16.10.18

Nhìn xa hơn giải Nobel, mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa kinh tế học và sinh thái học


NHÌN XA HƠN GIẢI NOBEL, MỐI QUAN HỆ NGÀY CÀNG CHẶT CHẼ GIỮA KINH TẾ HỌC VÀ SINH THÁI HỌC
Nguồn: Afp
Kinh tế học và sinh thái học, được hòa hợp bằng giải Nobel? Giải thưởng, được trao vào hôm thứ hai tại Stockholm, chứng thực trong mọi trường hợp mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa biến đổi khí hậu và nghiên cứu kinh tế.
William Nordhaus và Paul Romer. © https://twitter.com/NobelPrize
Bằng cách trao cho hai người Mỹ William Nordhaus và Paul Romer “Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển về các khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel”, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia đã ca ngợi những công trình có công “mở rộng đáng kể lĩnh vực phân tích kinh tế, bằng cách xây dựng những mô hình giải thích cách thức nền kinh tế thị trường tương tác với thiên nhiên và sự đổi mới.”
Đặc biệt, William Nordhaus được coi là người tiên phong của việc “mô hình hoá” tích hợp sự biến đổi khí hậu. Rõ ràng, ông đã xây dựng những phương trình cho phép xem xét các hiệu ứng của môi trường lên nền kinh tế và ngược lại.
Ông cũng là người ủng hộ mạnh mẽ một hệ thống đánh thuế carbon của chính phủ các nước.
Nếu giải thưởng này, được công bố cùng lúc với một cảnh báo mới của các chuyên gia về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC), có một sự cộng hưởng rất đặc biệt, thì các nhà kinh tế học trong thực tế luôn quan tâm đến thiên nhiên, ngay cả khi cách nhìn của họ đã tiến hóa qua nhiều thế kỷ.
Vào thế kỷ XVIII, “các nhà trọng nông”, những người báo trước khoa học kinh tế hiện đại, đã không đặt vấn đề bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên khi họ nghiên cứu vấn đề sản xuất nông nghiệp của Pháp. Đối với họ, đất đai, thiên nhiên, là những nguồn lực để khai thác tối đa.
Thomas Malthus (1766-1834)
Arthur C. Pigou (1877-1959)
Ít lâu sau, mục sư Tin lành Thomas Malthus là một trong những người đầu tiên đã suy nghĩ đến tính chất giới hạn của đất nông nghiệp, điều đã dẫn ông đến việc biện hộ cho việc kiểm soát sinh sản.
Nhưng chính phải đợi đến thế kỷ XX, với cuộc cách mạng công nghiệp và sự nhân rộng các ống khói nhà máy, mà các nhà kinh tế học mới bắt đầu quan tâm đến vấn đề môi trường.
Vì thế, nguyên tắc “người gây ô nhiễm/người phải trả tiền” ra đời vào những năm 1920, trong các công trình của nhà kinh tế học người Anh Arthur Cecil Pigou.
Ông xem vấn đề ô nhiễm là một “ngoại ứng tiêu cực”, một chi phí đè nặng lên xã hội nói chung. Đối với Pigou, cần phải sửa chữa tình hình bằng việc đánh thuế lên những doanh nghiệp chịu trách nhiệm, để đảm bảo nền kinh tế thị trường hoạt động hiệu quả.
“Một sự phản kháng nhất định”
Từ những năm 1970, đã có sự phát triển một cách tiếp cận mang tính toàn cầu hơn, và phê phán hơn, về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và môi trường.
Cách tiếp cận này đặc biệt dẫn đến “Báo cáo Brundtland”, được soạn thảo vào năm 1987 dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, thừa nhận khái niệm “phát triển bền vững”: đi tìm một sự tăng trưởng kinh tế công bằng hơn và tôn trọng môi trường hơn.
Ngày nay, thiên nhiên không chỉ còn được đề cập ở cấp độ doanh nghiệp hay người tiêu dùng, về mặt “chi phí” hay “lợi ích”. Vấn đề biến đổi khí hậu đã được tính đến trong những nghiên cứu về các lực lượng kinh tế lớn, thông qua những phương trình phức hợp và các lý thuyết tinh vi.
Joseph Stiglitz (1943-)
Mireille Chiroleu Assouline
Nhà kinh tế học Joseph Stiglitz, người được trao giải Nobel năm 2001, ví dụ, đã khuyến nghị từ nhiều năm qua việc xem xét lại cách tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP), để tích hợp tốt hơn tác động của tăng trưởng kinh tế lên thiên nhiên.
“Trong một thời gian dài, đã có một số phản kháng từ một bộ phận công chúng, quan tâm đến vấn đề môi trường và cho rằng việc xử lý vấn đề đó dưới góc độ kinh tế là một dị giáo”, theo lời giải thích của Mireille Chiroleu Assouline, nữ giáo sư tại Đại học Paris I và là phó chủ tịch Liên đoàn các nhà kinh tế môi trường của Pháp, cho hãng thông tấn AFP.
“Ví dụ như nói về ‘giá trị’ của thiên nhiên vẫn có thể còn bị hiểu lầm, nhưng đó là một cách để gắn vấn đề với các động lực của đời sống kinh tế,” theo lời biện hộ của bà.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF