16.4.19

Biển Đông: tại sao thái độ của Bắc Kinh trở nên ôn hòa hơn trước

BIỂN ĐÔNG: TẠI SAO THÁI ĐỘ CỦA BẮC KINH TRỞ NÊN ÔN HÒA HƠN TRƯỚC
Điểm chiến lược đối với Bắc Kinh, bãi cạn Scarborough gần Philippines, ở Biển Đông. (Nguồn: Next Big Future)
Mặc người Mỹ đã cố thay đổi giọng điệu ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh vẫn không phản ứng. Vào hôm thứ Sáu này, ngày 29 tháng 3, Mike Pompeo đã lên tiếng khẳng định mạnh mẽ rằng dự án Con đường tơ lụa mới” gắn với chiến lược quân sự hóa các đảo nhỏ của Trung Quốc thuộc vùng biển tranh chấp này. Trước đó vào tháng 3, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã hứa hẹn Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Philippines trong trường hợp bị tấn công trong khu vực. Vào những thời điểm khác, người Trung Quốc đã làm gia tăng tình trạng căng thẳng. Nhưng năm nay, họ có nhiều lý do để đặt cược vào sự ôn hòa. Sau đây là cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Li Mingjiang, chuyên gia về an ninh châu Á-Thái Bình Dương.
PHỎNG VẤN
Tiến sĩ Li Mingjiang là điều phối viên chương trình về Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, một trong những viện nghiên cứu hàng đầu ở châu Á. Tốt nghiệp tiến sĩ khoa học chính trị (Đại học Boston), các nghiên cứu của ông tập trung chính vào các mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN, các mối quan hệ Trung-Mỹ, an ninh châu Á-Thái Bình Dương và các yếu tố quyết định trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Ông là tác giả (kể cả là chủ biên và đồng chủ biên) 12 cuốn sách. Tiến sĩ Li thường xuyên tham gia nhiều sự kiện phi chính thức [track-two] khác nhau (ngoại giao song song dựa trên những trao đổi với các tổ chức phi chính phủ NGO, các think tank và các tổ chức khác) về an ninh khu vực ở Đông Á.
Nhà nghiên cứu người Trung Quốc LI Mingjiang, điều phối viên chương trình về Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang. (Ảnh: DR)
Năm ngoái, năm 2018, cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử [trên Biển Đông] đã có một số tiến bộ. Xin ông cho biết có thể mong đợi điều gì trong năm 2019?
Li Mingjiang: Về vấn đề này, Trung Quốc và 10 nước ASEAN sẽ có nhiều cuộc họp trong năm nay, ở cấp độ nhóm công tác và với các quan chức cấp cao. Họ sẽ thảo luận về văn bản duy nhất mà nhiều nước khác nhau đã chuẩn bị. Về tổng thể, họ sẽ cố gắng rút gọn văn bản này. Thật vậy, tất cả các nước tranh chấp đã cung cấp những điều khoản và yêu cầu riêng của mình. Như mọi người có thể hiểu, mỗi nước đều muốn nhân cơ hội này tối đa hóa những lợi ích của mình ở Biển Đông. Nhiệm vụ bây giờ là xóa bỏ, viết lại, giới hạn một số phần của văn bản. Họ cũng phải thảo luận những vấn đề còn tồn đọng chưa giải quyết, chẳng hạn như phạm vi bao phủ về mặt địa lý của Biển Đông hoặc xác định các biện pháp trừng phạt đối với các hành động không tuân thủ. Chúng ta dự kiến thấy được những tiến bộ, nhưng việc đạt được một thỏa thuận cuối cùng có thể phải hoãn lại sau năm nay.
Liệu tranh chấp thương mại Trung-Mỹ có thể làm thay đổi thái độ của Bắc Kinh trong cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử này hay không?
Cuộc cạnh tranh ngày càng gia tăng về mặt chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã dẫn đến một chính sách quyết đoán nhiều hơn của Washington đối với Bắc Kinh. Điều này có thể ngăn cản Trung Quốc thực hiện thêm những hành động khác ở Biển Đông. Từ quan điểm của Bắc Kinh, việc gia tăng xung đột trong khu vực sẽ chẳng phục vụ được gì cho lợi ích quốc gia. Một ví dụ hoàn hảo là bãi cạn Scarborough. Một số người và định chế có thể quan tâm đến việc xây dựng các cơ sở hạ tầng trên bãi cạn này. Nhưng mối quan hệ chiến lược hiện tại giữa người Mỹ và người Trung Quốc về vấn đề Biển Đông đang khiến Bắc Kinh chọn một cách tiếp cận ôn hòa hơn.
Tôi cũng không nghĩ rằng chính sách và áp lực của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc là yếu tố duy nhất mà Trung Quốc cần tính đến. Quan hệ của Bắc Kinh với các nước ASEAN cũng quan trọng không kém. Một số nước ASEAN đã trở nên ngày càng ngờ vực hơn chính vì tình hình ở Biển Đông. Bắc Kinh hiểu điều này, vì lẽ mục tiêu của họ còn là thúc đẩy các dự án của Con đường tơ lụa mới ở Đông Nam Á. Vì vậy, điều quan trọng đối với Trung Quốc là tỏ ra ôn hòa ở Biển Đông. Tình hình trong năm 2019 cũng sẽ khá giống với những gì mà chúng ta đã thấy trong năm 2018. Nói chung, chúng ta sẽ chứng kiến một tình hình yên tĩnh và ổn định trong năm nay, nhưng chắc chắn vẫn có thể xảy ra một số vụ xung đột cục bộ. Có thể xảy ra một tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về quyền tự do hàng hải, ngay cả khi không có bất kỳ cuộc xung đột lớn nào xảy ra. Một sự cố nghiêm trọng với tàu hải quân Mỹ hoặc Trung Quốc là điều rất khó xảy ra. Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và các nước có yêu sách có thể liên quan đến các lực lượng bảo vệ bờ biển, các tàu đánh cá hoặc các hoạt động thăm dò năng lượng. Nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ chứng kiến loại căng thẳng mà chúng ta đã biết vào năm 2014 giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Ông đã đề cập đến các quyền tự do hoạt động hàng hải của Hải quân Mỹ ở Biển Đông. Năm nay, Pháp sẽ làm điều tương tự. Nhận thức của các nước có yêu sách về các hoạt động hàng hải này là gì?
Những nước có yêu sách, ngoài Trung Quốc, có thể mong đợi sự hiện diện của nước ngoài ở Biển Đông. Họ có thể thích thấy người Nhật, người Pháp hoặc người Anh đến khu vực này. Đối với những nước không yêu sách, thái độ có thể khác nhau. Ví dụ, ở Indonesia, nhận thức chung là tích cực vì đây là một quốc gia duyên hải. Nhưng đối với những nước không có đường tiếp cận ra biển, chẳng hạn như Lào, hoặc những nước không có lợi ích hoặc có lợi ích ít đối với các khu vực hàng hải đang tranh chấp, chẳng hạn như Thái Lan, Miến Điện hoặc Campuchia, thì họ có thể không ủng hộ ý tưởng nói trên. Thật vậy, họ sẽ chẳng có bất kỳ lợi ích nào. Nếu các hoạt động hàng hải của nước ngoài diễn ra với cường độ nhiều hơn, thì sẽ gây ra rất nhiều vấn đề với Trung Quốc. Các nước này có thể phải đối mặt với những áp lực từ Bắc Kinh để bày tỏ quan điểm hoặc có một số hành động nào đó, để ủng hộ quan điểm của Trung Quốc. Rõ ràng viễn cảnh này không hề làm họ hài lòng. Vì vậy, ông có thể có được ba câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này.
Singapore có thể đóng vai trò gì, khi một mặt thì gần gũi với Trung Quốc về mặt văn hóa, trong khi mặt khác thì gần gũi hơn với Hoa Kỳ về mặt ngoại giao?
Năm ngoái, Singapore đã đóng một vai trò quan trọng khi giữ nhiệm kỳ chủ tịch của ASEAN và người ta có thể gán cho Singapore một số bước cải tiến trong việc giải quyết những khác biệt ở Biển Đông trong năm vừa qua. Trong năm nay, tôi cho rằng Singapore sẽ không đóng vai trò quan trọng nào khi không còn giữ chức chủ tịch của ASEAN. Nếu tình hình trong khu vực vẫn ổn định, thì không có gì khiến họ phải liên lụy nhiều hơn. Quan hệ giữa Trung Quốc và Singapore cũng sẽ được tăng cường. Vì vậy, tôi nghĩ thành quốc này có thể mong muốn duy trì cái đà tích cực đó. Và tất nhiên, Singapore sẽ tiếp tục ủng hộ một số quan điểm cơ bản về vấn đề Biển Đông: tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết các vấn đề an ninh trên cơ sở hòa bình, tiến hành các cuộc đàm phán đa phương, vai trò quan trọng của ASEAN và sự tham gia vào công việc quản lý an ninh.
Năm nay, Thái Lan sẽ là nước làm chủ tịch của ASEAN. Gần đây, đã có nhiều phương tiện truyền thông, một lần nữa, đề cập đến dự án kênh đào Kra. Liệu các vấn đề ở Biển Đông và các cuộc xung đột giữa Malaysia và Trung Quốc liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng có thể tạo ra một mối quan tâm mới đối với dự án kênh đào này hay không?
Tôi không nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến ​​bất kỳ tiến bộ nào hay hành động cụ thể nào về ý tưởng xây dựng kênh đào Kra. Không phải trong năm nay, không phải trong năm sau, không phải trong một tương lai gần. Ý tưởng xây dựng kênh đào này, phần lớn, là một đề xuất được đưa ra bởi một số ít các tác nhân kinh doanh và một số quan chức quân đội về hưu ở Thái Lan, những người tham gia vào các nghiên cứu khả thi về xây dựng. Một số phương tiện truyền thông, đặc biệt là của Trung Quốc, đã bảo vệ ý tưởng này. Nhưng theo như chúng tôi biết, nó vẫn chủ yếu là một đề xuất. Cả chính phủ Trung Quốc lẫn chính phủ Thái Lan đều không thể hiện sự quan tâm thực sự và không hề có bất cứ hành động nào đáng kể. Cả hai chính phủ đều công khai tuyên bố dự án này không được xem xét. Cuối cùng, kênh đào Kra không nằm trong chương trình nghị sự của cả hai nước. Đó là thực tế. Cho dù chúng ta xem xét các nghiên cứu khả thi, thì cũng không có tài liệu có sức thuyết phục nào được công bố. Không ai biết được tính khả thi về mặt thương mại của một dự án như vậy. Vì vậy, tôi không thấy bất kỳ khả năng nào để dự án này nhận được sự ủng hộ trong năm nay.
Cuộc phỏng vấn do Vivien Fortat thực hiện
Giới thiệu tác giả
Vivien Fortat là chuyên gia về các vấn đề kinh tế Trung Quốc và các “Con đường tơ lụa mới”. Ông sống nhiều năm ở Tokyo và Đài Bắc. Tiến sĩ về kinh tế, ông làm chuyên gia tư vấn về rủi ro kinh doanh, đặc biệt cho các doanh nghiệp Pháp đang hoạt động tại Trung Quốc, kể từ năm 2013.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF