9.3.19

Robinson Crusoe, một cuốn tiểu thuyết được sử dụng và bị lạm dụng như thế nào?


ROBINSON CRUSOE, MỘT CUỐN TIỂU THUYẾT ĐƯỢC SỬ DỤNG VÀ BỊ LẠM DỤNG NHƯ THẾ NÀO?
Không nhân vật tiểu thuyết nào ảnh hưởng đến kinh tế chính trị bằng Robinson. Sau Rousseau, một nhà văn rất ngưỡng mộ nhân vật này – còn Marx thì ngược lại, chế giễu – những nhà kinh tế theo trường phái cận biên đã biến Robinson trở thành đại diện mang tính biểu tượng cho homo oeconomicus [con người kinh tế]. Nhưng góc nhìn này lại phản bội, một phần, chính tác phẩm của nhà văn Defoe.
Daniel Defoe (1660-1731)

Robinson Crusoe, tiểu thuyết của Daniel Defoe được xuất bản vào năm 1719 đã không chỉ là một huyền thoại văn học: nó đã tạo ra một ảnh hưởng quyết định đến các nhà kinh tế. Họ đã lấy luôn hình tượng nhân vật của Robinson làm đại diện biểu tượng của homo oeconomicus trong nền kinh tế thị trường. Theo một cách thức có vẻ nghịch lý, câu chuyện cuộc đời của một người đàn ông bị đắm tàu ​​trên mt hòn đảo hoang vắng đã được xem là hin thân ca những tác nhân được đặt trong mt xã hi đậm nét phân công lao động. Robinson chắc chắn là một trong số ít những nhân vật tiểu thuyết lại có tác động sâu đậm vào kinh tế chính trị học đến thế. Bằng chứng là trong từ điển kinh tế New Palgrave, từ điển tham khảo chuyên ngành, đã xuất hiện mục “Robinson Crusoe”, trong đó mối quan hệ giữa tiểu thuyết và việc các nhà kinh tế vận dụng nó đã được nghiên cứu và thảo luận. Đây chắc chắn là cuốn tiểu thuyết duy nhất có được một vị thế như vậy trong kinh tế học.
Tiểu thuyết của Defoe

Cuốn tiểu thuyết đã không bắt đầu bằng cảnh đắm tàu và nội dung không chỉ chủ yếu là giai đoạn mắc kẹt ở hòn đảo hoang vắng. Để hiểu được nhân vật Robinson và những biến đổi mà giai đoạn này tạo nên nơi anh ấy, ta cần nhớ rằng, chàng Robinson trẻ tuổi, vốn thuộc tầng lớp trung lưu Anh quốc và được gia đình chuẩn bị để trở thành luật sư, đã lựa chọn ra khơi để thỏa lòng mong muốn phiêu lưu và làm giàu. Sau khi đối mặt với các cơn bão, bị cướp biển bắt ở châu Phi, rồi trốn sang Brazil để khai thác một đồn điền đường và cà phê, tại đây anh khởi sự buôn bán nô lệ và rồi quay trở lại châu Phi. Chỉ sau khi một cơn bão làm đắm tàu, mà Robinson là người duy nhất sống sót, anh mới tìm cách sống còn trên hòn đảo hoang vắng. Như một người Anh quốc chính cống, theo như bình luận mỉa mai của Marx trong cuốn Tư bản, việc Robinson vớt được khỏi bị chìm không những bút và mực, mà còn cả các công cụ, vật phẩm dự trữ, vũ khí và thậm chí cả tiền bạc nữa ... Ta thấy ông ấy đã xây được một nơi trú ẩn, sống nhờ săn bắt, câu cá, hái quả và thu lượm các vật phẩm còn sót lại trong xác tàu, sau đó thuần hóa dê, trồng lúa mì, làm bánh mì và chế tạo đồ đạc nhằm cải thiện cuộc sống hàng ngày. Để xua đi sự cô đơn mà ông thấy là bất hạnh lớn nhất của mình, ông đã cầu nguyện, viết nhật ký và thuần hóa một con vẹt làm vật nuôi. Chỉ đến năm thứ hai mươi tư của ông ở trên đảo, ông mới cứu được một người thổ dân từ lũ ăn thịt người, mà sau này ông đặt tên là Thứ Sáu và biến anh ta trở thành người phục vụ và bạn hữu của mình. Vài năm sau, cả hai đã có thể rời khỏi hòn đảo, trên một chiếc thuyền của Anh, nhượng lại hòn đảo mà Robinson sở hữu ấy cho thực dân Tây Ban Nha.
