13.10.18

Tích hợp tự nhiên và tri thức vào kinh tế học

TÍCH HỢP TỰ NHIÊN TRI THỨC VÀO KINH TẾ HỌC
Giải thưởng Khoa học Kinh tế [của Ngân hàng Thuỵ Điển để tưởng nhớ Nobel] năm nay [2018] được trao tặng cho việc thiết kế các phương pháp giải quyết một số vấn đề cơ bản và cấp bách của thời đại chúng ta: sự phát triển bền vững lâu dài trong nền kinh tế toàn cầu và phúc lợi của dân số thế giới.
Công trình của cả hai khôi nguyên xây dựng dựa trên mô hình tăng trưởng của Solow, người nhận giải thưởng Khoa học kinh tế [để tưởng nhớ Nobel] năm 1987.
Nghiên cứu về cách loài người quản lí các nguồn lực hạn chế là trọng tâm của kinh tế học và, kể từ khi nó trở thành một khoa học, kinh tế học nhận ra rằng những ràng buộc quan trọng nhất đối với nguồn lực liên quan đến tự nhiên và tri thức. Tự nhiên quy định các điều kiện chúng ta sống và tri ​​thc xác định khả năng quản lí các điều kiện này. Tuy nhiên, mặc dù tự nhiên và tri thức có vai trò trung tâm, nhưng các nhà kinh tế nói chung vẫn không nghiên cứu bằng cách nào mà chịu sự tác động của thị trường và hành vi kinh tế. Năm nay, những khôi nguyên Paul M. Romer và William D. Nordhaus đã mở rộng phạm vi phân tích kinh tế bằng cách thiết kế các công cụ cần thiết nhằm kiểm tra xem nền kinh tế thị trường ảnh hưởng đến tự nhiên và tri thức như thế nào trong dài hạn.
Tri thức
Trong hơn một thế kỉ qua, toàn bộ nền kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng với tốc độ đáng chú ý và khá đều đặn. Khi một vài phần trăm tăng trưởng kinh tế mỗi năm được tích lũy qua nhiều thập kỉ và thế kỉ, điều này làm biến đổi cuộc sống của con người. Tuy nhiên, tăng trưởng đã tiến triển chậm hơn nhiều trong suốt hầu hết chiều dài lịch sử loài người. Nó cũng khác nhau giữa các quốc gia. Vì vậy, điều gì giải thích cho việc khi nào và ở đâu tăng trưởng sẽ xảy ra? Câu trả lời thông thường của kinh tế học là thay đổi công nghệ, khi khối lượng tri thức càng ngày càng tăng được biểu hiện trong các công nghệ do các nhà phát minh, kĩ sư và nhà khoa học tạo ra. Vào đầu những năm 1980, khi còn là nghiên cứu sinh tại Đại học Chicago, Paul Romer bắt đầu phát triển lí thuyết tăng trưởng nội sinh, nơi những tiến bộ công nghệ không chỉ chảy vào từ các nguồn - ngoại sinh - bên ngoài, như được giả định trong các mô hình kinh tế trước đó. Thay vào đó, chúng được tạo ra bởi các hoạt động có mục đích trong thị trường. Những phát hiện của Romer cho phép chúng ta hiểu rõ hơn về những điều kiện thị trường nào ủng hộ sáng tạo ra các ý tưởng mới cho những công nghệ sinh lời. Công trình của ông giúp chúng ta thiết kế các định chế và chính sách có thể nâng cao sự thịnh vượng của con người bằng cách khuyến khích các điều kiện phát triển công nghệ phù hợp.
