21.4.20

“Tất cả xuất phát từ những vấn đề môi trường”


“TẤT CẢ XUẤT PHÁT TỪ NHỮNG VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG”

Christian Chavagneux
Giải kinh tế học của Ngân hàng Thuỵ Điển
Ghé qua Paris nhân dịp phát hành bản dịch tác phẩm mới của ông là Nhân dân, quyền lực và lợi nhuận, nhà kinh tế Mĩ, giải kinh tế học của Ngân hàng Thuỵ Điển phê phán sự đổi mới, các mạng xã hội, khí hậu, các khoa học kinh tế... và tiên đoán người chủ sắp tới của Nhà Trắng.
Vào đầu cuốn sách, ông viết rằng của cải của các dân tộc dựa trên hai nền tảng: công nghệ và thể chế. Hãy bắt đầu bằng nền tảng đầu: làm sao giáo sư giải thích là công nghệ dường như phục vụ cho sự hình thành các độc quyền hơn là cho sự đổi mới?
Khoa học, công nghệ là những công cụ. Cách chúng ta sử dụng chúng tuỳ thuộc vào chúng ta. Ngày nay, một phần lớn những đổi mới dẫn đến việc giảm nhu cầu cần đến những người làm thuê không có chuyên môn, và điều này đưa đến thất nghiệp. Những đổi mới mà chúng ta cần đến là những đổi mới giúp cứu vãn hành tinh, phi carbon hoá nền kinh tế. 


Những ai tin vào pháp thuật của thị trường phải giải thích cho chúng ta vì sao các đổi mới không hướng tự phát đến việc giải quyết những nhu cầu của chúng ta. Vấn đề duy nhất mà thị trường quan tâm là: điều này có lời không? Chứ không phải là điều ấy có lợi về mặt xã hội mà là điều ấy có phải là nguồn gốc của những lợi nhuận tư nhân không? Thế mà, để có lợi nhuận còn gì tốt hơn bằng việc ở thế độc quyền? Để đảm bảo là mình sẽ không có người cạnh tranh? Cũng có khi Adam Smith có lí: đôi lúc, nhiều lợi nhuận tư nhân cải thiện tình hình chung nhờ những sản phẩm mới hoặc nhờ năng suất. Nhưng thường thì không phải thế.
Ông nói đến Adam Smith nhưng phải chăng chúng ta chứng kiến cái chết thứ hai của Schumpeter? Tác giả này dạy chúng ta rằng đổi mới bao giờ cũng tốt và là thành quả của một nền kinh tế của các doanh nhân.
Joseph Schumpeter (1883-1950)
Tôi thích thành ngữ này, nhưng tôi cũng muốn nói thêm rằng đây là cái chết thứ ba của ông ấy. Schumpeter giải thích rằng các độc quyền là không đáng lo. Vì điều này sẽ khuyến khích các chủ doanh nghiệp khác nhảy vào cạnh tranh, với kết quả là ta sẽ có một nền kinh tế liên tục đổi mới. Ngay từ những năm 1980, tôi đã chỉ ra là Schumpeter đã sai: một doanh nghiệp ở thế độc quyền làm mọi chuyện để loại bỏ khả năng đổi mới của những nhà cạnh tranh với mình. Các độc quyền không phải là tạm thời mà tồn tại lâu dài.
Trong cuốn sách mới này, tôi nêu thêm một luận chứng: các độc quyền không hướng những đổi mới vào nơi mà chúng có thể có ích về mặt xã hội. Do đó Schumpeter đã thật sự chết ba lần!
Nhưng làm gì với Facebook bây giờ? Trong cuốn sách, giáo sư nói là phải tách biệt các doanh nghiệp khác nhau hợp thành nó (Whatsapp, v.v.). Nhưng điều này là khó và tốt hơn nên quốc hữu hoá Facebook?
Trước hết, đáng lẽ chúng ta không nên cho phép gộp chung tất cả các hoạt động này vào trong một một doanh nghiệp duy nhất. Vâng, bởi thế phải tách chúng ra. Nhưng tôi ngại là như thế vẫn không đủ để giải quyết vấn đề. Vì thế phải củng cố các quy định nhằm tránh việc lạm dụng sức mạnh thị trường. Nhưng, một lần nữa, tôi vẫn còn ngại là chưa đủ.
Vì sao?
Chúng ta không biết Facebook làm việc với những thuật toán nào, chúng ta không biết trong mức độ nào Facebook sử dụng những dữ liệu cá nhân của chúng ta. Chúng ta không biết trong chừng mực nào các thông tin này được khai thác để củng cố sức mạnh thị trường của Facebook. Các mạng xã hội biết công nghệ của họ hơn chúng ta. Điều này khiến cho việc điều tiết chúng rất khó khăn. Thử tưởng tượng là họ cho chúng ta mã của thuật toán của họ: thời gian để chúng ta tìm hiểu thuật toán thì họ đã sáng chế ra một mã mới rồi!
