30.4.19

Việt Nam mơ trở thành công xưởng của hành tinh

VIỆT NAM MƠ TRỞ THÀNH CÔNG XƯỞNG CỦA HÀNH TINH

Trong vòng dưới bốn mươi năm, dân số Việt Nam đã có một sự cải thiện mức sống. Cái đói đã biến mất, giới trẻ được kết nối với các mạng xã hội, các gia đình được xem các loạt phim của Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Nhưng điều kiện lao động vẫn còn rất khắc nghiệt và nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào nước ngoài. Hy vọng nối lại một quan hệ đối tác được ưu đãi của chính phủ [Việt Nam] với Hoa Kỳ có nguy cơ bị thất vọng.
Martine Bulard
Chú thích: Deborah Schaeffer – Từ loạt ảnh “Saigon Two”, 2016
Tóc đen chấm trán, khoảng năm mươi tuổi, con người năng động và đôi mắt sáng, ông Nguyễn Văn Thiện nằm trong số những người mà Đảng Cộng sản Việt Nam (PCV) gọi là những người lính của Bác Hồ trên mặt trận kinh tếđể đề cập đến Hồ Chí Minh, vị anh hùng của nền độc lập và là người sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông Thiện đấu tranh trên mặt trận hàng may mặc, với khách hàng là những công ty đa quốc gia như Gap của Mỹ, Uniqlo của Nhật Bản, Zara của Tây Ban Nha... điều mà ông rất tự hào.
Chúng tôi gặp ông Thiện tại một trong những nhà máy của ông đang lấn chiếm những cánh đồng xung quanh, ở vùng ngoại ô to lớn của Bắc Giang, cách thủ đô Hà Nội một giờ rưỡi đường xe. Trong bốn lối đi giữa những dãy nhà xưởng dài là máy móc và công nhân – chủ yếu là công nhân nữ. Hơi chệch một chút ngoài các nhà xưởng là tòa nhà văn phòng khiêm tốn. Ngoài ra người ta còn thấy có một bàn thờ Ông địa và Thần tài, những vị thần bảo đảm cho sự thịnh vượng. Chúng ta sẽ thấy bàn thờ này, ở tất cả các doanh nghiệp được tham quan, lớn hoặc nhỏ, được đặt ở bên ngoài, như doanh nghiệp này, hoặc ở bên trong ngay lối ra vào. Thỉnh thoảng, người ta còn thấy đốt nhang nữa.
Ông Nguyễn Văn Thiện là Tổng Giám đốc Tổng công ty May Bắc Giang (BGG), chưa được công chúng Việt Nam biết đến. Họ sản xuất áo các mặt hàng áo jacket, áo vét và quần để xuất khẩu. Các mặt hàng trên không được bán trên thị trường nội địa, để không làm cho các nhãn hiệu có vẻ tầm thường và từ đó làm giảm giá trị các thương hiệu đó: điều này được quy định trong hợp đồng. Như thể người làm công ăn lương, những người kiếm được từ 3 và 5 triệu đồng (từ 125 và 210 Euro mỗi tháng) cho sáu ngày làm việc một tuần, có đủ khả năng mua sắm những quần áo như vậy.
Mười năm trước, công ty BGG chỉ có một nhà máy và chỉ sử dụng 350 công nhân. Đó là trước khi tư nhân hóa, một từ không bao giờ được nói ra. Không chỉ ở đây mà ở bất cứ nơi nào khác. Thay vào đó, người ta chọn nói là “xã hội hóa”, “cổ phần hóa” và thậm chí đôi khi “quốc hữu hóa. Sự đánh tráo ngôn ngữ kì lạ để chỉ việc các cổ phần không còn thuộc về Nhà nước mà thuộc về người lao động ăn lương, những người ưu tiên (nếu họ có thể mua cổ phần) và tất cả những ai “muốn” mua cổ phần. Khi đó doanh nghiệp trở thành “của cải chung của tất cả người Việt Nam, theo thuật ngữ chính thức. Nếu, ở thời điểm xuất phát, việc phân chia [cổ phần] có vẻ công bằng, thì ở thời điểm về đích, những người có nguồn vốn xã hội và nguồn lực tài chính sẽ nắm giữ phần lớn nhất. Ít nhất công ty [BGG] đã hoạt động phát đạt, với năm nhà máy, mười bốn ngàn lao động và các sổ đặt hàng đầy ắp.
Trước đây, trong thời kỳ nhà nước hóa phổ biến, các mệnh lệnh đều xuất phát từ Ủy ban Nhân dân và Sở Thương mại, do Đảng lãnh đạo. Từ năm 1987, với chính sách “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, như người ta nói ở đây, chính các thương hiệu lớn của phương Tây đang kiểm soát mọi thứ, từ việc thiết kế đến việc sử dụng các nút áo và sợi chỉ, và áp đặt giá cả sản phẩm. Rất vui khi thoát khỏi “nạn gò bó và quan liêu của nhà nước, ông Nguyễn Văn Thiện rút ra được bài học từ câu chuyện ngụ ngôn: “Người ta đang làm ra tiền.”
Tất cả những trải nghiệm thoát khỏi hệ thống [quản lý] trước đây đều không thành công như vậy. “Hầu hết các tập đoàn công lớn, được cổ đông hoáhay không, đều mất tiền, theo lời của một luật sư có uy tín phát biểu ẩn danh. Từ nay, vị cựu quan chức nhà nước cao cấp này đang điều hành một công ty lớn chuyên về luật kinh doanh – một tiến trình theo sát diễn tiến phát triển của Việt Nam. Thực vậy, kể từ khi phát động chính sách được gọi là “đổi mới”, vào năm 1986, có một số doanh nghiệp [Việt Nam] đặc biệt nổi lên, như tập đoàn Vingroup – mà chủ tịch-tổng giám đốc là người Việt Nam duy nhất xuất hiện trên danh sách dài các tỷ phú đô-la của tạp chí Forbes của Mỹ hoặc công ty điện thoại hàng đầu Viettel, hay tập đoàn sữa Vinamilk. Nhưng để thành đạt như vậy, họ phải nhờ vào những hoàn cảnh đặc biệt. Doanh nghiệp thứ nhất hưởng lợi từ các thị trường công và các quyền nhượng đất ngoài quy định cho phép họ thu được lợi nhuận khổng lồ; doanh nghiệp thứ hai thuộc sở hữu của quân đội với quyền tiếp cận các vệ tinh và tần số một cách ưu đãi; và doanh nghiệp thứ ba thuộc sở hữu của các tập đoàn nước ngoài, trong đó có một quỹ [đầu tư] của Singapore.

