9.10.18

“Giải Nobel” Paul Romer: một nhà kinh tế phê phán các nhà kinh tế

PTKT: Giải khoa học kinh tế của Ngân hàng Thuỵ Điển để tưởng nhớ Nobel năm nay vinh danh William Nordhaus vì “đã hợp nhất biến đổi khí hậu vào phân tích kinh tế vĩ mô dài hạn” và Paul Romer vì “đã hợp nhất những đổi mới công nghệ vào phân tích kinh tế vĩ mô dài hạn”. Bắt đầu từ hôm nay, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu một số bài viết nhân dịp hai khôi nguyên được giải. Bạn đọc có thể tham khảo những bài về Paul Romer mà PTKT đã dịch tại đây.

“GIẢI NOBEL” PAUL ROMER: MỘT NHÀ KINH TẾ PHÊ PHÁN CÁC NHÀ KINH TẾ
Christian Chavagneux
Cùng với William Nordhaus, Paul Romer là một trong hai khôi nguyên của giải kinh tế học của Ngân hàng Thuỵ Điển. Ông được giải nhờ những công trình về “tăng trưởng nội sinh” mà những đóng góp được Denis Clerc tóm tắt rõ.
Cuối cùng được các đồng nghiệp công nhận – từ nhiều năm nay tên ông nằm trong danh sách những tác giả có khả năng được giải này – những năm gần đây Paul Romer giữ vị trí của một trong những nhà phê phán cay độc nhất của hoạt động của giới kinh tế.
William Nordhaus (1941-)
Trong một bài công bố năm 2016 có tựa là “Vấn đề với kinh tế học vĩ mô”, ông bắt đầu bằng nhận định sau: “tôi đã quan sát hơn ba thập niên thoái hoá trí tuệ”. Với một sự mỉa mai có sức tàn phá, ông trình bày những lập luận có tính cực kì kĩ thuật chứng minh rằng kinh tế học thống trị thích sáng chế những cú sốc đến từ hư không để giải thích những biến thiên của tăng trưởng hơn là tìm cách tìm hiểu hành vi của các tác nhân kinh tế. Ông tố cáo những cách tiếp cận thống kê thích ước lượng những tham số với khoảng sai số nhỏ nhưng không có ý nghĩa hơn là những tham số có ý nghĩa, cho dù các khoảng sai số của những tham số này là lớn.
Và Romer nói thêm: ông lấy làm tiếc, và nêu đích danh, sự cẩu thả trong những công trình của các nhà kinh tế thống trị nổi tiếng như Robert Lucas, Thomas Sargent và nhiều tác giả khác; và ông giải thích vì sao trong những thập niên qua các nhà kinh tế đã đi sai đường. Ba lí do được ông nêu lên:
  • trước tiên, các nhà kinh tế thống trị hoạt động như một nhóm khép kín, tôi trính dẫn, “nguyên khối”, “với một ý thức đồng nhất vào một nhóm xứng đáng với một niềm tin tôn giáo”, “ý thức rõ đường ranh giữa nhóm và những người khác” và “một sự khinh miệt và không quan tâm đến các ý tưởng, quan điểm và công trình của những chuyên gia không thuộc nhóm mình

  • tiếp đó, tinh thần chính thống, ngưỡng mộ và tôn trọng quyền uy đã được xác lập dẫn đến việc chối bỏ các sự kiện nếu chúng đặt thành vấn đề quyền uy này
  • cuối cùng, một tinh thần bảo vệ nhóm khiến các nhà kinh tế thống trị cảm thấy gắn bó với mạng lưới của họ hơn là với thực tại kinh tế.

Các phê phán trên là nghiêm khắc. Chúng là kết quả của một nhà kinh tế mà bản thân được khoa học kinh tế thống trị công nhận và chấp nhận. Hi vọng là thông điệp của ông sẽ được tất cả những người bảo vệ một khoa học kinh tế đổi mới và rộng mở với sự đa nguyên của các tư tưởng đón nhận, kể cả ở Pháp.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Prix Nobel”: un économiste critique des économistes”, Alternatives économiques, 8.10.2018
Print Friendly and PDF