5.4.20

Lời nói đầu của cuốn “Làng mạc ở châu thổ sông Hồng” và Vài tâm đắc về làng xã Việt Nam

LTS. Nhà xuất bản Tri thức vừa phát hành cuốn “Làng mạc ở châu thổ sông Hồng của hai nhà nhân học Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski. Chúng tôi xin cho đăng lại dưới đây “Lời nói đầu” của Nguyễn Tùng để giới thiệu với bạn đọc cuốn sách đáng chú ý này.

LỜI NÓI ĐẦU

Nguyễn Tùng
Nguyễn Tùng (1944-)

Các bài đăng trong cuốn sách này là kết quả mà Nelly Krowolski và tôi (Nguyễn Tùng) đã đạt được thông qua hai chương trình hợp tác nghiên cứu Pháp-Việt: về làng Mông Phụ (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) và về làng ở vùng châu thổ sông Hồng.
- Chương trình nghiên cứu làng Mông Phụ
Đây là chương trình được ký kết vào tháng 7/1989 giữa Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học của Pháp (CNRS) và được giao cho Viện Dân tộc học (thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Viện Nghiên cứu Ðông Nam Á và Thế giới Nam Đảo (LASEMA, thuộc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học của Pháp, CNRS) thực hiện.
Tham gia hai cuộc điền dã (5-6/1990 và 10-11/1991) ở Đường Lâm, có bốn nhà nghiên cứu thuộc Viện Dân tộc học (Võ Thị Thường, Diệp Ðình Hoa, Nguyễn Dương Bình và Trần Văn Hà) và ba nhà nghiên cứu thuộc LASEMA (Nelly Krowolski, Nguyễn Xuân Linh và Nguyễn Tùng). Dù rất bận rộn với trách nhiệm lãnh đạo, GS. Bế Viết Ðẳng, Viện trưởng Viện Dân tộc học, thỉnh thoảng cũng đã đến tham gia.
Ngoài hai cuộc điền dã chính nói trên, Nguyễn Tùng và Nguyễn Xuân Linh còn về điều tra bổ túc ở Ðường Lâm vào tháng 5/1995. Và trong mỗi lần sang Việt Nam điền dã trong khuôn khổ của chương trình nghiên cứu kế tiếp về “làng ở vùng châu thổ sông Hồng”, Nelly Krowolski và Nguyễn Tùng cũng đã về thăm Ðường Lâm để cập nhật các tri thức và nhất là để theo dõi các biến đổi mới xảy ra ở đó.

Nelly Krowolski
Các bài nghiên cứu về Mông Phụ đã được in trong cuốn Nguyễn Tùng (éd.), Mông Phụ, un village du delta du fleuve Rouge, Paris: L’Harmattan, 1999, 349 trang. Cuốn sách này đã được dịch sang tiếng Việt: Nguyễn Tùng (chủ biên), Mông Phụ, một làng ở đồng bằng sông Hồng, Hà Nội: Nxb. Văn hóa Thông tin, 2003, 269 trang.
- Chương trình nghiên cứu về “làng ở vùng châu thổ sông Hồng”
Năm 1996, Nelly Krowolski và tôi đã được mời tham gia chương trình này ra đời nhờ sáng kiến của ba tổ chức: Văn phòng đại diện Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) tại Việt Nam, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tham gia chương trình này gồm có:
- Các GS. Đào Thế Tuấn, Đặng Nghiêm Vạn, Lê Bá Thảo, Nguyễn Đức Nghinh, Phan Đại Doãn, Phan Huy Lê và Tương Lai.
- Các nhà nghiên cứu Dương Duy Bằng, Đặng Thế Đại, Alain Forucci, Nelly Krowolski, Vũ Văn Quân, Lê Đức Thịnh, Lê Thanh Bình, Nguyễn Tùng, Olivier Tessier, Trương Xuân Trường.
Kéo dài ba năm (1996 - 1999), chương trình tập trung nghiên cứu bốn làng Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì, Hà Nội), Mộ Trạch (huyện Bình Giang, Hải Dương), Hay (huyện Thanh Ba, Phú Thọ) và Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Nelly Krowolski và tôi đã đi điền dã nhiều tháng ở hai làng Tả Thanh Oai và Mộ Trạch. Riêng tôi đã nhiều lần về thăm lại làng Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mà tôi đã bắt đầu quan tâm tìm hiểu từ đầu những năm 1980, khi tôi lưu lại vài ngày ở nhà một anh bạn đồng nghiệp, dù làng này không nằm trong chương trình nghiên cứu chính thức.
Trong khuôn khổ của chương trình nghiên cứu về “làng ở vùng châu thổ sông Hồng”, chúng tôi đã bỏ nhiều tháng để tìm tư liệu ở Thư viện Khoa học Xã hội (đặc biệt về hương ước), Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (phông tư liệu về tỉnh Hà Đông rất phong phú) và thư viện của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại và bài nghiên cứu viết bằng tiếng Pháp về làng xã trong thời Pháp thuộc Hà Nội (có nhiều sách).
Kết quả của chương trình nghiên cứu này đã được giới thiệu trong cuốn: Philippe Papin và Olivier Tessier (chủ biên), Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: vấn đề còn bỏ ngỏ[2], Hà Nội: Nxb. Lao Động-Xã Hội, 2002, 742 trang.
Vào đầu năm nay, khi đọc lại các bài của chúng tôi đăng trong hai cuốn sách ghi trên đây, tôi thấy chúng vẫn còn hữu ích cho các độc giả quan tâm đến làng xã người Việt, nhất là làng xã truyền thống, dù chúng đã được viết cách đây đến 20 năm! Do đó, tôi đã có ý định in lại chúng trong cùng một cuốn sách để tiện cho việc tham khảo.
Vì ở xa chúng tôi đã không làm việc trực tiếp được với các biên tập viên của hai nhà xuất bản Văn hoá Thông tin và nhà xuất bản Lao động-Xã hội, nên các bài của chúng tôi còn không ít sai sót. Tôi đã đọc kỹ lại nhiều lần để sửa chữa và bổ sung. Thế mà, khi tôi nhờ đọc lại, chị Thái Thị Ngọc Dư và anh Trần Hữu Quang vẫn tìm ra khá nhiều lỗi! Xin chân thành cảm ơn hai bạn đồng nghiệp.
* * *

VÀI TÂM ĐẮC VỀ LÀNG XÃ VIỆT NAM[*]

Nguyễn Tùng
Từ 1990 đến 2002, trong hơn 10 năm, chúng tôi đã tham gia hai chương trình nghiên cứu về làng xã ở đồng bằng sông Hồng trong khuôn khổ hợp tác khoa học giữa Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (Việt Nam) với Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (Pháp), rồi với Viện Viễn Đông Bác cổ (Pháp). Các thành quả đã được công bố trong hai cuốn sách: Mông Phụ, un village du delta du fleuve Rouge[1] và Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: vấn đề còn bỏ ngỏ. Trước đó, tôi cũng đã nghiên cứu làng Bảo An ở Quảng Nam[3]. Sau đây, tôi xin ghi lại vài tâm đắc về làng xã Việt Nam đã được trình bày chủ yếu trong các cuốn sách nói trên.
Làng xã, vấn đề thuật ngữ
Qua Dư địa chí của Nguyễn Trãi, ta biết là ngay từ thế kỷ XV rất nhiều từ Hán Việt được dùng để chỉ đơn vị hành chính cơ sở ở Việt Nam: hương, giáp, phường, trại, động, sách, thôn... và nhất là (Nguyễn Trãi, 1976: 209-246)[4]. Tình trạng đó đã kéo dài ít ra cho đến đầu thế kỷ XIX như ta thấy trong cuốn Các trấn tổng xã danh bị lãm (CTTXDBL, 1981), được viết vào khoảng các năm 1810-1813, nên cần định nghĩa cũng như bình luận về các từ nói trên.
là từ thường gặp nhất (đến hơn 90% trong CTTXDBL). Thông thường nó chỉ một làng lớn hay ít ra được chính quyền công nhận như thế. Nhưng thực ra, nhiều xã ghi trong CTTXDBL chỉ có chưa đến mười dân nội tịch[5]. Vào khoảng những năm 1930, ở Bắc Ninh khoảng 74% các làng thuộc loại “nhất xã nhất thôn” và 24% gồm từ hai đến bốn thôn (xem Nguyễn Văn Huyên, 1996). Từ đầu thế kỷ XX trở đi, việc dùng từ để chỉ các đơn vị hành chính cơ sở ngày càng trở nên phổ biến: vào năm 1928, tất cả các đơn vị hành chính cơ sở ở Bắc Kỳ đều được gọi là (xem Ngô Vi Liễn, 1928).
Minh Mạng (1820-1840)
Thôn chỉ một xã nhỏ với tất cả các chức năng của một đơn vị hành chính cơ sở. Nhưng, như vừa trình bày trên đây, thôn cũng là một đơn vị địa vực nằm bên trong xã. Khác với xóm, thôn thường có đình và một số tập tục riêng, nên có bản sắc khá đậm nét so vi các thôn khác cùng xã. Từ thời Minh Mạng (1820-1840), các thôn thuộc xã do phó lý cầm đầu.
Phường chỉ một xã ở đô thị hay một xã mà phần đông dân cùng làm một nghề, thủ công hay buôn bán. Phường còn được dùng để chỉ một hội ngành nghề. Trước thời Pháp thuộc, phủ Hoài Đức (tức nội thành Hà Nội ngày nay) có rất nhiều phường.
Phường thuỷ cơ (hay thuỷ cơ) là làng ở trên sông. Theo Pierre Gourou (1965: 437-442), vào những năm 1930, nó “gồm toàn thuyền hay bè, dân làng sống bằng nghề đánh cá hay vận tải”.
Phường tứ chiếng gồm toàn dân “tứ chiếng”, tức là những người đến từ nhiều nơi, nên có gốc gác không rõ. Hai thành ngữ trai tứ chiếngi giang hthường sóng đôi nhau với nghĩa rất xấu. Phải chăng từ tứ chiếng phái sinh từ tứ trấn, tức bốn trấn bao quanh kinh thành Thăng Long dưới triều Lê (Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Dương và Sơn Tây)?
Giáo phường gồm những gia đình làm nghề hát xướng, đàn địch.
Trang chỉ các làng thời xưa (chủ yếu từ đời Lý Trần) vốn là điền trang do các ông hoàng, bà chúa, các nhà quý tộc hay quan lớn lập ra.
Trại chỉ các làng lúc đầu gồm các lều thô sơ để ở tạm do nhu cầu lao động. Chẳng hạn, vào đầu thế kỷ XIX, Mông Phụ (thuộc xã Đường Lâm, Hà Nội) có xóm Trại sẽ trở thành thôn Phụ Khang hiện nay có số dân gần bằng Mông Phụ.
Sở: nguyên xưa đây là các sở đồn điền mà dường như, theo Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT, 1968, III: 276), Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên đã cho lập vào năm 1481 để phát triển nông nghiệp.
Châu: làng được lập trên đất bồi ở ven sông.
Vạn: làng chài. Trong từ điển của Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651, vạn được định nghĩa là “nơi tụ tập nhiều thuyền bè để buôn bán”. Nó còn chỉ tập hợp những người làm chung một nghề như vạn buôn, vạn xe, vạn cấy
Giáp: từ này rất ít khi được dùng để chỉ đơn vị hành chính cơ sở, ngoại trừ ở Thanh Hóa và nhất là ở Nghệ An (xem thêm dưới đây phần viết về giáp như là tổ chức bên trong xã).
Phố: trong từ điển của Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651, từ này chỉ một “con đường có các cửa hàng buôn bán” (Rhodes, 1651: 602). Hiện nay ở các đô thị miền Bắc, các con đường vẫn được gọi là phố (phố Huế, phố Bà Triệu...), khác với cách gọi ở miền Nam. Trong CTTXDBL, các tỉnh miền núi Bắc Bộ có rất nhiều phố: năm ở An Quảng, sáu ở Tuyên Quang, 20 ở Cao Bằng, 40 ở Lạng Sơn. Ðiều đó chứng tỏ là vào đầu thế kỷ XIX, trao đổi hàng hóa bằng đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc được thực hiện chủ yếu thông qua Cao Bằng và nhất là Lạng Sơn. Ở hai tỉnh này, còn có nhiều chợ và quán được ghi như là các đơn vị hành chính cơ sở. Ðiều đáng ghi nhận là các tỉnh đồng bằng bao quanh phủ Hoài Ðức (thuộc tỉnh Hà Nội sẽ được lập vào năm 1831) chỉ có một phố duy nhất là Tân Hội (nằm trên địa phận của xã Ðường Lâm ngày nay). Ðiều này cũng chứng tỏ là vào thời đó, ngoài Thăng Long ra, đồng bằng sông Hồng có rất ít phố. Các phố có lẽ rất nhỏ: chỉ gồm vài cửa hàng, quán ăn và quán trọ.
Ở các tỉnh miền núi, bản làng của các dân tộc ít người thường được gọi là sách hay động. Ngoài ra còn có nhiều từ khác như lũng, xưởng, mỏ, bến, chòm[6] cũng được dùng để chỉ xã thôn.
Ở Nghệ An và Thanh Hóa, ta còn gặp nhiều từ khác nữa: nậu (làng do một nhóm thợ hay lái buôn lập ra), tích (làng của những người làm muối?)[7], đội (làng do một đội lính lập ra?), tộc (làng chỉ do những người cùng một tộc lập ra?), lăng (làng có nhiệm vụ bảo vệ, tu bổ một lăng vua?) và nhất là giáp[8]. Cuối cùng, trong Ðại Nam thực lục (1970, IX: 123), ta thấy trong số các làng do Nguyễn Công Trứ lập ra ở hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải vào những năm cuối thập niên 1820, có 14 và 27 ấp. Về xin xem dưới đây phần về giáp. Còn ấp thì đã xuất hiện trong các thành ngữ thái ấp, thang mộc ấp, thực ấp chỉ các điền trang mà các vua Lý, Trần ban cho các vương hầu. Ở Nam Bộ, ấp thường được dùng để chỉ các làng.
Trong danh sách phủ huyện, làng xã ở Đàng Trong do Lê Quý Đôn chép lại vào năm 1776 trong Phủ biên tạp lục (PBTL, 1977: 78-93), ta thấy ở hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, ngoài xã và thôn, còn có phường, trang, châu, giáp, ấp, tộc, ty (?), man (làng của các dân tộc ít người?) và chợ (thị).
Về từ xã và chế độ tự trị xã thôn
Trong thời Bắc thuộc, vào đời Đường (618-907), Giao Châu được chia thành châu, huyện, hươngxã. Theo Cao Hùng Trưng trong An Nam Chí Nguyên, đại hương gồm từ 160 đến 540 hộ và tiểu hương từ 70 đến 150 hộ, đại xã gồm từ 40 đến 60 hộ và tiểu xã từ 10 đến 30 hộ. Dưới triều Hàm Thông (860-874) đời Đường, Cao Biền chia Giao Châu thành 159 hương. Năm 907, Khúc Hạo đổi hương ra giáp do quản giáp điều khiển với sự trợ giúp của phó tri giáp; cả nước có 344 giáp (Việt sử thông giám cương mục, 1957, II: 41; Phan Huy Lê, 1984: 137). Vào thời này, theo Ngô Thì Sĩ, đơn vị hành chính cơ sở là xã do chánh lệnh trưởng tá lệnh trưởng đứng đầu, ngoài ra còn có cả giáp trưởng, nhưng Ngô Thì Sĩ không nói gì đến giáp (Ngô Thì Sĩ, 1997: 138). Năm 1242, Trần Thái Tông đặt các chức đại tư xã (từ ngũ phẩm trở lên) và tiểu tư xã (từ lục phẩm trở xuống) cai trị từ hai đến bốn xã: mỗi xã do các xã quan quản lý được gọi là xã chính, xã sửxã giám (ĐVSKTT, 1967, II: 17). Ngoài ra còn có chức câu đương lo giữ gìn an ninh trật tự (ĐVSKTT, 1967, II: 34). Năm 1297, Trần Anh Tông lại đổi giáp thành hương. Năm 1397, Trần Thuận Tông “bãi các chức đại, tiểu tư xã” nhưng vẫn giữ chức quản giáp (ĐVSKTT, 1967, II: 201).
Trong thời Minh thuộc (1407-1427), Lý Bân lập ra vào năm 1419 một đơn vị hành chính mới là lý gồm khoảng 110 hộ, đặt dưới sự điều khiển của lý trưởng được chỉ định mỗi năm (ĐVSKTT, III: 8).
Vào đầu đời Hậu Lê, năm 1428, Lê Thái Tổ cho các xã lớn (từ 100 nội tịch trở lên) được có ba xã quan, các xã trung bình (từ 10 đến 50 nội tịch) có hai xã quan và các xã nhỏ (gồm 10 nội tịch hay ít hơn) có một xã quan. Năm 1466, Lê Thánh Tông thay xã quan bằng xã trưởng (ĐVSKTT, 1968, III: 198). Để chống nạn gia đình trị, vào năm 1488 vua quy định tri phủ hay tri huyện chỉ được cử một người trong nhóm anh em ruột và anh em chú bác làm xã trưởng.
Nhờ bi ký khắc vào năm 1543 ở chùa Hương Sơn (Phù Ninh, Phú Thọ) ta biết được rằng các chức xã chính, xã sử vẫn còn vào thế kỷ XVI (Đinh Khắc Thuân, 1996: 68). Từ quan viên dường như xuất hiện lần đầu trên bia của xã An Trạch (Nam Xương, Hà Nam) dựng vào năm 1531 (Đinh Khắc Thuân, 1996: 54), và sau đó ít lâu trên bia của xã Đệ Nhị (Mỹ Lộc, Nam Định) (Đinh Khắc Thuân, 1996: 77).
Điều đáng để ý là trong từ điển của Alexandre de Rhodes có ghi hai từ cai xãông xã như là “người đứng đầu xã”. Như vậy phải chăng hai từ này đã được dùng trước năm 1651, ít ra ở Đàng Trong?
Ở Đàng Ngoài, vào năm 1658, các xã trưởng, xã sử và xã tư được các tri phủ chọn trong số các nho sĩ và người đậu sinh đồ. Năm 1670, dưới triều Cảnh Trị (1663-1672), các xã trưởng được chọn trong số con em của các gia đình lương thiện có khả năng giáo hóa dân; mỗi năm họ phải chịu khảo hạch và những người xuất sắc nhất được thăng làm tri huyện. Năm 1720, dưới triều Bảo Thái (1720-1731), họ được giao việc cai trị làng xã, thu thuế điền thổ và thuế thân; những người được điểm cao trong nhiều cuộc sát hạch kế tiếp nhau được ban tước. Từ năm 1732 trở đi, xã trưởng được chọn trong dân, nên mất đi sự quan trọng (Phan Huy Chú, 1992: 479-480) và triều đình ngưng can thiệp trực tiếp vào công việc nội bộ của làng (Ngô Kim Chung, Nguyễn Đức Nghinh, 1987). Dường như cũng từ năm 1732 trở đi xã thôn trở thành “một cộng đồng tự cai trị lấy mình, tự giải quyết các tranh chấp giữa các thành viên, thu thuế cho nhà nước. Nhà nước không có quan hệ với dân làng mà với xã thôn. Và một khi hoàn thành được các nghĩa vụ đối với chính quyền, xã tự cai trị một cách tự do” (Gourou, 1965: 263). Như vậy sự tự trị của xã thôn có lẽ là một hiện tượng mới xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ XVIII.
Dường như dưới triều Minh Mạng (1820-1840), chức danh lý trưởng (do Lý Bân đưa vào Việt Nam dưới thời Minh thuộc) thay thế cho chức danh xã trưởng, và các chức danh tiên chỉ, phó lý được đặt ra: hai chức danh sau chỉ được ghi trong các địa bạ lập ra từ năm 1832 trở đi.
Lý trưởng được giao thi hành các quyết định với sự phụ giúp của phó lý hay hương trưởng. Là người duy nhất đại diện cho dân làng trước chính quyền, lý trưởng “thu và nộp lại thuế; tiến hành chia công điền; đóng dấu vào các văn tự bán hay cầm cố ruộng đất; các văn tự sẽ vô giá trị nếu không làm thủ tục đó; đảm nhận việc bảo vệ an ninh công cộng; trình báo lên quan các tội phạm hay các sự kiện nghiêm trọng xảy ra trong làng, như giết người, cháy nhà, mở sòng bạc, buôn lậu, trộm cướp...” (Ory, 1894: 190). “Lý trưởng có thể bị luật pháp trừng trị vì việc thu và nộp lại thuế lên quan [...] Ông ta phi chịu tội thay cho dân làng. Tài sản của ông ta - nếu không có thì lấy tài sản của các kỳ mục - phải đền bù vào số tiền thuế thu thiếu. Lý trưởng giữ triện của làng.” (Pasquier, 1907: 51-52). Vì chức lý trưởng cho phép khi mãn nhiệm kỳ được tham gia hội đồng kỳ mục, nên các gia đình kình địch thường tranh nhau chức vụ này. Trái lại, một khi đã được bầu, các lý trưởng thường tìm cách từ bỏ càng sớm càng tốt chức vụ quá nặng nề này, trước khi phạm lỗi. Tóm lại, thực quyền ở làng nằm trong tay tiên chỉ, thứ chỉ và những người kỳ mục; còn lý trưởng, phó lý và hương trưởng chỉ là tay chân thân tín của họ.
Như ta biết sau 1945, chính quyền cách mạng đã lập ra (mới), tương đương với tổng thời xưa (ít ra về số dân), gồm nhiều (cũ): chẳng hạn hiện nay xã Ðường Lâm gồm cả thảy chín thôn (= dưới thời Pháp thuộc).
Hậu quả của cải cách hành chính nói trên là khi gặp từ, lắm khi ta không biết đó là xã trước năm 1945 (= thành phần của tổng) hay là xã hiện nay (tương đương với tổng thời xưa vì gồm nhiều thôn)! Ðể tránh lẫn lộn, phải chăng nên gọi (mới) là tổng như trước Cách mạng tháng Tám? Có lẽ cũng nên nói thêm rằng việc dùng hai từ tổng để chỉ hai đơn vị hành chính không phải bắt chước của Trung Quốc mà là một sáng tạo của người Việt!
Làng = xã?
Theo Bùi Xuân Đính, “làng là đơn vị tụ cư truyền thống của người nông dân Việt, có địa vực riêng, cơ cấu tổ chức, cơ sở hạ tầng, các tục lệ (về cheo cưới, tang ma, khao vọng) thờ cúng riêng, tâm lý tính cách riêng và cả “thổ ngữ” (tiếng làng) riêng…”. Cho đến đây, ta có thể đồng ý với tác giả. Nhưng chúng tôi cho là ông đã lầm khi viết thêm: “…làng có bộ máy quản lý tức hội đồng kỳ mục (từ 1921 trở đi là hội đồng tộc biểu)” (Bùi Xuân Đính, 1998: 97), vì từ làng không những chỉ các “nhất xã nhất thôn” mà cả các thôn thuộc xã.
Các xã Kim Sơn, Chân Tảo, Linh Qui, Giao Tự, Giao Tất, Phú Thị, Tô Khê của tổng Kim Sơn (Gia Lâm, Bắc Ninh) cũng được gọi, theo thứ tự, là làng Then, làng Táo, làng Vụi, làng Chè, làng Keo, làng Sủi, làng To (Nguyễn Văn Huyên, 1996: 13): các làng này đều là “nhất xã nhất thôn”. Nhưng khi xã được chia thành hai hay nhiều thôn, thì sự lẫn lộn có thể xảy ra, vì làng lắm khi được dùng cho cả các thôn nằm bên trong của xã. Sau đây là một số bằng chứng rút ra từ công trình nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên:
- Xã Bố Hạ (Yên Thế, Bắc Giang) gm có bốn thôn là Bố Hạ hay làng Dinh, Bố Sơn hay làng Bo Non, làng Ðông hay Ðông Kênh, làng Thị hay Bo Chợ (Nguyễn Văn Huyên, 1996: 150).
- Xã Thúy Cầu (Lạng Giang, Bc Giang), dù chỉ có 185 người dân, lại gồm đến 11 thôn: Ðồng Bài, Ðồng Bằng, Ðồng Cây, Ðồng Hội, Ðồng Khanh, Ðồng Nội, làng Sanh, làng Ngoài, làng Sai, làng Trong, làng Thị (Nguyễn Văn Huyên, 1996: 134). Khi các thôn bên trong xã được gọi là làng, chúng thường có đình, miếu (nhiều khi có cả chùa)... và một số tập tục riêng, và vì thế có được bản sắc riêng.
Trước năm 1945, nếu phải dùng xã hoặc thôn trong các quan hệ chính thức với chính quyền, thì trong cuộc sống hằng ngày, người Việt thường dùng từ làng vì nó có thêm một chút gì thân thương, tình cảm hay, nói như nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi, “cảm xúc” (émotionnel) (Nguyễn Từ Chi, 1993: 55).
Ngoài ra, cũng nên nói thêm là, theo nghĩa rộng, làng còn được dùng trong các thành ngữ làng văn, làng thơ, làng chơi, làng bẹp (những người nghiện thuốc phiện).
Ðối với người Việt Nam, từ làng gợi ngay không gian cư trú mà họ gắn bó. Thuở trước, làng thường có lũy tre vây quanh, phân cách nó với không gian canh tác. Do đó mà có các cụm từ đối lập nhau như vào làng/ra đồng, trong làng/ngoài đồng. Ðầu làng là nơi có lối đi chính để vào làng từ đường thiên lý hay quan lộ. Thành ngữ cuối làng chỉ đầu bên kia, nơi tận cùng của làng. Thông thường thì địa phận của làng liền một dải. Nhưng đôi khi một làng có nhiều công điền nằm trong địa phận làng khác, được gọi là kỳ tại. Chẳng hạn vào đầu thế kỷ XX, làng Nhật Tảo (Từ Liêm, Hà Ðông) có công điền nằm trong không gian cư trú của làng Ðông Ngạc. Khi một xóm của làng này lại nằm trong địa phận của làng khác, thì nó được gọi là lạc giới: đó là trường hợp của một số làng (= thôn) của xã Hữu Thanh Oai (Thanh Oai, Hà Ðông) vào đầu thế kỷ XX. Một số làng lại có ruộng đất, vườn tược lẫn lộn với nhau nên gọi là hỗn canh hỗn cư. Như vậy, khác với ở Pháp (Rambaud, 1971: 13-33), trong các làng Việt Nam trước đây, không phải lúc nào “đơn vị không gian” cũng đồng nhất với “đơn vị xã hội”.
Vào thi xưa, trưng hp làng Bo An (hin nay thuc xã Đin Quang, huyn Đin Bàn, tnh Qung Nam) khá đc bit: vì s chia làng này thành hai xã Bo An Tây và Bo An Đông da theo các tc, nên gia hai xã mi này không có ranh gii. Nhưng sau năm 1975, gia hai thôn Bo An Tây và Bo An Đông đã có ranh gii rõ ràng[9].
Về giáp
Nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi đã đặc biệt quan tâm đến vai trò quan trọng của giáp trong các sinh hoạt làng xã, nhất là về tôn giáo (Nguyễn Từ Chi, 1984). Nhưng ông chưa chú ý lắm đến nguồn gốc của giáp.
Phải chăng giáp phát xuất từ chính sách của Khúc Hạo, theo ĐVSKTT (1967, I: 269), vào năm 907 đã đổi hương - do Cao Biền lập ra dưới đời Hàm Thông (860-874) - ra giáp như đã viết trên đây trong phần về từ xã. Vấn đề đặt ra là giáp của Khúc Hạo (= hương) dường như tương đương với đơn vị tổng về sau và gồm nhiều làng (xem dưới đây đoạn về tổng). Theo chúng tôi, có lẽ giáp (= ng và tổ chức bên trong làng) là hai “hóa thân” của giáp mà Lý Bân đặt ra vào năm 1419 dựa theo chính sách “bảo giáp pháp” do Vương An Thạch đề ra vào năm 1074 dưới đời Tống: là tổ chức địa vực bên trong của (xem trên đây phần về từ xã), giáp gồm mười hộ và do giáp thủ điều khiển. Vào lúc ấy chắc có quan hệ mật thiết giữa giáp và xóm: tùy theo số hộ, một xóm có thể được tổ chức thành một hay nhiều giáp. Trong các thế kỷ sau, một số giáp đã biến thành làng, chủ yếu ở Thanh Hóa và Nghệ An, nhưng đa số vẫn là tổ chức bên trong làng.
