23.11.18

Thời khắc “Sputnik” này của Trung quốc làm chính quyền Trump lo ngại + Trung Quốc, Trump và chiếc bẫy Thucydide

THỜI KHẮC “SPUTNIK” NÀY CỦA TRUNG QUỐC KHIẾN CHÍNH QUYỀN TRUMP LO NGẠI
Tên lửa “Trường chinh” của Trung Quốc. (Nguồn: CGTN)
Đối với nước Mỹ, Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa công nghệ tương tự như Liên Xô của Yuri Gagarin và vệ tinh Sputnik. Điều này khá rõ với các cố vấn diều hâu” của Donald Trump: Trung Quốc của Tập Cận Bình, từ nay, đang tấn công trực diện vào sự thống trị công nghệ cao của Hoa Kỳ, bằng nhiều cách khác nhau, từ bán phá giá đến gián điệp công nghiệp, thông qua những chuyển giao công nghệ cưỡng bức.
Kể từ thế kỷ XVII, sự cấu trúc hóa không gian thế giới dựa trên sự tăng cường các giao dịch thương mại như là một công cụ thống trị” của phương Tây lên các nước ngoại vi của họ. Nhưng sự siêu toàn cầu hóa, từ nay, đang làm suy yếu trật tự giám hộ này. Các dòng chảy thế giới làm khô cứng chính trị, làm nghèo đigiá trị lao động” và tạo ra một sự bất ổn có hệ thống. Trong khi phương Tây bước vào một kỷ nguyên co rút và vỡ mộng, thì sự thức tỉnh của Trung Quốc làm biến đổi ngữ pháp của không gian thế giới. Câu hỏi về những thập niên tới sẽ là làm thế nào Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể thoát khỏi cái bẫy cạnh tranh mang tính ngày càng đối đầu hơn.
MỘT CHỦ NGHĨA TƯ BẢN NHÀ NƯỚC Ở trung tâm TOÀN CẦU HÓA
Điều nghịch lý của thành công của việc Trung Quốc hội nhập vào toàn cầu hóa là do họ đã thất bại trong việc hội nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Năm 1842, Vương quốc Anh đánh bại Trung Quốc về mặt quân sự trong cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ nhất. Đó là sự khởi đầu của một thế kỷ phân hủy chính trị, được người Trung Quốc trải nghiệm như một sự nhục nhã. Từ đó, ý chí mãnh liệt của người Trung Quốc để lịch sử sang trang không để mình phải bị gò bó vào bất kỳ lý thuyết chính trị, liên minh hoặc tầm nhìn phổ quát nào. Khi từ chối lô-gic tự do, Nhà nước Trung Quốc đã không cải đạo sang kinh tế thị trường, tự do thương mại hoặc phi điều tiết hóa các thị trường tài chính. Ngược lại, Bắc Kinh đã lấy chủ nghĩa tư bản Nhà nước làm động cơ cho sự cạnh tranh quốc tế của họ.
Nhà nước, thông qua các tập đoàn công, kiểm soát các đầu vào chính yếu của chính sách kinh tế, như các ngành ngân hàng, thép, viễn thông, vận tải, năng lượng hoặc khai thác mỏ. Các dòng chảy quốc tế được quản lý chặt chẽ vì mục đích bảo vệ thị trường nội địa. Là nước chủ nhà đứng thứ hai [trên thế giới] tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Trung Quốc đồng thời hưởng lợi từ các cuộc chuyển giao công nghệ đại trà và cưỡng bức, mà không cần cầu viện đến việc vay nợ có tính ràng buộc của nước ngoài.
Jean B. Colbert (1619-1683)
Tuy nhiên, quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc, dù có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc, không phải không có điểm yếu. Sự tăng trưởng của họ, mạnh mẽ trong đầu tư, bị xói mòn bởi khả năng sinh lợi của tư bản. Để tránh rơi vào bẫy đình trệ, họ phải thoát khỏi tình trạng làm nhà máy chi phí thấp cho phương Tây. Họ đã đi tìm một luồng gió thứ hai thông qua tiêu dùng trong nước và sự nâng cấp công nghệ.
Trong giai đoạn chuyển tiếp này, sự liên kết các mục tiêu giữa Nhà nước và thị trường đang chứng minh một sự hiệu quả đáng gờm. Chủ nghĩa Colbert [thuyết trọng thương của Jean Baptiste Colbert – ND] Trung Quốc thúc đẩy một tầm nhìn dài hạn, dựa nhiều vào thị trường nội địa được bảo hộ cũng như vào khả năng đầu tư kinh khủng. Hơn 45% thu nhập được tích lũy ở Trung Quốc, so với khoảng 18% ở Hoa Kỳ, mang lại cho đất nước một sức mạnh tài chính vô đối[1]. Trong những điều kiện đó, các công ty Trung Quốc có thể nhanh chóng đạt được một tầm vóc quan trọng cho phép họ dự phóng ra quốc tế. Trung Quốc đã thống trị lĩnh vực năng lượng tái tạo, xe điện hoặc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
tính ĐIỂM YẾU CÓ TÍNH CẤU TRÚC CỦA MÔ HÌNH ANGLO-SAXON
Bằng cách đi ngược chiều những mất cân bằng cấu trúc của mô hình tự do, và bằng cách không chơi trò chơi kinh tế thị trường, Trung Quốc, từ nay, đã nắm bắt được một phần lớn các lợi ích của toàn cầu hóa. Phải nói rằng chủ nghĩa tư bản Anglo-Saxon tự thân tồn tại những nhân tố của sự mất cân bằng có hệ thống. Mức sinh lợi mong muốn của cổ đông đang bóp méo sự phân bổ truyền thống của giá trị gia tăng giữa lợi nhuận và tiền lương. Giá trị lao động bị đặt dưới áp lực gây ra một sự thu hẹp của cầu. Khi đó, thâm hụt ngân sách và lãi suất là những biện pháp tạm thời, có nguy cơ phụ thuộc mạnh vào nguồn tín dụng dễ dãi.
Các nguyên nhân phát triển của Trung Quốc phần lớn nằm trong những điểm yếu của nền kinh tế Mỹ. Mức thâm hụt ngân sách thăm thẳm và mức tiết kiệm thấp mời gọi, một cách tự nhiên, những hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Tác động của sự trỗi dậy mạnh mẽ này của Trung Quốc phải được đánh giá không chỉ về mặt các dòng ngoại thương mà còn cả về mặt dự trữ. Thông qua mức thặng dư thương mại của mình, đế chế trung tâm ngày càng tích lũy nhiều tài sản hơn nữa trên phần còn lại của thế giới. Ngược lại, các nước thâm hụt, như Hoa Kỳ, đang chìm vào tình trạng nợ nần.
MỘT SỰ CHUNG SỐNG HÒA BÌNH BẤT ĐỊNH
Trung Quốc hình dung sự hội nhập vào toàn cầu hóa theo cách duy ý chí, mà không cần tìm cách định hình thế giới theo hình ảnh của mình. Đế chế trung tâm có cách tiếp cận quyền lực một cách thực dụng hơn, có tính phương tiện hơn. Cách tiếp cận đó không được coi là mục đích tự thân, nhưng là một công cụ để phục vụ cho sự phát triển trong nước. Tuy nhiên, việc Tập Cận Bình nắm quyền lực đánh dấu một sự thức tỉnh của các tham vọng quốc tế. Còn lâu mới là một quá trình phương Tây hóa, rõ ràng là Trung Quốc giới thiệu hệ thống của họ như là một đối chọn đối với các lý tưởng dân chủ và phổ quát của triết lý thời kỳ Ánh sáng. Tầm nhìn hậu dân chủ này được nuôi dưỡng bởi các khái niệm của Khổng Tử về lòng trung thành và sự phục tùng. Tính hiệu quả kinh tế được xem như là tính chính danh chính trị. Sự không tưởng của một nền dân chủ toàn cầu ra đời cùng với sự sụp đổ của Bức tường Berlin vĩnh viễn biến mất[2]. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự hồi sinh của chủ nghĩa dân túy ở phương Tây, từ nay, đánh dấu một sự rạn nứt giữa chủ nghĩa tư bản và thể chế dân chủ. Sự cám dỗ của tinh thần dân tộc đang trở nên ngày mạnh mẽ hơn.
Samuel Huntington (1927-2008)

Siêu cường Mỹ, nước chiếm 40% tổng chi tiêu về quân sự của thế giới, một cách nguy hiểm đang nghiêng ngả trong sự tranh cãi và sự sợ hãi tính khác biệt. Sự va chạm của các nền văn minh, được Samuel Huntington khái niệm hóa, giờ đây dường như được áp dụng cho sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Như Athens và Sparta trong cuộc Chiến tranh Peloponnesus (431-404 trước Công nguyên), hai cường quốc có nguy cơ bị lôi kéo vào một vòng xoáy hiếu chiến mà mình không thực sự mong muốn. Chính sự vươn lên của Athens và nỗi sợ mà nó gieo dần cho Sparta khiến cho chiến tranh là không thể tránh khỏi”, nhà sử học Hy Lạp Thucydide đã viết vào thời của ông. Vương quốc Anh vào cuối thế kỷ XIX bị dính vào vòng xoáy tương tự trước sự lớn mạnh của Đức, đã kéo châu Âu vào hai cuộc chiến tranh thế giới. “Bẫy Thucydide” này (xem bài dưới đây), được Gram Allison (2017) khái niệm hóa, lần này có nguy cơ lôi kéo giới lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc vào một sự leo thang căng thẳng nguy hiểm.
Sự hồi sinh của chủ nghĩa bảo hộ Mỹ chính là một phần trong chiến lược đối đầu. Mục tiêu ưu tiên là gây trở ngại cho quá trình bắt kịp công nghệ của Trung Quốc. Được công bố vào năm 2015, kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” dự định phát triển những lĩnh vực đầy hứa hẹn, như công nghệ người máy, hàng không, xe điện, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo hoặc các bộ vi xử lý. Tham vọng là gia tăng tỷ trọng các linh kiện Trung Quốc trong các sản phẩm công nghệ lên 40% từ nay đến năm 2020 và lên 70% vào năm 2025. Trong con mắt của các cố vấn “diều hâu” của Donald Trump, Trung Quốc, từ nay, đang tấn công trực diện sự thống trị công nghệ của Hoa Kỳ, đôi khi bằng các phương tiện thiếu minh bạch: bán phá giá, gián điệp công nghiệp, chuyển giao công nghệ cưỡng bức.
Tình trạng tương đương với Chiến tranh Lạnh không phải là không có lí do. Vào tháng 10 năm 1957, Liên Xô phóng lên quỹ đạo quanh Trái Đất vệ tinh Sputnik. Tiếng “bíp, bíp” nổi tiếng của vệ tinh mở ra kỷ nguyên của sự chinh phục vũ trụ. Cường quốc Hoa Kỳ, lúc đó, bị sững sờ trước sự tiến bộ về nghiên cứu của Liên Xô mà năng lực bị Hoa Kỳ một cách phổ biến đánh giá thấp. Để phản ứng lại, Tổng thống Eisenhower đã thành lập “Cơ quan Đổi mới đột phá” để tài trợ cho các công nghệ mới nổi. Darpa [Defense Advanced Research Projects Agency], “Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến” của Mỹ là tổ chức vĩ đại báo trước sự đổi mới. Đặc biệt từ đó mà ra đời mạng ARPANET [Advanced Research Projects Agency Network], trở thành mạng Internet của ngày nay và chương trình Transit vào năm 1958, tiền thân của hệ thống GPS. Năm 1960, Darpa phát triển những chiếc máy bay không người lái đầu tiên. Trong số các dự án hiện tại của Darpa, chúng ta đặc biệt tìm thấy công nghệ người máy và trí tuệ nhân tạo. Cơ quan này dựa vào một hệ sinh thái huy động nguồn lực từ các trung tâm đại học, các phòng thí nghiệm và các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bertrand Hartemann
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, nói một cách chính xác, tạo nên một “thời khắc Sputnik”. Ngày nay, chỉ có một cường quốc chính yếu về công nghệ mới có khả năng cạnh tranh với Hoa Kỳ. Sự chung sống hòa bình giữa cường quốc mới nổi và cường quốc ngự trị chưa bao giờ mang tính bất định như vậy.
