17.11.18

Không có ranh giới cố định giữa các bộ môn


Edmond Malinvaud (1923-2015)

“KHÔNG CÓ RANH GIỚI CỐ ĐỊNH GIỮA CÁC BỘ MÔN”

Edmond Malinvaud, giáo sư danh dự của trường Collège de France
Ngày nay, các nhà kinh tế học xem sự tồn tại của một lĩnh vực nghiên cứu cụ thể của xã hội, được gọi là “kinh tế học”, như là một sự đã rồi, để có thể phân tích một cách khoa học với các công cụ của họ. Như vậy, lịch sử tư tưởng kinh tế thường được giới thiệu như là lịch sử phát triển tuần tự của một thời kì lộn xộn của kinh tế học, hợp nhất nhiều khía cạnh của xã hội (chính trị, xã hội, đạo đức...), cho đến khi bước vào một hình thức tiền khoa học được Adam Smith khai trương và kết thúc với những tác phẩm của Léon Walras, được coi là nhà kinh tế học khoa học đầu tiên.
Tạp chí L’Economie Politique [Kinh tế Chính trị] đã phỏng vấn Edmond Malinvaud, giáo sư danh dự của trường Collège de France, về các mối liên hệ giữa kinh tế học và các khoa học xã hội khác, đặc biệt về sự tách biệt hiện tại giữa kinh tế học và khoa học chính trị. Cơ hội để điểm chung về khoa học kinh tế ngày nay[1].
Có nhiều lý do để các nhà kinh tế học tách biệt, trong các phân tích của họ, các hiện tượng kinh tế với các hiện tượng chính trị. Những lý do đó có chính đáng không, thưa giáo sư? Tôi muốn xem lại một số lý do đó cùng với giáo sư. Lý do thứ nhất là ảo tưởng tin vào việc có thể có một lý thuyết tổng quát về xã hội, bao trùm nhiều chiều kích khác nhau. Một lập luận mà chính giáo sư cũng đã đưa ra. Tuy nhiên, nếu các nhà kinh tế học từ chối, với lý do chính đáng, tìm ra “cái” lý thuyết tổng quát về những động thái của xã hội, thì họ cũng không vì thế mà đưa ra những tiêu chí giúp họ xác định đâu là đường phân chia. Theo giáo sư, sự chia cắt thích hợp đó là gì và điều gì biện minh rằng kinh tế học có thể được coi là một trường (lĩnh vực) phân tích cụ thể?
Như ông đã nhắc lại, tôi đã chỉ ra trong bài giảng của tôi tại trường Collège de France rằng, theo tôi, tất cả các nỗ lực để có một lý thuyết tổng quát về xã hội cho đến nay đều đã dẫn đến thất bại. Điều mà tôi quan tâm, với tư cách là nhà kinh tế học, là làm việc về một phần quan trọng của các thực tế xã hội, và tôi nghĩ tốt hơn hết là đầu tư để tiến bộ trong việc hiểu biết phần quan trọng đó. Vả lại, các nhà nghiên cứu khác cũng muốn tiến bộ với cùng một tham vọng có giới hạn trong các lĩnh vực kiến ​​thức khác.
