18.4.20

CORONA: Tại sao số ca nhiễm ở Việt Nam thấp?

CORONA: TẠI SAO SỐ CA NHIỄM Ở VIỆT NAM THẤP?

Phỏng vấn GS TS Nguyễn Sĩ Huyên
Thực hiện: Tôn Thất Thông
Trong lúc các nước phương Tây có hệ thống y tế vững mạnh, số ca lây nhiễm vẫn ở mức trên 100.000. Ở vài nước châu Á phát triển, số ca lây nhiễm cũng nhiều hơn 5.000. Trong lúc đó, Việt Nam với tiềm lực y tế rất hạn chế lại chỉ có trên 260 ca nhiễm và chưa có trường hợp tử vong. Tại sao? Có phải biện pháp cô lập vùng dịch địa phương trong ba tháng qua đã đóng vai trò quan trọng? Hay chúng ta có thể có cách cắt nghĩa khoa học hơn, dựa trên khía cạnh y học và xã hội?
***
Để thêm thông tin hòng trả lời câu hỏi nêu trên, DĐKP đã có vài buổi phỏng vấn, trao đổi với Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Huyên, một chuyên gia ngành y có tầm cỡ trong giới y khoa Đức (nơi làm việc và địa chỉ liên lạc xin xem ở cuối bài). Xin hân hạnh giới thiệu với quí độc giả nội dung các buổi phỏng vấn vô cùng lý thú và bổ ích này, hy vọng qua đó quí độc giả sẽ có một cách nhìn đầy đủ hơn, bổ sung vào diễn đàn trao đổi chung quanh vấn đề mọi người đang quan tâm hiện nay.

GSTS Nguyễn Sĩ Huyên và SV đại học Phạm Ngọc Thạch đến Đức học y khoa năm cuối tại Braunschweig. BS Huyên ở hàng đầu, bên phải. Nguồn ảnh: Peter Sierigk, Städtisches Klinikum Braunschweig.



DĐKP: Xin kính chào GS Nguyễn Sĩ Huyên. Trước hết, thay mặt độc giả DĐKP xin cám ơn GS đã bỏ nhiều thì giờ thu thập tin tức và cho phép chúng tôi được phỏng vấn trực tiếp để chia sẻ với bạn đọc. Trước tiên, xin GS trình bày một cách khái quát tình hình hiện nay và diễn biến trận dịch Corona ở các nước phát triển như Mỹ và châu Âu.

GS Huyên: Đương nhiên, những trao đổi của chúng ta ngày hôm nay về COVID-19 hoàn toàn là lý thuyết dựa trên những sự kiện đã xảy ra, được ghi nhận và công bố chính thức từ các viện nghiên cứu và tổ chức y tế của nhiều quốc gia trên thế giới, ở Đức chủ yếu là những thông tin của Viện Robert Koch, Trung tâm kiểm tra và phòng ngừa bệnh tật của CHLB Đức, Bộ Y Tế CHLB Đức, các Viện Vi Trùng Học của các Đại Học Y Khoa CHLB Đức, Bộ Y Tế Việt Nam, Sở Y Tế Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và Thừa Thiên Huế cũng như một số thông tin đại chúng tin cậy về số liệu dân số và thành phần dân số của các quốc gia được khảo sát.

Trở lại câu hỏi của DĐKP, thì những ai thường xuyên theo dõi phát triển của COVID-19 ở các nước Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ sẽ không khó để nhận ra rằng, dịch COVID-19 đã lây nhiễm rất nhanh ở những nước này. Con số tử vong cao hiện nay bởi dịch COVID-19 ở châu Âu và Mỹ được cập nhập hàng ngày qua Website của John Hopkins University. Tuy nhiên, nó không phản ảnh khả năng chuyên môn của những nước này, mà phản ảnh tình trạng bất lực khi bị quá tải về y tế, cho dù họ có nền khoa học cao. Tình trạng đó một phần là cũng do tự họ gây nên, đã chủ quan trong giai đoạn đầu. Trong trường hợp không quá tải, con số tử vong ở Đức tôi nghĩ là gần với thực tế. Dầu vậy, con số tử vong ở Đức và những nơi khác chỉ nói lên sự việc là những bệnh nhân này đã bị nhiễm Sars CoV-2, còn thật sự có chết vì vi-rút Corona hay không thì chưa rõ, bởi những bệnh nhân này thường có sẵn nhiều bệnh nền mãn tính về tim, phổi hay nguy cơ tim mạch đi kèm. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào làm rõ chuyện này. Qua những biện pháp nghiêm ngặt được áp dụng gần đây, đặc biệt là hạn chế tiếp xúc xã hội trong đời sống cộng đồng, giữ khoảng cách tiếp xúc 1,5-2 mét, vệ sinh rửa tay thường xuyên đã góp phần rõ rệt vào việc làm giảm mức độ lây nhiễm của COVID-19 trong cộng đồng.

