12.3.19

Bàn tay vô hình đã chết!

BÀN TAY VÔ HÌNH ĐÃ CHẾT!
Đã đến lúc cân nhắc lại phép ẩn dụ căn bản trong kinh tế học
David Sloan Wilson
Ngày xưa, khi một vị vua lìa trần và người kế vị lên ngôi, người ta loan báo: “Hoàng đế băng hà! Thánh Thượng vạn tuế!”. Tôi chính thức công bố cái chết của khái niệm Bàn Tay Vô Hình đồng thời giới thiệu khái niệm thay thế.
Ai cũng biết Bàn Tay Vô Hình là phép ẩn dụ của Adam Smith có hàm ý về khả năng tự vận hành của nền kinh tế mà không cần bất cứ ai phải lưu tâm đến lợi ích chung của nền kinh tế. Phép ẩn dụ này được sử dụng chỉ ba lần trong tác phẩm kinh điển của Smith, nên nó không đại diện cho toàn bộ tư tưởng của ông, nhưng nó đã ngự trị như một ông vua cùng với sự phát triển của kinh tế học tân cổ điển, con người kinh tế (Homo economicus) và tất cả những thứ tương tự.
Vị vua này rất đáng chết nhưng không dễ lấy mạng ông ta. Theo tôi, có hai đòn trí mạng rốt cuộc đã kết liễu đời ông. Đòn thứ nhất là những hậu quả tai hại do luật lệ của chính nhà vua gây ra. Nếu bạn vẫn phủ nhận điều này sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, thì sự phân rã hiện tại của Liên Minh Châu Âu (European Union) sẽ giúp bạn nhận ra chân tướng.
Đòn thứ hai chính là sự sụp đổ của thành trì lý thuyết đã chống đỡ cho cựu hoàng và sự tiếm ngôi của thành trì mới dựa trên sự kết hợp của thuyết tiến hóa và thuyết phức hợp. Theo quan điểm của thành trì lý thuyết mới, tự do tư lợi ở tầng thấp sẽ luôn mang lại lợi ích chung ở tầng cao là điều hết sức vô lý. Cựu hoàng quả là một ông vua kì quái, trần trụi. Chấm hết. Hãy chôn ông ta và sống tiếp.
Adam Smith (1723-1790)
Bạn có thể cho rằng không nên thay thế cựu hoàng bằng bất cứ vị vua nào cả. Phép ẩn dụ bàn tay vô hình thực ra không có tầm vóc đáng kể trong tư tưởng của Smith; hà cớ gì nó lại chễm chệ ngự trị trong tư tưởng của chúng ta? Tuy nhiên, do khái niệm vững chắc về bàn tay vô hình vốn khởi phát từ thuyết tiến hóa và thuyết phức hợp, vì vậy mà có một vị vua mới lên ngôi.
Điều cốt lõi để xác định khái niệm xác đáng của Bàn Tay Vô Hình là tập trung vào hai điều kiện trọng tâm của nó: (1) Xã hội tự vận hành tốt; và (2) Các thành viên trong xã hội không nhất thiết phải lưu tâm đến phúc lợi xã hội. Có xã hội phi loài người nào thỏa mãn được hai điều kiện này không? Nhiều xã hội không thỏa mãn được. Một bài học hóc búa về tự nhiên là nhiều xã hội động vật có đặc tính chuyên chế theo như cách hiểu của loài người. Đó là những xã hội mà “Đời là bể khổ, rồi ai cũng về với cát bụi” đã tồn tại hàng triệu năm mà không có bàn tay vô hình nào cứu rỗi.
Tuy vậy, có một số xã hội động vật thỏa mãn được điều kiện thứ nhất, như xã hội loài ong, kiến, và mối. Các sinh vật đa bào cũng được xem là những xã hội vận hành tốt ở các đơn vị tầng lớp thấp như cơ quan, tế bào, và gen. Bất cứ khi nào xã hội loài vật thỏa mãn được điều kiện thứ nhất của phép ẩn dụ thì cũng đáp ứng được điều kiện thứ hai, bởi vì ong, tế bào, và gen không có trí tuệ theo nghĩa của từ này trong ngôn ngữ của con người.
Bạn có thể cho rằng so sánh côn trùng sống bầy đàn với một sinh vật đơn lẻ, một sinh vật đa bào với một xã hội, hoặc một trong hai với xã hội loài người là cường điệu hóa - nhưng bạn có thể sai lầm hoàn toàn. Theo Lý thuyết Chọn Lọc Tác Động Trên Nhiều Tầng Lớp (Multilevel Selection Theory - MLS), những cặp so sánh này đều có ý nghĩa, lý thuyết này phân chia sự chọn lọc tự nhiên thành các thành tố trong cùng nhóm và các thành tố giữa các nhóm. Dựa trên nguyên tắc đánh đổi, các đặc điểm tối đa hóa sự thích ứng của cá thể trong cùng nhóm ít khi tối đa hóa sự thích ứng của cả nhóm, so với nhóm khác trong một quần thể có nhiều nhóm. Nguyên tắc chung là: Thích ứng với bất kỳ tầng nào của một xã hội đa tầng lớp đòi hỏi quá trình sàng lọc ở tầng đó và có xu hướng coi nhẹ sự sàng lọc ở những tầng thấp hơn. Hay, như một Wilson khác (Edward O.) và tôi đã viết trong bài báo năm 2017 như sau: “Sự ích kỷ triệt hạ sự vị tha trong nhóm, những nhóm vị tha đánh bại những nhóm ích kỷ. Những thứ khác đều quan trọng.”
Lý thuyết MLS vạch rõ rằng các xã hội vận hành tốt khi và chỉ khi bản thân các xã hội là kết quả trực tiếp hay gián tiếp của sự chọn lọc ở tầng xã hội. Sự chọn lọc ở tầng cao chính là bàn tay vô hình, đóng vai trò sàng lọc những tương tác ở tầng thấp, đóng góp cho lợi ích chung, như những cây kim lẫn trong đống rơm các tương tác ở tầng thấp làm tổn hại lợi ích chung.
Bất cứ xã hội nào cũng đủ điều kiện là một thực thể dưới góc độ sự chọn lọc giữa các xã hội vượt trội sự chọn lọc phân rã trong cùng nhóm. Tính chất “phân rã” rất quan trọng vì một số quá trình chọn lọc trong cùng nhóm có thể tốt cho nhóm và được hưởng lợi từ chọn lọc giữa các nhóm. Tiến bộ văn hóa là quá trình đa tầng, cũng giống như quá trình tiến hóa di truyền, và hai luồng kế thừa đã cùng phát triển suốt một thời gian khá dài trong các chủng loài của chúng ta nên chúng đã trở thành một thể xoắn kép.
David S. Wilson (1949-)
Vai trò của tôi không phải là sứ giả mô tả tỉ mĩ vị vua mới (ít ra là trong bài tiểu luận ngắn này), tôi chỉ thông báo việc ngài lên ngôi mà thôi. Khái niệm xã hội là một sinh thể có gốc gác lâu đời hơn khái niệm bàn tay vô hình, nhưng việc xem xét nghiêm túc khái niệm này dưới góc nhìn tiến hoá/phức hợp sẽ tạo ra sự biến chuyển cho kinh tế học và chính sách công. Tân hoàng vạn tuế và hy vọng rằng ngài đã ngự đúng thời điểm để đưa chúng ta thoát khỏi những tàn dư của cựu hoàng.
Về tác giả:
David Sloan Wilson là Giáo sư Sinh học và Nhân chủng học tại Đại học Binghamton, ông được trao danh hiệu Giáo Sư Ưu Tú của trường The State University of New York (SUNY), và danh hiệu Arne Naess Chair vì những đóng góp to lớn cho Chương Trình Công Lý Toàn Cầu và Môi Trường tại Đại học Oslo. Tác phẩm mới nhất của ông có tựa đề Có chăng sự rộng lượng? (Does Altruism Exist?).
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Nguồn:The Invisible Hand is Dead!”, evonomics.com, 25/6/2016.
Print Friendly and PDF