20.4.19

Tại sao Pháp muốn loại Huawei khỏi thị trường mạng 5G

TẠI SAO PHÁP MUỐN LOẠI HUAWEI KHỎI THỊ TRƯỜNG MẠNG 5G
Pháp vừa thông qua một luật, mà trên thực tế, là loại nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc khỏi thị trường mạng di động thế hệ mới.
Sau một thời gian lưỡng lự khá lâu, chính phủ Pháp vừa gia nhập danh sách những nước muốn tránh xa gã khổng lồ Trung Quốc Huawei. Ngay giữa lúc triển khai mạng di động 5G trong tương lai, Quốc hội vừa thông qua một luật bắt buộc các nhà khai thác mạng di động phải được Thủ tướng Chính phủ cấp phép để lắp đặt các thiết bị mạng vô tuyến. Nếu tên của Huawei không được đề cập đến, thì chính tập đoàn là mục tiêu nhắm đến của luật này.
Được công chúng biết đến qua các sản phẩm điện thoại thông minh của mình, mà doanh số bán ra trên toàn cầu đã vượt xa Apple vào năm ngoái, Huawei còn được biết đến là một gã khổng lồ về trang thiết bị viễn thông, từ ăng-ten cho đến bộ định tuyến. Thực vậy, hoạt động hàng đầu của Huawei là trang bị công cụ cho các nhà khai thác mạng viễn thông, vì nó chiếm 49% doanh thu của họ trong năm 2017, hay 297 tỷ nhân dân tệ (38,5 tỷ euro), so với 39% đối với sản phẩm điện thoại thông minh.
Người dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này
Mạnh Vãn Chu (1972-)
Huawei còn là người dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này: doanh nghiệp cho biết một phần ba dân số thế giới phụ thuộc vào công nghệ của họ để kết nối với một mạng. Huawei có mặt ở hầu hết các nước, với một ngoại lệ đáng chú ý: Hoa Kỳ. Vì sự cạnh tranh về công nghệ và thương mại, người Mỹ, từ lâu, đã tránh xa họ, và trong những tháng gần đây, đã siết chặt lệnh cấm nhắm đến gã khổng lồ Trung Quốc và đối thủ cạnh tranh và đồng hương của họ ZTE, trên thị trường Hoa Kỳ.
Căng thẳng đã leo thang vào tháng 12 năm ngoái với vụ bắt giữ ở Canada bà Mạnh Vãn Chu, nữ giám đốc tài chính của Huawei và là con gái của người sáng lập, theo yêu cầu của chính quyền Mỹ. Hoa Kỳ cáo buộc bà Mạnh Vãn Chu đã tìm cách lách luật cấm vận đối với Iran. Kể từ đó, Hoa Kỳ đã khởi kiện doanh nghiệp, Huawei phải trả lời hàng chục cáo buộc hàng đầu vì vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran và đánh cắp bí mật công nghiệp, trong trường hợp này là công nghệ của nhà khai thác mạng viễn thông T-Mobile của Mỹ.
Sự gần gũi với quyền lực chính trị Trung Quốc
Washington yêu cầu các đồng minh đến lượt họ cần cấm cửa Huawei. Hoa Kỳ cáo buộc Huawei sử dụng các thiết bị của công ty để do thám các chính phủ và các doanh nghiệp vì lợi ích của Bắc Kinh. Huawei phủ nhận mọi hoạt động gián điệp, nhưng các mối liên hệ giữa tập đoàn này, được một cựu nhà nghiên cứu quân đội Trung Quốc thành lập, với Nhà nước là rất không rõ ràng.
Nhiều nước ngay từ bây giờ đã theo gót Mỹ và loại bỏ Huawei, trong đó có Úc, New Zealand và Nhật Bản. Đức đang xem xét các biện pháp để tránh xa Huawei. Tại Vương quốc Anh, tập đoàn viễn thông BT, nhà khai thác mạng chính, đã loại Huawei khỏi các cuộc đấu thầu về những yếu tố nhạy cảm nhất của mạng, không chỉ đối với việc thay thế mạng 3G hay 4G, mà còn đối với việc triển khai mạng 5G trong tương lai.
5G: hỗ trợ cho nhiều dịch vụ mới
Khi căng thẳng được làm trầm trọng lên nhiều đến thế, đó là vì mạng di động thế hệ thứ năm này còn hơn cả một sự cải tiến bình thường của các phiên bản trước đây. Công nghệ này, đang trong giai đoạn thử nghiệm và sẽ được triển khai trong những tháng tới cho hoạt động thương mại hóa từ năm 2020, hứa hẹn một lưu lượng tăng lên gấp mười lần và một thời gian truyền tải cũng giảm trong chừng ấy lần. Arcep [Autorité de Régulation des Communications Électroniques et des Postes – cơ quan điều tiết ngành bưu chính và viễn thông của Pháp], cảnh sát ngành viễn thông của Pháp, giải thích rằng công nghệ này dựa trên “sự phát triển những ứng dụng mới: thực tế ảo, xe tự hành và kết nối, thành phố thông minh (kiểm soát giao thông đường bộ, tối ưu hóa năng lượng), ngành công nghiệp của tương lai (điều khiển từ xa các công cụ công nghiệp, kết nối máy móc)…”. Chúng ta có thể thêm vào danh sách này ứng dụng y tế được kết nối, từ việc số hóa các hồ sơ y tế đến việc khám chữa bệnh từ xa.
