24.8.19

Bị bịt mắt: Tại sao Bắc Kinh cứ luôn hiểu sai Hồng Kông?


BỊ BỊT MẮT: TẠI SAO BẮC KINH CỨ LUÔN HIỂU SAI HỒNG KÔNG?
• Trong loạt bài viết chuyên sâu về tình trạng bất ổn ở Hồng Kông, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đào sâu hơn các tiêu đề để xem xét các vấn đề ẩn bên dưới, tình trạng hiện tại của các vấn đề và xem xét chúng sẽ đi tới đâu.
• Ở đây, chúng tôi nhìn vào việc Bắc Kinh không nắm bắt được tâm tư của người dân Hồng Kông như thế nào.
Minh họa: Brian Wang
Doanh nhân Hồng Kông Sam Tsang vốn không thích bàn chuyện chính trị. Là một nhà tư vấn doanh nghiệp cấp cao thường xuyên qua lại với Trung Quốc đại lục và Đài Loan, ông biết rằng im lặng thường là vàng.
Vào một buổi tối giữa tháng 7 [năm 2019], ông đã bị sốc khi cấp trên của ông giới thiệu với ông hai “nhà nghiên cứu đại lục” đang ghé thăm Hồng Kông. Tất cả những chuyện họ bàn tối đó đều là chuyện chính trị.
Chỉ vừa mới hai tuần diễn ra sau khi việc giới trẻ Hồng Kông chiếm giữ Hội đồng Lập pháp bày tỏ sự tức giận trước đề xuất gây tranh cãi của chính quyền [Hồng Kông] cho phép dẫn độ các nghi phạm hình sự sang Trung Quốc đại lục, và trước áp lực quá mức mà họ cảm thấy cảnh sát đã sử dụng để dập tắt các cuộc biểu tình trước đó chống lại dự luật dẫn độ hiện bị rút lại.
“Họ đã đặt ra rất nhiều câu hỏi về các cuộc biểu tình chống lại dự luật dẫn độ”, ông Tsang nói. “Họ muốn biết tại sao người Hồng Kông lại giận dữ như vậy. Tại sao chúng tôi lại quá ghét bà Carrie Lam và lực lượng cảnh sát [Hồng Kông] đến vậy, vân vân? Tôi nói với họ rằng tôi là một người thờ ơ với chính trị và không thể đại diện cho [tiếng nói của] bất cứ ai. Tuy nhiên, họ vẫn quan tâm [những gì tôi nói].”
Những người biểu tình trẻ tuổi chiếm giữ Hội đồng Lập pháp Hồng Kông vào ngày 1 tháng 7 [năm 2019]. Quy mô chống chính quyền của người dân Hồng Kông đã khiến Bắc Kinh bất ngờ. Ảnh: Sam Tsang
Ông Tsang nói rằng hai người đại lục – những người chỉ nói với ông một cách mơ hồ rằng họ “làm việc cho chính quyền trung ương” – thậm chí còn cho ông xem một số trích đoạn từ các báo cáo mà họ gửi cho Bắc Kinh trước đây.
“Cuối cùng, tôi không thể ngậm miệng và hỏi họ ‘Làm thế nào hai ông có thể hiểu sai mọi chuyện như vậy?’”
Đó đáng lẽ phải là câu hỏi trong tâm trí nhiều người. Khi cả thế giới kinh ngạc quan sát tình hình trung tâm tài chính châu Á vừa bị các cuộc đối đầu ngày càng dữ dội, vừa bị rung chuyển bởi những lời kêu gọi đấu tranh cho dân chủ lớn hơn, thì rõ ràng là Bắc Kinh đã bị bất ngờ.
Chỉ một tháng trước khi các cuộc biểu tình nổ ra, Phó Thủ tướng Hàn Chính ( Han Zheng) – người đứng đầu Trung Quốc phụ trách các vấn đề Hồng Kông – đã nói với các đại biểu của Hồng Kông tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Trung Quốc) rằng, “bầu không khí chính trị ở Hồng Kông đang thay đổi theo hướng tốt lên” và “Hồng Kông đã chọn con đường đúng đắn hướng về sự phát triển.”
