21.10.18

Daniel Cohen: “Phải đấu tranh chống lại cái xã hội phi nhân bản bị mô hình hóa bằng những thuật toán mà người ta đang chuẩn bị cho chúng ta”


“PHẢI ĐẤU TRANH CHỐNG LẠI CÁI XÃ HỘI PHI NHÂN BẢN BỊ MÔ HÌNH HÓA BẰNG NHỮNG THUẬT TOÁN MÀ NGƯỜI TA ĐANG CHUẨN BỊ CHO CHÚNG TA”
Christophe Alix phỏng vấn Daniel Cohen
Nhà kinh tế học Daniel Cohen, người đã vạch ra những sự thất vọng đánh dấu năm mươi năm vừa qua của chế độ tư bản trong tiểu luận mới đây của ông, kêu gọi sự xuất hiện của một diễn ngôn phê phán về thế giới mới đang được số hóa.
Cần gì phải chạy theo sự tăng trưởng khi mà điều này không mang lại hạnh phúc cho chúng ta? Trong tiểu luận mới đây của ông: “Thời thế đã thay đổi … Ký sự (đầy lo âu) về một sự đổi thay gây lo âu”, (NXB Albin Michel) - nhà kinh tế học Daniel Cohen nhìn lại một cách xuất sắc năm mươi năm biến động của chế độ tư bản ở Phương Tây khi đặt câu hỏi về ý nghĩa của sự tiến bộ trong những xã hội hậu công nghiệp của chúng ta. Được nuôi dưỡng bởi vô số những nguồn cảm hứng lấy từ toàn bộ các khoa học xã hội, cuốn lịch sử kinh tế và tri thức này về những hy vọng và những thất vọng của tính hiện đại vạch ra sự chằng chịt của những cơn khủng hoảng và đoạn tuyệt đã dẫn đến sự bi quan lớn hiện nay và đến làn sóng dân túy. Ở thời điểm của việc chuyển sang một thời đại đầy hứa hẹn nhưng cũng đầy nguy hại, ông giám đốc của khoa kinh tế học của trường Sư Phạm Cao Cấp (École Normale Supérieure) và của Trung Tâm Nghiên Cứu và Ứng Dụng Kinh Tế Học (CEPREMAP) cảnh báo những người cùng thời về nguy cơ phi nhân hóa mà rốt cuộc thế giới số hóa bị các thuật toán mô hình hóa đang áp đặt trên các xã hội phát triển.
Daniel Cohen (1953-)

Ý tưởng chính trong quyển sách của ông là năm mươi năm vừa rồi chỉ là một chuỗi thất vọng: thất vọng của thế hệ 68 vốn đã nghĩ rằng có thể giải phóng khỏi sự lao động; thất vọng, hai mươi năm sau đó, về những hứa hẹn của trào lưu phản cách mạng bao thủ dưới thời Reagan và Thatcher và bây giờ một nổi thất vọng mới đang thành hình đối với xã hội số hóa mà những nguy hại chỉ mới bắt đầu bị phát hiện. Phải chăng chúng ta đã không ngừng lầm lẫn?
Qua việc nối kết các giai đoạn khác nhau này, tôi muốn tóm tắt tất cả những sự sai lầm này bằng một câu hỏi duy nhất: tập thể chúng ta đã làm như thế nào để có thể nhầm lẫn khi nhận định về sự kết thúc của xã hội công nghiệp? Một phần lớn những sự đánh mất ảo tưởng này cũng chỉ là sự ghi nhận muộn màng về ý nghĩa của sự sụp đổ của nền văn minh này. Khi thừa kế những trật tự của xã hội nông thôn đã bị chính mình lật đổ, xã hội công nghiệp đã duy trì một sự cố kết qua ý tưởng rằng nó đã tạo nên một tổng thể hợp nhất và có tổ chức, từ người thợ cho đến người kỹ sư. Sự sụp đổ này (của xã hội công nghiệp) đã gây nên rất nhiều sự sai lầm trong những cách kiến giải vốn giải thích những sự thất vọng đối với những không tưởng mà chính nó đã tạo nên, và chính điều đó khiến cho tôi lập danh sách của những ảo tưởng đã bị đánh mất.
Vậy thì cánh tả rồi đến cánh hữu đều đã lầm lạc như thế nào?
Nicolas Sarkozy (1955-)
Cánh tả đã tưởng rằng nếu ta được giải phóng khỏi sự lao động nô lệ hóa chúng ta trong cái xã hội tổ chức theo kiểu Taylor (đi làm, làm việc, nghỉ ngơi - métro, boulot, dodo) ta sẽ thoát khỏi chế độ tư bản và sẽ chuyển sang một xã hội hậu vật chất chủ nghĩa trong đó ta sẽ có nhiều cách thú vị hơn nhiều để tận hưởng cuộc sống. Nó đã không thấy rằng với tiến trình phi công nghiệp hóa đã bắt đầu từ những năm 1970, vấn đề không còn là thoát khỏi sự lao động cực nhọc mà, tầm thường hơn, là làm sao kiếm được một việc làm. Rồi đến cánh hữu, khi phản ứng chống lại chủ nghĩa hoan lạc của những năm 1960, đã đưa ra ý tưởng của một sự trở về lại với những giá trị, trước hết là sự lao động và sự cố gắng, điều có thể được tóm tắt trong câu nói được nhắc đi nhắc lại của Sarkozy “lao động nhiều hơn để có được nhiều hơn”. Trào lưu phục hưng đạo đức, hơn là phục hồi kinh tế, đã giải phóng một lòng tham của không giới hạn và đã mạnh mẽ góp phần vào sự bùng nổ các bất bình đẳng. Những hứa hẹn đã không được giữ của xã hội hậu công nghiệp chính là nguyên nhân của làn sóng dân túy ồ ạt hiện nay.
Ông phân tích điều này như thế nào?
Cái hố mà sự toàn cầu hóa tân tự do chủ nghĩa đã tạo ra giữa những người được cuộc và những kẻ thua cuộc trong chế độ hậu công nghiệp đã nuôi dưỡng tư tưởng dân túy nơi tất cả những người mồ côi lý tưởng cộng sản, những người mà lí tưởng đã sụp đổ bởi sự tan rã của toàn bộ thế giới công nghiệp, một hệ thống, tuy chứa đựng nhiều sự tha hoá, cũng đã làm cho mức sống tăng lên. Rốt cuộc, những giai cấp trung lưu và bình dân vốn đã thấy sức mua của họ bị khựng lại trước khi giảm đi, cũng đã nổi dậy chống lại sự vô đạo đức của một chế độ khiến cho hiện nay sự tăng trưởng tài sản của 1% gồm những người giàu có nhất cao hơn gấp hai lần so với tỷ lệ tăng trưởng tài sản của 50% những người thấp kém nhất, trong khi cách đây ba mươi năm thì điều ngược đã xảy ra.
Ông viết: “Chủ nghĩa dân túy kết hợp một sự căm ghét kép, đối với thành phần ưu tú ở trên và đối với những người di dân ở dưới đều bị coi như là nguồn gốc của sự hỗn loạn xã hội”
Chủ nghĩa dân túy đã biến thành hành động một sự thất vọng kép, đối với những thành phần ưu tú đã không biết và không vượt qua được sự tha hoá của lao động mà cánh tả đã hứa cũng như đã không mang lại sự giàu có mà cánh hữu đã treo để câu khách. Nay, phải trả giá rất đắt cho sự biến mất của những lực hợp nhập, từng là đặc trưng của xã hội công nghiệp, với một sự cô đơn xã hội ngày càng lớn dần. Điều gây ấn tượng cho tôi trong phân tích kinh trắc về những yếu tố quyết định lá phiếu bầu cử từ những cuộc điều tra do Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Trị thuộc Viện Chính Trị Học tiến hành, là sự ngờ vực đối với người khác của những người bầu cho Mặt Trận Quốc Gia (Front National /FN). Họ không chỉ chống lại những người di dân mà còn chống lại đủ thứ chuyện, với một hệ số tin cậy rất kém trong các quan hệ liên cá nhân, ngay cả đối với người thân trong vài trường hợp. Lòng ghét người mang tính xã hội của họ khiến cho, khi được hỏi về vai trò của Nhà Nước để có thể giúp đỡ họ, họ đòi hỏi một sự bảo vệ tốt hơn nhưng không thông qua sự tái phân phối mà, theo họ, chỉ có thể bị bởi những kẻ khác lợi dụng, những kẻ ăn không ngồi rồi hay những kẻ di dân. Chủ nghĩa Trump là sự hiện thân hoàn hảo của cái lý tưởng dân túy này: phải giảm thuế, phải đóng cửa những biên giới bằng cách xây lên những bức tường, nhưng lại không đấu tranh chống lại những sự bất bình đẳng cũng như không cải tạo một cách sâu sắc hệ thống làm cho chúng bộc phát.
Phải chăng có nhiều biến thể của chủ nghĩa dân túy này?
Florian Philippot (1981-)
Marine Le Pen (1968-)
Khi ta nhìn vào chi tiết, ta sẽ thấy rõ ràng rằng vượt qua sự căm ghét chung thành phần ưu tú mà cánh hữu quốc gia và cánh tả cấp tiến đều chia sẻ, các lực chống lại hệ thống hoàn toàn không tạo nên một khối thuần nhất. Một bên, cuộc nổi dậy chống lại chế độ được biểu hiện qua những lá phiếu bầu cho Mélenchon vẫn dựa trên ý tưởng rằng vẫn có thể có một thế giới tốt đẹp hơn trong đó tha nhân không phải là kẻ thù, và cần phải đoàn kết để kháng cự. Trong khi, đối với những người đã bầu cho Marine Le Pen hay Donald Trump, sự căm ghét phổ cập mang tính xã hội nhắm đến toàn bộ xã hội. Giấc mơ của Florian Philippot muốn chủ nghĩa dân túy cánh hữu và chủ nghĩa dân túy cánh tả được hội tụ đã vỡ tung khi đụng phải thực tế là vẫn có một sự khác biệt cơ bản giữa hai quan niệm này, một quan niệm dẫn đến một chủ nghĩa hư vô tuyết đối, còn quan niệm kia thì vẫn mơ ước đến một thế giới công bằng hơn.
Vậy thì liên minh đang nắm quyền ở Italia bao gồm Phong Trào Năm Sao xuất thân từ cánh tả và Liên Minh thuộc cánh cực hữu, há chẳng phủ định phân tích này chăng?
Đúng vậy, hai phong trào này với nguồn gốc và chương trình đối kháng nhau đã dẫn đến một liên minh chính trị chưa từng có ở Italia của những người chống lại chế độ. Nhưng liên minh này lại rất dễ nổ tung. Phe tả thì muốn cho chi tiêu công tăng và thiết lập môt thu nhập phổ quát để giúp đỡ cho những người nghèo nhất trong khi phe hữu thì đề xuất một chính sách giảm thuế và chống lại những người nước ngoài. Kết quả là họ đã buộc phải thỏa hiệp trên một chính sách mang tính xã hội hơn nhưng lại không có giải pháp cho việc tài trợ chính sách của họ. Do đó, có nguy cơ về một sự tăng trưởng của nợ công mà các thị trường rất ngại do tính chất bất ổn và rất dễ nổ tung của cái liên minh phản tự nhiên này.
Tại sao ông lại chọn mối quan hệ không được thỏa mãn với sự tăng trưởng như là yếu tố chính của tất cả những sự đánh mất ảo tưởng này?
Jean Fourastié (1907-1990)

Tôi đã có cảm hứng cho cuốn sách này khi đọc lại nhà kinh tế học Jean Fourastié đã từng nổi tiếng với thuật ngữ “ba mươi năm vẻ vang” nhưng trước hết là do ông là một trong những người đầu tiên đã nhận thức được rằng, với sự kết thúc của xã hội công nghiệp và sự đăng quang của một nền kinh tế dịch vụ, sự tăng trưởng tất yếu sẽ giảm đi. Từ năm 1948, ông đã mô tả trong cuốn “Niềm hy vọng lớn của thế kỷ XX” cái thế giới trong đó chúng ta đang sống hiện nay. Đó là một thế giới trong đó chất liệu mà chúng ta lao động không còn là đất đai như trong xã hội nông nghiệp hay tài nguyên thiên nhiên được chế biến trong xã hội công nghiệp, mà chính là con người được chăm sóc, giáo dục và giải trí. Đó là xã hội trong đó giá trị của sản phẩm được sản xuất chủ yếu được đo lường bởi thời gian mà chúng ta dành cho người khác. Nhưng mà, tiến trình sản xuất mà nền văn minh công nghiệp đã phổ quát hóa dựa trên việc sử dụng máy móc và đạt được năng suất ngày càng cao, tức là sự tăng trưởng, đã vấp phải tính hữu hạn của cái thời gian không thể giảm bớt mà chẳng hạn một người thợ hớt tóc cần để hớt tóc cho một người.
