9.11.19

Trung Quốc nói rằng họ muốn có nhiều viện nghiên cứu “độc lập” hơn nữa

TRUNG QUỐC NÓI RẰNG HỌ MUỐN CÓ NHIỀU VIỆN NGHIÊN CỨU “ĐỘC LẬP” HƠN NỮA
Tuy nhiên, đó phải là những tổ chức độc lập “mang đặc sắc Trung Quốc”
Thất vọng vì chất lượng của các tấu chương nhận được, Tống Thái Tổ [Triệu Khuôn Dận - 趙匡胤] đã nảy ra một ý tưởng. Người ta kể rằng người trị vì ở thế kỷ 10 đã hứa với các vị quan lại sẽ không xử tử họ nếu họ nghịch ý của ông. Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đang thử nghiệm một giải pháp ít khoa trương hơn cho vấn đề tương tự. Để đảm bảo có một nguồn cung cấp ý kiến đa chiều, ngay cả khi các cuộc tranh luận công khai phải đối mặt với sự kiểm soát chặt chẽ, ông Tập vẫn đang khuyến khích sự bùng nổ các “viện nghiên cứu mang đặc sắc Trung Quốc”.
Các viện nghiên cứu do nhà nước tài trợ - nhiều tổ chức trong số họ phục vụ cho các bộ đơn lẻ [thuộc chính phủ] hay cho các cơ quan của Đảng Cộng sản - đã tồn tại lâu nay ở Trung Quốc. Nhưng trong những năm gần đây, người ta đã chứng kiến ​​sự phát triển mạnh mẽ của những viện nghiên cứu không nhận được sự tài trợ trực tiếp của nhà nước. Một số tổ chức nhận tài trợ tư nhân, hay liên kết với các trường đại học. Những tổ chức khác đăng ký dưới hình thức công ty tư vấn tư nhân, mang đến sự linh hoạt lẫn khả năng bị tổn thương.
Sự bùng nổ này khiến người ta bối rối. Ở phương Tây, việc đo lường tầm ảnh hưởng là điều dễ dàng. Khi đảng Dân chủ giành thắng lợi trong cuộc đua vào Nhà Trắng, một đội quân các chuyên gia có tư tưởng tiến bộ xuất hiện khắp Washington từ những nơi như Viện Brookings để gia nhập chính phủ. Khi ứng cử viên đảng Cộng hòa thắng cử, đến lượt các các chuyên gia có tư tưởng bảo thủ xuất hiện vì họ có cùng quan điểm chính trị với người đắc cử — những viện nghiên cứu (think-tank)[*] có ảnh hưởng lớn ủng hộ đảng Cộng hòa đã trúng độc đắc dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ở châu Âu, các viện nghiên cứu đưa người của họ vào chính phủ với vai trò là cố vấn đặc biệt và định hình cuộc tranh luận công khai. Ở Trung Quốc việc đánh giá sức ảnh hưởng khó khăn hơn, ở đó cánh cửa xoay chỉ có một chiều: các quan chức có thể rút về làm việc cho các viện nghiên cứu, nhưng hiếm khi trở lại chính phủ. Và đảng cầm quyền không bao giờ thay đổi.
Ở Trung Quốc, sức ảnh hưởng thực sự hiếm khi được phô bày công khai. Giữa các nhà nghiên cứu, thuật ngữ neibu (“nội bộ”) được sử dụng rất nhiều. Mỗi ngày, các viện nghiên cứu và các trường đại học được ưa thích gửi các nghiên cứu về chính sách qua các kênh neibu cho ông Tập và các lãnh đạo khác. Nếu ông đọc một tài liệu, hay — một quan chức cao cấp — bút phê nguệch ngoạc bên lề, các trợ lý sẽ nhắn cho các tác giả của nghiên cứu, mang lại niềm vinh dự cho những người liên quan. Các viện nghiên cứu có mối quan hệ tốt sẽ cử thành viên của họ đến các cuộc họp nội bộ của chính phủ và đảng. Đằng sau những cánh cửa đóng, các học giả của họ đưa ra ý kiến về những vấn đề lớn, gây chia rẽ. Một ví dụ là Sáng kiến một ​​Vành đai, một Con đường, một kế hoạch để kết nối thế giới bằng các tuyến đường sắt, mạng viễn thông và các cơ sở hạ tầng khác. Một số viện nghiên cứu cho rằng Trung Quốc có lợi khi tài trợ và kiểm soát dự án. Những tổ chức khác gọi đây là gánh nặng tài chính và ngoại giao nên được chia sẻ với các quốc gia khác. Trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, các học giả đã được triệu tập để tư vấn về cách diễn đạt cho những lời tuyên bố của chính phủ Trung Quốc. Các viện nghiên cứu nhạy bén chuẩn bị các phiên bản công khai và neibu. Họ cũng được các quan chức yêu cầu đưa ra những lập luận mà các quan lớn không muốn làm ầm ĩ. Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu nổi tiếng nói rằng đừng tin bất kỳ tay chuyên gia phân tích chính sách nào tự xưng là mình tư vấn cho một nhân vật lớn. “Nếu tay đó thực sự thân cận với những nhân vật cực VIP đó, thì hắn không thể kể với bạn.”
Yuan Peng (1966-)
Chuyên mục kinh tế Chaguan [ - Trà Quán] đã hỏi những người đứng đầu của một số viện nghiên cứu rất khác nhau về một vấn đề khác: sự gần gũi với quyền lực là tốt cho thanh thế (prestige) nhưng xấu cho mức độ tín nhiệm (credibility), đặc biệt là trong chế độ chuyên chế. Các nhà ngoại giao và các nhà phân tích nước ngoài gọi Viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR) là viện nghiên cứu chính sách đối ngoại sắc sảo nhất nước, mặc dù (hay có lẽ vì) nó liên kết với nhà nước ngầm (deep state). Với hơn 200 học giả theo sát tình hình ở các quốc gia đơn lẻ và những vấn đề lớn về an ninh quốc gia, khuôn viên um tùm của CICIR giống như một trường đại học nhỏ. Những người bảo vệ bán quân sự và những cánh cổng khổng lồ gợi ý về mối quan hệ dây mơ rễ má (không được thừa nhận) của CICIR với Bộ An ninh Quốc gia [còn gọi là Bộ Công an Trung Quốc], cơ quan tình báo chính của Trung Quốc. Viên Bằng [Yuan Peng], viện trưởng CICIR, lưu ý rằng các viện nghiên cứu phương Tây đã sử dụng các cụm từ mạnh mẽ và tấn công các chính trị gia vì những sai lầm trong quá khứ. Ông cho biết, CICIR sử dụng ngôn ngữ “tinh tế” để mô tả chính xác hiện thực và đưa ra những gợi ý mang tính xây dựng về tương lai. Ông Viên không chấp nhận bất cứ bài học nào về tính khách quan từ phương Tây, ông gọi các viện nghiên cứu của Mỹ là những tổ chức chịu ơn những nhà tư tưởng giàu có: “Những viện nghiên cứu phương Tây tuy độc lập với chính phủ, nhưng lại không độc lập với các nhóm lợi ích.”
Wang Huiyao (1958-)
Vương Huy Diệu [耀 – Wang Huiyao] lãnh đạo Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (Centre for China and Globalisation), một viện nghiên cứu thúc đẩy tự do thương mại và mở cửa rộng rãi hơn với thế giới. Ông Vương tự hào rằng viện nghiên cứu “độc lập” của họ nhận được tài trợ từ các doanh nhân và công ty Trung Quốc chứ không phải từ nhà nước. Nhưng, ông là một người ngoài [hệ thống nhà nước] lại có quyền tiếp cận neibu, phục vụ như một cố vấn được chỉ định cho Hội đồng Nhà nước, hay nội các [chính phủ], và là phó chủ tịch của Hiệp hội học giả hồi hương từ phương Tây (Western Returned Scholars Association), một tổ chức đang tìm cách gây ảnh hưởng lên những người Trung Quốc được đào tạo ở nước ngoài. Trung Quốc ngày nay có thể không cho phép sự cạnh tranh chính trị, nhưng nó đã mở ra một cánh cửa cho “sự cạnh tranh đề xuất chính trị”, ông cho hay.
Viện nghiên cứu Tài chính Trùng Dương [Chongyang - 重阳] - được tư nhân tài trợ nhưng trực thuộc Đại học Nhân dân [Renmin - 人民], một trung tâm học thuật ưu tú ở Bắc Kinh - được dẫn dắt bởi Vương Văn [Wang Wen - ], một ngôi sao đang lên về những gì được tung hô là Làm Trung Quốc Vĩ Đại Trở Lại (Make China Great Again). Ông không tự phụ về khả năng tiếp cận được đồn thổi của mình đối với nhân vật quyền lực, ông nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc tham khảo ý kiến ​​rộng rãi, thu thập ý kiến ​​như ong lấy mật”. Các bức tường của viện nghiên cứu treo đầy ảnh được đóng khung của các chức sắc nước ngoài, vì những viện nghiên cứu được ưa thích này cũng làm công tác gần giống như ngoại giao.

Đưa các học giả trung thực đi lưu vong: một truyền thống lâu đời

Sheng Hong (1954-)
Sự độc lập thực sự mang lại gánh nặng chí phí. Viện nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc [Unirule Institute for Economics], do các nhà cải cách tự do nổi tiếng thành lập vào năm 1993, đang gặp khó khăn. Nó hiện đang nằm trong một căn hộ nhỏ ở phía bắc thành phố Bắc Kinh, sau một hành lang chật cứng xe đạp với các luống rau đang ngả vàng. Vào năm ngoái [năm 2018], chính phủ đã hủy giấy phép kinh doanh của một trong những đơn vị tài trợ của họ, sau khi viện Thiên Tắc chỉ trích các chính sách ủng hộ độc quyền nhà nước và làm cản trở các công ty tư nhân. Nhà chức trách nói rằng lỗi của đơn vị tài trợ là đã tổ chức các khóa đào tạo mà chưa có giấy phép giáo dục. Thịnh Hồng (盛洪 - Sheng Hong) - viện trưởng của Viện nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc - cho đến tháng 1 [năm 2019] vẫn là thành viên của Diễn đàn 50 nhà Kinh tế hàng đầu Trung Quốc [Chinese Economists 50 Forum], một cơ quan có mối liên hệ mật thiết với phó thủ tướng Lưu Hạc ( - Liu He), cố vấn kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Thịnh nói rằng các thành viên của Diễn đàn có cảm giác họ đang đưa ra kiến nghị cho các nhà lãnh đạo quốc gia. Nhưng quyền tiếp cận luôn đi kèm với “những hạn chế vô hình”. Điều này diễn ra như cơm bữa, các chủ đề nhạy cảm không được phép động đến, ông nói.
Các vị minh quân hiểu rõ điều này. Ý kiến ​​đa chiều có thể chọc tức các vị quân vương chuyên chế. Nhưng điều thực sự đau lòng là các kiến nghị mà họ không bao giờ được nghe.
Bài báo này đã xuất hiện trong phần Trung Quốc của phiên bản báo in dưới tiêu đề “Hãy để các chuyên gia phân tích chính sách được trăm hoa đua nở”
Nguyễn Việt Anh Nguyễn Thị Trà Giang dịch




Chú thích của người dịch:

[*] [Ở các nước phương Tây] think tank, thật ra, chỉ một định chế đặc thù của những xã hội trong đó có sự tách biệt giữa nhà nước và xã hội dân sự. Chính xác hơn, think tank là một định chế thuộc xã hội dân sự (định chế tư), độc lập với hệ thống nhà nước (một cơ quan như Hội đồng tư vấn kinh tế của tổng thống Hoa Kỳ không thể gọi là think tank). Tuy là nghiên cứu và giám định chủ trương, chính sách của nhà nước, nhưng đối tượng trực tiếp của think tank không phải là nhà nước, mà xã hội dân sự: hoạt động của think tank nhằm trước hết là tạo ra công luận và, từ đó, tác động đến người làm ra chính sách. Cho nên hoạt động của think tank không chỉ là sản xuất ra ý kiến và đề nghị, mà còn là công bố công khai những ý kiến và đề nghị đó trong xã hội. Có thể nói rằng think tank khác với các nhóm tư vấn cung cấp ý tưởng cho lãnh đạo chính quyền ở hai điều: quy chế của nó là tư nhân, độc lập với chính quyền (dù nó có thể cùng quan điểm, lập trường với chính quyền), và hoạt động của nó là công khai, hướng tới công luận. (Trích Trần Hải Hạc, “think tank”, DienDan.Org)

Print Friendly and PDF