21.6.20

Người da đen đáng được sống, một cuộc tranh cãi kinh tế

NGƯỜI DA ĐEN ĐÁNG ĐƯỢC SỐNG, MỘT CUỘC TRANH CÃI KINH TẾ
Một cuộc tranh cãi về học thuật và thế hệ liên quan đến phong trào chống phân biệt chủng tộc đã dẫn đến việc cách chức tổng biên tập của một trong những tạp chí kinh tế lớn nhất. Cần có thời gian để thay đổi thế giới. Ít nhất là một thế hệ?
Sự việc bắt đầu với một loạt các dòng tweet về phong trào “Người da đen đáng được sống” vào ngày 4 tháng 6 giữa hai giáo sư kinh tế thuộc Đại học Chicago. Vị giáo sư thứ nhất là Harald Uhlig, sinh năm 1960, tổng biên tập của Tạp chí Kinh tế Chính trị [Journal of Political Economy], một tạp chí học thuật rất có uy tín, được xếp hạng thứ tư trên thế giới, cựu chủ nhiệm khoa kinh tế tại Đại học Chicago, mà tự thân khoa đó cũng được xếp hạng thứ tư về khoa kinh tế trên thế giới, đứng sau Đại học Harvard và trên Đại học Princeton. Vị giáo sư thứ hai là Simon Mongey, một đồng nghiệp trẻ [của Harald Uhlig] sinh ra trong những năm 1980, giảng viên thuộc cùng khoa kinh tế, chưa vào biên chế chính ngạch. Trong các dòng tweet đầu tiên của mình, Uhlig [người lớn tuổi hơn] tố cáo những hành vi cướp bóc và bạo lực trong các cuộc biểu tình và cáo buộc những người tổ chức [cuộc biểu tình] là đồng phạm khi làm ngơ trước các hành vi nói trên. Mongey [người trẻ tuổi hơn] đáp lại rằng mọi cuộc đàm luận về cướp bóc là một sự phân tâm khỏi chủ đề trung tâm, đó là hành vi bạo lực của cảnh sát chống lại người Mỹ gốc Phi. Cuộc thảo luận bắt đầu, vượt ngoài khuôn khổ của vấn đề cướp bóc, giọng điệu của Uhlig trở nên rất ngạo mạn: “Đã đến lúc cần có sự tham gia của giới trẻ trưởng thành [...], thật hay khi phản đối [...] và yêu sách nhiều thứ khi còn trẻ và không quan tâm đến vấn đề trách nhiệm. Hãy tận hưởng! Hãy thể hiện bản thân! Nhưng đừng phá phách, được chứ? Và hãy trở về nhà trước 8 giờ tối.

Harald Uhlig (1960-)
Abdoulaye Ndiaye
Lẽ ra ông nên dừng lại trước... Lẽ ra ông nên cảm thấy gió đang đổi chiều và vị trí siêu thống trị của ông không cho phép ông đưa ra những bình luận như vậy. Lẽ ra ông nên dừng lại khi, sau một vài tranh luận về quyền biểu tình theo hiến pháp, Mongey [người trẻ tuổi hơn] nói với Uhlig [người lớn tuổi hơn] rằng việc đặt vấn đề cướp bóc trước quyền biểu tình, trên hết mọi chuyện, chỉ là một vấn đề về giá trị. Mọi thứ đã được nói ra. Các giảng viên trẻ tuổi khác đã ủng hộ Mongey, tố cáo giọng điệu dạy dỗ trẻ con của Uhlig đặc trưng của người da trắng thống trị; cuối cùng thì, Abdoulaye Ndiaye, giảng viên tại Đại học New York đã chất vấn các vị giáo sư lớn tuổi, trên Twitter, kêu gọi họ hành động. Có vẻ như Uhlig đã có những quan điểm phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử trên chính blog của ông vào năm 2017! Cuối cùng thì sự im lặng cũng bị phá vỡ, các đồng nghiệp và cựu sinh viên đã lên tiếng, những tên tuổi lớn trong ngành học thuật cuối cùng cũng đã hành động. Uhlig đã bị cách chức tổng biên tập của Tạp chí Kinh tế Chính trị [Journal of Political Economy] ngay sau vụ việc.
Vì tôi muốn mình lạc quan vào năm 2020, bất chấp mọi thứ khác, đối với tôi, sự kiện vi mô này cho thấy một sự thay đổi và mang đến niềm hy vọng.
Đầu tiên, việc một tượng đài bị lung lay trong một môi trường được chuẩn hóa và phân cấp như thế giới học thuật, báo hiệu cho thấy một sự thay đổi về con người và các giá trị. Không phải tất cả những giáo sư sinh vào những năm 1960 đều có tư tưởng phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính, nhưng họ đã thích ứng với một môi trường mà tầng lớp người da trắng trên 50 tuổi áp đặt luật chơi, dạy đời và coi thường người thiểu số bất luận họ là ai. Không nên coi thường khi mà những phản ứng đầu tiên xuất phát từ các giáo sư trẻ tuổi: một thế hệ mới đang hình thành và không còn chấp nhận những thông lệ thực hành của thế giới trước đây. Vì thế, giới tinh hoa trong lĩnh vực học thuật nhỏ bé có lẽ đang mở ra nhiều sự đa dạng hơn...
Và với sự đa dạng của nhiều khuôn mặt, có thể sẽ có được sự đa dạng của các vấn đề nghiên cứu. Đó là niềm hy vọng: một sự đổi mới trong lĩnh vực học thuật, bị chi phối trong bốn mươi năm bởi tác nhân tiêu biểu, tính hiệu quả của các thị trường và những rào cản trong thương mại... Các yếu tố của hệ hình đó đã làm cho giới tinh hoa trong lĩnh vực học thuật làm ngơ trước vấn đề thiết yếu: ví dụ, có ít hơn 1% các bài viết hàn lâm về thuế được đăng từ năm 1980 đến 2017 nói về các thiên đường thuế... Và tổng quát hơn, trong số những từ khóa thường xuất hiện nhiều nhất trong năm tạp chí hàng đầu thế giới, từ năm 2012 đến năm 2016, thì không xuất hiện những từ như “bất bình đẳng”, “trốn thuế” và “môi trường[*] Thế nhưng, ngay cả khi chưa phải là một cơn sóng tràn ngập, các chủ đề nói trên xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên những tạp chí tốt nhất, và người ta có thể tạo nên sự nghiệp bằng việc phát triển chương trình nghiên cứu của mình xoay quanh các vấn đề đó.
Khi tôi còn là một nhà kinh tế bập bẹ, người hướng dẫn luận án của tôi, Michel Aglietta, đã từng nói với tôi rằng cần phải có thời gian để thay đổi hệ chuẩn trong một khoa học. Vì chúng ta luôn làm mọi thứ tốt hơn người khác, nên chúng ta sẽ cần đến những hai thế hệ. Cuối cùng, hãy hy vọng ... Đến đây, chúc các bạn một mùa hè tốt đẹp.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Black Lives Matter, une querelle économique, Liberation, ngày 15/6/2020.




Chú thích:

[*] Những từ khóa thường xuất hiện nhiều nhất là “giá cả”, “trò chơi”, “tiêu dùng”, “thu nhập”, “thương mại quốc tế”, “việc làm”, “chính sách tiền tệ”, “hiệu ứng phúc lợi” và “nước đang phát triển”, theo A Bibliometric Analysis of the Top Five Economics Journals During 2012-2016 [Phân tích cơ sở dữ liệu khoa học của năm tạp chí kinh tế hàng đầu trong giai đoạn 2012-2016]. Guangyue Wei. Tạp chí Journal of Economic Survey.

Print Friendly and PDF