Nhưng, ngược lại, sự đăng quang của tin học phải chăng đã giúp tối ưu hóa cái xã hội dịch vụ?
Robert Gordon (1940-)
Trong ba mươi năm vừa rồi, đúng là ta đã tối ưu hóa, đây là từ đúng, những phần còn lại của xã hội công nghiệp. Nhưng cả máy tính, Internet hay điện thoại thông minh cũng đã không tạo ra môt sự tăng trưởng của năng xuất tương đương với sự tăng trưởng mạnh mẽ mà sự điện khí hóa hay sự xuất hiện của máy nổ đã tạo nên trong cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lần Thứ hai – đó là giả thuyết của nhà kinh tế học Mỹ Robert Gordon khi ông đưa ra ý tưởng “sự đình đốn thế kỷ” của tăng trưởng để nói về vấn đề này. Với Uber hay Airbnb, đúng là người ta đổi mới trong tiến trình sản xuất, nhờ vào các phần mềm, người ta đã giảm các chi phí, thậm chí có thể không cần đến nhân viên, nhưng dịch vụ vẫn giữ nguyên: cho thuê một căn hộ, đi từ một điểm A đến một điểm B với một người lái xe ….
Ngoài trừ việc là từ nay, viễn tưởng mới là viễn tưởng của một xe tự điều khiển mà không cần người lái. Phải chăng vấn đề của tình trạng thất nghiệp công nghệ đang trở thành nóng bỏng với ý tưởng rằng các giai cấp trung lưu đang trở thành “vô dụng” vì trí tuệ nhân tạo, sẽ bị tác động nặng nề bởi cú sốc này?
Chúng ta chỉ mới ở giai đoạn mở đầu nhưng cái xã hội mới bị các thuật toán chi phối đang hình thành có thể cho phép chúng ta tìm lại sự tăng trưởng với viễn tưởng của những tăng trưởng năng suất khủng khiếp nhờ vào những lợi tức theo quy mô mà trí thông minh nhân tạo cho phép - đó là giả thuyết của tôi. Đó chính là điều được gợi ý trong cái tựa của quyển sách. Mọi chuyện đều có vẻ chỉ rõ là “thời thế đã thay đổi”, nhưng trong thực tế thì không hẳn là như vậy: sau sự thất bại của những thuyết không tưởng của cánh tả và cánh hữu, chúng ta đang ký lại cái hiệp ước bán linh hồn cho quỷ thần để đổi lấy sự tiến bộ và sự tăng trưởng, khi chấp nhận sự phi nhân hóa để đổi lấy việc cải thiện sự tăng trưởng có thể có nhờ vào tiến trình “thuật toán hóa” các nghề có liên hệ đến việc chăm sóc trong y tế và giáo dục. Toàn bộ tiến trình tiêu chuẩn hóa của thế giới công nghiêp mà ta nghĩ đã lỗi thời đang trở lại một cách mạnh mẽ trong cái ma trận hiện nay: sự lặp lại, sự nghiện ngập, sự phi nhân hóa. Trí tuệ Nhân Tạo đang đem lại trong cái thế giới phi vật chất những gì mà nền văn minh công nghiệp đã từng mang lại cho việc sản xuất các tài sản vật chất.
Phải chăng một cuộc nổi dậy chống phá các máy móc sắp xảy ra và nuôi dưỡng cái thuyết dân túy bắt nguồn từ những sự đánh mất ảo tưởng về tính hiện đại?