Giới thiệu tác giả
Giám đốc Marketing có trụ sở tại Bắc Kinh, là chuyên gia về quản lý sự đổi mới, Bertrand Hartemann có niềm đam mê về các mô hình kinh doanh mới phát sinh từ những sáng tạo mà kỹ thuật số gây nên. Sau khi tốt nghiệp đại học Sorbonne và CNAM về pháp luật, tài chính và kinh tế, ông có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc chuyên môn tại Pháp và Trung Quốc.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

* * *
TRUNG QUỐC, TRUMP VÀ CHIẾC BẪY THUCYDIDE

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đi cùng người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào ngày 10 tháng 11 năm 2017. (Nguồn: New York Times)
Ngoài thứ tự chữ cái, có rất ít thứ khiến cho Donald Trump gần với Thucydide. sử gia Hy Lạp của thế kỷ IV trước Công nguyên, có lẽ ông không hề quan tâm đến cuốn Art of the Deal [Nghệ thuật đàm phán] của tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ. Ngược lại, ngài tổng thống, người đã phát động một cuộc chiến tranh thương mại triệt để nhất chống lại Trung Quốc, sẽ cần ngẫm nghĩ cuốn Histoire du Péloponnèse [Lịch sử của Péloponnèse] của Thucydide. Một cuộc chiến tranh mà ông coi là không thể tránh khỏi: Sự trỗi dậy của Athens và nỗi sợ về sự trỗi dậy đó truyền đến Sparta đã khiến cho cuộc chiến tranh Peloponnese trở nên không thể tránh khỏi.”
CHIẾC BẪY THUCYDIDE
Graham Allison (1940-)
Hai nghìn năm trăm năm sau, tư duy của Thucydide vẫn còn mang tính thời sự. Tư duy đó đã khiến cho Graham Allison đặt ra khái niệm “bẫy Thucydide”. Khi một thế lực mới nổi thách thức quyền bá chủ của một thế lực đã được thành lập, thì lịch sử cho thấy thế lực đã được thành lập thường gây chiến chống lại thế lực mới nổi. Đó là kết luận mà Allison rút ra từ việc phân tích mười sáu trường hợpchuyển tiếp” từ một cường quốc này sang một cường quốc khác từ thế kỷ XVI: chỉ có duy nhất bốn trường hợp, trong đó có trường hợp Hoa Kỳ kế vị Vương quốc Anh, các nhân vật chính mới tránh được cái bẫy Thucydide.
Điều gì sẽ xảy ra với nước Mỹ? Liệu có tránh được một cuộc chiến tranh Trung-Mỹ không? Thật khó để tưởng tượng một cuộc chiến tranh giữa hai cường quốc hạt nhân, vì vậy Allison nghĩ rằng Washington sẽ không chủ động cho một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba để tiêu diệt Trung Quốc trước khi nước này bắt kịp Mỹ. Tuy nhiên, chiến tranh có thể xảy ra dưới nhiều hình thức khác và tư duy của Thucydide có thể được viết lại như sau: “Tham vọng công nghệ của Trung Quốc và nỗi sợ mà tham vọng đó truyền đến Hoa Kỳ đã khiến một cuộc chiến tranh kinh tế trở nên không thể tránh khỏi!
CÁC BƯỚC GIA TĂNG QUYỀN LỰC CỦA TRUNG QUỐC, NHÌN TỪ WASHINGTON
Không chỉ sự gia tăng quyền lực của Trung Quốc nhanh hơn sự gia tăng quyền lực của Athens, mà nó còn được thúc đẩy bởi các sáng kiến ​​của Washington!
