21.9.19

Hồi kí tản mạn về một hành trình tri thức: những vấn đề về hiện trạng của kinh tế học


János Kornai (1928-)
HỒI KÝ TẢN MẠN VỀ MỘT HÀNH TRÌNH TRI THỨC: NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TÌNH TRẠNG CỦA KINH TẾ HỌC
Phỏng vấn János Kornai
Mùa thu năm 2013
János Kornai Bernard Chavance
Nội dung chính
1. Hệ chuẩn hệ thống
2. Dòng chính và yêu cầu phải có sự đa nguyên
3. Các ý tưởng, các lợi ích, các thể chế
4. Nghĩ về Keynes
5. Dân chủ, tăng trưởng, và đánh giá mâu thuẫn
6. Chính thể và nền kinh tế
Ghi chú của tác giả
Thông tin thêm về tiểu sử và danh mục các công trình nghiên cứu có thể được tìm thấy trên trang điện tử của János Kornai: http://www.kornai-janos.hu/KornaiJ-home-English.html


János Kornai là Giáo sư Emeritus [Giáo sư về hưu từ vị trí cơ hữu] của Đại học Harvard, và là Giáo sư Emeritus danh dự của Đại học Corvinus Budapest. Sinh năm 1928, từng là một nhà báo theo chủ nghĩa Marx vào đầu những năm 1950, ông bị cách ly sau cuộc cách mạng Hungary vào năm 1956, và đã bắt đầu lại sự nghiệp của một nhà nghiên cứu vào đầu những năm 1960, trong khi vẫn bị cấm giảng dạy. Sau một thời gian nghiên cứu lý thuyết tân cổ điển đã khiến ông trở nên nổi tiếng ở phương Tây, ông đã phát triển một khung phân tích quan trọng về lý thuyết tân cổ điển trong tác phẩm Anti-Equilibrium (Chống Cân Bằng - 1971). Ông tập trung phân tích nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, đạt đỉnh cao sự nghiệp bằng tác phẩm Economics of shortage (Kinh tế học của sự thiếu hụt - 1980), công trình này có tầm ảnh hưởng từ Đông sang Tây, và bằng kiệt tác thứ hai mang tên The socialist system (Hệ thống chủ nghĩa xã hội - 1992). Vào năm 1986, ông trở thành Giáo sư của Đại học Harvard, và vẫn dành thời gian cho hoạt động nghiên cứu ở Budapest. Ông về hưu từ vị trí ở Harvard vào năm 2002, và từng là Thành Viên Thường Trực của Collegium Budapest trong giai đoạn 2002-2011. Sau sự chuyển đổi các hệ thống xã hội chủ nghĩa vào năm 1989, nghiên cứu của ông tập trung vào sự thay đổi hệ thống trong thế giới hậu chủ nghĩa xã hội, với những tác phẩm như The Road to a Free Economy (Con đường dẫn tới nền kinh tế tự do - 1990), Highway and Byways (Cao tốc và đường vòng - 1995), Struggle and Hope (Đấu tranh và hy vọng - 1997), Welfare, Choice, and Solidarity in Transition (Phúc lợi, lựa chọn, và thống nhất trong thời kỳ quá độ - đồng tác giả với Karen Eggleston, 2001), From Socialism to Capitalism (Từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa tư bản - 2008). Tác phẩm của ông viết về chủ nghĩa tư bản có tựa đề Dynamism, Rivalry, and the Surplus Economy (Thuyết động lực, sự cạnh tranh, và nền kinh tế thặng dư) đã được xuất bản vào tháng 12 năm 2013. Tự truyện của ông mang tên By Force of Thought: Irregular Memoirs of an Intellectual Journey (Bằng sức mạnh tư duy: hồi ký tản mạn về một hành trình tri thức - 2006a), một tác phẩm xuất sắc được hoan nghênh rộng rãi đã xuất hiện bằng tiếng Pháp vào năm 2014 với tựa đề À la force de la pensée, Autobiographie irrégulière, L’Harmattan. Cuộc phỏng vấn này trao đổi cụ thể những vấn đề được thảo luận trong hồi ký của ông.
1. Hệ chuẩn hệ thống
RR: Sự nghiệp của ông là một đóng góp vĩ đại cho cái mà ông gọi là “hệ chuẩn hệ thống”.[1] Ông định nghĩa những phương diện khác nhau của hệ chuẩn này như thế nào? Tại sao nó lại quan trọng? Tại sao ngày nay nó có vẻ là một lĩnh vực thứ yếu, sau khi đã đóng vai trò quan trọng trong tư tưởng kinh tế của 150 năm trước?

Friedrich von Hayek (1899-1992)
János Kornai: Phương diện quan trọng nhất được nhấn mạnh bởi chính tên gọi: những ai sử dụng cách tiếp cận này quan tâm nhiều hơn đến những hệ thống to lớn, phức tạp, một khối có cấu trúc phức tạp, nghĩa là cả một hệ thống thay vì các thành phần của nó. Các thành phần tác động lẫn nhau như thế nào? Chúng sinh ra hệ thống các luồng vật chất và thông tin giữa nhiều mắc xích và bộ phận như thế nào? Đó là những câu hỏi mà những người tư duy theo hệ chuẩn hệ thống tìm kiếm câu trả lời. Để cho dễ hiểu thuật ngữ, tôi nhắc đến một số nhân vật mà theo tôi quan điểm của họ có liên quan đến thuật ngữ hệ chuẩn hệ thống: Adam Smith, Marx, Mises, Hayek, SchumpeterKároly Polányi. Danh sách bao gồm những tên tuổi lớn của lịch sử các tư tưởng, tuy cách tiếp tận về chính trị và các hệ thống giá trị của họ có khác biệt rõ rệt, nhưng các phân tích của họ có cùng một đặc điểm cực kỳ quan trọng: mối quan tâm của họ không dành cho những vấn đề thành phần, mà dành cho “các hệ thống lớn,” lý thuyết chung, tổng thể về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, nhà nước và thị trường.


