5.9.19

Tiềm năng của xuyên ngành


TIỀM NĂNG CỦA XUYÊN NGÀNH
Tác giả: Helga Nowotny
Chuyển ngữ: Bùi Thế Cường[1]
Mở đầu
Xuyên ngành là chủ đề hồi sinh hết lần này lại lần khác. Nó đáp ứng một nhu cầu cơ bản và một niềm tin cố hữu. Nhu cầu về một sự mất đi cái được cảm nhận là đã từng có một sự thống nhất vốn có của tri thức. Và niềm tin là kỳ vọng xuyên ngành đóng góp vào việc cùng giải quyết vấn đề hơn là đứng kề nhau; hơn là bộ môn này nằm cạnh bộ môn kia. Francois Taddai từng viết: “Chẳng bộ môn nào biết nhiều hơn tất cả các bộ môn”. Nếu mục tiêu là cùng giải quyết vấn đề, thì phải có phương tiện để liên kết các quan điểm trong nhận diện, hình thành và giải pháp cho một vấn đề chung được chia sẻ.


Kiên nhẫn là phẩm hạnh để làm xuyên ngành. Bạn phải rất kiên nhẫn. Bằng chứng cho thấy, phát triển giảng dạy xuyên ngành đòi hỏi thời gian và cam kết của cả giảng viên lẫn định chế. Cần nhiều thời gian để hiểu ngôn ngữ các bộ môn khác. Nhưng bạn cũng cần hiểu áp lực của việc cùng giải quyết vấn đề đến từ đâu. Thảo luận gần đây cho thấy nhiều người vẫn xem khoa học và xã hội là những phạm trù chả có vấn đề gì. Trong hai cuốn sách làm nền cho bài trình bày này[2], chúng tôi chứng minh trên thực tế cả hai đều là những phạm trù có vấn đề. Ở đây tôi muốn khẳng định, tri thức cũng như chuyên môn (expertise) vốn là vượt tràn qua (transgressive). Không ở đâu và không ai có thể thành công đủ lâu trong việc ngăn chặn tri thức. Tri thức thẩm thấu qua mọi định chế và cấu trúc hệt như nước thẩm thấu qua lỗ chân lông. Tri thức thẩm thấu theo cả hai hướng, từ khoa học ra xã hội cũng như từ xã hội vào khoa học. Nó thẩm thấu qua các định chế và từ giới hàn lâm ra cũng như từ thế giới ngoài vào. Vì thế, nói xuyên ngành là nói vượt tràn (transgressing) các ranh giới. Các định chế vẫn tồn tại và có chức năng. Các bộ môn vẫn tồn tại và những bộ môn mới tiếp tục ra đời từ hoạt động liên ngành. Thế nhưng: Hãy ý thức!
Vài đặc điểm của sản xuất tri thức Phương thức 2
Trong nghiên cứu trước, chúng tôi phát biểu rằng đang nổi lên một hình thái mới của sản xuất tri thức. Chúng tôi gọi nó là Phương thức 2 (Mode-2). Chúng tôi giới thiệu ý tưởng Phương thức 2 để mang đến một cách tư duy mới về khoa học, cái khoa học vốn hay được mô tả bằng những thuật ngữ chuyên ngành chặt chẽ. Chúng ta cần một ngôn ngữ khác để mô tả cái đang diễn ra trong nghiên cứu. Chúng tôi nhận diện một số thuộc tính của cách mới trong sản xuất tri thức, mà chúng tôi nghĩ là có bằng chứng thực nghiệm, và lập luận rằng, kết hợp cả lại, chúng liên kết với nhau đủ mạch lạc để tạo nên cái gì đó là một hình thức mới của sản xuất tri thức.
