách không có hồi kết những mô hình khác nhau về cơ bản ở các biến (giá, số lượng) được chọn và những phỏng đoán của mỗi tác nhân về phản ứng của các tác nhân khác. Kết quả là gần như bất kì điều gì cũng có thể xảy ra, miễn là có những giả thiết thích hợp[14]. Thông điệp chung của tất cả các mô hình này là cân bằng của chúng là những cân bằng “không hiệu quả” (không tối ưu theo tiêu chí Pareto) và do đó, phải chấn chỉnh tình thế để tìm cách “tái lập các điều kiện của cạnh tranh hoàn hảo”. Bằng cách nào? Bằng việc “hạt nhân hoá” các doanh nghiệp, “bãi bỏ những rào cản gia nhập thị trường”, “minh bạch hoá”, “thông tin hoàn hảo” (nhiều nhất có thể) và tất cả mọi điều làm cho thị trường “linh hoạt” hơn. Nhưng tất nhiên không bằng cách thiết lập một hệ thống tập trung hoá trong đó “người ta lệnh cho” (xem bài viết của Arrow và Debeu) các tác nhân hành xử như những “người nhận giá” ...
Sự nhân bội của những mô hình cạnh tranh không hoàn hảo và những “kết quả” của chúng giải thích vì sao cạnh tranh hoàn hảo bao giờ cũng được các lí thuyết gia tân cổ điển đánh giá cao đến thế – nó chiếm phần lớn trong các sách giáo khoa của họ, đù là sách nhập môn hay cho trình độ cao.
Cạnh tranh hoàn hảo và cân bằng bộ phận
Cạnh tranh hoàn hảo được trình bày trong các sách giáo khoa thông dụng trong khuôn khổ của cạnh tranh bộ phận – với một đường cung và một đường cầu giao nhau ở thế cân bằng. Nó giả định những giá cho trước và một hành vi “nhận giá”. Cách duy nhất để biết các đường này là hỏi các tác nhân họ sẵn sàng bán hay mua bao nhiêu ở mỗi mức giá có thể nằm giữa 0 và (hay gần như thế) – và yêu cầu họ không tìm cách tác động các giá này –, rồi cộng những câu trả lời thu được. Ở đây ta nghĩ đến những cuốn “sổ lệnh” của Walras được một “người tính toán” tập hợp và xác định từ các lệnh này giá cân bằng.
Về mặt hình thức, giả thiết “người nhận giá” có vẻ hiển nhiên cho trường hợp của một người tiêu dùng mua sắm trong một gian hàng mà các giá được niêm yết. Giả thiết này có vấn đề hơn đối với doanh nghiệp, trước khi lao vào sản xuất không thể đảo ngược, tìm cách biết có thể bán được bao nhiêu ở những giá khác nhau. Điều mà giả thiết “người nhận giá” loại trừ. Như thế, lợi nhuận của doanh nghiệp trong trường hợp chỉ có hai đầu vào (để đơn giản hoá các kí hiệu:
pf(q1, q2) (p1q1 + p2q2)
với f(q1, q2) là số lượng sản xuất (đầu ra) từ một rổ đầu vào (q1, q2).
Trong trường hợp giá của đầu ra được doanh nghiệp cho là tuỳ thuộc vào số lượng q mà mình cung và giá của các đầu vào p1p2 tiếp tục là “được nhận” thì lợi nhuận cần tối đa hoá được viết
p(q)f(q1(q), q2(q)) (p1q1(q) + p2q2(q))
với p(q) là giá mà doanh nghiệp nghĩ rằng có thể tìm được người chấp nhận đúng với số lượng q mình sản xuất ra[15]. Bây giờ cầu các đầu vào q1(q) và q2(q) là ẩn số của bài toán. Để xác định chúng, phải biết được hàm p(.) gọi là “hàm cầu ngược”. Như vậy, nhà lí thuyết đứng trước hai khả năng. Hoặc nhà lí thuyết nghĩ rằng hàm này thuộc về sự chủ quan của doanh nghiệp nhưng như vậy thì lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ không tối đa ở thế cân bằng – không có bất kì lí do nào để cho hàm p(.) chủ quan trùng khớp với hàm cầu “thật sự”. Hoặc là nhà lí thuyết tìm cách xác định hàm này, nhưng như thế thì phải quay về với cách tiếp cận cân bằng chung, có tính đến tất cả các tương tác và hiệu ứng phản hồi mà ta đã thấy là nó dẫn đến bế tắc. Các mô hình cạnh tranh không hoàn hảo, trong cân bằng bộ phận, đành bằng lòng với việc “tự cho trước” hàm cầu ngược – cạnh tranh hoàn hảo là “trường hợp tới hạn” khi nó nằm ngang (hằng số). Ta rơi lại vào tình thế giống với trường hợp chủ quan.
Bernard Guerrien
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn:Qu’est-ce que la concurrence parfaite”, BernardGuerrien.Com




Chú thích:
[1] Vài ví dụ trong vài ngôn ngữ khác: competencia perfecta, perfect competition, konkurencja doskonala, perfekt konkurrens, vollkommener markt, concorrenza perfetta, v.v..

