3.11.19

Từ Jakarta đến Bangkok, các thành phố lớn của châu Á sẽ chẳng bao lâu nữa bị chìm dưới nước?


TỪ JAKARTA ĐẾN BANGKOK, CÁC THÀNH PHỐ LỚN CỦA CHÂU Á SẼ CHẲNG BAO LÂU NỮA BỊ CHÌM DƯỚI NƯỚC?
Bangkok có thể bị lún 1,8 mét từ nay đến năm 2025. (Nguồn: Slate)
Phần lớn các thành phố lớn của châu Á đang đứng đầu một bảng xếp hạng rất đáng lo ngại. Đó là những thành phố bị chìm dưới nước nhanh nhất trên thế giới. Nằm trên những vùng châu thổ hoặc duyên hải, và được xây dựng trên các nền đất yếu, nền đất của các thành phố đó đang sụt lún theo tốc độ của một quá trình phát triển đô thị hóa và công nghiệp hóa phi mã.
Từ hệ quả của hiện tượng nói trên, được gọi là hiện tượng sụt lún, nạn lũ lụt trên quy mô lớn đã gia tăng trong nhiều năm gần đây, đặc biệt trong các mùa gió mùa. Năm 2011, sông Chao Phraya, con sông chảy qua Bangkok, đã tràn bờ, làm ngập 40% thành phố. Đã có nhiều khu phố bị tê liệt hoạt động hoàn toàn trong nhiều ngày, dẫn đến thiệt hại về kinh tế lên đến 47,21 triệu euro. Ít được quan sát thấy hơn, nhưng không kém phần đáng lo ngại, đường xá đang sụt lún khiến đường phố có nhiều ổ gà ổ voi, vỉa hè không những bị méo mó mà còn có những vết nứt, đôi khi dài đến nhiều cây số, đe dọa các đường dây tải điện và đường tàu hỏa. Các tòa nhà thì bị nghiêng ngã và nền móng của chúng thì bị suy yếu, dẫn đến những rủi ro sụp đổ.
Ngày nay, các chính quyền địa phương đã nhận thức được hiện tượng này và đang đẩy mạnh các biện pháp để hạn chế những hậu quả của hiện tượng này. Nếu như Bắc Kinh có thể tự xem mình là một kiểu mẫu trong việc xử lý hiện tượng nói trên, thành công trong việc kiềm chế quá trình sụt lún, thì các thành phố khác như Jakarta hay Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục sụt lún với một tốc độ khác thường.
NHỮNG THÀNH PHỐ SỤT LÚN TỪ NHIỀU THẬP KỶ qua
Jakarta bị lún 10 cm mỗi năm. Jakarta có danh hiệu đáng thương là thành phố bị nhấn chìm nhanh nhất trên thế giới. Mỗi năm, thủ đô 10 triệu dân của Indonesia bị lún từ 7,5 đến 10 cm, theo một nghiên cứu được trung tâm nghiên cứu Deltares của Hà Lan công bố, theo tài liệu mà Asialyst được tiếp cận. Ngày nay, khoảng 40% diện tích của thành phố nằm dưới mực nước biển. Jakarta chỉ còn khoảng mươi năm để ngăn chặn hiện tượng này. Nếu không, vùng phía bắc của thành phố, các cảng và căn cứ hải quân, các chợ cá và cả các trung tâm thương mại khổng lồ của nó sẽ bị nhấn chìm dưới nước”, theo lời giải thích của các tác giả nghiên cứu. Theo những dự phóng của Deltares, thủ đô của Thái Lan vẫn có thể còn bị lún 1,8 mét từ nay đến năm 2025. Ở Philippines, nghiên cứu cũng đưa ra một nhận xét tương tự đối với Manila: mỗi năm thành phố này bị lún 4,5 cm và có thể chạm mức sụt lún 40 cm vào năm 2025.