Thuộc tính đầu tiên của Phương thức 2 là thực tế, nghiên cứu đương đại ngày càng diễn ra trong bối cảnh ứng dụng, tức là, ngay từ đầu các vấn đề được xác định trong một sự đối thoại giữa rất nhiều tác viên khác nhau và những quan điểm khác nhau ở họ. Bối cảnh được xác lập bởi quá trình truyền thông giữa nhiều bên tham gia. Việc này đòi hỏi kiên nhẫn. Nhưng vấn đề thì lại không hình thành bên ngoài nhóm đó và chừng nào nhóm chưa đi đến một thỏa thuận về việc vấn đề là gì và sẽ được giải quyết thế nào thì chừng đó vẫn chưa thể có dòng nguồn lực và hoạt động nghiên cứu nào.
Thuộc tính thứ hai liên quan đến thực tế, các tác viên đa tầng đem đến sự đa dạng (heterogeneity) căn bản những kỹ năng và chuyên môn để giải quyết vấn đề. Trong Phương thức 2, ta thấy nổi lên những cấu trúc tổ chức lỏng lẻo, những phân tầng phẳng (flat hierarchy), và những chuỗi mệnh lệnh mở-đóng (open-ended chains of command). Đại học chính xác là tương phản với kiểu tổ chức như thế. Phần lớn, các đại học tổ chức thứ bậc rất cao, cố định theo những cấu trúc mang tính bộ môn. Chúng ta thấy Phương thức 2 gần như đối nghịch lối đó.
Thuộc tính thứ ba của Phương thức 2 là tính xuyên ngành. Nếu chủ định dùng thuật ngữ đa ngành hay đa phương (pluri) ngành, thì chúng tôi đã làm thế rồi. Nhưng chúng tôi dùng thuật ngữ xuyên ngành vì một lý do. Cái chúng tôi cố gắng chuyển tải bằng ý tưởng xuyên ngành là, trong Phương thức 2, đã tạo ra một diễn đàn hay một nền tảng (platform) và điều này cung cấp một sự tập trung rõ nét cho nỗ lực trí tuệ, và nó khác hoàn toàn với cấu trúc bộ môn truyền thống. Trong hệ thống Phương thức 1, sự tập trung nỗ lực trí tuệ, nguồn của những vấn đề thách thức trí tuệ, phần lớn xuất hiện bên trong các bộ môn. Có thể việc này vẫn tiếp tục, nhưng đang xuất hiện những khung hoạt động trí tuệ khác không phải lúc nào cũng quy giản về các yếu tố của cấu trúc bộ môn. Đúng hơn, trong bối cảnh ứng dụng đang nổi lên và phát triển những đường hướng nỗ lực trí tuệ mới, đến mức một tập hợp những bàn thảo và thiết bị đo đạc trong bối cảnh ứng dụng dẫn tới những cái khác, rồi lại dẫn đến những thứ khác, rồi lại như thế tiếp.
Trong nhiều thảo luận xuyên ngành, người ta chú ý đến những trở ngại mà người làm xuyên ngành phải đối mặt. Nổi bật trong đó là không tin tưởng về chất lượng. Liên quan đến mọi hoạt động liên và xuyên ngành thường xuyên có câu hỏi: “Bạn có đang hạ thấp chất lượng của cái bạn đang làm không đấy?”.
Thế nhưng, xuyên ngành có một đòi hỏi mang tính ngữ nghĩa (semantic appeal) khác với cái người ta thường gọi là liên hay đa hay đa phương (pluri) ngành. Nhớ rằng tiền tố - xuyên (trans) – cũng có trong một từ khác, đó là vượt tràn qua (transgressiveness). Tri thức thì có tính chất vượt tràn (transgressive) và xuyên ngành thì không tôn thờ các ranh giới định chế. Có một kiểu hội tụ hoặc đồng tiến hóa (co-evolution) giữa việc cái gì đang diễn ra trong lĩnh vực sản xuất tri thức và việc các định chế xã hội đang vận hành như thế nào. Chẳng hạn, chúng ta không còn ở trong một chế độ được đặc trưng bởi một kiểu nhà nước dân tộc hoành tráng mang tính hiện đại nữa, ở đó có một trật tự chính trị, kinh tế và xã hội khác biệt hóa cao, cấu trúc chính xác, một trật tự trong đó những khu vực khác nhau của xã hội hoàn thành những chức năng khác nhau. Cái ta thấy hôm nay là sự hồi sinh, chẳng hạn, của các NGO và của những cách thức, trong đó nhiều bên tham gia định hình nên hiện thực xã hội. Đó là lý do vì sao thuật ngữ xuyên ngành giúp ta nắm bắt tốt hơn tính vượt tràn (transgressiveness) của tri trức.
Có hai tiêu chí quan trọng hơn của sản xuất tri thức Phương thức 2: Tính minh bạch (accountability) và kiểm soát chất lượng. Tính minh bạch khác với trách nhiệm cá nhân. Trong khi mọi người đều phải có một đạo đức (ethos) của trách nhiệm cá nhân, thì cần phải có một kiểu trách nhiệm được định chế hóa, và đây chính là minh bạch trong Phương thức 2. Minh bạch là một quá trình phi chính thức nhưng có một mặt chính thức hóa. Bạn biết bạn là minh bạch đối với ai. Có những quy trình nhất định để các sự việc có thể nhìn rõ ra được mà nếu không thì sẽ bị ẩn đi. Và nó đem vào, những nhóm khác nhau trong xã hội họ muốn biết “Bạn đã làm gì sau đó cho chúng tôi?”. Đó chính là ý nghĩa của tính minh bạch đối với những người dùng khác nhau, nó mở ra cách để hiểu tri thức khoa học đang được sản xuất như nào. Một khi đã ý thức được về tính minh bạch, và nó phải trở thành một phần của việc giáo dục nhà nghiên cứu tương lai, thì điều đó có thể trở thành một cách thức để mở rộng chân trời cho những người mà bạn đang sản xuất ra tri thức cho họ.
Vì thế, kiểm soát chất lượng là một tiêu chí rất khó. Trong cuốn sách đầu tiên, chúng tôi sẵn sàng thừa nhận rằng trong cách chúng tôi mô tả sản xuất tri thức Phương thức 2 thì đây chính là gót chân Achilles của nó. Vì cái mà kiểm soát chất lượng yêu cầu trong một bối cảnh như thế, thì không chỉ là sự trác việt khoa học mà thôi. Khoa học trác việt là và vẫn là cơ sở để sản xuất ra tri thức mới tốt và đáng tin cậy. Nhưng còn những thành phần khác vượt khỏi sự trác việt khoa học theo cách rất khó nắm bắt vì bối cảnh thì đa dạng. Không có tiêu chí thống nhất như trong kiểm soát chất lượng bộ môn theo đó người ta luôn có thể quay lại những tiêu chuẩn sử dụng trong bộ môn ấy, cho phép nói: đây là vật lý học tốt, sinh học tốt, hay địa chất học tốt. Bạn chẳng còn có được điều này nữa. Và, như thế nào đó, bạn phải đem đến những tiêu chí chất lượng bổ sung, những tiêu chí chất lượng giá trị gia tăng (value-added quality). Thực ra, chúng ta phải vượt lên giá trị gia tăng; chúng ta phải bắt đầu nói đến giá trị tích hợp (value-integrated). Có gì đó của giá trị xã hội cần gắn vào định nghĩa về khoa học tốt. Tiềm năng của xuyên ngành chính xác là ở chỗ này: nó đem lại một kết quả tác động tốt, sản xuất ra khoa học tốt hơn. Chúng ta sẽ xem xét làm thế nào đạt được điều ấy.