Bắt đầu bằng việc trao quy chế “tối huệ quốc” (MFN, Most Favored Nation) cho Trung Quốc vào năm 1979, ngay cả khi Bắc Kinh không tôn trọng tu chính án Jackson-Vanik (1974) gắn việc đạt được quy chế nói trên với quyền tự do đi lại của người dân. Được Tổng thống Carter hỏi về điểm này, Đặng Tiểu Bình đã trả lời bằng một lời dí dỏm: Ông muốn bao nhiêu người Trung Quốc? Một hay mười triệu?” Và Hoa Kỳ đã thực hiện một ngoại lệ cho Trung Quốc – quy chế MFN đã được gia hạn hàng năm, kể cả sau sự kiện Thiên An Môn. Vào cuối những năm 1990, Washington đã bật đèn xanh cho Trung Quốc gia nhập WTO. Trong tâm trí của các nhà đàm phán Mỹ, sự hòa nhập của đế chế trung tâm vào giao dịch thương mại thế giới sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và khi tầng lớp trung lưu được mở rộng, sẽ dẫn đến sự dân chủ hóa.
Sự tăng tốc tiếp theo sau sự gia nhập này làm cho cả người Mỹ lẫn người Trung Quốc ngạc nhiên! Khoảng cách giữa GDP của Trung Quốc và của Hoa Kỳ bị rút ngắn càng nhanh hơn sau cuộc khủng hoảng năm 2008, khi mà Trung Quốc đã thoát ra bằng cách đầu tư nhiều hơn bằng đồng đô la theo giá hiện hành so với Hoa Kỳ. Năm 2009, hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã vượt qua hàng xuất khẩu của Mỹ, và vào năm 2010, Trung Quốc đã soán ngôi Hoa Kỳ là nhà sản xuất sản phẩm chế biến lớn nhất thế giới. Một vị trí mà Hoa Kỳ đã soán ngôi Vương quốc Anh vào cuối thế kỷ XIX. Tin này đã không có tác động lớn ở nước Mỹ, khi mà ngược lại vào năm 2014, thông báo về GDP của Mỹ bị GDP của Trung Quốc vượt qua tính theo ngang bằng sức mua đã tạo được ấn tượng rất lớn. Kể từ đó, khoảng cách đã mở rộng và sự kéo dài – một cách mạo hiểm – của các đường cong cho thấy GDP của Trung Quốc (tính bằng đồng đô la tính theo giá hiện hành) sẽ bắt kịp GDP của Mỹ trong chưa đầy một thập kỷ.
Liệu Hoa Kỳ có duy trì lợi thế về công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo không? Đó là một thách thức hơn cả về mặt chiến lược. Bằng cách đóng cửa thị trường, người Trung Quốc đã xây dựng bộ tứ tương đương với GAFA [Google, Amazon, Facebook và Apple], với Baidu, Alibaba, Tencent và Xiaomi, mà dịch vụ không thua kém gì dịch vụ của GAFA. Kế hoạch Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” nhắm đến việc tăng cường ngành công nghiệp Trung Quốc trong hàng tá lĩnh vực, trong đó có khoa nghiên cứu robot và trí tuệ nhân tạo [AI], những lĩnh vực mà sự tiến bộ của Mỹ đang bị thu hẹp. Tại Đại hội Trí tuệ Nhân tạo được tổ chức ở New Orleans vào tháng Hai năm ngoái, người Mỹ và Trung Quốc đã gần như bằng nhau về số lượng những tham luận được chấp nhận. Ngược lại, Trung Quốc đã chiếm lợi thế so với Hoa Kỳ trong việc triển khai AI: họ có khối dữ liệu lớn nhất và chính phủ Trung Quốc không bảo vệ quyền riêng tư của công dân.
NHỮNG ĐÁP TRẢ CỦA MỸ
Bị huy động vào các cuộc chiến tranh ở Trung Đông, Hoa Kỳ đã chậm trễ trong việc nhận ra sự đuổi kịp này cho đến khi Barack Obama được bầu vào Nhà Trắng. Để kiềm chế sự trỗi dậy này, Tổng thống Mỹ đã tìm cách siết lại sự trỗi dậy đó vào giữa hai liên minh những quốc gia có cùng các giá trị tự do: hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và người anh em họ của nó là hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương hay TAFTA. Hai hiệp ước này có những biện pháp vượt ngoài biên giới” Trung Quốc sẽ gặp khó để chấp nhận. Nhìn từ Bắc Kinh, chiến lược của Mỹ được thể hiện qua phương trình: TPP + TAFTA = TSC, “Tất cả trừ Trung Quốc” (“Tout sauf la Chine”)!
Trong chiến dịch bầu cử năm 2016, Donald Trump – cùng với Bernie Sanders hoặc Hilary Clinton, người đã “bán” TPP khi còn là Ngoại trưởng – đã chỉ trích hiệp định này. Quyết định đầu tiên của Tổng thống Trump là rút khỏi TPP. Sau đó, ông đã đợi đến tháng 12 năm 2017 để bắt đầu cuộc tấn công Trung Quốc trên nhiều mặt trận. Về mặt thương mại và công nghệ, cuộc tấn công của Donald Trump – được cử tri của ông đón nhận khá tốt – có cùng một mục tiêu: làm chậm tiến độ của Trung Quốc.
Làm thế nào? Đầu tiên, bằng cách tăng cường Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS, Committee for Foreign Investment in the United States), mà kể từ tháng Tám đã tiến hành đánh giá tất cả các nguồn đầu tư nước ngoài (kể cả các nguồn đầu tư thiểu số). Vì thế, Washington đã gây ra sự sụp đổ các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc (FDI) trên thị trường Mỹ vào năm 2018.
Cột trụ tấn công thứ hai: đánh 10% thuế hải quan vào tháng Chín này (sẽ nâng lên 25% vào tháng 1 năm 2019) trên tổng số 200 tỷ US$ hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Bằng cách này, Washington nhắm đến hàng ngàn sản phẩm mục tiêu theo kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” và tạo ra một bầu không khí bất định để kiềm chế nguồn vốn FDI của Mỹ sang Trung Quốc. Mục tiêu của việc tăng thuế suất hải quan này nhắm ít hơn vào việc làm giảm thâm hụt của Mỹ – nó sẽ được bù đắp bằng việc mở rộng sự thâm hụt với các nước châu Á khác – mà nhắm nhiều hơn vào việc kiềm chế hàng xuất khẩu và sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Thuế hải quan có thể khiến Bắc Kinh từ bỏ chiến lược giảm nợ và có nguy cơ mắc nợ nhiều hơn để tài trợ cho việc thúc đẩy lại nền kinh tế.
Ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc xung đột đang có khả năng biến thành một cuộc chiến tranh lạnh về kinh tế? Mọi người, nếu các nhân vật chính đạt được một thỏa hiệp mà mỗi bên sẽ giải bày như là một chiến thắng. Ai sẽ thua? Mọi người, nếu cuộc xung đột trở nên tồi tệ hơn và làm suy yếu kiến ​​trúc thể chế đã từng tạo điều kiện cho sự trỗi dậy, kể từ năm 1945, của các nước đang phát triển – mà trước hết là Trung Quốc.
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière

Jean-Raphaël Chaponnière
Jean-Raphaël Chaponnière là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles) và là chủ tịch Trung tâm châu Á. Ông là nhà kinh tế học tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Đồng tác giả với M. Lautier, ông đã phát hành cuốn: “Economie de l'Asie du Sud-Est, au carrefour de la mondialisation” [Kinh tế Đông Nam Á, ở ngã tư toàn cầu hóa] và “Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường]” (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: La Chine, Trump et le piège de Thucydide, Asialyst, 24/09/2018.




Chú thích:

[1] Để dành gộp bằng % trên GDP – nguồn: Ngân hàng Thế giới.

[2] Francis Fukuyama, La fin de l’histoire [Sự kết thúc của lịch sử], 1992.

Print Friendly and PDF