23.9.19

Tương lai xán lạn của sự bất bình đẳng


TƯƠNG LAI XÁN LẠN CỦA SỰ BẤT BÌNH ĐẲNG

Về cuốn “Inégalités mondiales. Le destin des classes moyennes, les ultra-riches et l’égalité des chances (Bất bình đẳng trên thế giới. Số phận của các thành phần trung lưu, các thành phần siêu giàu và sự bất bình đẳng về cơ hội)” của Branko Milanovic, La Découverte, 2019 [2016], bản dịch tiếng Pháp của Baptiste Mylondo, bài tựa của Thomas Piketty, lời bạt của Pascal Combemale và Maxime Guerder).
Sự hứa hẹn về một sự bình đẳng dân chủ có giá trị nào khi mà tình trạng vật chất của các thành phần trung lưu và bình dân đang bị đình trệ hay sa sút? Qua một sự phân tích không nhân nhượng về những bất bình đẳng trên thế giới, Branko Milanovic cho thấy rõ sự khó khăn của cuộc đấu tranh cho bình đẳng xã hội vào đầu thế kỷ XXI.
Vào tháng Giêng năm 2019, tổ chức phi chính phủ OXFAM đã công bố một con số đầy ý nghĩa để cảnh báo lương tâm con người. Hai mươi sáu người giàu nhất trên thế giới có tài sản ngang bằng với phân nửa nghèo nhất của nhân loại: một bên là hai mươi sáu đa tỷ phú, đối diện với bên kia là 3,8 tỷ người nghèo túng: điều gì đã dẫn đến tình trạng này như thế nào? Đó chính là giá trị của cuốn sách của nhà kinh tế học Branko Milanovic, mà phiên bản tiếng Anh được xuất bản năm 2016 và mới được nhà xuất bản La Découverte dịch sang tiếng Pháp, để cố gắng giải thích những diễn biến khó cưỡng lại đã dẫn đến tình trạng này và những hậu quả chính trị của nó.
Hai bộ mặt của sự toàn cầu hóa
Branko Milanovic (1953-)
Tuy tinh tế hơn chân dung mà OXFAM phác họa, nhưng chân dung của thế giới thoát ra từ cuốn sách cũng gây lo lắng không kém. Nếu được đo lường ở phạm vi thế giới, thì những bất bình đẳng có xu hướng giảm đi, do sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc trong ba mươi năm vừa qua. Phủ nhận điều này là quên đi một trong những sự kiện cơ bản của lịch sử mới đây, được đánh dấu bởi sự suy thoái kinh tế tương đối của Châu Âu và Mỹ, có lợi cho Châu Á và các nước mới nổi lên. Dựa vào trọng lượng về mặt dân số, sự xuất hiện của một thành phần trung lưu Trung Quốc đã có tác dụng máy móc làm giảm đi sự bất bình đẳng trên phạm vi thế giới. Tiến trình toàn cầu hóa hiện nay đã cho thấy có hàng trăm triệu người thoát khỏi sự nghèo khổ. Tuy nhiên, song song, những người giàu có nhất chưa bao giờ tập trung nhiều tài sản và quyền lực như vậy. Tại các nước phát triển, những bất bình đẳng về thu nhập và gia sản đã tăng trở lại từ những năm đầu của thập niên 1980[1]. Một mặt, những bất bình đẳng giữa các nước có xu hướng giảm đi, mặt khác thì sự bất bình đẳng lại tăng mạnh trong từng nước: đó chính là cái nghịch lý của sự toàn cầu hóa (với rất nhiều tư liệu[2]) mà Milanovic muốn thăm dò và phân tích.   
Thomas Piketty (1971-)

Điều mới trong lập luận của ông, và sự sáng suốt chính trị của ông đã làm cho con đường biểu diễn được gọi là đường biểu diễn “con voi” mô tả sự phân bổ các thu nhập thực tế trong dân số thế giới, trong thời kỳ mà Milanovic gọi là “sự toàn cầu hóa mãnh liệt” (1988-2008), trở thành nổi tiếng. Để làm được điều này, ông đã dựa vào hàng trăm cuộc điều tra quốc gia về thu nhập của gia đình, được sưu tập và điều hòa trong nhiều cơ sở dữ liệu (của Luxembourg Income Study, của Ngân Hàng Thế Giới, v.v.), mà ông đã từng tham gia thiết kế. Những dữ liệu này và phương pháp này khác với những gì được cơ sở dữ liệu World Inequality Database (được các nhà nghiên cứu tập hợp xung quanh Thomas Piketty thiết kế) vốn chủ yếu dựa trên những tài liệu gốc do các cơ quan thuế thiết lập. Tuy những bài học của cả hai đều hội tụ, hai loại dữ liệu này không cung cấp một trình bày giống nhau về các bất bình đẳng: những dữ liệu thứ hai tất nhiên được xây dựng theo từng nước, trong khi cách tiếp cận của Milanovic là xây dựng một cấu trúc thống kê mới, xem dân số thế giới như là một tổng thể, giúp ta có thể so sánh đồng thời sự tiến hóa của mức sống của một tỷ phú Mỹ, một người lao động Trung Quốc hay một nông dân Phi Châu trong một thời kỳ hai mươi năm. Điều này giúp ta có thể xác định ai là những người thắng cuộc hay thua cuộc (tương đối) của sự toàn cầu hóa hiện nay, mà không bị giam hãm trong biên giới của một nước. 
Đường biểu diễn cung cấp những bài học tương đối đơn giản để mô tả. Hai nhóm đã thấy những thu nhập thực tế của họ tăng một cách có ý nghĩa (với những gia tăng cao hơn 50%) trong thời kỳ được nghiên cứu. Đó là những người nằm giữa bách điểm phân vị thứ 30 đến điểm bách phân vị thứ 70 của dân số thế giới (chủ yếu là thành phần trung lưu Trung Quốc, Ấn Độ và những quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan hay Inđônêsia), và thành phần rất nhỏ bé của 1% (thậm chí là 0,1%) của thành phần giàu có nhất (ở cuối của cái vòi của con voi) chủ yếu bao gồm những người sống trong các nước Tây Phương, đặc biệt là ở Mỹ (“thành phần đầu sỏ thế giới” theo tác giả). Một trong những lợi ích chính trị của đường biểu diễn nằm trong phần đi xuống của cái vòi voi: giữa bách phân vị thứ 70 và 90, những lợi ích tăng ít hơn nhiều, thậm chí là không có đối những người ở mức của điểm bách phân vị thứ 80. Phần này của đường biểu diễn chỉ “những thành phần hạ trung lưu” của các nước phát triển, mà sức mua đã bị chững lại từ những năm 1980. Một cách tương đối, tình trạng của các thành phần trung lưu ở các nước mới nổi đã được cải thiện, trong khi tình trạng của các thành phần trung lưu ở các nước Tây Phương thì bị suy sụp. Tuy nhiên, Milanovic nhấn mạnh đến điều số phận của nhóm thứ hai còn tốt hơn nhóm thứ nhất, một cách tuyệt đối ch không phải là tương đối. Người ta vẫn sống ở các vùng ở gần các thành phố ở Châu Âu tốt hơn là ở các thành phố Trung Quốc, mặc dù các khoảng cách có xu hướng được thu hẹp lại.
Phải diễn giải đường biểu diễn này và những bài học của nó như thế nào? Cuốn sách không chỉ mô tả những dữ liệu, cũng như không kết luận một cách quá nhanh chóng về sự tồn tại của một trò chơi tổng không giữa sự giàu lên của một số người (những người siêu giàu, những người lao động ở các nước mới nổi) và sự nghèo đi của những người khác (các giai cấp trung lưu và bình dân ở Châu Âu và Mỹ bị thiệt hại một cách trực tiếp bởi sự phi công nghiệp hóa, sự lưỡng phân hóa của thị trường lao động và sự phân rã của các chế độ bảo hiểm xã hội). Từ đó, cuộc điều tra lại có một sự chuyển hướng lịch sử, để tìm những nhân tố giải thích những chu kỳ tăng trưởng và giảm đi của những bất bình đẳng trong hai thế kỷ vừa rồi, và cố gắng hiểu tốt hơn chúng ta đang ở đâu.

Những chu kỳ của sự bất bình đẳng


Alexis de Tocqueville (1805-1859)
Như vậy thì nay chúng ta đã biết được hình của sự tiến hóa của thu nhập và gia sản tại các nước giàu có từ khi cuộc công nghiệp hóa đầu tiên bắt đầu (ở Anh vào cuối thế kỷ XVIII). Gần như tất cả các nước có những dữ liệu có thể sử dụng được đều có một sự tiến hóa nói chung là giống nhau, mặc dù có những sự chênh lệch về thời gian và những cường độ khác nhau. Tiếp nối một pha tăng trưởng đầu tiên của các bất bình đẳng, dựa trên sự tăng lên của các thu nhập bình quân (các xã hội Châu Âu vừa trở nên giàu và bất bình đẳng hơn vào thế kỷ XIX, điều mà những người đương thời như Alexis de Tocqueville đã nhận thức rất rõ ràng khi gọi cái nghịch lý bề ngoài này bằng từ “bần cùng hóa”[3], là một pha suy giảm, đối với Châu Âu và Mỹ, tương ứng với giai đoạn đi từ Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất đến cuộc khủng hoảng kinh tế của những năm 1970. Dưới tác động liên hợp của những cuộc chiến tranh, của cơn khủng hoảng năm 1929 và những chính sách tái phân phối (được việc mở rộng của sự đầu phiếu và sự chinh phục các quyền xã hội khuyến khích), những bất bình đẳng giảm đi ở các nước giàu có, ngay khi mà sự bất bình đẳng trên thế giới (giữa các nước) đã đạt đỉnh cao nhất trước khi phong trào phi thực dân hóa bắt đầu. Trong những năm 1960, các xã hội phát triển chưa bao giờ bình đẳng như vậy, và cũng chưa bao giờ các tài sản lại được phân bổ một cách bất bình đẳng như vậy ở phạm vi toàn thế giới. Nước Mỹ của “Đại xã hội”, vào thời Lyndon Johnson, cũng là nước đang tiến hành cuộc chiến ở Việt Nam.
Simon Kuznets (1901-1985)
Vào những năm 1950, nhà kinh tế học Simon Kuznets đã giúp ta thấy rõ hai giai đoạn lịch sử của sự tăng trưởng và sự giảm bớt những bất bình đẳng, dưới tác động của tăng trưởng (phát triển) công nghiệp. Điều mà nay chúng ta biết một cách chắc chắn là xu hướng giảm bớt những bất bình đẳng, ở các nước giàu có, không phải là vĩnh viễn. Từ những năm 1980, trước hết ở Mỹ và sau đó ở khắp nơi trong thế giới Tây Phương, những bất bình đẳng về thu nhập và gia sản đã tăng mạnh, thậm chí còn bộc phát ở phía bên kia của Đại Tây Dương: sự “giảm sút lớn” đã chấm dứt, với sự suy yếu của các nghiệp đoàn công nhân, giảm bớt thuế má trên tư bản và các thu nhập cao, và sự phát triển của việc tránh thuế[4]. Tuy nhiên, trong cùng thời gian đó, bất bình đẳng ở phạm vi thế giới đã giảm đi. Vậy thì điều này phải chăng phủ nhận mô hình của Kutznets đã được thiết kế khi mà Nhà Nước phúc lợi đang thịnh hành? Thay vì chôn vùi nó, Milanovic đã tìm cách cập nhật hóa nó: theo ông, chúng ta đang đi vào một làn sóng thứ hai của (mô hình) Kutznets, được đánh dấu không phải bởi sự biến đổi của những xã hội nông thôn thành những xã hội công nghiệp, mà bởi sự xuất hiện của một hình thái mới của chủ nghĩa tư bản, dựa trên khu vực thứ ba, số hóa và trào lưu tài chính hóa, và nhất là toàn cầu hóa. Tuy nhiên vẫn còn một số điều không chắc chắn: khi nào thì cái đỉnh của những bất bình đẳng mới xảy ra? Nhưng yếu tố đã đóng góp vào sự giảm đi những bất bình đẳng trong thế kỷ XX còn có thể mang lại những điều chỉnh cho những mất cân bằng của hệ thống tư bản không? Phải chăng ta có thể vừa làm cho bất bình đẳng trên thế giới giảm đi mà vẫn có thể ngăn chặn những bất bình đẳng ở trong từng nước, hay ta phải lựa chọn một mục tiêu và hy sinh mục tiêu kia?

Rosa Luxemburg (1871-1919)
Thận trọng đối với khả năng đưa ra những tiên đoán về sự tiến hóa trong tương lai, tác giả cố gắng tìm hiểu những điều đã đóng góp vào sự khởi động pha đi xuống của những bất bình đẳng vào thế kỷ XX. Những thế lực có vào thời đó (các cuộc chiến tranh, các cơn khủng hoảng và sự tái phân phối) đã được xác định từ những công trình nghiên cứu của Thomas Piketty và của nhiều nhà nghiên cứu khác[5]. Milanovic lại cộng thêm một sự quan tâm đối với vai trò của những cuộc di dân, của giáo dục và của sự biến đổi công nghệ trong mối quan hệ giữa lao động và tư bản. Ông tìm cách phân biệt những lực mà ông gọi là “tích cực” (giáo dục, tái phân phối và quyền xã hội) với những lực “xấu” (chiến tranh, khủng hoảng và bệnh dịch) trong tiến trình giảm đi của những bất bình đẳng, để có thể phân biệt những gì mà ta có thể mong đợi cho tương lai và những gì mà ta nên tránh phải đối phó thêm một lần nữa[6]. Nhưng đặc biệt, chính qua sự mong muốn “nội sinh hóa” những yếu tố này (tức là sáp nhập chúng trong một chuỗi gắn kết của những quan hệ nhân quả), mà lập luận của Milanovic nổi bật, trong khi vẫn cố gắng bổ sung cho phân tích của Thomas Piketty vốn nhấn mạnh đến tính ngẫu nhiên của cú sốc “ngoại sinh” đã diễn ra trong giai đoạn 1914-1945. Cố gắng này đáng khen, nhưng không phải lúc nào cũng có sức thuyết phục, đặc biệt khi tác giả cố gắng chứng minh, tiếp theo một số tác giả nổi tiếng (John A. Hobson, Rosa Luxemburg hay Lénine), rằng Thế Chiến Thứ Nhất là hậu quả logic của những mâu thuẫn nội bộ của chế độ tư bản công nghiệp. Ở mức độ tổng quát này, luận đề có giá trị không phải nhờ tính chính xác lịch sử của nó (ta chỉ cần đọc cuốn Les Somnambules (Những người mộng du) của nhà sử học Christopher Clark để có thể đo lường được tầm quan trọng của những ngẫu nhiên và những sự kết hợp bất ngờ trong những diễn biến dẫn tới cơn khủng hoảng vào mùa hè năm 1914[7]), mà bởi tham vọng tổng quát hóa một cách có hệ thống của nó, vừa táo bạo vừa hơi lỗi thời. Trung thành với sự phân tích của Marx hơn người đồng nghiệp Pháp của mình, tư tưởng của Milanovic cũng mang tính “duy kinh tế” hơn, chẳng hạn khi khẳng định rằng “chính trị có thể phần nào được xem như là nội sinh: nó thích ứng với sự tiến hóa của các lực kinh tế” (trg 88). Trong khi đối với Piketty, phần lớn những lực có khả năng làm giảm đi những bất bình đẳng đều xuất phát từ bên ngoài trường kinh tế (đó có thể là những sự phá hoại do chiến tranh gây ra hay sự vận động dân chủ)[8], thì (đối với Milanovic) những lực này đều được tư duy trong khuôn khổ nội bộ của trường này và cũng bị chính trường này giới hạn.                     
Cách tiếp cận có tính hệ thống này không cản trở sự sáng suốt. Milanovic mổ xẻ những yếu tố hiện nay đang cản trở sự đảo ngược của xu hướng bất bình đẳng đang hoành hành trong các xã hội dân chủ. Sự giàu có nhanh như chớp của 0,1% những người giàu có nhất đã biến những nền dân chủ thành những chế độ tài phiệt, trong đó những người giàu có nhất tập trung những gia sản lớn, lương bổng cao và quyền lực chính trị. Tiến trình toàn cầu hóa đã làm cho tính cơ động của tư bản dễ dàng hơn và làm xói mòn quyền đánh thuế của các Nhà nước-quốc gia, vì thiếu một sự phối hợp quốc tế đủ để chống lại việc các thiên đường thuế không bị trừng phạt. Ngay cả lời hứa về một nổ lực to lớn để thiết lập sự tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả mọi người cũng không đủ để chặn lại vòng xoắn ốc của sự bất bình đẳng, tại các nước mà sự cạnh tranh trong học đường làm cho các bất bình đẳng tăng thêm thay vì được giảm bớt.
Chính sách bình đẳng nào?
Những lý do để hy vọng rất mỏng manh, nhưng Milanovic không chịu bỏ cuộc. Ông đề xuất một vài hướng để cố gắng đảo ngược động thái bất bình đẳng ngay ở trong các nước, mà vẫn không từ bỏ mục tiêu làm giảm đi những bất bình đẳng trên phạm vị thế giới. Cũng như ông chứng minh khi phân tích những gì, trong sự bất bình đẳng trên phạm vi thế giới, gắn với sự bất bình đẳng giữa các nước (sự chênh lệch về mức sống giữa các nước phát triển và các nước mới nổi) và những gì gắn với sự bất bình đẳng trong nội bộ của một nước (sự chênh lệch giữa người giàu và người nghèo trong cùng một cộng đồng chính trị), chính những gì trong tình trạng thứ hai có vẻ đang chiếm ưu thế trong tương lai gần, khi mà tăng trưởng của các nước mới nổi có xu hướng trội hơn tăng trưởng ở các nước phát triển (tuy nhiên trường hợp của các nước Phi Châu khác với các nước Á Châu).
Tuy sự bất bình đẳng ở phạm vi toàn thế giới có xu hướng giảm đi, nhưng nó vẫn rất là quan trọng. Chính vì vậy mà hiện tượng di dân là rất quan trọng, một hiện tượng mà Milanovic đặc biệt quan tâm. Trung thành với cách tiếp cận mang tính hệ thống của ông, Milanovic nhấn mạnh đến việc tính cơ động của lao động là một nhân tố rất mạnh để làm cho các bất bình đẳng giữa các nước giàu và các nước nghèo giảm đi. Vấn đề của tiến trình toàn cầu hóa hiện đại, so với sự toàn cầu hóa của những năm 1880-1914, là ở chỗ nó chỉ được thực thi một na mà thôi: trong khi tư bản di chuyển mà không gặp cản trở nào, thì lao động lại vấp phải những biên giới và những sự kiểm soát về di trú. Những công trình nghiên cứu dân số học cho thấy: chỉ có 3,4% dân số thế giới là sống ở một nước không phải là quê hương của họ, đó là tỷ lệ tương đối thấp, chắc sẽ làm cho những người theo chủ thuyết “sự thay thế lớn”[*] bực mình[9]. Tuy nhiên Milanovic biết rõ rằng đề nghị tăng số người di dân để làm cho sự nghèo khổ quốc tế giảm đi là một diễn ngôn khó có thể được tiếp thu trong bối cảnh chính trị hiện nay. Ở đây, ông đụng tới một mâu thuẫn chủ yếu của cuộc đấu tranh cho công bằng xã hội ở thời đại của toàn cầu hóa: sự co cụm của các nước Châu Âu đối với vấn đề di dân làm nổi bật cái khó của việc dung hòa sự giảm đi của sự bất bình đẳng ở phạm vi toàn thế giới với sự bảo vệ mức sống của các giai cấp trung lưu Tây Phương. Đó là điều nuôi dưỡng những chính sách dựa trên sự bảo vệ bản sắc và bảo hộ mậu dịch của Trump, Orban hay Salvini, vốn khẳng định sự xung khắc giữa hai mục tiêu này. Để khắc phục trở ngại này, Milanovic đưa ra một đề xuất vượt ra ngoài những truyền thống, thậm chí còn nguy hiểm nữa. Theo ông, nếu các công dân của những nước phát triển lo sợ rằng những người di dân sẽ hưởng được những quyền lợi giống như họ, thì chỉ cần tạo ra những quy chế đặc biệt cho những người lao động nước ngoài, với những lương bổng và quyền lợi thấp kém hơn những người lao động dân tộc. Để vượt qua những sự ngập ngừng dân túy, ông đề nghị xác lập sự phân biệt trên phương diện luật pháp, nhân danh một châm ngôn mang tính vị lợi chủ nghĩa (sự gia tăng các luồng di dân được xem như là phương tiện để nâng cao mức sống của những người nghèo và đáp ứng thách thức dân số mà sự già đi của dân số ở các xã hội Tây Phương đặt ra). Nhưng làm như vậy, thì quên rằng số phận của những người lao động, kể cả những người được bảo vệ tốt nhất, bao giờ cũng bị số phận của những người di dân và những người có cuộc sống bấp bênh tác động lại. Trong thế kỷ XX, sự chinh phục các quyền xã hội và bảo vệ những người di dân bao giờ cũng đi cùng[10]. Xây dựng một chế độ làm công và quyền công dân với nhiều mức độ khác nhau, nhân danh sự giảm đi những bất bình đẳng, sẽ kéo theo những hệ lụy về mặt luật pháp, đạo đức và chính trị không thể nào xuất phát từ một sự phân xử kinh tế đơn giản giữa việc mở rộng các biên giới và các quyền công dân.
Những đề nghị của cuốn sách trong lãnh vực tái phân phối đáng quan tâm hơn, mặc dù các đề nghị này không phải là không mơ hồ. Trước hết, Milanovic tái khẳng định vai trò chủ yếu của Nhà Nước trong sự giảm bớt những bất bình đẳng thông qua các chính sách thuế khoá và xã hội. Đây là một thành tố chủ yếu trong phong trào “giảm sút lớn” ở thế kỷ XX, và, ngược lại, sự tăng trưởng ấn tượng của những bất bình đẳng được quan sát ở Mỹ từ những năm 1980 có thể được giải thích bởi những đợt giảm thuế to lớn dành cho những kẻ giàu có và những sự cắt xén trong ngân sách xã hội. Đòn bẩy dân chủ này hoàn toàn đáng ao ước hơn những thế lực “tai hại” vốn đã đóng góp, theo kiểu của nó, vào sự xói mòn của những gia sản tư nhân trong thế kỷ vừa qua. Tuy nhiên, chương cuối của cuốn sách, vốn đặt câu hỏi về những hình thức trong tương lai của sự giảm bớt những bất bình đẳng, có vẻ bi quan hơn về khả năng của Nhà Nước để có thể đánh thuế một cách có hiệu quả một tư bản đã trở nên rất động (khi mà không có sự trở lại một chính sách kiểm soát tư bản). Đối với Milanovic, trong thế giới ngày nay, sự tập trung tư bản đã đến mức mà chỉ một chính sách nhắm tới những luồng về thu nhập không còn hiệu quả để thay đổi cuộc chơi. Chính vì vậy mà ông biện hộ cho một sự tái định hướng các chính sách thuế, của mục tiêu tái phân phối thu nhập (với một sự tác động sau của Nhà Nước) để hướng tới một sự phân phối công bằng hơn (với sự can thiệp trước của Nhà Nước) về những của cải ban đầu (về vốn kinh tế và con người). Ông nêu lên sự ưa thích của mình đối với việc đánh thuế mạnh những vụ thừa kế và một sự đầu tư mạnh để hỗ trợ cho sự tiếp cận giáo dục cho mọi người. Rốt cuộc, triết lý toát ra từ cuốn sách lại có một màu sắc rất phù hợp với những nguyên tắc của chủ nghĩa tự do, khi mà, đối với Milanovic, cái chân trời của Nhà Nước phải là “tác động nhiều hơn đến các của cải ban đầu và ít hơn đến thuế và những chuyển nhượng” (trg 237). Đấu tranh chống lại những bất bình đẳng ở ngay gốc, thay vì tái phân phối thu nhập … Điệp khúc được lặp đi lặp lại này cũng là điều đã đi cùng với sự trở lại của những bất bình đẳng trong ba mươi năm vừa rồi. Phải chăng chúng ta phải nối lại với những dấu ấn của “con đường thứ ba” đã chết để chống lại cái thế giới mà nó (con đường này) đã để lại cho chúng ta.
Sức mạnh của cuốn sách nằm ở chỗ khác. Nó cung cấp một sự chẩn đoán về những bất bình đẳng vào đầu thế kỷ XXI, và trình bày những cơ sở kinh tế của những thách thức chính trị khổng lồ xuất phát từ đó. Lời hứa hẹn bình đẳng của các nền dân chủ còn có một ý nghĩa nào không khi tình trạng vật chất của những giai cấp trung lưu và bình dân đã không còn được cải tiến, thậm chí còn thụt lùi nữa? Làm sao mà tưởng tượng được một thế giới trong đó sự tiến bộ của một số người không tác hại đến những người khác? Sự giàu có lên vô độ của một thiểu số ít ỏi còn có thể bị ngưng lại không? Sự chẩn đoán của nhà kinh tế học là bổ ích và dứt khoát. Câu trả lời cho những vấn đề mà ông đã nêu lên là một việc quá quan trọng để có thể chỉ giao cho kinh tế học mà thôi …
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn:Le bel avenir des inégalités”, La vie des idées, 22.5.2019




Chú thích:

[1] Thomas Piketty, Le Capital au XXIe siècle (Tư bản vào thế kỷ XXI), Seuil, 2013.

[2] François Bourguignon, La Mondialisation de l’inégalité (Tiến trình toàn cầu hóa sự bất bình đẳng), Paris, Seuil / La République des idées, 2012.

[3] Alexis de Tocqueville, Mémoire sur le paupérisme (Luận về sự bần cùng hóa), 1835.

[4] Joseph Stiglitz, Le Prix de l’inégalité (Giá của sự bất bình đẳng), Les Liens qui libèrent, 2012.

[5] Ngoài Tư Bản vào thế kỷ XXI, xem Kenneth Scheve và David Stasavage, Taxing the Rich. A History of Fiscal Fairness in the United States and Europe (Đánh thuế những người giàu có. Lịch sử của sự công bằng về thuế ở Mỹ và Châu Âu), Princeton. Princeton University Press, 2016.

[6] Sự phân tích của ông tinh vi hơn nhiều sự phân tích của Walter Scheidel (Chủ trương xóa bỏ những sự chênh lệch xã hội, Bạo lực và lịch sử của sự bất bình đẳng từ Thời kỳ Đồ Đá đến thế kỷ XXI, Princeton University Press, 2017) vốn chỉ tập trung vào vai trò của bạo lực. Xem thêm bài điểm sách của Lionel Kesztenbaum trong La Vie des Idees.

[7] Christopher Clark, Les Somnambules. Été 1914, comment l’Europe a marché vers la guerre (Những kẻ mộng du. Mùa hè 1914, Châu Âu đã tiến đến chiến tranh như thế nào) Flammarion, 2013.

[8] Ví dụ, xem toàn bộ những bài đóng góp được tập hợp trong số đặc biệt “Lire Le Capital de Thomas Piketty (Đọc Tư Bản của Thomas Piketty)” được tạp chí Les Annales xuất bản năm 2015, và về chính điểm này, Nicolas Delalande, “Vers une histoire politique du capital (Hướng tới một lịch sử chính trị của tư bản)”, Annales, Histoire, Sciences Sociales, 70-1, 2015, trg. 47-59.

[*] “Sự thay thế lớn” (Le grand remplacement) là một thuyết mang tính kỳ thị chủng tộc, bài ngoại (xénophobe), văn hoá và tôn giáo tố cáo âm mưu nhằm thay thế văn hoá châu Âu bằng những dân tộc và nền văn hoá ngoài châu Âu, thông qua những đợt di dân từ châu Phi và Bắc Phi, đặc biệt từ cuối thế kỷ XX. Được Renaud Camus lý thuyết hoá với những cuốn sách như “Cuộc thay thế lớn” (2011), tư tưởng này thật ra đã có từ lâu, ngay từ thế kỷ XIX và dẫn đến những phong trào chính trị như chủ nghĩa quốc xã (nazisme) ở Đức. Hiện nay nó tác động rất mạnh đến các đảng phái và phong trào cực hữu ở châu Âu và có thể được xem như là xương sống của chương trình của các đảng phái cực hữu đang lớn mạnh rất nhanh, kể cả các đảng phái hữu khuynh cũng bị lôi cuốn vào cùng ảnh hưởng của hệ tư tưởng này. Do đó nó có thể được xem như một mối đe doạ quan trọng đối với nền dân chủ truyền thống của các nước châu Âu. (ND)

[9] François Héran, Migrations et sociétés (Di dân và Xã hội), Paris, Collège de France / Fayard, coll. “Leçons inaugurales du Collège de France”, 2018 (video trên mạng) và trên La Vie des Idées, “Comment se fabrique un oracle (Lời sấm được chế tạo như thế nào)” 18 tháng 9 năm 2018.

[10] Paul-André Rosental, “Géopolitique et État-Providence. Le BIT et la politique mondiale des migrations dans l’entre-deux-guerres (Địa chính trị và Nhà Nước Phúc Lợi. Văn Phòng Tổ chức Lao Động Quốc Tế và chính sách di dân trên phạm vi thế giới giữa hai cuộc thế chiến)”, Tạp Chí Annales, Histoire, Sciences Sociales, 61-1, 2006, trg. 99-134.

Print Friendly and PDF