L’Emile hay là về giáo dục của Rousseau, với nhà giáo dục Robinson
J.-J. Rousseau (1712-1778)

Với Rousseau, mặc dù ông không thể được đánh giá là một nhà kinh tế, nhưng ông có lẽ là tác giả đầu tiên biến Robinson trở thành một mẫu hình kinh tế. Ông đã phân tích về tiểu thuyết của Daniel Defoe suốt chiều dài cuốn Emile hay là về giáo dục [1762], một chuyên luận trình bày việc giáo dục một đứa trẻ từ khi sinh ra đến tuổi trưởng thành, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho hạnh phúc và đức hạnh sau này và trang bị chống lại những bất hạnh không thể tránh khỏi. Chính trong cuốn thứ III của Emile hay là về giáo dục, trong giai đoạn sau thời thơ ấu và trước tuổi dậy thì, khi các năng lực của đứa bé vượt quá nhu cầu của nó, mà cậu học trò trẻ tuổi, cho tới lúc đó chưa được đọc một cuốn sách nào, mới được trao vào tay cuốn tiểu thuyết của Defoe: “Vì ta dứt khoát cần đọc sách, nên có một cuốn sách cung cấp, theo ý kiến ​​ca tôi, lun thuyết hnh phúc nht v giáo dc t nhiên. Đây là cun sách đầu tiên mà Emile của tôi sẽ đọc; chỉ một mình cuốn đó sẽ lấp đầy thư viện của đứa trẻ trong suốt một thời gian dài và vẫn sẽ nắm giữ một vị trí danh dự sau này. Nó sẽ là văn bản quan trọng đến nỗi tất cả những thảo luận về khoa học tự nhiên của chúng tôi chỉ dùng để bình luận cho nó mà thôi. Nó sẽ được sử dụng như một bài kiểm tra trong suốt quá trình tiến bộ về khả năng lập luận của chúng tôi, và chừng nào thị hiếu của chúng ta chưa bị hư hoại, việc đọc nó sẽ luôn là niềm vui thú với chúng ta. Vậy cuốn sách kỳ diệu đó là gì vậy? Có phải của Aristotle không? Phải của Pliny không? Hay Buffon? Không, đó là của Robinson Crusoe?” [Rousseau, 1762, tr. 454-455].
Việc lựa chọn cuốn tiểu thuyết này của Rousseau xuất phát từ việc “Robinson Crusoe ở hòn đảo của ông ấy, một mình, không có hỗ trợ của đồng loại, cũng như các công cụ cho bất cứ loại hình nghệ thuật nào, tuy nhiên lại tự cung ứng cho bản thân để sống còn, và thậm chí còn đem lại cho bản thân một sự thoải mái nhất định” là cách lý tưởng để giảng dạy cậu học trò trẻ tuổi về những nhu cầu thực sự của cậu. Dù tình trạng của Robinson Crusoe không phải là tình trạng của một con người xã hội và Emile sẽ không bao giờ rơi vào hoàn cảnh đó, nhưng từ tình trạng này mà Emile “phải đánh giá tất cả những tình trạng khác” [sđd, tr. 455].
Việc giáo dục Emile phải cho phép cậu ta hòa nhập vào quá trình phân công lao động và vị gia sư sẽ chăm lo sao cho “những ý tưởng về các mối quan hệ xã hội được hình thành trong tâm trí của một đứa trẻ”, và đặc biệt là ý tưởng rằng sự sống còn của mình phụ thuộc vào lao động của người khác, mà một người có thể đạt được bằng cách trao đổi những gì anh ta cần. “Emile không phải là một kẻ hoang dã cần đày xuống sa mạc [nhưng] là một kẻ hoang dã được sinh ra để sống ở thành phố”, và “nó cần phải biết cách tìm ra những thứ nhu yếu cho bản thân, tận dụng lợi thế của cư dân xung quanh, và biết sống, nếu không giống họ, thì ít nhất cũng sống với họ” [sách đã dẫn, trang 484]. Robinson được đưa ra như một ví dụ, không phải để duy trì ở Emile ý tưởng sai lầm là cậu ta có thể tự tách mình khỏi việc giao thương với các đồng loại nhưng là để bảo tồn, trong việc giao thương đó, lòng mong muốn một sự tiện nghi, thoải mái và cảm hứng được sống có ích – vốn là điểm đặc trưng ở con người Robinson.
