19.11.19

Sự sụp đổ của Bức tường, cách nay ba mươi năm


Sự sụp đổ của Bức tường, cách nay ba mươi năm
Tháng 11 năm 1989, cùng với sự sụp đổ của bức tường ngăn cách Đông Berlin với Tây Berlin, là sự tự sụp đổ không chỉ của một hệ thống chính trị mà còn của toàn bộ một hệ thống kinh tế.
Sự sụp đổ của bức tường Berlin vào tháng 11 năm 1989 tượng trưng cho sự kết thúc một nước Đức bị chia cắt làm hai kể từ Thế Chiến thứ hai. Đây là điểm kết thúc của một quá trình: sự bảo đảm của Mikhail Gorbachev về việc Liên Xô không can thiệp vào [vấn đề của] “các nước anh em” và việc tổ chức các cuộc bầu cử vào tháng 3 năm 1989 với các ứng cử viên độc lập tại chính đất nước Liên Xô, làm tăng tốc quá trình dân chủ hóa ở Ba Lan và Hungary trước tháng 11. Ngay từ tháng 5, dãy dây thép gai giữa Hungary và Áo đã bị tháo dỡ: kể từ đó bức tường Berlin chỉ có việc sụp đổ.
Mikhail Gorbachev (1931-)
Lech Walesa (1943-)
Khối chính trị Đông Âu sụp đổ. Giới cựu lãnh đạo cộng sản bị lật đổ ở khắp nơi. Lech Walesa, người sáng lập Công đoàn Đoàn kết đối lập, trở thành Tổng thống nước Cộng hòa Ba Lan vào năm 1990, và các cuộc bầu cử tự do đã đưa Václav Havel, cựu lãnh đạo phe đối lập, lên nắm quyền ở Tiệp Khắc. Tháng 10 năm 1990, nước Cộng hòa Dân chủ Đức (RDA, Đông Đức) trước đây sáp nhập vào nước Cộng Hòa Liên Bang Đức (RFA) thành một nước Đức thống nhất, với thủ đô là Berlin. Liên Xô bị tổn thương bởi mong muốn thoát khỏi chế độ cai trị xô-viết: từ năm 1990 đến năm 1991, lần lượt, các nước vùng Baltic – Georgia, Ukraina, Belarus, Moldova, Azerbaijan, Uzbekistan, Estonia, Kazakhstan – đều tuyên bố độc lập. Liên Xô không còn tồn tại.
Sự kết thúc của một khối kinh tế
Václav Havel (1936-2011)
Khởi nguồn từ sự sụp đổ của chế độ chính trị, Đông Âu tiến đến sự phá vỡ về mặt kinh tế. Hai tháng sau sự sụp đổ của bức tường [Berlin], vào tháng giêng năm 1990, đã diễn ra một sự kiện gần như không được chú ý: diễn ra tại Sofia, Hội đồng Tương trợ Kinh tế (CMEA, bằng tiếng Pháp), còn được gọi là COMECON [bằng tiếng Anh], “thị trường chung” gắn kết Liên Xô với các “nền dân chủ nhân dân” của khối Đông Âu kể từ năm 1949, đã quyết định, kể từ nay, sẽ trao đổi sản phẩm với nhau theo giá cả trên thị trường thế giới và thanh toán bằng những ngoại tệ chuyển đổi được (chứ không còn bằng đồng rúp ở mức giá thấp hơn giá thị trường thế giới). Điều này có nghĩa là hồi kết của COMECON, sẽ chính thức giải thể vào tháng 6 năm 1991. Đây cũng là điểm kết của một quá trình tiến hóa, có thời gian diễn tiến lâu nhất.
Cơ chế nói trên, được thành lập vào năm 1949 để củng cố khối các nước xung quanh Liên Xô, đã tìm cách tổ chức một “phân công lao động quốc tế xã hội chủ nghĩa” và phối hợp kế hoạch của các nền kinh tế Đông Âu được quản lý nhiều hay ít theo mô hình của Liên Xô. Cơ chế này đã thành công, trong một thời gian dài, trong việc cắt đứt quan hệ với thị trường thế giới: cho đến những năm 1980, trung bình 70% giao dịch của mỗi nước đều được thực hiện giữa các nước trong khối với nhau.
Nhưng các giao dịch, về cơ bản, đều diễn ra trên cơ sở quan hệ song phương, chủ yếu giữa Liên Xô và các nước vệ tinh của nó: dòng chảy giao dịch chính giữa Liên Xô, nơi bán các sản phẩm hiđrocacbua [dầu khí] và khoáng chất, với những nước nhỏ, nơi bán chủ yếu các trang thiết bị sản xuất và sản phẩm tiêu dùng. Các nước nhỏ này phụ thuộc hoàn toàn vào Liên Xô về năng lượng, nhưng được đảm bảo có thể bán phần lớn các sản phẩm của mình cho đại ca xô-viết, mà không cần phải hiện đại hóa bộ máy sản xuất của mình. Điều này, đặc biệt, dẫn đến việc họ bị tụt hậu so với phương Tây về chất lượng sản phẩm và mức độ đa dạng của các sản phẩm tiêu dùng sẵn có trong các cửa hàng.
Từ cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, sự cố kết của khối [Đông Âu] về mặt kinh tế bị suy yếu: Hungary rồi Ba Lan tìm cách làm giảm sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế và mở cửa với phương Tây nhằm hiện đại hóa bộ máy kinh tế của họ, nhập khẩu công nghệ và tìm kiếm những tiêu trường thương mại mới.
Trái tim sụp đổ
Tatiana Zaslavskaya (1927-2013)
Đòn ân huệ được thực hiện bởi chính đất nước Liên Xô. Vào đầu những năm 1980, mô hình kinh tế xô-viết bị thấm đòn: mức tăng trưởng kinh tế suy yếu, khoảng cách công nghệ với Hoa Kỳ lớn thành vực thẳm, hệ thống cho thấy không có khả năng làm tăng năng suất và đưa đất nước thoát khỏi tình trạng thiếu thốn mà dân số phải cam chịu. Như Tatiana Zaslavskaya, nữ cố vấn tương lai của Gorbachev, đã viết vào năm 1983, “hệ thống quản lý nhà nước về mặt kinh tế tồn tại từ những năm 1930” và “nó không còn có có khả năng đảm bảo sự hoạt động hiệu quả từ một trung tâm duy nhất”. 
Trên thực tế, mặc dù có nhiều nỗ lực làm cho hệ thống bớt tính quan liêu, nhưng nền kinh tế kế hoạch hóa vẫn ở trạng thái hầu như không thay đổi cho đến khi sụp đổ. Tồi tệ hơn, chính sách tái cấu trúc kinh tế (“perestroika”) của Gorbachev còn đẩy nhanh hơn nữa sự sụp đổ: luật năm 1988 trao quyền tự chủ lớn hơn cho các doanh nghiệp trong việc lựa chọn nhà cung cấp và khách hàng đã vấp phải chính nguyên tắc kế hoạch hóa mối quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp và nguyên tắc duy trì các chính sách giá mang lại lợi nhuận thấp, tất cả đều không cho phép các doanh nghiệp tháo gỡ các giới hạn.
Đến mức công cuộc hiện đại hóa mà chính quyền mong muốn chỉ có thể phát sinh từ Nhà nước, làm đào sâu hơn nữa mức thâm hụt ngân sách và tình trạng nợ nần. Hồi kết diễn ra vào thời kỳ 1990-1991 với sự sụp đổ các quan hệ giao dịch: các nước thuộc Liên Xô đã thông qua chính sách tự cung tự cấp trước khi trở thành độc lập và các nước thuộc khối COMECON cũ chỉ chấp nhận bán các sản phẩm trang thiết bị bằng đồng US$ chứ không còn bằng đồng rúp. Nền kinh tế xô-viết sụp đổ cùng lúc với sự sụp đổ của chính đất nước Liên Xô.
Ở Đông Âu, quá trình “chuyển đổi” sang nền kinh tế thị trường sau đó diễn ra một cách hỗn loạn, với nhiều ảo tưởng về những gì mà một nền kinh tế tư bản ngày càng ít được điều tiết có thể mang lại.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Il y a trente ans, la chute du Mur, Alternatives Economiques N°395, ngày 08/11/2019.
Print Friendly and PDF