DĐKP: Xin Ông cho biết sơ lược diễn tiến Covid-19 trong tương lai. Bao giờ thì chúng ta có thể xem là trận dịch đã chấm dứt?










 


GS Huyên: Diễn tiến bệnh ở mỗi nước sẽ có sự khác biệt với những đỉnh cao của dịch tùy thuộc vào những biện pháp đã được áp dụng ở mỗi nước sớm hay muộn trong tiến trình ngăn cản lây nhiễm bệnh với những hệ lụy khác nhau về y tế và kinh tế chưa lường hết được. Riêng về mức độ lây nhiễm của COVID-19 nói chung, thì bao lâu chưa có thuốc chủng ngừa bệnh và miễn nhiễm cộng đồng chưa đạt đến 60-70% dân số, thì theo đánh giá của những nhà vi trùng học ở đây, bấy lâu vẫn còn tình trạng tiếp tục lây nhiễm lâu dài.

DĐKP: Mọi chuyên gia dịch tễ đều cho rằng, nạn dịch Covid-19 này còn tiếp tục kéo dài và trở lại theo từng chu kỳ cho đến lúc chúng ta kiếm được vắc-xin thực sự hiệu quả để có thể sử dụng đại trà. Theo Ông, bao giờ thì chúng ta có thể có được tin mừng đó?

Christian Drosten (1972-)
GS Huyên: Hiện nay việc nghiên cứu vắc-xin chủng ngừa đang được tích cực tiến hành với một tốc độ nhanh chưa từng có, nhưng chúng ta phải biết rằng, sau khi nghiên cứu thành công, vắc-xin cũng phải được sản xuất công nghiệp, các nhà máy sản xuất cũng phải được trang bị đặc biệt và tất cả những chuyện này cũng cần thời gian. Theo dự đoán của GS Drosten, Viện trưởng Viện Vi Trùng Học của Bệnh viện Đại học Charité Berlin thì chúng ta có thể tính tới thời điểm có được thuốc chủng ngừa đầy đủ cho cộng đồng là khoảng mùa hè năm 2021.

DĐKP: Dù có vắc-xin hay chưa, chúng ta cũng phải tìm cách chữa trị các bệnh nhân đang dương tính. Mặc dù chưa có thuốc đặc trị cho Covid-19, nhưng một số thuốc có sẵn cũng có thể góp phần làm thuyên giảm tiến trình bệnh. Theo Ông, những loại thuốc nào đáng chú ý nhất?

GS Huyên: Trên thực tế đã có nhiều thuốc thử nghiệm điều trị COVID-19, thí dụ như Remdesivir, Chloroquine, Hydrochloroquine cho thấy trong ống nghiệm (vitro) hiệu ứng ức chế tăng sinh của Sars CoV-2 có hiệu quả, nhưng trên lâm sàng thì chưa chứng minh được hiệu quả của nó. Do dó, bao lâu chưa có chứng cớ y học thì tất cả mọi cuộc điều trị với những loại thuốc này đều là Off Label Use hay chỉ dùng trong nghiên cứu. Cho đến nay, chưa có khuyến cáo chính thức của giới Bác sĩ Đức cho sử dụng những loại thuốc này.

Gần đây có những nghiên cứu sử dụng vắc-xin lao BCG chống lại Covid-19 dựa trên những phát hiện nghiên cứu trước đây, rằng BCG làm giảm nồng độ vi-rút ở những bệnh nhân bị nhiễm vi-rút tương tự như SARS-CoV-2. Kết quả còn cần phải chờ đợi.

DĐKP: Ai là nhóm người có nguy cơ lây nhiễm, và diễn biến tiêu biểu của Covid-19 có thể kết luận được chưa?

Kim Woo-Ju
Stefan Willich (1959-)
GS Huyên: Trong 80% trường hợp bệnh được đánh giá là nhẹ, không cần điều trị chuyên biệt, trong 80% này bao nhiêu phần trăm có triệu chứng, bao nhiêu không có triệu chứng (tạm gọi là con số đen) thì không rõ. Theo GS Kim Woo-Ju, chuyên gia Hàn Quốc về các bệnh lây nhiễm thì con số đen chiếm khoảng 20% ở Hàn Quốc. Theo các chuyên gia Đức thì con số đen có thể nhiều hơn 40%. Ngoài 80% thuộc các trường hợp nhẹ đó, còn lại 15% là bệnh nhân cần theo dõi trên lâm sàng và 5% bệnh nặng cần chăm sóc đặc biệt. Cho đến nay, con số tử vong dao động giữa 0,2% và 12,9% không chính xác vì con số bệnh nhân bị nhiễm bệnh thực sự không xác định được. Những bệnh nhân ở tình trạng bệnh nặng, không cứu được, sẽ rơi vào tử vong trung bình khoảng 3 tuần sau khi phát hiện có triệu chứng.

Theo nhà dịch tễ học GS Stefan Willich, ĐH Charité Berlin thì thống kê về con số tử vong bởi COVID-19 cho thấy khoảng 2/3 là người lớn tuổi trên 80, 30% ở lứa tuối 60-80 và chỉ có 5% là dưới 60 tuổi (thống kê ngày 1.4.2020 ở Đức). Như vậy, nhóm người trên 60 tuổi và đặc biệt là trên 80 tuổi cần được quan tâm tránh bị lây nhiễm COVID-19. Đương nhiên nhóm người có bệnh nền, nguy cơ tim mạch hay giảm sức đề kháng cũng thuộc về nhóm nguy cơ phải tính đến.

DĐKP: Ông đánh giá thế nào về mức độ trầm trọng của COVID-19?

GS Huyên: Nói đến mức độ trầm trọng của bệnh có nghĩa là phải quan tâm đến hai khía cạnh: tỷ lệ tử vong và di chứng của bệnh. Con số tử vong bởi dịch COVID-19 hiện nay quả thật là một điều đáng lo ngại, và tiếp tục đáng lo ngại, mặc dầu tình trạng tử vong cao trong lúc này chủ yếu xảy ra là do tình huống quá tải về y tế. Con số tử vong thật sự nếu không bị quá tải về y tế thì sao, không ai biết được trong lúc này vì cuộc chiến chống dịch chưa ngã ngũ. Nhưng ở Việt Nam thì bài toán lại hoàn toàn khác, khi ta có được một cái nhìn dưới một góc cạnh khác. Còn về di chứng bệnh, ở đây nghi ngờ có dấu hiệu xơ phổi sau khi bị viêm phổi với Sars CoV-2, nhưng thời gian theo dõi chưa đủ dài để khẳng định chuyện này.

DĐKP: Trong lúc các nước có nền y tế cao như Mỹ, châu Âu và cả châu Á đều ghi nhận số ca lây nhiễm rất cao. Trong lúc đó, Việt Nam với phương tiện y tế hạn chế, lại chỉ có trên 260 người nhiễm (hôm nay, 15.4). Ông cắt nghĩa điều này thế nào?


GS Huyên: Đối với tôi, Việt Nam vẫn còn nhiều bí ẩn chưa lý giải hết đươc, nằm cạnh Trung Quốc, cửa biên giới không đóng, trong thời gian khởi đầu xuất phát bệnh ở Vũ Hán vẫn còn nhiều chuyến bay từ Vũ Hán, Nam Hàn và Nhật đến Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã có biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt, nhưng làm sao có thể ngăn chặn hết được? Đặc biệt là những con số đen thì chắc hẳn không ai xác định được.