Tự nhiên
William Nordhaus bắt đầu công việc của mình vào những năm 1970, sau khi các nhà khoa học càng ngày càng quan tâm đến việc đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra sự ấm lên toàn cầu nghiêm trọng, và các tác động bất lợi như vậy của biến đổi khí hậu. Nordhaus tự đảm nhận nhiệm vụ khó khăn trong việc kiểm tra các vòng lặp phản hồi hai chiều giữa hoạt động của con người và khí hậu, kết hợp các lí thuyết cơ bản và những kết quả thực nghiệm từ các ngành vật lí, hóa học và kinh tế học. Do đó, ông không chỉ xem tự nhiên là một ràng buộc đối với hoạt động của con người, mà còn như một cái gì đó chịu ảnh hưởng lớn từ hoạt động kinh tế. Nordhaus trở thành người đầu tiên thiết kế ra các mô hình đơn giản, nhưng động và định lượng của hệ thống kinh tế-khí hậu toàn cầu, nay được gọi là các mô hình đánh giá tích hợp (IAM). Các công cụ của ông cho phép chúng ta mô phỏng cách nền kinh tế và khí hậu sẽ cùng-tiến hóa trong tương lai theo các giả thiết thay thế nhau được về những cách vận hành của tự nhiên và nền kinh tế thị trường, bao gồm các chính sách liên quan. Mô hình của ông giải quyết các câu hỏi về tính đáng chọn của các kịch bản toàn cầu khác nhau cũng như của những can thiệp chính sách cụ thể.
Những sự không hoàn hảo trong thị trường toàn cầu
Cả hai khôi nguyên [năm nay] đều nêu bật được các hiệu ứng dây truyền trong xã hội, với các hệ quả vốn không được những cá nhân đổi mới hay những người gây ô nhiễm tính đến. Bất kì ý tưởng công nghệ mới nào, bất luận nơi nào nó bắt nguồn, đều có thể được sử dụng để sản xuất ra các hàng hóa mới và những ý tưởng khác ở bất kì nơi nào đó, trong hiện tại hoặc tương lai. Tương tự, một đơn vị khí thải carbon mới, dù cho nguồn gốc của nó là gì, nhanh chóng khuếch tán trong khí quyển và góp phần làm biến đổi khí hậu, tác động đến toàn bộ loài người trong hiện tại và tương lai. Các nhà kinh tế nói về các dạng hiệu ứng dây truyền này như những ngoại ứng. Các ngoại ứng do Romer và Nordhaus nghiên cứu có tầm ảnh hưởng khắp toàn cầu và có những hệ quả lâu dài. Do các thị trường không được điều tiết sẽ tạo ra các kết quả không hiệu quả khi có sự hiện diện của những ngoại ứng như vậy, nên các công trình của Romer và Nordhaus cung cấp những lập luận có tính thuyết phục cho sự can thiệp của chính phủ.
Nghiên cứu của Romer cho thấy cách tích lũy các ý tưởng duy trì tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Đổi mới công nghệ
Động lực
Các khác biệt về tốc độ tăng trưởng trong dài hạn có những hệ quả đáng kinh ngạc khi chúng xảy ra. Nếu hai nền kinh tế khởi đầu ở cùng mức GDP bình quân đầu người, nhưng một trong hai nền kinh tế tăng trưởng ở tốc độ 4% cao hơn nền kinh tế kia, nó sẽ trở nên giàu có hơn nền kinh tế kia gấp 5 lần trong 40 năm. Một cách biệt tăng trưởng 2% khiêm tốn hơn cho phép nền kinh tế đầu tăng gấp đôi thu nhập quốc gia trong 40 năm so với nền kinh tế sau.
