2.8.18

Trung Quốc-Mỹ: ba mặt trận trong cuộc chiến tranh kinh tế mà Trump mong muốn


TRUNG QUỐC-MỸ: BA MẶT TRẬN TRONG CUỘC CHIẾN TRANH KINH TẾ MÀ TRUMP MONG MUỐN
Jean-Raphaël Chaponnière
Khi tiến hành cuộc chiến tranh thương mại chống lại Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn chấm dứt trật tự kinh tế thế giới mà Hoa Kỳ đã xây dựng sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. (Nguồn: USA Today)
Cuộc chiến kinh tế vừa được khởi động giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên mặt trận thương mại, đã được triển khai trên mặt trận công nghiệp, nơi có thể làm cho cuộc chiến trở nên nghiêm trọng hơn. Rất ít khả năng là cuộc chiến lan sang mặt trận tài chính. Nhưng nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, thì cuộc chiến kinh tế này có thể có một tác động tương tự như tác động của cuộc khủng hoảng năm 2008. Nó có thể gây cho GDP của hai nhân vật chính mất 4 điểm, nhiều hơn một chút đối với Liên minh châu Âu và gần như chắc chắn đối với phần còn lại của Châu Á, nơi mà cuộc xung đột này sẽ làm suy yếu sự vận hành của các chuỗi giá trị toàn cầu.
Peter Navarro (1949-)

Trong một báo cáo được công bố vào tháng 12 năm 2017, Chiến lược An ninh Quốc gia đã xác định Trung Quốc là “đối thủ chiến lược” của Hoa Kỳ cùng cương vị với Nga. Đó là khởi đầu khơi mào cho cuộc tấn công của Mỹ. Sáu tháng sau, việc đăng lên trang web của Nhà Trắng một tài liệu tố cáo những cách thực hành của Trung Quốc để có được những công nghệ đánh dấu chiến thắng của phe diều hâu, trong đó có Peter Navarro, nguyên giáo sư của Đại học California và là tác giả của cuốn Death by China [Chết dưới tay Trung Quốc] và một bộ phim cùng tên.
MẶT TRẬN THƯƠNG MẠI
Kim ngạch trao đổi hàng hóa Trung-Mỹ đạt 620 tỷ US$ vào năm 2017. Đối với mức thâm hụt của Hoa Kỳ (384 tỷ US$), thì còn lâu mới bù đắp được bằng mức thặng dư trong thương mại dịch vụ (38 tỷ US$), và [mức thâm hụt này] sẽ còn cao hơn nếu các hành động tối ưu hóa thuế suất của các doanh nghiệp Mỹ không thu được một phần doanh thu từ quyền sở hữu trí tuệ.
Quan hệ thương mại không còn bị giới hạn vào các dòng chảy xuyên biên giới, mà bao gồm cả hoạt động của các công ty con. Doanh số bán hàng của các chi nhánh công ty Mỹ ở Trung Quốc (272 tỷ US$) cao gần gấp hai lần so với doanh số xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc. Ngược lại, doanh số bán hàng của các công ty con Trung Quốc tại Hoa Kỳ ở mức rất thấp (10 tỷ US$). Xét trên phương diện doanh số bán hàng đó, ngân hàng Deutsche Bank chỉ ra rằng tổng mức thâm hụt thương mại Trung-Mỹ đã giảm từ 111 tỷ US$ vào năm 2008 xuống còn 30 tỷ US$ vào năm 2016, trong khi theo các cơ quan hải quan, thì mức thâm hụt thương mại đã bị nới rộng từ 271 tỷ US$ vào năm 2008 lên 384 tỷ US$ vào năm 2017.
Việc tái cân bằng đang được tiến hành, nhưng tiến độ này, đồng thời với những hứa hẹn của Trung Quốc sau tình trạng rối rắm khó theo dõi của ZTE, đã không làm dịu được sự hăng hái của tổng thống và các cố vấn của ông. Đó là vì Nhà Trắng có những mục tiêu khác.
Mục tiêu thứ nhất: chỉ còn vài tháng nữa trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Donald Trump cho thấy ông đang giữ lời trong cuộc tranh cử của mình. Tiếp nối lại với truyền thống, từ Reagan đến Obama cho tới George W. Bush, ông đã tăng thuế quan đối với hàng nhập khẩu thép. Điều khác biệt là Trung Quốc là một nhà cung cấp thứ yếu của Hoa Kỳ và việc Trump đã viện dẫn vấn đề an ninh quốc gia để tránh một cuộc bỏ phiếu của quốc hội. Việc tăng thuế quan này, giống như các lần trước đây, đã bị ngành công nghiệp ô tô chỉ trích và vị tỷ phú [Donald Trump] đã phản ứng lại bằng cách, cũng dựa trên vấn đề an ninh quốc gia, triển khai các biện pháp chống lại hàng nhập khẩu ô tô Đức, điều mà ông đã tố cáo trong những năm 1980.
Mục tiêu thứ hai: các cố vấn của tổng thống, những người muốn ngăn chặn sự nổi lên của ngành công nghiệp Trung Quốc, đã phát triển những biện pháp mang tính “phẫu thuật” với các mức tăng thuế quan đối với những sản phẩm mục tiêu trong kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”. Đã có một danh sách ban đầu bao gồm 818 sản phẩm, trị giá 34 tỷ US$ hàng nhập khẩu, bị đánh 25% thuế quan bổ sung kể từ hôm thứ Sáu, 6 tháng 7 [năm 2018], và một danh sách thứ hai được lập sau cuộc điều tra theo Điều 301 bao gồm 284 sản phẩm vẫn chưa xác định mức tăng thuế quan. [Cả hai danh sách đều] không đề cập đến bất cứ mặt hàng tiêu dùng nào.
Đi xa hơn, như mong muốn của Donald Trump được thể hiện trên các dòng tweets của ông, là điều không phải không có rủi ro. Do sự chồng chéo của các nền kinh tế, việc tăng thuế quan lên các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc sẽ làm cho các sản phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ đắt tiền hơn, với những hậu quả đến sức mua của các hộ gia đình Mỹ và sức cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ.
MẶT TRẬN CÔNG NGHIỆP
Trên mặt trận công nghiệp, mục tiêu của phe diều hâu tại Nhà Trắng còn đi xa hơn một biện pháp trừng phạt. Đó là việc kiềm chế sự tiến bộ của Trung Quốc bằng cách ngăn chặn việc chuyển giao công nghệ thông qua các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sang Trung Quốc hoặc từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ. Sự chọn lựa này dẫn đến một sự thay đổi triệt để so với sự toàn cầu hóa.
Cần nhớ rằng Trung Quốc là một trong những nước hàng đầu nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các hoạt động FDI này là một đóng góp đáng kể về công nghệ cho ngành công nghiệp của họ. Thị trường Trung Quốc luôn là nỗi mơ ước của nhiều doanh nghiệp cái giá phải trả cho Bắc Kinh để tiếp cận thị trường này là phải chuyển nhượng các công nghệ. Các hoạt động đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc trong một thời gian dài đã giúp thu đủ lợi nhuận để các doanh nghiệp đồng ý nhượng lại công nghệ của họ. Trường hợp này ít xảy ra hơn trong những năm gần đây và các doanh nghiệp nước ngoài càng ngần ngại hơn khi muốn hoạt động tại Trung Quốc. Một trong những mục tiêu của việc giảm thuế doanh nghiệp là để kiềm chế các hoạt động đầu tư của Mỹ tại Trung Quốc, mà theo kết quả điều tra của Phòng Thương mại Mỹ (vào tháng 12 năm 2016), thì sáu trên mười doanh nghiệp sẽ xem xét rút khỏi Trung Quốc.
Đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, nếu họ đầu tư ra nước ngoài, thì đó là để thu gom tài nguyên và công nghệ. Từ năm 2014 đến năm 2016, họ đã đầu tư nhiều hơn vào Hoa Kỳ so với các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Trung Quốc. Sau thời kỳ thăng hoa vào năm 2016, các hoạt động đầu tư vào Mỹ đã giảm vào năm 2017 do những hạn chế của chính phủ Bắc Kinh, lo lắng về các dòng vốn chảy ra nước ngoài. Các hoạt động đầu tư đã sụp đổ trong nửa đầu năm 2018, với một mức giảm 92% về giá trị và một mức giảm phân nửa về số lượng, theo Rhodium. Sự suy giảm trong quan hệ song phương và sự tăng cường của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ lý giải cho sự sụt giảm này. Trong số các quyết định có tính bước ngoặc, Washington đã phủ quyết việc một doanh nghiệp Trung Quốc-Malaysia mua lại Qualcomm vào tháng ba [năm 2018], cũng như đã phủ quyết việc một dự án thành lập công ty China Mobile vào tháng bảy [năm 2018].
