27.12.18

Ba huyền thoại của sự bùng nổ kinh tế Trung Quốc


BA HUYỀN THOẠI CỦA SỰ BÙNG NỔ KINH TẾ TRUNG QUỐC
Nhà máy sản xuất đồ chơi ở Lianyungang, tỉnh Giang Tô ở miền đông Trung Quốc.
ẢNH: Si Wei - Xinhua/Réa?
Ngày 29 tháng 12 năm 1978, cách nay gần đúng bốn mươi năm, Hội nghị toàn thể lần ba của Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 11 đã ra thông cáo chính thức. Bằng một ngôn ngữ mới (newspeak) chỉ người trong cuộc mới có thể giải mã được, các nhà lãnh đạo đất nước, từ nay phải phục tùng Đặng Tiểu Bình, người đã sống sót sau khi Mao Trạch Đông qua đời, thông báo với dân tộc và thế giới, qua giọng nói của đồng chí Hoa Quốc Phong, rằng họ quyết tâm đưa Trung Quốc tiến hành bốn hiện đại hóa chưa từng có tiền lệ. Cuộc thí nghiệm lớn nhất về sự tăng trưởng kinh tế trong lịch sử nhân loại vừa mới bắt đầu.
Trong bốn thập kỷ, Trung Quốc, một trong những nước kém phát triển nhất hành tinh, sẽ trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới (họ giành lấy vị trí này của Hoa Kỳ vào năm 2014). Tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người (GDP) của họ sẽ được nhân lên gấp 58 lần (vào năm 2018, GDP chỉ còn thấp hơn 3,4 lần so với Hoa Kỳ trong khi đại lượng gộp này thấp hơn gấp 40 lần vào năm 1980). Tóm lại: 15% nhân loại được phóng lên tới 10% mức tăng trưởng trung bình hàng năm trong bốn mươi năm.
Tất cả các mô hình lý thuyết và tất cả các cuộc tranh luận thực nghiệm của thế giới sẽ không bao giờ đạt được sức mạnh chứng minh của thí nghiệm Trung Quốc. Chúng ta học được điều gì từ kinh nghiệm đó? Nói một cách đơn giản, Trung Quốc là sự minh họa sáng tỏ nhất và rõ ràng nhất về các giới hạn cơ bản của tăng trưởng kinh tế. Nói một cách chính xác hơn, quỹ đạo phát triển chóng mặt của Trung Quốc có thể xua tan, hi vọng là vĩnh viễn, ba huyền thoại kinh tế.
GDP ngang bằng sức mua, Trung Quốc và Hoa Kỳ, tính bằng tỷ đôla quốc tế

Created with Highcharts 5.0.6ValuesTrung QuốcHoa Kỳ19801981198219831984198519861987198819891990199119921993199419951996199719981999200020012002200320042005200620072008200920102011201220132014201520162017201805k10k15k20k25k30k1997 Trung Quốc: 2 815,78 Tỷ đô la



Nguồn: IMF
GDP ngang bằng sức mua trên đầu người, Trung Quốc và Hoa Kỳ, tính theo đô la quốc tế

Nguồn: IMF
Huyền thoại thứ nhấttăng trưởng kinh tế làm giảm sự bất bình đẳng và làm tăng sự hạnh phúc. Năm 1955, nhà kinh tế học phát triển của đại học Harvard, Simon Kuznets, đưa ra giả thuyết về một sự gia tăng ban đầu rồi giảm dần của những bất bình đẳng về thu nhập khi các nước ngày càng tiến bộ trong quá trình phát triển kinh tế: mức sống càng cao, trong giai đoạn ban đầu, thì sự bất bình đẳng càng gia tăng trước khi giảm xuống trong giai đoạn thứ hai, biểu diễn một “đường cong hình chuông” trấn an và quen thuộc.
Kinh nghiệm của Trung Quốc, cũng như bao kinh nghiệm khác, phủ nhận một cách dứt khoát sự lạc quan trong lập luận của Kuznets. Trung Quốc ngày nay là một trong những nước có sự bất bình đẳng lớn nhất thế giới, với chỉ số Gini được ước tính là khoảng 0,5 (chỉ số này là khoảng 0,3 vào năm 1980) và đứng luôn ở con số này trong mười năm qua (một sự trùng hợp lịch sử đáng lo ngại, ngày nay Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có chỉ số Gini gần giống nhau). Điều khiến huyền thoại này bị đặt thành vấn đề hơn khi mối quan hệ giữa sự tăng trưởng kinh tế và chỉ số Gini mô tả điều ngược lại với quan hệ giả định của Kuznets: chỉ số Gini của Trung Quốc đã tăng lên rồi giảm xuống theo tốc độ tăng trưởng GDP. Các bất bình đẳng tăng lên theo sự tăng trưởng kinh tế và giảm xuống khi sự tăng trưởng kinh tế giảm.
Các bất bình đẳng tăng lên theo sự tăng trưởng kinh tế và giảm xuống khi sự tăng trưởng kinh tế giảm
Diễn tiến của sự phân phối thu nhập quốc dân giữa các tầng lớp xã hội cho phép xác định các thực tế cách điệu hoá này. Theo dữ liệu của World Inequality Database [Cơ sở dữ liệu bất bình đẳng của thế giới], trong khi tỷ lệ thu nhập quốc dân của 10% những người giàu nhất, từ năm 1978 đến năm 2015, đã tăng dần từ 27% lên 41% (tỷ lệ 1% những người giàu nhất cao hơn gấp đôi trong giai đoạn này), thì tỷ lệ thu nhập quốc dân liên quan đến 50% những người nghèo nhất Trung Quốc đã giảm từ 26% xuống 14%. Những dữ liệu này phù hợp với nhiều nguồn khác cho thấy, ví dụ, trong khi GDP đầu người tăng gấp 14 lần từ năm 1990 đến năm 2010, thì ba ngũ phân vị đầu của sự phân phối thu nhập đã chứng kiến ​​tỷ lệ thu nhập quốc dân giảm xuống và ngũ phân vị thứ tư chứng kiến một sự dậm chân tại chỗ về phân phối thu nhập, so với một sự tăng mạnh thu nhập của 20% người giàu nhất Trung Quốc.
Nhưng đó là những bất bình đẳng tương đối và chúng ta biết vai trò không thể phủ nhận của Trung Quốc trong việc làm giảm nghèo tiền tệ một cách đáng kể trên thế giới trong một phần tư thế kỷ qua. Thế nhưng, động thái tạm thời của sự giảm thiểu [bất bình đẳng] nói trên chưa phù hợp với lời giải thích bằng sự tăng trưởng kinh tế: số người nghèo giảm từ 750 triệu xuống 400 triệu người từ năm 1992 đến năm 2002, với tốc độ tăng trưởng từ 14% xuống 9%, rồi trong khi sự tăng trưởng dao động giữa 9% và 10% từ năm 2002 đến năm 2010, thì số người nghèo giảm từ 400 triệu xuống 150 triệu người. Cuối cùng, từ năm 2010 đến năm 2015, số người nghèo giảm từ 150 triệu xuống chỉ còn 10 triệu người, với một tốc độ tăng trưởng giảm xuống nữa, từ 10% xuống 7%.
Trong khi GDP đã tăng tốc quá mức trong hai mươi lăm năm qua, thì phúc lợi chủ quan của người Trung Quốc đã giảm.
Richard Easterlin (1926-)
Nhưng ít nhất liệu có chắc rằng người Trung Quốc, khi thoát khỏi cảnh khốn khổ bình quân chủ nghĩa và khi trở nên giàu có một cách bất công hơn so với năm 1978 (thu nhập của 10% những người nghèo nhất, ví dụ, đã tăng 65% từ năm 1980 đến năm 2015), có hạnh phúc hơn ngày nay hay không? Chính điều ngược lại có vẻ được xác nhận. Những công trình gần đây của Richard Easterlin về điểm này là rất thuyết phục: trong khi GDP đã tăng tốc quá mức trong hai mươi lăm năm qua, thì phúc lợi chủ quan của người Trung Quốc đã giảm. Điều này đặc biệt đúng đối với các tầng lớp người nghèo nhất và người cao tuổi nhất. Thậm chí điều đáng ngạc nhiên hơn là phúc lợi chủ quan đã tăng lên lại trong khoảng một chục năm qua (nhưng chưa trở lại mức của năm 1990), trong khi sự tăng trưởng kinh tế rõ ràng bị giậm chân tại chỗ so với giai đoạn 1990-2005. Chỉ số hạnh phúc giảm khi sự tăng trưởng kinh tế tăng mạnh, và chỉ số hạnh phúc khởi sắc trở lại khi sự tăng trưởng kinh tế yếu đi.
Huyền thoại thứ haisự tăng trưởng được thúc đẩy bởi chủ nghĩa tự do kinh tế sinh ra chủ nghĩa tự do chính trị. Năm 1989 là một năm trọng đại trong việc hình thành thực tế địa chính trị của chúng ta. Vào tháng 11, Bức tường Berlin sụp đổ, kéo theo, một cách không thể tránh khỏi, sự sụp đổ của Liên Xô. Nhưng, một vài tháng trước đó, vào tháng 6, cường quốc cộng sản khác trên hành tinh này đã nghiền nát, đúng theo nghĩa đen từng chữ, cuộc nổi dậy của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh (10.000 người chết, mà hầu hết giới trẻ Trung Quốc ngày nay thậm chí cũng không biết). Vào thời điểm chính xác đó, những hy vọng cuối cùng về quá trình dân chủ hóa của Trung Quốc, được nhiều cường quốc phương Tây nuôi dưỡng, bắt đầu từ Hoa Kỳ, đã bay mất.
Sức ỳ chính trị của Trung Quốc trong bốn mươi năm qua, đáng kinh ngạc vì những biến động kinh tế đã diễn ra, được minh họa khá đầy đủ bởi các dữ liệu của dự án Polity IV [tính điểm thể chế cho chế độ – ND]: một điện não đồ độc đoán phẳng. Nhưng hình ảnh này là sai: hoạt động của Nhà nước Trung Quốc đã trở nên hiệu quả hơn nhiều trong khi vẫn duy trì chế độ độc đoán và bất công. Nói một cách chính xác, chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc có những đặc điểm của một Nhà nước mạnh theo hai nghĩa của thuật ngữ, một mặt là sự hiệu quả về mặt kỹ thuật để phục vụ cho sự tăng trưởng kinh tế và, mặt khác là sự thoái lui về mặt chính trị được đo bằng sự bịt miệng các quyền tự do dân sự và bóp nghẹt các quyền chính trị. Điều này được thể hiện cụ thể bằng những dữ liệu của dự án Các chỉ báo quản trị toàn cầu [Worldwide Governance Indicators] của Ngân hàng Thế giới (bảng1).
Ba chỉ báo về quản trị Trung Quốc, 1996-2017
Trong khi người ta cho rằng Trung Quốc có thể sẽ là Nhà nước cuối cùng tôn vinh sự đăng quang tất yếu của chủ nghĩa tư bản tự do sau thời kỳ chiến tranh lạnh, nhưng thực tế đó là quốc gia đầu tiên của kỷ nguyên tân tự do độc đoán với những tiền đề mà chúng ta đang trải nghiệm, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Brazil, từ Hungary đến Ấn Độ. Sự đăng quang của chế độ chính trị này đã được dự đoán trước bởi những công trình đáng ngờ của Ủy ban về tăng trưởng và phát triển, cách đây một thập kỷ.