Những gì diễn ra tiếp theo như là một sự bối rối lớn dành cho Bắc Kinh. Để đáp trả, Bắc Kinh đã gửi “rất nhiều người với số lượng kỷ lục” đến Hồng Kông để thu thập tin tức và ý kiến [của người dân], các nguồn tin đã đưa tin như thế cho tờ South China Morning Post [Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng].

Đối với Christine Loh Kung-wai [陸恭蕙 – Lục Cung Huệ], nguyên thứ trưởng môi trường hiện đang là học giả tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, có một dự cảm déjà vu [đã từng thấy trước đây - ND] về chuyện này.
Quay trở lại năm 2003, khi nửa triệu người Hồng Kông tuần hành phản đối dự luật an ninh quốc gia, Bắc Kinh đã bị sốc không kém và có những hành động tương tự như thế. Vào lúc đó, bà Lục đang điều hành một viện nghiên cứu (think tank) chính sách công mà bà sáng lập sau khi phục vụ tám năm ở Legco [Hội đồng Lập pháp Hồng Kông].
Bà Lục cho biết “sau cuộc biểu tình vào năm 2003, đại lục đã gửi rất nhiều người đến [Hồng Kông] để nói chuyện với tất cả mọi người về những gì đang xảy ra”. “Tuy nhiên, chúng tôi không biết các báo cáo của họ được viết và phân tích như thế nào; và cả những gì chính quyền trung ương nghĩ [rằng] quan trọng.”
Christine Loh Kung-wai là nguyên thứ trưởng môi trường và hiện là học giả tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông. Ảnh: Jonathan Wong
Kể từ đó, chính quyền trung ương đã thiết lập nhiều kênh – chính thức và cả phi chính thức – để cải thiện công tác thu thập tin tức tình báo ở thuộc địa cũ của Vương quốc Anh. Tuy nhiên, hơn một thập kỷ sau, dường như chính quyền trung ương vẫn không thể lắng nghe được nhịp đập của Hồng Kông.
Mạng lưới thu thập tin tức như mê cung với nhiều bộ ngành của chính quyền trung ương – mỗi bộ có kênh tình báo riêng – đang gây nhầm lẫn ngay cả với những người trong cuộc.
Chẳng hạn, văn phòng liên lạc của chính quyền trung ương trong Hồng Kông, có một “văn phòng nghiên cứu” có nhiệm vụ giám sát ý kiến của người dân và gửi đến Bắc Kinh các báo cáo ngắn hàng ngày về các tin tức truyền thông ở Hồng Kông bao quát toàn phổ chính trị. Văn phòng cũng thường xuyên gặp gỡ các nhân vật và các nhóm thân Bắc Kinh trong giới chính trị và giới kinh doanh, cũng như trong các tầng lớp cơ bản của xã hội.
Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao (HKMAO) thuộc Quốc vụ Viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - nội các Trung Quốc - có một nhóm “các nhà nghiên cứu” của riêng họ, những người sẽ định kỳ ghé thăm Hồng Kông để “nắm bắt tình hình” và gửi báo cáo cho giới lãnh đạo. Các bộ phận khác – chẳng hạn như Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia và Bộ Thương mại – thỉnh thoảng cũng gửi người đến Hồng Kông, chưa kể Bộ An ninh Nhà nước (Bộ Công An Trung Quốc) và các cơ quan [tình báo] của nó.
Cơ quan truyền thông chính thức, như Tân Hoa Xã, điều hành các văn phòng chi nhánh ở Hồng Kông. Một nhiệm vụ hàng ngày quan trọng của họ là viết các báo cáo chuyên sâu – hoặc “các tài liệu tham khảo nội bộ” như cách chúng được gọi – cho các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh. Những báo cáo này không công khai ra bên ngoài.
Ngoài các kênh chính thức này, các học giả và nhà nghiên cứu từ các trường đại học và các viện nghiên cứu khác nhau trên khắp Trung Quốc thường xuyên đến Hồng Kông, tạo ra các báo cáo, hồ sơ và bảng dữ liệu để các nhà hoạch định chính sách sử dụng tại thủ đô [Bắc Kinh]. Ngay cả các công ty nhà nước lớn của Trung Quốc tại Hồng Kông cũng phải tập hợp và cung cấp các báo cáo tình báo thông qua các kênh riêng của họ.
