4.10.18

Khi một ngân hàng phân phát các huy chương

KHI MỘT NGÂN HÀNG PHÂN PHÁT CÁC HUY CHƯƠNG
Trong nỗ lực nâng cao kinh tế học lên tầm một khoa học (và đánh tráo các sở thích của họ thành định mệnh), các nhà kinh tế theo trường phái tự do đã có một luận chứng nặng kí: liệu sự thừa nhận chuyên ngành của họ bởi một giải thưởng Nobel có đồng nhất nó với các khoa học khác không có gì phải nghi ngờ như vật lý học, hóa học hoặc y học không? Một lập luận có vẻ chặt chẽ một cách tiên nghiệm nhưng thật ra là mang tính đánh lừa...
Frédéric Lebaron
Robert Brown, một trong ba đứa con của bà Renata Davis, đều bị đe dọa trục xuất, Detroit, 2014. Ảnh: Fred R. Conrad.
Nếu sự thất bại năm 2013 của thủ đô thế giới cũ của ngành ô tô là hệ quả của thời kỳ suy tàn công nghiệp lâu dài, thì chính cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn năm 2007 đã giáng đòn trí mạng, làm tăng tốc sự giảm sút mật độ dân số của nó. Từ 1,8 triệu dân vào năm 1950, dân số đã giảm xuống còn 689.000 người vào năm 2013. Thực vậy, thành phố lớn nhất của Michigan là một trong những thành phố bị tác động nhiều nhất bởi việc cung cấp các khoản tín dụng với lãi suất khả biến. Việc hàng ngàn khách hàng vay mất khả năng thanh toán phải đương đầu với các khoản phải trả hàng tháng ngày càng tăng cao đã làm tăng tốc sự bùng nổ về số lượng các vụ tước quyền sở hữu nhà ở. Đã có ít nhất 70.000 vụ tước quyền sở hữu nhà ở kể từ năm 2009.
“Giải thưởng Nobel về kinh tế” chỉ mới được thành lập vào năm 1969, gần bảy mươi năm sau khi các giải thưởng Nobel đầu tiên được trao tặng, và được thành lập không phải bởi nhà công nghiệp Thụy Điển. Tên thật của giải thưởng là gì? “Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển về khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel”. Trong di chúc của mình, Alfred Nobel cho biết, những giải thưởng mà ông cho ra đời sẽ được trao tặng cho những người thuộc mọi quốc tịch “có đóng góp lớn cho nhân loại”. Thế mà những người đoạt giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển hầu hết xuất thân từ các nước phương Tây và các công trình của họ ít phục vụ cho nhân loại nói chung hơn là phục vụ cho phần được hưởng lợi từ mô hình kinh tế đã được thiết lập.
Scrooge trên trang bìa của tạp chí “Journal de Mickey”, năm 1958.
Jean Tirole (1953-)
Amartya Sen (1933-)
Kinh tế học là một bộ môn mới ra đời gần đây, và hơn một nửa những người đoạt “giải Nobel kinh tế” vẫn còn sống. 82% trong số họ là những người có quốc tịch Mỹ vào thời điểm được vinh danh, trong khi những người đoạt “giải Nobel kinh tế” có quốc tịch của một nước châu Âu còn sống là rất ít: một người Đức, ba người Anh, một người Pháp và một người Na Uy. Xin lưu ý là Jean Tirole (người Pháp được giải vào năm 2014) và Finn Kydland (người Na Uy được giải vào năm 2004), cả hai đều lấy bằng tiến sĩ tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, sự nghiệp của Kydland diễn ra ở Hoa Kỳ, trong khi Tirole đã trở về Pháp để thành lập ở Toulouse một trường kinh tế phỏng theo mô hình hoạt động xuất sắc của Mỹ về hoạt động hàn lâm. Đối với những người đoạt giải Nobel còn sống xuất thân từ các nước đang phát triển, chúng ta có thể tóm lại bằng một cái tên: nhà kinh tế học phi chính thống Amartya Sen (năm 1998), một người Ấn Độ mà sự nghiệp diễn ra tại Anh và Hoa Kỳ. Khi xem xét hồ sơ của các ứng viên, chúng ta nhận thấy, kể từ cuối những năm 1970, có một sự củng cố thế mạnh của Hoa Kỳ, cùng với một sự định hướng vừa mang tính tự do hơn, vừa mang tính kỹ thuật hơn và tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực tài chính. Qua giải thưởng Nobel, những người đại diện tự phong của “khoa học” kinh tế đã bảo vệ tiến trình toàn cầu hóa tài chính, thúc đẩy ý tưởng về tính hiệu quả của thị trường và chủ trương sự độc lập của các ngân hàng trung ương, trong khi cáo buộc “tác hại” của Nhà nước. Họ đã phóng chiếu, trong giới khoa học và trong không gian công cộng, một sự lý tưởng hóa tập thể về thị trường đặt trọng tâm vào các nước phương Tây, và chính xác hơn tại Hoa Kỳ. Chúng ta đã thấy sự lý tưởng hóa mạnh mẽ này vào những năm 1980 và đồng thời chi phối cả các tổ chức quốc tế (IMF, Ngân hàng Thế giới).
Nhân rộng các cuộc trao đổi về những chủ đề không liên quan gì đến chuyên môn được trao giải