Làm thế nào để tiến hành một sự chia cắt thích hợp nhất giữa nhiều lĩnh vực khác nhau? Tôi không có quan điểm giáo điều. Chúng ta có thể định nghĩa những gì là trọng tâm của phân tích kinh tế, những vấn đề về lạm phát, thất nghiệp... nhưng không hề có một khái niệm thật chính xác nào về giới hạn của cái tạo nên “trường kinh tế”. Ngay cả khi chúng ta phải đặt ra các giới hạn, tôi cũng không coi đó là những điều cấm kỵ. Chúng ta có thể vượt qua các giới hạn đó nếu muốn. Nhưng nếu không tuân thủ chúng, thì chúng ta có thể gặp rủi ro. Ví dụ, khi các nhà kinh tế học thảo luận về các vấn đề chính trị, thì họ có xu hướng nhìn vấn đề quá nhiều về mặt lợi ích kinh tế mà theo họ là cái nhìn duy nhất của những người tham gia trò chơi chính trị. Trong khi, như mọi người đều biết, trong động cơ của hành động chính trị, có những yếu tố quan trọng khác như vấn đề đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội, vấn đề bảo vệ một ý tưởng quốc gia, thực thi quyền lực lên người khác. Tất cả những điều nói trên can dự một cách tự nhiên trong lý thuyết chính trị, và nhà kinh tế học không nhất thiết phải là người giỏi nhất để xử lí những vấn đề này. Vì vậy, không có vấn đề áp đặt các giới hạn và không có giới hạn nào là chính xác. Sự tiến hoá của tư duy có thể làm dịch chuyển các đường biên. Tuy nhiên, theo ý kiến ​​của tôi, tốt hơn là nên làm việc trong phạm vi lĩnh vực của riêng mình, bởi vì vẫn còn nhiều điều cần phải học. Khi nhà kinh tế học tiếp xúc với những lĩnh vực không phải là sở trường của mình, thì cần phải khiêm tốn và lắng nghe các chuyên gia thuộc những bộ môn khác.
Giáo sư đã bày tỏ mong muốn nhìn thấy “giảm dần phạm vi hiểu lầm giữa các chuyên gia thuộc nhiều ngành khoa học xã hội khác nhau”, trong cái mà ông gọi là “quá trình bào mòn dần các đường biên”. Làm thế nào để tiến bộ trong lĩnh vực này mà không đặt lại vấn đề những ranh giới hiện tại giữa các ngành khoa học xã hội?
Tôi không thích lắm ý tưởng “đặt lại vấn đề” vốn giả định sự tồn tại của những ranh giới cố định giữa các bộ môn. Không có lý do gì để giả định rằng tình thế hiện tại là như vậy. Tôi nghĩ sự diễn tiến của các ranh giới không thể là kết quả của một sự chuyển dịch đơn giản một số mệnh đề hoặc một số phương thức phân tích ra ngoài những lĩnh vực mà tính hiệu lực của chúng được thừa nhận. Sự chuyển dịch đó có thể diễn ra chủ yếu trong các dự án nghiên cứu có những mục tiêu được xác định và được định vị một cách rõ ràng. Đã có những dự án hợp nhất nhiều chiều kích, trong lĩnh vực kinh tế-xã hội của việc làm và trong lĩnh vực mà một số người bắt đầu gọi trở lại là kinh tế học chính trị. Nhưng tôi rất hoài nghi ý tưởng cho rằng chúng ta có thể nhanh chóng tiếp cận một kiến ​​thức tổng thể, và có thể nhanh chóng áp dụng những phân tích đã chứng tỏ là hiệu quả trong lĩnh vực của riêng mình vào các lĩnh vực khác. Vì vậy, tôi không chờ đợi khám phá viên đá giả kim trên vấn đề này. Tuy nhiên, tôi tin vào việc chúng ta sẽ phải làm việc trên các đường ranh của nhiều lĩnh vực khác nhau và thực hành nghiên cứu liên ngành mà không nói đến thuật ngữ này, trong khi có rất nhiều người nói về tính liên ngành nhưng không làm gì cả.
Biện minh thứ hai cho việc từ chối đưa phân tích chính trị vào là việc cho rằng bản chất của chế độ chính trị có tính trung lập với mức độ thịnh vượng: chế độ chuyên chế cũng đảm bảo được sự giàu có không thua gì chế độ dân chủ (được xem là đáng mong muốn hơn vì nhiều lý do khác), có nghĩa là, để nói một cách chính xác hơn, không có mối liên hệ đơn ứng giữa bản chất của một chế độ chính trị và tốc độ tăng trưởng và phát triển [kinh tế] của một quốc gia. Liệu điều này phải chăng có nghĩa là các tương quan lực lượng chính trị và xã hội không đóng bất cứ vai trò nào trong đó?
René Monory (1923-2009)
Theo tôi, các công thức khác nhau đó không tương đương nhau. Giữa “phân tích chính trị”, “chế độ chính trị” và “tương quan lực lượng chính trị”, có nhiều hơn một sắc thái. Đầu tiên, hãy thử quan sát, trong bối cảnh một chế độ chính trị nhất định, theo quan điểm về tăng trưởng [kinh tế] không phải tất cả các chính sách kinh tế đều tương đương. Chúng ta có thể sai lầm về chính sách kinh tế. Vì thế, chính trị đóng một vai trò rõ ràng. Nói rằng không có mối liên hệ đơn ứng nào giữa bản chất của chế độ chính trị và sự phát triển kinh tế là phù hợp với tôi hơn và có thể được minh họa theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, mặc dù điều này không hoàn toàn tương ứng với một sự thay đổi chế độ, hãy thử lấy ví dụ về sự thay đổi chính quyền của phe đa số ở Pháp trong 50 năm qua. Tầm quan trọng của những thay đổi đa số này là như thế nào cho lịch sử kinh tế của Pháp trong thời kì này? Không đáng kể. Để giải thích điều này, nhà kinh tế học không cần phải có một sự thông hiểu chi tiết về trò chơi của các lực lượng chính trị. Khi ông Monory [bộ trưởng bộ kinh tế - ND], vào năm 1978, quyết định tự do hoá giá cả, điều đó đã gây một ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Pháp. Liệu nhà kinh tế học vì thế có tự hỏi điều gì đã thúc đẩy chính phủ thời đó không? Người ta có thể tin, như tôi đã tin, rằng điều đó nằm trong diễn tiến tự nhiên, rằng điều đó sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra vào một ngày nào đó. Nhà kinh tế học đương nhiên phải tính đến những quyết định chính trị tác động đến lĩnh vực của mình, nhưng nhà kinh tế học hiếm khi phải đưa vào trường lý thuyết của mình việc phân tích động cơ của những quyết định này.
Một lập luận khác được các nhà kinh tế học sử dụng dựa trên yêu sách của một sự chia cắt cần thiết giữa đạo đức và trí tuệ phân tích. Cân bằng chỉ là cân bằng” và “nhà kinh tế học không thể phân định hiệu lực của các đánh giá cuối cùng về giá trị”, nhà kinh tế học người Anh Lionel Robbins đã nhấn mạnh như vậy. Giáo sư có chia sẻ nhận định này không?
Lionel Robbins (1898-1984)
Có. Nhà kinh tế học, với tư cách là một học giả, không có khả năng đặc biệt để phân định những đánh giá cuối cùng về giá trị. Về phần mình, nhà đạo đức học có thể lãng phí thời gian theo đuổi những mục tiêu không khả thi trong bối cảnh kinh tế mà họ muốn thực hiện. Thực vậy, sự lựa chọn thường dựa vào một cấp độ trung gian, nơi mà người này và người kia đều có một vai trò nào đó. Ví dụ, với việc không đưa ra bất kỳ đánh giá nào về giá trị, chúng ta có thể hiểu rằng nhà kinh tế học không tham gia vào những hướng hoàn toàn không xác đáng để giải quyết các vấn đề phát sinh, và rằng nhà kinh tế học thích hướng nghiên cứu của mình vào những giải pháp có nhiều khả năng tỏ ra là hữu ích. Vì vậy, nhà kinh tế học và nhà đạo đức học cần phải đối thoại.
Tại sao các nhà kinh tế học lại đòi hỏi sự cần thiết của trừu tượng hoá toán học trong khoa học của họ?
Tại sao người ta lại từ chối quyền chúng tôi được sử dụng các phương tiện và phương pháp trừu tượng của toán học, trong khi chúng khá hữu ích cho công việc suy luận của chúng ta? Công việc này đòi hỏi phải lý luận trên một thực tế đa chiều; khi đó phải vận dụng những công cụ biết cách làm thế nào xử lý các vấn đề đa chiều, điều mà toán học có khả năng làm được. Đây là những lý luận được xây dựng bởi một chuỗi lôgic khá dài, mà người ta thường không thấy điểm xuất phát khi lý luận bằng lời văn, trong khi công thức toán học áp đặt kỉ luật phải dựa vào những điểm khởi đầu được xác định chính xác. Và rồi, nghiên cứu kinh tế được nuôi dưỡng bằng những suy luận được rút ra từ các quan sát và không thể dẫn đến những kết luận đúng đắn nếu không có một sự mô hình hóa chặt chẽ. Tất cả những lý do này làm cho các nhà kinh tế học nhận thấy việc sử dụng toán học là có hiệu quả.
Paul Leroy-Baulieu (1843-1916)
Vì thế câu hỏi thực sự đặt ra, và người ta có thể hiểu vấn đề này nảy sinh từ đầu óc của một số nhà phê bình đối với các phương pháp được sử dụng trong kinh tế học, là liệu toán học có được sử dụng một cách đúng đắn không. Đây là một câu hỏi khác với câu hỏi thường được đặt ra trong quá khứ. Một trong những người tiền nhiệm xa xưa của tôi ở trường Collège de France, Paul Leroy-Baulieu, là một kẻ thù bướng bỉnh của việc sử dụng toán học. Ông ấy đã viết rất nhiều bài để giải thích rằng điều đó là vô dụng. Từ năm mươi năm qua, luận đề này đã dần dần biến mất. Nhưng vẫn còn vấn đề là làm thế nào để sử dụng toán học một cách đúng đắn. Có lần tôi đã phát biểu trước các đồng nghiệp và nói rằng: Hãy coi chừng, liệu chúng ta có sử dụng công cụ toán học một cách lệch lạc không, hoặc sử dụng nó vào những vấn đề không thực sự quan trọng đối với các nhà kinh tế học không?” Nhân cơ hội đó, một số người đã nói: Malinvaud giữ khoảng cách đối với toán học, ông ấy không còn tin vào toán học. Điều đó hoàn toàn sai.
Trong thực tế, ông đã viết rằng mục đích của việc sử dụng toán học không phải là “tạo ra những mô hình trừu tượng cho những nền kinh tế tưởng tượng”, qua đó gợi ý rằng một phần công việc của các nhà kinh tế học quy lại là như thế đó.
Vâng, đúng vậy, tôi nghĩ thế. Vì thế, vấn đề là làm sao biết được đó là một phần lớn hay một phần nhỏ. Nếu đứng trước các đồng nghiệp kinh tế của tôi, tôi sẽ nói với họ rằng đó là một phần quá quan trọng. Nhưng đó không phải là vấn đề cốt yếu của những gì mà chúng mang lại. Thực vậy, rất nhiều những thế giới tưởng tượng đó, được đề cập trong những bài viết lý thuyết được các chuyên gia đánh giá khá cao, đã bị lãng quên không lâu sau đó. Vì vậy, những bài viết như thế không làm cho khoa học tiến bộ nhiều, ngay cả khi có một lượng người nhất định quan tâm.
Giáo sư đề cập đến những công trình nào?
Tôi không muốn nói ra điều đó.
Giáo sư nhận định thế nào về vai trò của kinh tế học thực nghiệm và khuynh hướng ngày càng được các nhà kinh trắc học chiếm lĩnh?
Mọi kiến ​​thức đều dựa trên các quan sát. Khi nói về kinh tế học thực nghiệm, chúng ta nghĩ về những quan sát được bổ sung vào những gì mà mọi người đã biết. Vì thế, đó đặc biệt là những quan sát về mặt thống kê liên quan đến các hiện tượng tổng thể hoặc các dữ liệu kinh tế vi mô. Thông thường nhất, cần phải biết tổ chức các quan sát đó, cần phải biết tận dụng các quan sát đó để có thêm kiến ​​thức. Kinh trắc học được sinh ra từ thực tế là công việc này hiếm khi dễ làm. Vì hai lý do. Trong bộ môn của chúng ta, không có thí nghiệm trong phòng thí nghiệm để có thể chốt một số tham số và làm biến đổi một tham số duy nhất: tham số mà chúng ta quan tâm đến hiệu ứng. Vì thí nghiệm là điều bất khả, nên vấn đề trở nên khá phức tạp để nhận diện ảnh hưởng của một nguyên nhân lên hiện tượng này hoặc hiện tượng khác, trong khi có nhiều nguyên nhân cùng đồng thời tác động. Khó khăn thứ hai là có quá ít số lượng quan sát so với sự phức tạp của các hiện tượng. Biết cách tận dụng tốt các quan sát là nghề của nhà kinh trắc. Nhưng điều này không có nghĩa là kinh tế học thực nghiệm nhất thiết phải mang tính kinh trắc. Còn có chỗ cho các cách tiếp cận mang tính thăm dò ít được hình thức thức hóa hơn, nhưng có thể gây chú ý tới các hiện tượng chưa được biết đến hoặc các phương thức điều tra mới.
Vai trò của những đóng góp bằng lời văn trong kinh tế học có thể là gì, thưa giáo sư?
Có hai loại vai trò. Một mặt, đó là vai trò phân tích khái niệm, mang tính tích cực và phê bình. Trong lĩnh vực của chúng ta, cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, cần phải suy nghĩ với những điều trừu tượng đúng đắn. Thế nhưng, chúng không được cho một cách tiên nghiệm và dứt điểm một lần rồi thôi. Vì vậy, cần phải tự hỏi liệu những điều trừu tượng mà chúng ta sử dụng có hiệu quả không, và điều đó được thực hiện bằng các cách tiếp cận bằng lời văn. Mặt khác, đó là vai trò phân tích lịch sử. Các sự kiện kinh tế, xảy ra đồng thời với các sự kiện chính trị hoặc xã hội khác, sự vận động của lịch sử, tất cả những điều này đều có ích để xây dựng một văn hoá kinh tế hoàn chỉnh, điều mà một mình kinh tế toán học không thể làm được. Hơn nữa, những người hoạt động trong lĩnh vực kinh trắc học và lý thuyết kinh tế cũng cần giải thích bằng lời văn những gì họ muốn làm và những gì họ đã tìm thấy. Vì thế, việc phổ biến các kết quả nghiên cứu cũng góp phần, ngoài các phân tích về mặt khái niệm và lịch sử, vào việc hình thành một văn hoá kinh tế, chủ yếu được chuyển tải bằng một ngôn ngữ tương tự như ngôn ngữ từng được kinh tế học bằng lời văn sử dụng trong quá khứ.
Ai nên là hình mẫu cho sinh viên kinh tế học ngày nay? John Maynard Keynes, người hoạt động trong lĩnh vực tài chính, chính trị, báo chí, giảng dạy và lý thuyết, hay là Alfred Marshall, người có khuynh hướng ở lại trong khuôn viên đại học để suy nghĩ, thưa giáo sư?
Alfred Marshall (1842-1924)
John M. Keynes (1883-1946)
Hãy để cho mỗi sinh viên chọn lấy hình mẫu của mình! Nếu các giảng viên làm tốt công việc của họ, thì tôi chắc rằng hầu hết sinh viên sẽ biết cách lựa chọn. Và rồi, đừng đưa ra một ý tưởng sai về Keynes. Ông ấy cũng thích làm việc trong ngôi trường gôtích của mình và ngồi trong ghế bành để suy nghĩ, để chuẩn bị các công trình lý thuyết kinh tế. Về điều đó, ông ấy rất gần gũi với các giảng viên đồng nghiệp ở Đại học Cambridge, giống như Alfred Marshall, người cũng có cái nhìn rộng rãi.
Buổi phỏng vấn do Christian Chavagneux thực hiện
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Il n’y a pas de frontières fixes entre les disciplines”, Alternatives Economiques, 01/04/2000.




Chú thích:

[1] Để hiểu thêm, chúng ta có thể tham khảo hai bài của Edmond Malinvaud, “Pourquoi les économistes ne font pas de découvertes [Tại sao các nhà kinh tế học không có được những khám phá]”, trong tạp chí Revue d’économie politique no6, vol. 106, Tháng 11-Tháng 12 năm 1996, và Voies de la recherche macroéconomique [Các con đường nghiên cứu kinh tế học vĩ mô], ed. Odile Jacob, 1991 (có sẵn ở Points Seuil).

Print Friendly and PDF