12.6.20

Phân biệt chủng tộc là gì?

PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC LÀ GÌ?

Maud Navarre

Phân biệt chủng tộc nảy sinh do phải đối diện với những khác biệt của loài người. Nó biểu lộ trong các xã hội phương Tây hiện đại dưới nhiều hình thức (chế độ nô lệ, diệt chủng, tách biệt chủng tộc …). Ngày nay, vấn đề tương thích các nền văn hóa một lần nữa tiếp sức cho khái niệm này.
Có nhiều định nghĩa về phân biệt chủng tộc. Ví dụ, hai nhà nghiên cứu nữ Évelyne Heyer và Carole Reynaud-Paligot của Bảo tàng Con người (Musée de l’Homme) giải thích rằng phân biệt chủng tộc nghĩa là “cho rằng những khác biệt giữa các cá nhân, về mặt thể chất hay văn hóa, là có tính di truyền, bất biến và tự nhiên, nó thiết lập một hệ thống thứ bậc giữa các loại người, nó có thể được thể hiện bằng những cảm xúc và hành động đi từ phân biệt đối xử đến tiêu diệt kẻ khác”. Nói cách khác, phân biệt chủng tộc dựa trên ba trụ cột chính: phân loại các cá nhân thành từng nhóm (một phản xạ của trí óc con người, nhưng các tiêu chí phân loại thay đổi tùy theo bối cảnh xã hội lịch sử), xếp các nhóm theo thứ bậc (có nhóm được tăng giá trị, có nhóm bị giảm giá trị vì những lý do võ đoán) và giản lược chúng vào những đặc điểm chính, nghĩa là cho rằng những khác biệt này là không thể vượt qua, không thể tránh khỏi vì chúng tùy thuộc vào di truyền. Như vậy, phân biệt chủng tộc khác với tính bài ngoại, vì bài ngoại không nhất thiết xem kẻ khác là khác biệt không cách gì thay đổi được.
Carole Reynaud-Paligot (1966-)
Évelyne Heyer
Về phần mình, nhà sử học Jean-Frédéric Schaub cho rằng phân biệt chủng tộc có một khía cạnh chính trị, vì đó là một trong những cách đáp trả được dùng để quản lý sự khác biệt vốn có của loài người. Như vậy, những hình thức khác nhau của phân biệt chủng tộc (bài Do Thái, bài người da đen, v.v.) xuất phát từ cùng một nguyên tắc. Ở nơi mà một số người chọn cư xử bình đẳng và công bằng, thì những người khác phân biệt đối xử một số nhóm theo những tiêu chí khác nhau (chủng tộc, nhưng có khi là giới tính, sự khuyết tật, xu hướng tình dục, v.v.), thường là để áp đặt vị thế của họ cao hơn những người khác.
Một định nghĩa khác cùng chiều hướng trên, theo nhà triết học và là chiến sĩ chống phân biệt chủng tộc Pierre Tévanian, tác giả của “Cỗ máy phân biệt chủng tộc” (2017) (La Mécanique raciste), không nên tìm phân biệt chủng tộc trong tâm lý con người mà là trong các ý thức hệ chính trị như là một phần gắn liền với các thể chế (tư pháp, cảnh sát, trường học, v.v.): “Nói tóm lại, phân biệt chủng tộc là một hệ thống thống trị.

Pierre Tévanian
Các nhà sử học không đồng ý với nhau về nguồn gốc của phân biệt chủng tộc. Nếu ta hiểu từ này theo nghĩa hẹp (một sự tách biệt dựa trên những tiêu chí sinh học), thì theo nhà sử học J.F. Schaub, những biểu hiện đầu tiên của nó ở phương Tây đã xuất hiện với sự khủng bố người Do Thái ở bán đảo Iberia (Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha - ND) vào thế kỷ 15. Về phía nhà sử học Mỹ Benjamin Isaac, ông nêu rõ rằng đối với người Hy Lạp và La Mã, những khuôn mẫu xơ cứng về các loại chủng tộc dựa trên cơ sở “huyết thống”, những tiêu chí về thể chất và địa lý là rất phổ biến.