Đối với Rousseau, chính là thông qua lao động và nhu cầu mà ta đến với lĩnh vực kinh tế học và nhân vật Robinson tạo cảm hứng cho cậu Emile trẻ tuổi dấn thân vào những trải nghiệm đầu tiên này. Những công việc của Robinson khác với công việc trong xã hội thị trường mới chớm sinh ở chỗ: những công việc này chỉ có một động cơ là có ích: một lợi ích chỉ dừng lại ở sự cần thiết, bao gồm cả tiện nghi hay thừa thãi, nhưng nó không phụ thuộc vào vị thế xã hội, những suy đồi của chứng yêu bản thân và nhất là ham muốn sự xa xỉ vốn lũng đoạn xã hội thị trường. Theo Rousseau, Robinson không biết đến cái sự phù phiếm gây phương hại đến tình yêu bản thân và hạnh phúc đích thực. Cuộc sống ẩn dật của Robinson, làm cách ly anh ta với đồng loại, đã đặt anh ta vào những điều kiện mà lòng tự ái không còn lý do gì để tồn tại. Chính vì thế mà anh ta trở thành hình mẫu cho cậu bé Emile.
Rousseau sẽ không phải là người duy nhất thấy trong Robinson hiện thân của một tác nhân kinh tế mẫu mực. Các nhà kinh tế nói đến nhân vật này từ cuối thế kỷ 19 cũng dành cho loại hình kinh tế của Robinson Crusoe một tiêu chuẩn đáng mong muốn. Nhưng sự lưu ý của Rousseau đối với tính điều độ của nhu cầu, xuất hiện rất nhiều trong tiểu thuyết của Defoe, lại không được các nhà kinh tế tán đồng.
Trạng thái nguyên thủy của kinh tế học cổ điển: câu chuyện kiểu Robinson đóng vai trò như khuôn khổ cho mọi cuộc trao đổi
Các nhà kinh tế học cổ điển không đề cập đến nhân vật Robinson cũng như tiểu thuyết của Defoe, nhưng lại tưởng tượng ra những câu chuyện kiểu Robinson, đó là những tình huống liên quan đến những cá nhân cô lập nhưng sự tình cờ đã tạo ra những cuộc gặp gỡ.

Jacques Turgot (1727-1781)
Từ năm 1769, Turgot, trong Valeur et monnaie [Giá trị và tiền tệ], tưởng tượng hai người đàn ông cô lập trao đổi cá với da. Trong những điều kiện hư cấu này, đó là câu hỏi về việc thiết lập giá trị trao đổi của một vật phẩm này với một vật khác. Trong Của cải của các quốc gia, xuất bản năm 1776, Adam Smith miêu tả trạng thái nguyên thủy của xã hội, trước khi có việc sở hữu đất đai hay tích lũy tư bản, trong đó các thợ săn hươu và hải ly trao đổi sản phẩm theo một tỷ lệ phụ thuộc vào số lượng tương đối lao động cần thiết để sản xuất chúng.
Bất kể sự khác biệt trong các lý thuyết về giá trị trao đổi, các câu chuyện kiểu Robinson của kinh tế chính trị học cổ điển minh họa cách thức mà các cá nhân được đặt trong điều kiện tự nhiên, nghĩa là nằm ngoài các quy tắc xã hội đã được thiết lập trước đó, thông qua trao đổi, đáp ứng được các nhu cầu chung của họ. Những câu chuyện kiểu Robinson này minh họa các lý thuyết về giá trị mà chức năng là để thiết lập các quy tắc trao đổi, mà không tính đến các hoàn cảnh lịch sử. Do đó, các nhà kinh tế học cổ điển có tham vọng nghiên cứu các quy luật của nền kinh tế từ một tình trạng hư cấu, giống với tình trạng của Robinson là đặt con người trong một mối quan hệ với thiên nhiên, trong đó chỉ duy có lao động của họ chi phối mối quan hệ này.
Kinh tế học tư bản chủ nghĩa bắt nguồn từ những câu chuyện kiểu Robinson ban đầu này và vẫn sẽ giữ lại một số đặc điểm của chúng, cho dù có một số khác biệt, chẳng hạn chỉ vì kinh tế học này làm hiện lên những thu nhập không phải bắt nguồn từ lao động mà từ sự sở hữu đất đai hoặc tư bản.