Năm 2017, General Motors đã bán nhiều xe ô-tô hơn tại Trung Quốc so với tại Hoa Kỳ, theo thứ tự là 4 triệu chiếc và 3 triệu chiếc. Đối với nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ, mức tăng trưởng của thị trường Trung Quốc là một cuộc cược lớn hơn so với mức tăng trưởng của thị trường Mỹ. Bảy trăm công ty con của Mỹ có thể trở thành con tin của một cuộc chiến tranh kinh tế nếu Bắc Kinh làm cho hoạt động của họ trở nên khó khăn hơn. Đã có nhiều giai thoại cho thấy hoạt động của họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Việc mở ra mặt trận này, vốn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ nhiều hơn so với các biện pháp tăng thuế quan, sẽ là một con dao hai lưỡi. Nó sẽ gây ra sự sụt giảm mạnh về các dòng vốn FDI, vừa ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua một giai đoạn giảm tốc.
MẶT TRẬN TÀI CHÍNH
Trong cuộc xung đột với Hoa Kỳ, Trung Quốc có trong tay hai loại vũ khí khác: hối suất của đồng nhân dân tệ và quyền đòi nợ Kho bạc Hoa Kỳ. Bắt đầu từ năm 2005, chính phủ Trung Quốc đã tăng giá nội tệ để khuyến khích các doanh nghiệp gia tăng năng suất. Bị gián đoạn bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu, động thái này được tiếp diễn cho đến năm 2013 và sau vài tháng giảm giá, nó lại được tăng giá lại. Trong hai tháng qua, tốc độ giảm giá của đồng nhân dân tệ đã ở mức mạnh nhất. Liệu Trung Quốc có giảm giá nội tệ để bù đắp cho mức tăng thuế quan trên các mặt hàng xuất khẩu hay không? Trung Quốc bác bỏ khẳng định này, và Ngân hàng Trung ương đã tiến hành những biện pháp để kiềm chế sự giảm giá nội tệ này, vốn có thể là kết quả của một sự thoái vốn. Việc sử dụng vũ khí hối suất sẽ là một lựa chọn nguy hiểm bởi những hậu quả của nó đến tình hình lạm phát ở Trung Quốc, và là một biến cố khơi mào chiến tranh [belli casus] ở Hoa Kỳ.
Trung Quốc vẫn là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của nước Mỹ, với hơn 1.000 tỷ US$ một chút vào tháng 5 năm 2018. Liệu Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí này để chống lại Washington hay không? Trong các hồi ức về chuyến thăm Bắc Kinh với tư cách là Ngoại trưởng, Hilary Clinton nói rằng thật khó tỏ ra cứng rắn với chủ n của mình. Không nên hiểu nhầm phát biểu của bà. Việc Trung Quốc tích trữ các trái phiếu kho bạc không ảnh hưởng đến việc quản lý nền kinh tế Mỹ. Thực vậy, Bắc Kinh chỉ nắm giữ 5% các khoản nợ công của Mỹ (21.000 tỷ US$), vốn được các định chế liên bang của Mỹ nắm giữ hơn 70%, trong đó không chỉ có Quỹ An sinh xã hội, mà còn có các ngân hàng, các doanh nghiệp và các hộ gia đình Mỹ.
Do thiếu đối chọn thay thế, thị trường các trái phiếu Kho bạc Mỹ là thị trường có tính thanh khoản lớn nhất trên thế giới. Khi bán các trái phiếu Kho bạc Mỹ, chính quyền Trung Quốc sẽ gây ra một sự giảm giá, mà chính họ cũng không loại tránh được hậu quả, và động thái này thực sự không làm cho nền kinh tế của Mỹ gặp khó khăn.
NHỮNG HỆ LỤY CỦA MỘT CHIẾN LƯỢC “ĐÔI BÊN CÙNG THUA”
Cuộc chiến tranh kinh tế vừa được khởi động theo đuổi nhiều mục tiêu với nhiều thời hạn khác nhau: Tháng 11 [năm 2018] cho cuộc bầu cử [giữa nhiệm kỳ], đầu năm 2019 cho sự thâm hụt song phương. Nếu sự thâm hụt song phương chủ yếu là kết quả của việc tổ chức các chuỗi giá trị giữa hai siêu cường, thì nó cũng nhạy cảm với việc Trung Quốc chọn mua các nhà cung cấp nguyên liệu thô. Đối với mức thâm hụt hiện hành của Mỹ mà Tổng thống Trump muốn tiêu trừ, thì đó không phải là một hệ lụy từ các chính sách thương mại của Trung Quốc hoặc của Đức, nhưng nó trừng phạt thực tế là người Mỹ đang vung tay quá trán.
Những “động thái chuẩn bị chiến tranh” trong những tháng gần đây đã tạo ra một bầu không khí bất định. Ngay cả trước khi loạt đạn đầu tiên được bắn ra, thì người ta đã thấy những hệ lụy lên diễn biến của thị trường chứng khoán Dow Jones và Hang Seng, cũng như trên nền kinh tế thực. Việc các thị trường giảm một phần tư giá đậu tương từ tháng Tư ảnh hưởng đến 300.000 nhà sản xuất Mỹ và các đơn đặt hàng cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Nó tác động lên 10% hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc và, theo CEPII [Trung tâm nghiên cứu về triển vọng kinh tế và thông tin quốc tế], sẽ khiến cho kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm khoảng 25 tỷ US$. Tác động này sẽ ở mức khiêm tốn và sẽ ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Trung Quốc, đang tăng trưởng chậm lại, so với nền kinh tế Mỹ được thúc đẩy bởi việc cắt giảm ngân sách.
Peter Navarro không ngần ngại khoác lác rằng “không một quốc gia nào sẽ đáp trả lại các biện pháp của Mỹ”. Than ôi! Bất chấp những tuyên bố đó, Trung Quốc – vả lại là nước từng tuyên bố sẽ không tuân thủ lệnh cấm vận đối với Iran – đáp trả lại với việc tăng 50 tỷ US$ thuế quan lên các mặt hàng nhập khẩu từ những cử tri Mỹ đã bỏ phiếu cho Donald Trump. Liệu sự đáp trả này có dẫn đến việc tổng thống sẽ kích hoạt đợt tấn công giai đoạn hai của ông khi yêu cầu Bộ Thương mại áp đặt một mức tăng 10% thuế quan hay không? Liệu ông có đi đến mức 500 tỷ US$, như ông đã tuyên bố hay không? Cuộc xung đột sẽ khiến cho GDP của Mỹ giảm tương đương 4 điểm, cộng với tác động từ các biện pháp của Canada và cuối cùng là của Liên minh châu Âu. Theo một ước tính của Hội đồng Phân tích Kinh tế, tác động tổng thể (tổng gộp) của cuộc chiến tranh kinh tế sẽ gần với tác động của cuộc khủng hoảng năm 2008, và sẽ làm cho GDP của hai nhân vật chính giảm 4 điểm, cao hơn một chút đối với Liên minh châu Âu và gần như chắc chắn đối với phần còn lại của châu Á, bởi vì cuộc xung đột này sẽ làm suy yếu sự vận hành của các chuỗi giá trị toàn cầu.
Cuộc tấn công của Mỹ sẽ tăng tốc hơn là làm chậm lại quá trình triển khai kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”. Một kế hoạch nằm trong tầm nhắm của chính phủ Mỹ, điều mà các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã không còn đề cập trong những tuần gần đây để không chọc tức [chính phủ Mỹ]. Vào tháng 3 [năm 2018], vụ ZTE đã làm lộ sự phụ thuộc về công nghệ của Trung Quốc vào các sản phẩm bán dẫn. Điều đó càng tăng cường quyết tâm của Trung Quốc trong việc củng cố ngành công nghiệp này. Jack Ma, Chủ tịch và Tổng giám đốc điều hành của Alibaba, đã thông báo việc thành lập một bộ phận R&D chuyên nghiên cứu các con chip được sử dụng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Trong lĩnh vực cốt yếu này, quy mô dân số được kết nối và mức độ bảo vệ dữ liệu cá nhân yếu kém là một lợi thế cho Trung Quốc.
Khi tiến hành một cuộc chiến kinh tế nhân danh "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", tổng thống đang phá bỏ kiến trúc của trật tự thế giới mà Hoa Kỳ đã xây dựng vào thời kỳ cuối cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Thay vào đó, ông xây dựng một trật tự mới, trong đó nước Mỹ, giống như Vương quốc Anh của thế kỷ XIX, sẽ không có đồng minh vĩnh cửu hay kẻ thù vĩnh cửu, mà chỉ có lợi ích. Người ta có thể hình dung được điều này vào thời của Pax Britannica [Nền Hòa bình Anh quốc]. Nhưng đó là điều không thể trong một thế giới đa cực.
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière là nhà nghiên cứu cộng tác với Asie21 (Futuribles) và là thành viên của Trung tâm châu Á. Ông là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Tác phẩm mới nhất của ông, đồng tác giả với M. Lautier: Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường] (Armand Colin, 270 trang, năm 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF