6.10.18

Toàn cầu hoá, di cư, bất bình đẳng gia tăng, chủ nghĩa dân túy...



Branko Milanovic (1953-)

TOÀN CẦU HOÁ, DI CƯ, BẤT BÌNH ĐẲNG GIA TĂNG, CHỦ NGHĨA DÂN TÚY...

Tại sao bất bình đẳng trở thành một vấn đề lớn đến như vậy? Tại sao nó lại bào mòn xã hội?
Tôi nghĩ rằng nó [bất bình đẳng] đã trở thành một vấn đề lớn, chủ yếu là do cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng đã khiến cho mọi người nhận ra rằng, ví dụ, khi ngôi nhà của họ bị tịch thu hoặc bản thân không thể hoàn trả được khoản vay thế chấp, v.v. thì trên thực tế, họ vẫn phải trả nợ. Họ nhận ra rằng trong một thời gian dài, tầng lớp trung lưu ở Hoa Kỳ, và tuy có ít hơn ở Tây Âu nhưng vẫn rất đáng lưu ý, đã sống thoải mái bằng việc có thể vay mượn và/hoặc cho bằng bạn bằng bè trong khi thu nhập thực tế không hề tăng lên.
Sau đó, họ nhận thấy rằng, dĩ nhiên, một số người ở tầng lớp trên cùng đã làm rất tốt trong thời gian đó. Tôi tin rằng điều này đã khiến cho sự bất bình đẳng trở nên đáng chú ý. Hiện nay, tại sao bất bình đẳng nói chung lại quan trọng? Tôi cho rằng nó quan trọng ngay cả khi có tăng trưởng kinh tế. Để tôi nói đơn giản hơn nhé. Chúng ta biết rằng trong xã hội mà bất bình đẳng rất cao thì các đặc quyền càng được củng cố qua các thế hệ. Chúng ta sẽ không có sự thay đổi địa vị xã hội qua các thế hệ trong cùng một gia đình. Chúng ta sẽ có rất nhiều người không bao giờ có thể đóng góp cho xã hội bằng cách làm việc, hoặc bằng cách học tập hoặc bằng bất cứ điều gì khác, bởi vì, đơn giản là, họ không có tiền để thực sự làm được điều đó.
Bất bình đẳng rất cao rõ ràng không phải là điều tốt. Ở thái cực khác, chúng ta có ví dụ về các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trước đây đã làm giảm sự bất bình đẳng đến mức chẳng còn động lực nào để làm việc chăm chỉ hơn hoặc học hành nghiên cứu. Bất bình đẳng ở mức thấp như vậy là không bền vững và có hại cho tăng trưởng. Rõ ràng là tôi nghĩ chúng ta phải nhận ra rằng bất bình đẳng không chỉ có ở mức độ tối ưu nào đó mà còn có hai loại bất bình đẳng khác nhau. Giống như có hai loại cholesterol khác nhau vậy. Có một loại bất bình đẳng tốt mà trên thực tế nhắc nhở chúng ta chấp nhận rủi ro, làm việc chăm chỉ hoặc học hành nghiên cứu. Có loại bất bình đẳng xấu, mà chủ yếu là nó cho phép tầng lớp tinh hoa duy trì địa vị của họ mà không đóng góp gì nhiều cho xã hội.
Được rồi, và nếu như ông nhìn vào các động lực chính của sự bất bình đẳng, trên bình diện toàn cầu và, cũng có thể, là những xu hướng cụ thể ở châu Âu. Ông có suy nghĩ gì về chúng?
Vâng, như anh đã biết, ở phạm vi toàn cầu chúng ta đang có tình hình như hiện nay, sự bất bình đẳng trên toàn cầu được đo bằng các chỉ số chuẩn, chẳng hạn như GINI, đã giảm. Hiện tại, nó giảm vì sự gia tăng thu nhập và sự trỗi dậy của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, v.v.. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thu thập được số liệu của những người có thu nhập thuộc nhóm rất cao. Trước hết, đó là vì trong những cuộc điều tra, số lượng những người này rất ít và họ không tham gia, hoặc họ tiết lộ thu nhập thấp hơn mức thu nhập thực tế.
Hoặc họ cố gắng che giấu thu nhập như chúng ta đã thấy trong Hồ sơ Panama hay bây giờ là Hồ sơ Paradise. Có thể khi thực hiện một số điều chỉnh, chúng ta nhận thấy rằng thực sự rất khó mà đảo ngược sự suy giảm của bất bình đẳng toàn cầu, ngay cả sau khi điều chỉnh. Hơn nữa, nếu chúng ta so sánh mức thu nhập của nhóm người ở tầng lớp thượng lưu với mức thu nhập trung vị thì khi đó, sự bất bình đẳng theo cách đo lường này, đã tăng lên. Đó là về sự bất bình đẳng toàn cầu.
Còn bây giờ tới lượt cấp độ quốc gia, các tình huống rõ ràng là khác nhau. Chúng khác nhau, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng. Nếu xem xét góc nhìn trong một thời gian dài hơn, và so sánh giữa những năm 1980 cho đến nay, chúng ta thấy sự gia tăng bất bình đẳng, trên thực tế, ở tất cả các nước giàu. Tôi nghĩ rằng trong trường hợp của các nước OECD, ngoại trừ hai hoặc ba nước, bất bình đẳng đã gia tăng ở khắp mọi nơi. Tiếp sau đó, hiển nhiên là chúng ta thấy sự gia tăng bất bình đẳng ở Trung Quốc, Nga, Ấn Độ. Ví dụ, Nam Phi vốn đã tồn tại bất bình đẳng cao, thậm chí bây giờ đã tăng lên.
Các trường hợp ngoại lệ duy nhất là các nước ở Mỹ Latinh, thực sự thì bất bình đẳng đã ở mức rất cao, như Brazil, nhưng đã suy giảm trong 15 năm qua.
Nếu chỉ tính riêng Châu Âu, ông có thấy bất kỳ xu hướng cụ thể nào không?
Vâng, ở châu Âu, xu hướng cơ bản cho tất cả các quốc gia, một lần nữa, về mặt dài hạn, là tăng lên. Chúng ta có cùng một tình huống cho các nước, như Thụy Điển, dĩ nhiên vẫn được hoan nghênh như là hình mẫu của nền dân chủ xã hội. Bất bình đẳng ở Thụy Điển đã tăng lên khá đáng kể. Điều đó tuy không biến Thụy Điển thành một quốc gia bất bình đẳng, nhưng trong khi mức bất bình đẳng của nó thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của EU thì hiện nay nó đã “hướng đến” mức độ bất bình đẳng ở các nước khác.
Chúng ta thấy bất bình đẳng gia tăng sau cuộc khủng hoảng, đặc biệt là ở Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha. Các quốc gia ở Trung Âu, vốn từng là và vẫn đang là những nước có bất bình đẳng tương đối thấp, nhưng cũng là các quốc gia nhỏ, rất đồng nhất về giáo dục, về dân tộc. Chẳng hạn như Hungary, Áo, Cộng hòa Slovak, Cộng hòa Séc, Slovenia, đây là những quốc gia có mức độ bất bình đẳng tương đối thấp.
Nếu chúng ta nhìn rộng hơn và liên kết bất bình đẳng với một số vấn đề quan trọng khác, và các vấn đề đang chi phối trong các cuộc tranh luận chính trị - đó là toàn cầu hóa và di cư - ông thấy bất bình đẳng tương tác với những vấn đề này như thế nào?
Anh biết không, thực sự thì tôi thấy vấn đề đứng hàng đầu là toàn cầu hóa. Nói cách khác, tôi nhìn toàn cầu hóa như là cái khung đang tồn tại hiện nay, bởi vì ngay lúc này đây, chúng ta phụ thuộc lẫn nhau và kết nối với nhau nhiều hơn bao giờ hết so với chính chúng ta trong lịch sử. Khi tôi nói ‘chúng ta’, thì từ này chỉ là muốn nói đến công dân của thế giới. Dòng vốn ngày nay được luân chuyển tự do, có lẽ, hơn bao giờ hết, với một ngoại lệ có thể có vào cuối thế kỷ 19. Lao động, ở chừng mực nào đó, ít di chuyển hơn so với trước, bởi vì nếu xét về dòng di cư trên tổng dân số như đã xuất hiện [trong quá khứ] thì các dòng lao động [trong quá khứ này] đã lớn hơn so với hiện nay rồi. Những dòng chảy này chắc chắn càng ngày sẽ càng tăng lên.
Rõ ràng là nhờ công nghệ, chúng ta phụ thuộc nhau nhiều hơn. Toàn cầu hóa, tôi nghĩ đó là một cái khung, và trong cái khung đó, bất bình đẳng có sự thay đổi. Một số thay đổi, như tôi đã đề cập, theo chiều hướng khá thuận lợi, chẳng hạn như sự suy giảm bất bình đẳng toàn cầu do tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ. Một số thay đổi, tôi nghĩ, cũng liên quan đến toàn cầu hóa, thì theo chiều hướng không thuận lợi. Đó là sự gia tăng bất bình đẳng ở hầu hết các nước giàu, và sự phân cực của tầng lớp trung lưu.
Tôi thực sự muốn xem, như tôi đã nói, toàn cầu hóa là cái khung chính. Và bây giờ, ở trong cái khung đó, chúng ta nói về bất bình đẳng và chúng ta cũng nói về di cư, bởi vì di cư chỉ đơn giản là một trong những biểu hiện của toàn cầu hóa. Đó là một chủ đề rất khó, bởi vì một lần nữa, anh sẽ thấy đó là một dạng đánh đổi giữa hai cấp độ. Anh có thể tranh luận, tôi nghĩ là khá thuyết phục, rằng di cư nhiều hơn sẽ làm giảm bất bình đẳng toàn cầu. Nó chắc chắn sẽ làm giảm đói nghèo toàn cầu. Đó là điều tốt.
Mặt khác, di cư có thể dẫn tới sự gia tăng bất bình đẳng ở một số quốc gia, vì người di cư thực sự gây áp lực lên tiền lương ở trong nước. Nó có thể dẫn đến các vấn đề chính trị. Về cơ bản thì có một sự đánh đổi ở đó. Chúng ta không thể chọn các giải pháp cực đoan, tôi tin là thế. Di cư tự do sẽ không khả thi về mặt chính trị và sau đó cắt giảm việc di cư xuống bằng không, theo tôi nghĩ, sẽ là tự hủy hoại nền kinh tế, thậm chí đối với các quốc gia thực sự làm điều đó.
Sự bất bình đẳng gần đây cũng liên kết tới sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy cánh hữu ở xã hội phương Tây. Ông nhìn nhận mối liên kết cụ thể này như thế nào?
Vâng. Chúng đã được liên kết với nhau. Tôi nghĩ là có thể kể được một mẫu hình hay câu chuyện nhất quán. Chúng ta không có, đúng hơn là chưa có, quá nhiều nghiên cứu thực nghiệm. Trên thực tế, tôi chỉ thấy có hai nghiên cứu. Một cho Hoa Kỳ và một cho Châu Âu. Điều mà các nghiên cứu này có xu hướng đề nghị đó là lý do cơ bản cho cái được gọi là ‘chủ nghĩa dân túy’ hoặc là, theo tôi, bầu cử hoặc ủng hộ các nhà lãnh đạo hay các đảng phái không chủ đạo, chính là lý do về kinh tế. Nó được truyền dẫn qua kênh văn hoá.
Hay nói cách khác, điều mà tôi nghĩ đến đó là câu chuyện đang được kể ở đó, nó nảy sinh là do thiếu phát triển về kinh tế, do sự không hài lòng về vị thế kinh tế, có thể, những công việc không đảm bảo. Suy giảm tiền lương, mất việc, ví dụ, lọt vào tay người quen của anh. Không thể gửi con cái của anh vào các trường học tốt, bởi vì chi phí tốn kém. Dĩ nhiên là anh có một nhóm những người không hài lòng. Sau đó, họ bày tỏ sự không hài lòng bằng cách đổ lỗi cho ai đó về những gì đã xảy ra.
Họ có thể đổ lỗi cho tầng lớp thượng lưu, họ có thể đổ lỗi cho người Trung Quốc, họ có thể đổ lỗi cho người nhập cư, nhưng tôi thực sự tin, và tôi nghĩ rằng nghiên cứu này đã khẳng định rằng thực sự động lực chính là sự không hài lòng về kinh tế.
Peter Hall (1930-2017)
Trong nghiên cứu gần đây, bây giờ người ta thường nhìn nhận, về cơ bản, đó là sự tương tác của các yếu tố kinh tế - xã hội cũng như các yếu tố văn hóa. Một trong những cuộc thảo luận gần đây với Peter Hall từ Harvard cho thấy mặc dù ông có thể giải thích rất nhiều về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cánh hữu ở Hoa Kỳ và Châu Âu bằng các yếu tố kinh tế - xã hội, mà loại giải thích kiểu này chắc chắn không phù hợp với các nước như Hungary và Ba Lan đã và đang có sự phát triển kinh tế rất tốt. Tuy nhiên, họ quay sang hướng chủ nghĩa dân túy cánh hữu.
Ông có thấy bất kỳ loại yếu tố văn hóa nào mà cũng hỗ trợ điều này?
Tôi nghĩ rằng những gì đang xảy ra ở Đông Âu, sự không sẵn lòng chấp nhận người nhập cư, bắt nguồn từ hai diễn biến - những điều đã bị bỏ bê hoặc bị lãng quên. Một diễn biến là tất cả những quốc gia này, trong suốt lịch sử 200 năm qua và một số trường hợp thì lâu hơn, là những quốc gia có vị trí khó khăn, nằm giữa các cường quốc khác nhau và họ đã cố gắng tạo ra một quốc gia riêng - trong chừng mực có thể, nhằm tạo ra một quốc gia đồng nhất, đồng nhất về mặt sắc tộc.
Đó chính xác là những gì chúng ta thấy, những gì đã xảy ra, đặc biệt là sau khi chế độ cộng sản đặt dấu chấm hết, Bức tường Berlin sụp đổ. Ví dụ như nếu anh nhìn vào Ba Lan, rõ ràng là đã không xảy ra sau đó, nhưng nó đã xảy ra sau năm 1945. Một xã hội không đồng nhất, nơi mà anh thấy người Đức, người Ukraina, người Do Thái và Ba Lan, đã trở thành 99% người Ba Lan. Anh cũng thấy điều tương tự ở Cộng hòa Séc và Slovak. Hungary, sau Thế chiến I, luôn luôn đồng nhất. Anh cũng thấy điều đó ở Croatia với sự biến mất của người Serbia thiểu số.
Tất cả các nước này đều trở nên đồng nhất. Cuộc cách mạng năm 1989 mang yếu tố dân tộc rất mạnh mẽ. Bây giờ, người ta đang yêu cầu các quốc gia này xóa sạch đi hai thế kỷ lịch sử, quãng thời gian mà họ đã cố gắng tạo ra quốc gia-dân tộc của riêng mình, bằng cách chấp nhận những người rất khác biệt với họ. Tôi nghĩ rằng đây là những gì có trong tiềm thức và điều này giải thích sự miễn cưỡng của Ba Lan hay Hungary, hoặc chắc chắn là của Cộng hòa Séc hay Slovakia, hoặc của bất kỳ quốc nào trong số này khi chấp nhận người nhập cư từ bên ngoài châu Âu.
Ví dụ, khi nhìn vào kết quả bầu cử gần đây của Đức, tôi biết là ông có thể nhận thấy sự khác biệt rất lớn trong kết quả bầu cử giữa Đông Đức và Tây Đức. Nó liên quan đến điều này, bởi vì các quốc gia thuộc khối Đông Âu trước đây dường như không có lịch sử tương tự về nhập cư, như Tây Đức đã từng có sau chiến tranh, với người nhập cư từ Ý và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tái kiến thiết đất nước và nền kinh tế.
Mẫu hình này có vẻ như là người dân nhập cư dường như đang sinh sống tốt, ở những nơi quả thực có vấn đề, những “xã hội song hành” [tổ chức tự thân của nhóm thiểu số - xét về khía cạnh dân tộc hay tôn giáo, thường là các nhóm di dân, với mục đích giảm thiểu hoặc tối thiểu sự tiếp xúc về không gian, xã hội và văn hóa với xã hội (nhóm chiếm đa số) mà họ di cư sang - ND], cũng như ở những nơi không có người nhập cư nào. Lý thuyết khi đó cho rằng những người chưa từng có lịch sử hoặc kinh nghiệm về nhập cư, nhìn vào các điểm nóng, nghĩ rằng, “Chúng tôi không muốn như họ”. Bỏ qua 98% các trường hợp chỉ hoạt động tốt, và do đó ông có biểu hiện của sự từ chối văn hóa. Ông có đồng ý với điều đó không?
Vâng. Rất khó để rút ra kết luận nhưng tôi thật sự tin rằng yếu tố kinh tế cực kỳ quan trọng. Như tôi đã giải thích, trong trường hợp Đông Âu, tôi nghĩ rằng nền tảng lịch sử cũng quan trọng không kém. Rất thường xuyên, và chúng ta cũng thấy ở trường hợp Brexit, chúng ta thấy rằng những khu vực có tỉ lệ người sinh ra ở nước ngoài thấp nhất đã bỏ phiếu ủng hộ mạnh mẽ nhất chống lại việc di cư nhiều hơn. Điều đó, tôi nghĩ, cũng có thể giải thích được, không chỉ bằng thực tế, dĩ ​​nhiên, là họ cũng sợ London, ví dụ vậy. Tôi tin rằng những thành phố lớn, như anh nói, đã có kinh nghiệm với việc người di cư qua nhiều năm, hoặc thực tế thì trong một số trường hợp kéo dài hàng thế kỷ, thực sự có thể hấp thụ được hiện tượng di cư. Các thành phố này đã thấy điều này xảy ra và dù sao đi nữa, về cơ bản, chúng cũng đã hoạt động rất tốt.
Một trường hợp khác là Vienna. Vienna, ví dụ, tôi nghĩ rằng hơn một phần ba dân số không sinh ra ở Áo. Ở các thành phố nhỏ hơn, nơi mà về cơ bản, anh có một vài cửa hàng và một quán cà phê hoặc một nhà hàng, có thể, tôi không biết, 50 người hoặc 200 người hoặc 2.000 người, tôi nghĩ có một loại sợ hãi, kiểu như là lối sống của anh sẽ thực sự thay đổi một cách triệt để bởi sự có mặt của một số lượng tương đối nhỏ những người rất khác anh.
Tôi nghĩ rằng đó có thể là lý do đằng sau hiện tượng nhiều vùng nông thôn hơn và các khu vực nhỏ hơn, thật ngược đời, càng sợ di cư hơn là những vùng lớn hơn.
Vâng, Brexit là một ví dụ khác cho điều này. Tôi nghĩ rằng ông có lời giải thích rất vững về kinh tế-xã hội cho câu hỏi vì sao phần lớn khu vực có xu hướng giảm công nghiệp hóa ở phía bắc nước Anh đã ủng hộ Brexit. Đối số kinh tế trở nên khó khăn hơn khi ông nhìn vào Sevenoaks ở Kent, đó là một thành phố giàu có.
Đúng là nó giàu có.
Có vẻ như các yếu tố văn hóa cũng dường như được áp dụng ở đó. Cuối cùng, nếu chúng ta dừng câu chuyện và quay trở lại với bất bình đẳng, trong cái khung toàn cầu hóa và cũng có thể, vấn đề di dân sẽ trở nên rõ ràng hơn trong tương lai. Nếu ông nhìn vào những lý do tại sao người ta di cư và đặt mình vào vị trí của các nhà hoạch định chính sách, ở châu Âu hoặc thậm chí ở bất cứ nơi nào khác, những ưu tiên chính sách quan trọng của ông là gì để nhằm giải quyết những tác động đáng kể nhất?
Anh biết không, thật đáng mừng là chúng ta nói về di cư. Rõ ràng, tôi không phải là chuyên gia về vấn đề di cư, tôi chỉ đơn giản coi di cư như là một biểu hiện của toàn cầu hóa. Về mặt kỹ thuật thì di cư không khác gì so với nghiên cứu sự luân chuyển của dòng vốn. Một yếu tố sản xuất, và một yếu tố sản xuất khác. Nếu có khác biệt thì đó là khác nhau về mặt chính trị. Điều tôi muốn, nếu đặt trọng tâm là nhà hoạch định chính sách, là xem xét về dài hạn và đặc biệt đối với châu Âu, câu hỏi làm thế nào để giải quyết hiện tượng di cư. Lý do tại sao, tôi nghĩ nó thực sự rất quan trọng đối với châu Âu, đó là do hai diễn biến. Một là, châu Âu như chúng ta biết hiện nay bao gồm các quốc gia mà dân số nói chung hoặc là đang trì trệ hoặc là đang suy giảm.
Chúng ta biết, về cơ bản, châu Âu sẽ giảm về mặt dân số trong vòng 50 năm tới. Đây không phải là một sự sụt giảm lớn, nhưng sẽ là trì trệ hoặc giảm nhẹ. Mặt khác, chúng ta có tiểu vùng Sahara ở châu Phi với dân số gấp khoảng hai lần EU. Tỷ lệ này sẽ trở thành mức nào đó, chẳng hạn như 5-1 vào cuối thế kỷ này. Với khoảng cách lớn, và đó là điểm thứ hai, những khoảng cách lớn về thu nhập không có khả năng thu hẹp theo bất kỳ cách nào đáng kể từ đây đến lúc đó. Chúng ta thực sự có một áp lực di cư không thể ngờ tới, và nó chỉ có thể lớn hơn và sẽ trầm trọng hơn mà thôi.
Tôi nghĩ rằng các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu thực sự nên nghĩ tới cách thức bền vững, hay có phần bền vững, và có cách kiểm soát nào đó, để hướng sự di cư này. Tôi tin rằng Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi cần phải cùng nhau thực hiện, có thể thông qua một số hệ thống hỗ trợ tài chính chung. Tôi cũng tin rằng nên có cái gọi là nhập cư xoay vòng. Có nghĩa là những người đó đi đến các nước giàu, làm việc ở đó trong 5 năm và trở về nhà.
Theo bất kỳ cách nào, bất kể mô hình nào được chọn, tôi nghĩ rằng đó là điều mà châu Âu và châu Phi thực sự có động lực thiết tha chờ đợi - theo nghĩa là ngăn chặn sự xuất hiện của vấn đề, trong chừng mực có thể. Thay vì giải quyết vấn đề vào mỗi mùa hè, bằng cách điều động Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex), nhiều tàu hơn và dĩ nhiên, tự rước lấy tất cả những vấn đề trong nội bộ châu Âu này, tất nhiên, giữa một mặt, Ý và Hy Lạp là những quốc gia nhận nhập cư và, mặt khác, phần còn lại của châu Âu.
Tôi nghĩ rằng đó thực sự là điều mà những nhà lãnh đạo cần nghĩ đến về tương lai. Nó cũng bao gồm, ở phạm vi lớn hơn nhiều, có lẽ, cả việc giúp đỡ cho châu Phi. Có một chi tiết nhỏ ở đây, thật trớ trêu, có thể là tốt cho châu Âu, đó là nếu đầu tư của Trung Quốc vào Châu Phi thực sự mang lại kết quả, và họ giúp châu Phi phát triển nhanh hơn, cũng sẽ tốt cho châu Âu vì áp lực di cư từ châu Phi sẽ ít hơn.
Một lần nữa, chúng ta thấy có sự phụ thuộc lẫn nhau của thế giới.
Dường như đối với tôi, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu, chúng ta phải bắt đầu bằng cách gỡ rối một số vấn đề bị gộp chung: một là tự do di chuyển trong Liên minh châu Âu (EU), hai là dân ngoài EU nhập cư vào các quốc gia châu Âu và tị nạn. Đặc biệt ở Anh, ông có thể thấy tất cả các yếu tố khác nhau này bị gộp lại và không giúp ông đối phó với nó.
Hoàn toàn đồng ý.
Dường như đối với tôi, tất nhiên, chúng ta có một khuôn khổ chặt chẽ về quyền tự do đi lại trong Liên minh châu Âu. Chúng ta cần một khuôn khổ cho cuộc thảo luận. Khuôn khổ của Đức là luật nhập cư dành cho người nhập cư ngoài EU.
Hoàn toàn đồng ý.
Đồng thời, tôi nghĩ ông nên có điểm kết nối giữa chính sách tị nạn và luật nhập cư, bởi ông muốn tạo động lực. Ví dụ, nếu ai đó đến như là một người xin quyền tị nạn thì thời gian lưu trú của họ có thể là tạm thời, dựa vào tình trạng pháp lý của họ. Ví dụ, cuộc nội chiến ở Syria kết thúc. Nếu người đó đáp ứng được các tiêu chí nhất định, chẳng hạn như ngôn ngữ, tham gia vào thị trường lao động, v.v., họ có thể ở lại hoặc về nước. Nên có một điểm kết nối để chuyển tiếp một người xin quyền tị nạn/người tị nạn theo hướng di cư.
Cá nhân tôi không thấy quá nhiều các điểm kết nối kiểu này đang phát triển hiện nay. Ông có thấy điều đó không?
Tôi hoàn toàn đồng ý, và thực sự, tôi nghĩ rằng thật tốt khi anh đề cập đến ba kiểu khác nhau. Tôi nghĩ rằng với hai trong số đó, chúng ta có ít nhiều quy định rõ ràng và di cư trong EU rất rõ ràng. Vương quốc Anh có thể không tham gia nhưng các quy định, theo tôi nghĩ, là rõ ràng. Khi đó, khi nói đến tị nạn, đây là những quy định quốc tế đã có từ khoảng thời gian giữa hai cuộc chiến tranh. Một lần nữa, các quy định là rõ ràng. Những xung đột, dĩ nhiên, buộc người ta phải đi nơi khác. Tôi đến từ Nam Tư cũ, tôi đến từ Serbia. Rất nhiều người đến từ Bosnia, thực ra, có 2 triệu người, theo tôi nghĩ, ở một số nơi bị di tản, di tản trong nội bộ [Nam Tư cũ - ND] hoặc thực sự tìm xin quyền tị nạn ở các nước khác.
Đây là một cuộc xung đột, nhưng cuộc xung đột đã kết thúc. Sau đó, một phần được quy định hoàn toàn và không rõ ràng là di cư từ bên ngoài EU vào trong EU. Ở đó chúng ta thực sự đối mặt với hai vấn đề vào mỗi mùa hè và chúng ta kết hợp hai điều. Chúng ta kết hợp Syria với nhập cư từ Bangladesh, Pakistan hoặc Mali, Madagascar, Mauritania, vào châu Âu. Đây thực sự là hai vấn đề khác nhau và chúng ta đã nhìn thấy, có người tuyên bố đến từ Syria nhưng thực sự thì họ đến từ nơi khác, vì họ muốn đi theo gói xin quyền tị nạn. Đó là một quy định khác.
Tôi nghĩ rằng điều mà châu Âu cần và điều mà Liên minh châu Phi cần là thực sự xác định được phần ở giữa.
Chính vì sự vắng mặt của khuôn khổ rõ ràng cho nhập cư ngoài EU này thực sự đã tạo động lực cho người dân xin tị nạn, mặc dù họ nhập cư có thể là vì lý do kinh tế. Cuối cùng, ngoài việc phân loại di cư mà tôi chắc là nó sẽ trở thành vấn đề hàng đầu trong các cuộc thảo luận chính sách trong ba năm tới, thì có bất kỳ biện pháp chính sách nào khác để giải quyết bất bình đẳng nói riêng không? Liên minh châu Âu có thể làm gì và các quốc gia thành viên nên làm gì để giải quyết những vấn đề lớn nhất liên quan đến bất bình đẳng?
Anh biết không, khi chúng ta nói về từng quốc gia hay từng quốc gia thành viên EU, sự tương phản rõ ràng đối với bất kỳ quốc gia nào đó chính là thu nhập của chúng ta ngày càng được xác định ở cấp độ toàn cầu, bởi vì chúng ta đang cạnh tranh, bằng cách này hay cách khác, với phần còn lại của thế giới. Nhiều công việc thậm chí chúng ta đang làm, ví dụ như giảng viên. Trên thực tế, họ có thể giảng những bài giảng này từ xa, vì vậy anh không cần phải có mặt ở đó. Điều này có thể tốt cho một số giáo sư, những người có thể kiếm được nhiều tiền vì bài giảng của họ đang được lắng nghe, nhưng họ lại khiến những người khác mất việc.
Chúng ta đang thực sự cạnh tranh trên toàn cầu. Tuy nhiên, bất cứ khi nào chúng ta thua lỗ, bất cứ khi nào chúng ta có vấn đề với việc làm, bất cứ khi nào chúng ta gặp rắc rối với thu nhập hoặc tiền lương của chúng ta, v.v. thì chúng ta vẫn phải đi đến cấp quốc gia bởi vì không có cấp độ toàn cầu. Có một sự ngắt kết nối theo nghĩa nào đó. Trước đây, khi các nền kinh tế tương đối đóng, vấn đề của anh, thu nhập của anh, đã được xác định ở phạm vi trong nước và người giải quyết vấn đề cho anh là chính phủ của quốc gia. Bây giờ, chính phủ quốc gia chỉ đơn thuần là thu dọn các vấn đề thường nảy sinh trong quá trình toàn cầu hóa.
Các công cụ nằm ở cấp độ chính phủ của các nước, vì vậy khi chúng ta nói về thuế, khi chúng ta nói về thất nghiệp, chính sách y tế, tất cả đều ở cấp quốc gia. Điều rất rõ ràng là anh có thể, dĩ nhiên, bằng cách tăng mức lương tối thiểu, bằng cách trao quyền lớn hơn cho nghiệp đoàn và anh có thể làm nhiều điều tốt hơn cho lực lượng lao động. Đặc biệt, khi nói về nghiệp đoàn, tôi muốn nói đến Hoa Kỳ chứ không phải châu Âu. Chúng ta có phương tiện để làm điều đó, làm cho giáo dục dễ tiếp cận hơn, v.v.. Chúng ở cấp quốc gia nhưng những gì mà các quốc gia ngày nay có thể làm đã bị giới hạn bởi toàn cầu hoá.
Có khó khăn này. Có lẽ một số nước muốn tăng thuế, nhưng họ thực sự bị giới hạn trong phạm vi mà họ có thể làm, đó vì cạnh tranh về thuế. Bởi vì khả năng di chuyển của dòng vốn và lao động. Tồn tại một giới hạn lên những gì mà chính phủ các quốc gia có thể làm để giải quyết những vấn đề nảy sinh, trong nhiều trường hợp, đó là do toàn cầu hóa. Đó là điều mà tôi cho rằng đang là sự tương phản gay go và là lý do tại sao tôi không quá phê bình các chính sách, vì tôi thấy các nhà hoạch định chính sách phải làm việc trong một khuôn khổ không cho phép họ trở nên rộng lượng hơn đối với tất cả mọi người. Đơn giản bởi vì việc trở nên rộng lượng hơn, trong một số trường hợp, sẽ phá hoại lợi thế của họ trong cuộc chiến cạnh tranh toàn cầu.
Trong trường hợp đầu tiên, chúng ta cũng có thể giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan đến hành động tập thể?
Chúng ta cũng có những vấn đề rất lớn liên quan đến hành động tập thể, bởi vì có một vấn đề hành động tập thể nằm ở cấp độ toàn cầu. Chúng ta đã nói hôm nay (trong một hội nghị riêng), ví dụ, về quyền lao động, cần được định lượng hóa trên toàn cầu. Chúng ta có vấn đề này bởi vì rõ ràng là các quyền lao động rất khác nhau ở các nước khác nhau. Chúng không được định lượng, và vai trò của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) còn tương đối hạn chế và thậm chí chúng ta vẫn chưa hiểu rõ kiến ​​thức hoặc chỉ số cho các quyền này trên khắp các quốc gia. Đó là một vấn đề liên quốc gia ở cấp độ toàn cầu.
Như vậy, chúng ta có một vấn đề liên quan đến hành động tập thể ở từng cấp quốc gia. Dĩ nhiên, cả hai đều phụ thuộc lẫn nhau. Tôi tin rằng nếu chúng ta thực sự làm tốt hơn trở thành các quốc gia-dân tộc trên toàn cầu, thì khi đó một phần của vấn đề hành động tập thể sẽ giải quyết được ở cấp quốc gia-dân tộc. Có lẽ quá vô lý, nhưng có thể nói như sau: nếu chúng ta đồng ý về các quyền lao động tối thiểu thì điều đó sẽ giúp cho đất nước theo đuổi nhiều chính sách vì lao động hơn vì nó biết rằng nó không thể bị cắt đứt bởi ai đó. Đó là câu chuyện cơ bản.
Branko Milanovic
Branko Milanovic là nhà kinh tế học người Mỹ gốc Serbia. Là một chuyên gia về phát triển và bất bình đẳng, ông là Giáo sư Danh dự tại Trung tâm Nghiên cứu của Đại học Thành phố New York (CUNY) và là học giả cao cấp thuộc Chương trình Nghiên cứu Thu nhập Luxembourg (LIS). Ông là cựu kinh tế gia hàng đầu tại khoa nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới.
Nguyễn Hoàng Mỹ Phương dịch
Nguồn: Globalisation, migration, rising inequality, populism…”, SocialEurope.Eu, 1/12/2017
Print Friendly and PDF