Ôn Gia Bảo (1942-)
Huyền thoại thứ basự tăng trưởng kinh tế là giải pháp cho các cuộc khủng hoảng sinh thái. Sự phát triển của Trung Quốc, bị Thủ tướng Ôn Gia Bảo tố cáo, hơn mười năm trước, như là “không ổn định, không cân bằng [. . . ] và không bền vững” dựa trên một định luật gần như là định luật vật lý: khối lượng con người nhân với tốc độ tăng trưởng bằng với tác động sinh thái. Nhưng sự tăng trưởng kinh tế, về mặt lý thuyết, phải có khả năng ngăn chặn hoặc ít nhất là giảm thiểu thảm họa môi trường Trung Quốc. Ý tưởng sơ đẳng của “đường cong môi trường Kuznets”, trong thực tế, là liên kết quá trình phát triển kinh tế (mà mức độ tăng trưởng được đo bằng mức thu nhập bình quân đầu người) với những thoái hoá về môi trường. Mối quan hệ hình chuông, tương tự như đường cong Kuznets chuẩn, khi đó được coi là một định đề: sự thoái hoá về môi trường, ban đầu, được cho là tăng lên cùng với sự tăng lên của thu nhập bình quân đầu người trước khi đạt đến đỉnh điểm, để rồi sau đó giảm xuống một cách nhẹ nhàng. Ở đây cũng thế, mọi thứ đều chỉ ra rằng huyền thoại nhường bước trước thực tế.
Trước tiên, là vấn đề về các dòng chảy của chất và sự trao đổi chất. Các dữ liệu gần đây cho thấy Trung Quốc đã trở thành cường quốc khai khoáng thứ nhất của hành tinh trong một nền kinh tế toàn cầu, mà khác xa với những ảo tưởng về sự phi vật chất hóa của kỹ thuật số, là chưa bao giờ tiêu thụ các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhiều như vậy. Trong khi, vào năm 2010, Trung Quốc chiếm 14% GDP thế giới, thì họ tiêu thụ 17% sinh khối, 29% các nguồn năng lượng hóa thạch và 44% các nguồn quặng, phục vụ cho một mức tiêu thụ nguyên liệu trong nước chiếm 34% các nguồn tài nguyên thiên nhiên của hành tinh (so với 26% đối với toàn bộ các nước phát triển).
Trung Quốc đã trở thành cường quốc khai khoáng đứng đầu hành tinh
Kế đến là vấn đề khí hậu. Ngày nay, Trung Quốc chiếm 28% lượng phát thải toàn cầu về khí carbon dioxide (hay CO2, tức gấp đôi so với Hoa Kỳ, gấp ba so với Liên minh châu Âu và gấp bốn so với Ấn Độ). Mức phát thải này đã đi từ 1,5 tỷ tấn CO2 vào năm 1978 lên 10 tỷ tấn vào năm 2016 (và từ 1,8 bình quân đầu người lên 7,2, cao hơn Liên minh châu Âu, ở mức 6,9 và cao hơn mức bình quân của thế giới, ở mức 4,2 tấn trên đầu người).
Nạn ô nhiễm nước, nước ngầm và không khí đang ở mức nguy kịch, như điều mà chế độ Trung Quốc bị buộc phải công nhận từ nay, dưới áp lực của các cuộc nổi dậy về bảo vệ môi trường, làm rung chuyển đất nước với hàng ngàn cuộc nổi dậy như vậy mỗi năm. Một nghiên cứu gần đây của tổ chức Greenpeace [Hòa bình xanh], rõ ràng đáng tin hơn nhiều so với các dữ liệu chính thức, cho thấy, ví dụ, 85% nguồn nước sông Thượng Hải là không thể uống được và, khoảng 60%, là không tốt cho mọi sinh hoạt của con người. 92% dân số Trung Quốc hít thở một không khí mất vệ sinh trong hơn 120 giờ một năm, theo các chuẩn mực quốc tế, và nạn ô nhiễm không khí (đặc biệt là các hạt mịn) gây ra cái chết của 1,6 triệu người Trung Quốc mỗi năm, tức 17% của tất cả các trường hợp tử vong trong cả nước.