Ta hiểu lợi ích mà một mạng xã hội mang lại, tức là khả năng tương tác giữa nhiều người với nhau. Nhưng ta phải trả giá cho lợi ích này qua việc doanh nghiệp làm ra lợi nhuận trên cơ sở những thông tin mà ta cung cấp và trao đổi. Một phần lớn những đổi mới của Facebook chỉ theo đuổi một mục đích duy nhất: làm thế nào tận dụng khách hàng nhiều hơn nữa để kiếm lời?
Tôi vẫn bỏ ngỏ quyết định cuối cùng: nếu ta có thể điều tiết Facebook thì hãy tiến hành.
Và nếu không làm được như thế?
Thì phải quốc hữu hoá nó. Tôi nhấn mạnh là tôi chưa có biện pháp dứt khoát nào. Nhưng ba năm qua đã cho thấy là tuy các nhà lãnh đạo của Facebook đã hứa hẹn sửa đổi song ta chưa thấy gì cả. Đúng hơn là có, ví dụ như đồng Libra. Nhưng đó là một điều nghịch hợp! Một đồng tiền mã hoá không bao giờ là minh bạch. Ta đang có đồng đô la, và như thế là quá đủ rồi!
Giáo sư dành một phần lớn tác phẩm của mình cho các thể chế. Phải chăng giáo sư đang khám phá lại công trình của các nhà thể chế Mĩ thời đầu thế kỉ XX, như Thorstein Veblen hay John R. Commons?
Thorstein Veblen (1857-1929)
Các nhà thể chế Mĩ thời kì này theo một phương pháp gần như là nhân học, có tính mô tả và được thay thế bởi những nhà kinh tế gạt sang một bên những quan tâm của họ để tập trung vào cung và cầu. Ngay từ cuối những năm 1960, tôi đã viết là các nhà kinh tế phải góp phần giải thích sự vận hành của các thể chế. Lúc bấy giờ tôi thử giải mã vì sao trong nông nghiệp có sự phát canh thu tô. Ngày nay tôi nghĩ là các nhà kinh tế không chú ý đủ đến các quy tắc và chuẩn mực chi phối hoạt động của nền kinh tế, ví dụ cách tổ chức sự điều hành các doanh nhiệp là có lợi cho ai.
Trong những năm 1970, tôi đã nghiên cứu các luật phá sản và hiểu rằng chúng ảnh hưởng đến sự phân phối tín dụng trong nền kinh tế và tương quan lực lượng chính trị giữa chủ nợ và con nợ. Khi làm việc cho Ngân hàng thế giới một lần nữa tôi gặp lại vấn đề này vì các nước yêu cầu được hỗ trợ để soạn thảo các luật phá sản của họ. Và khi tôi trở thành cố vấn kinh tế của Bill Clinton, tôi đã góp phần viết lại các luật này cho Hoa Kì, bằng cách phân tích các khía cạnh phân phối lại của chúng. Phải phân tích các chuẩn mực để hiểu kinh tế.
Chính các nhà thể chế vào đầu thế kỉ XX cũng đã nghiên cứu việc điều hành doanh nghiệp, tương quan lực lượng kinh tế...! Giáo sư có khuyên đọc lại các tác phẩm của họ không?
Có. Nhưng tôi nghĩ rằng họ không có trong tay những công cụ lí thuyết cần thiết để đi đến cùng những vấn đề họ đặt ra. Họ đã hiểu vai trò then chốt của các thể chế và những cuộc chiến chính trị xoay quanh các thể chế nhưng họ không thể đi sâu vào các giải pháp có thể vì không có những ý niệm thích hợp – thông tin không đối xứng, hợp đồng không đầy đủ... – để làm điều này.
Vì họ không có mô hình, một kiểu lập luận cần thiết trong kinh tế học?
Không chỉ trong kinh tế học! Nếu bạn tập trung vào các thể chế không hoạt động tốt và muốn thay đổi chúng thì bạn phải có khả năng đánh giá các hệ quả phân phối lại của các thay đổi, điều mà một mô hình cho phép làm được.
Giáo sư ủng hộ đánh thuế carbon để chống biến đổi khí hậu. Nhưng làm thế nào khi một bộ phận dân chúng chống lại thuế này?
Phải bắt đầu bằng cách sử dụng công cụ điều tiết để khuyến khích những hành vi có phẩm hạnh hơn. Rồi huy động đầu tư công, phát triển giao thông công cộng... Tất cả những việc này cho phép làm giảm tiền thuế carbon cần thiết. Tất nhiên, một khi triển khai thuế này còn phải tính đến các hiệu ứng phân phối lại.
Trên quan điểm này, các nhà kinh tế đã quá lí luận khi nghiên cứu các hiệu ứng trung bình của các sắc thuế này. Thế mà, trung bình thì người giàu di chuyển bằng xe ô tô nhiều hơn người nghèo, và kết luận đó là một chính sách cấp tiến. Ngoại trừ là thiên hạ không sống theo trung bình! Những người có hoàn cảnh khó khăn nhất có thể phải gánh chịu một sự gia tăng của chi phí giao thông trong ngân sách của mình và với đối tượng này cần phát triển giao thông công cộng và cho họ những phiếu xăng miễn phí. Đây không phải là giải pháp hoàn hảo nhất nhưng dù sao cũng có sự hỗ trợ.
Cuối cùng, bạn chỉ có thể triển khai kiểu chính sách này nếu giới lãnh đạo được tôn trọng. Nếu những nhà cầm quyền cứ lặp đi lặp lại rằng toàn cầu hoá và tự do hoá tài chính là có lợi cho mọi người thì họ không còn đáng tin nữa. Các nhà lãnh đạo chính trị đã không đủ nhạy cảm trước những tác động của chính sách trên đời sống của người dân. Ở Pháp, chính phủ tăng thuế carbon và đồng thời dẹp bỏ một số tuyến đường sắt ít khách sau khi giảm thuế cho những người giàu nhất. Họ làm như vậy thì sao còn đáng tin được?
Giáo sư nghĩ sao về lập luận này: nếu một người cấp tiến lên nắm quyền ở Hoa Kì thì người này sẽ nâng lương lên cao khiến cho giá cả tăng và ngân hàng trung ương buộc phải nâng lãi suất, điều này làm cho nợ tư lẫn công bùng nổ?
Bắt đầu sẽ là một gia tăng của lương tối thiểu và điều này có thể kéo theo một gia tăng của mức lương cao hơn một chút lương tối thiểu này. Nhưng ngày nay những lương thấp nhất thấp đến độ là nhân đôi một mức lương không đáng kể thì kết quả cũng chỉ là một mức lương không đáng kể! Và điều này sẽ không làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng quá đáng.
Nhà phân phối Wall-Mart sử dụng rất nhiều nhân công được trả lương thấp và có lợi nhuận cả hàng tỉ đô la. Nếu tăng lương tối thiểu của một giờ lao động từ 11 lên 15 đô la thì lợi nhuận của Wall-Mart cũng chỉ giảm ở ngoài lề. Bạn có biết rằng ở Hoa Kì, lương tối thiểu thực tế, tức là đã có điều chỉnh lạm phát, vẫn ở mức cách đây sáu mươi năm. Sáu mươi năm. Nếu nâng mức này lên ngang mức của bốn mươi năm trước thì tôi không thấy là điều đó sẽ gây ra một cuộc lạm phát đại trà được.
Các cuộc điều tra xã hội cho thấy là thế hệ trẻ Mĩ, thế hệ millenials hay Y, ủng hộ những giá trị tiến bộ. Điều này có làm thay đổi đời sống chính trị Mĩ không?
M. L. King (1929-1968)
Tôi tin là có và hi vọng là sẽ có thay đổi. Trên một số chủ đề, sự thay đổi là cực kì nhanh, tôi nghĩ đến, ví dụ, việc chấp nhận hôn nhân đồng tính. Tôi tin là tất cả xuất phát từ những vấn đề môi trường, các vấn đề này có vai trò giống với vai trò, đối với thế hệ tôi, của cuộc đấu tranh vì các quyền dân sự. Ở trường người ta dạy chúng tôi rằng mọi người đều bình đẳng, nhưng chỉ cần đi dạo trên đường phố để thấy là không phải vậy. Martin Luther King đã đặt câu hỏi: làm sao bạn muốn đấu tranh chống bất công xã hội nếu bạn không đấu tranh chống bất công kinh tế? Chính điều này đã khuyến khích những người như tôi đi vào kinh tế học.
Chúng ta ở vào một thời điểm tương tự. Thế hệ trẻ hiểu rằng mình sẽ không có tương lai nếu không ngăn chặn hiện tượng khí hậu nóng lên. Khởi điểm từ khí hậu, họ nhìn đến tất cả những gì không ổn, tất cả những nguồn gốc của phân biệt đối xử và tự huy động với nhau.
Thế hệ trẻ được động viên vì môi trường và vì những ý tưởng cấp tiến nhưng các nhà kinh tế dường như vẫn ở phía sau?
Vâng, nhìn chung đúng là như vậy. Các công trình lí thuyết nuôi dưỡng suy tưởng của tôi cho Uỷ ban cao cấp về giá carbon mà tôi có tham gia được xuất bản ở tạp chí European Economic Review. Tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn để đăng được chúng trong một trong những tạp chí chính ở Hoa Kì.
Ngay cả đối với giáo sư!
Thomas Piketty (1971-)
Emmanuel Saez (1972-)
Vâng. Dù vậy vẫn có những tạp chí nghiêm túc mà ta có thể công bố trên đó kiểu chủ đề này. May thay, một phần lớn – tôi không thể nói chính xác là bao nhiêu – các nhà kinh tế Mĩ đang thay đổi. Ví dụ, kinh tế học hành vi cho phép làm nổi bật những hành vi phân biệt đối xử ngầm, các chuyên gia về kinh tế học lao động giải thích thị trường lao động theo đủ kiểu nhưng hoàn toàn không phải là một thị trường cạnh tranh, những nhà kinh tế như Thomas Piketty, Emmanuel Saez và Gabriel Zucman công bố về các bất bình đẳng và những công trình của họ được đặc biệt chú ý.
Gabriel Zucman (1986-)
Mọi chuyện đang thay đổi. Nhưng kinh tế học thống trị vẫn kháng cự. Bạn có thể công bố một bài viết chuyên sâu về kinh tế học hành vi. Nhưng nếu bạn bắt đầu bằng cách cho rằng mô hình thị trường cạnh tranh là sai thì bài viết của bạn không có cơ may nào được đăng! Những người trẻ cởi mở hơn với sự phản bác và nhanh nhạy hơn trong việc thừa nhận các giới hạn của cách tiếp cận của dòng chủ lưu (mainstream).
Năm vừa qua tôi công bố trên tạp chí Oxford Review of Economic Policy một bài viết phê phán các mô hình được kinh tế học thống trị sử dụng để giải thích vì sao các nền tảng của những mô hình là sai, điều này cho phép xác định vì sao chúng không hiểu gì hết cuộc khủng hoảng năm 2007-2008. Tôi nhận được hai loại phản ứng: rất tích cực từ những bạn đọc trên 60 tuổi và dưới 35 tuổi, rất tiêu cực từ những bạn đọc nằm giữa hai lứa tuổi này, tức từ những người trưởng thành với các mô hình trên, và đó là một sự đối lập theo cảm tính hơn là theo lý trí! Tôi đã không có được những cuộc tranh luận nghiêm túc với họ.
Tệ hại hơn nữa. Vào cuối những năm 1980, tôi đã thành lập tạp chí Journal of Economic Perspectives để có một không gian tranh luận cởi mở. Từ đó tạp chí này đã bị các nhà kinh tế mainstream nắm lấy. Họ đã công bố một tập những bài viết tấn công công việc của tôi nhưng không để cho tôi cơ hội, như điều thường xảy ra, đăng bài trả lời.
Câu hỏi cuối: ai sẽ là tổng thống sắp tới của Hoa Kì?
Joe Biden (1942-)
Christian Chavagneux
(Cười). Bên đảng Dân chủ khả năng lớn là ứng cử viên nam hay nữ đến từ cánh cấp tiến. Khi tôi nói như vậy bạn nên nhớ là khi Joe Biden trở thành phó tổng thống của Barack Obama, ông ta được xem là xuất thân từ cánh cấp tiến, rất gần với các nghiệp đoàn và những người vây quanh ông được xem là thuộc phe tả. Việc ngày nay ông được xem là thuộc phe trung lập cho thấy tiến hoá của đảng Dân chủ. Khi tôi gặp các cố vấn của ông ấy thì họ muốn biết làm thế nào tăng quyền lực của người làm công ăn lương, làm thế nào trả đúng những giờ phụ trội...
Cử tri dân chủ sẽ chọn lựa trong các cuộc bầu sơ bộ với một mục tiêu duy nhất: đánh bại Donald Trump. Trump là một mối đe doạ cho nền dân chủ, cho nền kinh tế và cho xã hội của chúng ta. Ai sẽ ở vị thế tốt nhất [để đánh bại Trump]? Ứng cử viên nam hay nữ nào tạo được sự phấn khởi của những cử tri dấn thân hay người nào tranh thủ được lá phiếu của cánh trung lập? Tôi nghĩ ngày nay nên có người nào tạo được sự phấn khởi.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn:Joseph Stiglitz: Tout part des questions environnementales”, Alternatives économiques, 26.09.2019
Print Friendly and PDF