Michel Nakhla
Vì thế, mạng 5G sẽ là một sự hỗ trợ thiết yếu cho việc phát triển nhiều dịch vụ. “Tác nhân nào điều khiển được thiết bị, thông qua đó dữ liệu được truyền hoặc nhận, vì vậy, sẽ chiếm một vị trí chiến lược, theo lời của Michel Nakhla, giáo sư về kinh tế và quản trị tại trường École Mines ParisTech. Như vậy, khả năng mà các thiết bị này được sử dụng cho mục đích gián điệp làm cho nhiều nước không có nhà sản xuất thiết bị quốc gia lo sợ.
Để triển khai các thiết bị cần thiết, Huawei, vì vậy, xuất hiện như một tác nhân trung tâm. Một mặt, do vị trí dẫn đầu ngành với khoảng 1.500 mạng mà họ đã trang bị xong, điều này cho phép Huawei đạt được những quy mô kinh tế lớn hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Mặt khác, bằng chính sách duy ý chí của Trung Quốc, muốn biến nước này trở thành nhà vô địch thế giới về Internet của tương lai, và do đó của mạng 5G. Các khoản đầu tư của Bắc Kinh làm lợi trực tiếp cho các đại gia trong nước, và đứng đầu là Huawei.
Thách thức của việc xác định các tiêu chuẩn
Trong cuộc đua triển khai mạng 5G, còn có một cuộc chiến về việc xác định các tiêu chuẩn của công nghệ này: sẽ áp dụng những chuẩn mực nào cho phép sự phổ cập và khả năng tương tác của mạng di động thế hệ thứ năm? Huawei đang tích cực làm việc với nhiều tổ chức quốc tế khác nhau phụ trách việc xác định các tiêu chuẩn này.
Huawei đang đi trước trong việc phát triển mạng 5G và các tác nhân đi trước có xu hướng xác định các tiêu chuẩn, theo lời giải thích của Michel Nakhla, cũng là một chuyên gia về cạnh tranh trong các ngành cơ sở hạ tầng. Cuộc chiến thương mại và công nghệ của Mỹ cũng có thể được coi là mong muốn làm chậm đà phát triển của Huawei để nỗ lực bắt kịp sự chậm trễ của mình.”
Sự lựa chọn của người Pháp: giữa điều tiết và ngăn cấm
Eric Bothorel (1966-)
Tuy nhiên, trong cuộc xung đột này, Huawei dường như đã mất một vài lợi thế, và luật được Quốc hội Pháp thông qua trong lần thảo luận thứ nhất có thể loại Trung Quốc khỏi một thị trường nữa. Tuy nhiên, [luật] không hề nói gì về việc loại bỏ hoàn toàn [Trung Quốc]. Một trong các giải pháp được lựa chọn có thể là cấm Huawei hoạt động ở trung tâm mạng hoặc ở những vùng có tính chiến lược, chẳng hạn như các thành phố lớn, nơi lưu hành một lượng lớn các dữ liệu nhạy cảm. Nói tóm lại, Pháp dường như có xu hướng hướng tới một con đường gần với sự điều tiết hơn là sự ngăn cấm. Nghị sĩ Eric Bothorel (Đảng LREM, Nền Cộng hòa Tiến bước), người báo cáo luật, đã giải thích rằng văn kiện này không nhắm vào Huawei, mà nhắm đến tất cả các nhà sản xuất thiết bị của những quốc gia không phải là thành viên của Liên minh châu Âu. Tôi không quên rằng người Mỹ đã nghe trộm nữ Thủ tướng Đức”, theo lời của ông trên trang web La Tribune.
Tuy nhiên, không dễ né tránh Huawei được, điều đó rất có thể sẽ gây bất lợi về giá cả và tốc độ triển khai mạng 5G, theo lời của Michel Nakhla. Các tập đoàn viễn thông SFR và Bouygues Telecom đã có nhà sản xuất Trung Quốc trong số các đối tác phát triển mạng thế hệ thứ năm của họ. Một sự hợp tác có thể sẽ được đặt lại vấn đề.
Những công ty có thể vui mừng khi Huawei bị loại bỏ là công ty Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan, hy vọng có thể thành lập một công ty độc quyền hai công ty trên thị trường châu Âu, do họ thu được hầu hết các đơn đặt hàng từ các nhà khai thác mạng châu Âu.
Bài viết này, ban đầu được đăng vào ngày 31 Tháng 1 năm 2019, đã được cập nhật vào ngày 11 Tháng 4.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Pourquoi la France veut écarter Huawei du marché de la 5G, Alternatives Economiques, 11/04/2019.
Print Friendly and PDF