Trung quốc có điểm chung với Liên Xô cũ là đã chứng minh rằng chủ nghĩa cộng sản độc đoán cũng có thể phá hủy sinh quyển giống như chủ nghĩa tư bản tự do
Kinh nghiệm của Trung Quốc là một sự phủ định đối với những người ủng hộ đường cong môi trường Kuznetscũng như đối với những người ủng hộ khái niệm “capitalocene [thế địa chất mới nhấn mạnh đến trách nhiệm riêng biệt của chủ nghĩa tư bản – ND]”: trong lịch sử kinh tế đất nước kém bền vững nhất về mặt sinh thái là một đất nước cộng sản, chứ không phải là một đất nước tư bản. Trung quốc có điểm chung với Liên Xô cũ là đã chứng minh rằng chủ nghĩa cộng sản độc đoán cũng có thể phá hủy sinh quyển giống như chủ nghĩa tư bản tự do.
Dù sự tàn phá các hệ sinh thái của Trung Quốc có to lớn đến mấy, do một sự siêu tăng trưởng mù quáng chống lại sự phúc lợi sơ đẳng nhất của con người và bản thân tương lai của họ, thì người ta phải ngạc nhiên khi thấy rằng tình hình, đang trên đường cải thiện kể từ khi sự tăng trưởng thoái trào, là không trầm trọng hơn nữa. Đó chính là vì Trung Quốc, cùng lúc mà họ tàn phá môi trường của họ và môi trường của chúng ta, đã thấy mức độ dân số của họ tăng chậm lại đáng kể.
Thực vậy, sự giảm tốc độ gia tăng dân số Trung Quốc là một trong những hiện tượng diễn ra nhanh nhất ở các nước đang phát triển. Tốc độ tăng trưởng dân số hàng năm của Trung Quốc vào năm 2015 thấp hơn một nửa so với tốc độ tăng trưởng dân số toàn cầu và vào khoảng 1/6 tốc độ tăng trưởng dân số trung bình của lục địa châu Phi. Trong bốn mươi năm qua, tốc độ tăng trưởng dân số đã bị chia khoảng gấp ba.
Tỷ suất tăng trưởng (%), trung bình mỗi năm cho mỗi giai đoạn 5 năm

Nguồn: Liên hợp quốc
Vì vậy, Trung Quốc đã hạn chế được những thiệt hại về môi trường do sự tăng trưởng kinh tế của họ gây ra bằng một chính sách theo học thuyết Malthus, chính sách mà hiện nay họ đang cố gắng nới lỏng trong khi vẫn tiếp tục chinh phục các nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới. Chủ nghĩa đế quốc sinh thái Trung Quốc, trên cơ sở dân số già đi, được cho là hiện tượng địa chính trị quan trọng nhất trong bốn mươi năm tới.
Ngày 18 tháng 10 năm 2017, trong lễ khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh, Tập Cận Bình tuyên bố: “Chúng ta hiện đang đối mặt với một mâu thuẫn lớn giữa sự phát triển không cân bằng và không tương xứng với khát vọng của người Trung Quốc về một cuộc sống tốt hơn. Bằng một ngôn ngữ hoàn toàn dễ hiểu, vị Chủ tịch Trung Quốc, người ngày càng trông giống Mao Trạch Đông, khẳng định với quốc gia và thế giới về sự chuyển tiếp đã được khởi động hướng tới nền văn minh sinh thái bằng kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020). Cuộc thí nghiệm lớn nhất về tăng trưởng kinh tế trong lịch sử nhân loại vừa kết thúc.
Eloi Laurent là nhà kinh tế, giáo sư tại Đại học Science Po và Đại học Stanford.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Les trois mythes du boom économique chinois, Alternatives Economiques, 12/12/2018.
Print Friendly and PDF