2.11.19

Lí thuyết điều tiết: Hướng dẫn sử dụng (khái niệm và phương pháp)

PTKT: Nhân GS Robert Boyer, một trong những tác giả khởi xướng lí thuyết điều tiết, sẽ tham gia Hội thảo Rethingking Asian Capitalism and Society in the 21st Century, dưới đây là bản dịch chương 3 cuốn La théorie de la régulation: une analyse critique


LÍ THUYẾT ĐIỀU TIẾT: HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG (KHÁI NIỆM VÀ PHƯƠNG PHÁP)

Robert Boyer[*]
Robert Boyer (1943-)

Bạn đọc nào muốn tự mình đánh giá cách đặt vấn đề này sẽ vấp phải một loạt khó khăn, ít nhất thuộc ba loại.
Điều đầu tiên đáng chú ý là hầu hết những quan điểm đánh giá cách tiếp cận này dựa trên sự hiểu biết rất tản mạn của những công trình được xem xét. Trong thập niên qua, những tài liệu chủ yếu trong thời gian dài là dưới dạng ronéo và chỉ mới trong vòng năm năm gần đây mới được nhân rộng thành những bài viết và sách có tính tổng hợp. Ngay cả ngày nay, mỗi người đọc và trích dẫn những công trình gần nhất với lĩnh vực nghiên cứu quen thuộc (lí thuyết marxist tổng quát, kinh tế học lao động, mô hình hoá kinh tế vĩ mô, lịch sử kinh tế, v.v...). Do đó có thể là một điều có ích nếu cung cấp một trình bày tổng hợp những khái niệm chính, và nếu có thể đan chéo chúng, của hầu hết các tác giả và lĩnh vực. Đó là mục đích đầu tiên của chương này.
Tiếp đến nhà quan sát nào lao mình vào đọc những công trình của các nhà “điều tiết” có khả năng đi đến một chẩn đoán đơn giản. Một cách cơ bản, những nhà nghiên cứu này có một kết luận duy nhất, được lặp đi lặp lại và nở rộ trong một loạt những trích dẫn đan chéo: sự gián đoạn của những xu hướng kinh tế sau 1973 phát sinh từ cuộc khủng hoảng của chế độ Ford[1], được coi như là nguyên lí tổ chức kĩ thuật, xã hội và kinh tế. Nhưng những nhà quan sát có óc phê phán nhất sẽ nhận ngay rằng kết quả này chẳng đặc sắc lắm cũng như là không được đặc biệt lí giải trong chi tiết của sự chứng minh thực nghiệm. Từ đấy nảy sinh ý cho rằng đó chỉ là một thành công có tính thời trang, một hồi trống được khuếch đại quá đáng so với những thành tựu thật sự của lí thuyết điều tiết. Thế mà chương này cố gắng cho thấy điều đó là lấy một kết quả, tuy quan trọng nhưng đặc biệt, thế cho một cách đặt vấn đề tổng quát. Do đó chương này sẽ tập trung trình bày phương pháp mà những điểm ứng dụng có thể rất khác nhau trong không gian và thời gian... nghĩa là rất khác với phương thức phát triển fordist và với sự điều tiết độc quyền vốn chỉ đặc trưng cho bốn thập niên qua của các nước tư bản lớn đã công nghiệp hoá lâu đời. Có thể nói, cây không thể che khuất hạt giống (phương pháp) lẫn rừng (toàn bộ những kết quả).
John M. Keynes (1883-1946)
Karl Marx (1818-1883)
Cuối cùng bạn đọc sành sỏi và chuyên gia theo dõi từng bước tiến hoá của cách đặt vấn đề lại có thể có mối băn khoăn khác. Nếu cho đến đầu thập niên một chín tám mươi, lí thuyết điều tiết nằm trong khuôn khổ đổi mới có phê phán của phân tích marxian thì từ đấy đến nay ta há chẳng chứng kiến một sự phân tán những tham chiếu lí thuyết đó sao? Thật vậy, tùy theo tác giả hay đối tượng phân tích mà Girard, Keynes, Marx, thậm chí những nhà sáng lập học thuyết thể chế được huy động để tạo ra khái niệm hình thái cấu trúc và biện minh cho khái niệm phương thức điều tiết. Thế mà việc có nhiều qui chiếu như thế, với những tên tuổi nổi tiếng là mâu thuẫn với nhau, có thể được kiến giải như là dấu hiệu của việc mất đi thực chất và tính năng động của một trào lưu có thể hợp thành một trường phái. Không nghi ngờ gì là sự căng thẳng này có thật nhưng nó phải được phân tích đúng đắn. Thật ra những đối lập nhắm vào những khái niệm trừu tượng nhất, chính những khái niệm này đặt cơ sở cho những phạm trù được các nhà điều tiết vận dụng trong các nghiên cứu trên thực địa. Thế mà có một sự đồng ý rộng rãi về hạt nhân rắn của những ý niệm trung gian này.
Ví dụ có thể là vấn đề giá trị không phải là tiêu chí phân biệt đối với những vấn đề được họ xử lí. Ví dụ, chỉ cần thừa nhận rằng, trong chủ nghĩa tư bản, sự kết hợp của quan hệ hàng hoá và quan hệ làm công ăn lương khiến cho cái tương đương với những giá sản xuất thành bộ điều tiết động thái của giá cả thị trường, trong một cách nhìn theo kiểu A. Medio, L. Johansen. Dưới một số giả thiết, những lí thuyết khách quan, chủ quan và đối xứng về giá trị đều dẫn đến cùng một kết luận (cf. những định lí về tính không thay thế). Từ đó, phân tích kinh tế vĩ mô có thể xuất phát từ kết quả này, mà không đặt vấn đề trực tiếp với những lí thuyết giá trị. Một cách chung hơn, người ta có thể bảo vệ rằng hầu hết các tác giả đều đồng ý với một tập những khái niệm trung gian, những khái niệm này có thể được lồng vào những cách đặt vấn đề tổng quát hoàn toàn khác nhau. Thách thức của chương này là thuyết phục bạn đọc rằng quan niệm trên là có cơ sở.
Tuy nhiên, sẽ là hoài công nếu chối rằng một tổng hợp như thế này là ít nhiều mang tính cá nhân: đặc biệt, tổng hợp này tương ứng với cách đặt vấn đề, dù cho là ngầm ẩn, xuyên suốt hầu hết những công trình trước đây của tác giả. Tuy nhiên bài viết này cũng trình bày điều muốn là tương đương với một quan điểm trọng tâm đối với một cộng đồng không thiếu tính đa dạng. Làm rõ thách thức của phân tích, định nghĩa những khái niệm cơ bản và chỉ ra việc nối khớp những khái niệm này, cuối cùng làm rõ một phương pháp để vận dụng các khái niệm này: đó là những bước chính của phần trình bày.
I. Một vấn đề trung tâm: sự biến đổi trong không gian và thời gian của những động thái kinh tế và xã hội
Mọi nỗ lực lí thuyết hoá trong một nghĩa nào đó tùy thuộc vào vấn đề, rõ ràng hay ngầm ẩn, mà nhà kinh tế mong mang đến một câu trả lời, câu trả lời này được nhà kinh tế xem là ít nhiều chắc chắn tùy theo niềm tin mà nhà kinh tế dành cho chính thiết kế của mình. Những cách tiếp cận bằng điều tiết lần hồi được phát triển bằng cách đối mặt với ba trong những nghịch lí chủ yếu mà những trào lưu khác nhau của phân tích kinh tế đã vấp phải, như chương trước đã tổng kết.
1. Tại sao và bằng cách nào, một hình thái kinh tế nhất định, chuyển từ một tăng trưởng mạnh và đều đặn sang một trạng thái gần như đình trệ và một sự bất ổn định của những chuỗi tiếp nối tình thế?
Karl Polanyi (1886-1964)
Tất cả khó khăn đến từ việc hầu hết các nhà kinh tế thừa nhận tính chất tự điều chỉnh của các thị trường. Nếu đúng như thế thì khủng hoảng chỉ là một tai nạn do sự kết hợp bất ngờ của những ngẫu nhiên tai hại hay kết quả của những giao thoa xã hội và chính trị. Nhưng như thế có thể nào hiểu được động thái dài hạn của những nền kinh tế thị trường mà không đặt lên hàng đầu những thay đổi trong những quan hệ với toàn bộ hệ thống xã hội-chính trị, những đổi thay này lúc thì làm ổn định lúc lại gây bất ổn định cho thời vận kinh tế (K. Polanyi)? Tuy nhiên, ngược lại, chỉ khẳng định không thôi tính tất yếu của những xu hướng khủng hoảng và đình trệ của chủ nghĩa tư bản chín muồi là không đủ. Thật vậy, như thế thì phải giải thích vì sao, ví dụ sau thế chiến thứ hai, những nước công nghiệp hoá già nua đã có thể có một tăng trưởng chưa từng bao giời thấy trước đó. Ta đã thấy là những cách đặt vấn đề chính thống, tân cổ điển, keynesian hay marxist gặp phải một vài khó khăn để giải thích một thay đổi định tính như thế của những nhân tố quyết định tăng trưởng và chu kì.
2. Cho cùng một giai đoạn lịch sử, bằng cách nào giải thích được là tăng trưởng và khủng hoảng khoác những hình thức quốc gia rất khác nhau, thậm chí những mất cân bằng ngày càng sâu sắc hơn trong một số nước trong lúc một số nước khác lại tuơng đối sung túc hơn?
Có lẽ tiếp sau những nghiên cứu nêu bật bước nhảy vọt của hiện tượng quốc tế hoá – của giao dịch, sản xuất, tài chính và tiền tệ –, tình thế riêng của mỗi nền kinh tế thường được quan niệm như một một phép chiếu (trong nghĩa gần như toán học của từ này) của một logic chỉ thể hiện ở cấp độ hệ thống quốc tế, thậm chí toàn cầu. Nhưng từ giả thiết có sự phụ thuộc lẫn nhau, điều thường xảy ra là trượt sang giả thiết tính thuần nhất, hay giả thiết có một thứ tự chặt chẽ trong nhưng nhân tố quyết định tăng trưởng và khủng hoảng. Như thế những đặc thù quốc gia có xu hướng hòa tan, quên mất đi tính thống nhất trong mâu thuẫn của những yếu tố cố kết và phân rả của nền kinh tế quốc tế. Thế mà lịch sử của ba thập niên qua cho thấy tầm quan trọng của những khác biệt giữa các nước. Trong nội bộ của những nước thống trị của OECD, sự tăng trưởng há đã không đồng đều ngay từ giữa thập niên năm mươi? Sau năm 1973, ta đã chẳng quan sát được những xu hướng đối lập nhau giữa những nước công nghiệp hoá sớm và những nước đang công nghiệp hoá đó sao? Cuối cùng, từ năm 1982, sự không đồng nhất của những tiến trình của Hoa Kì, Nhật Bản và châu Âu chẳng đã thể hiện một cách hiển nhiên trong sự khác biệt của những tỉ suất tăng trưởng và thất nghiệp? Từ đấy, nhà kinh tế cần đến những cách đặt vấn đề “tinh vi” hơn nhiều cho phép xử lí những khác biệt này, thậm chí cho phép giải thích chúng trong những lí thuyết và mô hình của mình.
3. Cuối cùng, tại sao ngoài những điểm bất biến tổng quát, các cuộc khủng hoảng lại có những mặt tương phản trong thời gian và khác nhau, ví dụ những cuộc khủng hoảng vào thế kỉ XIX, giữa hai cuộc thế chiến và ngày nay?
Thật ra, ở đây có hai câu hỏi. Do chỗ đứng thường là thứ yếu, đôi lúc hầu như không có của khái niệm khủng hoảng trong hầu hết các lí thuyết kinh tế, nên phải chăng vì thế mà người ta có khuynh hướng đồng nhất một cơn suy thoái với một pha của một quá trình biến động và tựa như có tính chu kì mà chức năng là để lọc bớt những mất cân đối trước đó? Nhưng như thế làm sao giải thích sự đổi hướng lâu dài của tăng trưởng, thậm chí việc lún sâu vào đình trệ và tính thất thường của tình thế kinh tế mà thập niên ba mươi là một ví dụ nổi bật? Tóm lại, rất có thể là từ khủng hoảng bao phủ những đối tượng lí thuyết rất khác nhau tùy theo, ví dụ, là ta quan tâm đến những chu kì Juglar, những đợt sóng dài Kondratiev, hay những chuyển động tựa trăm năm theo kiểu Kuznets... Mặt khác, ngay cả khi giả định là có sự phân biệt tiến trình tình thế với trung-dài hạn, thì luôn có sự cám dỗ xem giai đoạn đầy bi kịch của năm 1929 như khuôn mẫu điển hình cho cuộc khủng hoảng lớn, đặc biệt về tầm sâu rộng và thời gian. Thế mà việc so sánh từng điểm một giai đoạn này với tình thế hiện nay, ví dụ, gợi ý rằng một số đặc điểm chung thường xuyên (sản xuất thừa, sụt giảm của lợi tức, mức lãi suất và thất nghiệp kỉ lục) đi cùng với những khác biệt quan trọng: trước hết lạm phát tiếp tục rồi được ổn định (ngược lại với một thiểu phát nhanh và đột ngột), dạng tình thế (không có suy thoái cộng dồn) và những trao đổi quốc tế (tiếp tục thâm nhập thị trường nội địa, xuất khẩu không bị thu hẹp) khác nhau. Những thay đổi này cho thấy chúng còn hơn cả những hiện tượng phụ, đòi hỏi phải có một sự lí thuyết hoá để giải thích những thay đổi này.
Trong thực tế, ba nghịch lí này nằm trong cùng một vấn đề tổng quát: vấn đề biến đổi trong thời gian và không gian của những động thái kinh tế và xã hội. Do dó có một vấn đề phương pháp ở giao điểm của hai bộ môn, theo truyền thống là khác nhau.
II. Vì việc làm phong phú lẫn nhau giữa lịch sử và lí thuyết kinh tế
Thật vậy, khó khăn trong câu trả lời cho ba câu hỏi trên một phần là do sự phân công lao động trí thức giữa hai bộ môn khoa học xã hội này, một phân công đã được xác lập từ lâu nhưng không vì thế mà không có hại. Đối với nhà sử học, điều chủ yếu là xây dựng những sự kiện lịch sử, khiến cho những bộ môn khác – đặc biệt là phân tích kinh tế – mang lại cho nhà sử học những công cụ hơn là một cách đặt vấn đề có xu hướng toàn diện. Đối với nhà kinh tế, ngược lại, sử học và những so sánh quốc tế cung cấp những dữ liệu để thử thách những mô hình lí thuyết mà nhà kinh tế rút ra từ phân tích logic, thậm chí phân tích bằng tiên đề, nhưng hiếm khi tính chất bướng bỉnh của những sự kiện lịch sử hiển nhiên thành công trong việc tước đi giá trị hệ thống kiến giải của nhà kinh tế hay, ít ra là khuyến khích nhà kinh tế sửa đổi hệ thống này.
Trong một chừng mực nào đó, nghiên cứu lịch sử đôi lúc gây ấn tượng là chưa hoàn toàn vượt qua những sai sót của một cách tiếp cận theo biến cố, ngày xưa đặt trọng tâm vào những sự kiện chính trị. Hẳn là, từ thời có trường phái Annales (Biên niên)[2], sử học tự đặt mục đích giải thích những quan hệ giữa những cấu trúc tâm lí, tôn giáo, chính trị và kinh tế. Từ đó, phân tích có phê phán văn bản không còn là thành tố duy nhất của nghề sử học vì nay nó được đặt trong quan hệ với một vấn đề được giới hạn tỉ mỉ và với việc kiểm định một hay nhiều giả thiết. Do đó nhà sử học kinh tế luôn chú ý giới hạn trường giá trị của những kết quả của mình thường được khoanh vào một giai đoạn, một không gian địa lí và một hiện tượng đặc biệt. Rất hiếm khi nhà sử học kinh tế tự cho phép tra hỏi những cách lí thuyết hoá của các bộ môn khác, trước những khó khăn gặp phải trong chuyên luận của mình. Trong phần lớn các trường hợp những khó khăn này được gán cho hoặc là sự không hoàn hảo của nguồn tư liệu, hoặc là cho đặc điểm của những cấu trúc xã hội-kinh tế và những biến cố so với sự trừu tượng hoá của lí thuyết “thuần túy”.
Về phần mình, nhà kinh tế, hiếm khi thể hiện một sự khiêm tốn như thế. Tự tin vào tính chất đáng kính của những khái niệm được nhà kinh tế sử dụng, vào tính chặt chẽ logic cho phép suy ra những hành vi cá thể hay những qui luật mang tính xu hướng của một số ít nguyên lí cơ bản, nhà kinh tế bị cám dỗ giải thích mọi sai biệt giữa tiến trình lịch sử và lời dạy của lí thuyết mình như một phế phẩm, một khiếm khuyết, cho dù sự cách biệt là cực lớn! Chức năng của những lí thuyết và những mô hình hoá há chẳng là nhằm vượt qua những ngẫu nhiên lịch sử để xác lập những gì có tính thường trực và lặp lại đó sao? Ngược lại với đồng nghiệp sử gia của mình, nhà nghiên cứu kinh tế ít có xu hướng thay đổi hệ kiến giải, và được khuyến khích kiên trì, cho dù phải xác định lại những thước đo mới hay những phương pháp mới cho phép đưa hiện thực lịch sử trở vào lại trường của lí thuyết mình. Việc đối chiếu lí thuyết định lượng tiền tệ với lịch sử tiền tệ của Hoa Kì hay của Vương quốc Anh minh hoạ cho cám dỗ thường trực này: cám dỗ công nhận giá trị của một giả thiết trung tâm của lí thuyết thông qua việc sửa đổi không đáng kể hay việc phức tạp hoá ad hoc của mô đình ban đầu. Đó hình như là vai trò của tính biến thiên của vận tốc của tiền tệ hay của sự tiếp nối nhau của những định nghĩa về thế nào là tiền tệ “đích thực”.

Fernand Braudel (1902-1985)
Không nghi ngờ gì là sự đối lập giữa những cách đặt vấn đề của nhà kinh tế và nhà sử học không tuyệt đối như trình bày ngắn gọn ở trên có thể gợi ý. Một mặt có vài nhà kinh tế lí thuyết luôn muốn tìm hiểu, nhờ vào lịch sử dài hạn, nguồn gốc của một số đặc trưng của mỗi nước và của những cuộc khủng hoảng, muốn thiết lập sự qua lại giữa công việc khái niệm hoá và việc đối chiếu với hiện thực lịch sử. Về phần một số nhà marxist phi chính thống từ lâu đã tìm hướng đi cho một biện chứng phong phú giữa những khái niệm và trực giác của Marx và những thay đổi diễn ra từ sau khi bộ Tư bản xuất hiện. Như thế điều đáng chú ý là họ đã thiết kế nhiều khái niệm mới, trung gian giữa sự trừu tượng hoá thuần túy và việc kiểm tra thực nghiệm. Mặt khác, trường phái Biên niên được hình thành như một phản ứng chống lại chủ nghĩa giáo điều của học thuyết marxist chính thức và vào một thời buổi nhiễu nhương khuyến khích việc quay trở về những giai đoạn lịch sử tương tự về mặt tầm quan trọng của những biến động kinh tế và những thay đổi xã hội. Từ đó đến nay, các nhà sử học đã tập trung xây dựng một hệ thống kiến giải tổng quát nhất quán, thông qua việc nhân rộng những nghiên cứu từng điểm nhưng có xu hướng tổng thể. Như vậy, ví dụ F. Braudel[3] đã đề nghị nhiều suy nghĩ độc đáo về lí thuyết và những giai đoạn của chủ nghĩa tư bản (tư bản hàng hoá có trước tư bản công nghiệp), đôi lúc trái ngược với những học thuyết chính thống hiện hành. Nhưng ngày nay những tổng hợp rộng lớn như thế ngày càng hiếm, không chỉ vì chúng đòi hỏi có những nhân cách đặc biệt. Ngày nay hầu hết những nhà nghiên cứu tự đóng khung trong một lịch sử đa âm, tuy vẫn mở rộng điều tra sang những lĩnh vực mới của đời sống trong xã hội, nhưng hiếm khi đặt vấn đề về tính tổng thể của hệ thống xã hội-kinh tế.
Xem lịch sử dài hạn như là phương tiện làm phong phú và để thiết kế có phê phán những trực giác marxian liên quan đến cơ năng của những nền kinh tế tư bản, đó là mục đích của những cách tiếp cận bằng sự điều tiết. Nếu xuất phát từ những bài học của Marx luôn là có tính kích thích, lợi ích của một thập niên nghiên cứu chính là đã tiến hành việc sắp xếp thứ bậc di sản này: giữa những khái niệm trừu tượng nhất (phương thức sản xuất, chế độ làm công ăn lương, v.v.) và những ý niệm có thể và phải được đối chiếu với những tiến trình được quan sát (ví dụ tính ổn định hay không của một sự điều tiết bộ phận, tính chu kì và cấu trúc của một cuộc khủng hoảng, v.v.); giữa một quan hệ xã hội tổng quát và những hình thái đặc biệt quan hệ này khoác vào theo thời gian; giữa những quy luật xuyên lịch sử và những quy luật kinh tế đơn giản có giá trị cho một tập hợp chính xác những hình thái xã hội.
III. Rèn giũa một tập những ý niệm trung gian
Thật vậy, những khó khăn được phân tích ở trên một phần lớn là do sự thống trị quá đáng của một trong hai cực trừu tượng hoá/chủ nghĩa thực nghiệm. Do đó vấn đề là xây dựng những ý niệm khác nhau cho phép chuyển từ mức độ trừu tượng hoá cao nhất đến những mệnh đề khả dĩ đối chiếu được với những dữ liệu điều tra hay với kinh nghiệm sống tức thì của các tác nhân xã hội. Chính đó là ý đồ chung của những nghiên cứu, khá khác nhau, tập hợp dưới tên gọi “những cách tiếp cận về điều tiết”. Cho dù phải đơn giản hoá rất nhiều một lịch sử thật ra phong phú hơn bội phần, sẽ là sáng tỏ nếu phân biệt và xếp theo thứ tự ba cấp độ phân tích và như thế xếp loại vị thế của những ý niệm khác nhau đặc trưng cho những cách tiếp cận điều tiết.
1.   Điểm xuất phát: những phương thức sản xuất và việc nối khớp các phương thức này
Sẽ không phải là vô ích khi đi từ phát biểu nổi tiếng của Marx: “Trong sự sản xuất xã hội ra đời sống của mình, con người có những quan hệ nhất định, tất yếu, không tùy thuộc vào ý muốn của họ... (Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị[4])”. Tuy nhiên, ta sẽ không theo hai khẳng định đầy đủ của trích dẫn trên. Một mặt, có lẽ là lạm dụng quá đáng khi thiết lập một quan hệ chặt chẽ giữa những quan hệ sản xuất với một giai đoạn nhất định của lực lượng sản xuất. Mặt khác, việc phân đôi cơ sở hạ tầng kinh tế và kiến trúc thượng tầng luật pháp làm tắt nghẽn hơn là tạo thuận lợi cho một phân tích xã hội giải phóng khỏi việc xác định, suy cho cùng, bằng kinh tế và trạng thái của những lực lượng sản xuất vật chất.
Giá trị của việc nhấn mạnh đến những quan hệ sản xuất là tránh được mọi sự lẫn lộn giữa những tranh chấp của các cá thể để chiếm giữ những vị thế trong nội bộ của một trong những phương thức sản xuất với những khuôn khổ xã hội tổng quát điều kiện hoá hoạt động kinh tế trên những khía cạnh tập thể. Nói cách khác, cần phải phân biệt, một mặt, logic tổng quát về những quan hệ xã hội và, mặt khác, những chiến lược được những nhóm hay cá thể triển khai để chen vào hay để tự giải phóng khỏi những quan hệ này. Về mặt lịch sử, những nghiên cứu về điều tiết xuất phát từ một quan niệm phương pháp luận tổng thể của mối liên hệ xã hội, mà không vì thế chối bỏ sự cần thiết làm rõ những trung gian thông qua đó những hành động tập thể hoặc cá thể được ấn định. Nói một cách hình ảnh, có lẽ sẽ là thích hợp nếu tìm ra những cơ sở xã hội vĩ mô cho một kinh tế học vi mô khác, theo một phương pháp đối xứng với trào lưu ngày nay đặc biệt năng động nhằm làm rõ những cơ sở kinh tế vi mô của kinh tế học vĩ mô.
Ích lợi của khái niệm phương thức sản xuất là vạch rõ những quan hệ giữa quan hệ xã hội và tổ chức kinh tế. Bằng thuật ngữ này người ta chỉ mọi hình thức đặc biệt của những quan hệ sản xuất và trao đổi, tức là những quan hệ xã hội chi phối sản xuất và tái sản xuất những điều kiện vật chất cần thiết cho đời sống của con người trong xã hội. Định nghĩa này là chung chung đến độ không thể ngay tức khắc đối chiếu nó với những xã hội hiện có vì sẽ là vô cùng đặc biệt khi một phương thức sản xuất thuần túy tượng trưng cho toàn bộ những quan hệ xã hội cấu thành một hình thái xã hội. Trong thực tế, tiếp sau những công trình của trường phái Althusser (E. Terray, P. -P. Rey, E, Balibar, N. Poulantzas, R. Fossaert) chính một hệ thống phức tạp và một sự nối khớp những phương thức sản xuất xác định hoặc là toàn bộ cấu trúc của một xã hội nhất định, hoặc, tốt hơn, và đó là điều sẽ được chúng ta chọn ở đây, chỉ ấn định có riêng cấu trúc kinh tế thôi.
Ernest Labrousse (1895-1988)
Sự phân biệt giữa phương thức sản xuất “thuần túy” và sự nối khớp của một tập những quan hệ sản xuất và trao đổi lại càng trở nên thiết yếu cho những nhà nghiên cứu quan tâm đến những thời kì xa xôi (tại đấy, ví dụ, phương thức sản xuất tư bản còn xa mới là thống trị, ngay cả đối với những nước sẽ trở thành hạt nhân của chủ nghĩa tư bản công nghiệp) hay đến những hình thái xã hội ở “ngoại vi” (tại đấy có nhiều quan hệ xã hội khác với quan hệ trao đổi hàng hoá hay quan hệ làm công ăn lương trong nghĩa hẹp). Các nhà kinh tế thường không quan tâm đến những hình thái được gọi là, vì không có từ nào hơn, tiền tư bản. Tuy nhiên cần nhấn mạnh đến sự hội tụ tuyệt vời của những công trình về sự điều tiết của những nền kinh tế tư bản với những nghiên cứu của các sử gia kinh tế về hệ thống phong kiến: việc đặt những công trình điều tiết gần những nghiên cứu của các sử gia E. Labrousse, W. Kula hay của G. Bois là ít ngẫu nhiên hơn do các nghiên cứu đều xuất phát từ một phương pháp luận chung. Những nghiên cứu này chỉ cho nhà kinh tế thấy tính biến đổi của những cơ chế kinh tế trong lịch sử dài hạn và giúp thoát khỏi khuynh hướng muốn phổ quát hoá những “qui luật” của kinh tế học “thuần túy” và tự nhiên hoá những hình thái xã hội gắn với chủ nghĩa tư bản.
Do tính đến đối tượng nghiên cứu thông thường của các nhà kinh tế, chúng tôi đề nghị giới hạn việc trình bày những khái niệm căn bản vào một trường hợp độc nhất khi phương thức tư bản là thống trị. Ta biết rằng phương thức này có những đặc điểm chính xác về những quan hệ trao đổi và những quan hệ sản xuất. Thứ nhất quan hệ trao đổi khoác một hình thái hàng hoá; nghĩa vụ thanh toán bằng tiền thiết lập đồng thời một ràng buộc tiền tệ và một chủ thể hàng hoá. Thứ hai, sự tách biệt những người sản xuất trực tiếp với những tư liệu sản xuất và như thế người sản xuất ở vào thế buộc phải bán sức lao động ấn định đặc điểm của những quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, hay còn là quan hệ làm công ăn lương nói chung. Do đó hiện tượng bề ngoài đối với những tác nhân trên thị trường là quan hệ làm thuê chỉ là sự nhân đôi nữa của sự tách biệt hàng hoá. Trong thực tế, sự tách biệt này đưa đến một sự tách biệt xã hội, về cơ bản khác với quan hệ hàng hoá. Sự phân biệt này là nền tảng của định nghĩa của một phương thức sản xuất như là sự kết hợp của những quan hệ sản xuất và những quan hệ trao đổi. Về phần mình, phân tích lịch sử xác nhận rằng sự phát triển của những quan hệ hàng hoá không nhất thiết đi cùng với sự phát triển của quan hệ làm thuê: F. Braudel há chẳng đã nhấn mạnh đến sự nổi lên khá sớm của một chủ nghĩa tư bản thương mại, lâu trước khi có chủ nghĩa tư bản công nghiệp đó sao?
Bởi thế, một khi chủ nghĩa tư bản công nghiệp được thiết lập thì sự phục tùng của người ăn lương không chỉ còn là hình thức mà là thực tế, khiến cho quá trình lao động có xu hướng bị một logic khác với quá trình sản xuất vật chất những giá trị sử dụng thống trị. Thật vậy, để đáp lại, quan hệ làm công ăn lương chi phối hình thái của những trao đổi hàng hoá: vị trí hàng đầu của giá trị trao đổi trên giá trị sử dụng khiến tư bản hiện ra như “giá trị tự làm nổi bật mình lên”. Như vậy, sự thống trị của phương thức tư bản chủ nghĩa khiến cho tích lũy trở thành mệnh lệnh và “qui luật cưỡng bức” áp đặt lên toàn bộ hệ thống[5].
Nhưng có thể rút ra từ nguyên lí này một chuỗi những qui luật có tính xu hướng mô tả cơ năng tất yếu, hay ít ra là có khả năng, của hệ thống chăng? Làm như thế là giả định một tương ứng đơn giản và một đối một giữa một hình thái tổng quát những quan hệ xã hội và một động năng trung hay dài hạn thể hiện bằng những phạm trù thông thường của phân tích kinh tế. Thế mà những cuộc thảo luận về chủ nghĩa duy vật lịch sử, những cuộc tranh luận về qui luật tỉ suất lợi nhuận có xu hướng giảm xuống và vấn đề chuyển hoá[6] cho thấy rõ ràng những nguy cơ của việc chuyển quá nhanh từ định tính sang định lượng, từ bí hiểm sang dễ hiểu, và một cách tổng quát hơn từ một cấp độ trừu tượng này sang một cấp độ khác. Vì thế nếu tích lũy thật sự xác định một khuynh hướng cố hữu của chủ nghĩa tư bản thì còn phải phân tích những dạng chính xác của xu hướng này và những mất cân bằng và mâu thuẫn mà những dạng này sản sinh ra.
2.   Một ý niệm trung gian đầu tiên: chế độ tích lũy
Nếu ta chấp nhận những trực giác marxian, vấn đề trung tâm có một dạng nghịch lí: bằng cách nào một quá trình mâu thuẫn như vậy có thể thành công trong dài hạn? Thật vậy, nếu việc trao đổi hàng hoá lan rộng khiến cho có thể có những cuộc khủng hoảng thì những cuộc xung đột sinh ra chung quanh quan hệ bóc lột và sự cạnh tranh giữa các nhà tư bản càng làm tăng khả năng, gần như là tất yếu, xảy ra những cuộc khủng hoảng này. Trong chừng mực mà chỉ có độc nhất logic tư bản, hoặc nếu không thì logic này là thống trị, thì phải chăng những nhân tố, trong lĩnh vực sản xuất là có lợi cho lợi nhuận lại cũng chính là những nhân tố gây tổn hại cho việc thực hiện trong lĩnh vực lưu thông, và do đó có hại cho tính liên tục của quá trình biến thái của tư bản? Nếu ngược lại, sự tái sản xuất của hệ thống đòi hỏi mở hệ thống đến những phương thức sản xuất không tư bản chủ nghĩa thì không có cơ chế tự động nào bảo đảm là động thái của tích lũy đi cùng với việc mở rộng không gian của lưu thông hàng hoá. Tóm lại, khủng hoảng, ở cương vị là một quá trình tái lập đột ngột sự thống nhất mâu thuẫn của những thời khắc khác nhau của tích lũy, phải là qui tắc chứ không phải ngoại lệ.
Trong thực tế, lịch sử gợi ý là có thể vượt qua những mâu thuẫn này, ít ra là một phần và tạm thời, khiến cho trong một vài thời kì tương đối dài những cuộc khủng hoảng nhẹ, thậm chí những suy thoái đơn giản, đủ để khởi động lại động thái cộng dồn của tích lũy. Giai đoạn sau thế chiến thứ hai minh hoạ cho một quá trình như vậy, một quá trình khó có thể lí giải chỉ bằng sự kết hợp kì diệu của những may mắn ngẫu nhiên, theo một công thức đối xứng với công thức một thời được dùng để giải thích cuộc khủng hoảng hiện nay. Có thể nào xem, như một đối chọn khác, là trong một thời gian một số hình thái xã hội định hình và hướng dẫn được những nét chính của tích lũy làm dịu đi những mất cần bằng và mâu thuẫn trước đó... cho đến khi chính sự thành công của những hình thái này làm nổi lên những giới hạn mới ngăn cản việc tiếp tục đeo đuổi tích lũy? Do đó có những gián đoạn và xung đột gắn với một cuộc khủng hoảng, một hiện tượng thể hiện nhiều điều hơn là đơn thuần một tai nạn tình thế.
Bởi thế, nghiên cứu những khả năng trong dài hạn của tích lũy do đó là tìm ra những quy luật xã hội và kinh tế khác nhau liên quan đến:             
-          một kiểu tiến hoá của cách tổ chức sản xuất và của những quan hệ của người làm công ăn lương với những tư liệu sản xuất;
-          một chân trời thời gian làm tăng giá trị của tư bản trên cơ sở đó những nguyên lí quản lí có thể nổi lên;
-          một sự phân chia giá trị cho phép có được sự tái sản xuất động của những giai cấp hay nhóm xã hội khác nhau;
-          một cơ cấu của cầu xã hội làm tăng giá trị của xu hướng của tiến trình của những năng lực sản xuất;
-          một dạng thức nối kết với những hình thái không tư bản chủ nghĩa, khi những hình thái này có một vị trí quyết định trong hình thái kinh tế được xem xét.
Từ đó có định nghĩa của một chế độ tích lũy. Bằng thuật ngữ này ta chỉ toàn bộ những quy luật bảo đảm một sự tiến triển chung và tương đối nhất quán của tích lũy tư bản, nghĩa là cho phép loại bỏ hay trải dài trong thời gian những méo mó và mất cân bằng luôn phát sinh từ ngay chính bản thân quá trình tiến hoá. Trong thực tế, năm đặc điểm trên là đủ để chỉ định về mặt logic một hình thái chính xác của động thái từng khu vực. Điều này là hiển nhiên đối với những đặc điểm xác định những tham số cần thiết để đóng một mô hình tương đương với một mô hình kinh tế vĩ mô: cơ cấu kĩ thuật gắn với một tổ chức của sản xuất, phân chia giá trị, cơ cấu của cầu, những chuyển nhượng khác gắn với những quan hệ sản xuất khác, như địa tô. Còn về chân trời thời gian làm tăng giá trị của tư bản thì đặc điểm này là ẩn ngầm: mặc dù nằm trong không gian những biểu trưng của các tác nhân, nó bổ sung cho xu hướng làm nặng nề thêm những tổ hợp sản xuất và việc đào sâu phân công lao động trong chính nội bộ những trung tâm tích lũy có quy mô lớn.
Một vài bình luận ngắn về khái niệm chế độ tích lũy. Thứ nhất đến lượt phải giải thích nguồn gốc của những quy luật này từ sự phân tích về hình thức chính xác của cạnh tranh, quan hệ làm công ăn lương, hay việc hội nhập vào những quan hệ quốc tế (đoạn 3 dưới đây). Thứ hai, tính chất mất cân bằng tiềm tàng của tích lũy vẫn còn ví dụ, sự lặp lại của những cơn khủng hoảng ít nhiều có tính chu kì là một bộ phận cấu thành của quá trình điều chỉnh gắn với mọi chế độ tích lũy (đoạn 4). Cuối cùng, sự ổn định động không nhất thiết được đảm bảo trong dài hạn vì sự thống trị lần hồi và sự lấn sâu của một chế độ tích lũy đến hạn sẽ dẫn tới một dạng khủng hoảng cấu trúc (đoạn 5).
Như thế việc qui chiếu về những chế độ tích lũy khác nhau tránh được những bất biến, thường được kinh văn marxist có cảm hứng cấu trúc luận viện đến, được xem như điểm đầu tiên và cuối cùng của sự phân tích một hình thái xã hội nhất định. Thật vậy, giả thiết trung tâm là việc tái sản xuất toàn bộ của hệ thống có thể được tiến hành dưới những dạng khác nhau. Như vậy điều cơ bản, trong một nghiên cứu về dài hạn, là phân tích chính xác những thay đổi, định tính và định lượng, cần thiết cho việc duy trì dai dẳng những quan hệ tư bản chủ nghĩa nói chung. Vả lại những nghiên cứu tiến hành trước đó xác nhận tính biến dạng của những chế độ tích lũy trong thời gian và trong không gian.
Cuối cùng, mệnh lệnh và logic của tích lũy có thể có những dạng rất khác nhau mà những hệ quả, về mặt động thái kinh tế và cấu hình xã hội, còn xa mới là tương đương. Do đó lợi ích của một cấp độ phân tích thứ hai nhằm chuyển từ những quan hệ xã hội nói chung sang cấu hình đặc thù của một nước và ở một giai đoạn lịch sử nhất định.
3.   Bước thứ hai: đặc trưng cấu hình chính xác của những hình thái thể chế
Khái niệm hình thái cấu trúc (hay thể chế) nhằm mục đích làm rõ nguồn gốc của những quy luật huớng dẫn sự tái sản xuất kinh tế trong một thời kì lịch sử nhất định. Hơn nữa, khái niệm mở rộng đến ngay chính những quan hệ xã hội cách đặt vấn đề được làm rõ ở trên về tích lũy: những bất biến chỉ có thể tái sản xuất thông qua những thay đổi thường xuyên -đặc biệt nhạy cảm trong dài hạn- của hình dạng và sự nối khớp của chúng.
Như thế một hình thái thể chế (hay cấu trúc) được định nghĩa như mọi điển chế hoá của một hay nhiều quan hệ xã hội cơ bản. Những hình thái thể chế xác đáng do đó phát sinh từ cái được xem là đặc điểm của phương thức sản xuất thống trị. Nếu ta giới hạn ở chủ nghĩa tư bản, có ba hình thái thể chế cơ bản. Trước hết, tiền tệ có thể là hình thái thể chế bao trùm nhất, vì nó xác định một phương thức kết hợp những đơn vị kinh tế. Tiếp đến là quan hệ làm công ăn lương, một thiết chế thiết yếu vì nó đặc trưng một kiểu chiếm hữu đặc biệt thặng dư. Cuối cùng là cạnh tranh do hình thái thể chế này mô tả những dạng thức liên hệ giữa những trung tâm tích lũy.
Những hình thái của ràng buộc tiền tệ. - Ràng buộc tiền tệ thể hiện như thế nào trong những hệ thống khác nhau đã tiếp nối nhau từ lúc chủ nghĩa tư bản công nghiệp nổi lên? Ngoài đòi hỏi cấp thiết của việc tái sản xuất vật ngang giá, cơ sở của trao đổi hàng hoá, còn có thể có nhiều cấu hình khác nhau về quản lí tiền tệ. Hình thái tiền tệ của một nước ở một thời kì nhất định được định nghĩa như phương thức được khoác vào quan hệ xã hội cơ bản xác lập những chủ thể hàng hoá. Trong nghĩa này, và trên quan điểm lí thuyết, tiền tệ không phải là một hàng hoá đặc biệt mà là một hình thức liên hệ giữa những trung tâm tích lũy, người làm công ăn lương và những chủ thể hàng hoá khác. Tùy theo tính chất kim loại hay phi vật thể của tiền tệ, mức độ phát triển của những chức năng của tiền tệ, sự thống trị của một logic tư nhân hay công cộng, quốc tế hay quốc gia, có thể hình dung những dạng thức ràng buộc tiền tệ khác nhau.
Rõ ràng là hình thái tiền tệ có những quan hệ chặt chẽ với các không gian quốc gia và quốc tế. Một mặt, tiền tệ là một trong những biểu hiệu then chốt của những Nhà nước-quốc gia và có xu hướng thuần nhất hoá một không gian lưu thông hàng hoá trong những biên giới chủ yếu là chính trị. Nhưng mặt khác, sự chủ động của những tác nhân thị trường hay một sự chuyển đổi được các giới chức tiền tệ thiết lập bảo đảm một sự liên thông với những không gian lưu thông khác khiến cho logic tiền tệ vượt khỏi Nhà nước-quốc gia và áp đặt những giới hạn cho quyền tự trị của Nhà nước-quốc gia.
Cách tiếp cận này khác với hầu hết những lí thuyết lưỡng phân và có tham vọng mang tính phổ cập vốn xem, ví dụ, tiền tệ là một hiện tượng chủ yếu và chỉ có tính tiền tệ, không có quan hệ gì với những hình thức tổ chức hoạt động kinh tế khác. Mặt khác, tiền tệ là một bộ phận cấu thành của tái sản xuất những hệ thống hàng hoá, nên việc điều tiết những hệ thống này vừa là điều tiết tiền tệ vừa là điều tiết thực tế. Do đó động thái chéo của tín dụng và tiền tệ tác động đến quá trình tích lũy, sản xuất và việc làm chứ không chỉ ảnh hưởng đến mức giá thôi. Theo cách đặt vấn đề này, tính trung lập của tiền tệ như thường được các nhà trọng tiền... và đôi lúc cả các nhà marxist giả định là không có giá trị. Mặt khác, một số thay đổi định tính trong quản lí tiền tệ có thể kéo theo những biến đổi chủ yếu của động thái của mức giá, và rộng ra của toàn bộ những thu nhập danh nghĩa. Do dó có thể có một cách kiến giải tiền tệ nhưng không trọng tiền về những thời kì lạm phát hay thiểu phát.
Những cấu hình của quan hệ làm công ăn lương. - Tiếp đấy có thể nào làm rõ nhiều dạng quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa không? Xác định những hình thái của quan hệ làm công ăn lương tức là đặc trưng những quan hệ hỗ tương giữa những kiểu tổ chức lao động khác nhau, lối sống và những phương thức tái sản xuất của người làm thuê. Về mặt phân tích, có năm thành phần can dự vào việc đặc trưng những cấu hình lịch sử của quan hệ tư bản-lao động: kiểu tư liệu sản xuất; hình thức của phân công xã hội và phân công kĩ thuật của lao động; dạng thức vận động và kết buộc người làm thuê với doanh nghiệp; những nhân tố quyết định thu nhập bằng lương, trực tiếp hay gián tiếp, cuối cùng lối sống làm thuê, ít nhiều gắn với việc có được hàng hoá hay việc sử dụng những dịch vụ tập thể nằm bên ngoài thị trường.
Những nghiên cứu về dài hạn được tiến hành trước đây ở Hoa Kì và Pháp xác nhận sự tồn tại của những hình thái rất khác nhau của quan hệ làm công ăn lương: quan hệ có tính cạnh tranh được đặc trưng bởi việc hội nhập yếu của tiêu dùng của nguời lao động trong chính ngay sản xuất tư bản chủ nghĩa; quan hệ có tính taylorian thiết lập việc tổ chức lại lao động một cách đáng kể mà không có sự biến đổi tương ứng trong lối sống của người làm công; cuối cùng quan hệ có tính fordian chế định một bước phát triển song song nhất định giữa tiến triển những chuẩn mực sản xuất và việc phổ biến những chuẩn tiêu dùng mới. Nhìn qua liệt kê ngắn này thì rõ ràng rằng quan hệ làm công ăn lương không phải là không có liên hệ với những chế độ tích lũy khác nhau, ít ra là đối với những nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thống trị.
Những hình thái của cạnh tranh. - Thứ ba, quan hệ giữa những trung tâm tích lũy phân tán mà những quyết định tiên nghiệm là độc lập với nhau được tổ chức như thế nào? Ý niệm hình thái của cạnh tranh cho phép trả lời câu hỏi này bằng cách phân biệt nhiều trường hợp đối cực khác nhau. Đó là những cơ chế cạnh tranh khi sự đối chiếu ex post trên thị trường xác định hay không giá trị của những lao động tư nhân. Còn hình thái cạnh tranh độc quyền là hình thái khi một số qui tắc xã hội hoá ex ante của sản xuất bằng một cầu xã hội có một trị giá và một cơ cấu gần như tương ứng chiếm ưu thế.
Không nghi ngờ gì là sự phân biệt một giai đoạn cạnh tranh và một giai đoạn độc quyền đã có mặt trong nhiều nghiên cứu có cảm hứng marxist hay thể chế. Về phần mình, cách đặt vấn đề điều tiết ít nhấn mạnh đến những hiện tượng tích tụ và tập trung như là những đặc điểm của các cơ cấu nhưng lại nhấn mạnh đến hệ quả của những hiện tượng này về mặt tích lũy và động thái của lợi nhuận. Thật vậy, điều quan trọng là giải thích bằng cách nào những thay đổi trong cạnh tranh góp phần làm chuyển một chế độ tích lũy này sang một chế độ tích lũy khác. Thế mà, trên quan điểm lí thuyết, không gì đảm bảo rằng những thay đổi này là những thay đổi chủ yếu nhất. Trong một số trường hợp chúng đi kèm với những thay đổi của quan hệ làm công ăn lương (phương pháp Taylor và chế độ Ford) và của ràng buộc tiền tệ (quan hệ giữa độc quyền hoá và tiền tín dụng). Trong một số trường hợp khác, những thay đổi trong cạnh tranh gây nên chính ngay những thay đổi của quan hệ làm công ăn lương và của ràng buộc tiền tệ.
Ngay từ bây giờ việc xác định ba hình thái thể chế này đã đưa đến việc bàn luận về không gian trong đó chúng vận hành: chủ yếu đó là không gian của Nhà nước dân tộc. Một mặt, tiền quốc gia tạo nên một sự chênh lệch giữa lưu thông trong và ngoài nước và cho đến nay lịch sử gợi ý là luôn có một đồng tiền quốc gia đặc biệt, đồng tiền của nền kinh tế bá quyền được dùng trong việc liên kết những không gian quốc gia khác nhau. Từ đấy làm cách nào quan niệm tính ổn định của một hệ thống tiền tệ quốc tế và, một cách tổng quát, bằng cách nào mỗi chế độ tăng trưởng quốc gia hội nhập vào hệ thống quốc tế hiện hành? Mặt khác, hình thái của quan hệ làm công ăn lương là kết quả của những thỏa hiệp trong thực tế hay được thể chế hoá, chỉ có ý nghĩa trong những liên minh giai cấp gắn với lịch sử riêng của mỗi nước. Cuối cùng những hình thái của Nhà nước về mặt lịch sử có nguồn gốc trong một không gian xã hội được xác định rõ, chính xác hơn được xác định bởi việc quản lí tiền tệ và những hình thức của những thành tố chủ yếu nhất của quan hệ làm công ăn lương. Bởi thế cần phải trình bày hai hình thái thể chế cuối cùng, gắn với nhau một cách biện chứng: những kiểu hội nhập vào hệ thống quốc tế và những hình thái của Nhà nước.
Dạng thức gia nhập vào chế độ quốc tế. - Bản chất của việc gia nhập vào chế độ quốc tế của một nước xác định một hình thái thể chế thứ tư, một hình thái thiết yếu cho việc phân tích những động thái xã hội-kinh tế. Sự gia nhập này được định nghĩa như việc kết hợp những qui tắc tổ chức các quan hệ giữa Nhà nước-quốc gia và phần còn lại của thế giới, về phương diện trao đổi hàng hoá cũng như phuơng diện định vị các nơi sản xuất, thông qua đầu tư trực tiếp hay tài trợ những luồng và số kết ngoại thương. Trên điểm này, nguời ta thường đối lập một bên là một tích lũy gần như tự cung tự cấp, và mặt khác một động thái kinh tế quốc gia vốn là hình chiếu trên lãnh thổ này của một logic chỉ được thể hiện ở bình diện thế giới. Trong thực tế, những cách tiếp cận bằng những khái niệm điều tiết đưa đến một quan niệm tinh tế hơn và phát triển một loạt những khái niệm trung gian đi từ chế độ quốc tế (nghĩa là cấu hình những không gian kinh tế và sự nối kết những không gian này) để định nghĩa ý niệm những khu vực chiến lược, tức là toàn bộ những tiềm năng mà chế độ quốc tế mở ra cho mỗi nước cũng như những ràng buộc nó áp đặt cho mỗi nước[7].
Bởi thế, biện chứng giữa tự trị quốc gia và ràng buộc bên ngoài bị tương đối hoá: cùng một đặc điểm của chế độ quốc tế có thể kích thích phương thức tăng trưởng của một nước, hay ức chế, thậm chí đặt lại vấn đề phương thức tăng trưởng của một nước khác. Tương tự như vậy, phải nghi ngờ sự lưỡng phân bên trong/bên ngoài: một mặt, những hình thái thể chế quốc gia đáp ứng một cấu hình nhất định của việc hội nhập với bên ngoài; mặt khác, nhiều xung đột và mất cân bằng có tính chất nội bộ thường có hệ quả là được giải quyết bằng xung đột với trật tự quốc tế hiện hành.
Như thế cách đặt vấn đề này mời gọi vượt qua sự đối lập ít nhiều mang tính trắng đen giữa nền kinh tế đóng và nền kinh tế mở (như được lí thuyết kinh tế vĩ mô quan niệm) hay tương đối hoá ý kiến thông dụng theo đó việc quốc tế hoá không ngừng được mở rộng từ khi chủ nghĩa tư bản công nghiệp phát triển. Thật vậy, lịch sử của hai thế kỉ qua gợi ý là những xu hướng toàn cầu hoá và hướng ngoại của chế độ tích lũy không phải là những đặc điểm riêng của thời kì mới gần đây. Ví dụ, có nhiều khả năng là chế độ công nghiệp hoá của nền kinh tế Anh sẽ không có cùng một hình thái như nó đã có nếu thiếu một sự nối khớp rất đặc biệt với phần còn lại của thế giới: nhập khẩu những sản phẩm nông nghiệp và nguyên liệu cho công nghiệp, xuất khẩu hàng dệt (tiếp đấy là máy móc), những sản phẩm đại trà và vượt quá khả năng hấp thụ của thị trường trong nước. Ngay cả khi ta giới hạn vào thời kì đương đại, những so sánh quốc tế cho thấy một điều hiển nhiên là tính đa dạng của việc mỗi nước gia nhập vào chế độ quốc tế và của những quan hệ đặc biệt chi phối động thái nội bộ và những xu hướng của nền kinh tế quốc tế.
Nhưng ngoài vấn đề hội nhập quốc tế của một nước nhất định còn một vấn đề khác: đó là vấn đề những lực đảm bảo sự cố kết chặt chẽ của toàn bộ hệ thống quốc tế. Có thể nào xác định những hình thái thể chế tương tự với những quốc gia, đối lập những nguyên lí cố kết và chứng minh là những hình thái thể chế này đã tiếp nối nhau hay kết hợp với nhau trong lịch sử chăng? Đây là một công trường mở ra cho những cách tiếp cận điều tiết để phân tích vấn đề này nhằm đưa ra một thiết kế lí thuyết đối xứng với những kết quả đạt được về mặt điều tiết quốc gia.
Những hình thái của Nhà nước. - Bản chất của những quan hệ giữa Nhà nước, tư bản và tích lũy thường được dùng để phân kì những giai đoạn trưởng thành khác nhau của chủ nghĩa tư bản. Một cách cơ bản hơn, một số nhà lí thuyết lấy cảm hứng từ học thuyết marxist đã tìm nguồn gốc của Nhà nước từ tư bản... trong lúc nhiều nhà sử học đã phân tích sự nổi lên của Nhà nước từ việc thiết lập thuế khoá và sự kiểm tra dân chủ gắn liền với thể chế này. Thường thì những nghiên cứu của các nhà điều tiết không được tiến hành ở mức độ những lí thuyết về Nhà nước. Một cách khiêm tốn hơn, những nghiên cứu này đã tìm cách đặc trưng hoá những hình thái khác nhau của Nhà nước và những hệ quả trên động thái kinh tế của những hình thái này.
Trên cương vị này, Nhà nước hiện ra như một tổng thể, thường mâu thuẫn, của một tập những thỏa hiệp được thể chế hoá, để dùng một thuật ngữ của Ch. André và R. Delorme. Những thỏa hiệp này, một khi đã được xác lập, tạo nên những qui tắc và quy luật trong sự tiến triển của những chi tiêu và nguồn thu công cộng, theo một cách gần như tự động mà, ít ra, trên nguyên tắc, là hoàn toàn khác với logic của trao đổi hàng hoá. Ví dụ những đối lập giữa luật dân sự và luật xã hội, hay giữa luật thương mại và luật lao động.
Trong nghĩa này, những hình thái thể chế và những thỏa hiệp được thể chế hoá hiện ra như là phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau. Một mặt những hình thái của quan hệ làm công ăn lương và của cạnh tranh không phải là không ảnh hưởng đến việc quản lí những chuyển nhượng xã hội và những chi tiêu công cộng có tính chất kinh tế. Mặt khác, pháp luật, những qui định và qui tắc được Nhà nước thúc đẩy hay thừa nhận thường có một vai trò quyết định trong việc phổ biến, và đôi lúc trong sự hình thành, của những hình thái thể chế chủ yếu. Đó là trường hợp của việc quản lí những chi phí công cộng gắn với quan hệ làm công ăn lương hay việc pháp điển hoá một số qui tắc cạnh tranh (những qui định công nghiệp, hệ thống thuế khoá, đặt hàng công công...). Khi tính đến tính bội và tính phức tạp của những mối liên hệ này giữa những can thiệp của Nhà nước và hoạt động kinh tế, thì không có gì ngạc nhiên khi có thể gắn với việc chuyển từ một chế độ tích lũy này sang một chế độ tích lũy khác với một đột biến của những hình thái của Nhà nước. Do đó, Nhà nước, dù bị giới hạn hay đã hội nhập, tham gia vào việc thiết lập, phát triển và sự khủng hoảng của mọi chế độ tích lũy.
Trong những điều kiện trên, không thể định nghĩa là Nhà nước đứng ngoài hệ thống kinh tế mà cũng không vì thế mà phải theo một quan điểm hoàn toàn chức năng về những sự can thiệp của nó. Như thế, một chính sách kinh tế lúc đầu có thể thành công lớn nhưng sau đó lại tỏ ra bất lực trong việc định hướng những mất cân bằng, vốn từ đầu có tính cục bộ và giới hạn đã trở thành những mất cân bằng tổng quát và cộng dồn. Theo quan niệm này thì không có sự thắng thế của một sự xác định trước hoàn toàn cũng như không có sự tự chủ hoàn toàn của những hình thức can thiệp của Nhà nước.
4.   Từ những quy luật bộ phận đến sự điều tiết toàn cục
Một số những hình thái thể chế được trình bày trên đây (quan hệ làm công ăn lương, cạnh tranh và hội nhập quốc tế) can dự vào việc xác định một chế độ tích lũy. Tuy nhiên chế độ này chỉ được xác định ở cấp độ toàn thể hệ thống và ở một mức độ trừu tượng nhất định. Hẳn là, một khi tính ổn định động của hệ thống được kiểm định từ thời kì này sang thời kì khác, thì nguyên lí tích lũy cuối cùng được những nhóm và tác nhân kinh tế nội hiện hoá một cách trực giác -và luôn không hoàn hảo và thiếu sót. Nhưng còn phải giải thích bằng cách nào nhóm và tác nhân kinh tế điều chỉnh được những quyết định hằng ngày của họ, khi chỉ biết những ràng buộc họ gặp phải ở cấp độ địa phương chứ không biết những “qui luật nội tại” được áp đặt một cách tổng quát.
George Akerlof (1940-)
Đi tìm một định nghĩa. - Chính mục đích của ý niệm điều tiết là nhằm tiến hành bước chuyển từ một tập những tính duy lí hạn chế của vô số những quyết định sản xuất và trao đổi phi tập trung sang khả năng có một sự cố kết động của toàn bộ hệ thống. Một mặt, ngược lại với những lí thuyết truyền thống về cân bằng, trong những điều kiện đặc trưng của những nền kinh tế cụ thể ít có khả năng có được sự hội tụ về một cân bằng tĩnh. Việc điều chỉnh tổng quát của sản xuất với cầu xã hội, của sự phân phối thu nhập và những luồng tài chính là kết quả của việc kết hợp những cơ chế bộ phận không hoàn hảo và có độ trễ chứ không phải là kết quả của tính cố kết hoàn chỉnh như khái niệm cân bằng chung giả định. Mặt khác, và theo những nghiên cứu mới đây (trong số đó có những nghiên cứu của G. A. Akerlof), hệ quả của logic riêng của những thể chế, hình thái tổ chức trong doanh nghiệp và của hợp đồng lao động, v.v. là tạo nên những điều chỉnh khác một cách cơ bản với những điều chỉnh của các thị trường cạnh tranh thuần túy và hoàn hảo. Những điều chỉnh này không đơn giản xác định những sai lệch tạm thời hay điều kì dị địa phương -cho thấy khoảng cách không thể lấp được giữa biểu tượng lí thuyết và sự phực tạp của những hiện tượng lịch sử có thực-, nhưng quả đã xác định những cấu hình ổn định bảo đảm việc tái sản xuất hệ thống xã hội-kinh tế trong dài hạn.
Bởi thế được gọi bằng phương thức điều tiết mọi tập hợp những thủ tục và hành vi, cá thể và tập thể có ba đặc tính sau:
-          tái sản xuất những quan hệ xã hội cơ bản thông qua việc kết hợp những hình thái thể chế đã được lịch sử xác định;
-          nâng đỡ vàlèo láichế độ tích lũy hiện hành;
-          bảo đảm sự tương thích động của một tập những quyết định phi tập trung, mà các tác nhân kinh tế  không cần phải nội hiện những nguyên lí điều chỉnh của toàn bộ hệ thống.
Rõ ràng là khái niệm này nhằm thay thế lí thuyết những lựa chọn cá nhân và khái niệm cân bằng chung như điểm xuất phát cho việc nghiên cứu những hiện tượng kinh tế vĩ mô. Thật vậy, mọi phương thức điều tiết đều mô tả cách mà việc kết hợp những hình thái thể chế nhào nặn, hướng dẫn và trong một số trường hợp ràng buộc những hành vi cá thể và xác định trước những cơ chế điều chỉnh trên các thị trường, những cơ chế này thường bắt nguồn từ một tập những qui tắc và nguyên lí tổ chức mà nếu không có chúng những cơ chế này không vận hành được. Trong quan niệm này, không thể tiến hành tách ra một mặt kinh tế thuần túy và mặt kia là cái xã hội: ngay những thị trường cạnh tranh thuần túy và hoàn hảo đều bắt nguồn từ cùng một cách định dạng không gian xã hội, một thiết kế từ những quan hệ quyền lực và những qui tắc pháp lí.
Nhưng không vì thế mà một sự tự chủ tương đối của những chiến lược cá thể lẫn tính không đồng nhất của những hành vi trong cùng một tập những hình thái thể chế bị chối bỏ. Để dùng một hình ảnh, có thể nói là không thể đồng hoá những cuộc đấu tranh giành vị trí thứ bậc trong một trật tự nhất định với những cuộc xung đột giai cấp, hay chính xác hơn với những cuộc giao tranh mà kết cuộc được thua là sự đảo lộn những quan hệ quyền lực và những qui tắc của cuộc chơi.
Những hình thái thể chế vận động như thế nào? - Quả thật đây là câu hỏi trung tâm, nếu ta muốn chuyển từ việc nhận thức đơn thuần là có những quy luật sang việc giải thích logic, sự hình thành...  đến việc xét lại những hình thái thể chế này. Đối với câu hỏi đầy tham vọng này, những nghiên cứu bằng ý niệm điều tiết đang còn ở những bước đầu, bước tìm kiếm những giả thiết tạo lập và những trực giác có thể dùng làm cơ sở cho những hình thức hoá sau này. Một cách vô cùng sơ lược, có thể đề ra ba nguyên lí tác động của các hình thái thể chế.
·      Pháp luật, qui tắc hay qui định, được xác định ngay từ đầu ở mức độ tập thể có thiên hướng áp đặt, bằng sự cưỡng chế trực tiếp hay bằng biểu tượng trung gian, một kiểu hành vi kinh tế cho các nhóm và cá thể có liên quan. Nhưng không vì thế mà có thể xem ràng buộc là nguyên lí tạo lập duy nhất của những quy luật xã hội và kinh tế. Trước hết, trong những xã hội dân chủ, pháp luật đòi hỏi một sự bầu phiếu và đồng ý tối thiểu, ít ra là đối với các đại biểu chính trị. Tiếp đấy và nhất là một khi luật pháp có xung đột với những quan hệ quyền lực hiện có hay là quá mâu thuẫn với logic của những quyền lợi tư nhân (đặc biệt là quyền lợi kinh tế) thì luật pháp bị lẩn tránh, bị tước hết nội dung và bị bỏ rơi tiếp sau sự đối lập của cái cá thể và cái tập thể. Nhận định này gợi ý một nguyên lí tác động thứ hai của những hình thái thể chế.
·      Quả thật là việc đạt đến một thoả hiệp, tiếp theo những cuộc thương thảo, xác định một cách tiên nghiệm khác với cách trên. Chính những tác nhân tư nhân, xuất phát từ quyền lợi bản thân của họ, đạt đến một số qui ước chi phối những cam kết của họ với nhau. Nếu tiền tệ có lẽ là nguyên mẫu của một thể chế tập thể thì thỏa thuận về lương, kết quả của những cuộc thương thuyết giữa giới chủ và các công đoàn là một ví dụ tốt về hình thái thứ hai này. Vả lại cả hai hình thái này không loại trừ lẫn nhau vì một thỏa ước tư nhân (ví dụ, một thỏa ước tập thể tiêu biểu) có thể được mở rộng, bằng pháp luật hay qui định, đến một tập hợp rộng hơn những bên liên quan lúc đầu (phương thức mở rộng ra một ngành trong luật lao động Pháp). Quá trình biến tướng này từ cá thể sang tập thể có mặt trong nhiều lĩnh vực của luật lao động, luật thương mại, thậm chí cả luật hành chính.
·      Nhưng còn một cách thứ ba để có được một pháp điển hoá ngầm và một đồng nhất hoá tương đối những hành vi: ngay cả khi không có pháp luật và thỏa thuận tư nhân, một hệ thống giá trị chung, hay ít ra những biểu tượng, đủ để cho nề nếp cũ thay thế tính tự phát và tính đa dạng của những xung năng và chủ động cá thể. Đó là trường hợp của những niềm tin tôn giáo, những phép tắc cư xử... nhưng ở cấp độ kinh tế cũng còn là trường hợp những dự kiến dài hạn (những tầm nhìn về tương lai của Keynes) và những biểu tượng liên quan đến kinh tế và những luật chơi của xã hội được xem xét. Như thế có thể giải thích được là cùng một quan hệ xã hội có thể tùy trường hợp suy ra từ những qui tắc pháp lí có tính ràng buộc, hoặc từ những hệ thống biểu tượng chung ngầm ẩn. Việc chấp nhập những chuẩn hiện hành hiện ra như biểu hiện của lựa chọn tự do của những cá thể. Trong khuôn khổ này, rất có thể là một quan hệ xã hội mới được thiết lập dưới vẻ bề ngoài của những qui tắc cũ, mà tính hiệu lực thực tế đã bị biến đổi. Ví dụ đó là những đặc điểm của quan hệ làm công ăn lương ở Nhật, hay việc mở rộng của chế độ làm công ăn lương trong nông nghiệp dưới hình thức của những quan hệ sản xuất truyền thống trong một số nước châu Mĩ la tinh.
Herbert A. Simon (1916-2001)
Những nhận xét trên dẫn đến việc làm rõ những quan hệ của cách tiếp cận điều tiết với nhuwxbg cách tiếp cận bằng khái niệm cân bằng. Có một khoảng cách lớn so với việc các tác giả tân cổ điển sử dụng, đôi lúc rất giáo điều, khái niệm cân bằng chung. Thật vậy, trong lịch sử dài hạn cũng như trong những nền kinh tế đương đại, những sở thích và những khả năng sản xuất không được xác định một cách tiên nghiệm mà là kết quả của chính quá trình xã hội-kinh tế. Do đó sẽ là có vấn đề khi phân tích khủng hoảng như sự không thích đáng của những hình thái xã hội đối với cân bằng có trước đấy, được giả định là duy nhất. Nhưng khoảng cách là ngắn hơn nếu so với một số nghiên cứu gần đây, tân cổ điển về mặt phương pháp nhưng phi chính thống về mặt đối tượng: sự hình thành và tính ổn định của những biểu tượng, thể chế và qui ước. Dưới đây chỉ nêu lên ngắn gọn ba hướng nghiên cứu.
·      Thay thế tiêu chí tính duy lí tổng quát bằng tính duy lí hạn chế, H. A. Simon như vậy đã đề nghị những hình thức hoá gợi ý những tổ chức và phương thức lựa chọn thật sự được các tác nhân sử dụng để xử lí thông tin thích đáng đối với họ. Ông há chả là một trong những người đầu tiên làm rõ những khác biệt giữa một hợp đồng cung cấp dịch vụ và một hợp đồng lao động và đề xuất một số nhân tố có tính quyết định điều kiện hoá lựa chọn này sao? Điều có ý nghĩa là quan hệ làm công ăn lương hiện ra như một đối chọn với quan hệ hàng hoá và có thể là cao hơn quan hệ này. Đây là một trong những ví dụ đầu tiên giải thích những thể chế như biểu thị cho một tính duy lí cao hơn tính duy lí của thị trường.
·     
Andrew Schotter
Tương tự như thế, lí thuyết trò chơi lặp lại[8] cung cấp những trực giác lí thú về vai trò của những thể chế và qui ước: những thể chế và qui ước  này há chẳng phải là phương tiện né tránh sự lặp lại, từ thời kì này sang thời kì khác của thế lưỡng nan của người tù[9] sao? Ví dụ có thể tìm thấy ở A. Schotter một mỗ lực nhằm không biến những hình thái tổ chức thành những dữ liệu ngoại sinh, và phần nào là nhiễu, nhưng là những yếu tố cấu thành một tính ổn định và tối ưu nhất định của những quá trình xã hội kinh tế.
·      Cuối cùng, nhờ một vài lí thuyết gia và nhà kinh tế toán học ta có được chứng minh là phương pháp cân bằng chung có thể được mở ra để tính đến những dự kiến, những hệ thống giá trị, những quá trình nhận thức, những quan hệ phi hàng hoá. Tính độc đáo của những mô hình do, ví dụ, G. A. Akerlof thiết kết là đã cho thấy rằng với bao nhiêu hệ thống xã hội-văn hoá điều kiện hoá những lựa chọn kinh tế thì có thể -hoặc không- tồn tại bấy nhiêu cân bằng. Những hình thức hoá của ông về những xã hội có đẳng cấp, những tâp quán, những tin tưởng một cách tiên nghiệm là “phi lí”... nhưng cả những hợp đồng lao động minh hoạ một cách thuyết phục cho khả năng đảo ngược những cách tiếp cận cái xã hội của nhà kinh tế.
Tuy nhiên cần nêu lên một khác biệt đáng kể giữa “chủ nghĩa tân cổ điển sáng suốt” này và những cách tiếp cận điều tiết. Hành động tập thể không nhất thiết được xác định bằng cách gộp và liên minh các cá thể vốn về bản chất là những cá thể nguyên tử và có những hành vi độc lập một cách tiên nghiệm. Hơn nữa, cách hiểu những mô hình trên không phải lúc nào cũng là cách kiến giải của những tác giả của những mô hình ấy. Phù hợp với những tiên đề khoa học luận và phương pháp luận của họ, các nhà tân cổ điển có xu hướng muốn tạo ra một cách trừu tượng những cơ sở logic của những thể chế, ở mọi lúc và mọi nơi. Làm như vậy thì thường có một vấn đề vẫn còn nằm trong bóng tối, mặc dù đó là một câu hỏi chủ yếu cho mọi nghiên cứu lịch sử dài hạn: trong những điều kiện nào một hình thái tổ chức lan rộng và xác định được một hình thái ổn định của những điều chỉnh kinh tế, hoặc ngược lại suy tàn và rơi vào khủng hoảng?
Khái niệm điều tiết không phải là khái niệm điều tiết của những khoa học khác. - Chương trưóc đã nhấn mạnh đến ngữ nghĩa nước đôi của từ điều tiết. Và nghich lí thay khi khi ý tưởng trước hết được những tác giả cổ điển trên đường tìm kiếm một khái niệm cân bằng, hay ít ra là một khái niệm giữ thăng bằng, đưa vào kinh tế. Mãi đến gần đây những công trình của G. Destanne de Bernis và của nhóm GRREC mới qui chiếu về định nghĩa mà những khoa học vật lí, sinh học và lí thuyết hệ thống gán cho từ điều tiết, hay về định nghĩa rất chung của Canguihem (đã trích dẫn[10] ở trang 26). Thế mà, nguồn gốc này có thể dẫn đến một vài phản nghĩa gây tai hại vì ý niệm, như được vận dụng trong những khoa học xã hội, và thực ra được các nhà điều tiết thiết kế là khác hẳn.
Trước hết, việc nhấn mạnh đến vai trò của những qui tắc và chuẩn mực cần phải được tương đối hoá. Thật vậy, việc chấp nhập một tập hợp chung những chuẩn đạo đức, pháp lí hay kinh tế chỉ là một trong ba nguyên lí xác định một hình thái thể chế: ràng buộc, tư nhân hay Nhà nước, và hợp đồng, các thể hay tập thể, tượng trưng cho hai nguyên lí khác. Thứ hai, không chắc rằng về mặt kinh tế những hành động “lúc đầu là xa lạ với nhau”. Trong thực tế, việc qui chiếu đến vị trí mà những cá thể nắm giữ trong một hệ thống những quan hệ xã hội ngăn cản quan niệm sự cố kết của một xã hội như là một kết quả tốt đẹp, nhưng ngẫu nhiên, của một tập những hành động cá thể không đồng nhất một cách tiên nghiệm đối với nhau. Mọi hình thái thể chế đều phổ biến một nguyên lí xã hội hoá, dù cho đó là một nguyên lí bộ phận, và cho phép bước chuyển vĩ mô-vi mô. Từ đó sự cố kết xã hội không đơn thuần là hiệu ứng của sự thống trị của những vòng tự điều chỉnh trên những nhân tố gây mất ổn định trong một điều tương đương với một cỗ máy xã hội rộng lớn và phức tạp.
Hơn nữa và đây là sự khác biệt thứ ba, không một tác nhân hay nhóm nào giữ vai trò của một kĩ sư hệ thống nhằm đảm bảo bằng một hành động có ý thức và có cân nhắc tính ổn định động của nền kinh tế. Như thế  sự đoạn tuyệt là có ý nghĩa so với quan niệm keynesian về Nhà nước và chính sách kinh tế: sự đan chéo của những thỏa hiệp được thể chế hoá, với những hệ quả đôi lúc mâu thuẫn nhau, khiến không thể nhìn một cách hoàn toàn theo chức năng những sự can thiệp công cộng. Tương tự như thế, và khác với điều mà từ điều tiết có thể gợi ý, cách đặt vấn đề này ít có tính chức năng hơn nhiều cách đơn giản hoá lí thuyết marxist: một cách tiên nghiệm Nhà nước không phải là chỗ dựa của tư bản độc quyền cũng không phải là vectơ của một bước chuyển thầm lặng nhưng tất yếu sang chủ nghĩa xã hội.
Cần phải nghi ngờ hơn nữa mọi kiến giải kiểu mục đích luận: “Để sống còn, hệ thống cần đến một Nhà nước keynesian, một quan hệ làm công ăn lương forđist, v.v.”. Nhiều lắm thì chỉ có thể kết luận là một khi đã hình thành, quan hệ làm công ăn lương và Nhà nước là tương thích với một phương thức phát triển đứng vững được, vì một cách tiên nghiệm có thể hình dung được nhiều phương thức khác. Cũng như thế, cách đặt vấn đề này đoạn tuyệt với một truyền thống marxist coi tư bản như một chủ thể tập thể thông suốt mọi việc, đôi lúc nham hiểm, điều phối theo ý muốn những mâu thuẫn mà nó sinh ra. Trước hết, việc phân kì những chế độ tích lũy và những chế độ điều tiết không ứng với việc phân kì đặt lên hàng đầu việc tiếp nối tất yếu của chủ nghĩa tư bản cạnh tranh, chủ nghĩa tư bản độc quyền, rồi đến chủ nghĩa tư bản cạnh tranh độc quyền Nhà nước. Tiếp đó khó mà làm rõ một qui luật tiến hoá chung của hệ thống một khi không thừa nhận giả thiết quyến rũ, nhưng dối trá, theo đó những quan hệ xã hội cuối cùng luôn thích nghi với mệnh lệnh nhất quyết là sự phát triển của những lực lượng sản xuất.
Chương trình của những nhà “điều tiết” là khác hẳn và khiêm tốn hơn: giải thích sự phát triển rồi khủng hoảng của một phương thức phát triển (nghĩa là sự kết hợp của một chế độ tích lũy với một kiểu điều tiết), vấn đề động thái vĩ đại của chủ nghĩa tư bản vẫn để ngỏ, một khi tích lũy đủ những nghiên cứu lịch sử dài hạn và những so sánh quốc tế. Cuối cùng, đừng quên là mọi chế độ tích lũy được đặc trưng bởi hình thái đặc biệt của những mất cân bằng kinh tế và những xung đột xã hội diễn ra trong chế độ đó. Vì thế nên ngay từ đầu, những cuộc khủng hoảng không đơn giản là sự không khớp nhau của những điều chỉnh chức năng nhưng chính là biểu hiện của tác động của cấu trúc trên tiến triển của tình thế. Sau đấy, tiến trình của khủng hoảng dẫn đến một quá trình rộng mở hơn, một quá trình quá độ chuyển tiếp giữa chế độ tích luỹ cũ và một phương thức phát triển mới, chưa chắc chắn và chưa được xác lập hoàn toàn.
IV. Phân biệt những cấp độ và những kiểu khủng hoảng khác nhau: một phân loại
Kinh văn về những cuộc khủng hoảng cung cấp những phân tích rất đối lập nhau về nguồn gốc, diễn tiến hay ngay cả tính chất hoặc là thuần túy biến cố, hoặc là tất yếu. Ở một cực của phổ lí thuyết, đại đa số những mô hình tân cổ điển không giao cho khái niệm khủng hoảng bất kì vị thế lí thuyết nào cả: trong trường hợp tốt nhất, khủng hoảng được coi như đặc trưng của một giai đoạn sửa sai sự bùng nổ xảy ra trước đó, giai doạn sửa sai này dài ngắn tùy theo mức độ không hoàn hảo của những cơ chế điều chỉnh. Hơn nữa, trong hầu hết các trường hợp đó là những cú sốc ngẫu nhiên, khi thì hoặc là làm khởi động lại sự phát triển kinh tế, hoặc đẩy nhanh sự chuyển hướng của tình thế kinh tế. Ở cực kia, một số kiến giải marxist, ít nhiều có tính tất định và có lẽ qui giản, cho rằng bản chất của các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa là phải trải qua những cơn khủng hoảng cấu trúc, tiềm tàng rồi sau đấy bùng nổ, tự bản thân chúng đến hạn sẽ kéo theo sự sụp đổ của chính phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Giữa một ngẫu nhiên thất thường nhất và qui luật sắt của một sự sụp đổ tất yếu, dường như còn chỗ cho nhiều cấp độ, và do đó nhiều định nghĩa, về những cuộc khủng hoảng.
1.   Khủng hoảng như một nhiễu loạn “bên ngoài?
Trong nghĩa đầu tiên này, một cuộc khủng hoảng được định nghĩa như một giai đoạn trong đó việc tiếp tục tái sản xuất kinh tế của một thực thể địa lí nhất định bị cản trở hoặc bởi những thiếu hụt gắn với những thiên tai hoặc gắn với những sụp đổ kinh tế bắt nguồn ở một không gian bên ngoài, đặc biệt là quốc tế,... hoặc là do những cuộc chiến tranh. Do đó đặc điểm của loại khủng hoảng này là chúng không phải là kết quả của cơ chế bình thường của sự điều tiết (đoạn 2) hay của sự cạn kiệt của bản thân phương thức điều tiết (đoạn 3) hay của chế độ tích lũy (đoạn 4). Tuy nhiên sự điều tiết hiện hành quyết định hình thái co rút của hoạt động, động thái của giá cả và thu nhập, phản ứng lại trước những yếu tố khủng hoảng “bên ngoài” này, như thể những yếu tố này đến từ tận đâu đó!
Như thế một truyền thống của các nhà sử học chuyên về nền kinh tế phong kiến là nhấn mạnh vai trò của những biến động của khí hậu trong sự hình thành của thu hoach của nông nghiệp khi được mùa hay khi mất mùa, và ta có thể thấy hiệu ứng lôi kéo của những biến động này trên công nghiệp, thương mại, và do đó trên phần còn lại của nền kinh tế. Tương tự như vậy, sự tiếp nối của những cơn thiếu hụt nguyên liệu (khủng hoảng cây bông) hay của những “bong bóng” đầu cơ tài chính thường được viện ra, và có lẽ đáng bàn luận hơn, để lí giải tính biến động của tình thế kinh tế trong thế kỉ XIX. Cuối cùng, có một dạo, các nhà kinh tế lí giải những biến cố diễn ra sau 1973 chủ yếu như là hậu quả của sự tiếp nối của đợt tăng giá nguyên liệu, “cú sốc dầu lửa”, “cú sốc đô la”, v.v.. Hãy nhớ đến báo cáo mà OECD giao cho Mc Cracken, cho dù trong báo cáo này còn có những yếu tố mang tính cấu trúc hơn.
Dù không phủ nhận vai trò của ngẫu nhiên và tai nạn, người ta có thể chính đáng đặt câu hỏi về khung phân tích cho phép chỉ giải thích có một kiểu khủng hoảng này thôi. Bằng cách nào những cú sốc ngẫu nhiên một cách tiên nghiệm lại sinh ra những giai đoạn phát triển rồi suy thoái lặp đi lặp lại? Tại sao cùng một tai nạn lại không sản sinh ra những hậu quả giống nhau trong thời gian (ngày nay một cuộc khủng hoảng nông nghiệp có nghĩa là thiếu hụt trong những nước không may mắn nhất và những dư thừa hàng loạt ở Hoa Kì và trong Cộng đồng chung châu Âu)? Cuối cùng đó phải chăng là một phương pháp tốt khi giải thích một hiện tượng tổng quát, kéo dài và có ý nghĩa đến thế của những gián đoạn của thập niên bảy mươi như là hậu quả đọc nhất của “sự kết hợp đặc biệt của một lọat những ngẫu nhiên không may”? Chính trên cơ sở những câu hỏi trên mà ta có thể xây dựng những định nghĩa khác về khủng hoảng: ngay cả khi không có bất kì cú sốc bên ngoài nào, phải chăng khủng hoảng là một giai đoạn cần thiết cho sự tái sản xuất động của những hệ thống tư bản chủ nghĩa?
2.   Những cuộc khủng hoảng chu kì: một bộ phận của sự điều tiết trong một phương thức phát triển ổn định
Theo nghĩa thứ hai này thì khủng hoảng tương ứng với giai đoạn thanh lọc những căng thẳng và mất cân bằng tích lũy suốt thời gian phát triển, ngay trong nội bộ những cơ chế kinh tế và quy luật xã hội, do đó ngay trong phương thức điều tiết đang thắng thế trong một nước và trong một thời kì nhất định. Trong chiều hướng này, việc lặp lại những giai đoạn thuận lợi rồi bất lợi cho tích lũy là hệ quả trực tiếp của những hình thái thể chế hiện hành, những hình thái này chỉ bị những cuộc khủng hoảng chu kì tác động rất chậm và từng phần. Hẳn là những cuộc khủng hoảng này có thể làm tăng tốc sự tích tụ và tập trung tài chính nhưng không làm thay đổi hình thái chung của cạnh tranh. Lập lại “kỉ luật công nhân” và việc phân chia thu nhập mà không vì thế thay đổi quan hệ làm công ăn lương đang thống trị. Trái với định nghĩa thứ nhất, trong trường hợp này ta có thể nói đến khủng hoảng hoàn toàn nội sinh, nghĩa là tái diễn lại từ thời kì này sang thời kì khác, ngay cả khi không có những cú sốc ngẫu nhiên.
Có lẽ công lao của Marx là người đầu tiên nhận thức sự mới mẻ của hiện tượng này như là đặc tính riêng của chủ nghĩa tư bản và đã đề nghị những cách lí thuyết hoá khác nhau. Theo cách của chúng, những lí thuyết về chu kì đã chi tiết hoá và hình thức hoá những nhân tố giải thích khác nhau ở cội nguồn của những cuộc khủng hoảng công nghiệp: thiếu hụt của cầu, mất cân đối khu vực hay giữa các ngành, tụt giảm của tỉ suất lợi nhuận do phân chia thu nhập có lợi hơn cho người làm công ăn lương, hay bất ổn định tài chính và giới hạn của phát triển tín dụng. Cho dù các mô hình là khác nhau tùy theo sự nhấn mạnh ít hay nhiều đến một trong những nhân tố trên, tất cả các mô hình đều sinh ra một chuyển hướng tự động từ bùng nổ đến khủng hoảng và tiếp đến là phục hồi. Sự phục hồi xảy ra khi những năng lực dư thừa đã được điều chỉnh với tình trạng của đầu ra, tính bổ sung giữa các khu vực được tái lập bằng việc ngưng họat động, việc tham gia của những nhà sản xuất mới, chuyển động của những tỉ suất lợi nhuận và dịch chuyển của đầu tư. Những nỗ lực của hiệu suất và áp lực trên lương vực dậy tỉ suất lợi nhuận và tạo thuận lợi cho sự phục hồi của tích lũy và cải thiện những cách nhìn về tương lai. Cuối cùng, tư bản công nghiệp và tài chính đồng thời có lợi tức trở lại và việc thanh lọc tín dụng dưới tác động của ràng buộc tiền tệ cung cấp cơ sở cho một sự phát triển mới của đầu tư.
Rút cục, tầm quan trọng và hình thái của những khủng hoảng chu kì tùy thuộc vào những dạng thức điều tiết, như những nghiên cứu lí thuyết cũng như lịch sử cho thấy. Trong khuôn khổ của điều tiết độc quyền, lần hồi đã được thiết lập sau thế chiến thứ hai trong những nước thống trị, những cơn suy sụp -hiểu trong nghĩa hẹp như những giảm sút tuyệt đối của sản xuất- nhường chỗ cho những cơn suy thoái đơn giản... đến độ các nhà kinh tế đã phải tự hỏi một cách nghiêm túc phải chăng chu kì đã trở thành một hiện tượng lỗi thời, bị khuất phục trước chất lượng của những dự báo và sức mạnh của những chính sách chống chu kì... và tính đúng đắn của những lí thuyết kinh tế! Kinh nghiệm của thập niên qua cho thấy là sai lầm của những cách nhìn trên là quá lạc quan: trong khi ảnh hưởng của việc tăng giá dầu hỏa đã lùi xa vì chiều hướng giá đã đảo ngược, sự phục hồi của nền kinh tế Mĩ vào cuối 1982 đã làm cho những trao đổi quốc tế trở nên năng động thì có rất ít nước tìm lại được, vào giữa thập niên tám mươi, nhịp độ tăng trưởng của thập niên sáu mươi. Đó phải chăng là dấu hiệu cho thấy là những điều chỉnh hiện nay không còn mang tính tự sửa sai và thể hiện sự mất ổn định của hệ thống điều chỉnh trước đây?
Trả lời vâng cho câu hỏi trên đưa đến một định nghĩa, bằng cách đối lập, những cuộc khủng hoảng cấu trúc hay khủng hoảng lớn. Như thế đuợc gọi bằng khủng hoảng cấu trúc mọi giai đoạn trong đó động thái kinh tế và xã hội mâu thuẫn với phương thức phát triển thúc đẩy nó, nghĩa là khi hiện rõ tính chất mâu thuẫn của tái sản xuất dài hạn của hệ thống. Những ví dụ lịch sử trước đây (cơn “đại suy thoái” của cuối thế kỉ XIX, cuộc suy sụp năm 1929) gợi ý là cuộc khủng hoảng cuối cùng ảnh hưởng đến sự điều tiết cũng như đến chế độ tích lũy. Tuy nhiên, về mặt phân tích, điều quan trọng là phải phân biệt hai loại khủng hoảng cấu trúc lớn tùy theo là lúc khởi đầu chính sự điều tiết làm cho chế độ tích lũy mất ổn định (đoạn 3) hay ngược lại chính cuộc khủng hoảng của chế độ này tác động ngược đến sự điều tiết (đoạn 4).
3.   Cuộc khủng hoảng của chính bản thân sự điều tiết...
Như thế khủng hoảng của chính bản thân sự điều tiết được định nghĩa như một giai đoạn trong đó những cơ chế gắn với sự điều tiết hiện hành tỏ ra bất lực trong việc đảo ngược những chuỗi tình thế bất lợi nối tiếp nhau trong khi lúc đầu ít ra chế độ tích lũy đứng vững được. Nếu đẩy phân tích thêm ta có thể phân biệt ba tình huống đưa đến sự đối lập này:
-          không thể khắc phục những nhiễu loạn thuộc một kiểu mới đến từ bên ngoài hay bên trong, trong nội bộ của một phương thức điều tiết mà tính ổn định cấu trúc, lần hồi được hình thành trong lịch sử  liên quan đến những kiểu ngẫu nhiên khác. Kiểu khủng hoảng này như thể là bổ sung cho kiểu khủng hoảng được định nghĩa trong đoạn 1: điều chủ yếu không phải là quy mô của cú sốc ngoại sinh mà là tính không tương hợp hay không thích đáng của cú sốc đối với hình thái kinh tế được xem xét;
-          những cuộc đấu tranh xã hội-chính trị đặt lại vấn đề những thỏa hiệp thể chế hoá hay sự kết hợp của những chiến lược cá thể hủy hoại những thành tố của sự điều tiết chung khiến cho tình trạng mới của những cấu trúc xã hội tỏ ra không tương hợp với sự tái sản xuất kinh tế của hệ thống trên một cơ sở mở rộng. Khủng hoảng như thế thể hiện xung đột giữa thời gian của cái chính trị và thời gian của cái kinh tế;
-          trái lại, chính việc đào sâu logic của điều tiết đã được xác lập có thể dẫn đến sự bào mòn những động lực của tăng trưởng và dẫn bước vào một cuộc khủng hoảng dài hạn. Từ đó suy thoái là do điều tiết đến độ chín muồi, nhiều hơn là do thiếu điều tiết hay do điều tiết còn ở dạng phôi thai. Như thể là những thành tựu của quá khứ góp phần vào sự hình thành, nếu không nói là góp phần vào việc khởi động và vào hình thái chính xác của khủng hoảng hiện nay. Cho dù tính ngẫu nhiên và tính biến cố có vai trò hiển nhiên trong diễn tiến của một cuộc khủng hoảng của hệ thống điều tiết ta không thể qui khủng hoảng đơn thuần về một biến động lớn hay về một nhiễu loạn kiểu mới. Do đó điều quan trọng là phân biệt những nhân tố thúc đẩy với những nhân tố lan truyền: điều tiết bị khủng hoảng khi những mất cân bằng địa phương kết hợp với nhau và không thể khắc phục chúng bằng những thủ tục xã hội-kinh tế hiện hành.
Ba dạng trên của khủng hoảng của sự điều tiết có thể là do một trong những thành tố của điều tiết tạo nên: không tương hợp của kiểu cạnh tranh, của quan hệ làm công ăn lương, của những can thiệp của Nhà nước và sự quản lí tiền tệ hoặc của những dạng thức hội nhập vào vào những quan hệ quốc tế. Nhằm làm rõ định nghĩa trên, có thể là hữu ích nếu xếp dưới những đề mục này một số những cách kiến giải được đề nghị trong kinh văn về, theo thứ tự, cuộc khủng hoảng 1929 và cuộc khủng hoảng của giai đoạn hiện nay.
... có thể có những nguyên nhân khác nhau.
Edward Chamberlin (1899-1967)
Joan Robinson (1903-1983)
Ở đây sẽ không bàn đến giá trị của nhiều cách lí thuyết hoá được nêu ra giữa hai cuộc thế chiến, giả thiết về một cuộc khủng hoảng của điều tiết thường được đề xuất cho dù mỗi tác giả nhấn mạnh đến một thành tố đặc biệt. Như thế bước chuyển từ một chủ nghĩa tư bản cạnh tranh sang độc quyền làm biến chất qui luật cơ bản của sự bằng nhau của những tỉ suất lợi nhuận và tạo nên những mất cân đối khu vực dẫn đến khủng hoảng [R. Borelly; G. Destanne de Bernis[11], 1977]. Tương tự như thế, trường phái Mĩ về những giá bị quản chế qui trách nhiệm của việc đào sâu những mất can bằng giữa những năng lực sản xuất dư thừa và một cầu bị thiếu hụt do sự hình thành siêu lợi nhuận và méo mó của những giá tương đối (Berle và Means) cho sự biến tướng của những hình thái cạnh tranh. Ở một mức độ cơ bản hơn, sự nổi lên của lí thuyết cạnh tranh không hoàn hảo dường như đi cùng với sự biến tướng của những cơ cấu công nghiệp (Chamberlin, P. M. Sweezy, J. Robinson).
Paul A. Baran (1909-1964)
Paul Sweezy (1910-2004)
Một loại lí thuyết thứ hai đặt lên hàng đầu tính không thích đáng của những cơ chế hình thành lương: do còn tồn tại dai dẳng logic hàng hoá, nên việc làm và lương thực tế chỉ được lợi rất ít từ sự bùng nổ của thập niên 1920 khiến cho suy thoái là phương tiện của một phân phối bị “cưỡng bức” những tiến bộ của hiệu suất cho người làm công ăn lương (R. Ozanne và theo một nghĩa nào đó P. A. Baran và P. M. Sweezy). Do đó ta gặp lại những phân tích xem tính không thích đáng của quan hệ làm công ăn lương trước sự phát triển chưa từng có của phương pháp Taylor như là một trong những nhân tố then chốt của cuộc khủng hoảng 1929 [M. Aglietta[12], 1976; R. Boyer[13], 1979].
Anna Schwartz (1915-2012)
Milton Friedman (1912-2006)
Về phần họ, các nhà trọng tiền và keynesian đồng ý với nhau ở điểm tìm trong việc điều hành chính sách kinh tế một trong những nguồn gốc chủ yếu của 1929... dù cho họ đối lập một cách triệt để về nhân tố chính xác nào là ở cội nguồn của cuộc “đại khủng hoảng” này. Đối với các nhà trọng tiền, sự lơi lỏng không cân nhắc tiếp đến là sự siết chặt quá đáng của cơ quan phát hành tiền giải thích tính sâu rộng của cuộc khủng hoảng diễn ra từ 1929 đến 1932 (M. Friedman và A. Schwartz, bị P. Temin phản bác). Khủng hoảng không sinh ra từ lĩnh vực tư nhân của sự điều tiết nhưng đến từ những sự can thiệp công cộng mà về bản chất là gây mất ổn định. Chính trên giả thiết ngược lại mà các nhà keynesian đặt cơ sở phân tích: những chính phủ bảo thủ chủ yếu vì những lí do ý thức hệ đã không chịu tiến hành những chính sách chống chu kì và những chương trình chi tiêu công cộng trong khi chỉ có mình Nhà nước mới có thể đưa nền kinh tế ra khỏi vòng kiềm tỏa của thiểu dụng lao động và đảo ngược những dự kiến bất lợi (J. M. Keynes, J. Robinson,...).
C. Kindleberger (1910-2003)
Peter Temin (1937-)
Cuối cùng, sự phá sản của những cơ chế điều chỉnh trên bình diện quốc tế đưa thêm vào một nhân tố khủng hoảng thứ tư. Sự thiếu cố kết trầm trọng của chu trình tài chính do hoà ước Versailles thiết lập càng được cùng cố thêm bởi sự suy yếu của chủ nghĩa bá quyền Anh và sự dè dặt của Hoa Kì trong việc đóng vai trò cường quốc thống trị và ổn định những quan hệ quốc tế (C. P. Kindleberger). Một khi vòng suy thoái đã khởi động thì tầm quan trọng của khủng hoảng của những quan hệ quốc tế càng thể hiện rõ bằng -và thường qua tính triệt để của- nhiều biện pháp được thử nghiệm (khối vàng, chủ nghĩa bảo hộ, phá giá cạnh tranh...).
Ngày nay những nguyên nhân này khác với những nguyên nhân của năm 1929
Với những sửa đổi thích đáng, những phân tích về khủng hoảng hiện nay cung cấp một cấu hình tương tự, dù cho hầu hết những hình thái thể chế và những điều tiết bộ phận có thể tác động trong chiều hướng ngược lại. Nếu, sau thế chiến thứ hai, sự phổ biến của cạnh tranh kiểu độc quyền là có lợi cho tăng trưởng và tính đều đặn của tình thế kinh tế thì những thay đổi cấu trúc khác nhau buộc phải xét lại động thái tốt đẹp này. Sự già cỗi của những nền công nghiệp cơ bản, sự chín muồi của cầu những sản phẩm lâu bền, sự phát triển của những công nghiệp mới và những phương pháp sản xuất linh động kết hợp với nhau để làm cho những hình thái trước của cạnh tranh bị mất ổn định. Chuyển động này tác động ngược lại đến sự phân phối của lợi nhuận và động thái của đầu tư.
Tương tự như thế quan hệ làm công ăn lương fordist bước vào khủng hoảng dưới sức ép thay đổi theo từng nước: đấu tranh công nhân phản đối tổ chức lao động, yêu sách tăng lương do không được bù đắp khi có gia tăng của hiệu suất, Nhà nước xã hội hoá một phần ngày càng lớn những chi phí công cộng gắn liền với phong cách sống công nghiệp và đô thị. Một cách tổng quát hơn, việc pháp điển hoá dưới nhiều dạng những quyền có được một thu nhập, độc lập với tình hình kinh tế, hiện ra như nguồn gốc của những căng thẳng, trên diện trường kinh tế cũng như xã hội-chính trị, một khi mà hiệu suất tiến triển chậm lại.
Lester Thurow (1938-2016)
Cũng một giới hạn đó có thể đánh dấu sự mở rộng những chi tiêu công cộng và những qui định: dễ dàng được xã hội chấp nhận khi việc mở rộng này dựa trên những “cổ tức của tăng trưởng”, việc mở rộng này tạo nên việc trốn tránh thuế khi động thái của thời hậu chiến bị co rút và gây nên nhiều chuyển nhượng triệt tiêu lẫn nhau. Tình hình này đôi lúc được lí thuyết hoá dưới dạng một trò chơi tổng không (L. Thurow). Tuơng tự như thế cũng xuất hiện những giới hạn cho những nguyên lí quản lí trước đó về tiền tệ và tín dụng: khi lợi nhuận không được phục hồi thì tín dụng xã hội hoá những thua thiệt, thường là bằng lạm phát. Một cơ chế tương tự được áp dụng cho tài chính công cộng: gánh nợ trở thành cộng dồn chứ không chỉ là chống chu kì khiến khả năng đứng vững trong trung-dài hạn của những chiến lược của chính phủ bị đặt thành vấn đề. Dù có cơ sở hay không, những hệ tư tưởng về Nhà nước tối thiểu và sự “quay trở về thị trường” khai thác thiếu sót này của những nguyên lí keynesian, một thành phần có ý nghĩa của sự điều tiết thời hậu chiến.
Một điều hiển nhiên khác là thứ bậc trước đây ổn định những quan hệ quốc tế dần dần bị hỏng hóc: một hệ thống được quan niệm để họat động với một bội thu thương mại Mĩ và một tỉ suất hối đoái ổn định vỡ tan khi bá quyền kinh tế và công nghiệp của Hoa Kì yếu dần. Xung đột giữa vai trò trong nước và quốc tế của đồng đô la càng thêm gay gắt đến độ ảnh hưởng đến những luồng đầu tư quốc tế và những trao đổi thương mại. Việc thiếu một nguyên lí bảo đảm sự cố kết của những nền kinh tế quốc gia trở nên quá hiển nhiên. Chính trong nghĩa này mà nhiều tác giả nói đến một khủng hoảng của sự điều tiết quốc tế và sự thiếu vắng một điều tiết quốc gia (Ch. A. Michelet) hay là mâu thuẫn giữa những điều tiết vẫn còn ở cấp độ quốc gia và những lực vận động trên bình diện toàn cầu [G. de Bernis[14], 1977, 1983].
Trước bảng liệt kê những nhân tố của khủng hoảng, không thể tránh khỏi đặt ra hai câu hỏi. Thứ nhất làm sao tổng hợp những nguồn mất cân bằng khác nhau và chắc gì chúng không bù trừ lẫn nhau mà ngược lại khởi động một quá trình cộng dồn làm gián đoạn những quy luật trước đây? Ở đây sẽ không đi vào chi tiết, sẽ được xem xét trong những phần sau, những phương pháp có thể hình dung được: kiểm định tính ổn định của một mô hình kinh tế vĩ mô tượng trưng cho sự điều tiết hiện hành, phân tích định tính những thay đổi trong những hình thái thể chế... Thứ hai, vượt quá một ngưỡng nhất định, mọi cuộc khủng hoảng điều tiết phải chăng có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn diện của phương thức phát triển? Hay, trong một số trường hợp, phải chăng những mâu thuẫn của chính chế độ tích lũy đã dội lại trên sự điều tiết? Nhận xét cuối này đưa đến việc định nghĩa một loại khủng hoảng thứ tư.
4.   Một cấp độ cao hơn của khủng hoảng: khủng hoảng của phương thức phát triển
Khác với khủng hoảng trên, khủng hoảng này được định nghĩa như việc đạt đến những giới hạn của những mâu thuẫn đang trỗi dậy trong nội bộ những hình thái thể chế thiết yếu nhất, những hình thái thể chế quyết định chế độ tích luỹ. Cuộc khủng hoảng này cuối cùng kéo theo khủng hoảng của sự điều tiết và do đó kéo theo khủng hoảng của toàn bộ chế độ phát triển. Trong một thời kì như vậy vấn đề được đặt ra là những quy luật chủ yếu nhất làm chỗ dựa cho tổ chức sản xuất, chân trời giá trị hoá của tư bản, phân chia giá trị và cơ cấu của cầu xã hội.
Về mặt định tính, có thể nói rằng khủng hoảng này là trầm trọng hơn những loại khủng hoảng trước trong chừng mực là nó không chỉ là một mất cân bằng bộ phận và nhất thời của những cơ chế điều tiết mà quả thật là sự bế tắc của quá trình tái sản xuất động của nền kinh tế được xem xét (B. Billaudot). Tuy nhiên khó khăn là trong thực tế những hình thái thể chế làm cơ sở cho chế độ tích luỹ cũng can dự vào phương thức điều tiết khiến cho rất khó phân biệt rõ ràng hai loại khủng hoảng này. Đối với các nhà kinh tế đương đại, khủng hoảng của phương thức phát triển có thể khoác dạng của một rối loạn đơn giản -ví dụ, của chính sách kinh tế-, chỉ có sự lún sâu vào khủng hoảng và do đó độ dài của thời kì khủng hoảng mới làm tăng khả năng giả thiết của khủng hoảng của phương thức phát triển, hay để dùng lại một thuật ngữ được dùng trước đây [R. Boyer[15], 1979], của đại khủng hoảng. Đối với nhà sử học, tiến hành nghiên cứu hồi cố thì chẩn đoán có vẻ dễ hơn vì có thể đọc sự gián đoạn xảy ra bằng những khác biệt với thời kì hồi phục sau đó, được đặc trưng bởi một phương thức phát triển hoàn toàn khác. Điều này không cấm cản việc phát hiện sớm, gần như trong “thời gian thực” một cơn khủng hoảng của sự phát triển. Theo cách đặt vấn đề này, ba tiêu chí cho phép đặc trưng một thời kì như thế.
·     
Joseph Schumpeter (1883-1950)
Việc kéo dài những đều đặn không cho phép sự tái tạo tự động của lợi nhuận và do đó không cho phép sự hồi phục nội sinh của tích lũy. Từ thực tế này, những trình tự của các tình thế kinh tế khác một cách cơ bản với những trình tự của tình thế kinh tế trong thời kì phát triển (S. Bowles, D. M. Gordon, T. E. Weisskopf), nên có giả thiết về một chu kì Kondratieff đi xuống kết hợp với một chu kì Juglar đi lên (cf. phân tích của J. Schumpeter về 1929).
·      Một cách cơ bản hơn, động thái của tích lũy xói mòn và hủy hoại những hình thái xã hội vốn là chỗ dựa của tích lũy trong thời kì phát triển. Từ đó, sự tàn lụi của những phương pháp sản xuất cũ và cầu của những sản phẩm tương ứng đi kèm với việc tìm những hình thái đối chọn, những sản phẩm mới, những tổ hợp kĩ thuật và những định vị khác. Điều đáng ngạc nhiên nhất là những biện pháp rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, được tìm ra để vượt qua những giới hạn giống nhau của phương thức tích lũy đang bị khủng hoảng. Mặc dù theo một cách đặt vấn đề khác, ta gặp lại. những trực giác tân schumpeterian làm rõ sự mất tính chặt chẽ giữa những đổi mới kĩ thuật và thay đổi thể chế (C. Perez).
·      Từ hiện tượng này, không còn ưu thế bề ngoài của một quyết định luận ngặt của cái kinh tế hay cái kĩ thuật. Do những thỏa hiệp và quy tắc ứng xử của quá khứ không còn bảo đảm được tính cố kết kinh tế và xã hội của hệ thống nên chính những cuộc đấu tranh, công khai hay tiềm ẩn, tiến công hay/và phòng thủ, những đột phá đổi mới và những mưu toan duy trì cái cũ, lợi dụng những đặc điểm của tình thế, tìm cách áp đặt những “luật chơi” khác, dù cho đó là những luật chơi độc đáo hay là hâm nóng lại những luật chơi cũ. Chính trên tiêu chí cuối này mà những khác biệt là hiển nhiên nhất với những cách tiếp cận bằng chu kì Kondratieff. Một mặt, không có cơ chế tự động nào bảo đảm bước chuyển từ giai đoạn B đi xuống sang một giai đoạn A đi lên, ngược với điều gì xảy ra ở tren đỉnh chu kì. Mặt khác không có qui luật xuyên lịch sử nào cho phép dự báo những thành phần của chế độ tích lũy đang được thai nghén, một khi ta từ chối việc quyết định suy cho cùng của những quan hệ xã hội bởi lực lượng sản xuất.
Michel Aglietta (1938-)
Ricardo Hausmann (1956-)
Những nghiên cứu trước đây về Hoa Kì và Pháp [M. Aglietta[16], 1976], [CEPREMAP-CORDES[17], 1977], châu Âu [R. Boyer[18]  éd., 1986a] cũng như những nghiên cứu về các nước thế giới thứ ba [C. Ominami[19], 1986; R. Hausmann[20], 1981] cho thấy là có thể gán một nội dung có tính thao tác cho khái niệm khủng hoảng của phương thức phát triển này. Hơn nữa có bao nhiêu chế độ tích lũy là có bấy nhiêu hình thái khủng hoảng. Tắt nghẽn bằng hầu như hủy hoại dân số công nhân theo một nhịp độ nhanh hơn là sự hòa nhập của dân số này vào việc làm công nghiệp với tích lũy mở rộng là chủ yếu trong cuộc khủng hoảng 1848. Nhưng suy sụp dồn dập khi chuyển từ một chế độ do những giới hạn cố hữu của việc tự tích lũy của khu vực I, như những trở ngại cho tăng trưởng của cầu khu vực II trong cuộc khủng hoảng 1929. Từ đó không có gì là ngạc nhiên là tích lũy với cường độ cao đặt trọng tâm vào tiêu dùng đại chúng vấp phải những mâu thuẫn lúc đầu vốn là khác nhau: tiến hoá bất lợi của tỉ suất lợi nhuận do sự thâm nhập sau của chế độ Ford, những cuộc đấu tranh nhằm phân chia thu nhập hoặc những hậu quả của việc lỗi thời nhanh chóng của trang thiết bị trên sai biệt giữa lợi tức gộp và thuần.
Bốn cấp độ khủng hoảng như được định nghĩa ở trên ngầm giả định một độ dẻo dai nhất định của những quan hệ xã hội tư bản chủ nghĩa, có khả năng thay đổi cả những hình thái chính xác của chúng, khiến cho đến hôm nay phương thức sản xuất này đã có thể vượt qua một loạt những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và những thời kì đầy thảm kịch, như hai cuộc thế chiến. Nhại theo một công thức nổi tiếng, phải chăng là “mọi việc phải luôn thay đổi để cho, một cách cơ bản, không có gì thay đổi cả”? Vì thế nên chăng kết luận là không thể vượt qua được chủ nghĩa tư bản? Làm như vậy, về mặt lí thuyết nghiêm ngặt, là rút ra một kết luận quá đáng, nên phải định nghĩa một cấp độ thứ năm và cuối cùng của khủng hoảng.
5.   Khủng hoảng cuối cùng của một phương thức thống trị
Bằng thuật ngữ này ta có thể chỉ sự sụp đổ của toàn bộ những quan hệ xã hội đặc trưng cho một phương thức sản xuất. Nói cách khác, việc một cấu hình những hình thái thể chế đi đến tận cùng giới hạn của nó đẩy nhanh việc xét lại và xoá bỏ những quan hệ xã hội hiện hành trong những gì là cơ bản nhất. Theo một nghĩa nào đó, định nghĩa này gặp khái niệm khủng hoảng nội tại trong lí thuyết marxist chính thống, nhưng nó mang đến những chi tiết và một số đòi hỏi ngăn cản biến mọi cuộc khủng hoảng -cho dù đó chỉ là một cuộc khủng hoảng tình thế- thành cuộc khủng hoảng cuối cùng của phương thức tư bản chủ nghĩa.
Trong một phân tích thuần túy hồi cố, liên quan đến, ví dụ, điều được gọi theo qui ước là chủ nghĩa phong kiến, có thể đặc trưng rõ ràng cấp độ thứ năm này của khủng hoảng. Trước hết khi cho thấy bằng cách nào những qui luật mang tính xu hướng của hệ thống mang những mầm mống của khủng hoảng này -trong trường hợp này là thặng dư ngày càng nhỏ đi. Tiếp đấy, bằng cách làm rõ những nhân tố và biến cố khiến xu hướng này trở thành hiện thực. Cuối cùng bằng cách chẩn đoán một thay đổi xã hội-chính trị triệt để thúc đẩy, trong lĩnh vực pháp lí và trong thực tiễn, một đảo lộn những quan hệ sản xuất và trao đổi. Những công trình của E. Labrousse và gần đây hơn những công trình của G. Bois là một minh hoạ cho cách đặt vấn đề này.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi ta phân tích theo cách tương lai học, nhân có một khủng hoảng tư bản chủ nghĩa thuộc một trong bốn loại trên: làm thế nào có thể chắc là những giới hạn hiện nay của những hình thái thể chế thể hiện một tắt nghẽn không thể vượt qua trong nội bộ của phương thức sản xuất? Trong trường hợp này, chứng minh trong trừu tượng tính chất mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản nói chung là không đủ nhưng phải chứng minh được là những mâu thuẫn này không còn có thể vượt qua được, dù cho là tạm thời, bằng cách sửa đổi bổ sung những hình thức thể chế trước đó hay bằng sự nổi lên của những hình thức thể chế mới. Cho dù phải nhân nhượng trước một quyết định luận có lẽ là quá đáng, việc chứng minh tính không thể này phải được tiến hành ở hai cấp độ.
·      Nhà phân tích trước hết có thể chứng minh là không có sự cấu tạo lại nào của những quan hệ xã hội đưa đến một phương thức phát triển đứng vững. Nhưng làm được việc này không phải là dễ vì một cách tiếp cận lí thuyết kiểu tổ hợp (tương tự với cách của R. Fossaert) vượt quá những khả năng tính toán của nhà phân tích. Hơn nữa, còn có nguy cơ đi đến khả năng kết luận lí thuyết là có vài cấu hình những quan hệ xã hội được cấu tạo lại... trong lúc không có cơ may nào là chúng xuất hiện trong sự vận động của những quan hệ xã hội-chính trị và tiếp nối kinh tế tại thời điểm nghiên cứu. Bởi thế một tiêu chí như thế khó có khả năng vận hành và có lẽ là lừa dối. Vì thế cần đến một định nghĩa hẹp hơn.
·      Quả vậy, nhà quan sát có thể tìm cách chứng minh là, với một xác suất cao, tiến trình có tính xu hướng kết hợp với chiều hướng của những cuộc xung đột xã hội-chính trị ngăn cản việc cấu tạo lại những hình thái thể chế theo chiều một chế độ tích lũy mới. Như thế khó khăn là nhà phân tích phải kết hợp được nhuần nhuyễn tất cả những khả năng của một Leonard de Vinci của những khoa học xã hội (nhà xã hội học, nhà chính trị học, nhà kinh tế, nhà nghiên cứu chiến tranh, v.v.) mà không rơi vào cái bẫy của chủ quan và những định kiến không thể tránh được của một người đương đại! Thế mà tấm gương của những tác giả xuất sắc nhất đi trước – marxit... và không marxist – cho thấy là việc “phân tích cụ thể một tình hình cụ thể” là cực khó... Như thế, vào giữa thập niên 1980 này, dự án này có vẻ hơi khó với tới và xa vời so với những quan tâm của thời đại.
Bạn đọc có thể cho là ngoài đề loại khủng hoảng thứ năm này, đề tài xưa cũ của những cuộc tranh luận marxist. Tuy nhiên có thể là lí thú, đứng trên quan điểm phương pháp luận, phác hoạ những đường viền của những cuộc tranh luận này. Mặt khác điều này cũng minh hoạ sự nối khớp của những khái niệm đi từ điều tiết đến phương thức sản xuất, theo một chuyển động ngược chiều với chuyển động của đoạn III. Mặt khác cái thời mà một số nhà marxist đọc thấy trong những chuyển hướng của sản xuất xe ôtô ở Hoa Kì những dấu hiệu đầu tiên của sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản là cách nay không lâu lắm!
Chính nhằm tránh sự đụng nhau giữa những cấp độ phân tích mà những cách tiếp cận bằng điều tiết đề nghị một loạt những định nghĩa chính xác và mang tính thao tác về khủng hoảng. Về mặt này, phụ lục II trình bày một cách ngắn gọn những ý niệm khác nhau vừa được giới thiệu.
V. Về phương pháp: làm cách nào vận dụng thiết kế này?
Như bạn đọc đã không khỏi nhận xét, cho tới đây chỉ có những khái niệm chung và việc nối khớp của những khái niệm này được lí giải. Trong nghĩa hẹp, đây là một cách đặt vấn đề tổng quát hơn là một lí thuyết hoàn chỉnh, và càng không phải là một mô hình có thể trực tiếp đem đối chiếu với một hiện thực thực nghiệm. Bởi thế bây giờ phải làm rõ cách vận dụng những ý niệm này lúc tiến hành nghiên cứu một điểm đặc biệt (một hình thái xã hội nào đó hay một hình thái thể chế đặc biệt được xem xét trong dài hạn). Cuối cùng, những định nghĩa là ít quan trọng bằng cách mà những khái niệm này kích thích sự nghiên cứu và chúng chỉ có giá trị thông qua những phương pháp cho phép kiểm tra tính thích đáng của chúng với động thái dài hạn của những nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Trong những nét lớn có thể gọi phương pháp đề nghị là một phương pháp cartésien vừa phải và gồm bốn bước chính.
1.   Huy động công trình sử liệu để phân kì những hình thái thể chế
Việc chú ý tới những đổi thay của hình thái những quan hệ xã hội và việc tra hỏi sự cố kết của những quan hệ này thành một hệ thống, lúc thì đứng vững, lúc thì bị khủng hoảng, đã cung cấp một hướng dẫn để đọc những công trình của các nhà sử học về phong trào công nhân và chế độ làm công ăn lương, về giới chủ và công nghiệp hoá, về nền hành chính và Nhà nước, về lịch sử ngoại giao và những quan hệ quốc tế, v.v... Trên cơ sở này, nhà kinh tế có thể tìm những thời điểm then chốt đánh dấu, trong lĩnh vực những thể chế, những thay đổi có ý nghĩa về hình thái của cạnh tranh, của quan hệ làm công ăn lương, của việc nối khớp Nhà nước đối với xã hội và sự hội nhập của Nhà nước-dân tộc vào những quan hệ quốc tế. Ý tưởng là đối lập hai giai đoạn: một giai đoạn trong đó các quan hệ xã hội thường xuyên nằm rong logic của của những thể chế hiện tồn và một giai đoạn mà trái lại sự được mất không gì khác hơn là sự hình thành của những thể chế mới.
Nhưng phân tích chỉ có thể là định tính vì, ngay từ bước này, điều quan trọng là phải làm rõ rằng hình thái tương ứng là phôi thai, thiểu số nhưng đang phát triển nhanh, hay là thống trị nhưng đang suy biến. Như thế một định lượng thống kê tối thiểu là cần thiết, dù cho đó là về tích tụ hay tập trung của tư bản, tầm quan trọng tương đối của chế độ làm công ăn lương, cơ cấu của những hàng hoá can dự vào phong cách sống của người làm công ăn lương, việc mở rộng những chuyển nhượng và những chi tiêu công cộng hay quy mô của vùng địa lí trên đó những trao đổi, sản xuất và tích lũy được tiến hành.
Việc kết hợp hai phân tích này như thế gợi ý một phân kì bộ phận của mỗi một hình thái thể chế. Cần ghi nhận là sự phân kì được lồng trong dài hạn và đặc biệt là không giữ lại những thay đổi thứ yếu không ngừng tác động đến những hình thái tổ chức và trong nghĩa này cách đặt vấn đề này khác hẳn với một chủ nghĩa biến cố nhạt nhẽo hay một chủ nghĩa thể chế mơ hồ.
Cuối cùng và nhất là không thể ngoại suy những kết quả gặt hái được trên một hình thái kinh tế này sang một một hình thái kinh tế khác, dù cho cả hai là rất gần nhau. Ví dụ chỉ cần xem những thay đổi của quan hệ làm công ăn lương tại châu Âu sau 1945 [J. M. Grando, G. Margirier, B. Ruffieux[21], 1980] và sau 1973 [R. Boyer[22] éd., 1986a], vai trò của Nhà nước [Ch, André, R. Delorme[23], 1983a] hay việc hội nhập quốc tế và sức cạnh tranh [J. Mistral[24], 1986; Y. Barou, B. Keiser; CEPII; R. Boyer, P. Rolle[25], 1986]. Những khác biệt này còn có một tầm quan trọng lớn hơn nữa khi ta chuyển sang những hình thái kinh tế bị thống trị như được minh chứng trong những công trình nghiên cứu C. Ominami[26] [1980 và 1986], R. Hausmann[27] [1981], J. của Aboites[28] [1986].
2.   Đi từ logic ẩn của mỗi hình thái thể chế và kiểm tra trường ứng dụng của mỗi hình thái này
Thật vậy, khó mà giả định một nguyên lí duy lí tổng quát có xu hướng phổ quát một khi thừa nhận tính đa dạng của những quan hệ xã hội và của những nguyên lí điều chỉnh xác định hành vi của các tác nhân và những điều tiết bộ phận. Thay vì đánh giá những trực giác theo một tính duy lí nội tại, nhà kinh tế phải thừa nhận trong những cách biểu trưng của mình trạng thái của những quan hệ xã hội và của những cấu trúc kinh tế. Như thế nhiệm vụ của nhà kinh tế là suy ra từ trạng thái này hình thái mà những tính duy lí luôn là bộ phận khoác vào ở trang thái đó. Những tính duy lí này nằm ở cội nguồn của những quy luật và những qui tắc trong trật tự kinh tế, và tuy là chúng mâu thuẫn với mô hình thuần túy của Homo economicus và với mô hình cân bằng chung vẫn có một tính chặt chẽ nhất định và do đó có một tính thường xuyên, một khi đã được hình thành trong lịch sử.
Từ đó, vấn đề không còn là khoảng cách đối với lí tưởng của cạnh tranh mà là việc đặc trưng hoá những logic trái ngược nhau về sự hình thành những thu nhập, tổng cầu và ngay cả giá cả. Lấy ví dụ của lương để minh hoạ, ta có thể làm rõ ba loại cơ chế khác nhau. Một điều tiết theo kiểu cũ với những cuộc khủng hoảng chu kì ghi nhận sự gia tăng của giá cả, sự co rút của việc làm và của lương thực tế và trong đó những điều chỉnh dân số (sinh, chết và kết hôn) có một vai trò chủ yếu. Một điều tiết cạnh tranh dường như xem sức lao động như một hàng hoá như mọi hàng hoá khác và giá của sức lao động được hình thành không phải dối với một chuẩn được ấn định trước mà phụ thuộc vào những tình thế và tương quan lực lượng trên mỗi thị trường địa phương và theo những chuyên môn cần thiết. Về điểm này, có những sử gia kinh tế đề nghị xem không chỉ tỉ suất thất nghiệp mà cả những biến động của hoạt động kinh tế như là nhân tố quyết định của lương (R. Rougerie). Tính thích đáng của những kết quả thu lượm được gợi ý khả năng có những công thức độc đáo khác với quan hệ Phillips truyền thống và cho thấy khoảng cách ngăn cách mô hình cạnh tranh thuần túy và hoàn hảo với cách tiếp cận điều tiết. Ngược lại, một điều tiếtquản chế hay độc quyền thiết lập một tiến trình của thu nhập bằng lương thông qua gần như việc chỉ số hoá trong thực tế đối với, một mặt, giá tiêu dùng và, mặt khác,  những thành quả của hiệu suất có tính xu hướng.
Lợi ích của những kiểm định kinh trắc là kiểm tra độ thích đáng của những mô hình lí tưởng khác nhau với những dữ liệu thống kê đặc trưng cho những giai đoạn lịch sử khác nhau. Từ đó có hai lĩnh vực nghiên cứu. Bằng những nhát cắt từng khu vực (hay quốc tế) bằng cách nào những kiểu lí tưởng khác nhau kết hợp với nhau và đâu là kết quả tổng hợp? Bằng những chuỗi thời gian dài, có thể nào chẩn đoán hoặc là một thay đổi dần dần, hoặc một gián đoạn trong điều tiết bộ phận không? Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo R. Boyer[29] [1978] và J. Mazier, M. Baslé, J. F. Vidal[30] [1984], tác phẩm cuối này cung cáp một tóm tắt những công trình thống kê đồ sộ. Có thể lặp lại cách tiếp cận này cho những cơ chế của cạnh tranh [R. Boyer, J. Mistral[31], 1983], của tạo sinh tiền tệ (R. M. Gelpi), và cho những nhân tố quyết định chi tiêu công cộng [Ch, André, R. Delorme[32], 1983a]. Nó cũng được áp dụng cho những hệ thống quan hệ quốc tế [A. Capian; G. de Bernis[33], 1977; J. Mistral[34], 1981; M. Aglietta[35], 1986]. Do đó có một bước thứ ba trong phân tích.
3.   Từ sự kết hợp những logic bộ phận đến sự điều tiết toàn cục
Quả thật, không có gì đảm bảo là một loạt những thỏa hiệp được thể chế hoá, mà những phẩm chất điều tiết chỉ có tính địa phương và bộ phận, sinh ra những điều chỉnh cho phép tái tạo lại toàn bộ hệ thống: phân bổ người lao động và tư bản trong những ngành khác nhau, tính tương hợp động của thu nhập, tín dụng và cầu, v.v.. Thế mà trên địa hạt này, phân tích thuần túy định tính là không đủ trong chừng mực là nó không cho phép kiểm tra rằng một lọat những cơ chế kinh tế là hỗ trợ lẫn nhau, hay ngược lại sinh ra một tiến hoá cộng dồn bất lợi hoặc những vòng luẩn quẩn tiếp nối nhau.
Do đó buộc phải vận dụng đến mô hình hoá kinh tế vĩ mô, và nếu có thể, mô hình hoá kinh trắc những điều tiết khác nhau. Mục đích là trước hết kiểm tra tính chặt chẽ của thiết kế lí thuyết và làm nổi rõ những sai sót có thể có trong lập luận: như thế mô hình được dùng làm tiêu chí đánh giá công việc lí thuyết chứ không chỉ làm chỗ dựa để công nhận giá trị thực nghiệm của công việc này. Sau đấy nó còn là một công cụ để đề nghị vài đối chọn đối với những lí thuyết kinh tế vĩ mô. Thường các lí thuyết kinh tế quan tâm nhiều hơn đến việc suy ra một số kết quả tối đa từ một tiên đề được chọn một cách tiên nghiệm hơn là sắp xếp nghiên cứu những khái niệm để đối chiếu với những vấn đề chính của thời đại. Thế mà đem đối lập những “sự kiện” với những lí thuyết không phải là một phương pháp tốt vì làm sao xây dựng sự kiện một cách độc lập với những lí thuyết? Trong nghĩa này, việc từ chối mọi lí thuyết hoá và hình thức hoá đã chứa đựng mầm mống sự thất bại của hầu hết những nỗ lực thực nghiệm. Theo công thức khắt khe nhưng đúng, mô tả thế giới “như nó vốn là” không đủ để đề xuất một lập luận có giá trị đối đầu được với hệ chuẩn tân cổ điển. Trường phái thể chế Mĩ há chẳng phải là đối tượng của phê phán này chăng?
Vì thế những nghiên cứu bằng ý niệm điều tiết không ngần ngại vân dụng đến, nhưng không phải một cách quá đáng, những mô hình hoá, tuy thường là đơn giản nhưng cũng soi sáng được những điểm chủ yếu: nguồn gốc của lạm phát và tính dai dẳng của nó trong thời kì đầu của khủng hoảng [R. Boyer, J. Mistral[36], 1983]; sự tồn tại đồng thời của những “vòng đức hạnh” giữa tính cạnh tranh và tăng trưởng và những vòng luẩn quẩn trái nghịch [M. Aglietta, A. Orléan, G. Oudiz[37], 1980; CEPII]; sự đảo chiều của ảnh hưởng của những thay đổi kĩ thuật trên việc làm từ thập niên 1970 [(R. Boyer, P. Petit) hay những hậu quả của những cấu hình mới của quan hệ làm công ăn lương [R. Boyer[38], 1986a] hay của tổ chức sản xuất [R. Boyer, B. Coriat[39], 1986]. Một số nhà kinh tế cấp tiến Mĩ cũng có phát triển một phương pháp luận tương tự, cho dù những ý niệm căn bản và chi tiết của những hình thức hoá là khác nhau (T. E, Weískopf, S. Bowles, D. M. Gordon; A. Shaikh; và nhiều tác giả khác nữa).
Nhưng cũng còn có thể đặt câu hỏi về động thái dài hạn và điều này dẫn đến thành phần thứ tư của phân tích.
4.   Mô hình hoá những chế độ tích lũy để đặc trưng hoá những khủng hoảng “cấu trúc” khác nhau.
Theo một quan điểm phương pháp luận trong nghĩa hẹp, điều quan trọng là cung cấp một đối chọn cho quan niệm marxist truyền thống gán cho tích lũy những qui luật có tính xu hướng, những qui luật này vượt qua những nhân tố tạm thời và mang tính biến cố cuối cùng sẽ thắng thế. Đối lập với một lịch sử của chủ nghĩa tư bản bị những mâu thuẫn phát sinh từ sự suy giảm của tỉ suất lợi nhuận làm ngắt quãng là một quan niệm khiêm tốn hơn nhiều: tìm hiểu sự phát triển rồi sự khủng hoảng của một chế độ tích lũy (Boyer, Coriat), và bỏ ngỏ vấn đề động thái dài hạn. Có lẽ còn phải tích lũy thêm nhiều nghiên cứu quốc gia dài hạn trước khi rút ra những giả thiết tổng quát, có thể gọi là xuyên lịch sử, vì áp dụng được cho toàn bộ những phương thức phát triển biết được.
Trong cách nhìn này, điều quan trọng là khoanh lại đâu là những xu hướng cố hữu của mỗi một chế độ tích lũy mà nguồn gốc là, như lịch sử cho thấy, khi thì do sự cạn kiệt nhân khẩu của chế độ làm thuê, khi thì là do một sản xuất thừa thường xuyên hay do những khó khăn trong viẹc khai thác tư bản. Do đó một vài hình thức hoá bằng những sơ đồ tái sản xuất[40] là cần thiết để kiểm tra xem là lập luận suy diễn có xác thực những trực giác rút ra từ phân tích lịch sử không. Khiá cạnh này thường được những nghiên cứu có cảm hứng marxist coi nhẹ, ngay từ bây giờ đã cho được nhiều kết luận có ích. Không thể có tự tích lũy trong khu vực I [M. Aglietta[41], 1974], lí giải lại những mô hình cổ điển về tăng trưởng và chu kì  [R. Boyer], mối quan hệ giữa sự hoàn tất việc đổi mới khu vực II và xu hướng giảm tăng trưởng của Pháp [H. Bertrand[42], 1983]. Cuối cùng nhờ J. Fagerberg[43] (1984) ta có những mô hình rất trái ngược nhau về tích lũy cạnh tranh, tích lũy taylorian và tích lũy fordian và trong mỗi một mô hình này nguồn gốc của những cuộc khủng hoảng cấu trúc là khác nhau và đặc biệt cho mỗi chế độ tích lũy.
Kết luận này càng được củng cố khi phân tích nhằm vào những hình thái xã hội trong đó logic thống trị không phải là logic công nghiệp. Như thế điều chủ yếu là hình thức hoá thành một mô hình kinh tế vĩ mô đơn giản những hệ quả của một tập những cấu trúc sản xuất và quan hệ xã hội hoàn toàn đặc biệt. Như vậy biểu tượng của động thái của một nước chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu như Chilê [C. Ominami, 1980] hay một nền kinh tế dầu lửa như Venezuela [R. Hausmann, trong Royer[44] éd., 1986b] đòi hỏi một kinh tế vĩ học mô độc đáo, kinh tế học vĩ mô này thay vì áp dụng một cách máy móc những mô hình lí thuyết lớn “bám sát” vào hiện thực của nước được xem xét. Trên điểm này, lí thuyết điều tiết gặp những công trình của một số chuyên gia về kinh tế học phát triển, như L. Taylor. Chỉ như thế mới có thể giải thích một điều vốn là nghịch lí trong những mô hình chuẩn: những nước sản xuất dầu lửa có thể bước vào khủng hoảng khi giá vàng đen tăng cũng như các nền kinh tế nhập khẩu dầu lửa... nhưng lại vì những lí do hoàn toàn khác.
Việc qui chiếu đến diễn tiến của cuộc khủng hoảng hiện nay trong nhiều nước khác nhau thúc đẩy ta bổ sung trình bày trên theo hai hướng. Thứ nhất bạn đọc những công trình về điều tiết không khỏi đặt câu hỏi về tính chặt chẽ của cách đặt vấn đề này, ví dụ khi ghi nhận là thiếu vắng một mô hình duy nhất. Thứ hai nên chăng đanh giá một cây theo trái cây của nó, và trong trường hợp này, đánh giá lí thuyết theo tính thích đáng của nó, nghĩa là có tính đến lợi ích của những lí giải và những hậu quả về chính sách kinh tế mà lí thuyết này đưa ra? Có những cây rực rỡ nhưng vô sinh và ngược lại có những cây khác, bề ngoài ốm yếu, song lại có nhiều quả phong phú. Trong loại nào phải xếp những cách tiếp cận về điều tiết?     
  
Trích dịch “La théorie de la régulation: une analyse critique”  của Robert Boyer, Paris 1986, Tủ sách Agalma, nhà xuất bản La Découverte, tủ sách Agalma, trang 35-78 và 130-136

http://robertboyer.org/fr/la-theorie-de-la-regulation-une-analyse-critique/: ảnh bìa các bản dịch sang nhiều ngôn ngữ của tác phẩm

Phụ lục I - khái niệm điều tiết: đặt gần nhau một vài định nghĩa
Michel AGLIETTA
Trong lời tựa cho tác phẩm năm 1976: “Nói đến điều tiết của một phương thức sản xuất tức là tìm kiếm cách một xã hội tự tái tạo lại cơ cấu quyết định của nó trong những qui luật chung của xã hội này [...]. Một lí thuyết về điều tiết xã hội là một đối chọn tổng quát cho lí thuyết cân bằng chung [...] Nghiên cứu sự điều tiết của chủ nghĩa tư bản không thể là việc nghiên cứu những qui luật kinh tế trừu tượng. Đó là nghiên cứu sự biến đổi của những quan hệ xã hội tạo ra những hình thái mới, những hình thái kinh tế lẫn những hình thái không kinh tế, được tổ chức thành cơ cấu và tái tạo lại một cấu trúc thống trị, phương thức sẩn xuất.”
Trong lời nói đầu cho lần xuất bản thứ hai của Điều tiết và những cơn khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản (Régulation et crises du capitalisme) (1982): “Do đó phải cảnh giác với thuật ngữ tái sản xuất trong nghĩa một bất biến tồn tại mãi lẫn trong nghĩa một kết cuộc được gán cho một cách tiên nghiệm cho sự vận động của những mâu thuẫn xã hội. Chỉ có việc tái sản xuất của vấn đề xã hội hoá: bằng cách nào sự cố kết xã hội có thể tồn tại trong những dằng xé của những xung đột? Chính đây là vấn đề mà khái niệm điều tiết toan đảm nhiệm. Ngược lại với cách diễn giải thông thường của chủ nghĩa marxist, khái niệm này lí giải mà không viện đến bất kì giả thiết mục đích luận nào. Lí thuyết điều tiết của chủ nghĩa tư bản là lí thuyết của sự hình thành, phát triển và suy tàn của những hình thái xã hội, tóm lại của sự biến đổi trong đó những ngăn cách cấu thành chủ nghĩa tư bản vận động.”

Jean Pascal BENASSY
Trong Lạm phát trong việc điều tiết các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa (L’inflation dans la régulation des économies capitalistes), CEPREMAP-CORDES, quyển 2, 1977: “Sự điều tiết một hệ thống kinh tế chỉ toàn bộ những quá trình chi phối việc phân bổ và sử dụng những nhân tố sản xuất, và việc phân bổ những thu nhập.”

Jean Pascal BENASSY, Robert BOYER, Rosa-Maria GELPI
Trong “Điều tiết những nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và lạm phát” (Régulation des économies capitalistes et inflation), Revue économique, mai 1979: “Chúng tôi gọi bằng điều tiết quá trình động thích nghi của sản xuất và của cầu xã hội, sự kết hợp những điều chỉnh kinh tế gắn với một cấu hình những quan hệ xã hội, những hình thái thể chế và cơ cấu.” Định nghĩa của G, Destanne de Bernis trong Quan hệ kinh tế quốc tế (Relations économiques internationales, tome 1), 1977 được viện dẫn.

Gérard DESTANNE de BERNIS
Alfred Marshall (1842-1924)
Léon Walras (1834-1910)
Trong phê phán của ông về cân bằng chung (Revue économique, novembre 1975): “Do đó việc đưa vào một thời gian lịch sử trong phân tích kinh tế dường như là không tương hợp với giả thiết trung tâm của cân bằng kinh tế chung (CBKTC). Ngược lại hình như có thể làm được điều này khi thay thế giả thiết này bằng giả thiết lớn của các nhà cổ điển (Smith, Ricardo được kéo dài đến Marshall) và của Marx, giả thiết về sự điều tiết hệ thống của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa bằng cơ chế vận hành của những qui luật hoạt động riêng của nền kinh tế này... Một phân tích như thế về điều tiết lấy lại, theo một cách nhìn khác, trong khuôn khổ của một giả thiết trung tâm khác, điều tạo nên đóng góp quyết định của Walras, với CBKTC, tức là sự khẳng định là toàn thể những người tham gia vào nền kinh tế, mỗi người đối với tất cả mọi người khác, đều ở vào một tình thế thường xuyên có quan hệ tổng quát. Nhưng phân tích lại tự đặt ra điều kiện phải tính đến những biến của nền kinh tế bằng cách phân biệt nhịp độ tiến triển riêng, điều này kéo theo việc phân biệt những cấp độ khác nhau và do đó những địa điểm điều tiết khác nhau, những cấp độ, địa điểm và thủ tục khác nhau này liên tục tác động lẫn nhau” (trang 924). Trên điểm này, tác giả dẫn chiếu rõ ràng đến định nghĩa của G. Canguilhem (xem dưới đây).
Trong Quan hệ kinh tế quốc tế (Relations économiques internationales), 1977: “Trong rất dài hạn, toàn bộ hệ thống tiến hoá dưới ảnh hưởng của những xu hướng lớn, gia tăng của dân số, sự phúc tạp của kĩ thuật, gia tăng qui mô của doanh nghiệp, cấu trúc hoá tổng quát của không gian... Ngược lại trong rất ngắn hạn, hoạt động tức thì của nền kinh tế được đảm bảo trong khuôn khổ của logic tối đa hoá tỉ suất lợi nhuận. Và logic này thể hiện qua hai xu hướng lớn... (trong trường hợp này là sụt giảm của tỉ suất lợi nhuận và san bằng tỉ suất lợi nhuận giữa các khu vực). Hai tập xu hướng và ngược xu hướng này đòi hỏi phải có một tập những thể chế thích đáng (và không chỉ là thể chế nhà nước) để có thể vận động. Những thể chế này cung cấp cấp độ trung gian điều tiết của hệ thống, hệ thống tiến hoá trong khuôn khổ của một thời kì trung gian, những cơ cấu thể chế có một tuổi thọ đáng kể nhưng số phận là phải suy tàn.”
Trong Lí thuyết điều tiết và lịch sử những cuộc khủng hoảng (Théorie de la régulation et historique des crises), GRREC, 1981, điều tiết được định nghĩa như: “Quá trình nối khớp hai qui luật về lợi nhuận trong nghĩa là chúng điều kiện hoá quá trình tái sản xuất mở rộng [...] mỗi một qui luật này [...] hoá thân trong những hình thái đặc biệt cho mỗi một thời kì [...] sự nối khớp những qui luật này được tiến hành dưới những hình thài khác nhau từ thời kì này qua thời kì khác” (trang 174, 175). 

Robert BOYER
Trong Khủng hoảng hiện nay: một phối cảnh lịch sử (La crise actuelle: une mise en perspective historique, Cahiers d’économie politique, n0 7/8, 1989): “Ta gọi bằng điều tiết sự kết hợp những cơ chế tham gia vào việc tái sản xuất toàn bộ hệ thống, có tính đến trạng thái của những cơ cấu kinh tế và hình thái xã hội. Sự điều tiết này là cội nguồn của động thái của thời kì ngắn và trung hạn... Về phần động thái rất dài hạn, nó không đơn giản là kết quả của sự tiếp nối những biến động và những chu kì nhưng còn có sự can thiệp mấu chốt của những cuộc đấu tranh chính trị và xã hội, những cuộc đấu tranh này tuy được ấn định một phần bởi động thái của tích lũy nhưng không qui về động thái này” (trang 11)

Robert BOYER và Jacques MISTRAL
Trong Tích lũy, lạm phát, khủng hoảng (Accumulation, inflation, crises, 1978 và 1983): “Như thế phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện ra như một tổng thể động và được cấu trúc: hai khiá cạnh này không được kinh văn marxist chú ý đồng đều [...] cách tiếp cận này đưa đến việc thay thế khái niệm cân bằng thị trường -điều tiết phổ cập những hành vi cá thể- bằng khái niệm tái sản xuất trong đó kết tụ toàn bộ những thực tiễn cần thiết cho việc đào sâu quan hệ xã hội cấu thành của phương thức sản xuất, quan hệ làm công ăn lương, được gọi là bất biến cấu trúc... Thể hiện logic của chủ nghĩa tư bản trong ngôn ngữ những cấu trúc, cách đặt vấn đề mô tả động thái của chủ nghĩa tư bản những nét của tái sản xuất, cho nên điều tiết của phương thức sản xuất là ở cấp độ của tính tất yếu... Như thế để nói có những thiếu sót trong những phát triển lí thuyết chỉ dành cho những qui luật có tính xu hướng việc chi phối sự tái sản xuất của phương thức sản xuất: hiểu biết về những qui luật lịch sử của sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản đòi hỏi việc lập thành đối tượng nghiên cứu khoa học việc tìm hiểu những biến thiên, trong thời gian và không gian, những hình thái của sự điều tiết” (trang 3-4)

GRREC (Groupe de recherches sur la régulation de l’économie capitaliste - Nhóm nghiên cứu về điều tiết của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa)
Trong bài viết tập thể “Khủng hoảng và điều tiết của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa”, 1980: “Chúng tôi có thể tóm tắt sơ lược hoạt động của chủ nghĩa tư bản dưới dạng một hệ thống gồm ba tập lớn những biến được phân biệt theo phương thức tiến hoá:
-          những biến tiến hoá đơn điệu (mà chúng tôi đã liệt kê)
-          những biến có biến động ngắn (chủ yếu là, nhưng không chỉ là, giá cả và số lượng), mỗi biến tiến hoá theo qui luật riêng của nó;
-          những biến có tiến hoá không liên tục, tựa như những hình thái cạnh tranh hay những hình thái can thiệp của Nhà nước. Có thể gọi những biến này là những biến “thể chế “ với điều kiện làm rõ thuật ngữ này bằng cách nói rằng một thể chế là một “cuộc đình chiến xã hội” (Hauriou) và nhận xét là việc giải quyết những xung đột đòi hỏi lựa chọn một trình tự, trình tự này cũng là dối tượng của xung đột và đấu tranh, cuối cùng nhấn mạnh sự tồn tại của một biên độ thích nghi của những biến này trước toàn bộ những tiến hoá kinh tế và xã hội ...
Những trình tự xã hội về điều tiết, tự bản chất, thuộc về tập thứ ba. Trong suốt thời kì chúng “tương ứng” với trạng thái của những biến tiến hoá đơn điệu, những trình tự này đảm bảo những điều chỉnh cần thiết giữa những biến có biến động ngắn. Như thế trong thời kì được xem xét, ba tập biến này có thể nối khớp hay kết hợp với nhau tạo thành một tổng thể cố kết. Chúng tôi gọi bằng phương thức điều tiết tổ hợp chặt chẽ và đặc biệt này của mỗi thời kì.” (trang 63 của tác phẩm Khủng hoảng và điều tiết [Crise et régulation], 1983, PUG, Grenoble)

Alain LIPIETZ
Trong “Triển khai lại và không gian kinh tế” (Redéploiement et espace économique, Travaux et recherches de prospectives, n0 85, sept. 1982): “Một chế độ tích lũy không lơ lửng, thoát xác, trong không gian thanh khiết của những sơ đồ tái sản xuất. Để cho sơ đồ này hay sơ đồ khác được hoàn thành và tự tái sản xuất lâu dài thì những hình thái thể chế, những trình tự, những thói quen tác động như những lực cưỡng chế hoặc kích thích, khiến các tác nhân tư nhân thuận theo sơ đồ đó. Tập những hình thái này được gọi là phương thức điều tiết. Ta sẽ thấy là một chế độ tích lũy không tự bằng lòng với bất kì phương thức điều tiết nào. Những cuộc khủng hoảng kinh tế, hiện ra như sự không thích đáng tổng quát và rõ ràng của cung đối với cầu, trong thực tế có thể biểu hiện dưới nhiều tình thế khác nhau.”


Trong “Khủng hoảng và lạm phát: tại sao?” (Crise et inflation: pourquoi?, 1979): “[...] Nếu trong việc tái sản xuất tính “thống nhất” của mâu thuẫn (ở đây giữa tính chất tư nhân và tính chất xã hội của sản xuất) thì “đấu tranh” hiện ra trong tính “rủi ro” của việc bán, việc hoàn thành hàng hoá. Thế mà “thống nhất” và  “đấu tranh” hợp thành mâu thuẫn, dưới sự thống trị tương đối của tính thống nhất. Làm cách nào tư duy tính thống nhất này của sự “thống nhất” (tái sản xuất) và của “đấu tranh” (rủi ro)? Trong tác phẩm bạn sắp đọc, tôi đề nghị đưa vào khái niệm điều tiết.
Chúng tôi gọi bằng điều tiết cách mà tính thống nhất tự áp đặt thông qua đấu tranh của những yếu tố. Định nghĩa bí ẩn chỉ được làm rõ khi ta nghiên cứu đặc biệt những mâu thuẫn cần xem xét. Tuy nhiên chúng tôi sẽ nói đôi lời sự khác biệt dối với những nghĩa khác của thuật ngữ.
Nếu thật ra điều tiết chỉ vị trí hàng đầu tương đối và tạm thời của thống nhất so với đấu tranh, thì sẽ có một xu hướng mạnh, khi nói đến điều tiết, nhằm lập lại vị trí hàng đầu tuyệt đối của thống nhất, thậm chí đơn giản loại bỏ đấu tranh. Đó là nguồn gốc của những ý nghĩa thông thường của thuật ngữ này. Như thế G. Canguihem phát biểu một định nghĩa thường được chấp nhận “sự điều chỉnh, thể theo một vài qui tắc hay chuẩn, của nhiều chuyển động hay hành động và những hiệu ứng hay sản phẩm của những chuyển động hay hành động này mà sự đa dạng hay sự nối tiếp của chúng khiến lúc đầu làm chúng xa lạ với nhau” (trang 36).

Fortuné DI RUZZA
Trong “ý tưởng điều tiết trong kinh tế chính trị học” (L’idée de régulation en économie politique, 1981): “Thật ra chủ nghĩa tư bản là mâu thuẫn vì chính mâu thuẫn cấu tạo ra nó. Trong khuôn khổ đó, điều tiết là điều ngăn cản hệ thống tan vỡ dưới tác động của những lực li tâm xuất phát từ mâu thuẫn. Từ đó [...] ý tưởng điều tiết không tách rời với ý tưởng mâu thuẫn. Và ta có thể [...] đẩy ý này đi xa hơn nữa: điều tiết là điều tiết mâu thuẫn bằng mâu thuẫn. Nói cách khác, sự điều tiết của chủ nghĩa tư bản là mâu thuẫn: nó hợp nhất trong cùng một tập những thực tiễn xã hội mâu thuẫn (không chỉ không chặt chẽ hay không tương hợp) và mang trong bản thân nó những điều kiện của khủng hoảng...
Những trình tự điều tiết xã hội là hình thái lịch sử của việc nối khớp cạnh tranh và đấu tranh giai cấp.
Một phương thức điều tiết là một tổ hợp chặt chẽ những thủ tục điều tiết lẫn nhau và với những biến khác đặc trưng cho cấp độ kinh tế (biến có tiến hoá đơn điệu: tích tụ, không gian của doanh nghiệp, thay đổi kĩ thuật...).
Một hệ thống sản xuất là không gian trên đấy một phương thức điều tiết hoạt động. Một cuộc khủng hoảng của phương thức điều tiết là một thời kì trong đó tính chặt chẽ của những phuơng thức điều tiết xã hội biến mất” (trang 7 và 8 của “Khủng hoảng và điều tiết”, 1983)

Bình luận ngắn
Chúng tôi để bạn đọc đối chiếu những định nghĩa khác nhau trên và liệt kê nhiều điểm được sự đồng tình rộng rãi:
-          chối bỏ cách đặt vấn đề của cân bằng chung;
-          tung ca... và sự khốn cùng của khái niệm tái sản xuất trong những phân tích marxist có cảm hứng cấu trúc luận;
-          quyết tâm đưa vào thời gian lịch sử và những thay đổi của những hình thái xã hội của chủ nghĩa tư bản và những dạng thức điều chỉnh động trong ngắn và dài hạn;
-          kết đôi việc xây dựng những khái niệm lí thuyết trung gian với việc phân kì những điều tiết.     
Nhưng cũng có thể cảm nhận những khác biệt, hay ngay cả những dị biệt, trên một số vấn đề lí thuyết hoặc phương pháp luận:
-          có tồn tại hay không những qui luật có tính xu hướng (của sụt giảm của tỉ suất lợi nhuận, của sự bằng nhau của những tỉ suất lợi nhuận, của sự tích tụ...);
-          nhấn mạnh ít hay nhiều đến mâu thuẫn hoặc tính chặt chẽ tạm thời của điều tiết;
-          quan điểm ngầm ẩn về lí thuyết marxist của giá trị lao động, tùy theo trường hợp là cần thiết hay không cho việc thiết kế khái niệm tích lũy và điều tiết.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Phụ lục I – Sơ đồ trình bày những ý niệm khác nhau: hình thái thể chế, chế độ tích lũy, điều tiết và khủng hoảng
----
Những bài có liên quan trên PTKT:




Chú thích:

[*] Giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS)

[1] Xem mục “Ford (chế độ)” trong Từ điển phân tích kinh tế (ND)

[2] Về trường phái này, có thể tham khảo hai bài “Khoa học lịch sử mới: hiện tại và tương lai” và “Diễn biến của sử học phương Tây trong thế kỷ XX” trong tuyển tập “Sử học: những tiếp cận thời mở cửa”, Chuyên đề Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998 (ND).

[3] Xem “Cơ năng của kinh tế tư bản chủ nghĩa” của Fernand Braudel, nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 1995 (ND)

[4] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1992, t. 13, trang 14 (ND).

[5] A. Lipietz (1979), Crise et inflation, pourquoi?, Maspéro, Paris.

[6] Xem mục “Chuyển hoá giá trị thành giá cả (vấn đề)” trong Từ điển phân tích kinh tế (ND)

[7] J. Mistral, (1986), “Régime international et trajectoires nationales”, in Boyer R. (ed.) (1986), Capitalismes fin de siècle, PUF, trang 167-202]

[8] Xem mục “Trò chơi lặp lại” trong Từ điển phân tích kinh tế (ND)

[9] Xem mục “Thế lưỡng nan của người tù” trong Từ điển phân tích kinh tế (ND)

[10] “sự điều chỉnh, thể theo một vài qui tắc hay chuẩn mực, của nhiều chuyển động hay hành động và những hiệu ứng hay sản phẩm của những chuyển động hay hành động này mà sự đa dạng và nối tiếp của chúng khiến lúc đầu chúng xa lạ với nhau” (Canguilhem G. (1980), “Régulation”, Encyclopedia Universalis, vol 14, trang 1) [ND]

[11] De Bernis G. (Destanne) (1977), “Régulation ou équilibre dans l’analyse économique” trong “L’idée de régulation dans les sciences”, A. Lichnerowicz, et al., ed. Maloine-Doin, Paris

[12] Aglietta M. (1976), Régulation et críse du capitalisme. Calman Lévy, Paris, xuất bản lần thứ nhì (1982)

[13] Boyer, R. (1979), “La crise actuelle: Une mise en perspective historique. Quelques réflexions à partir d’une analyse du capitalisme français en longue période”, Critiques de l’économie politique, n0 7/8, avril-septembre, trang 3-113

[14] xem chú thích 11 và De Bernis G. (Destanne) (1983), “De quelques questions concernant la théorie des crises”, Cahiers de l’ISMEA, série HS n0 25, Économies et sociétés, trang 1277-1330

[15] xem chú thích 13

[16] xem chú thích 12

[17] CEPREMAP-CORDES (1977), (Bénassy, J. P., Boyer R., Gelpi, R.-M., Lipietz, A., Mistral J., Munoz J., Onimani C.), Approches de ll’inflation: l’exemple français. Convention de recherche n0 22, ronéotypé

[18] Boyer, R. (1986a), La flexibilité du travail en Europe, La Découverte, Paris

[19] Ominami C. (1986), Le tiers monde dans la críse, La Découverte, Paris

[20] Haussmann R. (1981), State Landed Property Oil Rent and Accumulation in Venezelua: an Analysis in Terms of Social Relations, luận án, Cornell University, tháng tám

[21] Grando J.-M., Margirier G., Ruffieux B. (1980), Rapport salarial et compétitivite des économiés nationales: analyse des économies britannique, italienne et ouest-allemande depuis 1950, luận án, Grenoble II

[22] xem chú thích 18

[23] André Ch., Delorme R. (1983a), “Matériaux pour une comparaison internationale de l’évolution des dépenses publiques en longue periode. Le cas de six pays industrialisés”, Statistiques et études financières, série rouge, n0 390

[24] Mistral J. (1986), “Régime international et trajectoires nationales”, in Boyer R. (éd.) (1986), Capitalismes fin de siècle, PUF, trang 167-202

[25] Rolle P. (1980), “Le capitalisme perpétuel”, Enjeu, n0 11, avril, trang 20-23

[26] Ominami C. (1980), Croissance et stagnation au Chili: elesments pour l’étude de la régulation dnas une économie sous-developpée, luận án, université Paris X-Nanterre và chú thích 19

[27] xem chú thích 20

[28] Aboites J. (1986), Régime d’accumulation, rapport salarial et crises au Mexique (1940-1982), ronéotypé, mai

[29] Boyer R. (1978), “Les salaires en longue période”, Economie et statistiques, n0 103, trang 99-118

[30] Mazier J., Baslé M., Vidal J. F.. (1984), Quand les crises durent... , Economica, Paris

[31] Boyer R., Mistral J. (1983), “Le temps présent, La crise”: (1) “D’une analyse historique à une vue prospective”, (II) “Pesanteur et potentialités des années quatre-vingt”, Annales (économiés, sociétes, civilisations) n0 3 và 4, tháng bảy-tám, trang 483-506 và 773-789

[32] xem chú thích 23

[33] xem chú thích 11

[34] Mistral J., “La diffusion internationale de l’accumulation intensive et sa crise”, in Reìfers J. F. (éd.), La recherche en économie internationale

[35] Aglietta M. (1986), La fin des devises clés, La Découverte, collection Agora, Paris

[36] xem chú thích 31

[37] Aglietta M., Orléan A., Oudiz G. (1980), “Contraintes de change et régulations macroéconomiques nationales”, Recherches économiqués de Louvain, vol. 46, n0 3, septembre, trang 175-206

[38] xem chú thích 18

[39] Boyer R., Coriat B. (1986), Technical Flexibility and Macro-Stabilisation, ronéotypé, Conference on Innovation Difusion, Venise, 17-21 mars

[40] Xem mục ”Sơ đồ tái sản xuất” trong Từ điển phân tích kinh tế (ND)

[41] Aglietta M. (1974), (1974), Accumulation et régulation du capitalisme en longue période. Exemple des États Unis (1870-1970), luận án Paris I, octobre

[42] Bertrand H. (1983), “Accumulation, régulation, crise: un modèle sélectionnel théorique et appliquée”, Revue économique, vol. 34, n0 6, mars

[43] Fagerberg J. (1984), “The Regulation School and the Classics: Modes of Accumulation and Modes of Regulation in a Classical Model of Economic Growth”, Couverture Orange CEPREMAP, n0 8426, juillet

[44] Boyer R. (ed.) (1986b), Capitalismes fin de siècle, PUF

Print Friendly and PDF