14.10.18

Cuối cùng - Paul Romer cũng có được giải thưởng Nobel


Paul Romer (1955-)
CUỐI CÙNG – PAUL ROMER CŨNG CÓ ĐƯỢC “GIẢI THƯỞNG NOBEL” 
Lars P. Syll
Đối với các nhà kinh tế học Thụy Điển, Paul Romer trong nhiều năm đã từng là ứng cử viên sáng giá để nhận “giải thưởng Nobel” về kinh tế học. Năm nay, dự đoán đó hóa ra đã đúng. Romer đã nhận được giải thưởng (cùng với William Nordhaus).
“Giải thưởng Nobel” về kinh tế học hầu như chỉ dành riêng cho các nhà kinh tế học dòng chính, và thường nhất là cho các nhà kinh tế học của đại học Chicago. Vì vậy, thật là đáng hoan nghênh khi chúng ta, lần đầu tiên, có một khôi nguyên đủ dũng cảm để công khai phê phán những thứ “hậu hiện thực” xuất phát từ tháp ngà Chicago!
Adam Smith đã từng viết rằng một lời giải thích thực sự hay là “sự liền mạch thực tế.”
Liệu có lý thuyết nào như vậy trong một trong những lĩnh vực quan trọng nhất khoa học xã hội – tăng trưởng kinh tế chăng?
Lý thuyết của Paul Romer được trình bày trong cuốn Endogenous Technological Change [Sự thay đổi công nghệ nội sinh] (1990) – khi tri ​​thức được xem là động lực tăng trưởng quan trọng nhất – có lẽ gần với những gì chúng ta có.
Allyn Young (1876-1929)
Piero Sraffa (1898-1983)
Tri thức - hay ý tưởng - theo Romer là đầu máy của sự tăng trưởng. Nhưng như Allyn Young, Piero Sraffa và các tác giả khác đã trình bày trong những năm 1920, tri ​​thức cũng là một cái gì đó liên quan đến hiệu suất tăng dần theo quy mô, và vì thế không thực sự tương thích với kinh tế học tân cổ điển, nhấn mạnh đến hiệu suất giảm dần theo quy mô.
Hiệu suất tăng dần được tạo ra từ sự phi cạnh tranh giữa các ý tưởng đơn giản là không tương thích với sự cạnh tranh thuần túy và giáo điều đơn giản về bàn tay vô hình. Đó có lẽ cũng là lý do tại sao các nhà kinh tế học tân cổ điển đã khá miễn cưỡng chấp nhận lý thuyết một cách toàn tâm.
Kinh tế học tân cổ điển đã cố tự cứu mình, ít nhiều, bằng cách thay vốn con người bằng tri ​​thức/ý tưởng. Nhưng không nên nhầm lẫn các ý tưởng đột phá của Romer với vốn con người. Dù có một số người gặp vấn đề trong việc phân biệt giữa ý tưởng và vốn con người trong lý thuyết tăng trưởng nội sinh hiện đại, đoạn trích dưới đây từ bài viết của Romer The New Kaldor Facts: Ideas, Institutions, Population, and Human Capital [Sự kiện Kaldor mới: Ý tưởng, định chế, dân số và vốn con người] đưa ra một mô tả cô đọng và dễ hiểu về sự khác biệt đó:
Trong số ba biến trạng thái mà chúng tôi nội sinh hóa, ý tưởng là cái khó nhất để đưa vào cấu trúc cân bằng chung. Khó khăn nảy sinh từ đặc điểm chính của ý tưởng, vốn là một sản phẩm phi cạnh tranh thuần túy. Một ý tưởng cụ thể không hề khan hiếm theo cùng cách hiểu sự khan hiếm của đất đai hoặc tư bản hoặc các thứ khác; thay vào đó, có bao nhiêu người đi nữa thì họ cũng đều có thể đồng thời sử dụng một ý tưởng mà không hề có hiện tượng tắc nghẽn hoặc cạn kiệt.
Do ý tưởng là sản phẩm không cạnh tranh, nên ý tưởng thúc đẩy hai thay đổi riêng biệt trong suy nghĩ của chúng ta về sự tăng trưởng, những thay đổi đôi khi được kết hợp thành một nhưng khác biệt về mặt logic. Ý tưởng đưa vào các hiệu ứng về quy mô. Ý tưởng cũng làm thay đổi các định chế kinh tế khả thi và tối ưu. Những hàm ý về định chế đã thu hút nhiều sự chú ý hơn, nhưng những hiệu ứng về quy mô quan trọng hơn cho sự hiểu biết về quá trình chuyển động lớn lao của lịch sử nhân loại.
Sự khác biệt giữa các sản phẩm cạnh tranh và phi cạnh tranh rất dễ không rõ nét ở cấp độ tổng gộp, nhưng là điều không thể tránh khỏi trong bất kỳ khuôn khổ kinh tế vi mô nào. Thử lấy ví dụ, một ngôi nhà đang được xây dựng. Miếng đất mà ngôi nhà được xây trên đó, vốn liếng dưới dạng một thước dây, và vốn con người của người thợ mộc, tất cả đều là sản phẩm cạnh tranh. Chúng có thể được sử dụng để xây ngôi nhà này, nhưng không được sử dụng đồng thời để xây bất cứ ngôi nhà nào khác. Điều này tương phản với Định lý Pythagore, mà người thợ mộc sử dụng bằng cách tạo ra một tam giác có các cạnh theo tỷ lệ 3, 4 và 5. Ý tưởng này mang tính phi cạnh tranh. Mọi người thợ mộc trên thế giới đều có thể sử dụng định lý đó, trong cùng thời gian, để tạo ra một góc vuông.
Tất nhiên, vốn con người và ý tưởng gắn chặt với nhau trong sản xuất và sử dụng. Giống như khi nguồn vốn tạo ra đầu ra và đầu ra bị bỏ qua có thể được sử dụng để tạo ra nguồn vốn, vốn con người tạo ra ý tưởng và ý tưởng được sử dụng trong quá trình giáo dục để tạo ra vốn con người. Tuy nhiên, ý tưởng và vốn con người khác biệt một cách cơ bản. Ở cấp độ vi mô, vốn con người, trong ví dụ tam giác của chúng tôi, theo nghĩa đen, bao gồm những kết nối mới giữa các nơron trong đầu của người thợ mộc, một sản phẩm cạnh tranh tốt. Tam giác 3-4-5 là ý tưởng phi cạnh tranh. Ở cấp độ vĩ mô, người ta không thể khẳng định rằng sự thay đổi kỹ thuật thiên về kỹ năng làm tăng cầu về giáo dục mà không hề phân biệt giữa ý tưởng và vốn con người.
Ý tưởng của Paul về các ý tưởng xứng đáng để nhận “Giải thưởng Nobel.” Xin chúc mừng Paul!
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: At last — Paul Romer got his “Nobel prize”, Lars P. Syll, 8 October, 2018.
Print Friendly and PDF