Khoa học và sự bối cảnh hóa khoa học
Trong cuốn Re-Thinking Science, chúng tôi mô tả các quá trình đồng tiến hóa trong đó xã hội và khoa học cùng tham dự. Đồng tiến hóa không có nghĩa là hài hòa (harmony). Sự vượt tràn (transgression) và cân bằng động giữa Nhà nước và Thị trường là những chủ đề có ý nghĩa cao. Trình học vấn chưa từng có trong các xã hội chúng ta, tính phổ cập công nghệ thông tin và truyền thông, sự thừa nhận việc sản xuất ra những điều không chắc chắn, đó đã là một đặc điểm cố hữu của quá trình đồng tiến hóa, tất cả những điều ấy có nghĩa là Xã hội đang đi đến một vị trí mà nó ngày càng có khả năng truyền tải nguyện vọng, mong muốn và nỗi sợ hãi của mình tới Khoa học. Vậy điều gì sẽ xảy ra với Khoa học khi diễn ra truyền thông ngược lại?
Hơn hết, đây là một thay đổi nghiêm trọng chứ không phải một thay đổi ít quan trọng. Chúng ta chưa nắm bắt đầy đủ điều này. Để tôi minh họa. Chúng ta quen với ý tưởng khoa học truyền tới xã hội. Phần lớn tranh luận về việc công luận hiểu khoa học đều mặc định rằng không phải nhà khoa học thì không thực sự cập nhật được với những phát triển mới nhất của khoa học và cần phải được thông tin cho mà biết. Chúng ta vẫn kỳ vọng hình thái truyền thông ấy. Chúng ta phải dùng thuật ngữ thông thường (common sense) để giảng giải về những phát hiện đẹp đẽ, về những phát triển thiết bị đo lường, và v.v.. Nhưng một khi bạn cho phép sự vượt tràn lên (transgression), bạn cho phép những ranh giới định chế trở nên mờ đi, thì khi ấy bạn phải mở khoa học ra cho một dòng truyền thông phản hồi. Đấy chính là cái bối cảnh hóa (contextualisation) mà chúng tôi đề cập trong cuốn sách Re-Thinking Sience. Nói chung, chúng ta vẫn chưa hiểu được rằng khoa học, với thành công vang dội của mình, cũng đang mang đến một yếu tố có tính chuyển biến. Điều này được đẩy tới nữa bằng tình trạng lỏng lẻo hơn của các cấu trúc định chế và bằng thực tế rằng khi xã hội có những cách truyền thông tới khoa học, thì khoa học không thể còn cứ như cũ được nữa.
Thuật ngữ bối cảnh hóa hiểu ở mỗi người mỗi khác, nhưng để tôi giải thích nó theo cách rất đơn giản, song có thể chả ai ngờ: Bối cảnh hóa tức là đưa mọi người vào việc sản xuất tri thức với một câu hỏi: “Mọi người ở đâu trong tri thức của chúng ta?”. Bối cảnh hóa một cách nghiêm túc nghĩa là đặt ra câu hỏi ấy ngay cả trong những lĩnh vực sản xuất tri thức có vẻ như rất xa với con người. Dĩ nhiên, bạn sẽ thấy một đống người, nhất là nếu bạn làm việc trong lĩnh vực như sinh học phân tử hay khi nghiên cứu cái gì đó với các bệnh liên quan đến gen, hay khi dính đến điều trị lâm sàng. Nhưng chúng tôi xác quyết, đơn giản chỉ hỏi một câu như thế thôi trong mọi lĩnh vực nghiên cứu sẽ thay đổi cách sản xuất tri thức và khiến chúng ta ý thức rõ hơn rằng đang diễn ra một quá trình bối cảnh hóa.
Đặt ra câu hỏi chỗ đứng của con người trong tri thức của chúng ta cũng bao hàm một khía cạnh nữa, đó là người nghiên cứu không chỉ hoạt động trong bối cảnh ứng dụng mà cần phải bắt đầu nghĩ về bối cảnh của những hệ quả (implication). Có những hệ quả gì từ cái ta đang làm, từ việc hình thành vấn đề trong cách thức cụ thể ấy? Để chú trọng tầm quan trọng của bối cảnh hệ quả, thì không phải là kêu gọi trui rèn một tầm nhìn xa mới, điều này người ta đã làm và đang còn làm vì những mục tiêu khác nhau. Mà cần kêu gọi cho một cái gì đó triệt để hơn, đó là đặt ra câu hỏi ấy trong các phòng thí nghiệm khoa học, trong khi thừa nhận rằng câu hỏi ấy sẽ được trả lời rất khác nhau.
Mọi người (people), nói luôn, xuất hiện với những phiên bản khác nhau. Trong một phiên bản, đó là người dân thường bạn gặp hàng ngày. Họ không phải là những trung bình thống kê. Họ là những người có thật và đang ngày càng trở thành một phần của các tổ chức khoa học. Lấy một ví dụ hiển nhiên, các NGO phụ thuộc một phần vào tài trợ của người dân thường. Điều này cũng đúng với những nghiên cứu một số NGO thực hiện. Chẳng hạn, trong y học, các NGO phụ thuộc tài trợ không chỉ từ Nhà nước hay nền công nghiệp, mà còn từ những hiệp hội tự nguyện và từ thiện tư nhân. Vậy, trong phiên bản này, người dân thường là nhà sáng lập và nhà hỗ trợ. Họ chung thủy đồng hành với khoa học, nhưng muốn có tiếng nói của mình. Mọi người là tiếng nói (voice).
Trong phiên bản khác, mọi người là những kẻ đang biểu tình phản đối những cái mà khoa học và công nghệ sản sinh ra và những cái động đến họ mà họ cho đấy là những cách không thể chấp nhận được. Trong quá khứ gần đây, hầu hết các nước châu Âu đều trải qua những vụ scandal, những vụ công luận khủng hoảng niềm tin, những làn sóng biểu tình và phong trào phản đối một số thứ mà khoa học và công nghệ, được thị trường và nhà nước chống lưng, mời chào dụ họ nhưng họ từ chối. Đây là cách khác mà những con người bằng xương bằng thịt tác động vào cách mà phát triển khoa học và công nghệ cũng như các quy định mới định hình. Phiên bản mọi người này là bên lằn ranh từ chối. Mọi người sẽ chuồn.
Còn phiên bản thứ ba phụ thuộc vào cách mọi người được khái niệm hóa trong bản thân quá trình nghiên cứu. Điều này là hiển nhiên trong một vài lĩnh vực khoa học như môi trường. Bạn không thể nghiên cứu những vấn đề liên quan đến sự xuống cấp của môi trường tự nhiên mà không tính đến sự can thiệp của con người vào những quá trình ấy. Nhưng điều này cần diễn giải để áp dụng rộng hơn. Trung thành với khoa học không còn có thể tiếp tục xem là hiển nhiên được nữa. Đơn giản là không còn thế nữa khi mọi người không cảm thấy mình có chỗ đứng trong tri thức sản xuất ra, được cho là vì lợi ích của họ. Phải nỗ lực mới có được sự trung thành, và luôn phải lặp lại nỗ lực. Phải thương thảo để có nó. Một cách để làm vậy là chỉ ra rằng mọi người hiện diện, như thế nào đó – và phải làm như thế trong một cách đầy ấn tượng hình ảnh - trong bản thân quá trình nghiên cứu. Cần giành được sự trung thành của mọi người từ lần này đến lần khác.
Như vậy, có nhiều cách khác nhau và, cho tôi nhấn mạnh, chính đáng hóa trong việc khái niệm hóa con người. Bạn có thể hình dung mọi người một cách trừu tượng, như những tập hợp thống kê. Nhưng có những câu hỏi khác mà bạn có thể muốn trả lời để khái niệm hóa con người tốt hơn với tính cách là những chủ thể tích cực, những con người có những mong muốn, sở thích, những con người mà tiềm năng của họ có thể được tăng cường và những người có thể can thiệp vào câu chuyện. Chúng tôi đang lập luận, bạn cần ý thức được cái đối chọn ấy trong cái mà bạn đang làm, và làm hiển thị rõ ra đâu là chỗ mà bạn dành cho mọi người trong việc sản xuất tri thức của bạn. Đây cũng là một cách để khai thác tiềm lực của xuyên ngành.    
Sản xuất tri thức vững chắc về mặt xã hội
Quan điểm rằng những ranh giới giữa xã hội và khoa học đã thực sự vượt lên cách thức truyền thống mà chúng ta nghĩ về sự phân giới giữa khoa học và xã hội, quan điểm này có những hệ quả gì? Dĩ nhiên, một trong những hàm ý của Phương thức 2 là nó mơ hồ và làm cho ta khó nói được rõ khoa học kết thúc ở đâu và xã hội bắt đầu ở đâu. Nhưng toàn bộ nhận thức luận hướng đạo khoa học Phương thức 1 là dựa trên sự tách biệt rất rõ ràng khoa học khỏi xã hội. Nhận thức luận Phương thức 1 dựa trên ý tưởng các vùng chuyên môn hóa rời rạc được cấu trúc trên một mô hình truyền thông mà thực sự chỉ có hai yếu tố: Thứ nhất, mọi nghiên cứu phải được truyền thông trong một hình thức mà các đồng nghiệp có thể hiểu được; thứ hai, nó phải thu hút được một sự đồng thuận, cho dù là hạn chế. Sâu xa của mô hình này nằm ở ý tưởng về tri thức tin cậy được, nó bao gồm một loạt các quyết định tương đối tách biệt nhau về sự chính trực (integrity) của một tập hợp nhất định các kết quả khoa học, những giới hạn của sự chính trực phụ thuộc vào những giới hạn của sự đồng thuận đạt được. Vì vậy, khi chuyên môn hóa tăng lên, nhiều nhà khoa học nhất trí rằng không có sự đồng thuận chung trong cộng đồng khoa học. Chỉ có những đồng thuận hạn chế trong các nhóm chuyên gia về việc sự đồng thuận nằm ở đâu trong lĩnh vực chuyên môn của họ.
Nhưng trong một chế độ mà đường ranh giữa khoa học và xã hội đang bị vượt lên thì làm thế nào để cái nhận thức luận ấy vẫn có thể hướng đạo chúng ta? Điều ấy còn đủ không, một khi mọi người được đưa vào sản xuất khoa học? Và, nếu không thì nhận thức luận nào sẽ hướng đạo chúng ta? Nói theo cách khiêu khích hơn: chúng ta có thể tìm ra cách vượt lên chính cái tri thức có độ tin cậy hay không?
Tri thức tin cậy đã và đang phục vụ chúng ta rất tốt, và nó sẽ còn tiếp tục cùng với chúng ta. Không kiểm tra chất lượng bằng sự bình duyệt bên trong giới nghiên cứu thì khoa học không thể là một hoạt động bền vững vì ta cần một tiêu chí phân giới rõ ràng: nó có vận hành hay không? Tuy nhiên đã có nhiều ví dụ hơn cho thấy tri thức tin cậy không còn đủ nữa. Phản ứng của công luận với các kết quả của khoa học thường gây tranh cãi. Nhiều phản đối và sẽ còn nhiều nữa, đơn giản vì mọi người có học vấn hơn thì cũng có tính phê phán hơn, và xã hội sẽ tiếp tục tạo ra những rủi ro riêng của nó, bởi vì nhiều lựa chọn hơn cũng có nghĩa là nhiều quyết định hơn. Cái chúng ta cần là trở nên mạnh mẽ bởi khả năng phê phán của những con người có giáo dục. Chúng ta cần vui mừng khi có một công luận có tính phê phán hơn và có giáo dục hơn, tích cực tham gia tranh luận.
Nhưng khi có sự đối đầu trong bối cảnh một cuộc tranh cãi thì tình huống rất hay xảy ra là nhiều nhà nghiên cứu cảm nhận đối đầu như thể là bác bỏ công trình của mình. Họ tự ái thấy bị xúc phạm vì họ đã miệt mài lao động rất cực nhọc thế mà kết quả hay sản phẩm của họ lại không được đánh giá đúng mức – mà đó là khoa học tốt, khoa học nhiệt huyết, một công trình kỹ thuật đẹp đẽ vô tư chứ bộ. Đó là sự bác bỏ hay đối đầu. Đây chính là chỗ mà ta phải có ý tưởng nhiều hơn. Câu trả lời của chúng tôi là (và đây là câu trả lời cần tham gia vào một cách tập thể vì không có công thức cho việc cần phải làm thế nào) cái cần bổ sung vào tri thức đáng tin cậy là tri thức vững chắc của xã hội, là tri thức vững chắc về mặt xã hội (socially robust knowledge). Tính vững chắc (robustness) là một thuật ngữ quen thuộc với các kỹ sư xây dựng vì công việc của họ là làm thế nào để xây dựng nên những tòa nhà, chẳng hạn, có thể chống chọi động đất. Tính vững chắc không phải là một khái niệm tuyệt đối, cũng chả phải một khái niệm tương đối. Nó là một khái niệm tương quan (relational concept). Trở lại ví dụ về xây dựng, tính vững chắc phụ thuộc vào việc ngôi nhà của bạn xây dựng ở đâu. Đó là một khu vực dễ bị động đất hay là không? Loại vật liệu nào sử dụng và công năng của ngôi nhà là gì?
Tiếp tục với ẩn dụ (metaphor): ta không thể đoán trước được cuộc tranh cãi đối đầu với công luận sẽ xảy ra ở đâu. Nhưng ta có thể chắc chắn sẽ có những tranh cãi trong tương lai. Và, như thế nào đó, ta phải cố gắng lường trước những tranh cãi như thế và những chỗ mà các sản phẩm khoa học và công nghệ sẽ có thể bị bác bỏ hay phản đối.
Khoa học tư duy lại thể hiện ở Agora

Thomas P. Hughes (1923-2014)
Trong cuốn sách của mình Rescuing Prometheus, nhà sử học Mỹ nổi tiếng về lịch sử công nghệ Thomas Hughes đã chỉ ra sự thay đổi trong đạo đức (ethos) ở các kỹ sư, đặc biệt trong lĩnh vực liên quan đến việc tìm ra giải pháp cho những vấn đề phức tạp. Vài thập niên qua, ngày càng nhiều nỗ lực đóng góp, bao gồm những đóng góp của nhiều nhóm gây áp lực, vào việc hình thành vấn đề, thiết kế và hoàn thành các dự án quy mô lớn. Điều này rất có ý nghĩa với chúng ta. Nhưng còn hơn thế nữa. Ngày nay, đạo đức ấy đã đạt được một kiểu chu trình phản hồi theo nghĩa các kỹ sư đã hiểu được rằng họ sẽ có một giải pháp kỹ thuật tốt hơn nếu họ gộp nhập những quan điểm đó. Đây thực sự là một diễn giải mang tính cách mạng của xuyên ngành. Nó hàm ý, càng lôi kéo xã hội tham gia thì càng có không phải là một giải pháp xã hội tốt hơn, hoặc một giải pháp được thích ứng tốt hơn, hoặc một giải pháp đem lại yên bình xã hội hơn cho một cộng đồng, mà còn là, mà chính là một giải pháp kỹ thuật tốt hơn. Phải chăng không có kết luận y chang như vậy cho toàn bộ khoa học: sẽ có những giải pháp khoa học tốt hơn nếu có đối thoại với xã hội chứ không phải là không có đối thoại với xã hội? Tôi ngờ rằng nhiều nhà nghiên cứu vẫn thiên vị bản năng chống lại kết luận đó. Vì thế, nhiều người sẽ lập luận, đưa xã hội vào chỉ tổ đem lại những giải pháp yếu kém. Thomas Hughes đã đưa ra những bằng chứng hoàn toàn khác.