Benjamin Isaac (1945-)
Có rất ít dấu vết của các nhóm dân cư bị phân biệt đối xử vì lý do khác biệt sinh học. Những dấu vết rõ ràng nhất dựa trên sự phân biệt chủng tộc mang tính thể chế (các thể chế chính trị, pháp lý, giáo dục áp đặt một sự phân biệt đối xử vì lý do chủng tộc hoặc được cho là như thế). Chẳng hạn, trong khuôn khổ cuộc triển lãm “Chúng ta và những kẻ khác” ở Bảo tàng Con người, có ba hình thức phân biệt chủng tộc đã được thể chế hóa: chế độ nô lệ và công cuộc khai thác thuộc địa, chế độ Quốc xã, cuộc tàn sát người Tutsis và Hutus ở Rwanda. Những ví dụ thường được nêu ra nhất liên quan đến các xã hội phương Tây, không phải vì đó là những xã hội phân biệt chủng tộc duy nhất mà vì hệ thống tư tưởng của họ quan tâm đến vấn đề này (Xem khung “Một đặc trưng của phương Tây?” dưới đây).
1. Chế độ nô lệ và công cuộc khai thác thuộc địa
Từ thế kỷ 15 trở đi, những nhà hàng hải châu Âu khám phá những vùng đất và dân cư mới. Một vùng đất thuộc địa đầu tiên dưới chế độ thực dân bắt đầu hình thành, tập trung vào châu Mỹ lúc đó gọi là “Tân Thế giới”. Tư tưởng về chủng tộc không xuất hiện ngay: nó phát triển dần trong suốt thế kỷ 16 và 17, với việc thiết lập chế độ nô lệ. Hơn nữa, trong khi những kẻ chinh phục thuộc địa tàn sát dân bản địa để chiếm hữu đất đai, thì những nhà truyền giáo như Las Casas chống đối lại. Trong giai đoạn đầu vua Charles Quint nghe lời giáo sĩ Las Casas. Các luật lệ được thông qua để bảo vệ dân bản địa ở Tân Thế giới, nhưng những thực dân chủ trương chế độ nô lệ chống đối. Một hệ thống chế độ nô lệ đầu tiên được phát triển vào thế kỷ 17 và 18: chế độ này huy động dân cư của châu Mỹ làm việc chủ yếu trong các đồn điền cà phê. Nhưng sự bóc lột này gây ra những cuộc nổi dậy của nô lệ. Giá của nô lệ gia tăng, tạo ra khủng hoảng về buôn bán nô lệ.
Lúc đó, Anh Quốc quyết định xóa bỏ việc buôn bán nô lệ và chế độ nô lệ đối với dân bản địa châu Mỹ. Nước Anh đi vào việc chinh phục châu Phi và châu Á, sau đó nước Pháp cũng đi theo con đường này. Hoạt động này là “cuộc xâm chiếm thuộc địa lần thứ hai”. Tuy nhiên, các nước này đứng trước một khó khăn lớn: Một mặt từ nay họ bảo vệ các quyền của con người, mặt khác họ lại không tôn trọng các quyền này đối với dân cư nơi họ xâm chiếm thuộc địa. Tư tưởng phân biệt chủng tộc nảy sinh để biện minh cho mâu thuẫn này (xem khung “Hệ hình chủng tộc phục vụ khai thác thuộc địa” dưới đây). Nó viện dẫn các quyền và nghĩa vụ của các sắc dân được xem là thượng đẳng đối với những sắc dân được cho là hạ đẳng, Ví dụ, như bảng kê danh mục của triển lãm “Chúng ta và những kẻ khác” nhắc lại, nước Pháp thiết lập chế độ hành chính thuộc địa tại các thuộc địa với đặc điểm tước các quyền dân sự và lao động khổ sai (trong khi cách mạng Pháp 1789 đã bãi bỏ lao động khổ sai). Chế độ này lúc đầu được áp dụng cho Algérie, sau đó là tại các thuộc địa khác, cho đến chiến tranh thế giới lần thứ hai.