[2] Trong phiên bản tiếng Tây Ban Nha và tiếng Italia, cạnh tranh hoàn hảo chỉ được định nghĩa đối với các doanh nghiệp “không có quyền thay đổi giá cả (mà họ chấp nhận)”.

[3] Như vậy, họ có thể chọn những “hành vi chiến lược” nhằm, ví dụ, cầu ít hơn những gì họ thật sự mong muốn để làm áp lực theo chiều giảm đến giá “cho trước”.

[4] Trong Wikipedia, https://en.wikipedia.org/wiki/Perfect_competition mục có ám chỉ đến giả thiết “price taker” đồng thời lại dìm nó trong “10 điều kiện cấu trúc” không liên quan gì đến giả thiết này. Trái lại, trong phiên bản tiếng Pháp, hoàn toàn không nói gì đến giả thiết này ...

[5] Nếu việc đối chiếu các cung và cầu ở những giá P mà D(P) ≠ S(P) – điều chắc chắn sẽ xảy ra nếu P được chọn một cách ngẫu nhiên – thì “trung tâm” buộc phải đảm đương thêm một công việc nữa: làm cho các giá biến thiên (bằng cách áp dụng, ví dụ, “quy luật cung cầu”) nhằm tìm ra được giá trị cân bằng của chúng. Để giữ các kí hiệu D(P)S(P), trong quá trình này phải cấm các giao dịch diễn ra (xem dưới đây phê phán của Bertrand đối với Walras).

[6] Đương nhiên là công việc (khổng lồ) của “trung tâm cũng (rất) tốn kém – nếu giả định điều này là có thể - nhưng đây lại là một câu chuyện khác nữa (về những lợi ích và giới hạn của kế hoạch hoá).

[7] Phiên bản tiếng Pháp trong Wikipedia chỉ đề cập một cách mơ hồ đến giá “do quy luật cung cầu xác định”, theo kiểu của các sách giáo khoa.

[8] “Trong một thị trường cạnh tranh, mỗi doanh nghiệp xem giá là độc lập với các hành động của mình, cho dù chính hành động của tất cả các doanh nghiệp nói chung mới xác định giá thị trường” (chương 22). Cũng xem, ví du, trang 166 của văn bản này, có vẻ rất “chặt chẽ”, được lấy ngẫu nhiên trên internet.

[9] “Những người mua và bán ... lệnh cho các tác nhân thay vì rao giá, trao các sổ này cho một người tính toán, và người này sẽ xác định giá cân bằng” (Principe d’une théorie mathématique de l’échange, IV, [13])

[10] Ngay cả như thế, cũng hoàn toàn không đảm bảo là sẽ có được sự hội tụ của quá trình dò dẫm về thế cân bằng – mà Walras nghĩ rằng mình đã chứng minh –, ngược lại là khác (một trong những hệ quả tiêu cực của đinh lí Sonnenschein)

[11] Chủ yếu là “thị hiếu về các sản phẩm hỗn hợp” và một “chu cấp để tồn tại” đối với người tiêu dùng, và không có những chi phí cố định và lợi tức tăng dần đối với doanh nghiệp.

[12] Các tác nhân tối đa hoá lợi ích kì vọng của họ, trên cơ sở những xác suất họ gán cho việc hoàn thành các trạng thái của tự nhiên, thay vì lợi ích thông thường của họ - khi không có những ngẫu nhiên của các “trạng thái của tự nhiên”.

[13] Ta gặp nhiều nhất thuật ngữ “hệ thống thị trường đầy đủ” trong tài chính – các chứng khoán tài chính được trình bày như là một phương tiện để bổ sung cho tính không đầy đủ của các thị trường.

[14] Do đó có khó khăn mà “giải Nobel” Jean Tirole phải kinh qua để giải thích bản chất các “công trình” của ông, một bản liệt kê các mô hình cân bằng bộ phận vô cùng nhạy cảm với những chỉ định được chọn.

[15] Đây là trường hợp mà các sách giáo khoa trình bày là điển hình của độc quyền.

Print Friendly and PDF