Không chỉ dừng ở đó. Chính quyền Hồng Kông có nhiệm vụ báo cáo lên chính quyền trung ương về tình hình Hồng Kông, và 200 thành viên hoặc hơn của Hồng Kông trong Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) cũng vậy, chưa kể 36 đại biểu Hồng Kông ở Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Trung Quốc).
“Những gì thiếu sót không phải là nguồn tin tức hay hàm lượng tin tức. Trên thực tế, ngay bây giờ chúng có thể quá dồi dào.”
Ông Lưu Triệu Giai, Phó chủ tịch, Hiệp hội nghiên cứu Hồng Kông và Ma Cao cho hay.
Phạm vi rộng lớn của các kênh và quy mô lớn tin tức được thu thập không phải lúc nào cũng dẫn đến một bức tranh rõ ràng và toàn diện về tâm tư của người dân ở Hồng Kông. Các chuyên gia đổ lỗi cho sự thất bại trong việc thiếu phân tích và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận.
“Những gì thiếu sót không phải là nguồn tin tức hay hàm lượng tin tức. Trên thực tế, ngay bây giờ chúng có thể quá dồi dào”, ông Lưu Triệu Giai [劉兆佳 – Lau Siu-kai], phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu về Hồng Kông và Ma Cao Trung Quốc, một viện nghiên cứu bán-chính thức, cho hay.
“Khó khăn nằm ở cách thức tổng hợp và tích hợp tất cả các tin tức để đưa ra một bức tranh đầy đủ, có ý nghĩa, thể hiện đúng nhất thực tế”, ông Lưu, người từng đứng đầu viện nghiên cứu của chính quyền Hồng Kông, Central Policy Unit [CPU – Cơ quan nghiên cứu Chính sách Trung ương] nay đã giải thể.
Ông Lưu Triệu Giai, phó chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu về Hồng Kông và Ma Cao của Trung Quốc. Ảnh: Xiaomei Chen
Thực tế là có rất nhiều bộ phận tham gia nhưng sự thiếu hợp tác và phối hợp có thể khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn bởi vì việc tạo ra “xung đột nội bộ”, ông Điền Phi Long [田飛龍 Tian Feilong], phó giáo sư luật tại Đại học Hàng không và Vũ trụ (Beihang), Bắc Kinh, cho hay.
Ông cho biết “với tư cách là chuyên gia, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thường thấy rằng các bộ phận khác nhau có thể gửi tín hiệu khác nhau đến những nhà hoạch định chính sách đứng đầu – Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và [Chủ tịch Trung Hoa] ông Tập Cận Bình – có khả năng tác động đến sự đánh giá của họ về tình hình [ở Hồng Kông].”
Theo ông Điền, việc ​​chính quyền trung ương có kế hoạch cải tổ các bộ phận liên quan đến Hồng Kông và thiết lập một hệ thống “thống nhất, hiệu quả và có thẩm quyền” đã đạt đến mức độ như trong các cuộc thảo luận và tài liệu nội bộ trước khi sụp đổ do “những khó khăn chính trị” – bởi sự tái phân phối quyền lực mà nó đòi hỏi.
Ông Điền cho biết “cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Hồng Kông đã bộc lộ nhiều lỗ hổng về mặt cấu trúc và về các vấn đề phức tạp [trong hệ thống hiện tại] … cần phải được đề cập và giải quyết”.
“Nói thẳng ra, các báo cáo từ chính quyền Hồng Kông cũng tệ hại như vậy. Không ai thấy điều này sẽ xảy ra. Ngay cả phương tiện truyền thông của bạn, không ai trong số các bạn dự đoán chính xác điều này từ hai tháng trước.”
Một quan chức ở đại lục cho hay.
Một quan chức cấp trung ở đại lục chịu trách nhiệm viết báo cáo tình báo về Hồng Kông thừa nhận các kênh của chính quyền trung ương đã hiểu sai tình hình, nhưng, ông nói, không chỉ mình họ sai lầm.
“Nói thẳng ra, các báo cáo từ chính quyền Hồng Kông cũng tệ hại như vậy. Không ai thấy điều này sẽ xảy ra. Ngay cả phương tiện truyền thông của bạn, không ai trong số các bạn dự đoán chính xác điều này từ hai tháng trước”, ông nói.
Quan chức này cho biết chính vì lý do đó, chính quyền trung ương đã tuyên bố ủng hộ hoàn toàn Trưởng Đặc khu Kinh tế Hồng Kông Carrie Lam Cheng Yuet-ngor [林鄭月娥 - Lâm Trịnh Nguyệt Nga] về dự luật dẫn độ vào cuối tháng 5 [năm 2019]. Phó Thủ tướng Hàn Chính công khai kêu gọi người dân Hồng Kông ủng hộ dự luật này – ngay cả sau khi đã có hàng chục ngàn người biểu tình lên tiếng phản đối.
“Sau đó, [Bắc Kinh] chắc chắn đã đánh giá sai tình hình – họ nghĩ 130.000 người biểu tình không phải là vấn đề lớn”, Lý Trác Nhân [Lee Cheuk-yan], một nhà hoạt động dân chủ lâu năm và là nhà làm luật trước đây ở Hồng Kông, cho hay.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính là người đứng đầu Bắc Kinh, phụ trách các vấn đề Hồng Kông. Ảnh: Handout
Ước tính 130.000 người đã tuần hành chống lại dự luật vào ngày 28 tháng 4 [năm 2019], và vào ngày 9 tháng 6 [năm 2019], số lượng người tuần hành đã lên đến một triệu người. Chính quyền trung ương đã bị bất ngờ trước sự bùng nổ đột ngột của sự tức giận và thất vọng trong người dân Hồng Kông. Vào ngày 16 tháng 6 [năm 2019], ước tính có hai triệu người đã xuống đường tuần hành, mặc dù bà Lâm đã tuyên bố đình chỉ dự luật một ngày trước đó.
Sự phản đối dự luật dẫn độ đã nhanh chóng biến thành một sự bất mãn sâu rộng hơn, chống lại chính quyền của bà Lâm và điều mà nhiều người coi là sự xâm lấn từ từ của Bắc Kinh vào quyền tự chủ của Hồng Kông.
Ông Lý cho biết “Bắc Kinh không thể dự đoán được rằng tất cả sự tức giận dồn nén và sự bất mãn sâu xa sẽ bùng nổ cùng một lúc”. Họ cũng không thể dự đoán được rằng người dân sẽ tiếp tục ủng hộ những người biểu tình mặc dù một số người biểu tình dùng đến những hành động cực đoan hơn, chẳng hạn như việc chiếm giữ Legco.”
Một phần lý do có thể nằm ở một sự thiên lệch về sự ủng hộ dành cho chính quyền trong tin tức mà Bắc Kinh nhận được. Theo ông Điền, ​​việc thu thập và báo cáo tin tức bị nghiêng về phía phe ủng hộ chính quyền trong khi tiếng nói của những người ủng hộ nền dân chủ và giới trẻ địa phương bị gạt ra bên lề.
Ước tính có hai triệu người tuần hành vào ngày 16 tháng 6 [năm 2019] tại Hồng Kông chống lại dự luật dẫn độ. Ảnh: Handout
Đáp lại, phong trào ủng hộ nền dân chủ toàn diện và những người biểu tình trẻ tuổi của Hồng Kông nói rằng thông điệp và những yêu cầu của họ luôn luôn mạnh mẽ và rõ ràng, chỉ khi Bắc Kinh sẵn sàng lắng nghe. Không giống như đại lục, nơi tất cả các cơ quan truyền thông và các ấn phẩm trên mạng Internet phải phục vụ đường lối của Đảng Cộng sản, truyền thông tương đối tự do và mạng internet không bị kiểm duyệt đã cung cấp nhiều phương tiện cho Bắc Kinh lắng nghe những tiếng nói bảo vệ bản sắc và quyền tự chủ của Hồng Kông.
Ông Patrick Ho Chun-yan, một chiến binh lão luyện ủng hộ nền dân chủ, cho biết “họ biết tình hình ở Hồng Kông và những gì người dân muốn. Nhưng họ có một mô thức tư duy khác đối với việc cai trị Hồng Kông – điều họ muốn là kiểm soát Hồng Kông để phục vụ lợi ích của chính họ”.
Victor Lee, một sinh viên tốt nghiệp đại học 23 tuổi, người đã tham gia một trong những cuộc bao vây trụ sở lực lượng cảnh sát, cho biết: “tôi nghĩ họ đã biết tất cả về yêu cầu lớn nhất của chúng tôi – đó là phổ thông đầu phiếu. Chúng tôi đã yêu cầu nó trong nhiều năm trời.
Họ biết những gì người Hồng Kông chúng tôi muốn, nhưng họ không trao nó cho chúng tôi vì họ lo lắng về những tác động của điều này đối với đại lục.”
Trong những tuần qua, Bắc Kinh đã tăng cường các nỗ lực tuyên truyền để hạ uy tín của phong trào và sự phẫn nộ của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở đại lục, cáo buộc những người biểu tình đã phát động một “cuộc cách mạng màu” với sự giúp đỡ từ “những bàn tay bẩn” của phương Tây.
Một số học giả ủng hộ Bắc Kinh thừa nhận rằng không phải Bắc Kinh không biết ý chí của người dân trong phong trào ủng hộ nền dân chủ, mà là họ không có ý chí hay không có ý định hành động theo những yêu cầu của họ.
Ông Lưu, nguyên cố vấn của chính quyền Hồng Kông, cho biết “lấy lời kêu gọi phổ thông đầu phiếu làm ví dụ”. “Trong mắt Bắc Kinh, vẫn có những lực lượng chống cộng và chống Trung Quốc ở Hồng Kông, những người đang hy vọng giành chính quyền để cai trị Hồng Kông thông qua tổng tuyển cử. Làm sao họ đáp ứng các lời kêu gọi như vậy được?”
Vấn đề được đưa ra trong một cuộc họp giữa Trưởng HKMAO Trương Hiểu Minh (张晓 Zhang Xiaoming) và các nhân vật ủng hộ chính quyền Hồng Kông trong tháng này, sau ít nhất hai vòng thu thập tin tức tình báo rộng rãi của Bắc Kinh ở Hồng Kông kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.
Ông Trương Hiểu Minh, Trưởng Văn phòng các Vấn đề của Hồng Kông và Ma Cao thuộc Quốc vụ Viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, gặp gỡ giới tinh hoa Hồng Kông tại Thâm Quyến vào ngày 7 tháng 8 [năm 2019]. Ảnh: Winson Wong
Ông Trương, người đã triệu tập các chính trị gia và giới doanh nhân tinh hoa Hồng Kông đến Thâm Quyến, thừa nhận rằng có “tất cả các luồng ý kiến và những yêu cầu của người dân trong xã hội ngay lúc này”.
Nhưng ông khẳng định ý chí của người dân đang lên cao ở Hồng Kông ngay lúc này là để “giành lại sự ổn định và hòa bình, và khôi phục trật tự xã hội càng sớm càng tốt”.
Tin tức bổ sung là của Echo Xie
Nectar Gan
Chow Chung-yan
Nectar Gan
Nectar Gan viết cho tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) về chính trị Trung Quốc, cũng quan tâm đến sắc tộc & tôn giáo. Xem các trang riêng của cô:
Chow Chung-yan
Ông Chow Chung-yan gia nhập tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) vào năm 1998. Trong hai thập kỷ qua, ông đã vươn lên qua hàng ngũ với vai trò tổng biên tập, phụ trách Hồng Kông, Trung Quốc và các cơ sở kinh doanh. Ông giám sát hoạt động hàng ngày của phòng tin tức, quản lý trang web SCMP.com và báo in, giám sát việc đưa tin về Trung Quốc và Hoa Kỳ của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Nguyễn Việt Anh dịch
Trần Loan Đào góp ý cách dịch phiên âm tiếng Trung
Nguồn: Blindsided: why does Beijing keep getting Hong Kong wrong?, South China Morning Post, Aug 16, 2019.
Print Friendly and PDF