2. Chế độ Quốc xã
Vào đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa quốc xã Đức (quốc gia xã hội -nazi-) được cử tri ủng hộ do dựa vào việc nước Đức bị nhục thua trận vì hiệp ước Versailles và cơn khủng hoảng kinh tế nặng nề mà nước Đức phải trải qua. Ý thức hệ này mặc định sự tồn tại của những chủng tộc thượng đẳng mà chủng tộc Aryan đại diện cho đỉnh cao của hệ thống thứ bậc và chủng tộc Do Thái thuộc thứ bậc thấp nhất. Trong khi những hình thức phân biệt chủng tộc cổ điển thừa nhận sự thấp kém và lệ thuộc của một vài nhóm người, ý thức hệ quốc xã thể hiện quyết tâm thanh lọc chủng tộc Aryan, xem như bị người Do Thái làm hư hỏng, theo trào lưu các biện pháp của thuyết ưu sinh[i] được áp dụng vào lúc đó. Hình thái phân biệt chủng tộc được làm mới này, “huyền thoại về chủng tộc Aryan thuần túy”, đã dẫn đến trước tiên là việc tạo những khu Do Thái biệt lập và sau đó là tàn sát họ. Trong suốt chiến tranh thế giới lần thứ hai, chủ nghĩa quốc xã đã hành động rất triệt để: người Do Thái bị bắt đưa đi và bị tàn sát trong các trại tập trung. Tổng cộng có 6 triệu người Do Thái ở châu Âu bị tàn sát, nghĩa là hai phần ba dân số Do Thái, và 220.000 người Di-gan, và cả hàng trăm ngàn người khuyết tật và hàng chục ngàn người đồng tính.
3. Cuộc tàn sát người Tutsis và người Hutus
Năm 1994, một triệu người gồm đàn ông, đàn bà và trẻ em đã bị giết ở Rwanda, nghĩa là cứ bảy người Rwanda thì một người bị giết. Cuộc tàn sát nhắm mục tiêu chính là người Tutsis và một số người Hutus bị buộc tội đồng lõa với người Tutsis.
Thù địch giữa hai sắc dân này đã có từ lâu và đan xen với những xung đột thời hậu thuộc địa. Thật vậy, từ hàng ngàn năm nay, người Tutsis (chăn nuôi bò) và người Hutus (nông dân trồng trọt) sống cùng nhau trên lãnh thổ Rwanda, cùng với người Twas (thợ săn, sản xuất và bán đồ gốm). Người Tutsis tuy là thiểu số đã là thành phần chính của tầng lớp lãnh đạo ưu tú trước khi thực dân đến. Uy quyền nhà vua nằm trong tay họ. Tuy vậy, có một sự trộn lẫn các sắc dân qua kết hôn và tín ngưỡng chung, những yếu tố này tạo thuận lợi cho sự di chuyển từ nhóm này qua nhóm khác. Khi đến đây, thực dân Đức rồi Bỉ từ cuối thế kỷ 19 đã thể chế hóa những khác biệt chủng tộc. Chính quyền Bỉ ưu đãi người Tutsis, nhất là trong việc đi học và làm việc hành chính.
