8.7.19

Kinh tế học hậu chủ nghĩa tân tự do (1)


KINH TẾ HỌC HẬU CHỦ NGHĨA TÂN TỰ DO (1)
Kinh tế học đương thời cuối cùng cũng thoát khỏi chủ nghĩa tôn sùng thị trường, cung cấp nhiều công cụ mà chúng ta có thể sử dụng để làm cho xã hội trở nên cởi mở hơn.
Suresh Naidu, Dani Rodrik, Gabriel Zucman
Ghi chú của ban biên tập: Diễn đàn này là một phần của của dự án đặc biệt của Boston Review mang tên Democracy’s Promise (Triển vọng của nền dân chủ).
Chúng ta sống trong thời đại bất bình đẳng đáng kinh ngạc. Chênh lệch về thu nhập và của cải ở nước Mỹ đã chạm những mốc cao chưa từng thấy kể từ Thời Đại Kim Tiền (Gilded Age)[*] và tình trạng chênh lệch này ở nước Mỹ thuộc nhóm cao nhất trong thế giới các nước phát triển. Tiền lương trung vị của người lao động Mỹ dậm chân tại chỗ trong gần 40 năm. Ngày càng ít người Mỹ trẻ tuổi có thể kỳ vọng rằng đời họ sẽ khởi sắc hơn đời cha mẹ họ. Chênh lệch về của cải và sự thịnh vượng giữa các chủng tộc tồn tại dai dẳng khó vãn hồi. Vào năm 2017, tuổi thọ ở Mỹ đã giảm liên tục trong ba năm liền, và sự phân bổ nguồn lực chăm sóc sức khỏe có vẻ vừa không hiệu quả vừa thiếu công bằng. Những tiến bộ về tự động hóa và số hóa hăm he những xáo trộn ở thị trường lao động thậm chí còn to tác hơn trong những năm tới. Thiên tai do biến đổi khí hậu ngày càng làm xáo trộn cuộc sống thường nhật.
Kinh tế học đang trong trạng thái lên men sáng tạo - ý thức về trách nhiệm cộng đồng đang đưa con người vào cuộc tranh biện.
Chúng tôi tin rằng tất cả đều là những vấn đề có thể giải quyết được - chí ít là như vậy, và chúng ta có thể giải quyết chúng khá triệt để. Nhưng để giải quyết những vấn đề này đòi hỏi một cuộc thảo luận công khai rộng rãi và sâu sắc các ý tưởng chính sách mới. Các nhà khoa học xã hội có trách nhiệm tham gia cuộc thảo luận này. Và những nhà kinh tế - cụ thể là những nhà kinh tế làm việc trong các trung tâm học thuật hàng đầu quốc gia - đóng một vai trò vô cùng thiết yếu. Thực ra, họ đã bắt đầu thể hiện vai trò của mình rồi. Kinh tế học đang trong giai đoạn lên men sáng tạo vốn thường không hiển hiện đối với người ngoài ngành. Trong khi phương diện xã hội của ngành - các động cơ nghề nghiệp, các chuẩn mực, các mô thức xã hội hóa - thường ngăn trở việc tham gia tranh biện chính sách, đặc biệt là những nhà kinh tế trẻ, thì ý thức về trách nhiệm cộng đồng đang đưa người ta vào cuộc tranh biện.
Các công cụ kinh tế học có tính quyết định đối với việc xây dựng một khung khổ chính sách cho mục tiêu mà chúng tôi gọi là “sự thịnh vượng toàn diện”. Trong khi sự thịnh vượng là mối quan tâm truyền thống của các nhà kinh tế, thì “tính toàn diện” cần yếu tố mà chúng tôi xem là sự phân bổ tổng thể về thu nhập, không đơn thuần là mức trung bình (“giai cấp trung lưu”), và yếu tố mà chúng tôi xem là sự thịnh vượng của con người nói chung, bao gồm những nguồn thịnh vượng phi tiền tệ, từ sức khỏe đến biến đổi khí hậu và các quyền chính trị. Để cải thiện chất lượng thảo luận công khai về sự thịnh vượng toàn diện, chúng tôi đã tổ chức một nhóm các nhà kinh tế - mạng lưới Kinh Tế Học vì Sự Thịnh Vượng Toàn Diện (the Economics for Inclusive Prosperity - EfIP) - nhằm đề xuất chính sách liên quan đến nhiều chủ đề, bao gồm thị trường lao động, tài chính công, thương mại quốc tế, và tài chính. Mục đích của nỗ lực tập thể non trẻ này không đơn thuần là đề xuất một danh sách các phương án cho những mảng chính sách khác nhau, mà cung cấp một viễn kiến tổng thể về chính sách kinh tế có giá trị như một lựa chọn thay thế thực thụ cho chủ nghĩa tôn sùng thị trường vốn thường được đồng nhất - một cách sai lầm - với kinh tế học.
Chúng tôi đã đích thân chứng kiến sức mạnh của sự đồng nhất hoá này vào đầu năm 2018, khi nhóm ba người chúng tôi tham gia một hội thảo về “tư duy mới vượt ra khỏi chủ nghĩa tân tự do”. Những người tham gia - các sử gia, các nhà khoa học chính trị, các nhà xã hội học, các học giả luật, và các nhà kinh tế - đã đồng ý rằng khung khổ chính sách tân tự do phổ biến đã phá hỏng xã hội, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trầm trọng và ngày càng gia tăng. Tất cả chúng tôi đều rùng mình trước biến chuyển chính trị mang màu sắc hẹp hòi, bản địa bài ngoại, một phần được thúc đẩy bởi những hố sâu bất bình đẳng này. Đã có sự đồng thuận về việc cần  phải có một lựa chọn thay thế thực thụ - một tập hợp các chính sách vừa hiệu quả vừa toàn diện, đáp ứng được những lời kêu ca chính đáng mà không gieo rắc thêm sự chia rẽ xã hội sâu sắc.
Friedrich Hayek (1899-1992)
Milton Friedman (1912-2006)
Mặc dù chúng tôi triệt để theo đuổi những mục tiêu này, nhưng chúng tôi thấy bản thân ở thế thủ. Trong mắt nhiều người, sự chuyển biến sang chủ nghĩa tân tự do có liên quan chặt chẽ đến các tư tưởng kinh tế. Các nhà kinh tế học hàng đầu như Friedrich HayekMilton Friedman nằm trong số những nhà sáng lập nên Mont Pelerin Society, một nhóm trí thức có tầm ảnh hưởng mà tư tưởng ủng hộ thị trường và chống đối sự can thiệp của chính phủ của họ đã rất có hiệu quả trong việc định hình lại tổng quan chính sách sau năm 1980. Phi điều tiết hóa, tài chính hóa, dỡ bỏ nhà nước phúc lợi, phi thể chế hóa thị trường lao động, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế lũy tiến, và theo đuổi siêu toàn cầu hóa - thủ phm phía sau các tình trạng bất bình đẳng gia tăng - tất cả dường như bắt nguồn từ các tư tưởng kinh tế truyền thống. Tất cả các trọng tâm của ngành gồm thị trường và các kích thích, phương pháp luận quy về cá nhân, và hình thức hóa toán học dường như cản đường cuộc cải tổ kinh tế và xã hội có ý nghĩa trên diện rộng. Tóm lại, chủ nghĩa tân tự do dường như chỉ là một tên gọi khác của kinh tế học.
Chủ nghĩa tân tự do - hay chủ nghĩa tôn sùng thị trường - không phải là sự áp dụng nhất quán kinh tế học hiện đại, mà áp dụng sự méo mó nguyên thủy, giản đơn thái quá của kinh tế học.
Do đó, nhiều người nhìn ngành kinh tế học với thái độ thù địch ra mặt. Họ cho rằng việc giảng dạy và thực hành kinh tế học phải được cải tổ về căn bản để ngành trở thành một lực lượng kiến thiết. Thực ra, có những lý do chính đáng cho sự bất bình với cái cách mà quá thường xuyên kinh tế học được thực hành và giảng dạy. Các tổ chức bảo thủ và các viện nghiên cứu đã độc quyền nhân danh kinh tế học trong các giới làm chính sách, đẩy mạnh quan điểm về sự đánh đổi lớn lao giữa hiệu quả và công bằng, và dành ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế. Sinh viên học xong các khóa nhập môn kinh tế học thường nghĩ rằng “thị trường luôn hiệu quả”. Những người có tư tưởng bảo thủ có xu hướng lấy “kinh tế học” biện minh cho các chính sách họ ưa thích hơn, trong khi những người có tư tưởng tự do được cho là không nhạy cảm trước các điều kiện cần thiết cho sự thịnh vượng.
Hồi đáp của chúng tôi khác biệt về cơ bản. Nhiều ý tưởng chính sách chi phối trong vài thập kỷ qua không dựa trên [lý thuyết] kinh tế học vững chắc hay bằng chứng tốt. Chủ nghĩa tân tự do - chủ nghĩa bảo căn thị trường, chủ nghĩa tôn sùng thị trường, v.v. - không phải là sự áp dụng nhất quán kinh tế học hiện đại, mà áp dụng sự méo mó nguyên thủy, giản đơn thái quá của kinh tế học. Và kinh tế học đương đại có đầy rẫy các ý tưởng tạo ra một xã hội cởi mở hơn. Nhưng đó là việc của chúng ta, những nhà kinh tế, làm sao thuyết phục độc giả của chúng ta về giá trị của các tuyên bố này, đây là lý do chúng tôi bắt tay vào dự án này. Bên dưới, chúng tôi đã phác thảo một tập hợp các tóm tắt chính sách (các phiên bản đầy đủ có ở đây) mà chúng tôi hy vọng sẽ khơi mào và thúc giục sự cam kết lâu dài của các nhà kinh tế hàn lâm đóng góp những ý tưởng sáng tạo về sự thịnh vượng toàn diện.
Tuy nhiên, trước khi chúng tôi bàn về các đề xuất chính sách, chúng tôi trước hết phải giải quyết vấn đề làm thế nào thuyết phục những người không phải là những nhà kinh tế rằng kinh tế học là một phần của giải pháp. Chúng tôi chắc rằng thói quen của nhiều nhà kinh tế, đặc biệt khi họ tham gia tranh biện công khai, là hay trách móc việc người ta không hiểu kinh tế học là gì và các nhà kinh tế nghiên cứu cái gì.
Kinh tế học nghiên cứu thị trường (và các vấn đề khác), và dĩ nhiên chúng tôi cảm thấy có một niềm tự hào nhất định khi giải thích cách thức thị trường vận hành cho những người không có kiến thức chuyên môn như chúng tôi. Khi các thị trường vận hành hiệu quả, chúng làm tốt việc tổng gộp thông tin và phân bổ nguồn lực khan hiếm. Nguyên lý lợi thế so sánh, vốn là nền tảng của thương mại tự do, là một trong những báu vật quý giá nhất của ngành - vì nó giải thích các phương diện quan trọng của nền kinh tế quốc tế và cũng vì nó thoạt nhìn rất phản trực giác. Tương tự, các nhà kinh tế tin vào sức mạnh của các kích thích; chúng tôi có bằng chứng chứng tỏ con người phản ứng với các kích thích, và chúng tôi đã chứng kiến sự thất bại của quá nhiều chương trình rất có ý nghĩa vì các chương trình đó không quan tâm đúng mực đến những kiểu hành xử sáng tạo của con người nhằm đạt được những mục tiêu riêng của mình.