Những gì xảy ra ở châu Âu cho thấy lây nhiễm COVID-19 lan rộng rất nhanh, ở Việt Nam trên lý thuyết không có lý do gì không lây nhiễm nhanh như thế, khi những điều kiện lây nhiễm nhìn về góc cạnh địa lý, thương mại, du lịch trong quan hệ xã hội Việt-Trung, thì khả năng lây nhiễm ở VN còn có chiều dễ dàng hơn. Như vậy, thì phải nghĩ đến giả thuyết là COVID-19 đã đến Việt Nam rất sớm, lây nhiễm qua giới trẻ nhưng không gây triệu chứng gì. So sánh với mức độ lây nhiễm ở Ý thì có thể cho phép phỏng đoán được rằng, từ tháng 11.2019 đến nay phải có hàng chục triệu người Việt Nam, phần lớn là giới trẻ đã có khả năng bị lây nhiễm và hồi phục, mang đến một tình trạng miễn nhiễm cộng đồng nhất định, và trong một chừng mực nào đó nó đã trở thành rào cản tự nhiện ngăn chặn sự lây nhiễm lan rộng của COVID-19.

DĐKP: Xin phép được ngắt lời. Chuyên gia dịch tễ phỏng đoán lây nhiễm chỉ giảm khi 60-70% dân số đã miễn nhiễm. Với Việt Nam, điều đó có nghĩa là 50-60 triệu người. Điều này có thể đạt được trong vòng 5 tháng qua hay không?

GS Huyên: Trên lý thuyết, mức độ lây nhiễm nhanh của COVID-19 đang diễn ra tại châu Âu và Mỹ cho thấy là khả năng này không loại bỏ, đặc biệt là ở Việt Nam với một mật độ dân số cao và lối sống thích tụ tập của giới trẻ. Nhưng trên thực tế, ở Việt Nam chỉ cần đạt 30-40% dân số miễn nhiễm, và đây có lẽ là con số gần với thực tế, là ta đã làm giảm đi được khả năng lây nhiễm đáng kể cho người lớn tuổi, một thành phần hiện nay vẫn còn tương đối ít trong xã hội Việt Nam. Phần lớn người lớn tuổi sống với gia đình, ít tụ tập bên ngoài.

DĐKP: Không những ít ca lây nhiễm, mà số tử vong ở Việt Nam cũng bằng 0, là chuyện hiếm có trên thế giới. Ông cắt nghĩa thế nào?


GS Huyên: Câu trả lời lệ thuộc vào sự việc là ta nhìn dưới góc cạnh nào. Tôi muốn so sánh với Đức vì nước Đức có tổng diện tích đất và dân số không khác biệt với Việt Nam nhiều: Ở Đức cho đến ngày hôm nay, theo thông báo của Robert Koch Institut, Viện kiểm soát, theo dõi và phòng chống bệnh tật của Đức trong thời điểm này có 120.479 người nhiễm bệnh và 2.673 người chết. Test xét nghiệm để xác định COVID-19 được Đức thực hiện cho khoảng 500.000 người mỗi tuần. Ở Việt Nam, tổng kết toàn bộ test xét nghiệm được làm cho đến nay là khoảng 120.000 người. Điều đó có nghĩa là Việt Nam làm quá ít test, cho nên khó xác định là, những người chết nhưng chưa hề được xét nghiệm Covid-19, họ chết do có bệnh nền hay yếu vì cao tuổi hay là gì khác. Nói cách khác, số người đã chết trong thời gian qua là chết tự nhiên hay có liên quan đến COVID-19 hay không, thì không ai biết. Ở Đức thì ngược lại, test dương tính ở nhiều người, nhưng câu hỏi là họ chết vì bệnh nền và nguy cơ tim mạch hay chết vì COVID-19, cũng không có thống kê.

Mặt khác, hai yếu tố quan trọng có thể mang đến sự khác biệt quyết định giữa con số tử vong của Đức hay châu Âu và Việt Nam là sự khác biệt của thành phần người lớn tuổi (trên 60) giữa hai nước và một điểm cũng rất đáng được lưu ý đó là sự khác biệt của thói quen thường ngày trong hành vi cư xử qua phong tục văn hóa xã hội giữa châu Âu và Việt Nam.

DĐKP: Ông là người am hiểu tình hình y tế và xã hội của hai nước Đức và Việt Nam. Ông có nhắc đến 2 yếu tố khác nhau giữa hai nước, trong đó có yếu tố phong tục văn hóa xã hội. Xin Ông cắt nghĩa rõ hơn cho độc giả?

GS Huyên: Nếu ta đã biết thành phần người lớn tuổi (trên 60) có nguy cơ nhiễm COVID-19 và có tỉ lệ tử vong cao như đã nói trên, và tiếp xúc xã hội là nguy cơ lây nhiễm, thì phải nói tình hình hiện nay ở Việt Nam có nhiều “thuận lợi tự nhiên” trong phòng chống COVID-19.

Yếu tố thứ nhất là thành phần người cao tuổi trên 60 ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% (báo trực tuyến danso.org thống kê những người trên 65 tuổi là 5,5%). Tỉ lệ đó rất thấp so với Đức là 23,37%. Tuổi trung bình của người Việt Nam là 30,9 tuổi, ở Đức 44,4 tuổi, tuổi thọ trung bình ở người Việt Nam 73,6 tuổi, ở Đức 80,9 tuổi.

Yếu tố thứ hai có lẽ có tính quyết định nhiều hơn cho việc giới hạn lây nhiễm trong xã hội Việt Nam và đặc biệt là cho người cao tuổi, đó là thói quen thường ngày trong hành vi cư xử qua phong tục văn hóa xã hội. Giữa châu Âu và Việt Nam có sự khác biệt. Ở châu Âu, chào hỏi nhau thường qua bắt tay, bạn bè thân hay người trong gia đình thì ôm nhau hôn trên má, già và trẻ nói chuyện với nhau rất gần gũi, ít ngăn cách, vì thế sự lây nhiễm từ người trẻ sang người già cũng dễ dàng. Ở Việt Nam, giáo dục gia đình phần đông chịu ảnh hưởng Khổng giáo, đặt trọng sự kính trọng người cao tuổi đặc biệt là bố mẹ, ông bà, cô chú trong gia đình tự nó đã tạo nên một ngăn cách xã hội nhất định tồn tại sẵn trong sinh hoạt gia đình và xã hội. Thêm vào đó, ngôn ngữ của người Việt Nam qua việc bắt buộc thường xuyên định vị cái tôi của mình, ví dụ là em, là con hay là cháu trong giao tiếp với người cao tuổi cũng tạo thêm một ngăn cách xã hội nhất định. Ở Việt Nam, ít khi có những cuộc thảo luận cởi mở giữa già và trẻ trong gia đình. Ngoài ra, người cao tuổi ở Việt Nam thường là sau 60 tuổi đã nghĩ hưu, phần lớn là lui về đời sống gia đình, ít tham gia sinh hoạt cộng đồng. Đó là những yếu tố làm cho nguy cơ lây nhiễm đến người già cũng giảm đáng kể.

DĐKP: Theo ý Ông, Việt Nam nên làm gì lúc này với tình hình Covid-19 ngày càng phức tạp?

GS Huyên: Việt Nam trong thời điểm này đang ở trong tình trạng “cách ly xã hội hoàn toàn” từ ngày 1.4.20 – 15.4.20 theo nghị định của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Chắc chắn là việc làm này cùng với những biện pháp tầm soát, kiểm tra, theo dõi và cách ly có mục tiêu đã được thực hiện trước đây là những biện pháp cho thấy có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lan rộng của COVID-19 không chỉ ở Việt Nam mà cũng ở nhiều nước khác. Cái khó trong lúc này cho nhiều quốc gia là làm sao ra khỏi tình trạng cách ly này, trở lại sinh hoạt bình thường để kinh tế phục hồi sớm mà vẫn tránh được tình trạng dịch không bộc phát nghiêm trọng trở lại.

Cho đến nay ở Việt Nam, chúng ta không biết rõ bao nhiêu người thật sự đã bị lây nhiễm (con số đen) và đã lành bệnh, đã có kháng thể. Thật dễ hiểu là, mọi bài tính dựa trên dự đoán về con số này sẽ không chính xác. Do đó, để làm rõ chuyện này, thì việc tiến hành lấy mẫu theo phương pháp thống kê ngẫu nhiên để làm test kháng thể, để cập nhập tình trạng miễn nhiễm Sars CoV-2, là một việc hết sức cần thiết, nó sẽ phản ảnh tốt hơn về tình trạng lây nhiễm. Test chẩn đoán phát hiện COVID-19 (thí dụ PCR) vẫn giữ một vai trò quan trọng trong việc xác định có bệnh để có biện pháp cách ly hiệu quả. Nhưng test kháng thể sẽ cung cấp cơ sở khoa học trong việc hoạch định biện pháp cho tương lai.
 






 

DĐKP: Thời gian này, người ta, nhất là Đức dường như muốn xét nghiệm kháng thể một cách đại trà. Xin Ông giải thích thêm về loại xét nghiệm này. Nó có ích lợi gì trước mắt cho việc chống dịch hay không?

GS Huyên: Trong điều kiện bình thường, trung bình 7-10 ngày sau khi bị nhiễm vi-rút Sars CoV-2, nếu không có biến chứng phức tạp, thì cơ thể được xem là miễn dịch vì đến thời điểm này đã sản sinh đầy đủ kháng thể chống lại vi-rút. Người có test kháng thể dương tính có nghĩa là đã bị bệnh, đã lành bệnh và đã được miễn dịch. Để có một kế hoạch tối ưu, cân bằng giữa y tế và kinh tế xã hội, người hoạch định chính sách cần biết rõ hai tình huống:

1.   Nếu tình trạng miễn nhiễm thấp: thì đó là sự cảnh báo cho việc lây nhiễm sẽ tái phát nếu những biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội không còn nghiêm ngặt nữa. Đây cũng là thời điểm mà chính phủ và chuyên gia về y tế cần phải có biện pháp cân nhắc lợi hại quân bình, bảo vệ sức khỏe người dân mà không để kinh tế rơi vào tình trạng suy sụp.
2.   Nếu tình trạng miễn nhiễm cao: thì đây là một điều lý giải hợp lý cho những dự đoán mà chúng ta đã trao đổi trên: người Việt Nam nhiễm COVID-19 rất sớm, lan rộng ở giới trẻ rất nhanh và trung bình 7-10 ngày sau khi bị nhiễm bệnh thì miễn dịch. Sự miễn dịch tự nhiên ở nhiều người trẻ và ở người dân nói chung đã trở thành rào cản tự nhiên ngăn chặn việc lây nhiễm lan rộng. Trong điều kiện này, thì ta có thể an tâm cho sự tái lập lại sinh hoạt xã hội bình thường. Nhưng như vậy, không có nghĩa là dứt lây nhiễm mà chỉ cho thấy là mức lây nhiễm giảm dần xuống và nằm trong vòng kiểm soát đươc. Do đó, những biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội vẫn cần phải được áp dụng nghiêm túc tiếp tục như:
  • Giữ khoảng cách tiếp xúc 1,5-2m (đặc biệt đối với người lớn tuổi).
  • Không nhất thiết phải đeo khẩu trang khi ra đường, chỉ đeo khi nào bản thân có những yếu tố nguy cơ cao (các bệnh tim phổi mãn tính, nói chung các bệnh có liên quan đến giảm sức đề kháng, hay đang nhiễm Virus…).
  • Giữ gìn vệ sinh, rửa tay thường xuyên.
Theo dự đoán của nhà Vi trùng học Drosten thì test kháng thể sẽ có để khám nghiệm rộng rãi ở Đức trong vòng 6-8 tuần lễ đến. Một vấn đề có thể phải nghĩ đến là test có khả năng cho dương tính chéo với những bệnh Coronavirus đã xảy ra trước đó.

Nhân dịp này, tôi cũng muốn nói thêm trong lúc chờ đợi có vắc-xin chủng ngừa, ta nên nghiên cứu để có biện pháp chủng ngừa thụ động Sars CoV-2 trong những trường hợp cần thiết bằng cách tiêm chủng qua lấy kháng thể chống Sars CoV-2 từ người đã lành bệnh. Ở đây, chúng ta thấy thêm sự lợi ích của test kháng thể để xác định những người đã nhiễm bệnh, đã lành và đã có kháng thể.

DĐKP: Trước khi chấm dứt, xin Ông phát biểu một kết luận ngắn chung quanh chủ đề này, và thông điệp nào mà Ông muốn gởi đến mọi người ở Việt Nam.

GS Huyên: Trước hết, tôi xin cám ơn DĐKP đã cho tôi có cơ hội trao đổi với DĐKP và bạn đọc về COVID-19. Theo tôi, COVID-19 ở Việt Nam là một bức tranh rất mới về COVID-19, mang một màu sắc lạc quan khác hơn ở châu Âu. Bức tranh COVID-19-Việt Nam là kết quả của những nổ lực của ngành y tế Việt Nam trong những điều kiện của mình, và đã may mắn vượt qua COVID-19 nhờ vào một “dân số trẻ trung” và “sự cứu rỗi tình cờ của thói quen thường ngày” qua “giãn cách xã hội tự nhiên” trong hành vi cư xử qua phong tục văn hóa xã hội của chính mình.

Một điểm cuối cùng mà tôi muốn nói đến, đó là trong tình trạng “cách ly xã hội hoàn toàn” hiện nay, người trẻ phải ở nhà thay vì sinh hoạt ngoài xã hội. Trong điều kiện và phong tục Việt Nam với đời sống đại gia đình, 3 thế hệ trong cùng một nhà, thì nguy cơ lây nhiễm trong gia đình, đặc biệt là cho người lớn tuổi là rất lớn. Trong thời gian qua, số người trẻ bị lây nhiễm không có triệu chứng ở một nước đông dân như Việt Nam chắc chắn là không ít. Trong tình trạng thường xuyên ở nhà hiện nay, họ sẽ là những người lây nhiễm cho người trong gia đình mà nếu không may thì lây cho ông bà, cha mẹ họ, hay nói chung là người lớn tuổi trong gia đình. Do dó, việc giữ gìn vệ sinh, chủ yếu là rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách tiếp xúc (1,5-2 m) đặc biệt là với người lớn tuổi ngay trong đời sống sinh hoạt gia đình thường ngày là một chuyện hết sức cần thiết, cần được ý thức, nhắc nhở và lưu tâm thường xuyên trong gia đình.

DĐKP: Thay mặt độc giả, xin chân thành cám ơn Ông.


GS TS Nguyễn Sĩ Huyên:
  • Phó Chủ nhiệm Khoa Nội Tim Mạch, Hồi sức cấp cứu, Chủ nhiệm khoa Y học giấc ngủ tại Bệnh viện HELIOS St. Marienberg, Thành phố Helmstedt, Germany.
  • Phó Khoa Khoa Y Việt Đức, Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch HCMC, Đường Quang Trung 2, P.12, Q.10, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, Website: www.pnt.edu.vn
  • Giáo sư danh dự của Đại Học Y Khoa Huế
  • Huy chương danh dự của Hội đồng Bác sĩ Tiểu Bang Niedersachsen
  • Huy chương danh dự của Thành phố Hồ Chí Minh
  • Chủ tịch Hội Tim Mạch Đức-Việt
  • German-Office: Langer Kamp 6, D-38350 Helmstedt, Germany
    Tel.:+49 5351 141471, Mobil: +49 17682650366, Email: dvfk@gmx.de, w.dvfk.org 
  • GS TS Nguyễn Sĩ Huyên hiện trong Ban điều hành phụ trách điều phối các hoạt động hợp tác đào tạo giữa đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch và đại học y khoa Mainz của Đức nhằm mục đích đào tạo sinh viên nghành y của Khoa Y Việt Đức (KYVĐ), phần đầu ở Việt Nam và năm cuối thực hành được đào tạo trực tiếp tại Đức. Sinh viên KYVĐ được đào tạo theo qui trình đào tạo y khoa của đại học y khoa Mainz và phải vượt qua mọi kỳ thi chuyển giai đoạn của viện khảo thí quốc gia Đức như sinh viên Đức. Đây là một chương trình đào tạo y khoa đầu tiên được Đức công nhận là tương đương.
Print Friendly and PDF