Vào cuối những năm 1980, Romer quan sát thấy rằng tốc độ tăng trưởng về thu nhập trong dữ liệu thực tế khác nhau rất nhiều giữa các quốc gia. Hình 1, dựa trên một trong những báo cáo của Romer, biểu diễn thu nhập bình quân đầu người vào năm 1960 và tăng trưởng trung bình trong 25 năm tiếp theo của hơn 100 quốc gia; một đồ thị với các dữ liệu được cập nhật trông hầu như giống hệt nhau. Mỗi ô vuông đại diện cho một quốc gia. Như hình 1 minh họa, việc tốc độ tăng trưởng điển hình khác nhau giữa các quốc gia là một vài điểm phần trăm, và có một khoảng cách lớn khoảng 10 điểm phần trăm giữa các quốc gia đang phát triển chậm nhất và nhanh nhất. Hơn nữa, hình 1 cho thấy rằng không có mối liên hệ mang tính hệ thống giữa thu nhập ban đầu và tăng trưởng: một số quốc gia nghèo phát triển nhanh chóng, trong khi những quốc gia khác thực sự tụt hậu. Romer kết luận rằng hiểu được nguyên nhân của tốc độ tăng trưởng liên tục và đáng kể như vậy là rất quan trọng, và bắt đầu tìm kiếm một sự giải thích.
Hình 1: Thu nhập bình quân đầu người (so với Hoa Kì) vào năm 1960 của hơn 100 quốc gia (trục hoành) và tăng trưởng trung bình hàng năm trong thu nhập từ năm 1960 đến năm 1985 (trục tung). Mỗi ô vuông đại diện cho một quốc gia. Dữ liệu từ Robert Summers và Alan Heston.
Nguồn: Romer (1987)
Những thiếu sót thực nghiệm và lí thuyết
Như Romer đã lưu ý, lí thuyết tăng trưởng thống trị vào thời điểm đó - tức là mô hình tăng trưởng của Solow, người nhận giải thưởng Khoa học kinh tế [để tưởng nhớ Nobel] năm 1987 - có thể giải thích nhiều đặc điểm của tăng trưởng kinh tế, nhưng không giải thích được khi có sự khác biệt lớn và liên tục về tốc độ tăng trưởng giữa các nước. Mô hình của Solow dự đoán rằng các nước nghèo hơn sẽ phát triển nhanh hơn và nhanh chóng bắt kịp các nước giàu hơn, điều mà hình 1 không thể hiện. Trong mô hình này, một nền kinh tế có thể phát triển bằng cách tích lũy tư bản hữu hình, chẳng hạn như máy móc hoặc cơ sở hạ tầng, nhưng tăng trưởng bằng tư bản giảm dần trong dài hạn; với một công nghệ nhất định, càng sử dụng nhiều tư bản thì càng có ít đầu ra được thêm vào. Để mô hình có được tăng trưởng liên tục trong dài hạn (và các khác biệt trong tăng trưởng), giả thiết của mô hình phải là năng suất lao động càng ngày càng tăng - theo thời gian - do tiến bộ công nghệ, cho dù tốc độ [tăng năng suất lao động] khác nhau ở mỗi nước. Do đó, mô hình của Solow không giải thích được các xu hướng này, bởi vì những thay đổi trong công nghệ đơn giản đến từ một “hộp đen” theo con đường ngoại sinh.
Một đột phá chính
Thành tựu lớn nhất của Romer là mở chiếc hộp đen này ra và cho thấy cách thức có thể tạo ra các ý tưởng dành cho sản phẩm và dịch vụ mới - được sản xuất bằng công nghệ mới - trong nền kinh tế thị trường. Ông cũng đã chứng minh cách thức mà sự thay đổi công nghệ nội sinh như thế có thể định hình tăng trưởng, và các chính sách nào là cần thiết để cho quy trình này hoạt động tốt. Đóng góp của Romer có tác động cực lớn đến lĩnh vực kinh tế học. Sự giải thích về mặt lí thuyết của ông đã đặt nền móng cho nghiên cứu về tăng trưởng nội sinh và các cuộc tranh luận bắt nguồn từ các so sánh sáng tỏ của ông về tăng trưởng giữa các nước đã phả hơi nóng vào nghiên cứu thực nghiệm mới và đầy hứng khởi.
Tăng trưởng theo ý tưởng có gì đặc biệt?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải hiểu các ý tưởng khác biệt với sản phẩm như tư bản hữu hình hoặc vốn nhân lực như thế nào. Romer đã dạy chúng ta suy nghĩ hai chiều về sản phẩm, như trong Hình 2.
Ở chiều đầu tiên, tư bản và vốn nhân lực đều là những sản phẩm cạnh tranh. Nếu một máy móc cụ thể - hoặc một kĩ sư được đào tạo - được sử dụng trong một nhà máy, thì máy móc hoặc kĩ sư ấy không thể được sử dụng cùng lúc ở một nhà máy khác. Mặt khác, các ý tưởng đều là sản phẩm không cạnh tranh: nếu một cá nhân hoặc doanh nghiệp đang sử dụng một ý tưởng thì cũng không loại bỏ những cá nhân hay doanh nghiệp khác cũng sử dụng nó.
Ở chiều thứ hai, các sản phẩm này có thể bị loại trừ khi các định chế hoặc quy định nào đấy có thể ngăn chặn ai đó sử dụng chúng. Đối với một số ý tưởng, chẳng hạn như các kết quả từ nghiên cứu cơ bản, điều này khó hoặc thậm chí không thể xảy ra - hãy nghĩ đến những tri thức toán học căn bản như Định lí Pythagore.
Tuy nhiên, đối với các ý tưởng khác, người sử dụng có thể bị loại trừ thông qua các biện pháp kĩ thuật (chẳng hạn như mã hóa) hoặc luật sáng chế. Bài viết đột phá trên của Romer đã cho thấy mức độ cạnh tranh và mức độ có thể loại trừ của các ý tưởng đã quyết định tăng trưởng kinh tế như thế nào.
Hình 2: Sản phẩm cạnh tranh và sản phẩm không thể loại trừ (khỏi tiêu dùng)
Romer tin rằng một mô hình thị trường dựa trên sáng tạo ý tưởng nên tính đến một thực tế là việc sản xuất sản phẩm mới - vốn dựa trên ý tưởng - thường có chi phí càng ngày càng thấp: bản thiết kế đầu tiên có chi phí cố định lớn, nhưng nhân bản / sản sinh có chi phí cận biên nhỏ. Cấu trúc chi phí như vậy đòi hỏi các doanh nghiệp ấn định một khoản lời, tức là đặt giá cao hơn chi phí cận biên, để thu hồi khoản tiền chi phí cố định ban đầu. Do đó, các doanh nghiệp phải có một số sức mạnh độc quyền, điều này chỉ có thể xảy ra khi có đủ các ý tưởng có thể loại trừ. Romer cũng cho thấy kiểu tăng trưởng dựa trên tích tụ ý tưởng - không giống như kiểu tăng trưởng dựa trên tích tụ tư bản hữu hình - thì không nhất thiết có hiệu suất theo quy mô giảm dần. Nói cách khác, tăng trưởng dựa trên ý tưởng có thể được duy trì theo thời gian.
Những sự không hoàn hảo của thị trường chính sách
Về nguyên tắc, những tri ​​thc mi được to ra từ nghiên cu và phát triển - R&D - thành công có thể mang lại lợi ích cho các nhà kinh doanh (entrepreneur) và nhà đổi mới ở bất kì nơi đâu trên quả đất này, trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, thị trường nói chung chưa chắc hoàn toàn tưởng thưởng cho những nhà sáng tạo vì toàn bộ ích lợi của những sáng tạo của họ, điều này có nghĩa là - ngày nào tri ​​thc mi còn mang lại lợi ích cho xã hi - vẫn còn có quá ít R&D được tiến hành. Hơn nữa, do cơ chế thị trường khuyến khích R&D có hình thức lợi nhuận độc quyền, nên một khi các sản phẩm mới đã được phát minh, thường sẽ không còn kho ý tưởng mới để cung cấp nữa. Nghiên cứu tiếp theo đã chỉ ra bằng cách nào mà các kết quả thị trường cũng có thể kéo theo quá nhiều R&D hoặc khi các ý tưởng mới giết chết quá nhiều doanh nghiệp hiện có trong quá trình phá hủy mang tính sáng tạo (creative destruction), hoặc khi những ý tưởng mới làm gia tăng các công nghệ gây hại cho xã hội, chẳng hạn như bằng cách cho phép khai thác quá mức hoặc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, từ đó sẽ gây hại cho khí hậu.