Các nhà đầu tư đang chơi với Hà Nội đối lại Bắc Kinh

Những doanh nghiệp khác chỉ rụt rè gọi vốn bên ngoài vừa thoát khỏi sự kiểm soát của Nhà nước, và công bố những khoản thua lỗ khổng lồ – “một pha trộn giữa bất tài và tham nhũng, theo lời của vị luật sư. Ví dụ nổi bật nhất là trường hợp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, mà ở đó nhiều nhà lãnh đạo đã phải từ chức do những thua lỗ thăm thẳm và những bổng lộc đã được chứng minh là có thật. Vì chính quyền quyền, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng, đã quyết định, một cách rõ rệt, thực hiện một cuộc thập tự chinh chống lại nạn tham nhũng đang làm xói mòn cuộc sống hàng ngày của người Việt Nam, và cuối cùng làm suy yếu một nền kinh tế ngày càng mở cửa cho sự dịch chuyển các nguồn vốn. “Các doanh nhân Việt Nam luôn bơi trong một cái ao rất hẹp – cái ao của quỷ, theo lời giải thích vị luật sư thân Pháp của chúng tôi. Nhưng từ nay, đó là đại dương đang chờ họ.” Đại dương giông tố của thương mại tự do và của sự cạnh tranh tàn khốc.
Công ty dệt may BGG biết một điều: “Để gây áp lực lên chi phí, một số khách hàng lớn đang chơi với Việt Nam đối lại Trung Quốc và ngược lại, theo lời của vị tổng giám đốc, người đã phải “chắt bóp mọi thứ,” mà không thực sự nói rõ “mọi thứ” đó nghĩa là gì. Ví dụ, Uniqlo đã đóng băng các nguồn hàng cung ứng ở Trung Quốc vì lợi ích của hợp đồng thầu phụ tại Việt Nam. Lever Style, một trong những nhà cung cấp khác của thương hiệu Nhật Bản, đã giảm một phần ba lực lượng lao động Trung Quốc và sẽ xây dựng nhà máy ở bên này biên giới [ý muốn nói Việt Nam – ND] để sản xuất 40% doanh số bán hàng vào năm 2020, trong khi họ đã vắng mặt ở đây từ sáu năm trước.[1] Kể từ đầu thập kỷ, các thương hiệu lớn và các nhà thầu phụ của họ đã dần dần từ bỏ lãnh thổ Trung Quốc, như Pou Chen của Đài Loan (Nike, Adidas, Puma, Lacoste...), đã đầu tư hơn 2 tỷ US$ trong các khu công nghiệp ở ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh (trước đây là Sài Gòn), ở phía nam đất nước.
Theo ông Trương Văn Cẩm, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (tổ chức của giới chủ được biết đến dưới tên gọi là Vitas), “65% hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam được thực hiện bởi các doanh nghiệp có vốn nước ngoài hoặc các nhà thầu nước ngoài. Một thực tế khá tích cực, theo vị lãnh đạo này với vóc dáng gần với dáng vẻ của một quan chức Liên Xô trong những năm 1970 hơn là một ông chủ trẻ được Mỹ hóa, mà đôi khi chúng ta gặp được. Tuy nhiên, ông nhắc lại rằng những yêu cầu cải cách đầu tiên xuất phát từ các cấp lãnh đạo của Vitas, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của một dân số trẻ, một dân số từ khước sự đồng phục hóa và “một dân số mà chúng tôi phải tạo công ăn việc làm cho họ. Đó là của cải duy nhất của chúng tôi.” Vì vậy, tổ chức của ông là tổ chức tiên phong.
Chú thích: Deborah Schaeffer – Từ loạt ảnh “Saigon Two”, 2016