Vẫn ở Đông Nam Á, thành phố Hồ Chí Minh bị lún gần 8 cm mỗi năm. Ngay từ năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã gióng lên hồi chuông cảnh báo: 6% lãnh thổ của thành phố có thể bị chìm dưới nước. Cách đó vài cây số, Bangkok, thành phố Venice của châu Á, được xây dựng chỉ cao hơn mực nước biển có 1,5 m. Trong khi vài năm trước, Bangkok bị lún khoảng 10 cm mỗi năm, nhưng hội đồng thành phố đã thành công trong việc làm chậm lại hiện tượng này, giới hạn quá trình sụt lún xuống còn một đến hai cm ngày nay.
Những thành phố dễ bị tổn thương khi mực nước dâng cao. Theo một nghiên cứu được các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện vào năm 2016, Bắc Kinh vẫn bị lún 4 cm mỗi năm ở một số quận, trong đó có các quận Chaoyang, Changping, Shunyi và Tongzhou, ở vùng trung tâm thành phố. Hiện tượng sụt lún cũng được ghi nhận ở những thành phố lớn thuộc vùng châu thổ sông Châu, như Hồng Kông, Macao và Quảng Đông. Theo Alexandra Tracy, Kate Trumbull và Christine Loh, các tác giả nữ của một bài báo về tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu ở khu vực này, vùng phía nam của châu thổ đã ở mức thấp hơn từ 0,3 đến 0,4 mét so với mực nước trung bình của biển.
Ngược lại, Tokyo và Thượng Hải thoát khỏi hiện tượng nói trên. Thủ đô của Nhật Bản, từng bị lún 4,25 mét từ năm 1900 đến năm 2013, ngày nay, không còn bị lún nữa theo sự khẳng định trong nghiên cứu của Deltares. Thượng Hải cũng chia sẻ một kỳ tích tương tự, bị lún hơn 2,5 mét kể từ những năm 1920 nhưng ngày nay, vẫn duy trì được mức đó [không bị lún thêm].
Hiện tượng sụt lún làm cho các thành phố lớn nói trên đặc biệt dễ bị tổn thương khi mực nước biển dâng cao. Thế nhưng, theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC, Intergovernmental Panel on Climate Change) được công bố vào ngày 25 tháng 9, mực nước biển và đại dương có thể tăng lên 1m10 từ nay đến năm 2100, nếu chúng ta không có biện pháp gì cả. Những dự phóng dưới đây, được Trung tâm nghiên cứu hiện tượng khí hậu nóng lên thuộc tổ chức Climate Central soạn thảo, cho thấy những hậu quả khi mực nước biển dâng cao đối với các thành phố châu Á, nếu hiện tượng khí hậu nóng lên toàn cầu được kìm giữ ở mức 2°C, giới hạn được các thỏa thuận ở Paris dự kiến vào năm 2015, và so sánh với kịch bản khí hậu nóng lên ở mức 4°C.
MỘT HIỆN TƯỢNG BẮT NGUỒN TỪ VIỆC KHAI THÁC Ồ ẠT NGUỒN NƯỚC NGẦM
Quá trình đô thị hóa chớp nhoáng. Ta có thể giải thích hiện tượng sụt lún của các thành phố nói trên theo nhiều cách. Cách thứ nhất là nguyên nhân tự nhiên: hầu hết các thủ đô của châu Á đều nằm trên các vùng châu thổ hoặc vùng đất sình lầy. Đá trầm tích, được hình thành từ hiện tượng xói mòn, sẽ nén lại một cách tự nhiên, dẫn đến hiện tượng sụt lún nền đất.
Ngoài nguyên nhân tự nhiên nói trên, tác động của con người cũng đã đẩy nhanh quá trình [sụt lún nền đất]. Trong những năm 1900, hàng trăm triệu người đã bắt đầu rời bỏ vùng nông thôn để lên các thành phố lớn nhằm tìm kiếm một việc làm tốt hơn và một mức sống cao hơn. Khi dân số bùng nổ, các hội đồng thành phố phải vật lộn để tổ chức quá trình đô thị hóa chớp nhoáng này. Để đáp ứng nhu cầu của các cư dân mới này và đảm bảo tiến trình của các dự án, họ buộc phải đi tìm một nguồn nước sạch. Vì vậy, họ bắt đầu khai thác một cách thái quá nguồn nước ngầm của các thành phố. Cộng thêm điều trên, là hoạt động khai thác đáng kể các nguồn khí đốt và hydrocarbon. Trên những vùng đất này lại tiếp tục mọc lên những tòa nhà mới, luôn cao hơn và luôn nặng hơn, làm đẩy nhanh hơn nữa quá trình nén đất.
Lý do chính vẫn là việc khai thác nguồn nước ngầm, theo lời giải thích của các chuyên gia của Deltares. Nhưng trọng lượng của các tòa nhà chắc chắn góp phần làm các lớp trầm tích mỏng nén lại. Thế nhưng, các khu vực duyên hải này, được hình thành chủ yếu bằng các tầng lớp cát, đất sét và than bùn, lại đặc biệt dễ bị tác động.”
Ngoài ra, các nhà khoa học từ trung tâm nghiên cứu của Hà Lan tiếp tục cho biết tại các thành phố này, nước bề mặt bị đặc biệt ô nhiễm, nhất là tại Jakarta và Dhaka, ở Bangladesh. Việc khai thác các nguồn tài nguyên ngầm nhanh chóng trở thành giải pháp tốt nhất, đặc biệt là khi các nhà máy, được xây dựng một cách chóng vánh, tiếp tục gây ô nhiễm. Sau nhiều thập kỷ sử dụng phương pháp này, việc chuyển đổi các hệ thống tiếp cận nguồn nước thường tỏ ra quá tốn kém đối với các chính quyền của nhiều nước.
Những tầng nước ngầm khô cạn. Các tầng nước ngầm cũng cần phải nạp lại nguồn nước nhờ vào những cơn mưa dồi dào. Nhưng ở các thành phố châu Á này, chúng khô cạn nhanh hơn so với việc chúng được nạp lại nguồn nước. Ở những nơi mà trước đây là những khu rừng ngập mặn hoặc những dãy vùng đất bở cho phép nước mưa thẩm thấu nhanh hơn vào các tầng nước ngầm, thì ngày nay là những con đường bê tông ngăn chặn lượng nước mưa thấm thấu vào đất. Vì vậy, các tầng nước ngầm bị khô cạn mà không có khả năng nạp lại nguồn nước.
Tại sao các thành phố lớn có nguy cơ bị chìm dưới nước? (Ảnh: DR)
NHỮNG THÀNH PHỐ DỄ BỊ TỔN THƯƠNG NHẤT TRƯỚC CÁC DIỄN BIẾN BẤT NGỜ VỀ KHÍ TƯỢNG
Năm này qua năm khác, quá trình sụt lún nền đất gây ra thiệt hại ngày càng lớn hơn. Ở các thành phố duyên hải này, hiện tượng sụt lún không những làm tăng nguy cơ lũ lụt mà còn dẫn đến sự xuống cấp của nhiều cơ sở hạ tầng như đường xá, đường sắt, đê điều và kênh rạch. Trên bình diện thế giới, chi phí kinh tế [của những thiệt hại này] lên đến nhiều tỷ đô la mỗi năm.
Những trận lũ lụt ngày càng nghiêm trọng hơn. Ở các thành phố như Jakarta, Bangkok hoặc Thành phố Hồ Chí Minh, được xây dựng rất gần với mực nước biển, hiện tượng sụt lún dẫn đến nguy cơ tăng cao về lũ lụt. Độ sụt lún nền đất càng lớn, thì nạn lũ lụt càng có nhiều khả năng xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn”, theo lời giải thích của Gilles Erkens, thuộc trung tâm Deltares. Một nhận định mà tất cả các chính quyền thành phố có liên quan đã từng trải nghiệm trong những năm gần đây.
Bão Kotsana tấn công Manila vào ngày 23 tháng 9 năm 2009:
Bangkok bị ngập nước vào năm 2011:
Các vết nứt, các vụ vỡ đê hoặc sập cầu... Nguy cơ lũ lụt gia tăng không những đe dọa cuộc sống của người dân mà còn gây hại đến nhà cửa của họ. Ngoài những thiệt hại do những thất thường lặp đi lặp lại của thời tiết, hiện tượng sụt lún không những tác động đến đường xá và hệ thống giao thông công cộng, mà còn tác động đến các công trình thủy lực, các đê điều, kênh rạch, đập ngăn nước, hệ thống nước thải hoặc các tòa nhà và nền móng của chúng, theo lời giải thích chi tiết của Gilles Erkens, trong một nghiên cứu về hiện tượng sụt lún của các thành phố duyên hải.  
Gilles Erkens
Quận Muara Baru bình dân ở miền Bắc Jakarta là một minh họa hoàn hảo cho những thiệt hại này. Một số tòa nhà hiện đang bị bỏ hoang. Bị xuống cấp [nghiêm trọng] qua các trận lũ, chúng không bao giờ được phục hồi. Và lý do: tầng trệt liên tục bị ngập nước. Do các vùng đất xung quanh có độ cao cao hơn tòa nhà, nên nước ngập không có nơi nào để thoát. Nếu các chủ nhà, bằng cách nào đó, cố gắng khắc phục thiệt hại, thì kết quả sửa chữa cũng thô thiển và việc nâng nền hiếm khi chịu đựng được những thất thường của thời tiết vào những năm tiếp theo. Cách khu phố này vài mét, các nhà tranh vách lá đã nhường chỗ cho những chung cư to lớn sang trọng. Nếu các dấu vết của hiện tượng sụt lún ít được quan sát thấy hơn, thì chúng vẫn thực sự tồn tại. Các vết nứt xuất hiện trên tường như một hệ quả của quá trình sụt lún. Các vách đê, được dựng lên để ngăn nước tràn vào nhà, thường xuyên bị [nước] phá hủy.
Chi phí kinh tế. Hiện tượng sụt lún thường được coi là một mối đe dọa tiềm ẩn bởi vì, trong thực tế, cái giá [của thiệt hại] thường là kết quả của các chính sách quy hoạch hoặc bảo trì, những thứ không được xem là liên quan trực tiếp đến những thiệt hại gây ra bởi quá trình sụt lún nền đất”, Gilles Erkens nói. Công việc ước tính do đó đặc biệt phức tạp. Dù vậy, ở Trung Quốc, người ta cũng ước tính chi phí của hiện tượng sụt lún lên đến 1,5 tỷ US$ mỗi năm. Từ năm 2001 đến năm 2010, người ta ước tính đã chi ra hơn 2 tỷ US$ cho thành phố Thượng Hải. Chỉ tính riêng trận lụt năm 2011 ở Thái Lan đã tiêu tốn hơn 46 tỷ US$ cho việc sửa chữa và phục hồi, trong đó có 8 tỷ US$ cho riêng thành phố Bangkok.
LIỆU CÓ THỂ NGĂN CHẶN HIỆU TƯỢNG NÓI trên HAY KHÔNG?
Tokyo và Thượng Hải là hai mô hình hiệu quả. Trái với vấn nạn mực nước biển dâng cao, khi mà các nhà khoa học đồng thuận cho rằng tất cả các quốc gia nên hợp sức làm việc với nhau, thì hiện tượng sụt lún, nếu được quy hoạch, có thể được ngăn chặn hoặc chí ít làm chậm lại ở cấp độ địa phương. Thành phố Tokyo là một minh họa hoàn hảo cho vấn đề nói trên. Trong khi Tokyo bị lún một cách nghiêm trọng kể từ đầu thế kỷ XX, thì hiện tượng sụt lún đã giảm xuống còn một centimet mỗi năm trong những năm 2010.
Trong những năm 1910, một khối lượng đáng kể nguồn nước ngầm được bơm lên mỗi ngày để phục vụ cho các nhà máy và cung cấp nước sạch cho dân cư của thành phố. Lượng nước này đã không ngừng gia tăng cho đến năm 1970. Vào thời điểm đó, đã có 1,5 triệu m3 nước được bơm lên mỗi ngày. Song song đó, nền đất cũng không ngừng bị lún và đạt đỉnh điểm vào năm 1968, khi quá trình sụt lún đạt mức 24 cm,” theo lời tóm tắt của các thành viên thuộc Viện nghiên cứu chiến lược môi trường toàn cầu trong một nghiên cứu. Năm 1968 là một cú sốc điện đối với chính phủ, khi quyết định triển khai các quy định về việc khai thác nguồn nước ngầm. Dần dần, việc bơm [nguồn nước ngầm] đã giảm thiểu và quá trình sụt lún đã bắt đầu chậm lại.
Để triển khai các hạn chế đối với việc bơm nguồn nước ngầm, chính phủ đã phải tìm kiếm một nguồn nước sạch khác. Nhiều đập ngăn nước đã được xây dựng trên các vùng lưu vực sông. Các lưu vực này giúp lưu trữ nguồn nước trong trường hợp thiếu nước và cung cấp nước cho thành phố trong thời kỳ liên tục mở rộng. Song song đó, hội đồng thành phố cũng đã triển khai một chiến dịch lớn trong việc xử lý nguồn nước thải.
Thượng Hải là một ví dụ khác của một chiến lược thành công. Trong khi Tokyo đặt cược vào việc ngăn chặn việc bơm nguồn nước ngầm, thì đô thị Trung Quốc đặt cược vào một cách tiếp cận khác, bằng cách nhân rộng các biện pháp để nạp lại nguồn nước cho các tầng nước ngầm. Mặc dù hiện tượng sụt lún đã chậm lại đáng kể, nhưng phương pháp này đã được chứng minh là kém hiệu quả hơn, vì hậu quả của hiện tượng sụt lún, đặc biệt đối với các cơ sở hạ tầng, vẫn còn quan sát được. Nhưng Thượng Hải đã chứng minh rằng khi quan tâm đến việc nạp lại nguồn nước cho các tầng nước ngầm, thì có khả năng tiếp tục khai thác nguồn nước ngầm mà không làm gia tăng tốc độ sụt lún.
Kotchakorn Voraakhom (1981-)
Bangkok đã quyết định làm theo ví dụ của Nhật Bản bằng cách bỏ phiếu thông qua những quy định nghiêm ngặt hơn. Năm 1977, họ đã thông qua một đạo luật, “Đạo luật nước ngầm”, để quản lý tốt hơn nguồn nước ngầm. Ngoài ra họ cũng đã nhắm đến những nơi dễ bị tổn thương nhất để hạn chế đáng kể việc bơm nguồn nước ngầm. Do đó, hiện tượng sụt lún đã bắt đầu chậm lại đáng kể nhưng chưa bị ngăn chặn hoàn toàn. Lý do, một số người tiếp tục khai thác nguồn nước ngầm một cách bất hợp pháp. Năm ngoái, ví dụ, cảnh sát Thái Lan đã kiểm tra các nhà thổ, những nơi khai thác trái phép nguồn nước để phục vụ các loại hình mát-xa khiêu dâmcho khách
Thành phố cũng đã nỗ lực cải thiện sự thẩm thấu của nước vào các tầng nước ngầm. Kiến trúc sư Kotchakorn Voraakhom đã xây dựng một công viên khổng lồ, được thiết kế đặc biệt để chống lũ lụt và trữ nước trước các thảm họa thiên nhiên. Công viên “Centenary Park [Công viên thế kỷ]” này có một bễ chứa ngầm có khả năng trữ được gần 3,8 triệu lít nước, được cung cấp nguồn nước không chỉ từ các vùng hút nước được trồng cây cối, mà còn từ một cái ao và một cái hồ có diện tích lớn và có độ nghiêng để giữ lại nước mưa.
Kiến trúc sư Kotchakorn Voraakhom giải thích việc xây dựng Công viên Centenary ở Bangkok:
Các chính quyền vẫn luôn miễn cưỡng. Ở Việt Nam, trong khi hiện tượng sụt lún đã được quan sát thấy ở thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1977, nhưng chính phủ vẫn miễn cưỡng trong việc điều tiết việc sử dụng nguồn nước ngầm. Ở Jakarta, 65% dân cư không tiếp cận được trực tiếp nguồn nước sạch và buộc phải bơm nước từ các tầng nước ngầm. Trước chi phí cao của việc lắp đặt một hệ thống cấp nước tốt hơn, chính phủ đã miễn cưỡng trong việc điều tiết việc khai thác nguồn nước ngầm. Thủ đô, từ lâu, đã ưu tiên lựa chọn một chiến thuật khác bằng cách chiến đấu trực tiếp chống lại những ảnh hưởng của hiện tượng sụt lún.
Ví dụ, khi đi bộ ở phía bắc thành phố, chúng ta không thể nhìn thấy màu xanh của biển. Lý do, một bức tường cao bốn mét và dài 30 km đã được xây lên, cộng với các đê điều và bễ chứa nước được xây dựng sau những trận lụt lớn vào năm 2007. Hội đồng thành phố đã không dừng lại ở đó: dự án xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng vịnh và một bức tường ven biển rộng lớn dài 500 km, sẽ đóng vai trò là vùng đệm với Biển Java, đã được phê duyệt. Đã có nổ ra những tranh luận dữ dội về vấn đề này, bởi vì không có gì đảm bảo rằng dự án này, ước tính trị giá 40 tỷ US$ và đã thi công chậm tiến độ trong nhiều năm, sẽ giải quyết được vấn đề. Nhiều nhà hoạt động sinh thái đã cảnh báo về những hậu quả tiềm tàng của công trình xây dựng này đối với hệ sinh thái biển.
Tuy nhiên, gần đây, chính phủ đã quyết tâm triển khai các biện pháp để điều tiết việc bơm nguồn nước ngầm. Họ đã thông qua một chương trình dẹp bỏ các hoạt động bơm nước trái phép một cách nghiêm ngặt hơn so với trước đây. Thế nhưng vẫn còn tồn tại một vấn đề khác: đó là tất cả các tòa nhà chính phủ đều được miễn trừ đối với các luật này và nhân viên được quyền bơm bao nhiêu nước cũng được để sử dụng cho nhu cầu cá nhân, mà không phải trả thêm bất kỳ khoản thuế nào”, theo lời giải thích của Janjaap Brinkman, thuộc Trung tâm Deltares. Chính phủ nên làm gương tốt.” 
Những nạn nhân đầu tiên của hiện tượng khí hậu nóng lên? Trước nguy cơ sụt lún nền đất, giải pháp đã rõ”, theo Janjaap Brinkman. Thế nhưng hầu hết các chính quyền đều quá bận rộn đi tìm những giải pháp khác.Mặc dù vậy, hiện tượng sụt lún và những rủi ro liên quan đến việc mực nước biển dâng cao đã không ngừng trở thành một vấn đề đáng lo ngại và thậm chí là một thách thức lớn về mặt chính trị. Vào tháng Tư vừa qua, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tuyên bố, như là một trong những biện pháp hàng đầu trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông, rằng ông muốn chuyển thủ đô của đất nước đến hòn đảo nhiệt đới Borneo, mà Indonesia đang chia sẻ với Malaysia và Vương quốc Brunei. Động thái này có thể kéo dài một thập kỷ và có thể tiêu tốn đến 33 tỷ US$. 
Cyrielle Cabot
Nếu cuộc thảo luận của chúng tôi ở đây chỉ tập trung vào các thành phố chính miền duyên hải của châu Á, thì đó không phải là những thành phố duy nhất có liên quan. Những thành phố như New Orleans, Mexico City, Lagos hoặc Amsterdam cũng đang chịu ảnh hưởng của hiện tượng sụt lún. Được xây dựng trên một vùng đất đầm lầy, thành phố New Orleans đã bị lún 3,6 mét. Nhưng với 54% dân số sinh sống ở những khu vực gần với mực nước biển, và đặc biệt ở các thành phố lớn đó, thì châu Á dường như là vùng đặc biệt dễ bị tổn thương. Bên cạnh tầm quan trọng của việc quản lý tốt hơn nguồn nước ở cấp độ địa phương để hạn chế hiện tượng sụt lún và đảm bảo việc tiếp cận với nguồn nước sạch, điều cần thiết đối với các thành phố đó là hợp tác với chính sách môi trường toàn cầu để duy trì hiện tượng khí hậu nóng lên ở mức dưới 2°C và hạn chế sự dâng cao của mực nước biển.
Giới thiệu tác giả
Là nữ phóng viên trẻ tốt nghiệp trường đại học CELSA (Paris-Sorbonne), Cyrielle Cabot đam mê Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan, Miến Điện và các vấn đề xã hội. Cô đã làm việc cho các báo Agence-France Presse tại Bangkok, Libération và Le Monde.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF