25.11.19

Ấn Độ từ bỏ chính sách mậu dịch tự do ở châu Á-Thái Bình Dương


ẤN ĐỘ TỪ BỎ CHÍNH SÁCH MẬU DỊCH TỰ DO Ở CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 tại Nonthaburi, Thái Lan, ngày 4 tháng 11 năm 2019. (Nguồn: Indian Express)
Ấn Độ từ bỏ chính sách mậu dịch tự do ở châu Á-Thái Bình Dương là thông tin chính thức kể từ ngày 4 tháng 11 vừa qua. Ấn Độ không còn muốn là thành viên của Hiệp định đối tác kinh tế khu vực toàn cầu (RCEP, Regional Comprehensive Economic Partnership), một hiệp định mậu dịch tự do, mà ngay từ khi bắt đầu đàm phán đã không có Hoa Kỳ, trong khi Trung Quốc thì là một trong số các thành viên. Được đàm phán ròng rã trong 6 năm qua, RCEP tập hợp các nền kinh tế chính của châu Á-Thái Bình Dương. Việc New Delhi rút khỏi [RCEP] sẽ làm suy yếu phạm vi và lợi ích của hiệp định trong tương lai. Đó là sự thừa nhận một sự yếu kém, đánh dấu sự mong manh của một nền kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng chậm lại và không được trang bị tốt để đối mặt trực tiếp với sự cạnh tranh dữ dội của châu Á.
Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba của RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực) được tổ chức tại Bangkok, [thủ tướng] Narendra Modi đã chính thức xác nhận việc Ấn Độ rút khỏi các cuộc đàm phán. Hiệp định này dự định tập hợp Ấn Độ và 15 nước khác thuộc châu Á-Thái Bình Dương – 10 nước của ASEAN cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand –, tức một nửa dân số và một phần ba của cải của thế giới. Thái Lan, nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh, đã tuyên bố các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục mà không có Ấn Độ cho đến khi đạt được thoả thuận vào năm 2020.
Narendra Modi đã viện dẫn đến anh linh của Mahatma Gandhi để biện minh cho quyết định của mình, với việc trích dẫn lời của vị cha già dân tộc Ấn Độ: Hãy nhớ đến số phận của người nghèo nhất và người yếu nhất mà bạn đã gặp, và hãy tự hỏi liệu dự án của bạn có thể giúp được gì cho người đó hay không.Ngoài số phận của người nghèo, sự liên kết của phe đối lập khi quy tụ các cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức nông nghiệp, toàn bộ các đảng phái chính trị đối lập và rất nhiều giới lãnh đạo của đảng BJP đang cầm quyền, đã đẩy lùi các tham vọng của chính phủ trong cuộc đàm phán này.
SỰ RÚT LUI CỦA ẤN ĐỘ LÀM CHO PHẠM VI CỦA RCEP BỊ ĐIỀU CHỈNH MỘT CÁCH SÂU SẮC
Để hiểu tầm quan trọng trong quyết định của New Delhi, cần phải nhớ lại RCEP là gì. Cuộc đàm phán tập hợp 16 nước, mà hầu hết đều đã có các hiệp định mậu dịch tự do với nhau: 10 nước ASEAN trong Cộng đồng kinh tế ASEAN với nhau, bản thân các nước ASEAN với từng nước trong số 6 nước thành viên khác của RCEP, Trung Quốc với Hàn Quốc, Úc và New Zealand, Nhật Bản với Úc.... Vì vậy, mục đích của phần lớn các cuộc đàm phán của RCEP là làm hài hòa – nếu có thể từ thượng tầng – nhiều hiệp định hiện hành để chấm dứt tình trạng được gọi là “mớ bòng bong” của các hiệp định mậu dịch tự do ở châu Á-Thái Bình Dương, và đưa ra một hiệp định toàn diện, minh bạch hơn và tham vọng hơn đối với các tác nhân kinh tế.
Một mục đích khác của các cuộc đàm phán là đưa chính sách mậu dịch tự do vào giữa một số nước. Đối với Ấn Độ, đặc biệt đó là chính sách mậu dịch tự do với Trung Quốc, Úc và New Zealand. Một thách thức đáng kể khác là chính sách mậu dịch tự do Nhật Bản-Trung Quốc trong bối cảnh các cuộc đàm phán được tiến hành trực tiếp giữa Tokyo, Bắc Kinh và Seoul không tiến triển. Vì vậy, sự rút lui của Ấn Độ có một ảnh hưởng rất nặng: nó làm cho Trung Quốc mất đi sự ưu tiên tiếp cận một thị trường 1,3 tỷ dân và đặt lại vấn đề về sự cân bằng chính trị của cuộc đàm phán.
ĐỘNG CƠ CỦA CHÍNH PHỦ ẤN ĐỘ
Thách thức chính đối với Ấn Độ là mối quan hệ với Trung Quốc, hiện là đối tác thương mại lớn nhất của họ trên thế giới. Quan hệ thương mại song phương Ấn Độ-Trung Quốc đã dẫn đến việc đất nước của Modi bị thâm hụt rất lớn, đã không ngừng gia tăng kể từ đầu thế kỷ này, với mức thâm hụt đạt 54 tỷ US$ trong năm tài chính 2018 (từ tháng 4 năm 2018 đến tháng 3 năm 2019) và một tỷ lệ mậu dịch [giữa nhập khẩu và xuất khẩu] hạn chế ở mức 23%.
Một sự tiếp cận ưu đãi đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, trong đó có hàng hóa điện tử, trang thiết bị và đủ loại hàng hóa tiêu dùng, sẽ làm nảy sinh nguy cơ hàng hóa Trung Quốc đổ xô thêm [vào Ấn Độ] và gây thiệt hại cho ngành công nghiệp và nông nghiệp Ấn Độ. Vả lại nền tảng công nghiệp của Ấn Độ, ngày nay, không đủ sức để có thể hy vọng một sự tái cân bằng thông qua một sự tiếp cận tốt hơn vào thị trường Trung Quốc.
Các mức thâm hụt thương mại của Ấn Độ không chỉ giới hạn với Trung Quốc. Chúng còn liên quan đến mười ba trong số mười lăm đối tác tiềm năng của Ấn Độ trong phạm vi của RCEP, với mức thâm hụt toàn cầu là 105 tỷ US$ cho năm tài chính 2018. Trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề này cũng liên quan đến các nước như Úc và New Zealand, những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, với những rủi ro đặc biệt đối với ngành sản xuất và chế biến sữa của Ấn Độ.
Ấn Độ muốn áp đặt một sự bảo hộ trong trường hợp kim ngạch nhập khẩu tăng đột ngột. Nói cách khác, đó là việc tự động tạm hoãn nhập khẩu một sản phẩm nào đó ngay khi vượt quá một ngưỡng tăng nhất định. Dạng bảo hộ này vượt ra ngoài các thông lệ thông thường của một hiệp định mậu dịch tự do. Các đối tác của Ấn Độ đã không chấp nhận điều đó. Ấn Độ cũng gặp khó khăn trong việc làm cho các lợi ích áp đảo của mình thắng thế trong các cuộc đàm phán. Giới lãnh đạo Ấn Độ trong các ngành dịch vụ công nghệ thông tin và y tế kêu gọi một sự tự do hóa hơn nữa trong các quan hệ trao đổi dịch vụ và một mức độ tự do đi lại lớn hơn đối với các chuyên gia Ấn Độ ở châu Á, khi vấp phải các chính sách di cư hạn chế mà hầu hết các nước trong khu vực đều muốn duy trì.
Bối cảnh kinh tế vào thời điểm này không có lợi cho một hành động táo bạo: một mức tăng trưởng nửa vời vượt quá 6% một chút trong năm 2019 theo ước tính của IMF, và một mức tăng mạnh của tình trạng thiếu việc làm. Ngoài ra, hầu hết các tổ chức think tank Ấn Độ đều chỉ trích cuộc đàm phán này. Niti Aayog, nhóm chuyên gia về chính sách của chính phủ Ấn Độ, vào năm 2017, đã công bố một báo cáo về các hiệp định mậu dịch tự do mà Ấn Độ đã ký kết, với kết luận cho rằng hầu hết [các hiệp định đó] đều có kết quả tiêu cực đối với nền kinh tế Ấn Độ.
SỰ KHÁC BIỆT VỀ LỢI ÍCH CỦA CÁC BÊN THAM GIA RCEP
Những khó khăn của Ấn Độ đã làm trì hoãn các cuộc đàm phán của RCEP trong nhiều năm qua. Đến mức đã có một số nước đề nghị tiếp tục tiến trình đàm phán mà không có Ấn Độ. Vào tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã đưa ra ý tưởng về một hiệp định ASEAN + 3 (với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) sẽ dễ ký kết hơn, một ý tưởng đã được Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hậu thuẫn vào tháng 6.
Việc kết thúc các cuộc đàm phán một cách nhanh chóng luôn là mục tiêu trung tâm của Trung Quốc vào thời điểm mà họ bị vướng vào cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ với Hoa Kỳ. Sự rút lui của Ấn Độ, ít nhất, cũng mang lại triển vọng về việc ký kết hiệp định [RCEP] vào năm 2020.
Ngược lại, sự rút lui của Ấn Độ làm cho Nhật Bản và Úc bối rối, những nước xem Ấn Độ như là một yếu tố quan trọng cho sự cân bằng chính trị để tránh đối mặt với Trung Quốc. Tokyo, ngay lập tức, cho biết họ sẽ cố gắng thuyết phục New Delhi xem xét lại quyết định của Ấn Độ. Thủ tướng Úc đã nói với Narendra Modi, bên lề hội nghị thượng đỉnh Bangkok, rằng cánh cửa vẫn rộng mởcho việc Ấn Độ trở lại với hiệp định.
viỄn cẢnh NÀO CHO ẤN ĐỘ?
Việc rút khỏi RCEP vừa là sự thừa nhận một sự yếu kém của Ấn Độ vừa là một vấn đề lớn đối với chính sách kinh tế và công nghiệp của nước này. Nếu chính sách mậu dịch tự do, với những thời hạn chuyển tiếp và những biện pháp bảo hộ của dạng hiệp định này, không tạo thuận lợi cho nền kinh tế Ấn Độ hưởng lợi, trong khi các nước còn lại của châu Á đã biến nó thành một trong những chìa khóa phát triển của họ, thì Ấn Độ có thể triển khai một chính sách thay thế nào khác đây?
Ấn Độ của [cựu Thủ tướng] Nehru đã chọn một chính sách tự cung tự cấp, mà kết quả là thảm khốc đối với sự tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ. Chính sách “phi Nhà nước hóa” và mở cửa với nước ngoài được thực hiện kể từ năm 1990, ngược lại, đã tạo ra những kết quả đáng ghi nhận, nhưng cũng có một hạn chế: tình trạng yếu kém dai dẳng của nền tảng công nghiệp Ấn Độ. Về phần mình, Narendra Modi muốn củng cố nền tảng công nghiệp đó bằng chương trình “Make in India [Được sản xuất tại Ấn Độ]”. Narendra Modi không thể làm điều này nếu không có một sự tăng trưởng đáng kể nguồn đầu tư nước ngoài – đặc biệt từ Trung Quốc – vào đất nước ông, bởi vì năng lực hoạt động của các doanh nghiệp đầu đàn trong nước không đủ sức.
Trong trường hợp không có được một hiệp định đa phương, Ấn Độ sớm muộn gì cũng sẽ phải tìm kiếm các giải pháp song phương. Cánh cửa vẫn mở với Úc và New Zealand, những nước đang tiến hành đàm phán song phương với Ấn Độ song song với RCEP. Ấn Độ cũng đàm phán song phương với ASEAN, do vẫn tồn tại một hiệp định về nguyên tắc nhằm cải thiện hiệp định mậu dịch tự do đã ký 10 năm trước đây. Vấn đề còn lại là mở cửa với Trung Quốc, bởi vì Ấn Độ sẽ khó có thể hội nhập thành công trong khu vực nếu không có mối quan hệ kinh tế mang tính xây dựng với Đế chế trung tâm.
Giới thiệu tác giả
Hubert Testard

Hubert Testard là một chuyên gia về các vấn đề châu Á và về các thách thức kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính trong 20 năm tại các đại sứ quán Pháp về các vấn đề của Asean ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Ông cũng đã tham gia vào việc phát triển các chính sách của châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, bất luận đó là các chính sách của WTO hay là các cuộc đàm phán với các nước châu Á. Hubert Testard đang giảng dạy, trong bốn năm nay, tại trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Sciences Po về phân tích viễn cảnh của Châu Á. Ông đã tham gia viết một cuốn sách về cuộc khủng hoảng châu Á (“Asie, les nouvelles règles du jeu [Châu Á với những luật chơi mới]”, NXB Editions Philippe Picquier) và đồng tác giả với Brigitte Dyan một cuốn sách có tựa đề “Quand la Chine investit en France [Khi Trung Quốc đầu tư vào nước Pháp]”, do Cơ quan đầu tư quốc tế của Pháp xuất bản. Ông tốt nghiệp Trường Hành chính Quốc gia Pháp [ENA, École nationale d'administration] và Học viện Chính trị Paris [Sciences Po].
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: L’Inde renonce au libre-échange en Asie-Pacifique, Asialyst, ngày 11/09/2019.
Print Friendly and PDF