16.11.19

Chiến tranh thương mại: đình chiến Trung-Mỹ, nhưng lại mở ra các mặt trận mới về công nghệ và tài chính


CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI: ĐÌNH CHIẾN TRUNG-MỸ, NHƯNG LẠI MỞ RA CÁC MẶT TRẬN MỚI VỀ CÔNG NGHỆ VÀ TÀI CHÍNH
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He tại Phòng Bầu dục Nhà Trắng vào ngày 11 tháng 10 năm 2019, ở Washington. (Nguồn: NBCNEWS)
Sau một thuật ngoại giao mới đầy mâu thuẫn theo kiểu [đăng] tweet, Donald Trump và chính quyền của ông đã đồng ý đình chiến với người Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. Một cử chỉ [hòa hoãn] sau chuyến thăm của Lưu Hạc [Liu He], phó thủ tướng và là nhà đàm phán chính của Tập Cận Bình, đến Washington, vào hôm Thứ Sáu, ngày 11 tháng 10. Nhưng thỏa thuận [đình chiến] này chỉ mang tính tạm thời và không có nghĩa là một thời kỳ tạm yên sóng gió trên mặt trận chiến tranh công nghệ, mà còn hoàn toàn ngược lại. Vì lẽ người Mỹ, bây giờ, muốn mở một mặt trận tài chính mới với Trung Quốc.
Cần phải biết cách thức kết thúc một cuộc chiến thương mại. Sau mười lăm tháng thù địch, người Mỹ và người Trung Quốc có lý do chính đáng để ký một thỏa thuận đình chiến. Cho đến mùa hè năm ngoái, cuộc xung đột đã tác động khá ít đến sự tăng trưởng kinh tế của hai nước. Ở Trung Quốc, sự tăng trưởng kinh tế chậm lại được giải thích bởi những biện pháp được thực hiện để làm giảm sự tăng trưởng của nợ. Ở Hoa Kỳ, nền kinh tế đang bùng nổ đã hấp thụ tác động của việc tăng thuế quan lên khả năng mua sắm của các hộ gia đình, và người nông dân miền Trung Tây là nạn nhân duy nhất của cuộc chiến thương mại.
Nhưng trong những tháng gần đây, nền kinh tế Mỹ đang [có dấu hiệu] hụt hơi trong khi ở Trung Quốc, việc Hoa Kỳ tăng thuế quan vào tháng 9 và công bố [được áp dụng] vào tháng 10 và tháng 12, làm dấy lên lo ngại một sự lao dốc mới của hàng hóa xuất sang Mỹ sau khi đã giảm 14% từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2019. Trong tình hình quốc tế ảm đạm, Bắc Kinh khó có thể bù đắp được sự suy giảm này bằng cách xuất khẩu nhiều hơn sang các nước khác: kim ngạch xuất khẩu của họ đã co lại 1% trong tháng 8 và 3% trong tháng 9; cuộc xung đột đã kìm hãm việc tuyển dụng và khả năng tăng lương trong ngành công nghiệp. Ở Trung Quốc, cũng như ở Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới, tình trạng bất định kìm hãm sự đầu tư và làm dấy lên nỗi sợ một cuộc suy thoái vào năm 2020.
Bối cảnh này giải thích sự thay đổi quan điểm của Donald Trump, người có thể sẽ phê chuẩn thỏa thuận [thương mại] – ngay cả khi vẫn có thể xảy ra một vụ lật kèo với Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Santiago, Chile, vào giữa tháng 11. Trong thỏa thuận này, sơ bộ cho đến thời điểm hiện tại, người Mỹ đình chỉ việc tăng thuế quan từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ US$ hàng nhập khẩu của Trung Quốc, được dự kiến ​​[s có hiu lc] vào giữa tháng 10, mà không bàn lại các mức tăng thuế quan đã được quyết định từ tháng 1 năm 2018 và duy trì sự đe dọa [tăng tiếp] vào giữa tháng 12. Về phần Trung Quốc, họ mua nhiều nông sản hơn, từ 40 đến 50 tỷ US$, và tăng cường hệ thống pháp chế về sở hữu trí tuệ mà không đề cập đến cơ chế tuân thủ lời hứa này, một yêu cầu của Mỹ trước khi các cuộc đàm phán đổ vỡ vào tháng 5 năm 2019. Trung Quốc cũng cam kết không tiến hành phá giá [đồng nội tệ] để cạnh tranh. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ không gặp khó khăn gì trong việc thực hiện cam kết này, bởi vì trong hai năm qua, họ đã không can thiệp để chống lại sự tăng giá đồng nhân dân tệ mà chống lại sự mất giá của đồng nhân dân tệ. Nếu như Bộ Tài chính Mỹ có thể không còn cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ của họ, thì Bộ Tư pháp vẫn không từ bỏ việc truy kích chống lại Huawei.
Sự trở mặt của Donald Trump được giải thích bởi thời hạn nhiệm kỳ tổng thống [của ông]. Còn về thái độ hòa giải hơn của Bắc Kinh, điều này được biện minh bởi sự tàn phá của bệnh sốt lợn lên nước sản xuất thịt lợn lớn nhất trên thế giới (54 triệu tấn vào năm 2018) và nước tiêu dùng lớn nhất trên thế giới (55 triệu con). Xuất hiện vào năm 2018, bệnh sốt lợn này đã gây ra cái chết hàng loạt của gần một phần ba đàn lợn và làm giảm 8 triệu tấn sản lượng thịt lợn trong năm 2019. Mức suy giảm này dự kiến ​​còn trở nên tồi tệ hơn vào năm 2020. Để kìm hãm sự tăng giá [thịt lợn] do cuộc khủng hoảng bệnh sốt lợn này gây ra, chính phủ đã xuất 1,3 triệu tấn [thịt lợn] từ nguồn dự trữ. Nhưng điều đó chưa đủ: Trung Quốc cần nhập khẩu [thịt lợn] nhiều hơn.
Cho đến năm 2017, Hoa Kỳ là nhà cung cấp lớn thứ ba của đế chế Trung Hoa. Khi tăng thuế quan lên 50% đối với thịt lợn nhập khẩu của Mỹ, Trung Quốc đã giảm một nửa lượng nhập khẩu vào năm 2018. Vào tháng 3, lượng nhập khẩu [thịt lợn] đã nối lại và sẽ tăng tốc bởi vì vào ngày 13 tháng 9, Bắc Kinh đã loại bỏ thuế quan đối với thịt lợn [nhập khẩu] của Mỹ.
Thế nhưng, thỏa thuận đình chiến không có nghĩa là chấm dứt chiến sự trên mặt trận công nghệ. Chính quyền Trump có kế hoạch mở một mặt trận mới.
CUỘC CHIẾN CÔNG NGHỆ VẪN TIẾP DIỄN
Cuộc tấn công của Washington chống lại các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn tiếp diễn. Gần 150 doanh nghiệp trong đó có hơn một trăm công ty con của Huawei – phó chủ tịch Huawei, con gái của nhà sáng lập, đang chờ các thủ tục trục xuất đến Hoa Kỳ – đã bị liệt kê vào Danh sách thực thể của Cục công nghiệp và an ninh Hoa Kỳ, được thành lập vào năm 1997. Các nhà cung cấp Mỹ phải được sự cho phép của chính phủ liên bang để bán các sản phẩm của mình cho các doanh nghiệp nằm trong danh sách nói trên.
Tháng 10 năm 2019, hai mươi tám công ty mới [của Trung Quốc] đã bị liệt kê thêm vào Danh sách thực thể, trong đó có nhiều doanh nghiệp từ khu vực trí tuệ nhân tạo. Trong số đó có Hikvision, công ty lớn nhất về lĩnh vực giám sát bằng video, công ty đã lắp đặt các camera trong các căn cứ của Mỹ. Do đã lường trước được biện pháp này, các doanh nghiệp đó đã tồn kho nhiều sản phẩm và bắt đầu đa dạng hóa các nhà cung cấp của họ.
MỞ RA MẶT TRẬN TÀI CHÍNH
Kể từ khi tăng cường quyền hạn cho cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài (Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ), các khoản đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào thị trường Mỹ đã sụp đổ, giảm từ 46 tỷ US$ vào năm 2016 xuống còn 5,6 tỷ US$ vào năm 2018 và 2 tỷ US$ trong nửa đầu năm 2019, theo ước tính của Rhodium. Nếu như các khoản đầu tư nước ngoài không còn được chào đón ở Phố chính [Main Street], thì các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn tiếp tục được chào đón ở Phố Wall! Năm 2014, việc Alibaba niêm yết trên thị trường chứng khoán New York từng là điều ngoạn mục nhất trong lịch sử kinh tế Mỹ: gã khổng lồ bán hàng trực tuyến Trung Quốc đã huy động được 25 tỷ US$. Đã có ba trăm doanh nghiệp Trung Quốc đã niêm yết chứng khoán – số vốn hóa đạt 860 tỷ US$ (chiếm 8% tổng lượng vốn hóa của New York), trong đó Alibaba (430 tỷ US$), Petrochina (151 tỷ US$) và China Life (97 tỷ US$) – và khoảng 30 doanh nghiệp đã được niêm yết trong nửa đầu năm 2019.
Vào tháng 9 vừa qua, Bloomberg đã có bài viết nói rằng chính quyền Trump đang xem xét trục xuất các doanh nghiệp Trung Quốc khỏi thị trường chứng khoán Mỹ. Quyết định này sẽ là điều chưa từng có tiền lệ – bất chấp lệnh trừng phạt đối với Nga, các doanh nghiệp Nga vẫn được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Hơn nữa, quyết định đó sẽ buộc các doanh nghiệp này quay trở lại các thị trường khác (Hồng Kông, Luân Đôn) hoặc thậm chí trên thị trường Trung Quốc. Khi rời Phố Wall, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bị tự tước đi các nguồn tài trợ, còn người Mỹ thì mất đi cơ hội tham gia vào sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc.
Một vài tuần trước đó, một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã đề xuất Đạo luật Công bằng (Equitable Act). Nếu đạo luật này được thông qua, thì tài khoản của các doanh nghiệp Trung Quốc được niêm yết buộc phải được kiểm toán. Tất cả các doanh nghiệp nước ngoài niêm yết trên Phố Wall đều phải chấp nhận sự giám sát độc lập của các công ty kiểm toán[*] để kiểm tra các tài khoản của họ. Thế nhưng đây không phải là trường hợp của các doanh nghiệp Trung Quốc, bởi vì Bắc Kinh phản đối bằng cách đề cập đến các vấn đề an ninh. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio đề nghị cho các doanh nghiệp Trung Quốc một thời hạn là ba năm để tuân thủ các quy định của PCAOB, nếu không họ sẽ phải rời khỏi thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, ít có khả năng là biện pháp này, được Tạp chí Phố Wall coi là giải pháp tồi tệ nhất, được thông qua.
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière

Jean-Raphaël Chaponnière là thành viên của nhóm Asie21 (Futuribles) và cộng sự nghiên cứu tại Trung tâm châu Á. Ông từng là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Đồng tác giả với M. Lautier, ông đã phát hành cuốn: Economie de l'Asie du Sud-Est, au carrefour de la mondialisation [Kinh tế ĐNÁ, ở ngã tư toàn cầu hóa] và “Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường]” (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch




Chú thích:

[*] Hội đồng giám sát kế toán các công ty đại chúng (PCAOB).

Print Friendly and PDF