7.9.19

Trí tuệ nhân tạo cần có đạo đức


TRÍ TUỆ NHÂN TẠO CẦN CÓ ĐẠO ĐỨC
Để trí tuệ nhân tạo gần với những giá trị cơ bản của con người, điều cần thiết là tích gộp những cân nhắc về đạo đức khi thiết kế các thuật toán.
Có rất ít khái niệm bị hiểu nhầm như là trí tuệ nhân tạo (AI). Các cuộc thăm dò dư luận​​ cho thấy có rất nhiều dân thường nhầm lẫn AI với những robot có sức mạnh phi thường và ngay cả những nhà điều hành của công ty lớn cũng không hiểu rõ lắm về AI. Sự hiểu biết thiếu chính xác về chính thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo” làm cho tất cả những ai cảnh giác với công nghệ dự đoán rằng AI sẽ thống trị con người, ngăn chặn các quyền tự do cá nhân và hủy hoại sự riêng tư trong một thế giới kỹ thuật số rộng lớn “1984 (ám chỉ tiểu thuyết cùng tên của Orwell – ND).
John McCarthy (1927-2011)
Alan Turing (1912-1954)
Một phần của vấn đề nằm ở chỗ thiếu vắng một định nghĩa được chấp nhận một cách đồng đều về AI. Người ta thường coi nhà toán học người người Anh, Alan Turing, là ở đầu nguồn của khái niệm này khi vào năm 1950, ông tưởng tượng ra những “cỗ máy biết suy nghĩ”, có thể lý luận ngang tầm với con người. Một vài năm tiếp sau đó, nhà khoa học máy tính người Mỹ, John McCarthy, đã sử dụng thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo” để chỉ những cỗ máy có khả năng suy nghĩ một cách độc lập. Ngưỡng mà John McCarthy đặt ra là khả năng mà một chiếc máy tính có thể làm được những việc, khi những việc đó được thực hiện bởi con người, được cho là có liên quan đến trí tuệ.
Ngày nay, AI thường được xem như là có liên quan đến những cỗ máy phản ứng lại với một kích thích đúng theo những phản ứng truyền thống của con người, dựa trên khả năng quan sát, phán đoán và ý định của con người. Theo hai nhà nghiên cứu người Ấn Độ, những người đề xuất định nghĩa này, Shukla Shubhendu và Jaiswal Vijay, các hệ thống phần mềm này “đưa ra những quyết định thường đòi hỏi [một] trình độ chuyên môn của con người”[1]. Như John R. Allen và bản thân tôi đã bênh vực cho định nghĩa trong một bài viết được đăng vào tháng 4 năm 2018[2], những hệ thống như vậy có ba phẩm chất tạo nên bản chất của AI: tính ý hướng, trí tuệ và khả năng thích ứng.
Mỗi đặc điểm của AI, về nguyên tắc, có thể làm cho nền văn minh tiến bộ. Nhưng nếu không có rào chắn bảo vệ thích hợp và không xem xét đến những cân nhắc về đạo đức, thì điều không tưởng về AI có thể nhanh chóng biến thành một sự tưởng tượng toàn trị u ám.
Tính ý hướng
Tính ý hướng có nghĩa là gì? Rằng các thuật toán AI được thiết kế để đưa ra quyết định, thường sử dụng dữ liệu theo thời gian thực. Điều này khác với những cỗ máy thụ động, chỉ có khả năng đáp ứng thụ động hoặc theo những cách được xác định trước. Nhờ vào các thiết bị cảm biến, các dữ liệu số hoặc các dữ liệu đầu vào khác được truyền từ xa, các thuật toán này kết hợp với những thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, sẽ lập tức phân tích nội dung của thông tin và hành động dựa trên những hiểu biết được rút ra từ đó.
Thử lấy một ví dụ trong lĩnh vực giao thông để thấy được cách thức mà điều đó diễn ra một cách cụ thể. Các chiếc xe ô-tô tự hành được trang bị các thiết bị laser và cảm biến từ xa, thu thập thông tin về môi trường của chiếc xe.  Thiết bị laser sử dụng ánh sáng của một radar để quan sát những vật thể phía trước và xung quanh chiếc xe, khoảng cách với chiếc xe... Các máy tính trên bảng điều khiển xe kết hợp những thông tin này để xác định xem có những hiểm nguy nào không, liệu chiếc xe có nên đổi làn đường hay không, liệu phải chạy chậm lại hay dừng hẳn lại hoàn toàn. Tất cả các dữ liệu này phải được lập tức phân tích để tránh tai nạn.
Trong một bối cảnh khác, các thuật toán tài chính có thể phát hiện những chênh lệch rất nhỏ của giá trị các cổ phiếu và thực hiện các giao dịch trên thị trường bằng cách khai thác những thông tin này. Logic này cũng được áp dụng, trong lĩnh vực môi trường bền vững, cho những hệ thống sử dụng các thiết bị cảm biến để xác định xem liệu có hiện diện một người trong phòng hay không và tự động điều chỉnh hệ thống máy sưởi, máy điều hòa không khí và hệ thống chiếu sáng phù hợp với thông tin này. Mục tiêu trong trường hợp này là tiết kiệm năng lượng và sử dụng tài nguyên một cách tối ưu.
Chừng nào các hệ thống này hoạt động phù hợp với những giá trị thiết yếu nhất của con người, thì sẽ có rất ít rủi ro để AI gây nguy hiểm cho con người. Nhưng nếu phần mềm được thiết kế lệch hướng, ví dụ trên cơ sở những thông tin không đầy đủ hoặc thiên lệch, thì AI có thể khiến nhân loại gặp rủi ro hoặc lặp lại những bất công.
Trí tuệ
Còn về phần phẩm chất thứ hai, trí tuệ thì sao? Trí tuệ nhân tạo dựa trên cơ sở học máy và phân tích dữ liệu. Học máy nắm bắt dữ liệu và tìm ra những xu hướng ngầm. Nếu tìm thấy những thông tin có ích để giải quyết một vấn đề cụ thể, các nhà phát triển phần mềm có thể nắm bắt kiến ​​thức đó và sử dụng nó để phân tích những chủ đề cụ thể. Tất cả những gì cần thiết là dữ liệu phải đủ vững để các thuật toán phân biệt được trong số dữ liệu đó các mô hình hữu ích.
Ví dụ, có những hệ thống AI để quản lý số lượng học sinh của các trường. Hệ thống thu thập những thông tin về vị trí của khu phố, trường học theo yêu cầu của học sinh hoặc phụ huynh, v.v., sau đó chỉ định học sinh vào một trường học cụ thể dựa trên các thông tin nói trên. Chừng nào có ít tranh cãi hoặc bất đồng về những tiêu chí cơ bản được sử dụng, thì các hệ thống này hoạt động một cách thông minh và hiệu quả. Nhưng, tất nhiên, thường thì không phải vậy. Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục đối với sự thành đạt của học sinh trong cuộc sống, các phụ huynh, các giáo viên và hiệu trưởng các trường đối lập nhau về tầm quan trọng của nhiều thông số khác nhau.
Liệu có nên chỉ định học sinh vào một trường học của khu phố mà học sinh đang sống hay không, hay liệu có những tiêu chí nào khác ưu tiên hơn tiêu chí vừa nêu hay không? Ví dụ, trong một thành phố mà có nạn phân biệt chủng tộc phổ biến và sự bất bình đẳng kinh tế rất mạnh giữa các khu phố, thì việc gia tăng lượng học sinh vào những vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những vấn đề nói trên có thể làm trầm trọng thêm vấn đề. Đây là lý do vì sao các nhà phát triển phần mềm cần phải dung hòa nhiều lợi ích khác nhau và đưa ra những quyết định thông minh, phản ánh những giá trị quan trọng nhất của cộng đồng những người có liên quan.
Thế nhưng, trên thực tế, trách nhiệm đưa ra những quyết định loại này ngày càng được trao cho các lập trình viên. Họ phải tạo dựng những thuật toán thông minh để biên dịch các quyết định dựa trên nhiều cân nhắc khác nhau. Điều này có thể bao gồm các nguyên tắc cơ bản, chẳng hạn như tính hiệu quả, tính công minh, tính công bằng... Biết cách dung hòa các giá trị xung đột nhau là một trong những thách thức quan trọng nhất mà các nhà thiết kế AI phải đối mặt. Điều cần thiết là họ phải viết những mã và tích gộp  thông tin không thiên lệch hoặc phân biệt đối xử. Nếu không, chúng ta sẽ có những thuật toán không công bằng và không công minh.
Khả năng thích ứng
Còn về phẩm chất thứ ba, khả năng thích ứng? Một hệ thống AI được đặc trưng hóa bởi khả năng học hỏi và thích nghi khi biên dịch thông tin và sau đó đưa ra quyết định. Điều này có thể liên quan đến những thay đổi của tình hình tài chính, tình trạng đường xá, những cân nhắc về môi trường hoặc tình huống quân sự.
Một lần nữa, chúng ta có thể minh họa AI một cách rất sống động, trong lĩnh vực giao thông vận tải. Những chiếc xe ô-tô bán-tự-hành, được trang bị những thiết bị cho phép phương tiện và người lái được thông báo về những nơi bị ùn tắc giao thông, những ổ gà, những công trường xây dựng đường cao tốc hoặc bất kỳ trở ngại nào khác có thể có liên quan đến việc giao thông.
Như vậy, một chiếc xe có thể hưởng lợi từ trải nghiệm của những chiếc xe khác trên đường, mà không cần sự can thiệp của con người, và toàn bộ tập hợp dữ liệu “kinh nghiệm” được thu thập đó được chuyển một cách tức thì và hoàn toàn cho những chiếc xe khác có cấu hình tương tự. Các thuật toán, các thiết bị cảm biến và máy ảnh, và các loại màn hình trực quan khác được hiển thị trên bảng điều khiển của xe để cung cấp thông tin theo thời gian thực cho người lái, để người này có thể biết được tình trạng giao thông và điều kiện giao thông.
Logic tương tự cũng được áp dụng cho AI được thiết kế để lên lịch các cuộc hẹn. Một số công cụ hỗ trợ kỹ thuật số cá nhân có thể xác định những sở thích của một người và tự động trả lời cho các thư điện tử liên quan đến những cuộc hẹn cá nhân. Không cần đến sự can thiệp của con người, một công cụ hỗ trợ kỹ thuật số có khả năng sắp xếp các cuộc hẹn, điều chỉnh giờ giấc và thông báo những sở thích này cho người khác.
Việc xây dựng những hệ thống có khả năng thích nghi, học hỏi qua quá trình hoạt động, có thể nâng cao tính hiệu quả và tính hiệu năng. Các loại thuật toán này có thể xử lý cả những công việc phức tạp và đưa ra những phán đoán tái hiện hoặc thậm chí vượt quá những gì mà con người có khả năng làm được. Nhưng việc đảm bảo AI “học” được một cách đúng đắn và công minh là ưu tiên hàng đầu đối với những người thiết kế các hệ thống này.
Những tiến bộ của AI càng gây ra những nỗi lo ngại trong công chúng hơn cả các nhà làm phim Hollywood khi họ tưởng tượng ra những kịch bản ngày tận thế. Những tình huống mà trong đó robot, được trang bị hệ thống AI, thế chỗ con người hoặc tấn công vào các giá trị nền tảng của con người, làm cho công chúng khiếp sợ ​​và khiến những người đương thời tự hỏi liệu AI mang lại một đóng góp hữu ích hay ngược lại nó có nguy cơ gây nguy hiểm cho chính bản thể của nhân loại.
Mã, kiểm soát, sửa chữa
Không dễ để trả lời câu hỏi này. Điều chắc chắn là các nhà thiết kế hệ thống cần tích gộp những giá trị đạo đức quan trọng vào các thuật toán, để đảm bảo rằng chúng đáp ứng các mối quan ngại của con người, rằng các thuật toán học tập và thích nghi một cách nhất quán với các giá trị của cộng đồng có liên quan. Đây là lý do vì sao điều quan trọng là chú ý làm sao cho chiều kích đạo đức trong lĩnh vực AI được xem xét một cách nghiêm túc và thấm nhuần vào những quyết định liên quan đến xã hội chúng ta về vấn đề đó.
Để đạt được kết quả tốt nhất có thể, nhiều tổ chức khác nhau, những tổ chức đang thiết kế và sử dụng AI, phải tuyển dụng các chuyên gia về các vấn đề đạo đức để cùng làm việc với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà phát triển phần mềm. Họ phải soạn thảo một bộ quy tắc ứng xử đạo đức AI, mô tả cách thức giải quyết nhiều vấn đề khác nhau và thành lập một ủy ban để theo dõi và thường xuyên giải quyết những vấn đề về đạo đức mà doanh nghiệp phải đối mặt.
Họ cũng phải xem xét lại cách thức những quyết định đã được đưa ra trong quá khứ về mặt mã hóa, phát triển các chương trình đào tạo để giúp nhân viên tích hợp các cân nhắc về đạo đức trong công việc hàng ngày của họ. Cuối cùng, họ phải có những chính sách sửa chữa khi các thiết bị AI gây thiệt hại hoặc bất lợi cho con người hoặc các tổ chức khác.
Với các loại biện pháp bảo đảm nói trên, các xã hội của chúng ta sẽ có nhiều khả năng để làm các hệ thống AI có được tính ý hướng, tính trí tuệ và khả năng thích nghi trong khi vẫn tuân thủ các giá trị cơ bản của con người. Bằng cách này, các nước có thể tận dụng những điểm mạnh của trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới nổi mà không phải hy sinh những phẩm chất quan trọng làm nên nhân loại.
Darrel M. West là chủ tịch Viện Brookings ở Washington. 
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: L’intelligence artificielle a besoin d’éthique, Alternatives Economiques, 27/12/2018.




Chú thích:

[1] “Applicability of Artificial Intelligence in Different Fields of Life [Khả năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống] “, của Shukla Shubhendu S. và Jaiswal Vijay, tạp chí International Journal of Scientific Engineering and Research (IJSER) vol. 1, số 1, tháng 9 năm 2013 (https://lc.cx/maaB).

[2] “How Artificial Intelligence is Transforming the World [Trí tuệ nhân tạo đang biến đổi thế giới như thế nào]”, của Darrell M. West và John R. Allen, Brookings, ngày 24 tháng 4 năm 2018 (https://lc.cx/maa6).

Print Friendly and PDF