Có những việc làm sẽ luôn luôn tồn tại nhưng làm sao có thể tránh được việc những công việc này chỉ liên hệ đến những nhiệm vụ ít hay không có giá trị, thí dụ như trong lãnh vực dịch vụ nơi tuyển mộ những người lao động vô sản mới phải đảm trách những công việc chân tay khó có thể được tự động hóa, chẳng hạn nghề giao hàng? Hiện nay đang có một cuộc tranh cãi lớn về sự kiện phải chăng máy móc sẽ thay thế con người, nhưng kịch bản này cũng không chắc chắn. Và trên vấn đề này, người ta cũng đã có nhiều nhận định sai lầm từ khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu. Ta không thể loại bỏ việc rằng Trí Tuệ Nhân Tạo, nếu được sử dụng tốt, có thể mang lại thêm giá trị cho những công việc của các thành phần trung lưu.
Ông phác thảo hai kịch bản.
Trong kịch bản thứ nhất, tiếp nối xu hướng hiện nay, chính cái 1% ở trên đỉnh của bậc thang xã hội tạo ra toàn bộ những giá trị với cả một bộ máy gia nhân bao gồm những luật sư, bác sĩ và huấn luyện viên cá nhân vốn cũng có thu nhập cao. Nhưng càng xa cái trung tâm này, thì sự giàu có càng khó có được với những công việc càng hiếm và có thu nhập thấp, do đó cái đám đông chỉ còn những thuật toán để lo cho họ. Đó là kịch bản của sự phân cực hóa. Nhưng cũng có một kịch bản khác, trong đó những y tá hay những giáo viên có thể trở thành, nhờ vào Trí Tuệ Nhân Tạo, những người tích tụ kiến thức và khả năng được nâng cấp để có thể tập trung lại vào cái thiên chức đầu tiên của họ là giúp đỡ những người khác. Đó đúng là một sự lựa chọn mô hình xã hội, và mọi việc sẽ tùy thuộc vào việc ta nhấn mạnh đến điểm nào trong những lãnh vực này. Chúng ta cần phải chống lại tiến trình uber hóa vốn không phải là một lối sống ổn định, và chống lại cái xã hội phi nhân tính bị các thuật toán mô hình hóa hiện đang được chuẩn bị cho chúng ta. Ngược lại, chúng ta có thể nắm lấy tất cả những thời cơ phi thường mà các công nghệ cung cấp cho chúng ta để tránh phải sống lại, và còn tệ hơn nữa, những sự tàn phá mà xã hội công nghiệp đã tạo ra.
Phải chăng đây chỉ là phương pháp Coué (phương pháp tự thuyết phục bản thân là mình đúng, làm được) vào thời điểm mà sự phá vỡ tất cả các lãnh vực, các nghề nghiệp và các hoạt động được coi như là điều tốt nhất của tính hiện đại?
Chúng ta không thể nào bi quan, đó gần như là một bổn phận. Chính vào lúc mà những quan hệ mới đang được xác lập giữa con người và kỹ thuật, chúng ta cần phải sáng tạo ra một diễn ngôn phê phán cái xã hội số hoá mới này. Giống như cuộc nổi dậy tháng 5 năm 1968 đã làm với xã hội công nghiệp, khi tìm cách để có thể giải phóng chúng ta thay vì nghiền nát chúng ta bằng cách đưa chúng ta vào cái xã hội mới mà không cần đến cái kim chích điều khiển học của nó. Thu nhập phổ quát là một thí dụ khác khi nó cung cấp những phương tiện sống cho tất cả những người muốn tìm kiếm những biện pháp thay thế, mặc dù chúng ta không thể từ bỏ những phương thức điều tiết cổ điển của chế độ xã hội dân chủ, bằng cách chia sẻ một cách tốt hơn. Vai trò của các nghiệp đoàn và các tổ chức trung gian là một thí dụ khác. Cuốn sách có đưa ra một con số nói lên tất cả về cái xã hội hiện nay: chỉ có 13% những thanh niên Pháp tuyên bố là muốn sống trong tương lai! Trong khi thu nhập bình quân theo đầu người đã tăng gấp đôi từ năm 1968, hạnh phúc chưa bao giờ được xem như là một ý tưởng lạc hậu như hiện nay. Đã đến lúc cần phải tái vũ trang lại trên phương diện tri thức và tạo ra một khoảng cách để tư duy một lần nữa về một tương lại đáng được ao ước.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn:Il faut lutter contre cette société algorithmée déshumanisante que l’on nous prépare, nhật báo Libération, 27 septembre 2018 à 17:06 (cập nhật vào lúc 17:40)
Print Friendly and PDF