Marx, từ những phê phán các câu chuyện kiểu Robinson đến sự tham chiếu nghịch lý đến Robinson
Marx, trong Lời nói đầu phê phán khoa kinh tế chính trị [l’Introduction à la critique de l’économie politique] đã bác bỏ khả năng thiết lập nguồn gốc và bản chất của xã hội thị trường tư bản chủ nghĩa của chính những câu chuyện kiểu Robinson này. “Những thợ săn bị cô lập” của Smith hay của Ricardo thuộc vào nhóm “những hư cấu tưởng tượng kém cỏi của thế kỷ 18” [1859, trang 235]. Những hư cấu ấy chắc chắn đã phát biểu một phần sự thật về chủ nghĩa tư bản, vì bất cứ ai sống trong đó, như Robinson, đã bị cô lập khỏi những người khác và bị tước đoạt các liên kết xã hội truyền thống. 
Nhưng những câu chuyện kiểu Robinson đã sai khi minh họa lao động như là một mối quan hệ với thiên nhiên, trong khi nó, trong xã hội tư bản, cũng như trong các xã hội trước đó, là một mối quan hệ xã hội, được thành lập trên những định chế xác định quyền tiếp cận các phương tiện sản xuất.

Trong quyển I của bộ Tư bản [1867], vẫn tiếp tục với giọng mỉa mai mà Marx nhắc đến Robinson như sau: “Vì nền kinh tế chính trị thích những câu chuyện kiểu Robinson, nên trước tiên ta hãy ghé thăm Robinson trên hòn đảo của anh ta. Đạm bạc khiêm nhường, như bản chất anh ta vẫn thế, nhưng không vì thế mà không có nhiều nhu cầu khác nhau cần phải thỏa mãn, và anh ta cần làm những công việc hữu ích thuộc nhiều loại khác nhau, ví dụ như tự mình đóng đồ nội thất, chế tạo công cụ, thuần hóa động vật, câu cá, săn bắn, v.v. [...] Bản liệt kê của anh ta gồm có những vật dụng hữu ích mà anh ấy sở hữu, những kiểu lao động khác nhau tùy theo yêu cầu của việc sản xuất, và cuối cùng là thời gian lao động trung bình để sản xuất ra một số lượng nhất định các sản phẩm khác nhau này. Tất cả những quan hệ giữa Robison và các thứ làm nên của cải mà anh ta tự tạo ra cho mình là [...] đơn giản và minh bạch.”
Nếu mối quan hệ giữa Robinson và của cải là minh bạch, đó là vì anh ta thực hiện những công việc cụ thể để tạo ra những đồ vật hữu ích cho anh ta. Tính minh bạch bị loại bỏ trong xã hội thị trường tư bản chủ nghĩa, trong đó những tác nhân bị nhầm lẫn với các Robinson và tin một cách sai lầm rằng việc sản xuất của họ là một mối quan hệ với các đồ vật, trong khi trên thực tế đó là một mối quan hệ xã hội. Tác nhân thị trường sản xuất không phải để cho mình sử dụng, mà là để bán, đó là cho giá trị trao đổi. Của cải của chủ nghĩa tư bản, trước tiên không được thể hiện dưới hình thức của các vật dụng hữu ích, mà mang hình thái của các hàng hóa: đó là những sản phẩm có một giá riêng.
Chắc chắn, hàng hóa chỉ bán được khi chúng có một lợi ích nào đó cho ai mua lại chúng. Nhưng tác nhân thị trường sản xuất trong khi không chắc chắn về lợi ích của những món đồ mà họ cung cấp này sẽ được đánh giá như thế nào. Có thể sẽ không có “cú nhảy nguy hiểm” của hàng hóa, sự trao đổi nó với một khoản tiền, điều vì thế mà nó được sản xuất có thể không xảy ra. Lao động cụ thể của các cá nhân có thể không được trở thành lao động xã hội, vốn chỉ được công nhận bởi những người mà lao động đó nhắm tới. Nhưng sự không chắc chắn của sự xác nhận về mặt xã hội của lao động cá nhân lại không được quan sát thấy trong mọi nền sản xuất xã hội nào. Nó đặc trưng cho xã hội thị trường tư bản chủ nghĩa. Trong xã hội phong kiến, nơi các nông nô làm việc gần như miễn phí cho các lãnh chúa, trong các gia đình nông dân sống theo chế độ tự cung tự cấp (autarcie), công việc mà các cá nhân thực hiện được xác nhận về mặt xã hội ngay lập tức. Chúng được thực hiện một cách cưỡng bức, dưới sức ép và những người thực hiện chúng chẳng hề coi chúng như một mối quan hệ với thiên nhiên.
Trong trường hợp này, đặc tính xã hội của lao động, và thực tế là lao động đó chịu sự chi phối của quan hệ quyền lực và sở hữu và các quan hệ này trước hết lại không phụ thuộc vào công việc do mỗi cá nhân thực hiện, hoàn toàn không bị giấu giếm gì. Ngược lại, trong chủ nghĩa tư bản, bản chất xã hội của lao động bị che giấu bởi thực tế là mọi người đều nghĩ rằng mình làm việc cho sự sinh tồn của chính bản thân chứ không phải cho người khác, và những mối quan hệ kinh tế với người khác mang hình thái của mối quan hệ giữa các vật phẩm.

Tuy nhiên, tham chiếu tới Robinson của Marx có hai nghĩa. Sau khi đề cập đến các hình thái sản xuất xã hội khác nhau, Marx đề xuất “một tập hợp những người tự do, làm việc với các phương tiện sản xuất chung cho tất cả” theo một kế hoạch đã được bàn tính trước. Khi đó, “tất cả những gì chúng ta đã nói về lao động của Robinson đều được lặp lại ở đây, nhưng ở tầm xã hội chứ không phải là tầm cá nhân. Những sản phẩm của Robinson là các vật phẩm mang lợi ích trực tiếp cho anh ta. Đó cũng sẽ là trường hợp của những của cải được tạo ra bởi những người lao động đoàn kết. Và các quan hệ xã hội của con người trong công việc của họ với nhau và với các vật phẩm hữu ích đến từ đó thì ở đây vẫn đơn giản và minh bạch trong sản xuất cũng như trong phân phối” [1867, trang 613]. Ở đây có vẻ như Robinson không chỉ là một sự lường gạt của kinh tế chính trị học tư bản chủ nghĩa, mà còn là một chân trời mới của một kinh tế học xã hội chủ nghĩa.
Học thuyết cận biên: tính toán cá nhân, sự đánh đổi và lựa chọn duy lý
Carl Menger (1840-1921)
Stanley Jevons (1835-1882)
Nếu các nhà kinh tế học cổ điển ít quan tâm đến nhân vật Robinson, anh ta lại rất thu hút những nhà tân cổ điển đầu tiên. Carl Menger, Stanley Jevons, Alfred Marshall hay Eugen von Böhm-Bawerk đề cập rõ ràng đến nhân vật này, để minh họa giả thuyết lợi ích cận biên giảm dần, mối quan hệ giữa giá tương đối của sản phẩm và số lượng sẵn có của chúng hoặc sự tối đa hóa lợi ích thông qua sự đánh đổi (trade-off) giữa thú giải trí và tiêu dùng hoặc giữa việc tiêu dùng trong hiện tại và trong tương lai. Robinson tối đa hóa phúc lợi của mình bằng cách so sánh nỗi vất vả trong công việc của mình với sự thỏa mãn do việc tiêu dùng hàng hóa mà anh ta sản xuất đem lại trong tương lai, hay việc hi sinh tiêu dùng trong hiện tại cho sự tăng cường tiêu dùng trong tương lai.
Ngoài minh họa về phép tính cá nhân này, trong cuốn Tâm lý toán học [Mathematical Psychics] (1881), Francis Edgeworth còn thể hiện quan hệ trao đổi song phương theo hợp đồng giữa chủ lao động Robinson và người làm công ăn lương Thứ Sáu.
Francis Y. Edgeworth (1845-1926)

Đối với các nhà kinh tế cận biên, những tính toán của tác nhân kinh tế là Robinson thể hiện những nền tảng của lý thuyết ra quyết định dẫn đến các hàm cung và cầu mang tính cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Nhưng với họ, Robinson không đại diện cho một tác nhân kinh tế được đặt trong bối cảnh lịch sử và đại diện cho sự xuất hiện của xã hội tư sản, mà là một tác nhân kinh tế phổ cập, trong một thế giới được xác định bởi sự khan hiếm tài nguyên, biết cách tính toán sao cho tận dụng tối đa được chúng. Nó phản ánh chân lý vượt thời gian của các tác nhân kinh tế, nghĩa là toàn bộ loài người. Nó thể hiện một lý tưởng của những tính toán duy lý được đòi hỏi ở mỗi tác nhân, trong mọi xã hội, và nó có giá trị cho nền kinh tế hiện đại cũng như cho một nền kinh tế của con người bị đắm tàu như Robinson.
Điều này được xác nhận bởi tuyên bố của John Bates Clark: “Những quy luật chung về sự sáng tạo và tiêu dùng của cải đều giống nhau ở mọi nền kinh tế. Không phải vì cuộc sống của Crusoe quan trọng đến mức trường hợp của ông luôn được đưa vào các cuộc thảo luận kinh tế. Đó là bởi vì các nguyên tắc chi phối nền kinh tế của một người đàn ông bị cô lập cũng là những nguyên tắc định hướng cho nền kinh tế của một quốc gia hiện đại” [1899, tr. 52]. Về điều này, Robinson mang cả một thực tế về mặt nhân học - đó là thực tế về một cá nhân mong muốn tối đa hóa phúc lợi của mình - và về một mô hình ra quyết định mà dựa trên đó ta có thể đánh giá cả một xã hội hiện đại.
Robinson trong thế kỷ 20: từ các quyết định phi tập trung đến tác nhân tiêu biểu
Ngoài phép tính cá nhân, một câu hỏi thiết yếu của tư tưởng kinh tế thế kỷ 20 là sự chuyển dịch từ phép tính cá nhân sang phối hợp xã hội.
Dưới những điều kiện nào mà tính duy lý do phép tính cá nhân dẫn đến có thể được mở rộng ra một nền kinh tế đặc trưng bởi sự phân công lao động, nơi mà mỗi người không sản xuất cho chính mình nữa mà cho cả những người khác? Được trang bị bằng tính duy lý sẵn có, tác nhân kinh tế mà các nhà cận biên lấy Robinson làm minh họa, đã ra các quyết định tối ưu, nghĩa là những quyết định mang lại cho tác nhân nhiều mãn nguyện nhất, với những nguồn lực hạn chế mà ông sở hữu và khả năng sản xuất. Câu hỏi chung cho kinh tế học vĩ môkinh tế học vi mô, được hiểu như lý thuyết về sự phối hợp của nhiều quyết định cá thể, do đó, có thể được xây dựng như sau: trong điều kiện nào, các tính chất tối ưu của nền kinh tế của Robinson có thể được chuyển sang một nền kinh tế gồm có nhiều tác nhân phụ thuộc lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của tất cả?
Bước đầu tiên cho phép đặt và giải quyết vấn đề nằm ở việc tưởng tượng sự tách bạch các quyết định giữa một Robinson-người tiêu dùng và Robinson-người lao động – đó là người cung cấp lao động và những nguồn lực mà anh ta có sẵn -, và một Robinson-nhà sản xuất, sử dụng lao động và nguồn lực có được để sản xuất ra những sản phẩm khác. Sự tách biệt này kéo theo việc phân chia thông tin mà một Robinson-duy-nhất sở hữu.
Tjalling Koopmans (1910-1985)
Người tiêu dùng biết thị hiếu và nguồn lực của mình, nhưng lại không nắm được kỹ thuật sản xuất. Nhà sản xuất, ngược lại, chỉ biết các kỹ thuật sản xuất mà thôi. Chẳng hạn, Tjalling Koopmans giới thiệu vấn đề sự tồn tại của một trạng thái cân bằng chung cạnh tranh như sau: “Hãy lấy lại ví dụ cổ điển về một người đàn ông kết hợp những quyết định về tiêu dùng và sản xuất của mình: Robinson Crusoe. [...] Chúng ta sẽ thảo luận về một tình huống, khi tồn tại một hệ thống giá cả cho phép tách bạch các quyết định của nhà sản xuất Robinson khỏi các quyết định của người tiêu dùng và người lao động Robinson” [1957, tr. 21]. 
Từ đó, ông đạt được kết quả sau: một nền kinh tế trong đó các chức năng tiêu dùng và sản xuất do các cá nhân khác nhau nắm giữ và được điều phối bởi các giá cạnh tranh sẽ dẫn đến cùng một kết quả với một nền kinh tế chỉ có một tác nhân duy nhất vừa là người tiêu dùng vừa là nhà sản xuất. Khi đó, giá cả sẽ cho phép các quyết định được phi tập trung hóa, nghĩa là một sự tách biệt giữa các quyết định của người tiêu dùng và của nhà sản xuất. Mỗi tác nhân đều không biết một phần những thông tin cần thiết cho các quyết định. Mỗi người chỉ theo đuổi lợi ích của riêng mình, được tượng trưng bởi một hàm mà người đó tìm điểm cực đại: đó là hàm lợi ích của người tiêu dùng, hàm lợi nhuận của nhà sản xuất.
Tuy nhiên, những quyết định này được kết nối với nhau bằng giá cả phải là sao cho người tiêu dùng thực sự cung cấp cho nhà sản xuất các nguồn lực và đầu ra cần thiết, và nhà sản xuất cũng thỏa mãn tốt nhất có thể các mong muốn của người tiêu dùng, có tính đến những nguồn lực và kỹ thuật mà nền kinh tế sẵn có. Sự tồn tại về mặt toán học của một hệ thống giá như vậy khiến Koopmans kết luận: “Ở giai đoạn này, chúng ta không quan tâm mấy đến những dò dẫm nhờ đó Robinson có thể biết giá cho phép thực hiện kì công này. Ta cũng càng không cần phải biết liệu có chăng một người độc nhất [...] muốn sử dụng những giá ngầm để ra quyết định của hắn một cách phi tập trung hay không, điều quan trọng nhất cần nhớ từ cuộc thảo luận của chúng ta là có tồn tại [...] một hệ thống giá cho phép sự phi tập trung ấy trở nên khả thi. Kết luận này có vẻ là giả tạo, khi nó liên quan đến một “tác nhân kinh tế” duy nhất, nhưng lại là một phần của nền tảng logic và toán học cần thiết để hiểu được hoạt động của các thị trường cạnh tranh” [sách đã dẫn, tr. 22]. Robinson, một lần nữa, lại đóng vai trò như một tiêu chuẩn để so sánh hoạt động của tất cả các nền kinh tế và, đặc biệt, các nền kinh tế thị trường đặt cơ sở trên sự cạnh tranh.
Trong kinh tế học vĩ mô, từ những năm 1970 và 1980, những khó khăn trong việc giải quyết vấn đề phối hợp giữa các tác nhân không đồng nhất đã dẫn đến việc lý luận trên mô hình dựa trên một tác nhân tiêu biểu, tên là “Robinson Crusoe”, được cho là có chứa các yếu tố thiết yếu làm nên đặc tính của những nền kinh tế phát triển nhất thế giới.
Tư tưởng kinh tế đã giữ lại những gì và xem nhẹ những gì từ tiểu thuyết của Defoe
Marthe Robert (1914-1996)
Như vậy, các cách sử dụng nhân vật Robinson trong lịch sử tư tưởng kinh tế có trung thành với tiểu thuyết của Defoe không? Câu trả lời khá trái ngược. Một điều chắc chắn là Robinson hiện thân cho một homo oeconomicus, theo nghĩa là ông lao động để đáp ứng nhu cầu của bản thân và đảm bảo an toàn cho mình. Tầm quan trọng của lao động trong cuộc phiêu lưu trên đảo của nhân vật này đã phân biệt ông với những anh hùng ra đời trước đây, như Marthe Robert [1972] nhận xét, “lần đầu tiên trong văn học hư cấu, thực tế không còn bị chinh phục bởi duy nhất sức mạnh của ham muốn nữa, giờ đây nó còn đòi hỏi phải có những công cụ, tính toán, toàn bộ kinh nghiệm cũng như lòng kiên nhẫn của người lao động.” Không thể phủ nhận rằng, Robinson cũng là một tác nhân có cuộc sống bị xâm lấn bởi những tính toán. Ông đong đếm những gì mình làm ra hay lấy đi từ cái xác tàu, tưởng tượng ra nỗi ngạc nhiên của những ai sẽ ghé thăm hang động của ông và thấy như một cửa hàng, ước lượng những mong muốn của mình bằng tiền, hối tiếc vì không thể trao đổi với ai để lấy được vài tẩu thuốc lá hay hạt giống củ cải và cà rốt. Khi ông không tính toán, như khi đóng một chiếc xuồng, cái khiến ông phải bỏ ra “một công sức dài vô hạn [...], một nỗi vất vả không thốt ra lời”, quá nặng để có thể kéo ra bờ biển, thì là chỉ để khiến ông ăn năn bằng cách hiểu rằng “thật ngu ngốc làm sao khi lại thực hiện một công trình trước khi tính toán những chi phí của nó và đánh giá kỹ càng liệu sức mọn của ta có đủ để hoàn tất nó hay không” [Defoe, 1719, trang 143].
Tuy nhiên, đồng thời, nhân vật này lại hoàn toàn xa rời tác nhân duy lý luôn tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực khan hiếm có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Bởi vấn đề mà ông ta phải đối mặt không bao giờ là sự khan hiếm nguồn lực hay thời gian mà ông có: “Tôi chẳng cần phải lo lắng về sự chậm chạp của bất cứ công việc nào, tôi cảm thấy mình có toàn bộ thời gian trước mặt, và một khi tác phẩm này hoàn thành, tôi sẽ chẳng còn việc nào khác để làm” [sách đã dẫn, trang 76], ông bình luận sau khi đã phân tích chi tiết về sự chậm chạp, nỗi vất vả và thất bại trong công việc của mình. Tương tự như vậy, khi ông cắt hết cả một cái cây chỉ để làm ra một tấm ván, thì rõ là tài nguyên thiên nhiên cũng như thời gian làm việc hoàn toàn chẳng khan hiếm với ông: “Sau rốt, thời gian hay công sức lao động của tôi cũng có giá rất thấp, và việc tôi đã sử dụng chúng theo cách này hay cách kia cũng có quan trọng gì đâu” [sách đã dẫn, trang 80]. Ở đây, ông khác với tác nhân duy lý ở chỗ ông làm việc để thỏa mãn nhu cầu của mình ít hơn là để vượt qua nỗi sợ cô đơn và cái chết.
Max Weber (1864-1920)

Lao động với ông, giống với một thiên hướng cũng như một phương tiện sản xuất ra của cải. Rời xa khỏi mẫu hình của tác nhân duy lý, mối quan hệ của Robinson với lao động báo trước những phân tích của Max Weber về mối quan hệ giữa đạo đức tôn giáo và chủ nghĩa tư bản lẫn lời tiên tri của Karl Marx, người hơn một thế kỷ sau, trong Phê phán Cương lĩnh Gotha, sẽ mô tả giai đoạn cuối cùng của xã hội cộng sản, thông qua hình tượng một người lao động không bị tha hóa, mà lao động của anh ta sẽ trở thành “không chỉ là phương tiện sống mà còn là nhu cầu tiên quyết của cuộc sống” [1875, trang 1420].
Sách tham khảo


Berthoud A., 2007, “La notion de travail dans l’Emile de Jean-Jacques Rousseau” [“Khái niệm về công việc trong Emile hay là về Giáo dục của Jean-Jacques Rousseau”], Cahiers d'économie politique, vol. 2, no 53.
Clark JB, 1899, The Distribution of Wealth: A Theory of Wages, Interest, and Profits [Sự phân bố của cải: Lý thuyết về tiền lương, lãi suất và lợi nhuận], Macmillan.
Defoe D., 1719, Robinson Crusoe, bản dịch của Petrus Borel, Marabout, 1962.
Koopmans T., 1957, Three Essays on the State of Economic Science [Ba tiểu luận về tình trạng của khoa học kinh tế], McGraw Hill.
Marx K., 1859, Introduction générale à la critique de l’économie politique, in Oeuvres, tome I [Lời nói đầu Phê phán Khoa Kinh tế Chính trị, trong Bộ tác phẩm, Tập I], La Pléiade, Gallimard, 1965.
Marx K., 1867, Le capital, in Oeuvres, tome I [Tư bản, trong Bộ tác phẩm, Tập I], Pleiade, Gallimard, 1965.
Marx K., 1875, Critique du programme du parti ouvrier allemand, in Oeuvres, tome I [Phê phán Cương lĩnh của Đảng Công nhân Đức, trong Bộ tác phẩm, Tập I], Pleiade, Gallimard, 1965.
Pignol C., 2013, “Quel agent économique Robinson Crusoé incarne-t-il?” [“Robinson Crusoe hiện thân cho tác nhân kinh tế nào?”], Epistémocritique, vol.12.
Robert M., 1972, Roman des origines et origines du roman [Tiểu thuyết về nguồn gốc và Nguồn gốc của tiểu thuyết], Gallimard, 2000.
Rousseau J.-J., 1762, Emile [Emile hay là về giáo dục], in Oeuvres complètes IV, La Pleiade, Gallimard, 1969.
Turgot A. R. J., 1769, Valeurs et monnaies [Giá trị và tiền tệ], Etienne Dubois de l'Estang, 1919.
White M., 1982, “Reading and Rewriting: the Production of an Economic Robinson Crusoe” [“Đọc và viết lại: sự hình thành một kiểu người Robinson Crusoe Kinh tế”], Southern Review n° 15.
Phó giáo sư kinh tế học tại Đại học Paris1 (Panthéon-Sorbonne) và nhà nghiên cứu thuộc laboratoire Philosophie, histoire et analyse des représentations (Phare)"
Nguyễn Vân Anh dịch
Source: Robinson Crusoé, usages et mésusages d’un roman, L'Économie politique N° 079 - 07/2018.
Print Friendly and PDF