Ở Đông Ngạc tên các giáp (hay phe) cũng là tên của ngõ (= xóm) ghép với một số thứ tự; theo địa bạ Gia Long, làng này có cả thảy tám giáp: Đông Giáp Nhất, Đông Giáp Nhì, Đoài Giáp Nhất, Đoài Giáp Nhì, Hoà Giáp Nhất, Hoà Giáp Nhì, Ngạc Giáp Nhất, Ngạc Giáp Nhì (Phan Huy Lê và cộng sự, 1995: 388-393). Vào những thập niên trước 1945, các tên giáp được rút gọn thành: Đông Nhất, Đông Nhì, Ngác Nhất, Ngác Nhì, Vẽ Nhất, Vẽ Nhì, Đoài Nhất, Đoài Nhì (Phạm Văn Thuyết, 1963: 183-184).
Cách đặt tên giáp theo tên xóm hay theo phương hướng như ta thấy ở Đông Ngạc có thể là xưa nhất. Xin đưa thêm hai bằng chứng khác:
- Vào năm 1562, bốn giáp của xã Phương Để (huyện Nam Chân, trấn Sơn Nam Hạ có tên: Đông, Trung Đông, Tây và Trung Tây (Đinh Khắc Thuân, 1996: 106).
- Vào năm 1570, thôn Mỹ Long thuộc xã Cối Xuyên (Hội Xuyên, Hải Dương) có ba giáp Đông, Trung và Nam (Đinh Khắc Thuân, 1996: 142).
Nhưng ngay từ nửa đầu thế kỷ XVI, tên giáp đã được đặt một cách khá tự do. Chẳng hạn, vào năm 1538, bốn giáp của xã La Uyên (Thượng Phúc, Sơn Nam Thượng) có các tên rất hoa mỹ: Kim Uyên, Ngọc Tĩnh, Cẩm Đường, Lan Đình (Đinh Khc Thuân, 1996: 48).
ng về sau, giáp càng mất dần tính địa vực. Lý do chính là sự tăng dân số: vì thiếu đất thổ cư, con cháu các thành viên của giáp phải đến ở các xóm khác.
Ở Mộ Trạch, lúc đầu có sáu giáp, sau chia thành 18 giáp, rồi hợp lại còn 12 giáp; mỗi giáp gồm các đinh của một hay vài họ nhỏ hoặc một chi, phái của họ Vũ là họ đông nhất làng (Vũ Huy Phú, 1997: 109). Còn ở Đông Ngạc, trước 1945, từ 18 tuổi trở lên, đinh nào muốn vào giáp nào cũng được, không có sự bó buộc (Phạm Văn Thuyết, 1963: 183-185).
Theo P. Gourou, “giáp là một tập hợp có tính cách tôn giáo mà người ta thuộc vào do gốc gác gia đình và có trung tâm là một ngôi đền” (1965: 266). Nhưng ông cũng công nhận rằng định nghĩa này không đầy đủ. Thật vậy, giáp phức tạp hơn nhiều, vì cách tổ chức và chức năng của nó thay đổi tùy theo làng.
Theo G. Dumoutier, trong một số làng, giáp là một hội lo việc tang ma, tương trợ; trong một số làng khác “giáp sinh hoạt như một hội có mục đích cùng làm một số nghi thức tôn giáo hay tập tục”; giáp cũng có thể chính thức đảm nhiệm việc phân chia cho các gia đình trong giáp phần sưu thuế mà họ phải đóng, tiến hành thu thuế má (Dumoutier, 1907: 309-312). Trong nhiều làng khác nữa, giáp lo bảo vệ an ninh trật tự hoặc lo tổ chức hàng năm việc thờ cúng thành hoàng và các lễ hội của làng. Chính ngày ghi tên vào sổ của giáp quy định ngôi thứ của mỗi thành viên trong giáp: nói khác đi, người ghi tên trước dù là một trẻ sơ sinh vẫn có ngôi thứ cao hơn người ghi sau cho dù người này là một ông lão trên 80 tuổi! Cũng theo G. Dumoutier, trong các xã thôn theo thiên tước (hay trọng xỉ, tức là sắp xếp ngôi thứ theo tuổi tác) không có giáp: các chức năng của nó được các tổ chức theo địa vực (thôn, xóm, ngõ) đảm nhiệm. Loại làng này ít hơn rất nhiều so vi các làng theo vương tước (ngôi thứ được sắp xếp theo tước vị vua ban hay tước vị mua): vào năm 1907, ở huyện Thanh Trì (Hà Đông) chỉ có tám trên 99 làng theo thiên tước. Nhưng thông thường việc sắp xếp ngôi thứ dựa trên tuổi tác lẫn tước vị.
Ở Đông Ngạc vào khoảng nửa đầu thế kỷ XX, trong mỗi giáp, ngoài bốn người thôn trưởng chính thức đứng đầu, còn có thêm mấy người bàn nhì sau đổi thành thôn trưởng sĩ bổ. Những thành viên khác được gọi là nhưng bàn. 32 người thôn trưởng của tám giáp tạo thành hàng thôn trưởng hay hàng làng, được cấy ruộng của giáp để thu hoa lợi và phải lo các công việc của làng: sóc, vọng, vào đám… (Phạm Văn Thuyết, 1963: 183-185).
Khác với Trần Từ (1984), chúng tôi không nghĩ rằng giáp được tổ chức theo lứa tuổi (classes d’âge), vì tuổi, hay đúng hơn theo ngày ghi tên vào sổ giáp, chỉ đóng vai trò phân định ngôi thứ trong giáp, chứ không kéo theo sự tổ chức thành lứa tuổi, nhất là theo nghĩa mà các nhà dân tộc học dùng khi nghiên cứu các xã hội ở châu Phi hay Nam đảo. Hơn nữa chúng ta cũng nhận thấy trong các giáp hầu như không có các nghi thức thụ pháp, kết nạp tập thể và chung sống biệt lập cho các thành viên cùng ở vào lứa tuổi vị thành niên.
Giáp có của cải riêng bằng tiền và bằng ruộng đất: “tài sản đó là do các thành viên đóng góp, di tặng hay cho. Quỹ xã hội của giáp được dùng để cho các thành viên vay tiền hay thuê ruộng đất. Thu nhập được dùng để tài trợ các cuộc vui chơi công cộng, tiệc tùng, lễ hiến sinh hay cầu xin” (Nguyễn Văn Huyên, 1944: 92).
Về đơn vị tổng
Là đơn vị hành chính nằm giữa huyện và xã (cũ), theo nhận xét của Trần Từ (1984: 147), tổng giống như một miếng đất hoang chưa ai khai phá. Do đó, ngay cả hiện nay ta không biết vào thời nào từ Hán Việt tổng được dùng để chỉ đơn vị hành chính này, một nghĩa không có trong tiếng Hán.
Trong một bài viết đăng vào năm 1990, chúng tôi đã dựa vào một tư liệu trong Phủ biên tạp lục (PBTL, 1977: 44) mà Lê Quý Ðôn lấy từ Thiên Nam dư hạ tập[10] để đưa ra giả thuyết là chính Lê Thánh Tông đã lập ra tổng vào năm 1490 khi ông “định lại bản đồ trong nước” hay nói khác đi cải tổ hành chính (Nguyễn Tùng, 1990: 22-24).
Tuy vậy, qua một số văn bia chúng ta thấy đơn vị hành chính tổng xuất hiện không những ở thời nhà Mạc thế kỷ XVI mà cả vào thời Lê Sơ (từ đầu thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVI).
Theo Đinh Khắc Thuân hai tư liệu xưa nhất có dùng từ tổng như là một đơn vị hành chính là hai bi ký sau đây:
- … Tự điền bi ký, số kí hiệu thác bản 3382-3, khắc năm Hồng Đức 2 (1471) tại xã La Khê (nay thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) ghi: “Điền tại bản huyện, Nội Lãng tổng, Huyền Chân xã”, nghĩa là “Ruộng tại xã Huyền Chân, tổng Nội Lãng trong huyện”.
- Bia Công chúa tự điền, kí hiệu thác bản 3675, dựng năm Hồng Thuận 5 (1513) ở đền Vũ Bị (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) ghi: “Nhất sở tại Cổ Bị tổng, An Nội xã, tam mẫu ngũ cao”, nghĩa là “Ruộng 1 mảnh tại xã An Nội, tổng Cổ Bị, diện tích là 3 mẫu 5 sào”; hoặc “Bản tổng An Phú xã”, nghĩa là “xã An Phú trong tổng”…[11]
Một tư liệu xưa khác về tổng là bài văn bia chùa Thiên Phúc (Xã Ða Phúc, huyện Quốc Oai, Hà Tây), được khắc vào năm 1538 (Ðinh Khắc Thuân, 1996: 55).
Không biết dựa vào đâu Ðại Việt thông sử của Lê Quý Ðôn có ghi là cha của Trịnh Khả (sinh năm 1403?), môt đại công thần của Lê Lợi, từng làm chánh tổng (1978: 207). Ðiều cần nói ngay là vào thời Lê Quý Ðôn người cầm đầu một tổng được gọi là cai tổng chứ không phải chánh tổng vì từ này chỉ được dùng từ đời Minh Mạng (1820-1840). Cũng có thể là người sao chép sách này vào thế kỷ XIX, đã sửa cai tổng thành chánh tổng. Nếu chi tiết trên đây là đúng thì đơn vị tổng đã được lập trước thế kỷ XV, nhưng theo ý chúng tôi điều đó không lấy gì làm chắc. Mặt khác, cũng có thể có tương quan nào đó giữa đơn vị tổng và các chức đại tư xã tiểu tư xã do vua Trần Thái Tông đặt ra vào năm 1242, cai trị hai, ba hoặc bốn xã (ĐVSKTT, II: 17); hoặc giữa tổng với giáp (= hương) vì như đã nói trên đây đơn vị này bao gồm nhiều làng.
Trong từ điển của Alexandre de Rhodes, được xuất bản ở Roma vào năm 1651, tổng được định nghĩa là “gồm chừng mười làng” và cai tổng là “ông quan cai trị mười làng” (Rhodes, 1651: 827). Ðịnh nghĩa này khá phù hợp với tình hình được phản ánh trong CTTXDBL (cho các trấn từ Nghệ An trở ra vào khoảng năm 1813) cũng như danh sách phủ, huyện, tổng, xã của Thuận Hoá và Quảng Nam mà Lê Quý Đôn chép lại vào năm 1776 trong PBTL (1977: 78-93). Trong cả hai tư liệu này, tên tổng hầu như luôn trùng với tên của một làng thành viên (được gọi là làng đầu tổng). Thí dụ: làng Cam Giá Thịnh (tiền thân của xã Đường Lâm hiện nay) là làng đầu tổng của tổng Cam Giá Thịnh
Ðiều đáng ngạc nhiên là trong các bộ chính sử trước đây, người cai tổng hay chánh tổng rất ít khi được nhắc đến: chẳng hạn ÐVSKTT chỉ ghi có một lần là vào năm 1618, triều thần làm tờ khải với Bình An vương Trịnh Tùng xin cho hỏi “bọn cai tổng cai xã” về “việc kiện về hộ hôn điền thổ” (IV: 246). Phải chăng vì thời xưa vua quan thường dựa vào các xã trưởng hay lý trưởng để thu thuế, bắt lính, bảo vệ an ninh trật tự, v.v., vì họ có được sự trợ giúp hiệu quả của các tổ chức bên trong của xã như thôn, xóm, giáp, phiên,... mà các chánh tổng không có nên không đóng được vai trò của họ.
Éliacin Luro (1837-1877)

Có lẽ chính trong cuốn Cours d'administration annamite (Giáo trình về hành chính Ðại Nam) do E. Luro giảng vào năm 1864, ta tìm thấy nhiều thông tin chính xác nhất về vai trò của người cai tổng hay chánh tổng ở Nam Kỳ vào giữa thế kỷ XIX.
Do các quan viên, kỳ mục trong tổng bầu ra, người chánh tổng, theo E. Luro, có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của dân trong tổng, thi hành các trát của quan trên, phân bổ và thu thuế má để nộp lên quan và giữ gìn an ninh trật tự trong tổng. Thông thường, chánh tổng được sự phụ tá của một phó tổng, và trong các tổng đông dân, của một bang biện hay sung biện phó tổng. “Là một người quan trọng nhờ tài sản và thế lực”, chánh tổng đồng thời cũng là “người đóng vai trò hoà giải về dân sự” (Luro, 1864: 121-138).
Vì vai trò của tổng quá mờ nhạt, thời xưa dường như người Việt ít quan tâm đến tổng: bằng chứng là các sách viết về tiểu sử như Đại Nam liệt truyện chẳng bao giờ nhắc đến tổng, mà luôn luôn ghi tên huyện, rồi lắm khi ghi thêm tên làng và/hay tên tỉnh.

“Làng cổ Đường Lâm”?

Khi vào trang web bng tiếng Việt của Google, ta có thể tìm thấy đến cả trăm bài báo viết về “làng cổ Đường Lâm”. Theo chúng tôi cụm từ này là không chuẩn, vì người đọc có thể hiểu xã Đường Lâm hiện nay là một “làng cổ”. Trước hết, như đã nói trên đây, “xã” (mới) - được lập ra sau Cách mạng tháng Tám và nhất là từ năm 1954 ở miền Bắc và từ năm 1975 ở miền Nam - là tương đương với “tổng” ngày xưa, tức là gồm nhiều “xã” (cũ). Do đó, ta không thể dùng từ làng để chỉ xã (mới) Đường Lâm hiện nay mà để chỉ chín làng hay “thôn” (theo cách gọi hiện nay) thành viên của nó (Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Lâm, Phụ Khang, Hà Tân, Văn Miếu và Hưng Thịnh). Mặt khác, không phải tất cả chín thôn (làng) này đều là “làng cổ” cả. Thực ra chỉ có năm thôn Cam Thịnh, Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Lâm và Đoài Giáp là đã được lập ra cách đây đến trên 500 năm. Còn bốn thôn kia thì đều tách ra từ Cam Thịnh (Yên Thịnh), Đông Sàng (Hà Tân) và Mông Phụ (Phụ Khang và Văn Miếu) cách đây chưa đến trăm năm, thậm chí chỉ mới mươi năm thôi. Và trong năm “làng cổ” này chỉ có làng Mông Phụ là còn giữ được nhiều “nét xưa” tạo ra được dáng dấp tổng thể của một làng cổ với ngôi đình, cổng làng, cây đa cổ thụ, ao làng, quán (nhà nhỏ xây ở ngoài đồng, không có tường, để dân làng trú mưa, nắng hay để những người lỡ độ đường qua đêm vì xưa kia họ không được phép vào ngủ trong làng), điếm canh, giếng công, đường làng lót gạch…, và mấy chục ngôi nhà cổ có tường bằng đá ong và mái lợp bằng ngói mũi hài.
Vì các làng cổ nói trên (trừ Cam Lâm) nằm sát bên nhau đến mức không còn ranh giới rõ ràng, phải chăng ta nên dùng cụm từ “quần thể làng cổ Đường Lâm” để gọi chúng?

Đường Lâm: đất hai vua?

Ngày nay, không những ở Đường Lâm, nhiều người - trong số đó dường như có cả hầu hết các nhà sử học Việt Nam - thường dùng thành ngữ “đất hai vua”, tức là Phùng Hưng (761-802) và Ngô Quyền (899-944) để chỉ xã này và đôi khi để chỉ riêng thôn Cam Lâm. Sở dĩ họ tin như thế, trước hết là vì từ gần hai thế kỷ nay ở Cam Lâm có đình thờ Phùng Hưng cũng như nhà thờ và lăng Ngô Quyền. Nhưng quan trọng hơn cả là vì họ dựa vào khẳng định sau đây của bài văn khắc trên phụng tự bi của làng Cam Lâm: “Bản xã đất ở rừng rú, xưa gọi là Đường Lâm, thời thuộc Đường có Phùng vương húy là Hưng, đến thời Ngũ Đại có Ngô vương húy là Quyền, hai vương cùng một ấp, việc ấy chưa bao giờ có” (ĐNNTC, 1971, IV: 178). Dựa vào khẳng định không vin vào cứ liệu nào cả này, ĐNNTC hồ đồ cho rằng “Như thế thì huyện Phúc Thọ xưa có Đường Lâm, Đường Lâm là tên xã không phải tên châu”, tuy ngay sau đó có nhắc đến quan điểm của Ngô Thì Sĩ trong Đại Việt sử ký tiền biên (được khắc in năm 1800) và của Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí (hoàn thành năm 1809) cho rằng Đường Lâm là một huyện ở vào quãng huyện Hoài An và Mỹ Lương thời xưa (đại khái tương ứng với huyện Mỹ Đức hiện nay thuộc Hà Nội). Cũng xin nói ngay là hai khẳng định của Ngô Thì Sĩ và của Phan Huy Chú cũng không dựa vào cứ liệu nào cả.
Hai câu hỏi được đặt ra là Đường Lâm, quê quán của Phùng Hưng và Ngô Quyền là một châu (hoặc huyện) hay là làng Cam Lâm (thuộc xã Đường Lâm hiện nay) và nó nằm tại đâu ở Việt Nam thời xưa.
Trong bài “Đường Lâm là Đường Lâm nào?”[12] ba tác giả Trần Ngọc Vương, Nguyễn Tô Lan và Trần Trọng Dương đã tham khảo nhiều cuốn cổ sử của Trung Quốc[13] có viết về trấn (châu hay huyện) Đường Lâm. Chẳng hạn theo Thông điển 通典 do Đỗ Hữu 杜佑 (735-812) soạn xong năm 801, nhà Đường đặt ra châu Phúc Lộc, hoặc là quận Phúc Lộc, lĩnh hai huyện: Nhu Viễn và Đường Lâm. Cuốn Cựu Đường Thư 舊唐書 do Lưu Hú 劉昫887-946khởi soạn năm 945, ghi rõ hơn: dưới đời Đường, năm Tống Chương thứ 2 (669) đặt ra châu Phúc Lộc, năm Thái Bảo thứ nhất (742), đổi làm quận Phúc Lộc, năm Chí Đức thứ hai (757) đổi làm quận Đường Lâm, năm 758 đặt lại châu Phúc Lộc lĩnh ba huyện Nhu Viễn, Đường Lâm và Phúc Lộc. Ba huyện này dường như ở vào vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh hiện nay.
Nếu ta dựa vào các sử liệu xưa nhất của Việt Nam, thì cũng thấy ghi Đường Lâm là một huyện hay châu:
- Trong Việt Điện u linh tập soạn năm 1329, Lý Tế Xuyên viết: “Vương họ Phùng tên là Hưng. Đời đời cha truyền con nối làm Tù trưởng Biên khố ở châu Đường Lâm gọi là Quan lang” (Lý Tế Xuyên, 1997: 60);
- Trong An Nam chí lược soạn vào năm 1335 ở Trung Quốc, Lê Tắc đã dựa vào cuốn Lịch đại quận huyện địa lý của Trương Hiệp soạn vào khoảng 1205-1207 để ghi như trên đây: “Lộc Phúc châu (Đường thư chép là Phúc Lộc) gồm có Nhu Viễn, Đường Lâm, Phúc Lộc” (Lê Tắc, 1961: 44);
- Dù không rõ, câu viết về Ngô Quyền trong ĐVSKTT (tr. 143): “Quyền, người Đường Lâm, đời đời là quý tộc, cha là Mân là châu mục châu ấy”, cho phép ta nghĩ Đường Lâm là một châu.
Cũng cần nói thêm rằng, do chủ yếu dựa vào cổ sử Trung Quốc, phần “ngoại kỷ” của ĐVSKTT chỉ ghi tên huyện quê quán của các nhân vật lịch sử Việt Nam trong thời Bắc thuộc chứ không ghi tên làng, chẳng hạn: Trưng Trắc quê huyện Mê Linh (ĐVSKTT, I: 91), Triệu Ẩu quê quận Cửu Chân (ĐVSKTT, I: 106), Triệu Quang Phục quê huyện Chu Diên (ĐVSKTT, I: 121)…
Nguyễn Văn Siêu (1795-1872) là người đầu tiên đã dựa vào sự kiện làng này hai đền thờ Phùng Hưng và Ngô Quyền và nhất là vào minh văn của phụng tự bi để khẳng định, trong Đại Việt địa dư toàn biên, xã Cam Lâm chính là quê quán của Phùng Hưng và Ngô quyền; ông cũng cho rằng việc “Đường địa lý” (?) chép rằng: châu Phúc Lộc có ba huyện Nhu Viễn, Phúc Lộc và Đường Lâm” là “thuyết sai lầm” (Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, 1997: 402). Như vậy, ĐNNTC (viết xong vào khoảng 1882) đã hoàn toàn theo quan điểm và lối lý luận có phần hàm hồ của Nguyễn Văn Siêu. Và cả cuốn Khâm định Việt sử thông giám cương mục, do Quốc Sử Quán triều Nguyễn soạn vào khoảng năm 1856-1884, cũng viết “xã Cam Lâm thuộc huyện Phúc Thọ, xưa là Đường Lâm” (Việt sử thông giám cương mục, 1957: 19). Như Vậy, thuyết “Cam Lâm xưa là Đường Lâm” đã nghiễm nhiên trở thành thuyết chính thống của các học giả triều Nguyễn!                                        
Có điều lạ này: trong Đất nước Việt Nam qua các đời xuất bản năm 1964, Đào Duy Anh cho rằng trong Sơn Tây tỉnh chí Nguyễn Văn Siêu đã lầm khi viết “xã Cam Lâm huyện Phúc Thọ xưa gọi là Đường Lâm”, vì “huyện Đường Lâm châu Phúc Lộc là ở nam Hà Tĩnh (Đào Duy Anh, 1994: 109); nhưng trong ĐVSKTT, khi chú thích về tên Đường Lâm, ông lại viết “… xã Cam Lâm, xưa là Đường Lâm”. Phải chăng ông đã phải theo quan điểm chính thống của thời ấy?
Chính quyền xã Phùng Hưng (tên cũ của xã Đường Lâm hiện nay) cũng đã dựa vào các “bằng chứng” đã được đưa ra dưới triều Nguyễn để xin Quốc hội của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức đổi tên thành Đường Lâm ngày 21/11/1964.
Hiện nay xã Đường lâm còn giữ được tấm phụng tự bi ghi sự tích Phùng Hưng và Ngô Quyền. Nhưng bài văn khắc trên bia này có một số điểm đáng ngờ. Chẳng hạn nó khẳng định là bia được làng Cam Tuyền thuộc huyện Phúc Lộc, phủ Quốc Oai dựng vào năm Quang Thái thứ 3 (1390). Thế mà, theo Đại Nam nhất thống chí (ÐNNTC) (IV: 178-180), dưới đời Trần, Quốc Oai là một lộ sau đổi thành trấn, rồi đổi làm phủ từ đời Lê Quang Thuận (1460-1469); và tên huyện Phúc Lộc (thuộc Sơn Tây) dường như chỉ xuất hiện từ đời Lê Quang Thuận (1460-1469), rồi đổi thành Phú Lộc dưới đời Tây Sơn và thành Phúc Thọ từ năm Minh Mạng thứ 3 (1822) trở đi. Như vậy, phụng tự bi không thể nào được lập vào năm 1390, mà có lẽ trong khoảng thời gian từ đời Lê Quang Thuận đến năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) khi Phúc Lộc đã đổi làm Phúc Thọ[14]. Bia này có ghi tên các quan viên của làng Cam Tuyền, nhưng liệu vào cuối thế kỷ XIV từ quan viên đã được dùng hay chưa? (Xem trên đây phần viết về từ ). Theo bài văn khắc ở phụng tự bi, thì nó đã sử dụng các sự kiện ghi trong gia phả của hai họ Phùng và Ngô: đây cũng là điểm đáng ngờ, vì trong dân gian, ở Đại Việt, dường như chưa có gia phả trước thế kỷ XV.

Đào Duy Anh (1904-1988)
Theo Đào Duy Anh phụng tự bi có khả năng là bia ngụy tạo vào đời Gia Long hoặc Minh Mệnh (trước năm 1822)[15]. Trong bài đã dẫn, Vũ Huy Mền cũng cho là “Phụng tự bi không phải được khắc vào năm Quang Thái thứ 3 (1390)”, vì nó “không tuân luật kiêng húy của nhà Trầnnhư vẫn dùng chữ “nguyệt” () hay chữ “Tuấn” () bình thường.
Nhưng cho dù phụng tự bi được dựng vào năm 1390 đi nữa thì nó cũng không phải là bằng chứng đáng tin hơn các cuốn cổ sử Trung Quốc được viết trước nó đến 5, 600 năm!
Tưởng cũng nên nói thêm rằng xã Đường Lâm, cùng với xã Cam Thượng láng giềng, chắc là hai hóa thân của giáp Cam Giá vào đời Lý: thật vậy, theo ĐVSKTT (I: 247), năm 1117 “người giáp Cam Giá dâng hươu đen” cho vua Lý Nhân Tông (Đường Lâm thuộc vùng “bán sơn địa”, khá gần núi Ba Vì). Như ta biết, từ Hán-Việt 甘蔗 cam giá có nghĩa là “cây mía” xưa kia vốn được trồng rất nhiều ở vùng này, nên “mía” thành tên nôm của nó trong nhiều thành ngữ như “phố Mía” (tức phố Tân Hội nay không còn nữa), “chùa Mía” (tức chùa Sùng Nghiêm ở Đông Sàng), “chợ Mía” (chợ Đông Sàng), “gà Mía”, “bà chúa Mía”[16]… Trước hậu bán thế kỷ XV, có lẽ giáp Cam Giá nói trên đã chia thành Cam Giá Thượng (tức xã Cam Thượng hiện nay) và Cam Giá Hạ (sẽ lần lượt đổi thành Cam Giá Thịnh, Cam Thịnh, rồi thành xã Đường Lâm). Tóm lại, ít ra là từ thế kỷ XII cho mãi đến năm 1964, các “tiền thân” của xã Đường Lâm hiện nay chưa bao giờ có tên được tạo với hai từ tố “đường” và “lâm”[17]!
Khó khăn lớn nhất khi nghiên cứu làng xã Việt Nam là thiếu tư liệu lưu trữ, ít ra cho đến thời Pháp thuộc. Chẳng những thế, vì các bộ biên niên sử của Việt Nam chỉ quan tâm đến các biến cố liên quan đến triều đình, đời sống kinh tế và xã hội của nhân dân hầu như không được biết đến, nhất là ở mức độ địa phương. Từ nửa sau của thế kỷ XIX, một số sĩ quan, linh mục và nhất là nhà cai trị Pháp đã ghi lại các quan sát khá tỉ mỉ của họ về xã hội Việt Nam, rồi nhiều khi viết thành bài báo hay sách. Từ 1860 trở đi, các văn kiện chính thức, những báo cáo hành chính... cũng đã được lưu trữ tương đối đầy đủ (đặc biệt về tỉnh Hà Đông): đây là điều hoàn toàn mới đối với Việt Nam. Hai nguồn tư liệu quan trọng khác là bi ký và địa bạ. Điều đáng tiếc là cho đến nay các nguồn sử liệu quý giá ấy dường như chưa được các nhà nghiên cứu Việt Nam khai thác đúng mức. Chính vì thế mà một số công trình nghiên cứu về “làng truyền thống” Việt Nam thường khá mơ hồ và nhất là cho ta cảm tưởng nó không biến đổi gì mấy qua hàng nghìn năm, kể cả trong thời Pháp thuộc. Khi nghiên cứu làng xã, chúng tôi đã băn khoăn về vài câu hỏi sau đây: Phải chăng có sự liên tục giữa các tổng thời xưa và các xã hiện nay? Phải chăng sau trên dưới 50 năm hiện hữu, các [mới] đã tạo được cho mình một bản sắc rất mạnh, nên làm lu mờ hoàn toàn bản sắc của thôn làng đã bị thực tiễn cách mạng làm mất đi mọi thực thể? Dù từ đầu những năm 1990 có sự hồi sinh tự phát của làng truyền thống do tác động của nền kinh tế thị trường “hoang dại” ngày càng phát triển mạnh, nhưng rồi ra vai trò của thôn làng sẽ là gì trong xã hội Việt Nam? Thú thật là cho đến nay chúng tôi vẫn cứ phân vân...
Nguồn: Tác giả gởi trực tiếp cho PTKT.




Chú thích:

[*] Tóm lược một số ý kiến mà Nguyễn Tùng đã trình bày trong một số công trình nghiên cứu của mình về làng xã Việt Nam, bài này được viết để đăng trong cuốn Nhân cách sử học do các GS. Trần Văn Thọ, Nguyễn Quang Ngọc và Philippe Papin chủ biên và do Nxb. Chính trị quốc gia xuất bản năm 2014. Với sự tham gia của 41 tác giả Việt Nam và quốc tế, cuốn sách này được thực hiện để mừng “bát tuần thượng thọ” của sử gia Phan Huy Lê. Tác giả đã sửa và bổ sung khá nhiều.

[1] Do Nguyễn Tùng chủ biên, Paris, L’Harmatan, 1999. Được viết lại bằng tiếng Việt: Mông Phụ, một làng ở đồng bằng sông Hồng, Hà Nội, Nxb. Văn hoá Thông tin, 2003.

[2] Do Philippe Papin và Olivier Tessier chủ biên và do Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (Việt Nam) cùng với Viện Viễn Đông Bác cổ (Pháp) và Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản, Hà Nội, 2002.

[3] Nguyễn Tùng, “La reconstruction d’un espace villageois du Centre-Việt Nam” [Xây dựng lại một không gian làng ở miền Trung Việt Nam] trong Jacqueline Matras-Guin et Christian Taillard, Habitations et habitat d’Asie du Sud-Est continentale [Nhà ở và kiểu cư trú ở Đông Nam Á lục địa], Paris, L’Harmattan, 1992.

[4] Trong Dư địa chí (được viết vào khoảng năm 1438), Nguyễn Trãi (1976: 214) có ghi 9728 , 294 thôn, 59 phường, 119 châu, 116 trang, 534 động, 465 sách, 58 sở, 74 trại, 16 nguyên và 110 duềnh. Các thống kê này rất khác với Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT, t. III, 1968: 306): theo sách này, vào năm 1490, tức khoảng 40 năm sau Dư địa chí, khi vua Lê Thánh Tông “định lại bản đồ”, Đại Việt có 6851 xã, 322 thôn, 637 trang, 40 sách, 40 động, 30 nguyên, 30 trường, 36 phường.

[5] Chẳng hạn, ở trấn Sơn Nam Thượng, các xã Hoa Chúc (huyện Kim Bảng), Tiền Đường và An Lãng (huyện Nam Xang) chỉ có - theo thứ tự - sáu, tám và mười nội tịch (CTTXDBL, 1981: 56-57).

[6] Ví dụ: lũng Lũng Lai (châu Thượng Lăng, Cao Bằng), xưởng Nam Luân (châu Bạch Thông, Thái Nguyên), mỏ Vũ Lăng (huyện Vũ Nhai, Thái Nguyên), bến Câu Vu (huyện Phúc Yên, Tuyên Quang), chòm Hồng Nương (huyện Phúc Yên, Tuyên Quang). Xem CTTXDBL.

[7] Ví dụ: nậu Bàng Vạn (Thanh Chương, Nghệ An), ngày nay vẫn còn thành ngữ đầu nậu); tích Ly Hà, tích Ngân Tượng (Kỳ Hoa, Nghệ An); đội Cồn Cát, đội Phan Long (Thanh Hà, Nghệ An); tộc Hoàng Nghĩa (Hưng Nguyên, Nghệ An); lăng Chú Lai (Yên Ðịnh, Thanh Hoá). Xem CTTXDBL.

[8] Xem CTTXDBL.

[9] Xem bài về làng Bảo An (Nguyễn Tùng, 1992: 113-148).

[10] Sách này có lẽ được soạn trong khoảng thời gian từ 1483 đến 1486; hiện nay chỉ còn có ba quyển trong số 100 (xem Trần Văn Giáp, 1970: 201-202).

[11] Đinh Khắc Thuân, “Về đơn vị hành chính “tổng” ở Việt Nam”, 20/08/2014.

[12] Đăng trong tạp chí Xưa và Nay, số 401 (4-2012).

[13] Như Thông điển 通典 do Đỗ Hữu 杜佑 (735-812) đời Đường soạn xong năm 801, Cựu Đường thư 舊唐書 do người thời Hậu Tấn là Lưu Hú 劉昫(887-946)khởi soạn vào năm 945, Thái Bình hoàn vũ kí 太平寰宇記 (quyển 171) soạn vào khoảng các năm 976–983, Tân Đường thư 新唐書 do Âu Dương Tu 歐陽修 và Tống Kì 宋祁 biên soạn năm 1060…

[14] Dù cho rằng các “lý lẽ được [chúng tôi] đưa ra chưa có sức thuyết phục”, trong bài đã dẫn Vũ Huy Mền cũng cho là “Phụng tự bi không phải được khắc vào năm Quang Thái thứ 3 (1390)”, vì nó “không tuân luật kiêng húy của nhà Trần” như vẫn dùng chữ “nguyệt” (月) hay chữ “Tuấn” (俊) bình thường. Về đơn vị hành chính (lộ, phủ) và địa danh (Quốc Oai, Phúc lộc), ông cũng đã dựa vào ĐNNTC như chúng tôi.

[15] Xem Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Hà Nội, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2005 (tái bản).

[16] Cung nữ rất được chúa Trịnh Tráng (?-1657) sủng ái. Vì có nhiều công đức với các làng trong vùng, sau khi chết bà được thờ ở đền Phủ (Đông Sàng) như là một vị “Thánh Mẫu” rất linh thiêng.

[17] Chúng tôi đã trình bày lần đầu vào năm 1999 các ý kiến trên đây về thuyết “Đường Lâm: đất hai vua” trong cuốn Mông Phụ, un village du delta du fleuve Rouge, sđd, tr. 37-41.

Print Friendly and PDF