10.4.19

Từ việc sinh kế đến đời sống hạnh phúc, Zola và các nhà kinh tế học cổ điển

TỪ VIỆC SINH KẾ ĐẾN ĐỜI SỐNG HẠNH PHÚC, ZOLA VÀ CÁC NHÀ KINH TẾ HỌC CỔ ĐIỂN

Émile Zola (1840-1902)

Bằng cách đề cập đến các chủ đề về lao động, tư bản, sinh kế, ở một mức độ nào đó, tiểu thuyết của Zola đã minh họa các khái niệm của kinh tế học cổ điển. Nhưng bằng cách đưa hành vi cá nhân lên thành các phân cảnh tiểu thuyết, chúng cũng đã làm xuất hiện những điểm mù không được các nhà kinh tế đề cập đến.
Các lý thuyết kinh tế của thế kỷ XIX có thể giúp hiểu được diễn ngôn về kinh tế của Emile Zola trong tác phẩm hư cấu của ông hay không? Ngược lại, việc đọc Zola có thể thay đổi việc đọc các văn bản kinh tế của chúng ta hay không? Đến mức độ nào thì việc đọc sẽ minh họa các khái niệm của kinh tế học cổ điển, và ở mức độ nào nó cho thấy những điểm mù không được tra vấn và thậm chí còn không được các nhà kinh tế đề cập đến? Để cố gắng trả lời những câu hỏi này, chúng tôi sẽ đề cập đến hai hệ tác phẩm, Les Rougon-Macquart [Nhà Rougon – Macquart] và Les quatre évangiles [Bốn chân lý] (đặc biệt là trong cuốn tiểu thuyết thứ hai mang tên Travail [Lao động]). Với Les Rougon-Macquart, Zola đã minh họa xã hội thế kỷ 19 bằng cách miêu tả hai gia đình tương phản: Rougons, phía tư sản, và Macquart, bên lao động. Ông làm rõ sự điên rồ của Đế chế thứ hai và mô tả một xã hội đang trên đường tan rã. Trong Les quatre évangiles, ông đã sử dụng thể loại văn mới, dạng văn không tưởng, đặc biệt lấy nhiều cảm hứng từ Charles Fourier[*].
Honoré de Balzac (1799-1850)
Claude Bernard (1813-1878)
Zola là người thừa kế Balzac và cũng ghi nhận điều đó. Ông thừa hưởng ở Balzac mong muốn mô tả xã hội với tất cả sự đa dạng của nó. Nhưng ông còn đi xa hơn, bằng cách làm nổi bật các nhóm xã hội và trao vị thế nhân vật chính/anh hùng cho những người trước nay chưa được hưởng vị thế đó trong văn học tiểu thuyết: những người công nhân và người lao động nghèo. Theo Jacques Rancière [2017]: “Thế giới của người và vật vốn dễ dàng bị bỏ qua và chẳng cần bận tâm – nay trở thành thế giới thực”. Để viết tiểu thuyết của mình, Zola trở thành một điều tra viên, mỗi lần lại thực hiện một công việc chuẩn bị với quy mô lớn. Áp dụng phương pháp thực nghiệm của nhà sinh lý học Claude Bernard, dựa trên cả quan sát và kinh nghiệm, ông viết: “Tiểu thuyết gia được hình thành từ một người quan sát và một người thử nghiệm. Phía người quan sát thì đưa ra các sự kiện theo như những gì người đó đã quan sát chúng, thiết lập điểm khởi đầu, thiết lập nền tảng vững chắc mà các nhân vật sẽ vận động bên trên đó và các hiện tượng cũng từ đó mà phát triển. Sau đó, người thử nghiệm xuất hiện và thiết lập thí nghiệm, ý tôi là làm các nhân vật vận động trong một câu chuyện cụ thể nào đó, để cho thấy rằng các sự kiện sẽ nối tiếp nhau như đòi hòi của quyết định luận các hiện tượng được đưa vào nghiên cứu. Đó hầu như luôn là một thí nghiệm được sử dụng “để xem/để hiểu” (pour voir), như cách gọi của Claude Bernard. Nhà tiểu thuyết lên đường tìm kiếm một sự thật” [1880, tr. 52].
Alain Pagès (1950-)

Cái “sự thật” mà một nhà kinh tế học có thể tìm kiếm trong tiểu thuyết của Zola ấy, là gì? Những tiểu thuyết này, theo Alain Pagès, đi từ một ý tưởng chung, thường là về kinh tế, xã hội hay chính trị, và không phải từ một nhân vật hư cấu: các nhân vật được tạo ra để phục vụ cho ý tưởng chung - ví dụ, trong Germinal, là sự đối lập giữa lao động và tư bản. Chúng tôi đề xuất tìm hiểu quan niệm về lao động của Zola từ hai góc độ: thứ nhất, việc xác định tiền lương, thứ hai, vị trí của lao động, như điều kiện cho một “cuộc sống hạnh phúc”.

Việc xác định tiền lương

Trong Germinal [1889], Zola đã dựng lên cảnh một cuộc đụng độ giữa các thợ mỏ và ông chủ của họ, là người sở hữu các mỏ trên. Một cuộc đình công đã khởi lên sau một sự thay đổi về các điều khoản thanh toán tiền lương. Những sự kiện này làm gợi nhớ đến một vấn đề cơ bản của các nhà kinh tế học cổ điển: đó là việc xác định tiền lương.
Lý thuyết cổ điển phân biệt “lương thị trường” và “lương tự nhiên”. Đối với SmithRicardo, cũng như đối với Marx, lương tự nhiên được thiết lập ở mức lương đủ sống còn, cũng có thể được định nghĩa là mức lương cho phép duy trì một mức dân số không đổi. Đối với mức lương thị trường – mức giá của “hàng hóa lao động” - nó phụ thuộc vào cung và cầu. Đối với các nhà kinh điển, nguồn cung lao động biến động song song với dân số và do đó phụ thuộc vào tỷ lệ sinh. Cầu lao động phụ thuộc chủ yếu vào tích lũy tư bản. Tuy nhiên, câu hỏi về các yếu tố quyết định cung và cầu lao động không phải là mối quan tâm của Zola, ngay cả khi người ta tìm thấy trong tác phẩm của ông các đoạn gợi nhớ đến những luận đề của các nhà kinh tế học cổ điển.
Thomas Malthus (1766-1834)
Như vậy, đối với Zola, đặt ra câu hỏi về mối liên hệ giữa nguồn cung lao động và tỷ lệ sinh. Về mặt này, ta có thể trích dẫn suy nghĩ của nhân vật chính trẻ tuổi trong Germinal, Etienne Lantier: “Khốn cùng làm sao! Tất cả những cô con gái bơ phờ mệt mỏi này, đến buổi tối vẫn còn đủ ngu ngốc để tạo ra những thằng người nhỏ bé khác, những xác thịt để làm việc và chịu đau chịu khổ! Chuyện này sẽ không bao giờ kết thúc, nếu lúc nào xung quanh họ cũng chỉ đầy rẫy những đứa trẻ chết đói” [1885, tr. 163]. Nhưng tiểu thuyết gia vẫn tách khỏi tầm nhìn của Malthus, người mà, trong Tiểu luận về các Nguyên tắc Dân số, rõ ràng đã gửi một thông điệp có tính quy phạm đến người lao động, thúc giục họ không sinh ra nhiều con hơn khả năng họ có thể nuôi nấng. Trong nhận xét của Etienne, khả năng sinh sản của người lao động nghèo có vẻ gần như là một định mệnh, như thể Zola lưu ý rằng những người khốn cùng nhất không thể lường trước được những hậu quả.
Về ý tưởng chủ đạo của các nhà cổ điển, theo đó sự tích lũy tư bản sẽ cho phép tăng mức lương của thị trường, thì theo hiểu biết của chúng tôi, không được Zola đề cập rõ. Với chúng tôi, đúng hơn thì, cách mà nhà tiểu thuyết này dự kiến có thể cải thiện điều kiện sống của người lao động nằm trong cuộc đấu tranh giữa các nhà tư bản và những người lao động.
Ở ông, điểm nhấn nằm ở số phận của những tầng lớp rất nghèo và gặp khó khăn tột cùng trong cuộc đời họ: “Chúng ta đã lao động cật lực cho một công việc mà trong quá khứ là một sự trừng phạt dành cho các tù khổ sai, đến lượt ta còn dễ mất mạng hơn cả những nô lệ đó nữa, làm tất cả những thứ này để thậm chí còn không có đủ thịt lên bàn ăn vào buổi tối. Không nghi ngờ gì, ta vẫn có phần cơm thừa canh cặn của mình, ta vẫn ăn, nhưng ăn quá ít, vừa đủ để chịu đựng mà không chết đói, ta bị nghiền nát bởi nợ nần, bị truy đuổi như thể ta vừa ăn trộm bánh mì vậy" [nt., tr. 203]. Thông qua mô tả về điều kiện sống khốn khổ của người lao động ở mỏ Voreux, Zola đặt ra vấn đề về sự sinh tồn và những gì nó chứa đựng. Đâu là những vật phẩm cần thiết cho một cuộc sống đàng hoàng?
Việc đặt câu hỏi về nội dung của sống còn được các nhà kinh tế học cổ điển đề cập thông qua ý niệm lương tự nhiên. Trong khi lương thị trường chỉ phụ thuộc vào các cơ chế kinh tế, thì lương tự nhiên đặt ra câu hỏi về việc định lượng các nhu cầu. Lương đầu phụ thuộc vào cung và cầu lao động và có thể biến thiên theo những tham số hay sự kiện nhất thời, trong khi lương thứ hai phụ thuộc vào các yếu tố ngoại sinh với thị trường và vào những vận động mang tính cơ cấu hơn. Do đó, sự sống còn được xác định theo chiều kích lịch sử. Về cơ bản, một mặt của nó liên quan đến thực phẩm, nhưng cũng còn có các yếu tố “xã hội” (ví dụ như nến để thắp sáng). Mức lương tự nhiên là một quy ước xã hội, là kết quả của một sự phân chia giữa tiền lương và lợi nhuận, do đó là của cuộc đấu tranh và các cuộc thương thảo giữa các giai cấp, nhưng cũng là kết quả của các quy ước được tạo dựng bởi lịch sử và những cách vận dụng quy ước đó nữa.
Adam Smith (1723-1790)