Đối với ông, “nền kinh tế toàn cầu vận động theo từng đợt di dời địa điểm sản xuất. Các đợt này xuất phát từ Châu Âu để sang Nhật Bản và Hàn Quốc, rồi đến Trung Quốc. Với sự gia tăng mức lương ở Trung Quốc, từ nay các đợt này đến Việt Nam, Bangladesh, Miến Điện. Đây là quy luật tự nhiên, mục tiêu của các doanh nghiệp là kiếm lời. Đó là những chu kỳ kéo dài trong mười hoặc mười lăm năm – điều đó sẽ “cho phép chúng tôi có thời gian để nâng cao tay nghề của người lao động và cải tiến hiệu quả làm việc của họ, ông nói. Nghe có vẻ giống như Pascal Lamy, một nhà xã hội chủ nghĩa phải đạo người Pháp và là cựu tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)...
Giống như hầu hết các nhà lãnh đạo kinh tế, ông Trương Văn Cẩm trông chờ rất nhiều vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Hoa Kỳ và mười một quốc gia, được cho là sẽ mang lại nhiều điều kỳ diệu. Phát biểu một cách trữ tình, Barack Obama đã chẳng gọi TPP là “thỏa thuận thương mại tiến bộ nhất trong lịch sử[2]” sao? Vững tin vào các tính toán của Ngân hàng Thế giới, các ông chủ ngành dệt may kỳ vọng một sự gia tăng chóng mặt trong thị phần của họ trên thị trường thế giới – từ 4% hiện nay lên 11% vào năm 2025; đối với các ông chủ ngành điện tử, một sự gia tăng đột biến các mặt hàng xuất khẩu vào khoảng 18%; trong khi các nhà lãnh đạo Việt Nam trông chờ vào một mức tăng trưởng bổ sung từ 0,8% và 2% mỗi năm trong thập kỷ tới.[3] 
Lời hứa hấp dẫn này đã góp phần rất nhiều vào sự gia tăng thiết lập nhanh chóng và đột ngột các cơ sở sản xuất của nước ngoài trong những năm gần đây. Thực vậy, lô-gic phá giá tiền lương đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư, như theo lời giải thích bóng gió của các ông Shimizu Tatsuji và La Văn Tranh, bộ đôi người Nhật-Việt lãnh đạo công ty điện tử Nhật Bản Foster Electric, những người đã tiếp chúng tôi trong nhà máy sản xuất microphone (cho các sản phẩm iPhone của Apple) và loa (cho các nhà sản xuất ô-tô nước ngoài): “Công nhân Việt Nam rất cạnh tranh. Ở điểm xuất phát, họ ít được đào tạo bài bản, nhưng họ học hỏi rất nhanh. Ở đây chúng tôi sử dụng 30.000 người, và mức lương cơ bản là khoảng 150 đến 200US$ một tháng, so với mức lương trung bình 650US$ ở Trung Quốc. Chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều tiền.” Một nguồn lợi lớn, thực vậy. Không chỉ đối với Foster, công ty đã giảm hoạt động tại Trung Quốc, mà còn đối với Samsung, công ty đã đầu tư 15 tỷ US$ và sử dụng 46.000 người – chỉ tính riêng một thành phố. Hay các công ty khác nữa như Foxconn, Apple, Canon...
Nhưng đó không phải là động lực duy nhất. Sự bùng nổ trong những năm gần đây xuất phát phần lớn từ việc cắt giảm thuế quan được dự kiến vào Hoa Kỳ và vào mười một nước khác của khu vực Thái Bình Dương, cho đến khi việc miễn thuế quan hoàn toàn vào năm 2025, trong khuôn khổ của TPP. Đặc biệt là vì các nhà đàm phán Mỹ đã ban hành một quy tắc nghiêm ngặt được gọi là “nguồn gốc xuất xứ, yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu phải được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam hoặc từ những thành phần có nguồn gốc xuất xứ từ các nước thành viên của hiệp định đối tác nổi tiếng, trong đó Trung Quốc bị loại trừ. Không còn vấn đề lắp ráp ở đây những thành phần được sản xuất ở bên kia. Từ đó, có thể thấy được sự đổ xô vội vã từ đầu thập kỷ này.