Tôi không nâng hệ chuẩn hệ thống lên thành một phân tích thay thế cho các phân tích thành phần - tuyệt nhiên là cần phải nghiên cứu cẩn thận 1001 những vấn đề “nhỏ.” Nhưng 1001 mảnh khảm muôn hình vạn trạng đương nhiên không vẽ nên một bức tranh tổng thể. Việc này đòi hỏi một cách tiếp cận tổng hợp, một “tầm nhìn” (vision) có thể khám phá ra cái tổng thể từ nhiều cái thành phần. (Tôi vận dụng từ tầm nhìn theo nghĩa này từ cách sử dụng của Schumpeter.)
Tôi cũng có ấn tượng rằng nghiên cứu thực hiện theo tinh thần của hệ chuẩn hệ thống đã trở nên không được coi trọng. Có nhiều yếu tố phía sau vấn đề này mà tôi muốn chỉ ra chỉ một yếu tố: xu hướng chung của ngành là có ác cảm, thậm chí hết sức coi thường nghiên cứu về “những vấn đề lớn lao.” Trong một cuộc trao đổi riêng, một kinh tế gia có uy tín người Mỹ đã mô tả hoài bão nghiên cứu của ông ta như sau: “Thà để mọi người góp thêm một viên gạch vào tòa nhà, bởi vì việc này ít ra cũng là đóng góp hữu hình, hơn là vật lộn để tạo ra bản vẽ cho một công trình khổng lồ, phức tạp.” Có quan điểm phổ biến cho rằng các nhà nghiên cứu chỉ nên nghiên cứu những vấn đề mà họ có khả năng cung cấp những câu trả lời chính xác, có căn cứ, dứt khoát, thật không đáng để đặt câu hỏi cho những vấn đề mà không thể có câu trả lời rõ ràng, mặc dù các câu hỏi có thể thú vị và quan trọng. Nhưng những câu hỏi hóc búa đè nặng về các hệ thống rộng lớn vẫn canh cánh bên chúng ta. Sẽ là một sự xấu hổ nếu mọi người làm ngơ trước những câu hỏi đó và không ai tìm cách kết hợp các công cụ khoa học và trực giác để tìm hiểu chúng và chí ít là tìm cách tiếp cận những câu trả lời trí tuệ dành cho chúng.
Joseph Schumpeter (1883-1950)
Károly Polányi (1886-1964)
Đối với tôi việc nhiều nhà kinh tế thành công trong việc phát minh ra các mô hình toán học phục vụ cho mục đích phân tích lý thuyết và sử dụng các phương pháp kinh trắc để chứng minh những điều họ quả quyết là một tiến bộ hết sức quan trọng. Tôi cảm thấy tiếc khi có một số người thành công hóa ra tự phụ, họ coi thường những người nghiên cứu những vấn đề mà không thực sự dễ dàng tiến hành nghiên cứu bằng những công cụ được họ sử dụng.
2. Dòng chính và yêu cầu phải có sự đa nguyên
RR: Ông thường tự nhận mình đứng nửa trong nửa ngoài kinh tế học dòng chính. Chúng tôi quan sát thấy một xu hướng “chuẩn hóa” đang tăng tốc trong thế giới kinh tế học ngày nay, mà dường như rốt cuộc không bị quấy rầy bởi những thất bại hay những định hướng sai lầm quan trọng. Xu hướng này được đặc trưng bởi sự liên quan độc quyền đến hình thức hóa và định lượng, mối liên hệ với hiện thực hoặc lịch sử vốn ngày càng cách biệt, sự chia tách với các khoa học xã hội khác (có thể ở dạng chủ nghĩa đế quốc kinh tế học), sự thiếu thốn các nền tảng triết lý và đạo đức, tính đồng nhất trong các tiêu chí xuất bản mang tính rút gọn, việc đánh giá chất lượng nghiên cứu thường bị giới hạn trong các chỉ báo trích dẫn. Nhiều luồng tư tưởng phi dòng chính đã đặt ra nhu cầu phải có sự đa nguyên như là một phản ứng chống lại các xu hướng giản hóa và độc quyền mạnh mẽ của kinh tế học dòng chính. Ông nghĩ như thế nào về tình trạng này?
János Kornai: Anh đã nhập năm hay sáu câu hỏi thành một, mà mỗi câu hỏi cần phải có một câu trả lời cụ thể.
Anh đã nêu câu hỏi của mình một cách khéo léo khi anh đề cập đến “các xu hướng độc quyền”. May mắn là không có sự độc quyền tư tưởng nào theo đúng nghĩa của cụm từ này có thể áp dụng trong thế giới dân chủ. Tôi đã sống dưới chế độ độc tài cộng sản qua nhiều thập kỷ và đã có thể quan sát tỉ mỉ việc một hệ tư tưởng nắm thế độc quyền và vị trí độc tôn của nó được áp đặt bằng quyền lực chính trị và các tổ chức vũ lực là như thế nào. Kinh tế học dòng chính không giữ thế độc quyền theo nghĩa đó. Những người ủng hộ các trường phái tư tưởng [kinh tế] khác có thể xuất bản hợp pháp: họ có các tạp chí của họ, sách của họ được xuất bản, và không ít người trong số họ giảng dạy ở các trường đại học. Chúng ta đã bắt đầu bằng thuật ngữ của cấu trúc thị trường, chúng ta có thể tiếp tục gọi tình trạng này là độc quyền nhóm mà chúng ta thấy trước mắt, theo đó một trường phái duy nhất chi phối mạnh mẽ thị trường các ý tưởng và tri thức, và dồn các đối thủ cạnh tranh vào phạm vi nhỏ hẹp còn lại.
Hẳn nhiên đây không phải là vấn đề độc quyền hệ tư tưởng được áp đặt bởi quyền lực chính trị hay các tổ chức vũ lực, mà là vấn đề về sự thống trị do nhiều cơ chế gián tiếp mang lại. Những nhà kinh tế dòng chính lão luyện chọn những người trẻ có cùng quan điểm với họ để tuyển dụng và cất nhắc trong giới hàn lâm; các bài báo của họ được chấp nhận và đăng trên các tạp chí hàng đầu, vốn có tác động mạnh mẽ đến sự nghiệp hàn lâm của họ. Tuy nhiên, tất cả những bình luận trên phải đủ điều kiện: các nhà kinh tế dòng chính phần lớn (không phải nhờ có đặc quyền) được bổ nhiệm và các nghiên cứu của họ phần lớn được công bố. Đứng ngoài vòng không phải là bất khả, nhưng những ai làm như vậy đối mặt với nhiều trở ngại.
Tôi có nhiều phản đối đối với các phát biểu, phương pháp luận, và cũng như là triết lý khoa học nền tảng của kinh tế học dòng chính, mà tôi sẽ đề cập sau trong cuộc trao đổi của chúng ta. Giờ đây khi chúng ta mới bắt đầu trao đổi, tôi muốn đưa ra một số lời bình không phải về các vấn đề lý thuyết hay phương pháp, mà là về thái độ và tấm thế của những người xây dựng lý thuyết và áp dụng phương pháp.               
Kenneth Arrow (1921-2017)
Robert Solow (1924-)
Không phải trường phái tri thức nào cũng có, hoặc có thể có sự giải thích hoàn hảo, trọn vẹn về các hiện tượng. Điều này buộc các nhà khoa học cẩn thận phải là những người nhũn nhặn và khiêm cung. Nếu rốt cuộc một nhà nghiên cứu khác hay thành viên của một trường phái khác nói đúng thì chuyện gì xảy ra? Nếu người đó đã thấy và hiểu những thứ mà tôi không nhận ra thì sao? Nhiều người theo kinh tế học dòng chính có chiều hướng quá tự tin và tự mãn. Sự đa nguyên, sự đa dạng và sự cạnh tranh là cần thiết trong chính trị, trong nền kinh tế, và cả trong lĩnh vực tư tưởng. Cho dù là vấn đề nghệ thuật hay triết học hay nghiên cứu khoa học theo nghĩa hẹp, sự đa nguyên, sự cạnh tranh giữa các cách tiếp cận, các hệ chuẩn và các trường phái, là cần thiết để tiến bộ. Rất cần những nhân vật hàng đầu thuộc dòng chính ủng hộ sự đa nguyên. Tôi biết từ kinh nghiệm may mắn của bản thân rằng một số ít những tên tuổi lớn [thuộc dòng chính] - Arrow, Koopmans, Samuelson, và Solow - có khả năng có sự rộng lượng đó, và đã khuyến khích tôi và những người khác phản biện các ý tưởng của họ. Có vẻ như chính những nhân vật cấp trung có thâm niên là những người không dám đương đầu với sự cạnh tranh của các trường phái.
Tjalling Koopmans (1910-1985)
Kinh nghiệm của Đông Âu là một ví dụ điển hình về tác hại do các tông đồ hạng xoàng của kinh tế học dòng chính gây ra. Mặc dù trong thế giới cộng sản trước giai đoạn 1989-1990 có một số người ủng hộ kinh tế học dòng chính phương Tây, sự ảnh hưởng của trường phái này tăng với tốc độ vũ bão sau biến cố chính trị lớn, là khi vị trí độc tôn của hệ tư tưởng Marx-Lenin được nhà nước bảo hộ đã bất ngờ sụp đổ. Chẳng may, bên cạnh các nhà kinh tế thiết tha tìm hiểu kinh tế học đương đại thực thụ là như thế nào, những kẻ cuồng tín cũng xuất hiện; các giáo sư, các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách kinh tế lại “sùng đạo hơn cả Đức Giáo Hoàng”, theo tục ngữ Hungary; giáo điều hơn, lý thuyết suông hơn nhiều đồng nghiệp phương Tây của họ. Các bài báo được xuất bản đưa ra luận điệu rằng không cần thiết sáng tạo ra bất kỳ ý tưởng, khái niệm hay công cụ phân tích mới nào phục vụ cho nghiên cứu về các hệ thống khác với nền kinh tế thị trường phổ biến, truyền thống, ví dụ như chủ nghĩa xã hội cổ điển và chủ nghĩa xã hội cải cách, sự chuyển đổi hậu chủ nghĩa xã hội, các thị trường mới nổi và v.v.. Họ đã đề xuất: chỉ việc tiếp nhận các công cụ cũ và phổ biến trong sách giáo khoa kinh tế học dòng chính, và thế là anh có tất cả các công cụ để hiểu tất cả các hiện tượng, cũ lẫn mới, bất kể chúng xuất hiện ở đâu và khi nào. Thái độ này sinh ra sự lười biếng về trí tuệ, sự bắt chước máy móc các lối tư duy có sẵn tại thời điểm vô cùng cần thiết phải canh tân tư tưởng kinh tế, vì sự mới lạ và vì sự độc đáo.


Tôi cũng muốn hồi đáp một nội dung khác của câu hỏi, về mối quan hệ giữa kinh tế học và các khoa học xã hội khác. Một mặt, các nhà kinh tế chẳng mấy khi sử dụng các ngành “tương cận”, gần nhất là các kết quả nghiên cứu và phương pháp luận của xã hội học, khoa học chính trị và lịch sử. Sự tách biệt này có thể được thấy rõ trong sự phân bổ các trích dẫn chẳng hạn. Mặt khác (và câu hỏi đã ám chỉ điều này), người ta thấy khát vọng “đế quốc” của kinh tế học: một sự bành trướng hung hăng đến kỳ lạ và sự áp đặt quan điểm và phương pháp luận của kinh tế học lên các khoa học xã hội khác. “Chủ nghĩa đế quốc” như vậy hẳn nhiên cần phải có hai phe: những người chinh phục và những người tự nộp mình cho sự chinh phục. Người ta thường xuyên phát hiện ngày càng nhiều những nhà biên tập và những người phản biện của các tạp chí khoa học chính trị hay xã hội học đã tiếp nhận toàn bộ lý thuyết và khung khái niệm của các nhà kinh tế về lựa chọn duy lý và áp đặt nó lên các đồng nghiệp của họ. Nhưng sự thống trị hoàn toàn cũng đòi hỏi phải có nhiều người được chuẩn bị để dấn thân theo sự thích ứng mù quáng bất chấp những suy xét và sự miễn cưỡng trong thâm tâm của họ. Ví dụ, họ bám vào một mô hình, khéo léo hay vụng về, hoặc một phép tính kinh trắc nào đó, chuyên nghiệp hay nghiệp dư, và áp chúng vào một nghiên cứu mà những công cụ lý thuyết này lại có sức giải thích kém.
RR: Trong cuốn tự truyện của ông, trong khi gợi lại những chỉ trích cơ bản mà ông nhắm vào lý thuyết tân cổ điển vào năm 1971 (trong cuốn Anti-Equilibrium - Chống Cân Bằng), và trong khi đóng góp các ý tưởng phản biện mới, ông đã viết như sau khi nhắc đến các thuật ngữ của Lakatos, “Nó không phải là một chương trình khoa học suy biến mà một chương trình vẫn còn có thể đứng vững được”[2]. Tôi cho rằng chương trình đó thực sự giống như một chương trình khoa học suy biến của trường phái Lakatos, nền tảng cốt lõi của chương trình đã bị lung lay từ lâu và sự phát triển các giả thuyết phụ đã chiếm thế thượng phong, mà không mở rộng thêm sức mạnh giải thích của chương trình - nhưng quyền bá chủ của nó chưa bị thách thức bởi bất kỳ chương trình khoa học cấp tiến mới nổi nào. Trong trường hợp này thì nó vẫn còn “có thể đứng vững được”, nhưng không có “tiến bộ”. Ông có đồng ý với sự phân biệt này không?

Imre Lakatos (1922-1974)
János Kornai: Tôi không muốn đưa ra đánh giá phiến diện về tình trạng tri thức của ngành chúng ta. Mặc dù tôi soi kinh tế học dòng chính bằng tư duy phê phán, tôi không xem kinh tế học dòng chính là cứng nhắc, “rối rắm,” hay bất động. Kinh tế học dòng chính bao gồm một số ý tưởng mới và thú vị xuất hiện trên đường chân trời tri thức, hay tôi có thể nói rằng kinh tế học dòng chính “phong thánh” và đưa những ý tưởng đó vào đề cương bài giảng bắt buộc. Ví dụ, điều này đã xảy ra với khái niệm thông tin và các nghiên cứu có liên quan chặt chẽ đến thông tin. Kinh tế học dòng chính cũng áp dụng tâm lý học và tích hợp hiện tượng các kỳ vọng.
Tôi không chấp nhận bất cứ sự đánh giá lưỡng phân kiểu “đánh dấu vào một trong hai ô” nào mà theo đó một chương trình khoa học hoặc là phát triển hoặc là suy biến. Phát biểu đó quá nặng, thiếu điều chế cho phù hợp. Có các trạng thái trung gian và hỗn hợp. Sự phát triển của kinh tế học dòng chính đã không suy biến theo kiểu mà kinh tế chính trị của Marx đã từng suy biến trong khối Xô Viết, khi nó trở thành hệ tư tưởng chính thức của chế độ độc tài cộng sản dưới cái tên “Chủ nghĩa Marx-Lenin”. Kinh tế học dòng chính có phát triển, nhưng không đủ nhanh. Nó hiện có phần cởi mở, nhưng có thể cởi mở thật nhiều hơn thế. Nó có nhiều trở lực, sinh ra từ sự lười biếng về trí tuệ, xu hướng lặp lại chính mình, và ác cảm với các ý tưởng mới. Cuối cùng, kinh tế học dòng chính là tù nhân của mô hình đặc biệt về lý thuyết ra quyết định, mô hình lựa chọn duy lý của chính nó, xem mô hình đó như là một cách giải thích phổ quát.
Vì kinh tế học dòng chính quả thực có chấp nhập một số ý tưởng mới thiết yếu, nên thật khó mà vẽ đường phân định giữa các ý tưởng kinh tế học “chính thống” và “phi chính thống”. Đường phân định không cố định. Trước đây (khi tôi đang viết cuốn Anti-Equilibrium - Chống cân bằng) nó còn là một ý tưởng không thuộc dòng chính nhấn mạnh các xung đột giữa các tác nhân. Ngày nay, khi mọi kinh tế gia hàn lâm khác đều sử dụng các mô hình lý thuyết trò chơi, thì làm như vậy hầu như là không có gì đặc biệt.
Mọi người vẽ đường phân định không ai giống ai. Một tiêu chí đặc biệt quan trọng theo quan điểm của tôi là thiết lập nền tảng vi mô cho lý thuyết ra quyết định mà nhà nghiên cứu chấp nhận. Có phải điểm khởi đầu là cá nhân có thứ tự ưa thích nhất quán, tối đa hóa hàm lợi ích, và đạt được quyết định tối ưu? Nếu vậy (có một số ngoại lệ) anh ta hoặc cô ta thuộc về trường phái dòng chính. Nếu không có sự nhấn mạnh vào giả định này, thì cá nhân đó có khả năng (nhưng không chắc chắn) tách khỏi dòng chính hoàn toàn hoặc một phần.
Có những nhà giáo hà khắc áp đặt quy tắc của trường phái dòng chính. Dù bạn nói gì, dù chủ đề có là sự biến động của nền kinh tế vĩ mô hay tác động qua lại giữa lạm phát và thất nghiệp đi chăng nữa, họ cũng nhất quyết buộc bạn trình bày nền tảng vi mô của bạn là gì. Và điều bạn trình bày chỉ có thể được chấp nhận là nền tảng vi mô nếu bạn có thể suy diễn làm thế nào mà những người ra quyết định tối ưu theo đuổi lợi ích cá nhân đưa đến một cách chính xác trạng thái mà chúng ta trải nghiệm ở tầm vĩ mô. Họ kết luận nếu bạn không thể tạo ra một nền tảng vi mô như vậy, lý luận của bạn là ad hoc và không thể được xem là kinh tế học thực thụ.       
Nhưng nhiều câu hỏi ngờ vực có thể được đặt ra một cách chính đáng. Điều gì xảy ra nếu người ra quyết định không duy lý một cách nhất quán? Điều gì xảy ra nếu anh ta hoặc cô ta hành động ngược lại với các lợi ích dài hạn của mình để có được lợi ích ngắn hạn? Hay điều gì xảy ra nếu các sở thích của anh ta hay cô ta đột ngột thay đổi trong cơn hoảng loạn? Điều gì xảy ra nếu một tình huống ra quyết định hoàn toàn khác biệt xuất hiện, mà theo đó không có các sở thích cho trước và người ra quyết định phải ứng biến? Ở đây tôi đang phác họa một số tình huống ra quyết định mà mô hình ra quyết định tiêu chuẩn không sử dụng được.
Vẻ lạnh lùng và đôi mày nhướng của ông thầy, sự thiết lập tùy tiện các giới hạn lý thuyết, sự chế nhạo hời hợt nhắm vào các ý tưởng ad hoc, xua đuổi nhiều người rời xa các nghiên cứu vô tư tự nguyện và phổ biến các ý tưởng nguyên gốc. May mắn là nó không xua đuổi hết tất cả mọi người.
Có nhu cầu to lớn về sự đa nguyên tri thức trong lĩnh vực này như chúng ta đã bàn lúc nãy. Chúng ta không thể xây dựng chống lại thứ tự tiên đề hoá sở thích được tôn vinh thành chân lý, lý thuyết đặc biệt, phi tổng quát này, bất cứ đối thủ cạnh tranh nào đầy đủ hơn hay thực sự phổ quát hơn. Sự đa dạng không có giới hạn của hành vi con người và các mối quan hệ của con người khiến cho việc xây dựng một mô hình ra quyết định phổ quát là bất khả thi. Nhiều mô hình nhấn mạnh nhiều nét tiêu biểu của hành vi và rút ra kết luận từ chúng mà bỏ qua các đặc điểm quan trọng. Đó là điều nên làm. Đối với tôi, sự đa nguyên cũng là để cho học giả mô tả các quá trình vĩ mô khác nhau và thực hiện các phân tích xứng đáng về các quá trình vĩ mô mà không thắc mắc về các động cơ khuyến khích các cá nhân tham gia.
3. Các ý tưởng, các lợi ích, các thể chế
RR: Ông nhấn mạnh sức mạnh của các ý tưởng - được thể hiện trong tựa đề của cuốn tự truyện của ông, By the Force of Thought (Bằng sức mạnh của tư duy); khi ông bàn về những trở ngại mà các ý tưởng phi truyền thống trong kinh tế học gặp phải, ông nói rằng “một lý thuyết mới có thể thay thế một lý thuyết cũ chỉ khi các kinh tế gia tin chắc rằng lý thuyết đó có sức sống hơn.” Vai trò tương đối giữa các lợi ích và các ý tưởng trong lịch sử gây nhiều tranh cãi. Weber đã viết “Không phải các ý tưởng, mà chính là các lợi ích về vật chất và lý tưởng, trực tiếp chi phối hành vi của con người. Hơn nữa, ‘các hình ảnh của thế giới’ vốn được tạo ra bởi các ‘ý tưởng’ đóng vai trò như người bẻ ghi đường sắt đã rất thường xuyên xác định đường lối hành động được thúc đẩy bởi tính động của lợi ích.” Keynes cho rằng “sức mạnh của quyền lợi được thổi phồng quá mức so với sự xâm lấn dần dần của các ý tưởng.” Trong lĩnh vực kinh tế học của chúng ta, mối quan hệ qua lại giữa các lợi ích và các ý tưởng là không thể bỏ qua, khi, một mặt, chúng ta xét đến các mối quan hệ giữa lý thuyết dòng chính và sự gắn kết về thể chế của lý thuyết dòng chính (trong tổ chức các trường đại học, trong các dạng thức cạnh tranh giữa các kinh tế gia và các trường phái, trong phương thức bổ nhiệm các học giả, trong các phương thức tổ chức của ngành), và mặt khác, tầm quan trọng của các lợi ích đang tiến triển trong hệ thống kinh tế học thực sự - lấy ví dụ như vai trò của tài chính trong những thập kỷ gần đây.
John M. Keynes (1883-1946)
János Kornai: Chúng ta hãy phân biệt hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất là điều gì kích thích các chủ thể thực sự trong nền kinh tế. Câu hỏi thứ hai là điều gì thúc đẩy các nhà nghiên cứu và các giáo sư mô tả và phân tích nền kinh tế.
Trả lời câu hỏi thứ nhất, tôi cho là phiến diện khi phát biểu rằng con người chủ yếu bị kích thích bởi các lợi ích. Điều này đã có vấn đề vì mỗi người có nhiều “lợi ích kinh tế” thường xuyên mâu thuẫn nhau. Lợi ích nhất thời, lợi ích ngắn hạn, lợi ích dài hạn? Một người có thể đảm trách nhiều nhiệm vụ: nhân viên của một công ty, ông chủ của một nhân viên trong nước, chủ sở hữu cổ phiếu mua từ tiền tiết kiệm hay từ sự “đầu cơ” tài chính khả dĩ nào đó. Một người trong cùng một lúc có thể tham gia nền kinh tế chính thức, nền kinh tế bán chính thức và nền kinh tế ngầm. Chúng ta đo lường thành công về tiền bạc, quyền lực có được, thanh thế hay uy tín? Chúng ta theo đuổi lợi ích của bản thân hay chú ý đến lợi ích của gia đình riêng hay người thân họ hàng? Vì vậy chúng ta gặp rắc rối với định nghĩa về “lợi ích”.
Bertolt Brecht (1898-1956)
Bây giờ chúng ta bàn về vai trò của các ý tưởng. Người ta thường trích dẫn nhận xét này của Bertolt Brecht: “Erst kommt das Fressen, dann kommt die Moral.” (First comes the grub, then the morality - Có thực mới vực được đạo). Không phải với ai cũng vậy, không phải lúc nào cũng đúng! Nội dung mà anh trích dẫn của Keynes thể hiện trí tuệ khôn ngoan của con người. Đối với mọi nhà tâm lý học, nhà sử học, và nhà văn thì hiển nhiên là vô lý khi coi thường sức mạnh của các ý tưởng. Marx và Engels có hành động vì lợi ích kinh tế của riêng họ không? Tôi không muốn liệt kê tất cả các ví dụ. Đối với tôi, rõ ràng là con người bị kích thích đồng thời bởi các lợi ích khác nhau, đôi lúc lợi ích này tăng cường cho lợi ích kia, đôi lúc lại đối lập nhau mà theo đó lợi ích này hay lợi ích kia chiếm ưu thế. Hàng triệu cách kết hợp tạo nên hiệu ứng kết hợp phức tạp này có thể thay đổi theo thời gian do sự đa dạng của hành vi cá nhân trong cuộc đời của cá nhân.
Đối với những nhà kinh tế hàn lâm thì cũng vậy. Họ dĩ nhiên không phải là thần thánh, nhưng hầu hết đều rất vui vẻ giữ các vị trí hàn lâm, và điều này cũng kết nối họ với “giới quyền uy”. Việc vẫn còn xuất hiện một sự gắn kết chặt chẽ là không hiếm. Nó có thể ảnh hưởng cách suy nghĩ của nhà kinh tế, theo hướng tốt hơn hoặc tệ hơn, nếu người đứng đầu ngành kiêm vị trí giám đốc hoặc cố vấn trong một doanh nghiệp lớn hoặc thậm chí là chủ một doanh nghiệp. Tuy vậy, bất cứ nhà xã hội học về khoa học nào tìm cách truy nguyên các cuộc tranh biện giữa các trường phái của các kinh tế gia nhắm vào các yếu tố đó sẽ không thành công. Ngay cả trong cuốn Anti-Equilibrium (Chống cân bằng), tôi đã phản đối vị trí chính thức của các nhà sử học lý thuyết giảng dạy dưới hệ thống cộng sản, họ là những người gán cho lý thuyết cân bằng tổng quát cái tên “tư sản”. Nói một cách khái quát hơn, tôi cho là không hợp lý khi thấy những tuyên truyền viên hay những người bảo vệ chủ nghĩa tư bản trong số các nhà kinh tế dòng chính và những người chỉ trích hay những kẻ thù cực đoan của chủ nghĩa tư bản trong số các nhà kinh tế phi chính thống. Không có sự đánh đồng đơn giản như vậy giữa triết lý khoa học của nhà kinh tế và quan điểm chính trị của họ.
Các nhà kinh tế, các nhà sử học lý thuyết, và các nhà xã hội học cần hợp tác nghiên cứu tác động của lợi ích kinh tế và ý tưởng lên tư duy, lòng trung thành và các trường phái của người hoạt động trong ngành kinh tế học. Đây là một nhiệm vụ thực nghiệm thú vị phải được thực hiện một cách vô tư, hoàn toàn không có những công thức đơn giản và những định kiến.
RR: Hệ chuẩn hệ thống có những mối liên hệ chặt chẽ với tư duy thể chế trong lý thuyết kinh tế học. Điều này được biểu thị rõ ràng trong kiệt tác của ông, The Socialist System (Hệ thống xã hội chủ nghĩa) - Tôi chỉ nhấn mạnh, ví dụ, phương pháp tiếp cận của ông đối với nhiều cơ chế phối hợp khác nhau. Sự thay đổi hay “chuyển đổi” (transition) hệ thống là một yếu tố trong sự chuyển hướng chậm trễ về thể chế của kinh tế học dòng chính, vốn mang lại những kết cục tích cực lẫn tiêu cực. Một mặt, ý kiến cho rằng “thể chế là quan trọng” đã được đưa vào quan điểm đã được xác lập từ trước; nó thậm chí còn trở nên khá thời thượng trong một thời gian. Mặt khác, quan điểm quy giản luận mạnh mẽ đã phát triển về mặt tìm kiếm những “thể chế tốt” riêng lẻ như là những giải pháp hữu hiệu (cách tốt nhất) cho các vấn đề hợp tác hay phát triển trong các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Trong khi tìm kiếm các thể chế có “chất lượng” cao, vô số những nghiên cứu “so sánh” sử dụng công cụ kinh trắc đã hoàn toàn bỏ sót sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt lịch sử (sự tương đồng hay bổ sung) của các thể chế trong bối cảnh của các quốc gia, sự phụ thuộc mang tính hệ thống về bối cảnh. Ông có đồng ý rằng tính chính đáng mà cách tiếp cận thể chế trong kinh tế học đạt tới, mà ông đã có đóng góp trong thời gian dài, là họa phước khó lường không?
János Kornai: Tôi cảm thấy rằng những công cụ mà trường phái thể chế và những nghiên cứu của riêng tôi đề nghị là hữu ích đối với những người tìm cách xem xét một cách khách quan sự đổ vỡ của chủ nghĩa xã hội, sự chuyển đổi thành chủ nghĩa tư bản, và sự phát triển của hệ thống mới, và cung cấp một sự mô tả và phân tích tích cực về chúng. Có chút gì đó mỉa mai khi thấy một giáo sư nổi tiếng ở phương Tây, người mà ở trong nước rao giảng về các mô hình toán học dòng chính và không công nhận những người theo trường phái thể chế với thái độ khinh miệt của giới quý tộc đối với những kẻ hạ đẳng, thậm chí không mang theo trong va li của mình bộ công cụ mà ông ta dùng ở trong nước. Trong khi ở đây và nói chuyện với những người đứng đầu quốc gia và những công dân bình thường ở những quốc gia ông ta đến thăm, ông ta nhận ra rằng các sự kiện cần được xem xét theo một cách khác: các thể chế chính trị, kinh tế và văn hóa đóng một vai trò quyết định; sự đánh giá nghiêm túc nào cũng phải tính đến các yếu tố tác động phía sau hành động của con người, sự đa dạng của các động cơ khuyến khích, sự “không đồng nhất” của hành vi đến độ vô tình bị bỏ qua trong các mô hình lý thuyết. Ví dụ, tôi như nhận được phần thưởng cho cá nhân mình khi thấy các đồng nghiệp vốn không biết nhiều về nghiên cứu của tôi bắt đầu áp dụng hệ thống các khái niệm về “ràng buộc ngân sách mềm”. Hiếm có báo cáo nào ở phương Tây viết về các chuyển biến ở Đông Âu mà không sử dụng thuật ngữ này và rút ra nhiều kết luận chính sách kinh tế từ nó.
Điều này đưa chúng ta đến một khía cạnh khác của những câu hỏi này: các nhà kinh tế nên ứng xử như thế nào khi được yêu cầu tư vấn về những việc cần làm? Tối đa hóa phúc lợi xã hội là một “tiêu chí tối ưu” khá mơ hồ, theo đó không có kết luận chính sách kinh tế thực tiễn nào được rút ra bằng phương pháp suy diễn. Các nhà kinh tế tự huyễn hoặc mình khi họ trấn an chính họ và công chúng, có thể có hoặc không chú ý đến họ, rằng họ có khả năng đưa ra những khuyến nghị khách quan với tư cách là một “chuyên gia” hay “một nhà khoa học”. Không có những kết luận khách quan trong các phân tích chuẩn tắc về thế giới. Điều được xem là tốt đẹp, hay tốt nhất, theo một tập các giá trị này, lại không tốt đẹp hay thậm chí có hại theo một tập các giá trị khác. Điều này tình cờ được các chính trị gia thành công nhận ra, một cách có ý thức hoặc theo bản năng: họ chỉ chấp nhận cho những ai đưa ra khuyến nghị theo ý họ làm cố vấn.
4. Nghĩ về Keynes
RR: Ông đề cập đến bộ tứ vĩ đại - nhưng hơi ngược đời - gồm Marx, Schumpeter, Keynes và Hayek, là những người có ảnh hưởng đến tư tưởng của ông. Tôi có cảm giác là Marx, Schumpeter và Hayek là những nguồn cảm hứng rõ rệt trong nghiên cứu của ông, nhưng vị trí của Keynes lại khá đặc trưng. Ông có cùng quan điểm với Keynes về mối liên hệ cấu trúc giữa chủ nghĩa tư bản và thất nghiệp, ông đối chiếu với mối liên hệ cấu trúc giữa chủ nghĩa xã hội và thiếu hụt để làm nổi bật những nét tương phản; sự đối lập này là trọng tâm của Kinh tế học về sự thiếu hụt. Nhưng sự so sánh sinh động nhất dường như là ở sự đánh giá chính bản thân chủ nghĩa tư bản, như là hệ thống ít tệ nhất có thể hình dung được, nhưng nhất định không phải là một trật tự tối ưu; phương pháp tiếp cận “mâu thuẫn và nan đề” của ông cũng tương tự như quan điểm của Keynes về những căng thẳng không tránh khỏi giữa các giá trị (như hiệu quả và đạo đức) dẫn đến việc tìm kiếm những thỏa hiệp có thể chấp nhận được, đối nghịch với quan điểm phi thực tế về “tất cả những điều tốt đẹp cùng tồn tại” (trích lời của Hirschman) hoặc đối nghịch với khái niệm tối ưu trong kinh tế học phúc lợi.      
Albert Hirschman (1915-2012)

János Kornai: Cảm ơn anh đã tập trung sự chú ý của người đọc vào danh sách bốn tên tuổi vĩ đại đó. Cả bốn chắc chắn có ảnh hưởng sâu và dài lâu đến tầm nhìn và tư duy của tôi về thế giới. Anh hỏi cụ thể về cảm hứng từ Keynes. Tôi hoàn toàn đồng ý với những gì anh nói về điều đó. Tôi bổ sung một vài nhận xét.
Như anh đề cập, kinh tế học về sự thiếu hụt xem đặc điểm thiếu hụt của chủ nghĩa xã hội và đặc điểm thất nghiệp của chủ nghĩa tư bản là cặp tương phản. Một bài điểm sách đã gọi bức tranh hệ thống mà tôi trình bày là “hình ảnh phản chiếu” của nền kinh tế theo trường phái Keynes, tương tự như chúng ta thấy hình ảnh ngược của chính mình trong gương.
Không bao lâu nữa trường Đại học Oxford sẽ xuất bản một cuốn sách mới của tôi, Dynamism, Rivalry, and the Surplus Economy (Thuyết động lực, sự cạnh tranh, và nền kinh tế thặng dư), trong cuốn sách này tôi thảo luận chi tiết lý thuyết về thất nghiệp của trường phái Keynes có quan hệ mật thiết với các ý tưởng của tôi về thị trường lao động và thị trường hàng hóa, dịch vụ như thế nào. Keynes và nhiều nhà kinh tế học vĩ mô khác tập trung vào sự dao động mang tính chu kỳ của thặng dư cung và thặng dư cầu. Đó là điều có thể hiểu được. Tôi chủ yếu quan tâm đến những đặc điểm thường trực của “các hệ thống lớn”, cũng là mối quan tâm của cả đời tôi. Tôi nghĩ sự thiếu hụt là một thuộc tính hệ thống thường trực của chủ nghĩa xã hội, và điều đối nghịch như thặng dư, năng lực sản xuất và cung cấp dịch vụ to lớn nhưng chưa tận dụng hết, và lượng tồn kho lớn, là đặc trưng hệ thống thường trực của chủ nghĩa tư bản.
Cho tôi nói lạc đề một chút. Khi anh đề cập đến các ý tưởng lý thuyết của Keynes trong câu hỏi, nó gợi cho tôi nhớ lại một khác biệt có liên quan giữa sự chấp nhận của Keynes đối với vai trò hoạch định chính sách thực tế và hoạt động của tôi. Tôi cũng đã thử thực hiện phép so sánh đó trong tự truyện của tôi. Keynes không chỉ dùng từ ngữ để xây dựng các lý thuyết của ông, mà còn dùng nhiều năng lượng để thuyết phục các nhà kinh tế, các nhà hoạch định chính sách, và công chúng về các quan điểm của ông. Tôi ngưỡng mộ Keynes, tôi kinh ngạc trước sự bền bỉ không mệt mỏi, sự linh động, và khả năng ngoại giao của ông. Sự nghiệp của tôi khác, vì tôi được sinh ra trong những hoàn cảnh khác nhau và bản tính tôi cũng khác. Keynes sẵn sàng dùng bữa trưa với các thủ tướng hay các bộ trưởng tài chính và thuyết phục họ về điều mà họ phải làm. Keynes, một cựu sinh viên của những ngôi trường hàng đầu, một học giả của Cambridge, một thành viên có sức ảnh hưởng lớn của Nhóm Bloomsbury, là người mà ở quê nhà tham gia các hoạt động chính trị cấp cao của nước Anh. Tôi tham gia vào chính giới Hungary như một người ngoài cuộc còn lúng túng và hiện tôi vẫn như vậy.
Keynes được sinh ra ở một đất nước may mắn. Mặc dù có lúc ông gặp bất đồng với các chính trị gia, những người cùng ông ăn trưa, hay những người cùng ông đối thoại, nhưng trong cách nghĩ họ chia sẻ với nhau nền tảng của các giá trị chính trị, trên hết là sự tôn trọng vô điều kiện đối với nền dân chủ. Quan điểm của một nhà kinh tế Trung Âu như tôi ở phương diện này cũng khác biệt lắm đấy! Kể từ khi tôi bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu của mình vào năm 1955, tôi đã sống qua 19 đời thủ tướng và 24 đời bộ trưởng tài chính.[3] Trong nhiều thập kỷ, thế giới quan của các chính trị gia cấp cao đã hoàn toàn khác biệt so với thế giới quan của tôi. Điều này ít nhất đã thay đổi triệt để trong những năm 1989-1990. Trong hai thập kỷ tiếp theo cũng là khoảng thời gian tồn tại của nền cộng hòa thứ ba, các chính trị gia và tôi, với tư cách là một nhà kinh tế hàn lâm, đứng chung một trận tuyến, chúng tôi đều tin tưởng vào nền dân chủ, pháp quyền, và nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.[4] Điều này đã có thể dẫn đến một mối quan hệ khăng khít, nhưng sự thật là, khả năng tiềm tàng này rất ít khi được hiện thực hóa. Hầu hết các chính trị gia được trao quyền quyết định đã không tò mò về quan điểm của tôi, vì họ nghi ngờ rằng quan điểm của tôi đi ngược lại các ý định của họ. May mắn làm sao khi họ cũng đã không mời tôi dùng bữa trưa, nhưng nếu họ mời thì tôi cũng khước từ. Có một hay hai chính trị gia cấp cao mà tôi có lúc cảm thấy thông cảm với con người họ hay với hành động của họ hay chí ít với một phần chương trình hành động của họ, nhưng họ cũng đã hiếm khi hỏi quan điểm của tôi, và lại càng hiếm khi, chỉ cá biệt, chấp nhận các khuyến nghị của tôi đối với một số vấn đề. Tôi cho rằng tôi thiếu sự nhiệt thành của một tông đồ và thiếu cảm giác dấn thân toàn tâm toàn ý thì thầm bên tai: “Tôi khá chắc chắn là tôi biết điều gì nên làm - tôi không thể ngơi nghỉ cho đến khi tôi thuyết phục được các nhà hoạch định chính sách rằng các đề xuất của tôi là đúng!” Hoặc là tôi đã không cố gắng tìm cách gặp các chính trị gia. Giờ đây khi tôi nhìn lại đời mình, có đôi lúc tôi hối tiếc về con đường sự nghiệp của mình, nhưng cũng có những lúc tôi cảm thấy mãn nguyện. Đây lại là một ví dụ cá nhân về những gì tôi nói ở cấp độ lý thuyết tổng quát về lý thuyết thứ tự sở thích. Tôi không nhất quán trong đánh giá hồi cố về hành vi của chính mình. Đó là do thứ tự sở thích của tôi trong cùng một không gian ra quyết định rất khác trong ngày mà tôi có tâm trạng tốt và nhìn lại đầy tự hào về hành vi quá khứ của mình so với thứ tự sở thích khi tôi không có tâm trạng tốt và hối tiếc về những hành động trước đó của mình.
5. Dân chủ, tăng trưởng, và đánh giá mâu thuẫn
RR: Trong hệ thống phân cấp các giá trị của ông, nền dân chủ và tự do có điểm cao hơn các phương diện khác của “thành tựu” kinh tế. Trong sự đánh giá mang tính so sánh về lịch sử và lý thuyết của ông đối với dòng họ các hệ thống tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, khía cạnh chính trị có vẻ quan trọng hơn khía cạnh kinh tế thuần túy. Tương tự, trong lý thuyết chính tuyến của ông về quan hệ nhân quả hệ thống, ông đã định nghĩa “khối” đầu tiên của kiến trúc hệ thống là khối chính trị và tư tưởng (thái độ của giới cầm quyền đối với sở hữu tư nhân và điều phối của thị trường) cho cả chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Ông rất xem trọng cách tổ chức xã hội trong phân tích lý thuyết chuẩn tắc và thực chứng; ông có đồng ý với cách hiểu nghiên cứu của ông là một phương pháp tiếp cận kinh tế chính trị độc đáo không?
Alfred Marshall (1842-1924)
Thomas Malthus (1766-1834)
János Kornai: thuật ngữ “kinh tế chính trị” được sử dụng theo nhiều nghĩa. Từ khi ngành kinh tế học mới được hình thành, thời của Adam Smith, Malthus, và Marx, kinh tế chính trị bao trùm tất cả những gì mà sau này được gọi là kinh tế học, khoảng từ thời của Marshall. Ngày nay, nhiều trường phái cạnh tranh quyết liệt để giành quyền được gọi là (và thường là chỉ mình họ) những người đại diện thực thụ cho kinh tế chính trị. Đó là cái cách mà các kinh tế gia theo trường phái Marx tự nhìn nhận về bản thân họ và những nhà tư tưởng đồng đạo, nhưng một nhóm các nhà nghiên cứu lựa chọn công cộng (public choice) cũng tranh sự độc quyền tương tự.   
Bản thân tôi sử dụng thuật ngữ “kinh tế chính trị” trong tiêu đề phụ của nghiên cứu toàn diện của tôi về hệ thống xã hội chủ nghĩa để nhấn mạnh mối liên kết chặt chẽ giữa cấu trúc chính trị và các hình thức hoạt động kinh tế. Làm như vậy, tôi đã gợi lại thuật ngữ của trường phái cổ điển, thời tiền Marshall.
Ngoài việc làm rõ khái niệm, câu hỏi của anh có hai ý thú vị. Thứ nhất là nguồn gốc lịch sử của “các hệ thống lớn” và phân tích nhân quả về sự phát triển của chúng. Tôi quả thực khẳng định rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa vốn được sinh ra từ Đế chế Sa hoàng Nga năm 1917 đã tồn tại như là kết quả của sự thay đổi mang tính cách mạng trong lĩnh vực chính trị. Đảng Bolshevik giành được quyền lực, đảm bảo quyền lực chính trị độc tôn và bắt đầu sự chuyển đổi triệt để về xã hội và nền kinh tế. Bước ngoặt chính trị có trước chứ không theo sau sự chuyển đổi kinh tế. Sự giải thích sâu sắc nhất cho những thay đổi hệ thống lớn gần đây phải được tìm kiếm trong lĩnh vực chính trị - ý tưởng đó xuyên suốt nhiều nghiên cứu của tôi.
Ở trên tôi đã dẫn giải về cách tiếp cận thực chứng để mô tả và giải thích lịch sử. Chúng ta hãy tách phương pháp tiếp cận này hoàn toàn ra khỏi câu hỏi chuẩn tắc về việc làm thế nào để đánh giá các thuộc tính vốn có của một “hệ thống lớn” cụ thể hoặc một cơ chế điều phối. Nhiều nhà kinh tế cho rằng “phúc lợi” xã hội có giá trị lớn nhất là điều hiển nhiên. Chắc chắn là họ tìm cách trình bày điều này một cách chính xác hơn, bằng những thuật ngữ phức tạp hơn: chúng ta phải phấn đấu tăng liên tục phúc lợi. Những người ủng hộ “kinh tế học phúc lợi” có trách nhiệm hoàn toàn ý thức được rằng nỗ lực đặc biệt để tăng sản xuất và phúc lợi vật chất nhanh chóng có thể nới rộng bất bình đẳng về phân phối. Giữa tăng trưởng và công bằng có mối quan hệ đánh đổi. Các tác giả thảo luận rất nhiều dạng thức của các giá trị đối lập nhau này.
Quan điểm đạo đức của tôi khác một cách chủ yếu với cách tiếp cận đó. Tôi muốn dùng hệ thống khái niệm của lý thuyết về thứ tự sở thích. Thứ tự sở thích giữa các giá trị tột cùng được sắp xếp theo kiểu từ điển. Giá trị quan trọng nhất là nền dân chủ và các giá trị có liên quan mật thiết với nó, như tôn trọng các quyền cơ bản của con người. Từ bỏ những giá trị đó không thể được bù đắp bằng hàng hóa vật chất, tăng trưởng nhanh hơn, hay phúc lợi lớn hơn. Không có chuyện đánh đổi được xem là “xứng đáng” giữa hy sinh một lát cắt của nền dân chủ để ép GDP tăng.
Thứ tự sở thích theo kiểu từ điển trong bối cảnh này đưa đến khái niệm sau. Theo tôi nghĩ tiêu chí chính để đánh giá tình hình là xem liệu rằng các nguyên tắc của một chế độ chính trị dân chủ có tồn tại hoặc nhân quyền có được tôn trọng hay không. Nếu yêu cầu đó được thỏa mãn (hay gần như thỏa mãn), thì chỉ khi đó chúng ta mới có thể đánh giá các tiêu chí thứ hai, thứ ba, v.v.. Và nếu việc đánh giá đã đi đến được bước này, chúng ta mới có thể cân nhắc các đánh đổi giữa các tiêu chí thứ hai, thứ ba, v.v..
RR: Khi đánh giá về kinh nghiệm chuyển đổi hậu xã hội chủ nghĩa[5], một công trình đáng tiếc là vẫn còn gần như là độc nhất trong ngành, ông sử dụng hai thang đo để đánh giá. Với góc nhìn dài hạn, ông cho rằng chuyển đổi có tính tích cực, vì nó đi theo hướng của các xu hướng lớn của nền văn minh phương Tây, chủ nghĩa tư bản và nền dân chủ; với góc nhìn ngắn hạn, ông đưa ra nhận định rất hỗn hợp: “Tôi giữ hai sự đánh giá và không phải là một, và không gộp chúng lại với nhau. Theo đánh giá thứ nhất, tôi vui mừng thông báo một sự thành công vĩ đại ở tầm lịch sử thế giới: một hệ thống đã được tạo ra ưu việt hơn hệ thống trước đó, không có đổ máu, với tốc độ phi thường. Theo đánh giá thứ hai, tôi có danh sách những kinh nghiệm tốt và xấu trong cuộc sống; nhiều niềm vui và cũng lắm nỗi đau. Tôi thấy vừa đúng đắn vừa có đầy đủ lý lẽ khi phát biểu rằng những gì đã xảy ra ở khu vực này có thể được xem là một thành công về mặt ý nghĩa lịch sử toàn cầu, đồng thời là một thất bại ở nhiều mặt quan trọng khác vì nó gây đau thương, đắng cay và thất vọng cho quá nhiều người.” Lợi ích và chi phí không thể được cộng vào một cách đơn giản để đưa ra sự đánh giá cuối cùng mang tính độc nhất và tĩnh tại. Một lần nữa vị trí trung tâm của các tương phản và nan đề đưa ông đến một lập trường mới so với cách thức mà các kinh tế gia thường đánh giá những sự thay đổi nói chung.             
János Kornai: Câu hỏi này có quan hệ chặt chẽ với một vấn đề mà chúng ta đã bàn đến nhiều lần trong cuộc đối thoại này: lý thuyết về lợi ích và thứ tự sở thích. Những phản đối của tôi đối với mô hình ra quyết định/hành vi được sử dụng trong ngành kinh tế học là dựa trên những quan sát của riêng tôi và của những người khác. Cho rằng thành công, vinh dự và niềm vui có thể bù đắp cho thất bại lớn, sự nhục nhã hoặc đau khổ của chúng ta là không đúng. Không có đường cong bàng quan [hay đường đẳng ích] mà chúng ta có thể đặt trên đó các cách kết hợp khác nhau giữa “các trải nghiệm hân hoan” và “các trải nghiệm nguy hại,” và hô biến! thế là tạo cho mọi người nhận thức về lợi ích tương đương. Chỉ những người bị giam hãm đằng sau bục giảng, bị bịt mắt bởi những nỗi ám ảnh của chính họ, và không hiểu gì về bản chất con người mới có thể tin điều đó. Bất cứ tiểu thuyết gia tài giỏi hay độc giả thông thạo văn chương nào cũng sẽ không ghi nhận mô hình đó dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Bất cứ nhà tâm lý học nào ở thời đại của chúng ta, thuộc bất cứ trường phái nào, cũng sẽ xanh mặt khi đọc về cái cách mà các nhà kinh tế mô hình hóa trải nghiệm hạnh phúc và bất hạnh của con người.
Suy nghĩ và cảm giác của con người có đầy mâu thuẫn. Ta muốn một sự kiện nào đó diễn ra và ở một mức độ nào đó cũng mong rằng nó không xảy ra. Ta ghét và ta yêu (Odi et amo), như nhà thơ Catullus đã viết. Chúng ta cùng một lúc yêu và ghét một người hay một ý tưởng nào đó. Hoặc khi chiến tranh, trong chúng ta có hai sự cố gắng rất lớn, chúng tuần tự thay nhau chiếm ưu thế: quyền lợi quốc gia đối lập với quyền lợi gia đình; sự tìm kiếm sự mạo hiểm đối lập với nhu cầu có được cuộc sống hòa bình và yên tĩnh; sự chủ động về chính trị đối lập với sự thụ động về chính trị và tập trung vào chuyên môn - tôi có thể tiếp tục kéo dài danh sách liệt kê các tương phản và nan đề. Cuối cùng, một điều gì đó được triển khai - có thể là một thỏa hiệp giữa các mục tiêu, nỗ lực, hoặc cảm giác đối nghịch, hoặc là một mách nhỏ cho một trong hai cái đối nghịch. Có thể có những cá nhân mà tâm hồn của họ không bao giờ chịu được các điều tương phản như vậy, nhưng họ chắc chắn không phải là loại người mà ta rất thường gặp.
Lối tư duy của tôi nghi ngờ các nguyên lý của kinh tế học dòng chính. Bài báo của tôi mà anh đề cập dựa trên lập luận này: một sự kiện lịch sử lớn quả thực có thể vừa tốt vừa không tốt, vừa là tiến bộ vừa là cội nguồn của khổ đau mới. Con người có thể cùng một lúc (hoặc liên tiếp với cường độ khác nhau) trải nghiệm những kết cục vui vẻ và đau buồn của các sự kiện. Việc “cộng chúng lại với nhau” là vô ích, đặt dấu cộng trước các tác động tích cực và dấu trừ trước các tác động tiêu cực để có được giá trị tổng. So với cách đánh giá này thì đã có tiến bộ về mặt phương pháp luận (và ở đây những độc giả sáng suốt hẳn nhận thấy một chút mỉa mai) nếu thay vì phân biệt nhiều loại tác động tốt và xấu khác nhau của sự kiện, chúng ta giữ ít nhất là hai loại, một dành cho các trải nghiệm thuận lợi và một dành cho các trải nghiệm bất lợi.
Tôi muốn nhắc độc giả là tôi cũng thảo luận vấn đề đánh giá các hành vi tốt và xấu, các sự kiện tử tế và xấu xa, trong tự truyện của mình, trong một bối cảnh khác nhưng vẫn dựa trên các nền tảng nguyên lý tương tự. Tôi không tin rằng những sai lầm mà một người gây ra ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời anh ta có thể được sửa sai bằng việc làm hữu ích cho nhân loại ở một giai đoạn khác. Chúng ta cần ít nhất hai cách đánh giá ở đây. Theo cách đánh giá thứ nhất, những sai lầm là không thể xóa nhòa, nhưng dĩ nhiên chúng ta phải phấn đấu thu thập thật nhiều và thật hiệu quả các hành vi tốt trong cách đánh giá thứ hai.
6. Chính thể và nền kinh tế
RR: Trong hồi ký của ông, ông có giải thích mối quan tâm dài hơi của ông đối với Trung Quốc (bản dịch cuốn Economics of Shortage - Kinh tế học của sự thiếu hụt - đã thành công lớn). Những gì đã diễn ra ở đất nước đó, đơn cử, đã chứng minh hùng hồn sự đúng đắn của phương pháp tiếp cận ban đầu của ông nhấn mạnh sự trỗi dậy từ dưới lên của các doanh nghiệp mới và của khu vực tư nhân, khi so sánh với tốc độ tư nhân hóa nhanh chóng của khu vực nhà nước hiện hữu. Mặt khác, cách tiếp cận đó không theo con đường mà ông đã mô tả trong cuốn The Socialist System (Hệ thống chủ nghĩa xã hội), mà theo đó sự đổi mới làm suy yếu sự cố kết của hệ thống cổ điển và dẫn đến tình trạng bất ổn và khủng hoảng - đó là một đặc điểm của các lộ trình của Trung và Đông Âu, trước khi sự thay đổi mang tính hệ thống xảy ra. Sự cố kết bị suy giảm và tình trạng bất ổn đã xuất hiện, nhưng đổi mới dần dần cuối cùng đã dẫn đến sự thay đổi mang tính hệ thống - với một kỷ lục tăng trưởng hiếm có và mức độ nghèo giảm đi. Ông có thấy trong lộ trình của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua sự cần thiết phải bổ sung hay điều chỉnh hệ thống chính được trình bày trong cuốn The Socialist System (Hệ Thống Chủ Nghĩa Xã Hội) hay không?
János Kornai: Trước khi tôi trả lời câu hỏi, tôi muốn nói rằng cuốn tự truyện của tôi, sẽ sớm có phiên bản dành cho độc giả người Pháp, đã ra mắt ở Trung Quốc hai lần. Tác phẩm được ra mắt lần đầu tiên ở Hong Kong vào năm 2009, được dịch sang tiếng Hoa phồn thể. Bản dịch này có lẽ không đến được với nhiều độc giả, vì chỉ những người có trình độ học vấn cao mới đọc được những công trình viết bằng chữ phồn thể. Hơn nữa, Hong Kong vẫn còn là một đặc khu đóng cửa một phần, từ đó cuốn sách không dễ dàng gì tiếp cận được một tỷ rưỡi người dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ngay cả trong tình thế như vậy, phản hồi vẫn mạnh mẽ. Những kênh truyền hình chính quan tâm đến nó; một hội nghị của các nhà kinh tế học hàn lâm được tổ chức để thảo luận nó. Một diễn giả ở đó đã đề nghị rằng độc giả nào muốn làm quen với các nghiên cứu của tôi nên bắt đầu bằng cuốn tự truyện, vì nó cung cấp những nền tảng trọng yếu để hiểu những nghiên cứu khác vốn được viết trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau dưới những hạn chế khác nhau về tự do ngôn luận. Tôi đặc biệt hứng thú với những lời bình của những “người bất đồng chính kiến” và những người Trung Quốc có tư tưởng tự do về cuốn sách và về sự nghiệp của tôi trên mạng Internet. Những người này hơi giống tôi về mặt tri trức. Nhiều người đã khởi sự giống tôi, tin vào những người cộng sản, rồi sau đó có những lúc trong cuộc sống họ trở nên vỡ mộng với các biến cố xảy ra trước đó, và trở thành những người phê phán sắc bén các lý thuyết Marx-Lenin-Stalin-Mao, rồi mỗi người một cách đấu tranh cho nền dân chủ và nền kinh tế thị trường.
Cuốn sách ra mắt lần thứ hai tại Thượng Hải dưới dạng một bản dịch mới bằng chữ giản thể. Cuốn sách xuất hiện ở các nhà sách của Trung Quốc đại lục, được viết bằng hệ thống chữ viết mà đông đảo công chúng có thể đọc được. Cuốn sách đó ra mắt khá gần đây, vào tháng 8/2013. Tôi háo hức chờ đợi các phản ứng sẽ như thế nào.
Tôi thường cân nhắc vấn đề mà anh nêu. Trung Quốc là một hệ thống tổ chức xã hội lai ghép độc nhất vô nhị được hình thành từ các thành phần không tương thích với nhau và khó hòa hợp được. Một chế độ độc tài đảng trị, một khu vực quốc doanh kồng kềnh gần như kéo lùi nền kinh tế bằng sức nặng của nó tồn tại song song và trộn lẫn với khu vực tư nhân năng nổ và đầy sức sống. Trước đây, tôi có thói quen nhấn mạnh sự va chạm gay cấn như thế nào trong thể cộng sinh của các thành phần khác hẳn nhau này. Nhưng khi có nhiều kinh nghiệm hơn thì việc chúng không chỉ có thể cùng tồn tại bằng cách nào đó, mà còn tạo ra tăng trưởng ngoạn mục là điều rõ ràng hơn bao giờ hết. Nếu tôi có năng lực, tôi sẽ suy nghĩ lại những lập luận của tôi trước đây về vấn đề này và công bố các kết luận của mình. Nếu tôi không còn sức lực, thì thế hệ trẻ hơn sẽ hoàn thành nhiệm vụ này. Hơn tất cả, tôi mong chờ nhiệm vụ này được những người Trung Quốc mà tôi đã dạy ở Đại học Harvard, và hiện bây giờ đang nắm giữ những vị trí hàn lâm cao cấp ở Trung Quốc thực thi. Có lẽ các nghiên cứu khảo sát lại các lý thuyết trước đây dưới ánh sáng của kinh nghiệm lịch sử, bao gồm những ý tưởng của tôi, đã được chuẩn bị sẵn.
Mặc dù tôi cho rằng một sự điều chỉnh lớn là hợp lý và cần thiết, tôi muốn nói thêm rằng ở Trung Quốc thời gian lịch sử được tính theo các đơn vị khác. Khoảng thời gian ngắn nhất không phải là một tháng hay thậm chí một năm, mà giống như một thập kỷ. Dĩ nhiên, hình thức kinh tế - xã hội lai ghép đã cùng tồn tại với tăng trưởng nhanh; trong thực tế có thể chỉ có sự kết hợp bí ẩn này mới thúc đẩy được tốc độ [tăng trưởng] dựng tóc như vậy. Nhưng tốc độ dường như đang chậm lại. Những người bạn Trung Quốc của tôi chỉ ra rằng những xung đột trong nội bộ hệ thống đang có chiều hướng xấu hơn. Khi nền kinh tế và sản xuất bình quân đầu người tăng, thì nhu cầu tiêu dùng cũng tăng theo tỷ lệ tương ứng. Rất ít người sẽ cam chịu việc kiểm soát giá cả và tiền lương, và việc đàn áp các phong trào đòi tăng lương kìm hãm sự gia tăng tiền lương thực tế. Nhưng chi phí tiền lương cực thấp là một bí mật đằng sau sự gia tăng chớp nhoáng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Cơ cấu vĩ mô như vậy không thể tồn tại mãi mãi được, nghĩa là một đất nước mà gần phân nửa giá trị gia tăng được đầu tư và chỉ phân nửa còn lại dùng cho tiêu dùng.
Căng thẳng gia tăng không chỉ trong nền kinh tế mà còn trong lĩnh vực chính trị. Rất khó hoặc không thể nào vừa đưa vào các phương pháp sản xuất mới nhất, có hàng triệu người sản xuất máy tính, cho phép hàng trăm triệu người tiếp cận Internet, và cùng lúc kiềm chế phát biểu của người dân và hạn chế quyền tự do ngôn luận của họ. Bây giờ có phải là thời mà Stalin hầu như có thể khóa kín biên giới Liên Xô và những thông tin chống phá từ nước ngoài bị ngăn giữ từ xa bằng hàng rào dây thép gai và bãi mìn không? Ai biết được khi nào tình hình căng thẳng ở Trung Quốc sẽ nổ tung? Suy cho cùng, có lẽ sự thật là trong dài hạn (“dài” được đo bằng nhiều thập kỷ) hệ thống độc đảng, chế độ độc tài đảng trị và tập trung hóa không thể tồn tại song song với nền kinh tế thị trường phi tập trung được thúc đẩy bởi tự do kinh doanh, bởi việc đưa vào và liên tục đổi mới công nghệ hiện đại.
Quan sát của tôi về các triển vọng phát triển lịch sử thực thụ, được bổ sung bởi việc cân nhắc các cơ hội của các xu hướng có vẻ phù hợp nhất, vẫn nằm trong phạm vi của phân tích thực chứng. Nhưng chúng ta đừng lùi bước trước những nan đề hóc búa của cách tiếp cận chuẩn tắc! Ngay cả khi không có sự sụt giảm tăng trưởng đột ngột xảy ra, chúng ra hãy đối diện với câu hỏi: bao nhiêu điểm phần trăm tăng trưởng tăng thêm là đáng để hy sinh nhân quyền, tự do ngôn luận và tự do lập hội, và quyền lựa chọn giữa các đối chọn chính trị? Chúng ta thảo luận quan điểm của tôi ngay bây giờ: trong hệ thống các giá trị của tôi, nền dân chủ và sự khẳng định các quyền cơ bản của con người có vị trí quan trọng nhất. Nếu thiếu những giá trị đó, không có tỷ lệ tăng trưởng nào có thể bù đắp. Tôi lắng nghe với sự ác cảm đối với những doanh nhân và những nhà nghiên cứu hàn lâm phương Tây khi họ hân hoan nói về những thành tựu kinh tế của Trung Quốc và sau đó họ nói thêm ngoài lề rằng “Vâng, ừ, đảng cộng sản vẫn có quyền lực hoàn toàn ở đó.” Rồi thì họ tiếp tục tự xoa dịu bằng cách bổ sung thêm rằng nền dân chủ là một loại hàng xa xỉ của phương Tây, phù hợp với người Mỹ và người châu Âu giàu có. Để xem người Trung Quốc hoan hỉ như thế nào về việc cuối cùng họ có đủ thức ăn và một mái nhà che đầu chỉnh chu. Họ không quan tâm đến loại chế độ chính trị nào đang nắm quyền.
Rồi chúng ta sẽ thấy. Sự ngon miệng đi cùng với việc ăn uống. Khi mức sống vật chất và văn hóa của dân chúng tăng lên, khi người ta nếm được một ít tự do, nhu cầu đối với các thể chế dân chủ sẽ lớn lên.
RR: Trong hồi ký của ông, ông có nhấn mạnh sự kiên định không tham gia chính trị sau năm 1956, vì lý do chuyên môn, đạo đức và cá nhân, và về cơ bản vẫn giữ mình là một học giả, một con người của khoa học. Ông đã ung dung từ chối vị trí cố vấn được chỉ định, một lần là vào cuối thời kỳ chủ nghĩa xã hội ở Hungary, và một lần khác là trong quá trình hậu chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, ông từng lên tiếng với những khuyến nghị của mình trong những trường hợp quan trọng, như trong tác phẩm Passionate Pamphlet in the Cause of Economic Transformation (Bài luận ngắn sinh động về Nguyên nhân của Chuyển đổi Kinh tế), được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1989[6] [phiên bản tiếng Hungary], hay trong quá trình chuyển đổi. Trong thời gian vừa qua, ông đã mạnh mẽ và công khai chống lại chính sách của chính quyền Orbán ở Hungary, ông không chỉ quan tâm đến chính sách kinh tế và còn quan tâm đến cải cách thể chế và các vấn đề chính trị của nền dân chủ. Theo nhận định của ông thì các xu hướng ở đất nước quê hương ông nghiêm trọng đến mức nào?
János Kornai: Tôi đã phần nào trả lời phần đầu của câu hỏi khi tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với vai trò của Keynes trong đời sống xã hội nhưng tôi đã tách bản thân mình ra khỏi vai trò đó. Kể từ khi hệ thống thay đổi, tôi quả thực đã từng nhiều lần trình bày quan điểm về những gì tôi cảm thấy nên làm trong chính trị và trong nền kinh tế. Tôi đã nỗ lực rất nhiều trong việc này khi tôi bắt đầu phác họa các khuyến nghị chi tiết hoàn toàn theo sáng kiến của riêng tôi, mà không ai yêu cầu tôi làm như vậy. Tôi đã thực hiện việc này trong trường hợp mà anh đề cập, khi tôi viết Passionate Pamphlet (Bài luận ngắn sinh động) vào năm 1989. Đó là công trình đầu tiên xuất hiện trong sách in có khuyến nghị một chương trình chuyển đổi toàn diện cho Hungary.
Karen Eggleston
Một thập kỷ sau tôi viết sách về cách thức cải cách khu vực y tế ở Đông Âu. Phiên bản đầu tiên tôi viết một mình, và đến phiên bản thứ hai tôi cộng tác với Karen Eggleston, một nhà kinh tế xuất sắc về chăm sóc sức khỏe, một cựu sinh viên của tôi. Các thể loại chủ nghĩa tư bản khác nhau với sự tái phân phối mạnh mẽ của nhà nước và với các lực lượng chính trị đã hình thành nên nhà nước phúc lợi theo kiểu gia trưởng, chắc chắn tạo ra một số triệu chứng nhất định tương tự như các hiện tượng phổ biến trong nền kinh tế thiếu hụt xã hội chủ nghĩa. Nhà nước sử dụng tiền của người nộp thuế để gánh vác việc tài trợ phần lớn chi phí chăm sóc sức khỏe. Việc này tạo ra một kiểu ốc đảo “chủ nghĩa xã hội” trong lòng biển cả của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, với toàn bộ các hiệu ứng kéo theo phổ biến: xếp hàng, thời gian chờ đợi lâu, và mối quan hệ quan liêu giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế và bệnh nhân lệ thuộc vào ơn huệ của các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế. Khi tôi bắt đầu nghiên cứu về khu vực y tế ở Đông Âu thời hậu chủ nghĩa xã hội, và ở Thụy Điển hay Anh Quốc, không cần phải có nhận định thật tinh tế để thấy rằng tôi đứng trên một nền tảng quen thuộc. Một nhà nghiên cứu có chuyên môn về kinh tế học của sự thiếu hụt cảm thấy như ở quê nhà trong môi trường dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí.
Trở lại câu hỏi của anh về những sự can thiệp vào các vấn đề chính sách kinh tế hàng ngày, tôi thực hiện theo hai cách, bằng một chương trình chuyển đổi toàn diện và đối với chủ đề cải cách dịch vụ y tế, tôi viết các khuyến nghị và lời khuyên của mình trong bài báo khoa học. Nhưng sau đó tôi dừng lại. Tôi không “vận động hành lang” thay mặt cho các đề xuất của tôi hay tìm gặp các bộ trưởng hay người đại diện của họ để thuyết phục họ rằng tôi đúng. Thay vào đó, tôi nhanh chóng quay trở lại việc nghiên cứu của tôi. Tôi hầu như không thể chờ đợi để tiếp tục với dự án nghiên cứu tiếp theo và sau đó một lần nữa rút ra kết luận mới chỉ được in ra trong thế giới sách vở. Dường như thói quen này của tôi là không thể thay đổi.
Tôi hết sức quan tâm đến những thay đổi đã diễn ra trên đất nước này kể từ khi chính quyền Orbán nắm quyền vào năm 2010. Chỉ một vài tháng sau các sự kiện chính trị đó, tôi đã lên tiếng trong một nghiên cứu dài có tiêu đề “Taking stock (Đánh giá các triển vọng)”, (2011) được đăng trên một tờ nhật báo, chỉ rõ những mối nguy hiểm nghiêm trọng phá hoại nền dân chủ, nguy hiểm nhất là sự loại bỏ có trật tự hệ thống kiểm soát và cân bằng. Một năm sau, tôi công bố nghiên cứu thứ hai cũng theo chiều hướng đó có tiêu đề “Centralization and the Capitalist Market Economy (Tập trung hóa và Nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa)” (2012). Tôi có ý muốn dùng nghiên cứu này như là một tín hiệu cảnh báo thứ hai. Thật là cay đắng khi chứng kiến những hiện tượng mà tôi đã viết về chúng cách đây hơn nửa thế kỷ, trong cuốn sách Overcentralization (Tập hóa hóa quá mức)[7] xuất bản năm 1956, lại một lần nữa trỗi dậy. Những thay đổi đã diễn ra trong nhiều thập kỷ trong các khung khổ chính trị của hệ thống chủ nghĩa xã hội, và vẫn còn những thay đổi khác diễn ra bên ngoài những khung khổ đó, sau bước ngoặt lớn vào những năm 1989-1990, tất cả cùng chỉ về một hướng: từ chế độ độc tài đến việc tạo dựng và hoàn chỉnh nền dân chủ, từ tập trung hóa đến phi tập trung hóa, từ kiểm soát bằng mệnh lệnh đến hợp đồng thị trường, từ quan liêu và gia trưởng đến tự chủ và độc lập cá nhân. Thật là chua chát khi chứng kiến chính quyền Orbán đã thực hiện cú quay đầu thay vì tiếp tục theo hướng đó. Chính quyền đã quay đầu và đẩy đất nước quay trở lại chế độ chuyên chế, quốc hữu hóa, hạn chế và phiền nhiễu sở hữu tư nhân, tập trung hóa, và chủ nghĩa gia trưởng. Cũng như nhiều thành viên của đội ngũ trí thức Hungary, tôi cảm thấy mình có bổn phận phải lên tiếng phản đối. Mỗi người lên tiếng bằng những cách thức của riêng mình. Cách thức của tôi là lời nói và nghiên cứu được in ra, đánh giá tình hình một cách công bằng, và báo động những mối nguy hiểm lớn mà tôi nhìn thấy ở phía trước.
Danh mục tài liệu tham khảo các nghiên cứu của János Kornai
Kornai J. (1959), Overcentralization in Economic Administration, Oxford, Oxford University Press.
Kornai J. (1971), Anti-Equilibrium, Amsterdam, NorthHolland.
Kornai J. (1980), Economics of shortage, Amsterdam, NorthHolland (Socialisme et économie de la pénurie, Paris, Economica, 1984).
Kornai J. (1990a), The Road to a Free Economy. Shifting from a Socialist System: The Example of Hungary, New York, W. W. Norton (edition in Hungarian, Passionate Pamphlet in the Cause of Economic Transformation, 1989; Du socialisme au capitalisme. L’exemple de la Hongrie, Paris, Gallimard, 1990b).

Kornai J. (1992), The Socialist System. The Political Economy of Communism, Princeton NJ-Oxford, Princeton University Press-Oxford University Press (Le système socialiste. L’économie politique du communisme, Grenoble, Presses universitaires de Grenoble, 1996).
Kornai J. (1995), Highway and Byways. Studies on Socialist Reform and Postsocialist Transition, Cambridge MA, MIT Press.
Kornai J. (1997), Struggle and Hope. Essays on Stabilization and Reform in a Post-Socialist Economy, Cheltenham UK, Edward Elgar.
Kornai J. (2000), “The System Paradigm”, in W. Scheckle et al. (eds.), Paradigms of Social Change: Modernization, Development, Transformation, Evolution, Frankfurt/New York, Campus Verlag (“Le paradigme systémique”, in J. Kornai, La transformation économique postsocialiste, B. Chavance et M. Vahabi (eds.), Paris, Éditions de la Maison des sciences de l’homme, 2001).
Kornai J. (2001), Welfare, Choice, and Solidarity in Transition (with Karen Eggleston, 2001), Cambridge, Cambridge University Press.


Kornai J. (2006a), By Force of Thought: Irregular Memoirs of an Intellectual Journey, Cambridge MA - London, The MIT Press (À la force de la pensée : Autobiographie irrégulière, trad. du hongrois par J. et P. Karinthy, L’Harmattan, Coll. “Pays de l’Est”, 2014, à paraître).
Kornai J. (2006b), “The Great Transformation of Central Eastern Europe. Success and Disappointment”, Economics of Transition, 14 (2).
Kornai J. (2008), From Socialism to Capitalism, Budapest, Central European University Press.
Kornai J. (2011), “Taking stock”, Népszabadság, Budapest, January 7; also published in American Interest, January 6.
Kornai J. (2012), “Centralization and the capitalist market economy”, Népszabadság online, Budapest, February 1, published in English, Economics of transition, 20(4).
Kornai J. (2013), Dynamism, Rivalry, and the Surplus Economy, Oxford, Oxford University Press.
DOI: 10.1093/acprof:oso/9780199334766.001.0001
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Nguồn: Irregular Memoirs of an Intellectual Journey: questions about the state of economics”, https://journals.openedition.org, 2013.
----