H. J. Habyarimana (1937-1994)
Sau khi đất nước được độc lập vào năm 1962, những cuộc bầu cử dân chủ đã loại người Tutsis khỏi bộ máy quyền lực và thay vào đó là đại biểu của nhóm dân cư đa số Hutus. Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Rwanda đã chính thức hóa sự phân biệt đối xử tích cực bằng cách thiết lập những chỉ tiêu (quota) ưu tiên cho người Hutus. Những cuộc đàn áp thường xuyên đã đẩy một nửa số người Tutsis lưu vong sang các nước láng giềng. Năm 1990, một số người Tutsis thành lập Mặt trận ái quốc Rwanda và muốn lật đổ chính quyền tại vị. Hậu quả là một trận nội chiến kéo dài ba năm. Vụ ám sát thổng thống Hutu Juvénal Habyarimana trong một cuộc tấn công ngày 6 tháng 4 năm 1994 đã kích hoạt một cuộc diệt chủng người Tutsis do chính quyền tại vị tổ chức.
4. Phân biệt chủng tộc ngày nay
Trong nửa sau thế kỷ 20, đã phát triển các chính sách về quyền bình đẳng và đấu tranh chống phân biệt đối xử. Chẳng hạn như từ năm 1948, Liên Hiệp Quốc đã phê duyệt Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền trong đó Điều 1 tuyên bố “Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền”.
Axel Kahn (1944-)
G. M. Fredrickson (1934-2008)
Tuy nhiên ngày nay, khá phổ biến là cảm giác phân biệt chủng tộc ở Pháp vẫn tồn tại. Phân biệt chủng tộc ngày nay có giống với ngày hôm qua? Theo nhà sử học George M. Fredrickson, một loại phân biệt chủng tộc văn hóa đã chiếm ưu thế so với phân biệt chủng tộc sinh học. Tương tự, bác sĩ di truyền học Axel Kahn giải thích rằng ngày nay “phân biệt chủng tộc hoành hành mà không cần đến thực tại sinh học (…). Trong những phát ngôn của những người phân biệt chủng tộc hiện đại, họ không còn tuyên bố các chủng tộc là xung khắc nhau hoặc không bình đẳng, mà là các tập quán, tín ngưỡng và các nền văn minh. Điều mà người ta nói đến là sốc văn hóa.” Nhà nghiên cứu nữ C. Reynaud-Paligot xác nhận những phân tích này và thêm vài nhận xét tinh tế hơn: Những tư tưởng triệt để hay giản lược về đặc tính chính yếu không biến mất; chúng vẫn tồn tại dưới hình thức ít triệt để hơn và trình bày các “nền văn hóa” như những thực thể cứng nhắc, với những đặc điểm nếu không bất biến thì cũng rất khó biến đổi, trong khi những công trình khoa học xã hội không ngừng chỉ ra tính chất uyển chuyển, năng động luôn luôn tiến hóa của các nền văn hóa và đó mới là căn tính của các nền văn hóa.
Như vậy, phân biệt chủng tộc ngày nay dựa trên những khác biệt văn hóa được xem là không thể hòa hợp (thuộc về tín ngưỡng, nguồn gốc địa lý, ngôn ngữ, v.v). Nó có nhiều hình thái: ghét đạo Hồi (thái độ thù nghịch với đạo Hồi và tín đồ đạo Hồi hoặc được đồng hóa với đạo Hồi), ghét Do Thái (thù nghịch với người Do Thái, những người được cho là Do Thái và với Do Thái giáo), ghét người Di-gan, người châu Á, người da đen và cả người da trắng! Ghét người da trắng được xem là ít phân biệt đối xử nhất nhưng ít được nghiên cứu.
Đọc thêm


• Từ điển phân biệt chủng tộc, loại trừ và phân biệt đối xử (Dictionnaire des racismes, de l’exclusion et des discriminations), Esther Benbassa (dir.), Larousse, 2010.
• Phân biệt chủng tộc, một câu chuyện (Racisme, une histoire), George M. Fredrickson, Liana Levi, 2003.
• “Chủng tộc và phân biệt chủng tộc” (“Races et racisme”, Axel Kahn, www.axelkahn.fr/races-et-racisme/, 6 février 2015
• Chúng ta và những kẻ khác. Những định kiến về phân biệt chủng tộc  (Nous et les autres. Des préjugés au racisme), Évelyne Heyer và Carole Reynaud-Paligot (dir.), La Découverte, 2017.
• “Bùng phát và lan truyền hệ hình chủng tộc” (“Essor et diffusion du paradigme racial”), Carole Reynaud-Paligot, TDC, n° 1109, 2017.
• Về lịch sử chính trị của chủng tộc (Pour une histoire politique de la race), Jean-Frédéric Schaub, Seuil, 2015.
• Cỗ máy phân biệt chủng tộc  (La Mécanique raciste), Pierre Tévanian, La Découverte, 2017.
Một đặc trưng của phương Tây?
Theo nhà sử học Jean-Frédéric Schaub, nên tìm ma trận phân biệt chủng tộc ở Nam Âu của thế kỷ 15. Đó không phải là ngẫu nhiên: J.F Schaub lưu ý rằng phân biệt chủng tộc chỉ có thể xuất hiện trong những xã hội mà sự cách biệt giữa các nhóm xã hội có xu hướng thu hẹp lại, thậm chí biến mất. Lúc đó lập luận phân biệt chủng tộc sẽ xuất hiện để đáp ứng một nhu cầu “phát hiện những sự khác biệt mà mắt thường không còn nhận diện được nữa” và nhu cầu tạo ra sự khác biệt.
Về phần mình, nhà sử học George M. Fredrickson không loại trừ khả năng có những hình thái phân biệt chủng tộc ở những nơi khác ngoài phương Tây, nhưng ông xác định là phân biệt chủng tộc ở phương Tây bộc lộ rõ hơn. Ông giải thích điều đó bằng sự ngạc nhiên gây ra bởi kiểu hành vi này trong các xã hội bảo vệ bình đẳng giữa các cá nhân: “Chỉ có ở phương Tây chúng ta mới tìm thấy mối tương tác biện chứng giữa một định đề về bình đẳng với những thành kiến nặng nề chống lại một số nhóm người - có vẻ như là điều kiện tối cần thiết cho sự phát triển đầy đủ của phân biệt chủng tộc với tính cách ý thức hệ hay viễn kiến về thế giới.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng có những biểu hiện phân biệt chủng tộc ở ngoài các nước phương Tây. Ví dụ ở Nhật, đối với thiểu số người Aïnous, người Trung Quốc hay cả với người Hàn Quốc; ở Trung Quốc, đối với người da đen; ở Ấn Độ, với hệ thống các đẳng cấp (những cộng đồng di truyền theo huyết thống và được xem như trong sạch ít hay nhiều, và từ đó bị bất bình đẳng về quyền). Ngày nay, các nhà xã hội học xem những điều này là tương đương với phân biệt chủng tộc (Christophe Jaffrelot và Jules Naudet, Biện minh cho trật tự xã hội. Đẳng cấp, chủng tộc, giai cấp và giới. - Justifier l’ordre social. Caste, race, classe et genre, 2013).
Maud Navarre
__________________________
Hệ Hình chủng tộc phục vụ khai thác thuộc địa
Từ cuối thế kỷ 18, lấy ý từ các công trình phân loại thực vật và động vật của Linné, các nhà khoa học đề nghị phân loại loài người thành những nhóm khác nhau gọi là “chủng tộc”. Ví dụ, ngành đo lường não bộ bao gồm việc phân loại và phân thứ bậc các cá nhân căn cứ vào hình thể của não bộ. Chẳng hạn như ở Mỹ, George Morton tập hợp khoảng 20 kích thước khác nhau của não bộ và phân loại chúng: những não bộ “đen” hoặc “da đỏ” xuất hiện ở dưới đáy bậc thang, trong khi não bộ “trắng” nằm trên đỉnh bậc thang. Các nhà khoa học thời đó thảo luận để biết có một hay nhiều nguồn gốc của các chủng tộc loài người (thuyết một nguồn gốc - trong nhân loại học - đối lại với thuyết nhiều nguồn gốc). Như các nhà sử học Jean-Frédéric Schaub hay Carole Reynaud-Paligot giải thích, “nếu bối cảnh khoa học là quan trọng để hiểu sự xuất hiện của tư tưởng về chủng tộc, thì nó không thể tách rời bối cảnh chính trị xã hội”: việc buôn bán người da đen trong khuôn khổ của chế độ nô lệ và những hoạt động khai thác thuộc địa góp phần vào việc truyền tải những quan điểm hạ thấp các dân tộc này. Những tư tưởng khoa học phôi thai của thời kỳ này, được tô điểm bằng những lý thuyết có tính ý thức hệ, khó lòng thoát ra khỏi những quan điểm này. Những ý đồ khoa học muốn xác định các chủng tộc giúp biện minh cho việc khai thác thuộc địa, nhưng cũng tạo dựng những căn tính dân tộc được xem là ưu việt bằng cách sáng tạo ra những nguồn gốc chủng tộc riêng biệt tùy theo nước.
Những công trình nghiên cứu về chủng tộc tiếp nối nhau mãi cho đến những năm 1950-1960. Sau đó hệ hình chủng tộc bị bỏ rơi; những khác biệt về văn hóa (được tạo lập được chứ không phải bẩm sinh) được nêu ra nhiều hơn để giải thích những bất bình đẳng. Có hai lý do giải thích điều này: Đa số các nhà di truyền học bác bỏ giá trị khoa học của khái niệm “chủng tộc”; các nhà nghiên cứu, nhất là các nhà dân tộc học, dần dần bác bỏ thuyết tất định luận về chủng tộc cũng như tư tưởng của thuyết tiến hóa cho rằng mỗi xã hội đều đi qua những giai đoạn từ đơn giản đến phức tạp hơn.
Maud Navarre
__________________________
Sự hủy bỏ chế độ nô lệ và những diễn biến tiếp theo: những chính sách của chủ nghĩa Apartheid[ii]
Ở Mỹ, chế độ nô lệ bị bãi bỏ sau nội chiến (1861 - 1865). Các quyền bình đẳng được công bố trong Hiến pháp Mỹ. Những người nô lệ cũ được bầu vào những vị trí lãnh đạo chính trị: họ suýt đặt lại vấn đề quy chế của những chủ đồn điền. Những người này cùng nhau tổ chức để bảo vệ quy chế của mình.
Chính sách tách biệt chủng tộc được thiết lập qua các luật Jim Crow[iii]: những người Mỹ gốc Phi không có quyền bầu cử. Năm 1896, Tòa án tối cao công nhận nguyên tắc tách biệt chủng tộc trong trường học, nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông… Chính thức thì người Mỹ gốc Phi được bình đẳng, nhưng các quyền của họ bị hạn chế so với người da trắng.
Tương tự, ở Nam Phi, chính sách apartheid được thiết lập từ 1948 đến 1991: Người da đen và người da trắng sống trong những vùng địa lý tách biệt, các chính sách được xây dựng dựa trên những tiêu chí chủng tộc. Các luật lệ không giống nhau tùy theo thành phần chủng tộc.
Thuật ngữ “phân biệt chủng tộc” có lẽ xuất hiện vào giai đoạn này, trong những năm 1960, để chỉ sự đối xử bất bình đẳng người da đen ở Mỹ và Nam Phi. Ngày nay, những đạo luật phân biệt chủng tộc đã bị xóa bỏ tại hai quốc gia này, nhưng phân biệt chủng tộc về màu da vẫn thường xảy ra, nhất là ở xã hội Mỹ.
Maud Navarre
__________________________
Triển lãm “Chúng ta và những kẻ khác” tại Bảo tàng Con người

Tọa lạc ở Paris, Bảo tàng Con người tổ chức triển lãm “Chúng ta và những kẻ khác. Những định kiến về phân biệt chủng tộc” từ 31/3/2017 đến 8/1/2018, với sự bảo trợ của UNESCO (Tổ chức giáo dục khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc). Triển lãm dựa trên những kết quả nghiên cứu gần đây về phân biệt chủng tộc. Nghệ thuật trần thiết sân khấu, độc đáo nhờ truyền thông đa phương tiện, giúp ta đắm chìm vào trọng tâm của đề tài.
Ngay từ những bước đầu, khách xem triển lãm đã đối mặt với những khuôn mẫu xơ cứng của mình. Khách hòa mình vào trong một sảnh của sân bay, nơi tốt nhất cho giao lưu văn hóa, máy tính bảng giúp thực hiện những thí nghiệm để trắc nghiệm những định kiến của mình.
Tiếp đó triển lãm đề nghị một cuộc du hành vào lịch sử của phân biệt chủng tộc, từ khi hình thành tư tưởng về các chủng tộc vào thế kỷ 17 cho đến những biểu hiện về thể chế (chủ nghĩa nô lệ Pháp, chủ nghĩa Quốc xã, sự tách biệt chủng tộc Mỹ…). Các luật và quyền công nhận tính thượng đẳng của chủng tộc da trắng; nhân chủng học tìm cách biện minh cho luật và quyền nêu trên.
Cuộc xem triển lãm tiếp tục với hiện trạng phân biệt chủng tộc hiện nay. Có thật tồn tại các chủng tộc không? Ngành di truyền học trả lời là không. Có thể có nhiều khác biệt về gen giữa hai người châu Âu hơn là giữa một người châu Âu và một người châu Phi, hoặc giữa một người châu Phi và một người châu Á. Tuy nhiên, những dữ kiện thống kê chứng minh rằng phân biệt và khuôn mẫu xơ cứng về chủng tộc vẫn còn phổ biến.
Trên một nền trang trí cảnh đô thị với kiểu bàn ghế quán cà phê, cuối cùng khách xem triển lãm phát hiện bốn chuyên gia đang được quay phim nhân dịp này: họ thảo luận và trình bày những giải pháp khả dĩ giúp sống cùng nhau tốt hơn.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn:Qu’est-ce que le racisme”, tạp chí Sciences humaines, số 292, tháng năm 2017.
----




Chú thích:

[i] Thuyết ưu sinh là “khoa học ứng dụng hoặc là phong trào sinh học-xã hội ủng hộ việc sử dụng các phương thức nhằm cải thiện cấu tạo gen của dân số”, thường là dân số loài người. Thuyết ưu sinh rất nổi tiếng vào những thập niên đầu thế kỷ 20. Vào giữa thế kỷ 20 thuyết ưu sinh không còn phổ biến do dính dáng tới Đức Quốc xã. Cả công chúng và vài thành tố của cộng đồng khoa học đều gắn thuyết ưu sinh với những hành động lạm dụng của Phát xít như, “rửa sạch chủng tộc”, thí nghiệm trên người và tiêu diệt các nhóm dân tộc “không mong muốn”. Tuy nhiên, sự phát triển của các công nghệ gen và công nghệ nhân bản vào cuối thế kỷ 20 đã đặt ra nhiều câu hỏi về ý nghĩa của thuyết ưu sinh và vấn đề đạo đức của nó trong thời hiện đại, lại làm trỗi dậy những mối quan tâm về thuyết ưu sinh. (Theo Wikipedia - ND)

[ii] Chính sách phân biệt chủng tộc và phân cách địa lý giữa đa số người da đen ít quyền và thiểu số người da trắng thống trị ở Nam Phi từ 1948 đến 1991 - (ND)

[iii] Luật Jim Crow là luật lệ của tiểu bang và địa phương thi hành sự phân biệt chủng tộc ở miền Nam Hoa Kỳ.... Là một phần của pháp luật, Jim Crow đã thể chế hóa những bất lợi về kinh tế, giáo dục và xã hội cho người Mỹ gốc Phi và những người da màu khác sống ở miền Nam. (Theo Wikipedia - ND)

Print Friendly and PDF