21.3.19

Công nghệ tài chính ở Trung Quốc: từ tích hợp tài chính đến kiểm soát xã hội


CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH Ở TRUNG QUỐC: TỪ TÍCH HỢP TÀI CHÍNH ĐẾN KIỂM SOÁT XÃ HỘI
Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn Alibaba, Jack Ma. (Nguồn: Yicai Global)
Với một thị trường 730 triệu người dùng Internet, Trung Quốc chiếm ưu thế như là trung tâm thần kinh của ngành tài chính kỹ thuật số, hay “fintech [công nghệ tài chính]”. Những đại gia của các ngành công nghệ mới cắm rễ sâu nhất trong các thực hành hàng ngày của xã hội tiêu dùng Trung Quốc. Baidu, Alibaba và Tencent đã biết phát triển những hệ sinh thái toàn diện, kết hợp các thói quen sử dụng hàng ngày và dịch vụ tài chính. Thành công còn mạnh hơn nữa khi tầng lớp trung lưu Trung Quốc đã bị bỏ rơi bởi một hệ thống ngân hàng chủ yếu hướng đến việc tài trợ cho bộ máy công nghiệp. Nhưng sự vươn lên này của công nghệ tài chính cũng có mặt tối của nó. Nó tham gia vào việc tăng cường kiểm soát các hành vi xã hội.
CẤU TRÚC MẤT CÂN BẰNG CỦA CUNG NGÂN HÀNG
Sự thành công của công nghệ tài chính Trung Quốc nằm ở sự kết hợp giữa một xã hội khao khát công nghệ mới, một hệ thống ngân hàng kém phát triển và một môi trường điều tiết linh hoạt. Chịu đựng qua nổi vụ nổ “big bang” của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc hiện ngày nay có những ngân hàng trong số lớn nhất thế giới. Nhưng dưới sự bảo trợ của chính phủ, hệ thống ngân hàng được cấu trúc chủ yếu xung quanh việc tài trợ cho các công ty quốc doanh và các chính quyền địa phương. Gần hai phần ba các khoản cho vay đều dành cho họ. Ngược lại, các doanh nghiệp nhỏ và tầng lớp trung lưu phải gánh chịu một chế độ tín dụng bị hạn mức và hưởng lợi thấp trên tiền kí gửi.
Điều tự nhiên là các đại gia về kỹ thuật số đã khỏa lấp khoảng trống nói trên bằng cách đáp ứng toàn bộ các nhu cầu, về mặt tài chính và phi tài chính. Phải nói rằng tiềm năng tăng trưởng là rất lớn: tầng lớp trung lưu Trung Quốc là tầng lớp quan trọng nhất trên thế giới. Từ nay đến năm 2020, dự kiến ​​sẽ có hơn 400 triệu người lao động với thu nhập hàng năm ít nhất là 10.000 US$[1].
THANH TOÁN DI ĐỘNG NHƯ CON NGỰA THÀNH TROY
Điện thoại thông minh đã trở thành người bạn đồng hành vào mọi thời điểm của người tiêu dùng Trung Quốc. Nó được sử dụng để giao tiếp với xã hội, tiếp nhận thông tin, đặt hàng một bữa ăn, gọi xe taxi, thanh toán cho cửa hàng hoặc chuyển tiền cho một người dùng khác... Từ nay, việc quét QR qua điện thoại của mình để thanh toán cho các giao dịch mua sắm là chuẩn mực. Tiền mặt và thẻ ngân hàng gần như đã trở thành điều lỗi thời. Tiền mặt được dự kiến ​​chỉ chiếm 30% (về giá trị) các giao dịch từ nay đến năm 2020, so với gần 60% vào năm 2010.
Alipay, ví điện tử của Alibaba hiện có 450 triệu người dùng. Không ít hơn 175 triệu cuộc thanh toán được xử lý hàng ngày, 60% trong số đó được thực hiện từ điện thoại thông minh. Từ nay, Alipay kiểm soát 55% các giao dịch trực tuyến so với 39% đối với Tenpay, được hỗ trợ bởi mạng xã hội WeChat.
Ant Financial, công ty tài chính con của Alibaba (điều hành Alipay), vào năm 2016, đã thực hiện một siêu chiến dịch gây quỹ trị giá 4,5 tỷ US$. Trong năm nay, nó dự kiến sẽ gia nhập thị trường chứng khoán với giá trị vốn hóa được ước tính từ 80 đến 100 tỷ US$. Đủ để đưa nó đứng đầu các giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, trước cả các ngân hàng lớn như BNP Paribas hay Goldman Sachs.
Ngoài các giải pháp thanh toán, các đại gia kỹ thuật số Trung Quốc còn bao trùm toàn bộ các dịch vụ ngân hàng. Ant Financial đã đa dạng hóa [các sản phẩm của họ] và đề xuất một giải pháp quản lý gia sản (Yu'e Bao), một ngân hàng trực tuyến (MYbank), một nền tảng tín dụng vi mô (Ant Micro Loan), một dịch vụ xếp hạng tín dụng (Zhima Credit) và một hệ thống lưu trữ tin học từ xa cho các định chế tài chính (Ant Financial Cloud). Từ nay, Yu'e Bao là quỹ tiền tệ lớn nhất trên thế giới, quản lý hơn 250 tỷ US$ trị giá các tài sản. Với lãi suất hàng năm gần 4%, quỹ đầu tư này sẽ hút các khoản tiền gửi ngân hàng truyền thống vốn ở mức gần bằng 0.
Không xa thiên hà Ant Financial là các ngôi sao khác đang xoay quanh. Chuyên về tín dụng vi mô, Qudian đã huy động được 11,67 tỷ US$ khi gia nhập Sở giao dịch chứng khoán New York vào năm 2017. Dựa vào cơ sở hạ tầng của Ant Financial, nền tảng này cho phép các sinh viên và nhân viên trẻ mua trả chậm điện thoại thông minh, máy vi tính và các thiết bị điện tử khác.
Công ty bảo hiểm trực tuyến Zhong An cũng chứng kiến một sự tăng trưởng đặc biệt. Kể từ khi được thành lập vào năm 2013, nó đã phân phối hơn 8,2 tỷ US$ giá trị hợp đồng bảo hiểm cho 543 triệu đối tượng được bảo hiểm. Doanh số kinh doanh của nó được thực hiện xung quanh các sản phẩm ngách được tích hợp qua các quá trình mua sắm trực tuyến. Zhong An cung cấp hơn 300 sản phẩm bảo hiểm vi mô, chẳng hạn như các hợp đồng bảo hiểm chậm trễ khi sử dụng máy bay, bảo hành các trường hợp điện thoại thông minh bị vỡ hoặc hoàn trả chi phí giao hàng trong trường hợp sản phẩm bị trả lại khi mua sắm trực tuyến. Được thành lập theo sáng kiến ​​của Alibaba, Tencent và Ping An, công ty bảo hiểm này từ nay đã có giá trị vốn hóa lên đến 11 tỷ US$.
Còn nền tảng Lufax lại chuyên về các khoản vay giữa các cá nhân với nhau (“peer to peer” hay P2P). công ty con của công ty bảo hiểm Ping An, nó có hơn 32 triệu người dùng. Ngành kinh doanh này chắc chắn là một trong những ngành kinh doanh mang tính đầu cơ nhiều nhất. Gần đây, đã có nhiều nền tảng kiểu P2P phá sản ở Trung Quốc, trong đó có một số công ty hoạt động gian lận như Ezubao. Cũng vì thế, khi đạt đến một quy mô tới hạn, công nghệ tài chính Trung Quốc bắt đầu cho thấy một rủi ro có tính hệ thống. Từ nay, lĩnh vực này là đối tượng nhận được sự quan tâm lớn nhất từ phía cơ quan điều tiết.
CÔNG NGHỆ tài chính NHƯ phương THỨC KIỂM SOÁT XÃ HỘI
Nhờ sự giao nhau giữa dữ liệu cá nhân và dữ liệu tài chính, các đại gia kỹ thuật số Trung Quốc, từ nay, là những người làm nên thị trường”. Lợi dụng các hiệu ứng khổng lồ của hệ thống mạng, họ thực hiện chủ quyền về mặt chức năng lên những lĩnh vực rộng lớn hơn bao giờ hết của xã hội tiêu dùng. Baidu, Tencent hoặc Alibaba đầu tư vào tất cả các lĩnh vực, từ lĩnh vực tài chính đến chăm sóc y tế, thông qua các giải pháp cơ động đô thị. Sự thống trị này về mặt chức năng hình thành một dạng chủ nghĩa phong kiến”[2].
Chủ nghĩa phong kiến ​​v kỹ thuật số này không mâu thuẫn với mô hình chỉ huy của bộ máy nhà nước Trung Quốc. Sự điều tiết và sự tối ưu hóa các giao dịch thị trường (catallaxy [thị trường tự phát]) dần dần sẽ được giao lại cho các tác nhân kỹ thuật số. Đổi lại, đại dương các dữ liệu được tạo ra từ [catallaxy] đó cho phép lĩnh vực hoạt động công đóng khung các động lực xã hội và chính trị.
Sự cất cánh của công nghệ tài chính là một phần không thể thiếu trong kế hoạch của chính phủ nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính của một xã hội tiêu dùng phồn thịnh. Nhưng đó cũng là một yếu tố then chốt của một dự án lớn hơn để giám sát công dân thông qua Dữ liệu lớn [Big Data][3]. Tài chính là một “sự kiện xã hội tổng thể”, là bất cứ điều gì ngoại trừ sự trung lập. Hành vi mua hàng chuyển tải các lô-gic văn hóa và chính trị mạnh. Vì vậy, việc nhận dạng các dòng tiền tệ cho phép tăng cường sự giám sát xã hội. Ví dụ, nhà nước Trung Quốc dự kiến phát triển một hệ thống tín dụng xã hội”, đánh giá mức độ tín nhiệm của cá nhân. Được dự kiến [đưa vào hoạt động] vào năm 2020, thuật toán xếp hạng công dân này dựa trên sự phân tích các hành vi kỹ thuật số. Quyền tiếp cận các dịch vụ công sẽ phụ thuộc vào hệ số đáng tin nói trên. Việc phát triển hệ thống đã được giao cho các doanh nghiệp tư nhân, trong đó có đại gia Alibaba. Đối với mạng xã hội Wechat, cuối cùng nó có thể hoạt động như một thẻ căn cước phi vật chất hóa. Ví dụ của Trung Quốc cho thấy rằng, khi được đẩy đến cực điểm, công nghệ tài chính có thể làm giảm chủ quyền cá nhân một cách tiềm tàng.
Bertrand Hartemann
Giới thiệu tác giả
Giám đốc Marketing có trụ sở tại Bắc Kinh, là một chuyên gia về quản lý sự đổi mới, Bertrand Hartemann đam mê các mô hình kinh doanh mới phát sinh từ sự đổi mới có tính đoạn tuyệt của kỹ thuật số. Sau khi tốt nghiệp đại học Sorbonne và CNAM về pháp luật, tài chính và kinh tế, ông có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc chuyên môn tại Pháp và Trung Quốc.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch




Chú thích:

[1] McKinsey, 2016.

[2] Bruce Schneier, 2012.

[3] Nicholas Loubere, 2016.

Print Friendly and PDF