Các nhà kinh tế rất thiên lệch về phía các giải pháp chính sách dựa vào thị trường, nhưng khoa học kinh tế chưa từng đưa ra những kết luận chính sách được xác định trước.
Hãy còn rất nhiều nhà kinh tế tin rằng các công cụ định lượng và các lăng kính lý thuyết của họ là những thứ duy nhất được xem là “có tính khoa học”, khiến cho họ không công nhận những ngành dựa vào phân tích định tính và xây dựng lý thuyết bằng lời văn. Nhiều nhà kinh tế cảm thấy họ cần đứng về phía các thị trường bởi vì không ai khác sẽ làm việc này và bởi vì nếu không ủng hộ thị trường thì có thể “tiếp đạn cho những kẻ hiếu chiến” (tức là những nhóm gây áp lực tư lợi và những người tìm kiếm đặc quyền đặc lợi). Và ngay cả khi một số nhà kinh tế nhận thấy các thất bại thị trường, họ lo lắng sự can thiệp của chính phủ sẽ làm mọi thứ tệ hại hơn và quét nhiều cảnh báo của ngành xuống dưới tấm thảm. Do vậy mà các nhà kinh tế được gắn cho cái mác là những hoạt náo viên cho thị trường tự do và siêu toàn cầu hóa.
Các nhà kinh tế cũng thường mê đắm quá mức các mô hình tập trung vào một tập hợp hẹp các vấn đề và xác định giải pháp đầu tiên tốt nhất trong phạm vi giới hạn, đánh đổi bằng những rắc rối tiềm ẩn và những tác động ngược ở chỗ khác. Đơn cử, một nhà kinh tế nghiên cứu tăng trưởng sẽ phân tích các chính sách tăng cường công nghệ và cải tiến mà không bận tâm đến các hậu quả trên thị trường lao động. Một nhà kinh tế nghiên cứu về thương mại sẽ đề xuất cắt giảm thuế quan và giả định rằng việc đưa ra các cơ chế bù đắp cho người bị mất việc là trách nhiệm của người khác. Và một nhà kinh tế nghiên cứu tài chính sẽ thiết kế các quy định đảm bảo cho các ngân hàng an toàn, mà không cân nhắc xem những quy định này có thể tương tác với các chu kỳ kinh tế vĩ mô như thế nào. Nhiều thất bại chính sách - phi điều tiết hóa quá mức, siêu toàn cầu hóa, cắt giảm thuế, thắt chặt tài khóa - phản ánh cách lập luận đầu tiên tốt nhất nói trên. Để giúp ích cho các cuộc thảo luận chính sách thực tế, các nhà kinh tế phải đánh giá các chính sách đó trong toàn bộ bối cảnh mà chúng sẽ được thực thi và xem xét tính chắc chắn của các chính sách trong nhiều loại hình thể chế và biến cố chính trị có thể xảy ra.
Nhưng bên cạnh những thói quen xấu này, kinh tế học đương đại hầu như không là bài khải hoàn ca cho thị trường và sự vị kỷ. Khóa kinh tế học vi mô điển hình dành nhiều thời gian cho các thất bại thị trường và làm thế nào để khắc phục hơn là cho phép màu của thị trường cạnh tranh. Khóa kinh tế học vĩ mô điển hình tập trung vào cách thức chính phủ giải quyết các vấn đề thất nghiệp, lạm phát, và bất ổn [kinh tế] nhiều hơn là tập trung vào mô hình “cổ điển” mà theo đó thị trường tự điều tiết được. Khóa học tài chính điển hình xoay quanh các cuộc khủng hoảng tài chính, chấp nhận rủi ro quá mức, và những trục trặc khác của hệ thống tài chính. Trong thực tế, “mô hình cân bằng cạnh tranh” mà theo đó các thị trường tự do là vô cùng hiệu quả - ngay cả khi chúng không tốt cho sự phân phối công bằng - chỉ là khung khổ chủ yếu trong các khóa kinh tế học nhập môn. Những nhà kinh tế thận trọng (có nhiều người như vậy) nhanh chóng thoát ly mô hình này.
Kinh tế học vẫn hơi tách biệt trong các ngành khoa học xã hội bởi sự ưa chuộng đối với phương pháp luận của nó: phương pháp luận quy về cá nhân, sự trừu tượng hóa dựa vào mô hình, hình thức hoá toán học và thống kê. Nhưng trong những thập kỷ gần đây, các nhà kinh tế đã tìm đến các ngành khác và đã kết hợp rất nhiều sự hiểu biết sâu sắc của các ngành đó. Lịch sử kinh tế đang trải nghiệm một sự hồi sinh, kinh tế học hành vi đã dồn con người kinh tế vào thế phòng ngự, và nghiên cứu về văn hóa đã trở thành dòng chính. Tại trung tâm của ngành kinh tế học, những suy xét về phân phối đang trở lại. Và các nhà kinh tế đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu tình trạng gia tăng tập trung của cải, chi phí của biến đổi khí hậu, sự tập trung của các thị trường quan trọng, tình trạng đình trệ trong thu nhập của giai cấp lao động, và các chuyển biến trong sự dịch chuyển xã hội.

Các nhà kinh tế vẫn rất thiên lệch về phía các giải pháp chính sách dựa vào thị trường, và các khuyến nghị về chính sách được các nhà kinh tế ủng hộ có xu hướng chỉ tập trung giải quyết những thất bại thị trường thật cụ thể. Ví dụ, để giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu, các nhà kinh tế có xu hướng ủng hộ áp giá phát thải carbon cao. Nhưng khoa học kinh tế chưa từng đưa ra những kết luận chính sách được xác định trước. Trong thực tế, tất cả dự đoán và kết luận trong kinh tế học đều không chắc chắn [còn tuỳ thuộc vào các yếu tố khác]: nếu thỏa điều kiện x và y, thì ta có kết cục z. Câu trả lời cho hầu như bất kỳ câu hỏi nào trong kinh tế học là “còn tùy”, rồi giải thích còn tùy vào cái gì và tại sao. Ngược về năm 1975, trong cuốn sách có nhiều tác giả mang tên Thương Mại Quốc Tế và Tài Chính: Những Hướng Nghiên Cứu Mới (International Trade and Finance: Frontiers for Research), nhà kinh tế Carlos F. Diaz-Alejandro đã viết: “bây giờ bất cứ sinh viên sau đại học sáng dạ nào, bằng cách chọn những giả định của mình... một cách cẩn thận, có thể thiết lập một mô hình vững chắc sản sinh ra bất cứ khuyến nghị chính sách nào mà anh ta ủng hộ ngay từ đầu”. Kinh tế học thậm chí đã phát triển phong phú hơn trong bốn thập kỷ qua. Chúng tôi có thể nói rằng, chỉ hơi bông đùa một chút thôi, ngày nay sinh viên sau đại học kia thậm chí không cần phải sáng dạ!
Xu hướng thực nghiệm gần đây của kinh tế học khiến cho ngành này càng khó tôn sùng thị trường vì nó bỏ qua ngày càng nhiều những thực tế phiền phức.
Hơn nữa, từ những năm 1990, nghiên cứu kinh tế học đã ngày càng mang tính ứng dụng và thực nghiệm đáng kể. Tỷ phần các công bố học thuật sử dụng dữ liệu và tiến hành phân tích thực nghiệm tăng lên đáng kể trong tất cả các chuyên ngành thuộc kinh tế học và hiện đã vượt 60% trong kinh tế học lao động, kinh tế học phát triển, kinh tế học quốc tế, tài chính công, và kinh tế vĩ mô. Đây là vấn đề quan trọng vì bằng chứng thực nghiệm mang tính hệ thống là một công cụ hiệu chỉnh chống lại những giải pháp chính sách mang đặc trưng hệ tư tưởng. Xu hướng thực nghiệm gần đây của kinh tế học khiến cho ngành này càng khó tôn sùng thị trường vì nó bỏ qua ngày càng nhiều những thực tế phiền phức. Ví dụ như những phát hiện thực nghiệm gần đây chỉ ra rằng thương mại quốc tế gây ra những hiệu ứng ngược to lớn lên các cộng đồng địa phương; tiền lương tối thiểu không làm giảm việc làm; tự do hóa tài chính dẫn đến khủng hoảng thay vì tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.
Dĩ nhiên kinh tế học có những cái phổ quát của nó, như các kích thích dựa trên thị trường, quyền sở hữu rõ ràng, thực thi hợp đồng, ổn định vĩ mô, và điều tiết thận trọng. Những nguyên lý bậc cao này có liên quan đến tính hiệu quả và thường được giả định là có lợi cho hiệu quả kinh tế vượt trội. Nhưng những nguyên lý này tương thích với vô số các kiểu thể chế mà mỗi kiểu lại dẫn đến một kết cục phân phối khác nhau và một sự đóng góp khác nhau vào sự thịnh vượng chung. Do vậy, cách làm này kêu gọi phân tích hiệu quả kinh tế từ góc độ so sánh thể chế - không hô khẩu hiệu “thị trường hiệu quả” suông. Sự trừu tượng mà các nhà kinh tế sử dụng để nhận biết các tổ hợp thể chế phức tạp cũng trao cho những nhà hoạch định chính sách các công cụ giúp họ thiết kế những giải pháp thay thế có quy mô lớn - từ những tinh chỉnh độ chính xác cho đến sắc thuế và cả những tầm nhìn toàn diện về các xã hội hậu tư bản chủ nghĩa.
Hãy xem xét ngay cả hình thái kinh tế đơn giản nhất chính là nền kinh tế thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Khi một nhà kinh tế vẽ đồ thị đường cung và đường cầu trên bảng đen, cô ta có thể không liệt kê hết các điều kiện thể chế tiên quyết đằng sau hai đường đó. Doanh nghiệp có quyền sở hữu đối với tài sản của họ và có thể bắt nhà cung cấp thực thi hợp đồng đã ký với họ. Họ có tiếp cận tín dụng, có thể dựa vào cơ cở hạ tầng công cộng như giao thông và năng lượng, và được bảo vệ khỏi kẻ trộm và kẻ cướp. Người làm công cho họ chấp nhận các điều khoản làm việc và có mặt ở chỗ làm mỗi ngày. Người tiêu dùng có đầy đủ thông tin họ cần để đưa ra lựa chọn hợp lý. Họ khá tự tin rằng doanh nghiệp không lừa họ. Có một đơn vị giá trị ổn định và các phương tiện trao đổi giúp mua bán hàng hóa.
Kinh tế học không nhất thiết phải có câu trả lời rõ ràng, nhưng nó cần cung cấp các công cụ cần thiết để đưa ra những đánh đổi, theo đó đóng góp vào cuộc tranh biện về dân chủ giàu thông tin hơn.
Hẳn nhiên, các thị trường dựa vào hàng loạt các thể chế; theo cách nói của Karl Polanyi, chúng được “lồng kết” vào các thể chế. Nhưng các thể chế đó nên được thiết kế như thế nào? Lấy ví dụ về quyền sở hữu. Định lý Coase đề xuất rằng các phân bổ quyền sở hữu không có ảnh hưởng đến tính hiệu quả miễn là không có chi phí giao dịch. Nhưng có nhiều điều cần cảnh báo: chi phí giao dịch có tác động rất lớn. Do đó, chúng ta phải lựa chọn. Một việc làm nên thuộc về một công ty, một người lao động, hay cả hai? Có lẽ bản thân công ty nên do bên thứ ba sở hữu - một cơ quan chính quyền địa phương chẳng hạn - và công ty chỉ nên đảm bảo các kích thích tương thích với cấp quản lý và nhân viên. Điều đó nghe có vẻ điên rồ đối với hầu hết người Mỹ, nhưng Trung Quốc đã nỗ lực đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa từng có từ chế độ quyền sở hữu như vậy. Có lẽ người sử dụng lao động nên có quyền sở hữu (trong một khoảng thời gian cố định) đối với các tài sản mới do họ tạo ra mà thôi, những tài sản hiện hữu được chia cho những người có quyền lợi liên quan khác. Điều này nghe cũng dị thường, trừ khi chúng ta nhận ra đó chính xác là những gì mà hệ thống bằng phát minh sáng chế làm, trao cho những nhà phát minh sáng chế quyền sở hữu tạm thời đối với “tài sản trí tuệ” mới. Có lẽ chính phủ, thay mặt cho quần chúng, nên giữ lại một phần quyền sở hữu các công nghệ mới vì quá nhiều sự sáng chế dựa trên cơ sở hạ tầng công cộng (nghiên cứu và phát triển công và trợ cấp, giáo dục đại học, chế độ pháp lý, ...). Những lựa chọn cần phải được thực hiện phải cân nhắc các vấn đề phân bổ và phải phụ thuộc vào mục tiêu cuối cùng của chúng ta và sự phù hợp tiềm năng với bối cảnh địa phương.
Khi chúng ta vật lộn với thực tế mới được tạo ra bởi công cuộc số hóa, những thay đổi dân số, và tác động của chúng lên thị trường lao động, những vấn đề về sự phân bổ quyền sở hữu giữa những người có quyền lợi liên quan trở nên quan trọng. Kinh tế học không nhất thiết phải có câu trả lời rõ ràng cho những vấn đề này. Kinh tế học cũng không cung cấp các trọng số phân bổ phù hợp (làm sao để cân đo hiệu suất của người lao động, người chủ, và chính phủ, và những giới hạn về thủ tục và đạo nghĩa nào nên được tuân thủ). Nhưng kinh tế học cung cấp các công cụ cần thiết để đưa ra những đánh đổi, theo đó đóng góp vào cuộc tranh biện về dân chủ giàu thông tin hơn.
Tính bất định về thể chế tương tự lan khắp tất cả các lĩnh vực chính sách khác. Thể chế thị trường lao động nào giảm thiểu tình trạng mất việc làm mà không hủy hoại việc tạo ra việc làm mới? Bằng cách nào chúng ta cung cấp bảo trợ xã hội tốt nhất mà không làm giảm các kích thích kinh tế? Loại quy định tài chính nào đảm bảo sự ổn định tài chính mà không triệt đường đổi mới tài chính? Các nguyên tắc tiền tệ và tài khóa có tốt nhất cho một nền kinh tế mở hay không? Kinh tế học không có một câu trả lời cố định cho những câu hỏi này. Thay vào đó, kinh tế học làm nổi bật những hậu quả tiềm tàng của những cách tổ chức sắp xếp khác nhau.
Hiện nay đã tồn tại rất nhiều các kiểu thể chế. Ví dụ, các kiểu thể chế phúc lợi và thị trường lao động ở các nước phát triển có khác biệt rất lớn, và nước Mỹ có thể học hỏi được rất nhiều từ những chương trình thí nghiệm ở nước khác. Nhưng sự đa dạng về thể chế hợp lý không chỉ bó hẹp trong các thực tiễn hiện có. Không có điều gì trong nền kinh tế tự do kinh doanh đảm bảo rằng tăng trưởng sẽ công bằng hay toàn cầu hóa sẽ bền vững. Chúng ta cần thiết kế chính sách và thể chế giúp cho sự thịnh vượng toàn diện trở nên khả dĩ và toàn cầu hóa được bền vững - về mặt chính trị lẫn kinh tế. Với một bộ máy lý thuyết mạnh mẽ cho phép họ tư duy theo kiểu trừu tượng về những vấn đề như vậy, trí tưởng tượng của các nhà kinh tế là rất quan trọng cho nhiệm vụ nói trên.
Tất cả những người tham gia vào dự án thịnh vượng toàn diện của chúng tôi là những nhà kinh tế có vị trí cơ hữu ở các cơ sở hàn lâm, họ nghiên cứu đa dạng các chuyên ngành thuộc dòng chính. Trong số họ có người đã làm việc cho chính phủ; còn đa số thì chưa từng. Trong số họ có người đã tham gia viết lách về nhiều chủ đề cho các độc giả phổ thông; còn đa số thì chưa từng. Họ là những nhà nghiên cứu tin rằng sự uyên bác thâm hậu là hết sức cần thiết để tiến đến sự thịnh vượng toàn diện. Tất cả họ đều là những nhà kinh tế của đời thực, họ hiểu rằng chúng ta đang sống trong một thế giới tối ưu cấp hai có đầy rẫy sự không hoàn hảo của thị trường và trong thế giới này quyền lực có quyền năng to lớn trong việc định hình các kết cục thị trường.
Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của kinh tế học đương thời là phù hợp với việc khuyến nghị những thay đổi cấu trúc khá sâu sắc trong đời sống kinh tế của người Mỹ.
Trong một thế giới như vậy, mô hình cạnh tranh hiếm khi là một hệ quy chiếu để hiểu các vấn đề và đề xuất các giải pháp. Thay vào đó, chúng ta phải tìm các mô hình thay thế. Việc này đòi hỏi một định hướng thực nghiệm, tư duy thực nghiệm, và một mức độ khiêm tốn tích cực để nhận biết những giới hạn của kiến thức của chúng ta.
Các đề xuất chính sách cố gắng hết sức để phản ánh tư duy kinh tế và các bằng chứng hiện thời về nhiều thất bại thị trường, từ thương mại quốc tế đến bảo hiểm, thị trường vốn và thị trường lao động. Xuyên suốt các đề xuất là ý thức về các nền kinh tế đang hoạt động tốt bên trong phạm vi hiệu quả và công bằng, và có nhiều chính sách “những bữa ăn miễn phí” có thể đẩy chúng ta về phía một nền kinh tế tốt hơn về mặt đạo đức mà không phải hy sinh (và thực tế còn có thể tăng cường) sự thịnh vượng. Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của kinh tế học đương thời là phù hợp với việc khuyến nghị những thay đổi cấu trúc khá sâu sắc trong đời sống kinh tế của người Mỹ.
Những đề xuất có liên quan đến những can thiệp nhằm tăng cường tính hiệu quả và công bằng trong các thị trường mà ai cũng biết có đầy rẫy thất bại thị trường, như thị trường lao động, thị trường tín dụng, thị trường bảo hiểm, và thị trường cho sự đổi mới sáng tạo. Trong khi cơ sở lý thuyết cho các thất bại thị trường trong các lĩnh vực này đã rõ ràng từ trước, thì chỉ gần đây người ta mới nhấn mạnh tầm quan trọng thực nghiệm của nhiều thất bại thị trường.
Arindrajit Dube (1973-)
Suresh Naidu
Ví dụ, trong khi cuộc tranh luận về tiền lương tối thiểu đang tiếp diễn, chỉ vài người sẽ cho rằng tiền lương tối thiểu là một công cụ hiệu quả để can thiệp vào thị trường lao động bằng các mức lương cao hơn mức lương nhất định nào đó. Các thể chế thị trường lao động khác cần được thiết lập để tận dụng các bữa ăn miễn phí do độc quyền mua tạo ra và những thất bại thị trường khác trong phân khúc thị trường lao động nơi mà hầu hết người lao động tìm ra chính mình. Arindrajit Dube đề xuất một hệ thống hội đồng tiền lương, tương tự như hệ thống của Úc, theo đó các chuyên viên hay các hội đồng ba bên thương thảo tiền lương ở cấp ngành-công việc-vùng, do đó thiết lập nhiều mức lương tối thiểu xuyên suốt phổ lương. Ông phát hiện rằng bất bình đẳng tiền lương theo đó sẽ giảm rõ rệt. Suresh Naidu bàn về một sự chuyến biến truyền thống hơn trên thị trường lao động Mỹ, và làm thế nào để huy động việc thiết kế cơ chế, các thí nghiệm, và kinh tế học hành vi để giảm nhẹ vấn đề hành động tập thể phổ biến mà các công đoàn đối mặt.
Anat Admati (1950-)
Atif Mian (1975-)
Trong lĩnh vực thị trường vốn, cả Anat Admati và Atif Mian cùng nhấn mạnh rủi ro mang tính hệ thống sinh ra bởi hệ thống hiện tại. Mian thảo luận vai trò của bất bình đẳng, cùng với các dòng vốn từ các nước giàu trữ lượng dầu mỏ và châu Á, trong việc tạo ra tình trạng “dư thừa” tiết kiệm ở Mỹ, làm giảm lãi suất thực và làm tăng rủi ro mang tính hệ thống. Ông cho thấy sự bất bình đẳng tạo ra sự bất ổn trên thị trường tài chính như thế nào, nhưng cũng cho thấy việc giao thầu thận trọng vĩ mô cho tư nhân bị cản trở như thế nào bởi những ngoại tác mà những nhà thầu không chú ý đến và bởi cấu trúc thuế và quy định đặc thù (ví dụ: đánh giá rủi ro theo Công ước vốn Basel III). Khi khám phá ngành ngân hàng, Admati đã cho thấy làm thế nào mà các ngân hàng, đáng chú ý là các tổ chức tài chính, mắc nợ quá lâu, khiến họ dễ bị phá sản và dễ gặp tình trạng bất ổn. Cả hai tác giả chỉ ra nhiều giải pháp điều tiết tốt, Mian nhấn mạnh việc thanh toán các hợp đồng tín dụng tùy vào tình trạng tổng thể của nền kinh tế, và Admati ủng hộ các yêu cầu về vốn và cải cách thuế khóa nhằm làm giảm sự hấp dẫn của nợ.
Gabriel Zucman (1986-)
Một số đề xuất trực tiếp đề cập quy mô của chính phủ có thể tăng lên một cách bền vững và góp phần tăng cường sự thịnh vượng như thế nào. Đề xuất của Gabriel Zucman chỉ ra một lộ trình đơn giản tài tình giúp thoát khỏi sự cạnh tranh quốc tế về thuế, theo đó các nước không còn phải cố gắng lôi kéo đầu tư đa quốc gia bằng cách cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Zucman đề xuất đánh thuế các công ty đa quốc gia bằng cách phân bổ lợi nhuận toàn cầu của họ theo tỷ lệ doanh thu mà họ có ở mỗi quốc gia. Trong khi hiện nay các công ty dễ dàng tái phân bổ lợi nhuận hay sản xuất đến các khu vực có mức thuế thấp, thì họ khó có thể thao túng doanh thu. Do đó, đề xuất cải cách của ông sẽ giúp cho việc đánh thuế những ai hưởng lợi từ toàn cầu hóa trở nên khả dĩ, đây có vẻ như là một điều kiện cần để toàn cầu hóa được bền vững dài lâu.
Jesse Rothstein (1974-)
Sandra Black (1969-)
Sandra Black và Jesse Rothstein sử dụng kinh tế học hiện đại tốt nhất để làm mới một ý tưởng cũ: chính phủ nên cung cấp hàng hóa công và bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội giảm thiểu thất bại thị trường lan rộng và phổ biến trong thị trường bảo hiểm, dưới dạng bảo hiểm thất nghiệp, an sinh xã hội, và bảo hiểm y tế. Và chính phủ cần cung cấp giáo dục vì trẻ em thường phải đi học trước khi cha mẹ chúng đạt được đỉnh thu nhập của họ và vì các bậc phụ huynh không thể đi vay mà lấy thu nhập của con cái họ để đảm bảo. Các lợi ích của giáo dục cũng chỉ được hưởng trong tương lai xa và có liên quan đến các ngoại tác tội ác, công dân, và đổi mới sáng tạo. Những điều này ủng hộ việc chính phủ cung cấp giáo dục và bảo hiểm xã hội.
Những đề xuất này cũng cho thấy sự sẵn lòng gắn tính hiệu quả trong sách giáo khoa kinh tế học với những giá trị khác như quy tắc dân chủ và các mối quan hệ bình đẳng giữa các công dân.
Anton Korinek (1978-)
Anton Korinek đề cập vấn đề ngày càng trở nên quan trọng về các công nghệ mới tác động thị trường lao động như thế nào và sự phân phối thu nhập. Ông cho rằng hướng thay đổi của công nghệ không phải ngoại sinh, và nó phụ thuộc vào các kích thích được tạo ra bởi thị trường và chính phủ. Cụ thể, các nhà cách tân có thể ước lượng quá mức chi phí xã hội của lao động, đầu tư quá mức vào các công nghệ thay thế lao động. Các chính phủ thường xuyên can thiệp vào quá trình đổi mới sáng tạo - để khuyến khích các công nghệ xanh chẳng hạn. Korinek đề xuất rằng các chính phủ theo cách tương tự lái công nghệ theo hướng có những đặc điểm phân phối như mong muốn. Ví dụ, họ có thể thúc đẩy các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) giúp bổ sung và tăng cường khả năng nhận thức của người lao động - cùng với các cơ chế đảm bảo cho người lao động giữ lại một phần lớn thặng dư được tạo ra. Korinek cũng thảo luận các yếu tố sản xuất bổ sung kém co giãn như đất đai hay kỹ năng chuyên môn có thể được đánh thuế như thế nào cho phù hợp với sự thay đổi công nghệ, và giá trị độc quyền được tạo từ hệ thống bằng phát minh sáng chế về bản chất là không công bằng như thế nào vì nó chuyển thu nhập từ người tiêu dùng sang chủ doanh nghiệp.
Dani Rodrik (1957-)
Đề xuất của Rodrik khác biệt ở chỗ nó cung cấp sự biện giải cho việc hạn chế giao thương theo hướng rõ ràng có lợi cho xã hội, không cố che đậy chủ nghĩa bảo hộ bằng cái cớ khắc phục ngoại tác khác hay thất bại thị trường nào đó. Ông cho thấy các hiệp định thương mại phải bao gồm các điều khoản ngăn ngừa cạnh tranh lợi nhuận “bất chính”, và đề xuất “những vệ binh xã hội” của ông ta đưa ra yêu sách, được khẳng định bởi sự ủng hộ rộng rãi của xã hội, cho các cơ quan quản lý thương mại của các quốc gia rằng hạn chế thương mại là cần thiết để duy trì khế ước xã hội nội địa. Đề xuất này biểu thị các cam kết của nhiều thành viên EfiP: sự sẵn lòng gắn tính hiệu quả trong sách giáo khoa kinh tế học với những giá trị khác như quy tắc dân chủ và các mối quan hệ bình đẳng giữa các công dân. Những đề xuất này theo cách nói của Polanyi: để hoạt động hiệu quả, các thị trường trọng yếu (bao gồm thị trường lao động, đất đai, và vốn) phải được lồng kết vào các thể chế phi kinh tế, và “luật chơi” phải do chính phủ đặt ra.
Cuối cùng, một số đề xuất kiến nghị điều chỉnh các thể chế phi thị trường bằng những ý tưởng của kinh tế học. Nền kinh tế chính trị dân chủ - mà theo đó ảnh hưởng của người dân lên chính sách gần như là ngang nhau và các sở thích chính trị đến từ sự tranh biện cởi mở, công khai, dồi dào thông tin - phải được cân nhắc trong bất cứ đề xuất chính sách nào trong năm 2019. Rất nhiều ý tưởng chính sách bị mắc cạn không được chính phủ thu dụng vì các lợi ích đặc biệt hay vì sự trình bày bị bóp méo có hệ thống trên truyền thông. Ethan Kaplan dẫn ra vài thập kỷ kinh tế chính trị học thực nghiệm để khuyến nghị chính sách thay đổi triệt để cán cân ảnh hưởng chính trị ở Mỹ. Đề xuất của ông minh chứng sức mạnh của kinh tế chính trị học thực nghiệm được thực hành ở các khoa kinh tế. Các bằng chứng được trích dẫn đều được xác định cẩn thận từ sự biến chuyển tự nhiên và đề xuất một số chính sách có thể cân bằng sự đại diện chính trị và tăng tỷ lệ đi bầu. Một trong số những kiến nghị này nhấn mạnh một số vấn đề thứ yếu thường được các nhà kinh tế học quan tâm đến thay vì các nhà khoa học chính trị: ví dụ, sự ảnh hưởng gia tăng của đồng tiền khi truyền thông ít đưa tin về chính trị gợi ý rằng các chính trị gia, hành xử có phần duy lý, cân nhắc sự nhiệt tình dành cho các khu vực bầu cử có tiền và các khu vực bầu cử phổ biến.
Nhiều bài viết chia sẻ chủ đề sự bất đối xứng về quyền lực định hình nền kinh tế đương đại như thế nào. Nhiều nhà kinh tế bỏ qua vai trò của quyền lực vì họ nghĩ rằng quyền lực không thể được nghiên cứu một cách chính xác hoặc quyền lực không thuộc ngành kinh tế học. Như Naidu viết trong bài của mình, “trong điều kiện cạnh tranh và thông tin hoàn hảo, không có chỗ cho quyền lực”. Nhưng bất đối xứng giữa các nhóm rất phổ biến: ai có lợi thế hơn khi thương thảo tiền lương và việc làm; ai có thế lực thị trường và ai phải cạnh tranh; ai có thể đi nước ngoài và ai bị mắc kẹt ở nhà; ai có thể né thuế và ai không thể; ai soạn thảo nghị trình của các hiệp định thương mại và ai bị loại trừ; ai có thể bỏ phiếu bầu và ai bị tước quyền thực sự. Một số trong các bất đối xứng này là mất cân bằng chính trị truyền thống; số khác là mất cân bằng quyền lực xảy ra trên thị trường một cách tự nhiên vì bất đối xứng thông tin và rào cản gia nhập.
Nhiều nhà kinh tế bỏ qua vai trò của quyền lực, nhưng những đề xuất này giải quyết các vấn đề bất đối xứng về quyền lực một cách trực tiếp và đề nghị các phương sách tái cân bằng quyền lực vì các mục tiêu kinh tế.
Các chính sách đối đầu các vấn đề bất đối xứng như trên có ý nghĩa không chỉ về mặt tái phân phối mà còn giúp cải thiện hiệu quả hoạt động kinh tế tổng thể. Các bài viết về chính sách giải quyết các vấn đề bất đối xứng này một cách trực tiếp và đề nghị các phương sách tái cân bằng quyền lực vì các mục tiêu kinh tế. Công đoàn và hội đồng tiền lương kiềm chế sức mạnh độc quyền mua trong thị trường lao động (NaiduDube); đổ cát vào bánh xe [hay giảm tốc] toàn cầu hóa tài chính có thể tăng cường năng lực tài khóa của nhà nước (Zucman); điều tiết tài chính tư nhân có thể ngăn ngừa khủng hoảng (AdmatiMian); tạo điều kiện cho người lao động có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các hiệp định thương mại có thể cải thiện thiết kế của các hiệp định thương mại (Rodrik); hạn chế những khoản đóng góp cho các cuộc vận động tranh cử và tạo điều kiện cho người nghèo tham gia bầu cử có thể làm tăng trách nhiệm giải trình của hệ thống chính trị (Kaplan).
Nhưng trong khi các bản tóm tắt chính sách này bao gồm rất nhiều lĩnh vực chính sách - chính sách xã hội, thuế khóa, thị trường lao động, điều tiết tài chính, hiệp định thương mại, công nghệ, và quy tắc bầu cử - chúng lại không bao trùm toàn diện. Nhiều lĩnh vực chính sách quan trọng chưa được đề cập đến hoặc chỉ được đề cập một cách ngắn gọn, và chúng tôi vẫn còn nhiều việc để làm. Những tiểu luận này (và sẽ có thêm nữa như đã hứa) có mục đích là những nỗ lực đầu tiên, chưa phải là những tuyên bố cuối cùng: chúng tôi cung cấp những tiểu luận này như là bằng chứng chứng tỏ rằng kinh tế học tạo ra những ý tưởng chính sách có liên quan và giàu trí tưởng tượng và một sự khuyến khích dành cho các nhà kinh tế khác tham gia đóng góp tương tự. Chúng là những bằng chứng ban đầu cho tuyên bố cho rằng kinh tế học có thể giúp xây dựng một xã hội công bằng hơn và làm được nhiều điều hơn để phát huy tiềm năng sản xuất - nghĩa là kinh tế học có thể phục vụ sự thịnh vượng cho mọi người.
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Nguồn: Economics After Neoliberalism”, BostonReview.Net, 15/2/2019.




Chú thích:

[*] Thời kỳ sau cuộc nội chiến và tái thiết ở Mỹ, kéo dài từ 1865 đến 1898. Tìm hiểu thêm thông tin tại: https://www.khanacademy.org/humanities/us-history/the-gilded-age (ND)

Print Friendly and PDF