Hiện giờ, trong hàng loạt định chế từ công nghiệp đến các nhà làm chính sách đã hoàn toàn chấp nhận và mong muốn mạnh mẽ rằng cách tân và những thúc đẩy cách tân sẽ nảy sinh từ những liên kết mới mẻ giữa người sản xuất tri thức và cái được gọi là người sử dụng. Nhưng để làm đầy tiềm lực của xuyên ngành, cần mở rộng quan niệm về người sử dụng. Nếu tri thức là vượt tràn lên (transgressive), thì phải mở ra cho toàn bộ các loại truyền thông đảo ngược.
Helga Nowotny (1937-)
Một cấu trúc thích hợp cho một sự tranh luận như thế là gì? Quay lại một từ Hy Lạp cổ, tôi gọi nó là agora[3]. Nó đòi hỏi việc quản lý tính phức tạp trong một không gian công cộng, đó không phải là nhà nước, cũng chẳng phải thị trường, không phải là công luận, cũng chả phải tư nhân, mà là mọi cái đó trong những cấu hình khác nhau. Vì thế, agora là tất cả mọi nơi. Trong tâm trí bạn cũng nhiều như trong bối cảnh xã hội hay chính trị công cộng, trong các cấu trúc công ty hay trong những quy định điều hành chính phủ cũng nhiều như trong các phòng thí nghiệm và ta liên kết chúng với nhau thế nào. Các bộ môn vẫn được thừa nhận, nhưng nó vượt lên trên mọi bộ môn để làm việc với – ai? – những người dân bình thường tưởng tượng và với người sử dụng tưởng tượng, với công luận, các công dân, nói một cách ngắn gọn, với cái ta xem là xã hội mà tất cả chúng ta đều thuộc về.
Nguyên tác: Helga Nowotny. 2006. The Potential of Transdisciplinarity.
Dịch giả đã liên hệ để tác giả cho phép xuất bản ở Việt Nam. Bản dịch là sản phẩm của Dự án “Thúc đẩy Mạng lưới Tri thức Đa phương Nghiên cứu Xuyên ngành Ứng phó với Thách thức Toàn cầu” (KNOTS; 574069-EPP-1-2016-1-AT-EPPKA2-CBHE-JP), tài trợ bởi Chương trình Erasmus+ Liên minh châu Âu (EU). Dự án được tài trợ với sự hỗ trợ của Hội đồng châu Âu. Ấn phẩm này chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, Hội đồng châu Âu không chịu trách nhiệm về bất kỳ việc sử dụng nào từ thông tin trong ấn phẩm.
----
Bài có liên quan trên PTKT:




Chú thích:

[1] Helga Nowotny, European Research Area Council Forum Austria. Bùi Thế Cường, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Bản dịch xuất bản ở Tạp chí Khoa học xã hội TPHCM, Số 4(248)/2019, trang 1-9. TPHCM: Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Phiên bản này sửa một số từ và câu để dễ hiểu, thuận tai hơn.

[2] Gibbons, Michael, Camille Limoges, Helga Nowotny, Simon Schwartzman, Peter Scott, Martin Trow. 1994. The New Production of Knowledge. The Dynamics of Science and Research in Contemporary Societies. London: Sage. Nowotny, Helga, Peter Scott and Michael Gibbons. 2001. Re-Thinking Science. Knowledge and the Public in an Age of Uncertainty. Cambridge: Polity Press.

[3] Agora: Một từ Hy Lạp cổ, chỉ một nơi công cộng trong các thành bang Hy Lạp, nơi diễn ra những hoạt động công cộng (Chú thích của người dịch).

Print Friendly and PDF