Milton Friedman được chào đón bởi một cuộc biểu tình của những người chống đối chế độ độc tài Chile, nhân dịp ông được trao “giải thưởng Nobel” tại Stockholm, năm 1976.
Người sáng lập trường phái Chicago, mà lý thuyết trọng tiền đã ảnh hưởng đến các chính sách kinh tế siêu tự do của [thủ tướng] Margaret Thatcher, [tổng thống] Ronald Reagan, và kể cả của [tổng thống] Pinochet, đã đến Santiago vào năm trước để giới thiệu một loạt các bài nói chuyện và gặp gỡ nhà độc tài quân phiệt Chile.
Milton Friedman (1912-2006)
Friedrich Hayek (1899-1992)
“Giải thưởng Nobel” cho phép các nhà kinh tế mới được vinh danh chiếm giữ không gian công cộng và tạo ra ảo tưởng cho rằng có một sự đồng thuận giữa các chuyên gia, tăng cường hiệu ứng uy thế của khoa học kinh tế. Chúng ta thấy điều đó ở Tirole: ông đã nhân bội các cuộc trao đổi về những chủ đề không liên quan trực tiếp đến các nghiên cứu của mình, nhưng điều đó cho phép ông quảng bá cách nhìn nền kinh tế theo hướng tân tự do. Ví dụ, ông đã viết trong một bài báo cho tờ Libération [Giải phóng] rằng “về mặt thị trường lao động, một sự gia tăng chi phí lao động ròng bằng với mức lương tối thiểu có mục tiêu rất đáng khen là giảm bớt sự bất bình đẳng về tiền lương; nhưng nó cũng tạo ra nạn thất nghiệp”: khác xa với mọi bằng chứng thực nghiệm, giải pháp duy nhất để chống lại tình trạng thất nghiệp vì vậy là phi điều tiết hóa thị trường lao động, như chủ trương của Friedrich Hayek hay Milton Friedman, hai nhân vật của chủ nghĩa tự do.
Hạnh phúc mặc dù thất bại
Robert Merton (1910-2003)
Myron Scholes (1941-)
Có một mục tiêu khác là làm cho người ta tin rằng kinh tế học là một khoa học đáng tin cậy, nếu không muốn nói là chính xác, ngay cả khi tồn tại những thành tích phi hiệu quả của các tác giả được vinh danh. Đó là trường hợp của Robert MertonMyron Scholes (được giải “Nobel” 1997), những người, từ năm 1993 đến năm 1998, đã tham gia điều hành quỹ đầu cơ Long Term Capital Management, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất trong lịch sử, đã bị phá sản vào năm 1998 sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á: cuộc khủng hoảng này đã không được dự báo, trong khi giải thưởng Nobel của họ, nhận được một năm trước đó, được trao thưởng vì... một mô hình có khả năng dự đoán, ngoài một số điều khác nữa, các cuộc khủng hoảng tài chính. Cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn năm 2007 hiện ra như một sự thất bại tập thể lớn lao của giới kinh tế học trong cách tiếp cận các vấn đề về tài chính, nhưng Eugene Fama, cha đẻ của lý thuyết các thị trường hiệu quả, người đã thúc đẩy sự sụp đổ mang tính hệ thống, đã được trao giải thưởng Nobel vào năm 2013!
Gary Becker (1930-2014)
Năm 1992, nhà kinh tế học Gary Becker (1930-2014) được trao “giải thưởng Nobel” vì “đã xây dựng một lý thuyết tổng quát về hành vi của gia đình, có xem xét không chỉ sự phân công lao động và thời gian lao động, mà còn cả những quyết định liên quan đến vấn đề hôn nhân, ly hôn và con cái.” Becker coi chúng [trẻ em] như những “mặt hàng tiêu dùng bền vững”, và theo ông, mọi quyết định liên quan đến chúng đều phải được giải thích một cách phù hợp. Nhà kinh tế cũng đã khám phá bí ẩn của vấn đề tội phạm: “Một người sẽ phạm tội nếu lợi ích kỳ vọng có được vượt xa lợi ích mà anh ta có thể có với các hoạt động khác với cùng thời gian và nguồn lực đó” (Crime and Punishment: An Economic Approach [Tội phạm và hình phạt: Một cách tiếp cận về kinh tế], 1968). Trước khi phạm tội, nghi phạm làm một bài toán về chi phí-lợi ích. Nếu chi phí quá cao, anh ta sẽ từ bỏ việc phạm tội. Các công trình của Becker sẽ được những người bảo thủ Mỹ sử dụng để biện minh cho việc siết chặt hơn nữa các hình phạt. Như vậy, họ sẽ đóng góp vào việc làm đầy ắp các nhà tù, một tình huống mà Becker nhận định là điều đáng tiếc về mặt kinh tế.

Frédéric Lebaron (1969-)
Giáo sư xã hội học tại Đại học Versailles-Saint-Quentin-en-Yvelines. Là người đồng chủ biên cuốn Les Discours sur l’économie (Các diễn ngôn về kinh tế học), NXB Presses Universitaires de France, 2013.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Quand une banque distribue des médailles, Le Monde Diplomatique, 2016.
Print Friendly and PDF