Tóm lại, Romer cho thấy rằng các thị trường không được điều tiết sẽ tạo ra sự thay đổi công nghệ, nhưng có xu hướng không cung cấp đủ các hoạt động R&D và tạo ra hàng hóa mới dựa trên R&D. Giải quyết sự thiếu hụt này đòi hỏi các can thiệp được thiết kế tốt của chính phủ, chẳng hạn như trợ cấp R&D và quy định về bằng sáng chế. Phân tích của ông nói rằng các chính sách như vậy là rất quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, không chỉ trong một quốc gia mà còn trên toàn cầu. Nó cũng cung cấp các hướng dẫn cho việc thiết kế chính sách: luật sáng chế nên thúc đẩy sự cân bằng phù hợp giữa động lực tạo ra những ý tưởng mới - bằng cách đưa ra một số quyền độc quyền dành cho các nhà phát triển - và các khả năng để những người khác sử dụng những ý tưởng mới này - bằng cách hạn chế các quyền này độc quyền trong thời gian và không gian.
Biến đổi khí hậu
Hoạt động của con người đã góp phần làm nhiệt độ trung bình trên toàn cầu tăng nhanh trong suốt 100 năm qua. Mặc dù mức độ tác động của việc này lên khí hậu trong tương lai là không chắc chắn, nhưng các nhà khoa học tự nhiên đạt được đồng thuận rõ ràng rằng điều này “theo mọi xác suất là rất đáng kể”.
Nghiên cứu của Nordhaus cho thấy hoạt động kinh tế tương tác với các ngành hóa học và vật lí cơ bản để tạo ra sự biến đổi khí hậu như thế nào.
Động lực
Trong những năm 1970, khi còn là giảng viên trẻ tại Đại học Yale [Hoa Kì], William Nordhaus đã đào sâu nghiên cứu bằng chứng mới nổi về sự ấm lên toàn cầu cũng như những nguyên nhân có thể của hiện tượng này và cho rằng mình cần phải làm điều gì đó. Mối quan tâm của ông hướng đến việc tạo ra các công cụ mới để giúp chúng ta hiểu bằng cách nào mà nền kinh tế có thể tạo ra sự biến đổi khí hậu cũng như các hệ quả xã hội của biến đổi khí hậu. Ông muốn phát triển một khuôn khổ nhằm cho phép phân tích biến đổi khí hậu bằng phương pháp chi phí và lợi ích.
Một thách thức lớn
Như Romer, Nordhaus đã mở rộng mô hình tăng trưởng của Solow với một nhóm các hiệu ứng dây truyền quan trọng trong đó có sự ấm lên toàn cầu do lượng khí thải carbon gây ra. Trong trường hợp này, các hiệu ứng dây chuyền liên quan chủ yếu mang tính tiêu cực. Điều then chốt là các cơ chế và tác nhân điều khiển cụ thể của biến đổi khí hậu do con người gây ra liên quan đến các quá trình được nghiên cứu trong các ngành khoa học tự nhiên. Việc phân tích biến đổi khí hậu toàn cầu như vậy đòi hỏi một cách tiếp cận tích hợp thực sự, trong đó xã hội và tự nhiên tương tác động với nhau. Nhận thức được sự cần thiết của cách tiếp cận này, Nordhaus đã đi tiên phong trong việc phát triển các mô hình đánh giá tích hợp (IAM). Các mô hình của ông có ba mô-đun tương tác:
Mô-đun lưu chuyển carbon
Phần này mô tả cách lượng khí thải CO2 toàn cầu ảnh hưởng đến nồng độ CO2 trong khí quyển. Nó phản ánh [các tri thức] hóa học cơ bản và mô tả cách lượng khí thải CO2 lưu thông giữa ba hồ chứa carbon: khí quyển; bề mặt đại dương và sinh quyển; và các đại dương tầng sâu. Đường biểu diễn của mô-đun này là một đường nồng độ CO2 trong khí quyển theo thời gian.
Mô đun khí hậu
Phần này mô tả cách nồng độ CO2 trong khí quyển và các khí nhà kính khác tác động đến sự cân bằng của các dòng năng lượng đến và đi từ Trái Đất. Nó phản ánh [các tri thức] vật lí cơ bản và mô tả những thay đổi trong ngân sách dành cho năng lượng toàn cầu theo thời gian. Đường biểu diễn của mô-đun này là một đường nhiệt độ toàn cầu theo thời gian, đây cũng là thước đo biến đổi khí hậu chủ yếu.
Mô-đun tăng trưởng kinh tế
Phần này mô tả một nền kinh tế thị trường toàn cầu, nó sản xuất hàng hóa sử dụng các yếu tố đầu vào như tư bản và lao động, cùng với năng lượng. Một phần năng lượng này bắt nguồn từ nhiên liệu hóa thạch, vốn tạo ra lượng khí thải CO2. Mô-đun này mô tả bằng cách nào mà các chính sách về khí hậu khác nhau - chẳng hạn như thông qua thuế hoặc tín dụng carbon – tác động đến nền kinh tế và lượng khí thải CO2. Đường biểu diễn của mô-đun này là một đường GDP, phúc lợi và lượng khí thải CO2 toàn cầu theo thời gian, cũng như một đường về thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra theo thời gian.
Một hệ thống động toàn cầu
Ba mô-đun này hợp thành một mô hình tương tác về thế giới đơn giản nhưng động. Có hai phiên bản về mô hình của Nordhaus: mô hình Kinh tế - Khí hậu Tích hợp Khu vực (RICE), trong đó mô-đun tăng trưởng kinh tế xem xét tám khu vực riêng biệt, và mô hình Kinh tế - Khí hậu Tích hợp Động đơn giản (DICE), trong đó mô-đun này xem xét một khu vực duy nhất. Các mô hình đánh giá tích hợp (IAM) của Nordhaus có thể được sử dụng để mô phỏng các hệ quả của các chính sách như thường lệ hoặc các biện pháp can thiệp chính sách khác nhau. Các mô hình này cũng hữu ích trong việc đánh giá cách chỉ dẫn nền kinh tế thị trường hướng về các mức khí thải nhằm cân bằng các chi phí và lợi ích xã hội một cách thích đáng. Vấn đề này không thể được giải quyết mà không có một mô hình mà trong đó - như trong thực tế - con người hứng chịu tác động từ [biến đổi] khí hậu đồng thời với việc khí hậu hứng chịu tác động từ các hoạt động kinh tế của loài người.
Các khuyến nghị chính sách
Theo nghiên cứu của Nordhaus, phương thuốc hiệu quả nhất cho các vấn đề do lượng khí thải nhà kính gây ra sẽ là một chương trình thuế carbon toàn cầu áp dụng đồng đều cho toàn bộ các quốc gia trên thế giới. Khuyến nghị này được xây dựng dựa trên một kết quả do nhà kinh tế người Anh AC Pigou xây dựng trong những năm 1920, cụ thể là mỗi quốc gia phát thải phải trả một khoản phí thích hợp cho thiệt hại xã hội do lượng khí thải mà mỗi quốc gia gây ra. Một hệ thống giao dịch lượng khí thải toàn cầu có thể đảm đương việc này, với điều kiện các giới hạn về lượng khí thải được đặt ở mức đủ thấp để đạt được mức giá [lượng khí thải] carbon đủ cao.
Tuy nhiên, các mô hình đánh giá tích hợp (IAM) không chỉ cung cấp kết quả định tính. Mà quan trọng là chúng còn cho phép chúng ta tính toán định lượng các lộ trình thuế carbon tối ưu, và cho thấy cách các lộ trình này phụ thuộc vào những giả thiết về các thông số: chẳng hạn như mức độ nhạy cảm của nhiệt độ toàn cầu đối với nồng độ của carbon trong khí quyển, thời gian tồn tại trong khí quyển của lượng khí thải carbon, cũng như mức độ thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Một nghiên cứu mới đây của Nordhaus đã minh họa hữu ích cho việc sử dụng một mô hình đánh giá tích hợp (IAM) để phân tích chính sách như thế nào. Ông mô phỏng bốn chính sách trong phiên bản DICE [mô hình Kinh tế - Khí hậu Tích hợp Động đơn giản] mới nhất, có sử dụng các ước lượng dự đoán các thông số biến đổi khí hậu tốt nhất:
Hình 3: Các đường biểu diễn lượng khí thải CO2 cho bốn chính sách khí hậu theo thời gian (có giải thích trong hình). Các dự đoán từ mô hình DICE-2016R2, theo các mô phỏng của Nordhaus.
Hình 3 cho thấy lượng khí thải CO2 theo thời gian trong mỗi một trong bốn kịch bản này. Các lộ trình thuế carbon khác nhau đồng nghĩa là lượng khí thải - và do đó mức độ biến đổi khí hậu - rất khác nhau trong những kịch bản này. Trong kịch bản 2, thuế bắt đầu được đánh vào khoảng 30 đô la Mĩ / một tấn CO2 và tăng với thời gian theo cùng tốc độ tăng của GDP toàn cầu. Trong các kịch bản 3 và 4, thuế cao hơn từ 6-8 lần nhằm cắt giảm quyết liệt lượng khí thải hơn nhiều nữa.
Những điều không chắc chắn to lớn
Trong các ngành khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội, có những điều không chắc chắn về nhiều khía cạnh của biến đổi khí hậu. Ví dụ, chúng ta không biết chính xác mức độ nhạy cảm của khí hậu với lượng khí thải nhà kính như thế nào, hoặc rủi ro khi vượt qua các điểm bùng phát toàn cầu – tức là khi đó khí hậu có thể vượt khỏi tầm kiểm soát của chúng ta - lớn như thế nào. Tương tự, chúng ta không có tri ​​thức đầy đủ về những thiệt hại về kinh tế và con người do biến đổi khí hậu gây ra cũng như về chi phí khử cacbon. Đương nhiên, các mô hình đánh giá tích hợp (IAM) do Nordhaus phát triển không thể loại bỏ sự không chắc chắn này. Tuy nhiên, các mô hình của ông có thể phân tích việc định giá carbon thích hợp chịu ảnh hưởng bởi các khả năng khác nhau như thế nào, chẳng hạn như mức độ nhạy cảm khí hậu hoặc xác suất của một điểm bùng phát toàn cầu nguy hiểm cao hơn khi quả đất ấm lên 2°C.
Các chương trình nghị sự dựa trên nghiên cứu thú vị
Những đóng góp của Paul Romer và William Nordhaus là những bước đi quan trọng nhằm tiến tới giải quyết các câu hỏi trung tâm về tương lai của loài người. Chúng ta chưa có câu trả lời chung cuộc cho những câu hỏi này, nhưng các phương pháp của các khôi nguyên này là nền tảng cho phép các nhà nghiên cứu trong hiện tại và tương lai cải thiện sự hiểu biết của chúng ta về con đường tốt nhất cho tiến trình hướng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu ổn định và bền vững.
----
CÁC LIÊN KẾT VÀ ĐỀ XUẤT ĐỌC THÊM
Thông tin bổ sung về giải thưởng năm nay, bao gồm thông tin khoa học cơ bản bằng tiếng Anh, có trên trang web của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, www.kva.se, và tại trang web http://nobelprize.org. Ở đó, và tại trang web www.kva.se/video, bạn có thể xem đoạn băng ghi lại các cuộc họp báo, các bài diễn từ Nobel và nhiều thông tin hơn nữa. Thông tin về các cuộc triển lãm và các hoạt động liên quan đến các Giải thưởng Nobel và Giải thưởng về Khoa học Kinh tế [để tưởng nhớ Nobel] có tại trang web www.nobelcenter.se.
Các quyển sách


Nordhaus, W.D. (2015) the Climate Casino: Risk, Uncertainty, and Economics for a Warming World [Sòng bạc Khí hậu: Rủi ro, Tính không chắc chắn, và Kinh tế học về một Thế giới đang ấm lên], Yale University Press
Warsh, D. (2007) Knowledge and the Wealth of Nations, A Story of Economic Discovery [Tri thức và Của cải của các Quốc gia, Một câu chuyện về Khám phá Kinh tế], WW Norton & Co
Các bài báo
Krugman, P. (2013) Gambling with Civilization [Đánh bạc với Nền văn minh], the New York Review of Books
The growth of growth theory [Tăng trưởng của lí thuyết tăng trưởng] (2006) the Economist
Romer, P.M. (1994) “The Origins of Endogenous Growth” [Nguồn gốc của Tăng trưởng Nội sinh], The Journal of Economic Perspectives, Vol. 8, No1
Romer, P.M. (1993)Two Strategies for Economic Development: Using Ideas and Producing Ideas” [Hai Chiến lược cho Phát triển Kinh tế: Sử dụng và Tạo ra các Ý tưởng], in Proceedings of the World Bank Annual Conference of Development Economics 1992, Washington, DC: World Bank.
Video
What Will Climate Change Do to the Economy? [Biến đổi Khí hậu sẽ Tác động đến Nền kinh tế như thế nào?] (2014) an interview with William Nordhaus, Yale School of Management
---- 
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao giải thưởng [của ngân hàng] Sveriges Riksbank cho Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel 2018 cho các ông
WILLIAM D. NORDHAUS
William Nordhaus (1941-)
sinh năm 1941 tại Albuquerque, Hoa Kì.
Ông nhận bằng Tiến sĩ vào năm 1967 tại Viện Công nghệ Massachusetts, Cambridge, Hoa Kì. Hiện ông là Giáo sư Danh dự (Sterling Professor) về Kinh tế, Đại học Yale, thành phố New Haven, Hoa Kì.
“vì những đóng góp trong việc tích hợp biến đổi khí hậu vào phân tích kinh tế vĩ mô trong dài hạn”
PAUL M. ROMER
Paul Romer (1955-)
sinh năm 1955 tại Denver, Hoa Kì.
Ông nhận bằng Tiến sĩ vào năm 1983 tại đại học Chicago, Hoa Kì. Hiện ông là Giáo sư tại Trường Kinh doanh Stern Đại học New York, thành phố New York, Hoa Kì.
“vì những đóng góp trong việc tích hợp các sáng kiến ​​công nghệ vào phân tích kinh tế vĩ mô trong dài hạn”
Các nhà biên tập khoa học: Peter Gärdenfors, Magnus Johannesson và Per Strömberg, Ủy ban Giải thưởng Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel
Người công bố giải: ©Johan Jarnestad/Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển
Người đọc và sửa bản in: Clare Barnes
Biên tập viên: Sara Gustafsson
©The Royal Swedish Academy of Sciences
GIẢI THƯỞNG KHOA HỌC KINH TẾ [ĐỂ TƯỞNG NHỚ NOBEL] 2018 « VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC HOÀNG GIA THỤY ĐIỂN « WWW.KVA.SE
Nguyễn Việt Anh dịch
Nguồn: Integrating nature and knowledge into economics, Nobel Prize, Oct.8, 2018.
Print Friendly and PDF