Khía cạnh đầu tiên được minh họa rõ ràng bởi cuộc đình công trong Germinal, mô tả sự đối nghịch giữa lao động và tư bản trong một cuộc đấu tranh cho kế sinh nhai và cho cuộc sống. “Nhưng trên hết, nó là cơn thịnh nộ đối với nhúm tiền lương rẻ mạt kinh khủng này, là sự nổi dậy của cơn đói, chống lại sự thất nghiệp và những món tiền phạt: chúng ta đã không ăn nữa, rồi ta sẽ thành cái gì nếu họ còn giảm cả tiền lương của ta?” [nt., tr. 220]. Cuộc đấu tranh đã vượt ra ngoài vấn đề mức tiền lương và đặt ra câu hỏi về sự sống còn. Cuộc đấu tranh giai cấp là cái định hình mức lương. Một điểm chung trong phân tích giá trị của Smith, Ricardo và Marx là sự tồn tại một mối quan hệ nghịch đảo giữa tiền lương và lợi nhuận. Trong Chương 8 của Cuốn I về Của cải của các dân tộc, Adam Smith đã giải thích việc xác định mức lương như sau: “Chính theo quy ước thường được thực hiện giữa hai nhóm người này, với lợi ích của họ hoàn toàn không giống nhau, mà một mức lương chung được xác định: những công nhân thì mong muốn được trả lương càng cao càng tốt, và những người chủ thì trả ít nhất có thể, phía này có xu hướng thỏa thuận với nhau để tăng lương, còn phía kia thì hạ thấp chúng” [1776, tr. 137].
Nhưng cuộc đấu tranh là không cân sức. Smith cung cấp một phân tích sẽ được Marx nhắc lại: “Không khó khăn gì trong việc dự đoán xem bên nào giữa hai bên, trong mọi hoàn cảnh bình thường, sẽ có lợi thế trong cuộc tranh luận này, và áp đặt tất cả các điều kiện của họ lên bên kia. Những người chủ lao động, với số lượng nhỏ hơn, có thể thương lượng dễ dàng hơn, và hơn nữa, luật còn cho phép họ bàn tính với nhau, hoặc ít nhất cũng không cấm họ, trong khi nó lại cấm những công nhân làm việc đó. Chúng ta hoàn toàn không có điều khoản nào của Quốc hội chống lại những liên minh có xu hướng giảm tiền lương lao động, nhưng chúng ta lại có nhiều luật chống lại những người có khuynh hướng làm tăng nó” [nt.].
Karl Marx (1818-1883)
Ngoài khía cạnh pháp lý này, các nhà tư bản, theo như Smith nói với chúng ta, có một vũ khí khác, đó là việc kiểm soát thời gian: “Một chủ sở hữu, một nông dân, một chủ sản xuất hoặc thương gia, nói chung, có thể sống một hay hai năm từ số tiền họ đã tích luỹ được, mà chẳng cần thuê một công nhân nào. Nhiều công nhân thì không thể sống sót nổi đến một tuần nếu không có việc làm” [nt.]. Marx có suy nghĩ tương tự: “Tiền lương được xác định bởi cuộc đấu tranh gay gắt giữa giới tư bản và công nhân, chiến thắng nhất thiết thuộc về phía tư bản. Nhà tư bản có thể sống lâu hơn mà không có người lao động, hơn là người lao động không có nhà tư bản. Liên kết giữa các nhà tư bản là bình thường và hiệu quả, còn giữa người lao động thì bị cấm chỉ và chất đầy hậu quả nặng nề lên họ" [1844, tr. 55].
Độ trễ về thời gian này được minh họa rõ rệt bởi cuộc đình công trong tác phẩm Germinal. Sự khốn cùng tác động đến người lao động rất nhanh chóng trong khi các ông chủ - Hennebeau hay Grégoire - vẫn sống xa hoa. Một khoảnh khắc biểu tượng là lời mời nhà Grégoire đến ăn trưa với nhà Hennebeau: “Đột nhiên, ông Hennebeau nghĩ đến bữa trưa, và ông định gửi người đánh xe ngựa đến thông báo cho nhà Grégoire rằng phải hoãn lại lời mời, cho đến lúc một sự do dự, một chút thiếu cương quyết đã ngăn ông ta lại, khi ông vừa chỉ trong vài câu ngắn ngủi, sắm sửa quân trang để chuẩn bị chiến trường cho mình. Ông lên gặp bà Hennebeau, mà một người hầu gái vừa giúp làm tóc xong, trong phòng trang điểm của bà. “À, họ đang đình công, bà thản nhiên nói, khi ông hỏi ý kiến bà. Chà, vậy nó sẽ tác động thế nào đến chúng ta?... Không lẽ Ta phải ngừng ăn sao, phải không nào?”” [Zola, 1885, tr. 238].
Sự xuất hiện của cuộc đình công làm nổi bật sự ngăn cách giữa các giai tầng xã hội. Cách thức mà những người thợ mỏ sống hoàn toàn bị bóp méo trong trí tưởng tượng tư sản: “Nhưng bà Hennebeau kinh ngạc khi nghe nói về sự khốn cùng của những người thợ mỏ Montsou. Chẳng phải họ rất sung sướng hay sao? Những người này được cho chỗ ở, được sưởi ấm, được chăm sóc, bằng tiền của Công ty! Trong toàn bộ sự thờ ơ của bà đối với bầy người này, bà không biết gì về họ ngoài bài học kinh nghiệm, điều mà bà làm những người khách Paris viếng thăm phải ngạc nhiên, và cuối cùng bà đã tin vào điều đó, bà đã phẫn nộ với sự vô ơn của đám người này” [nt., tr. 248].
Công nhân và giới chủ rõ ràng có một nhãn quan khác nhau về “sinh kế”. Nhưng khái niệm này, theo bản chất, cũng luôn biến động. Được tạo dựng theo dòng lịch sử, nó thay đổi tùy theo thời gian và địa điểm.
Ta thấy rằng, ở các nhà cổ điển, việc phân tích mức lương để sống còn không thuần túy mang tính kinh tế. Nó không chỉ được xác định bởi thị trường hay bởi các kỹ thuật sản xuất, mà có thể còn bởi của những cuộc đấu tranh giai cấp, các yếu tố xã hội và những di sản lịch sử. Tuy nhiên, phân tích này vẫn mang tính toàn cục và chỉ quan tâm đến người làm công với tư cách là một tập thể. Nhưng với cảm nhận cá nhân về lao động và những nhu cầu thì sao? Một cách tự nhiên, tiểu thuyết gia đi xa hơn các nhà kinh tế, khi đưa lên sân khấu các hành vi và kỳ vọng cá nhân. Người lao động tìm kiếm gì khi muốn cải thiện tình trạng của mình? Người ấy có ý niệm gì về hạnh phúc? Cuối cùng, thế nào là một cuộc sống tốt đẹp? Thế nào là một nhu cầu chính đáng?

Sinh kế và cuộc sống hạnh phúc

Germinal có thể được nhìn nhận như một cuốn tiểu thuyết nghi ngờ tầm quan trọng của sự giàu có trong việc mưu cầu hạnh phúc. Người giàu ở đây được khắc họa như những người đặc biệt bất hạnh: “Bánh mì! bánh mì! bánh mì! Đúng là lũ ngu! Ông Hennebeau lặp đi lặp lại, trông tôi có hạnh phúc không?” [...] Một nỗi tức giận dâng lên khiến ông ta chống lại những người này, những kẻ không hiểu gì. Ông sẵn lòng tặng không cho họ, sẵn lòng chi ra những khoản lương hậu hĩnh, để được giống như họ, những kẻ mặt dày, giao cấu dễ dàng thoải mái mà chẳng phải hối tiếc. [...] Ông ta sẵn sàng cho đi mọi thứ, giáo dục của ông, hạnh phúc của ông, sự xa xỉ của ông, sức mạnh chỉ huy của ông, nếu một ngày, ông có thể là người khốn cùng nhất trong những kẻ cùng khổ đã vâng lời ông ta, được thoát khỏi lớp da của ông ta, được đủ thô lậu để tát vợ mình và hưởng chút vui thú với nhà hàng xóm. Và ông cũng mong muốn biết bao được chết vì đói, được có một cái bụng trống rỗng, cái dạ dày cong oằn vì những cơn co thắt khiến bộ não hoa mắt chóng mặt: có lẽ nó sẽ xóa sổ hoàn toàn ở ông ta cơn đau vĩnh viễn này. “Ah! sống như súc vật, không có gì cho riêng mình, gặt đập lúa mì với nàng thợ mỏ xấu xí bẩn thỉu nhất, và lại có thể hài lòng với điều đó!” [nt., tr. 396].
Ở người giàu, sự bất hạnh của chính anh ta khiến anh ta không thấy bất hạnh của người nghèo cũng như sự bất bình đẳng. Nhưng Zola cũng gợi ý rằng có một cái gì đó vượt qua chiều kích của sự giàu có trong việc “tiếp cận” với hạnh phúc, đó là giới hạn nội tại của những nhu cầu: “và lại có thể hài lòng với điều đó!” Nói chung, trong suốt chiều dài tiểu thuyết, có một câu hỏi mà các nhân vật đặt ra về hạnh phúc. Có vẻ như nó không thể đạt tới, vừa đối với các công nhân của mỏ Voreux, bị hạn chế bởi việc mưu cầu kế sinh nhai của họ, vừa đối với những nhà tư bản giàu có. Những suy nghĩ của Zola về sinh kế, do đó rơi vào một câu hỏi về “cuộc đời hạnh phúc” và việc khớp nối giữa nhu cầu của con người, lao động và việc sống tốt.
Trong Germinal, vào cuối cuộc đình công, Etienne mơ ước những điều “đơn giản”: “Nhu cầu an bình, một nhu cầu không gì cưỡng được muốn được hạnh phúc đã xâm lấn anh ấy, và anh ấy thấy mình đã kết hôn, trong một ngôi nhà nhỏ sạch sẽ, không có tham vọng nào khác ngoài sống và chết ở đó, cả hai người với nhau. Chỉ cần bánh mì cũng đủ làm anh hài lòng, cho dù nếu chỉ có một miếng bánh, miếng đó sẽ dành cho cô ấy. Những thứ khác cũng có để làm gì đâu? Cuộc đời liệu có đáng hơn thế nữa không?" [nt., tr. 501]. Sau khi đã dẫn dắt một cuộc đấu tranh khốc liệt, Etienne mơ về một ngôi nhà nhỏ, một ít bánh mì, nước uống, một người phụ nữ. Giấc mơ này làm chứng cho mong muốn một cuộc đời nơi đấu tranh chính trị là không cần thiết. Sau rốt, có thể là một cuộc đời không có đấu tranh giai cấp? Và do đó không có giai tầng xã hội? Đây là kết luận mà Zola đã nhắm tới, hai mươi năm sau đó trong Travail [1901]. Ta sẽ quay lại nói về nó sau.
Tuy nhiên, trong cuộc sống thực tế, một trong những yếu tố chính của tình trạng bất an, thậm chí có thể cưỡng lại cả sự gia tăng về tiền lương, vẫn là cảm giác về khoảng cách xã hội, gốc rễ của ghen tị và sỉ nhục. Cảm giác hụt hẫng này, càng mạnh hơn khi những bất bình đẳng càng có vẻ như khó thể vượt qua, được các nhà kinh tế học cổ điển nhắc đến. Trong Lý thuyết về những Tình cảm Đạo đức, Smith giải thích rằng cuộc sống trong xã hội giống như trong một sân khấu kịch. Chúng ta luôn nằm dưới ánh mắt của người khác và ta cũng luôn quan sát họ. “Là sự kiêu ngạo, chứ không phải sự thoải mái hay khoái lạc khiến chúng ta quan tâm. Nhưng, sự kiêu ngạo luôn dựa trên niềm tin rằng chúng ta là đối tượng của sự chú ý và tán đồng. Người giàu thì tự hào bởi bằng sự giàu có của mình [...] Người nghèo, trái lại, xấu hổ về sự nghèo khổ của anh ta” [Smith, 1759, tr. 93].
Thị hiếu của ta, nguyện vọng của ta, thay đổi thông qua tương tác với những người khác bên trong sân khấu xã hội. Do đó, cảm giác về sự giàu có và đói nghèo liên quan chặt chẽ đến mức độ bất bình đẳng về kinh tế và xã hội. Nếu sự bất bình đẳng không giảm đi cùng lúc với sự tăng mức độ giàu có chung, ngay cả khi nó tăng lên ở tất cả các phân khúc dân số, thì cảm giác đau khổ ở những tầng lớp nghèo nhất vẫn không thể phai nhạt. Cảm giác đau khổ này thậm chí còn cưỡng lại việc tăng thu nhập chung, như Marx giải thích trong Lao động làm thuê và Tư bản: “Mặc dù niềm vui của công nhân có tăng lên, sự thỏa mãn về mặt xã hội mà sự vui thú đem lại vẫn giảm đi, khi so sánh với những thú vui tăng tiến của nhà tư bản, mà với công nhân thì không thể với tới. [...] Nhu cầu và niềm vui của chúng ta bắt nguồn bên trong xã hội; do đó, ta đo lường chúng về mặt xã hội; chứ ta không đo lường chúng với những đối tượng của sự thỏa mãn nơi chúng ta. Vì chúng mang bản chất xã hội, nên bản chất của chúng là tương đối” [1849, tr. 35]. Ở đây Marx nói về điều kiện của người lao động như thành viên của một giai cấp. Sự giàu có được tư duy ở cấp độ kinh tế vĩ mô, không có chỗ cho những tri nhận mang tính cá nhân. Thông qua các nhân vật của mình, Zola cung cấp một tầm nhìn “tập trung vi mô” hơn, nơi hạnh phúc được tư duy từ những nguyện vọng chủ quan cá nhân. Vì vậy, cảm giác ghen tỵ và sỉ nhục liên quan đến tình trạng nghèo nàn của họ được tìm thấy ở một số nhân vật, nhưng không phải ở tất cả.

Người lao động “tốt” và “xấu”

Trong một số tác phẩm, Zola đã xây dựng những nhân vật người lao động “tốt” và “xấu”: Gervaise và Coupeau trong phần đầu của L'assommoir [Quán rượu tồi], nhưng cũng có cả Goujet, trong suốt tiểu thuyết, như một hình tượng biểu trưng cho một người lao động trung thực, trái ngược với Lantier, mang những nét xấu xa; Bonnaire, phản đề của Ragu, trong Travail.
Trong suốt phần đầu của L'assommoir, Gervaise có một hành vi đạo đức, trong tương quan với các chuẩn mực và nguyên tắc kinh tế: cô làm việc, không bao giờ chi nhiều tiền hơn số tiền cô có và luôn có khả năng lo xa. Trong những năm đầu tiên sau khi kết hôn, Coupeau và cô sống một cuộc đời bình lặng, “trong sạch”“đáng trọng”: “Đó là bốn năm làm việc chăm chỉ. Trong khu phố, Gervaise và Coupeau là một hộ gia đình tốt, sống có chừng mực, không mâu thuẫn ẩu đả, với chuyến dạo bộ thường xuyên ngày chủ nhật ở bên bờ Saint-Ouen. Cô gái làm việc ngày mười hai tiếng tại nhà bà Fauconnier, và tìm được cách giữ cho nhà mình sạch sẽ như li, mang lại thức ăn cho tập thể khách, cả sáng lẫn tối. Người đàn ông thì không say rượu, mang tiền lương mỗi hai tuần về nhà, hút một tẩu thuốc bên bậu cửa sổ trước khi đi ngủ, để xả hơi hưởng chút không khí. Người ta thường nhắc đến hai người vì lòng tốt của họ. Và do hai người họ kiếm được chừng chín franc một ngày, nên người ta tính rằng hẳn họ đã phải dành dụm được một lượng tiền lớn” [1877, tr. 145].
Tai nạn mà Coupeau phải gánh chịu và việc Lantier trở lại thành phố là hai sự cố sẽ thay đổi cuộc đời của Gervaise và thay đổi hành vi của cô. Từng chút một, cô mắc nợ và trở nên lười biếng: “Bây giờ, Gervaise chế giễu mọi thứ, cô phác tay làm một cử chỉ mơ hồ để bảo cả thế giới đi ngủ đi. [...] Bỏ bê mọi thứ, chờ cho bụi bặm bít kín những lỗ và khắp nơi phủ một lớp nhung, cảm giác ngôi nhà như nặng nề đi xung quanh cô trong một sự tê tái lười biếng, đây là một kiểu khoái lạc thực sự khiến cô ngây ngất. Sự yên thân của cô là trên hết; phần còn lại, cô chẳng buồn quan tâm. Nợ nần của cô, tuy vẫn đang chồng chất, nhưng không còn giày vò cô nữa. Cô đã đánh mất tính trung thực của mình; có trả hay không trả nợ, thì sự thể vẫn mơ hồ, và cô thì không muốn biết” [nt., tr. 338-340].
Trong quan sát này về người lao động tốt đẹp và xấu xa của Zola thì Coupeau là một nhân vật lập lờ nước đôi. Ở đầu cuốn tiểu thuyết là một người chu đáo, tai nạn của anh đánh dấu một bước ngoặt trong mối quan hệ của anh với công việc: “Và khi đôi chân đã đi được trở lại, anh ta vẫn giữ mối hiềm thù với công việc. Đó là một công việc dài bất hạnh, dành nhiều ngày lầm lũi dọc theo máng xối như những con mèo. Những người tư sản ấy, họ đâu có ngu! Họ đẩy bạn tới chỗ chết, họ quá hèn nhát để mạo hiểm mạng sống trên một cái thang, họ chỉ yên vị bên ngọn lửa ấm áp của họ và kệ xác cái thế giới khốn khổ này” [nt., tr. 172].
Trái ngược với Coupeau, Goujet là một người lao động nghiêm túc, tận tụy và siêng năng, một chàng trai chính trực. Anh được miêu tả một cách rất tích cực trong suốt cuốn tiểu thuyết, đặc biệt là sự khéo léo của anh trong công việc. Một ngày nọ, khi cô ấy đến thăm Goujet và con trai Etienne của mình tại lò rèn, Gervaise đã tham gia vào một cuộc thi tài giữa Goujet và một trong những người bạn của anh ấy, Nốc-mà-không-khát [Boit-sans-Soif]. Trong khi người này không đánh bóng được đúng cách một cái bu lông sau ba mươi cú đập búa, Goujet đã nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ một cách hoàn hảo. ““Và hai mươi tám! cuối cùng anh cũng hét lên, cùng lúc đó đặt cây búa xuống. Xong rồi đấy, mọi người hãy xem xem.” Đầu cái bu lông đã được đánh bóng, sạch sẽ, không có sai sót nào, kỳ công như một món nữ trang, độ tròn trịa ngang với viên bi được làm theo khuôn. Các công nhân nhìn nó mà gật gù; không phải nói thêm gì cả, chỉ có thể quỳ xuống ngưỡng mộ nó mà thôi” [nt., tr. 222].

Trong Travail, mô tả các nhân vật cũng đầy nét tương phản. Các công nhân được phân biệt với nhau chủ yếu ở mức độ quyết tâm của họ trong cuộc đối đầu với giới chủ. Trong khi Bonnaire được miêu tả như một người lao động đứng đắn, nghiêm túc và đầy tính chiến đấu: “Bonnaire là thợ khuấy luyện chính, một trong những công nhân giỏi nhất của nhà máy, đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đình công vừa qua. Đọc báo chí Paris, với tinh thần về sự công bằng mà những người làm công gánh chịu bất bình đẳng khơi dậy, anh đã rút ra từ đó hẳn một chỉ dẫn cách mạng, tất nhiên còn nhiều thiếu sót, nhưng nó đã khiến anh trở thành người ủng hộ khá rõ ràng học thuyết tập thể. Hơn nữa, như anh đã nói một cách rất khôn ngoan, với sự cân đối đẹp đẽ của một con người chăm chỉ và khỏe mạnh, đó là giấc mơ mà ta cố gắng đạt được một ngày nào đó, và trong khi chờ đợi, ta cần có được nhiều công lý tức thời hơn, để những người đồng chí của ta càng ít phải chịu đựng càng tốt” [1901a, tr. 44].
Zola đặt bên cạnh đó Ragu, một phản-anh hùng lười biếng, cau có và ghen tị: “Đó là một anh công nhân trung bình, không tốt cũng chẳng tệ, là sản phẩm hư hỏng của chế độ làm công ăn lương, mà tổ chức lao động hiện tại đã tạo ra. Quả thật là anh ta kêu gào chống lại chế độ tư bản, anh tức giận vì thứ lao động áp chế này nghiền nát mình, anh thậm chí còn có khả năng tham gia một cuộc nổi dậy ngắn, nhưng sự tàn bạo lâu năm đã bẻ gập con người anh ta, ở đáy lòng anh là tâm hồn nô lệ, cung kính trước truyền thống đã được xác lập, ghen tỵ trước người chủ tối cao, là kẻ sở hữu và thưởng thức tất cả mọi thứ, anh chỉ nuôi dưỡng một tham vọng giấu kín muốn thay thế ông ta vào một buổi sáng đẹp trời nào đó, để rồi được thế chỗ ông ta mà tha hồ sở hữu với hưởng lạc. Lý tưởng, nói tóm lại, là không phải làm gì cả, trở thành chủ để không phải làm gì cả” [nt., tr. 69]. Sự lười biếng và ganh tị này bị Zola lên án, vì đối với ông, lao động là một hoạt động cao thượng. Bằng cách đối lập các nhân vật tốt và xấu, nhà văn đã có một đánh giá đạo đức. Theo hiểu biết của chúng tôi, ở các nhà kinh tế học cổ điển thì không có sự phân biệt như vậy giữa những “loại” người lao động khác nhau, với họ, hành vi của người lao động được phân tích như của một nhóm xã hội được mô tả như một toàn thể.

Lối thoát cho hệ thống tư bản

Việc bắt buộc phải lao động không phải là vấn đề trong mắt Zola. Lao động luôn được nhắc đến một cách tích cực trong các tác phẩm của ông. Cái bị phê phán là sự phụ thuộc của người lao động vào chủ sở hữu phương tiện sản xuất, nếu những người lao động này muốn đảm bảo cho sinh kế của mình. Trong Germinal, cuộc đình công, vốn là phương tiện đấu tranh cho sự sống còn, là một phong trào tập thể đích thực nơi mỗi người không chỉ đấu tranh cho bản thân mình, mà còn cho cả những người khác, cho điều kiện của công nhân nói chung. Trong mỏ Voreux, cuộc đình công kéo dài đã vài tuần và công nhân đều phải vật vã trải qua cơn đói, nhưng tất cả họ vẫn được huy động với một niềm tin nhiệt thành trong phong trào mà họ tạo ra: “Và, trước những ngày khủng khiếp đang bắt đầu, không ai nghe thấy một lời phàn nàn nào, tất cả đều tuân theo lời chỉ huy, với một lòng can đảm lặng lẽ. Đó vẫn là một niềm tin tuyệt đối, một đức tin tôn giáo, một sự dâng hiến có phần mù quáng của một cộng đồng tín hữu. Bởi người ta đã hứa với họ một thời đại của công lý, họ đã sẵn sàng chịu đựng cho công cuộc chinh phục niềm hạnh phúc phổ quát. Cơn đói làm những cái đầu trở nên kích động, chân trời khép kín chưa bao giờ lại mở rộng ra xa hơn đối với những con người bị khổ đau làm cho mê mị này” [Zola, 1885, tr. 265]. Khi cuộc đình công bắt đầu, bài phát biểu của Pluchard đã kích động tinh thần của anh em: “Trong ba năm nữa sẽ được chinh phục thế giới. Và anh đã liệt kê tên các dân tộc bị chinh phục. Ở mọi phía, người gia nhập đã dồn dập đổ về. Chưa bao giờ, một tôn giáo khởi sinh lại thu thập được nhiều tín hữu đến thế. [...] Chỉ cần tham gia là đủ, khiến các Công ty cũng phải run sợ, những công nhân gia nhập lực lượng người lao động vĩ đại, quyết tâm chết vì nhau, còn hơn là mãi làm nô lệ cho xã hội tư bản” [nt., tr. 288].
Nhưng trong cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông, Travail, Zola mới cung cấp một mô tả về xã hội mà ông mơ ước, dựa trên sự tôn vinh lao động và quay lưng với cuộc đấu tranh giai cấp: “Sau đó, lại là một chớp lóe khác của thiên tài, lao động được trả lại danh dự, trở thành chức năng công cộng, niềm kiêu hãnh, sức khỏe, niềm vui, thậm chí là quy luật của sự sống. Chỉ cần tái tổ chức lao động để tái tổ chức toàn xã hội, nơi lao động phải là nghĩa vụ công dân, là quy tắc sống còn. Nhưng nó không còn chỉ là một dạng lao động tàn bạo bị áp chế lên những người thua thiệt, lên những làm thuê bị khinh rẻ, bị giày xéo và bị đối xử như những con vật đói ăn, đó sẽ là kiểu lao động được đồng thuận tự do bởi tất cả mọi người, được phân chia theo thị hiếu và bản chất khác nhau, với số giờ làm thiết yếu nhỏ hơn nhiều, được thay đổi liên tục theo lựa chọn tự nguyện của công nhân. Một thị trấn, một xã, chỉ như một cái tổ ong lớn, nơi mà không một ai sống nhàn rỗi, nơi mọi công dân đều chia sẻ nỗ lực của mình trong một công trình tập thể mà đất nước cần để sinh sống. [...] Người ta không thể cách mạng thế giới một cách đột ngột mà cần bắt đầu từ những việc nhỏ, bằng cách thử nghiệm hệ thống trên một xã nơi vài nghìn người dân sinh sống, để làm nên một ví dụ sống động” [1901b, tr. 132].
Lợi ích chung thực sự, theo nghĩa niềm hạnh phúc của toàn xã hội, không thể tồn tại trừ khi ta ra hẳn khỏi hệ thống tư bản. Vấn đề này không được giải quyết bởi các nhà kinh tế học cổ điển ngoại trừ Marx. Tác giả này, giống như Zola, có một cái nhìn bi quan về xã hội, và cả hai chỉ ra cùng một kẻ thù: hệ thống tư bản. Làm sao để đấu tranh với nó và thay thế nó bằng gì? Với Marx, hệ thống này bị kết án bởi những mâu thuẫn kinh tế nội bộ, đặc biệt là sự tập trung ngày càng tăng tiến của tư bản. Zola thì tin tưởng vào ý chí của con người, vào đức tin và lòng dũng cảm của các tác nhân, vào sự đoàn kết gắn kết họ với nhau, trong một tầm nhìn lấy cảm hứng từ chủ nghĩa xã hội không tưởng và, trên tất cả, từ Charles Fourier.

Danh mục tham khảo



Malthus R., 1798, Essai sur le principe de population [Tiểu luận về Nguyên tắc Dân số], Garnier Flammarion, 1999.
Marx K., 1849, Travail salarié et capital [Lao động làm thuê và Tư bản], các ấn bản Bắc Kinh, 1978.
Marx K., 1849, Manuscrits de 1844 [Bản thảo Kinh tế - Triết học năm 1844], Flammarion, 1999.
Marx K., 1867, Le capital [Tư bản], livre I [tập I], Folio, 2008.
Rancière J., 2017, Les bords de la fiction [Biên thùy của giả tưởng], coll. La librairie du XXIe siècle, Le Seuil.
Ricardo D., 1817, Principes de l’économie politique et de l’impôt [Nguyên tắc kinh tế chính trị và thuế], Flammarion, 1999.
Smith A., 1759, Théorie des sentiments moraux [Lý thuyết về những Tình cảm Đạo đức], PUF, 2014.
Smith A., 1776, La richesse des nations [Của cải của các Quốc gia], tập I và II, Garnier Flammarion, 1999.
Zola E., 1901a, Travail [Lao động], L’Harmattan, 1993.
Zola E., 1901b, Travail [Lao động], Tập I, Lagrasse Verdier, 1979.
Zola E., 1899, Fécondité [Sinh sôi], L’Harmattan, 2005.
Zola E., 1898, Paris, Gallimard, 2002.
Zola E., 1887, La terre [Đất đai], Gallimard, 1980.
Zola E., 1885, Germinal, bìa mềm, 2000.
Zola E., 1880, Le roman expérimental [Tiểu thuyết thực nghiệm], Garnier Flammarion, 2006.
Zola E., 1877, L’assommoir [Quán rượu tồi], Le Livre de poche, 1971.
KINH TẾ CHÍNH TRỊ N ° 079 - 07/2018
Nguyễn Vân Anh dịch
Nguồn: De la subsistance à la vie heureuse, Zola et les économistes classiques, Alternatives Economiques, July 1, 2018.




Chú thích:

[*] Trong mô tả của ông về Nhà nước lý tưởng trong tương lai (xem Lao động), Zola đề cập đến các nhà xã hội chủ nghĩa, nhân văn và người vô chính phủ: Fourier, Saint-Simon, Proudhon. Mặc dù ông gợi lên các chủ đề mà một cách rất khách quan thuộc về kinh tế học - lao động, chế độ làm thuê, tư bản, sinh kế - ông rất ít hoặc không gợi viện đến các nhà kinh tế học hay lý thuyết của họ.

Print Friendly and PDF