Chú thích:

[1] Kornai (2000).

[2] Kornai (2006a, trang 192).

[3] Những người giữ chức thủ tướng hay bộ trường tài chính hai nhiệm kỳ được tính 2 lần.

[4] Hungary đã sử dụng định ngữ [trong tên nước] biểu thị chính thể cộng hòa 3 lần. Cộng hòa Hungary thứ nhất tồn tại từ năm 1918 đến 1919 và Cộng hòa Hungary thứ hai tồn tại từ năm 1946 đến 1949. Cộng hòa Hungary thứ ba được tuyên bố thành lập vào năm 1989. “Luật Cơ Bản” mới (2012) do chính quyền Orbán ban hành đã xóa từ cộng hòa ra khỏi tên nước và do đó nền cộng hòa thứ ba chính thức kết thúc về mặt pháp lý. Quá trình này trong thực tế đã bắt đầu hơi sớm hơn một chút, với sự đàn áp tư tưởng cộng hòa, phá hủy các thể chế dân chủ, và thay thế bằng việc thiết lập các thể chế chuyên chế.

[5] Kornai (2006b).

[6] Phiên bản tiếng Anh [của người Mỹ], Kornai (1990a); Phiên bản tiếng Pháp, Kornai (1990b).

[7] Kornai (1959).

Print Friendly and PDF