Chiếc cầu vàng cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài

Với sự giúp đỡ của Washington và TPP, Việt Nam đã thấy mình trở thành công xưởng thứ hai của thế giới, sẵn sàng gây khó khăn cho đối tác của mình, một đối tác vừa được ưu đãi vừa bị ghét bỏ: Trung Quốc, nhà cung cấp đầu tiên và khách hàng đầu tiên, nhưng cũng là đối thủ ở biển Nam Hải (ở Việt Nam gọi là “Biển Đông”). Hiệp định thương mại tự do này có tầm quan trọng cả về chính trị lẫn kinh tế.[4] Nhưng sự thù địch của Donald Trump đối với hiệp định này có thể làm thay đổi cuộc chơi. Vào một ngày tháng 11, một panô màu xanh tĩnh đã xâm chiếm màn ảnh truyền hình, làm gián đoạn bản tin hàng ngày của mạng truyền hình Cable News Network (CNN) của Mỹ “vì nội dung không phù hợp. Sau đó, người ta biết rằng vị tổng thống đắc cử đã lớn tiếng chống các sản phẩm Việt Nam giá rđe dọa tràn ngập nước Mỹ. Cần phải tránh cho những đôi tai trong sáng của người Việt Nam nghe thấy những lời buộc tội tệ hại này, giả sử là họ xem CNN...
Đến thời điểm này, giới lãnh đạo đất nước hy vọng rằng Walmart, Nike, Apple, Microsoft và những công ty khác sẽ biết cách làm cho vị tổng thống lập dị tỉnh lại và ít nhất chấp nhận một hiệp ước song phương. Trong khi chờ đợi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở Quốc hội, hôm 18 tháng 11, rằng Việt Nam đã “ký mười hai hiệp định thương mại tự do” và ông dự định “theo đuổi quá trình hội nhập kinh tế”, dù có TPP hay không. Hiện nay, các nguồn đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ châu Á (theo thứ tự: Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc). Người đứng đầu chính phủ cũng đặt cược vào thỏa thuận ký với Liên minh châu Âu và đã được Quốc hội Pháp – mà không có tranh luận nhiều – phê chuẩn vào tháng 6 năm 2016.
Hà Nội đặt các hy vọng tăng trưởng kinh tế vào “tất cả để xuất khẩu” và vào các dòng chảy vào của nguồn vốn đầu tư nước ngoài, khi cung cấp một cây cầu vàng: miễn thuế hoàn toàn trong bốn năm và miễn thuế phân nửa trong chín năm tiếp theo, dễ dàng tiếp cận quyền sử dụng đất (bất lợi cho nông nghiệp ), sự hỗ trợ bổ sung từ các chính quyền địa phương, sự đơn giản hóa các thủ tục hành chính, v.v. Điều đó đã làm cho guồng máy chuyển động: tăng trưởng đạt 6,5% trong năm 2016. Điều đáng mơ ước, ngay cả đối với trong khu vực. Nhưng chiến lược này có một cái giá của nó: sự phụ thuộc. Các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện hơn hai phần ba kim ngạch xuất khẩu: ví dụ, chỉ riêng Samsung đã chiếm 60% doanh số bán hàng điện tử ra nước ngoài. Chỉ cần người khổng lồ Hàn Quốc này ho (như với trường hợp điện thoại Galaxy Note 7 có pin bị bốc cháy), thì cả nước Việt Nam đều cảm lạnh.

Mối quan ngại ngày càng tăng về vấn đề môi trường

Gặp nhau tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), một trung tâm nghiên cứu trực thuộc Bộ Kế hoạch quyền lực, ông Nguyễn Ánh Dương không phủ nhận những nguy cơ. Khi đả kích “tầng lớp những người giàu mới và doanh nhân Việt Nam muốn bảo vệ các đặc quyền của họ, vị Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô này thẳng thừng giải thích rằng: “Các doanh nghiệp nước ngoài có vốn,còn chúng tôi thì không. Người nước ngoài đầu tư vào sản xuất là tốt hơn người Việt Nam đặt cược vào bất động sản. Ngoài ra, điều đó tạo ra sự cạnh tranh với các doanh nghiệp địa phương, khiến họ phải cải tiến sự quản lý của mình.” Và để tóm tắt tư tưởng chủ đạo: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài [FDI] này thực sự tạo ra một thách thức vào tương lai. Có nguồn vốn đó thì có một cơ hội để thành công, nhưng nếu không có nguồn vốn đó thì chắc chắn chúng tôi sẽ không phát triển được.”
Thực vậy, làm thế nào để thoát khỏi tình trạng kém phát triển khi không có vốn lẫn công nghệ, nhưng có một dân số trẻ (một nửa dân số dưới 30 tuổi), đông (53,8 triệu người trong độ tuổi lao động), có học (93,5% biết đọc và viết)? Chính quyền Việt Nam dựa vào giáo điều nguy hiểm từng tạo nên thế mạnh của Singapore, Đài Loan hay Trung Quốc: chi phí lao động thấp. Với một sự khác biệt, theo lời của Erwin Schweissmus, giám đốc Quỹ Fondation Friedrich Ebert tại Việt Nam: “Các quốc gia này dù vậy vẫn bảo vệ thị trường của họ và áp đặt các quy định. Thậm chí cho đến ngày nay, việc sở hữu một công ty 100% vốn Trung Quốc là điều bất khả, và một số đầu tư phải bao gồm việc chuyển giao công nghệ. Còn Việt Nam, thì họ mở toát cửa. Không hề có bất cứ yêu cầu nào về việc thành lập doanh nghiệp hoặc sử dụng các nguồn lực quốc gia, không hề có bất cứ khuyến nghị nào.” Và, rõ ràng, họ ít kiểm soát các vi phạm luật lao động, các vụ vi phạm này đã gây ra nhiều vụ xung đột trong các doanh nghiệp lớn (đọc Des grèves sans syndicat [Các cuộc đình công không có công đoàn]).
Người ta cũng không mấy cảnh giác hơn đối với các chuẩn mực về môi trường. Vụ Formosa minh chứng điều đó​​, đặt theo tên của công ty Đài Loan được thiết lập ở tỉnh Hà Tĩnh, ở miền trung đất nước. Công ty này đã đổ các sản phẩm độc hại từ nhà máy thép của họ xuống biển: hai trăm cây số bờ biển bị ô nhiễm, hàng tấn cá bị chết, hơn bốn mươi ngàn ngư dân thất nghiệp, ngành du lịch bị đe dọa. Trong thời gian đầu, người đại diện của công ty Formosa tại Hà Nội, ông Chou Chun Fan, đã cảm thấy đủ sức được che chở khi tuyên bố: “Các bạn không thể có mọi thứ. Các bạn phải chọn giữa cá, tôm và nhà máy thép[5].” Nhưng ông ta đã không tính đến các ngư dân, những người đánh cược sự sinh tồn của mình và đã đưa đơn kiện. Cũng như đã không tính đến các tầng lớp trung lưu đô thị, lo ngại cho chất lượng thực phẩm, đã biểu tình rầm rộ ở thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ đã bắt giữ một hoặc hai người bị nghi ngờ cầm đầu phong trào xuống đường và quản thúc vài chục người biểu tình trong vài giờ; nhưng chính phủ đã tiến hành một cuộc điều tra, buộc [công ty Formosa] phải trả tiền bồi thường cho ngư dân, và ông Chou Chun Fan đã phải từ chức.
Vài năm trước, vào năm 2009, việc công ty Chinalco của Trung Quốc khai thác mỏ bauxite đã dấy lên cuộc xuống đường của đám đông, thậm chí đẩy Tướng Võ Nguyên Giáp, vị anh hùng chiến tranh, phải cầm bút chống lại “những rủi ro nghiêm trọng gây thiệt hại cho môi trường sinh thái[6]. Vô ích. Sự khao khát tăng trưởng đã lấn át tất cả.
Cơn khát tiêu dùng đã làm cho các thành phố tràn ngập những xe ô-tô và xe gắn máy hai bánh trong một mớ lộn xộn đến khó tin, khiến cho việc băng qua đường trở nên không an toàn và không khí hoàn toàn không thể thở được. Tuy nhiên, các hội đoàn hoặc tổ chức đấu tranh chống nạn ô nhiễm và vì sự an toàn lương thực bắt đầu xuất hiện. Mùa xuân năm 2016, cư dân Hà Nội đã vận động để ngăn chặn việc chặt hạ hàng chục cây cổ thụ – và đã thành công. Ông Lương Ngọc Khuê, một doanh nhân trẻ và chuyên gia phần mềm, sinh trưởng ở đồng bằng sông Cửu Long, hy vọng tập hợp được “người thành thị và người nông thôn” chống lại sự xuất hiện có thể, với các hiệp ước thương mại tự do, các sản phẩm ngô hoặc gạo của Mỹ, “chắc chắn đã được biến đổi gen, tất nhiên là của Monsantomột doanh nghiệp với ký ức buồn thảm tại Việt Nam. Đến thời điểm này, nhóm của anh dường như chỉ tập hợp được vài chục thanh niên kết nối trên mạng xã hội. “Chúng tôi biết làm thế nào để tập hợp trên những vấn đề cụ thể, như vụ Formosa, theo lời của nhà làm phim tài liệu Đào Thanh Huyền. Nhưng chúng tôi chưa nghĩ đến vấn đề: làm thế nào để bắt kịp công cuộc phát triển, khi đang trực tiếp ở trong sự toàn cầu hóa, và để bảo tồn văn hóa ngàn năm của mình, các giá trị về tinh thần đoàn kết, tôn trọng tổ tiên, mối liên kết giữa các thế hệ, các giá trị về đạo đức?
Đảng Cộng sản đã chọn hoãn lại câu trả lời cho những câu hỏi như vậy. Có khá nhiều ý kiến ​​trái chiều, như Đại hội lần thứ 12 đã cho thấy, vào tháng 1 năm 2016, việc loại bỏ vị thủ tướng, người khởi xướng chính sách tư nhân hóa, và vị tổng bí thư lên nắm quyền. Nhưng cuộc tranh luận chỉ bàn về tốc độ cải cách, chứ không phải về nội dung cải cách: một số người cho rằng nên tăng tốc và sử dụng các hiệp định thương mại tự do như một áp lực để thay đổi các chuẩn mực và cách làm (để chuẩn bị cho hiệp định TPP, sáu mươi luật liên quan đến các vấn đề xã hội và kinh tế đã được sửa đổi); một số người khác thì cho rằng cần phải chậm lại để kiểm soát các thay đổi. Tóm lại có hai đối chọn: nền kinh tế thị trường không mặc cảm hoặc nền kinh tế thị trường ôn hòa. Còn đối với định hướng xã hội chủ nghĩa...

Giới thiệu tác giả
Martine Bulard


Martine Bulard
Martine Bulard là phó tổng biên tập tạp chí Le Monde diplomatique.









Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Le Vietnam se rêve en atelier de la planète, Le Monde Diplomatique, Tháng 2/2017.



[1] China manufacturers survive by moving to Asian neighbors [Các nhà sản xuất Trung Quốc tồn tại bằng cách chuyển sang các nước láng giềng châu Á]”, The Wall Street Journal, New York, ngày 1 tháng 5 năm 2013.
[2] Jennifer Wells, “Will the TPP transform the garment manufacture in Vietnam: Wells [Liệu TPP có làm biến đổi ngành may mặc tại Việt Nam: Wells]”, The Toronto Star, ngày 6 tháng 10 năm 2015.
[3] Potential macroeconomic implications of the Trans-Pacific Partnership [Những hàm ý kinh tế vĩ mô tiềm năng của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương]”, Global Economic Prospects, Banque mondiale, Washington DC, tháng 1 năm 2016.
[4] Đọc Xavier Monthéard, “ Retrouvailles des Etats-Unis et du Vietnam [Sự đoàn tụ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam]”, Le Monde diplomatique, tháng 6 năm 2011.
[5] Hécatombe de poissons: Formosa s’excuse, l’enquête continue [Cuộc tàn sát cá: Formosa xin lỗi, cuộc điều tra vẫn tiếp diễn]”, Le Courrier du Vietnam, Hà Nội, ngày 27 tháng 4 năm 2016.
[6] Đọc Jean-Claude Pomonti, “Le Vietnam, la Chine et la bauxite [Việt Nam, Trung Quốc và Bauxite]”, blog của Diplo, Planète Asie, ngày 3 tháng 7 năm 2009.
Print Friendly and PDF