25.7.20

Phía sau bức màn: Phật giáo đã được vũ khí hóa như thế nào trong Chiến tranh Lạnh

PHÍA SAU BỨC MÀN: PHẬT GIÁO ĐÃ ĐƯỢC VŨ KHÍ HÓA NHƯ THẾ NÀO TRONG CHIẾN TRANH LẠNH
Hoa Kỳ đã cố gắng kích động các nhóm Phật giáo chống cộng ở Đông Nam Á với những hậu quả nghiêm trọng cho chính trị ngày nay trong khu vực.
Tang Chhin Sothy AFP/Getty
Ngày 23 Tháng 03 Năm 2018
Trong số các tín ngưỡng lớn trên thế giới, Phật giáo thường được mô tả là một tôn giáo của hòa bình, khoan dung và từ bi. Cuộc gặp gỡ giữa phương Tây với Phật giáo phần lớn được kết tinh qua yoga, các phong trào Hippi, Hollywood và các câu nói của Dalai Lama được chia sẻ trên mạng Facebook. Nhưng chỉ cần lướt qua những tin tức mới xuất phát từ thế giới Phật giáo thì chúng đã cho thấy một tình trạng bạo lực hơn.
Tại Myanmar, các nhà sư theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã khuyến khích một cuộc thập tự chinh diệt chủng người Rohingya theo đạo Hồi sống trong nước. Tại Thái Lan, chính phủ đã đáp trả cuộc nổi dậy kéo dài của người gốc Mã Lai theo đạo Hồi ở các tỉnh phía nam của nước này bằng cách khích lệ một chủ nghĩa quân phiệt Phật giáo, khuyến khích các nhà sư ở các đền chùa địa phương liên minh với các lực lượng vũ trang. Và tại Sri Lanka, người Sinhalese đa số theo đạo Phật đã tham gia vào cuộc nội chiến đầy thù hận chống lại những người Tamil thiểu số theo đạo Hindu trong nhiều thập kỷ. Gần đây, những người theo chủ nghĩa dân tộc Phật giáo ở đó đã gây ra các cuộc bạo loạn chống Hồi giáo.
Eugene B. Ford
Như học giả Ian Harris đã viết, Phật giáo vẫn có ánh hào quang xa lạ, như thể đó là “một tôn giáo hoàn toàn thuộc về thế giới khác được giác ngộ để không ưa thích trật tự thế tục”. Có một khuynh hướng phân loại sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Phật giáo như là một hiện tượng dị thường. Trên thực tế, như nhà sử học Eugene Ford đã cho thấy trong cuốn sách “Cold War Monks: Buddhism and America’s Secret Strategy in Southeast Asia” (Các nhà sư thời Chiến tranh Lạnh: Phật giáo và Chiến lược bí mật của Mỹ ở Đông Nam Á), thế giới Phật giáo như là một phòng thí nghiệm của những ý thức hệ và tầm nhìn cạnh tranh nhau đó là một thí nghiệm góp phần làm chính trị hóa Phật giáo khiến họ thường xuyên trở thành một lực lượng bạo lực và phản tiến bộ mà chúng ta thấy ngày nay ở Đông Nam Á.
CÁC NHÀ SƯ THỜI CHIẾN TRANH LẠNH: PHẬT GIÁO VÀ CHIẾN LƯỢC BÍ MẬT CỦA MỸ Ở ĐÔNG NAM Á của Eugene Ford. Nhà xuất bản Đại học Yale, 392 trang.
Phật giáo và thế lực cai trị từ lâu đã có mối quan hệ rất mật thiết. Tôn giáo đã cung cấp các biểu tượng của vương quyền nơi công đường, các kinh đô và các trung tâm đô thị ở Burma (nay là Myanmar) cho đến Xiêm (Thái Lan) và Lào, cũng như quyền lực của các tu viện và giới tinh hoa thống trị đã ngày càng tạo dựng nên mối quan hệ môi răng với nhau. Sau thế kỷ XVII, chủ nghĩa đế quốc châu Âu đã phá vỡ mối quan hệ cộng sinh giữa tôn giáo và nhà nước ở những nơi mà chế độ thuộc địa đã được thiết lập. Đến nửa đầu thế kỷ XX, các phong trào chống thực dân đã chứng kiến các nhà sư trở thành những người bất đồng chính kiến, đặt nền móng cho các tu sĩ tham gia thế sự.
Thái Lan là một ngoại lệ, quốc gia duy nhất trong khu vực chính thức tránh được sự thực dân hoá. Đó là một sự khác biệt đã góp phần định hình nên câu chuyện về chủ nghĩa dân tộc của họ, nó đã tôn vinh chế độ quân chủ trong khi che chở cho các nhà sư của mình khỏi những gì tương tự đang xảy ra lúc bấy giờ ở các nước láng giềng. Tuy nhiên, trong Thế chiến thứ II, sự chiếm đóng của Nhật Bản ở Bangkok đã cho thấy một điềm báo về những áp lực từ bên ngoài sẽ gây tác động đến Phật giáo trong thời kỳ hậu chiến. Tsusho Byoto, một nhà sư học giả Nhật Bản không nổi tiếng, đã ủng hộ quan niệm quân sự hóa Thiền trong cố gắng tranh thủ hàng giáo phẩm thận trọng của Thái Lan hoạt động cho sự nghiệp phát xít. Cuối cùng, dù ông ta đã thất bại, nhưng “tầm nhìn của Byoto về một giới tăng sĩ Thái Lan được quốc tế hóa, về nhiều mặt, đã được chứng minh là một lời tiên tri” như Ford đã viết.
Những gì xảy ra ngay sau chiến tranh là các phong trào cách mạng theo chủ nghĩa dân tộc bùng nổ từ Indonesia đến Việt Nam, được dẫn đường bởi một tinh thần chống thực dân chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx. Các thế lực thực dân đã tiến hành các cuộc chiến tranh phản cách mạng tốn kém và sau cùng đã tất yếu thất bại trong việc tái lập sự kiểm soát của họ mà sau đó chúng đã trùng khớp với các nỗ lực chống cộng của Hoa Kỳ khi người châu Âu đã rút khỏi.
Một liên minh quân sự chiến lược với Hoa Kỳ đã trở thành trụ cột chính trong quan hệ đối ngoại của Thái Lan sau năm 1947, kéo phần còn lại của Đông Nam Á vào một quỹ đạo địa chính trị hỗn loạn. Quan hệ đối tác sớm phải đối mặt với hai thách thức: Thái Lan phải giữ vẻ bề ngoài rằng chế độ tăng sĩ bảo thủ đã bị tách biệt khỏi môi trường chính trị, trong khi việc tuân thủ Tu chính án Thứ nhất đã ngăn cản bất kỳ sự can thiệp trực tiếp nào của Hoa Kỳ vào vấn đề tôn giáo của Thái Lan. Tất cả những điều này đã khiến Washington buộc phải hành động trong bí mật, khi bắt đầu định hình một nhóm Phật giáo dễ thao túng sẽ đóng vai trò như là cánh tay của họ.
Richard Nixon (1913-1994)
Dwight Eisenhower (1890-1969)
Những ngoại lực từ bối cảnh Chiến tranh Lạnh sẽ khiến các giáo sĩ Phật giáo bị chính trị hóa và quốc tế hóa hơn bao giờ hết. Năm 1953, dưới thời chính quyền Eisenhower, Phó Tổng thống Richard Nixon đã thực hiện một cuộc công du khắp châu Á. Nixon đến thăm các chiến tuyến của cuộc chiến tranh Đông Dương tại Việt Nam, chứng kiến ​​cuộc tấn công của Pháp vào quân kháng chiến Việt Minh. Thái độ ngạo mạn của Pháp đối với các đồng minh người Việt đã khiến ông ta thất vọng và cảm thấy bất an về việc không có được một chính nghĩa nào để chống lại sự phản kháng mãnh liệt đến từ các đối thủ chống thực dân của họ.
Sự thất bại của người Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954 sau đó đã cho thấy rõ rằng chỉ riêng hành động quân sự là không đủ để chống lại chủ nghĩa cộng sản trong khu vực. Yếu tố con tim và tinh thần hay, là những ngôi chùa và đền thờ cũng rất cần thiết. Ford đã cho biết, rằng Tôn giáo “là một đòn bẩy mà Hoa Kỳ có thể sử dụng để gây ảnh hưởng mang tính phi quân sự hay tâm lý, đặc biệt là bằng cách nhấn mạnh cho cư dân địa phương thấy cái gọi là mối đe dọa của cộng sản đối với các thể chế tôn giáo của họ.
Điều trùng hợp với chiến lược của Washington vào thời điểm đó là sự xuất hiện của một ý thức Phật giáo hoàn vũ. Sự phát triển của truyền thông và giao thông đã làm tăng tốc sự giao lưu tôn giáo và văn hóa, và làm sâu sắc hơn sự liên kết trong môi trường của Phật giáo Theravada, vốn là trường phái đang thịnh hành của Phật giáo ở Đông Nam Á. Đại lễ Kỷ niệm 2500 năm ngày Phật tịch diệt đã truyền cảm hứng cho sự ra mắt của tổ chức Phật giáo quốc tế đầu tiên vào năm 1950: Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới. Với việc tổ chức Đại hội kết tập Kinh điển Phật giáo ở Burma [Miến Điện] vào năm 1954, những dấu hiệu cho thấy sự kết hợp của các nhóm Phật giáo đã trở nên chín muồi.
Burma U Nu (1907-1995)
Những nỗ lực đầu tiên của Hoa Kỳ đã bắt đầu ở Burma từ năm 1951 đến năm 1952. Thủ tướng Burma U Nu đã chiến đấu chống lại một cuộc nổi dậy của cộng sản ở trong nước từ năm 1948 và hy vọng sẽ đưa “Phật giáo Burma” vào một kế hoạch chống cộng. Điều này được Washington hoan nghênh, như bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao năm 1951 gởi cho Đại sứ quán tại Yangon cho thấy. Bản ghi nhớ nêu bật các quy tắc cam kết áp dụng cho việc tài trợ cho các hoạt động tôn giáo của Hoa Kỳ phải được thực hiện thông qua các kênh riêng để che khuất đi bất kỳ một mối liên hệ chính thức nào.
CIA đã tăng cường các hoạt động tương tự trên toàn khu vực. Đầu năm 1948, họ đã thu thập thông tin tình báo từ các tu viện của người Việt tại Bangkok để theo dõi các mối liên hệ có thể với người cộng sản. Theo lời mời của chính phủ U Nu, Ủy ban về một Châu Á Tự do đổi tên thành Quỹ Á châu vào năm 1954 bắt đầu hoạt động ở Burma vào năm 1952, được CIA tài trợ thông qua Ủy ban Quốc gia về Châu Âu Tự do (Hầu hết các tài liệu lưu trữ của Ford, là đến từ Quỹ Á châu.) Quỹ Á châu đã tham gia một cách sâu rộng vào Đại hội Tập kết Kinh điển Phật giáo từ đằng sau hậu trường. Ford lưu ý rằng vào năm 1962, họ đã tài trợ hơn 300.000 đô la Mỹ dưới dạng những thiết bị in ấn chính hiệu và những lời tư vấn về kỹ thuật, để biến “Nhà xuất bản Phật giáo Sassana của Burma trở thành nhà xuất bản Phật giáo được trang bị tốt nhất và lớn nhất thế giới”.
Sau đó, Quỹ Á châu đã mở rộng hoạt động sang các nước láng giềng như Thái Lan, Campuchia và Lào. Washington đã tận dụng cơ sở của quỹ và mạng lưới của quỹ trong khu vực để cung cấp các khoản tài trợ cho hoạt động giáo dục Phật giáo và các nhóm xã hội dân sự, đồng thời phân phối cho sự tuyên truyền chống cộng sản. Nó cũng đảm bảo rằng các phái đoàn (không chính thức) sẽ được gửi đến các hội nghị của Phật giáo, đồng thời tài trợ cho các chuyến thăm Hoa Kỳ của các thành viên hàng đầu trong cộng đồng Phật giáo.
Đến năm 1957, các nhà hoạch định chính sách của Nhà Trắng đã phát triển một khung chính sách chung nhắm đến việc thao túng các tổ chức và tu sĩ Phật giáo. Bản dự thảo chính sách được gởi đến các đại sứ quán Hoa Kỳ ở các nước Đông Nam Á, và có cả một “Ủy ban Phật giáo” đặc biệt đã được thành lập trong Bộ Ngoại giao để hỗ trợ cho việc thực hiện. Bằng việc nhấn mạnh vào hoạt động cộng đồng, Ford đã viết rằng “mục tiêu của Quỹ Á Châu là nhằm duy trì sự kiêng kỵ truyền thống đối với chính trị của các nhà sư bằng cách mang đến các hình thức khác cho sự tham gia vào lĩnh vực dân sự”. Tương tự như nhà sư - học giả Byoto, Quỹ Á châu giống như một đặc vụ ở ngoại quốc quyết tâm tái cấu trúc lại các tổ chức khép kín của Phật giáo tại Thái Lan.
Tuy nhiên, khi tình trạng bất ổn bao trùm Đông Nam Á, thì các chiến lược bắt đầu trở nên có vấn đề khi các lực lượng được kích hoạt đã không thể ở trong trật tự như dự tính.
Một cuộc đảo chính đã loại bỏ U Nu ở Burma vào năm 1962 và chính phủ quân sự đã thực hiện một chiến dịch dài hạn nhằm chống lại cuộc nổi dậy của những người cộng sản địa phương. Trong cuộc “khủng hoảng Phật giáo” tại Việt Nam, sự đàn áp Phật giáo của Ngô Đình Diệm, một nhà lãnh đạo Công giáo được Hoa Kỳ hậu thuẫn, và việc nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu vào năm 1963 đã làm trầm trọng thêm một cuộc khủng hoảng chính trị dẫn đến một cuộc đảo chính quân sự, hậu quả là Diệm bị ám sát, miền Nam Việt Nam ngày càng rơi vào hỗn loạn. Năm 1967, sự hậu thuẫn từ CIA cho Quỹ Á châu đã bị phơi bày trên tạp chí phản chiến Ramparts. Cuối cùng, mặc dù nhận được sự trợ giúp của quân đội Mỹ và từ việc tài trợ tôn giáo, thì những người Cộng sản đã lên nắm quyền ở Lào và Campuchia vào năm 1975. Cùng năm, Sài gòn đã rơi vào tay những người cộng sản Việt Nam.
Với bóng ma của chủ nghĩa cộng sản ở ngưỡng của, giới quyền uy bảo thủ của Thái Lan đã kiềm chế việc thử nghiệm chế độ dân chủ dân sự sau chiến tranh để tìm kiếm sự ổn định. Họ đạt được mục tiêu này bằng cách mời gọi những sự cống hiến từ một nhà sư cánh hữu khét tiếng tên là Kittivudho, là người mà theo Ford đã đại diện cho “cả việc khuấy động và quốc tế hóa chủ nghĩa bảo thủ Phật giáo Thái Lan”. Kittivudho pha trộn giáo lý Phật giáo với chủ nghĩa chống cộng hung hăng bằng cách cổ vũ ám sát những người cánh tả như là việc tích lũy công đức tôn giáo. Khi chính phủ Thái Lan (với sự hỗ trợ ngầm từ Washington) đàn áp dã man các sinh viên, các nhà hoạt động nghiệp đoàn và nông dân, nhà sư này đã hỗ trợ về mặt tổ chức cho các tổ chức bán quân sự cánh hữu và các nhóm dân quân phòng vệ.
Tác phẩm Cold War Monks đã báo động độc giả về những cách thức mà những dòng biến động khó lường của cuộc Chiến tranh Lạnh đã quét qua Phật giáo Đông Nam Á. Nỗ lực lôi kéo các nhà sư khỏi sự bàng quan của họ đối với chính trị cuối cùng đã thất bại nhưng hành động đó đã nhanh chóng biến tướng để trở thành một lực lượng phản tiến bộ và tiếp tục là một đám mây đen của nền chính trị trong khu vực trong nhiều thập kỷ sau đó.
Di sản đẫm máu này vẫn còn đang vang vọng trong hiện tại. Điều này có thể được nhìn thấy trong phản ứng dữ dội của các nhà sư Thái Lan đối với cuộc nổi loạn của người Hồi giáo gốc Mã Lai ở miền nam, phong trào này có nhiều điểm tương đồng với phong trào chống Hồi giáo 969 do giới tăng sĩ ở Myanmar lãnh đạo. Dưới áp lực của toàn cầu hóa, Phật giáo tiếp tục mang đến một lý do chính đáng cho các nhà nước-quốc gia trong toàn khu vực. Những người đi theo chiều hướng này rất dễ rơi vào cuộc tương tàn khốc liệt để bảo vệ đức tin của họ dưới ngọn cờ của chủ nghĩa dân tộc Phật giáo mạnh bạo.
Amar Diwakar
Sự kết thúc của chiến tranh lạnh không loại bỏ được hình ảnh của một Phật giáo hiếu chiến. Chỉ là thay vì một chủ nghĩa cộng sản vô thần, thì giờ đây là hình ảnh một chiến binh Hồi giáo xuyên quốc gia mà bị xem như là mối đe dọa đối với bản sắc và truyền thống của Phật giáo. Sự thay đổi về ý thức hệ này trùng khớp với “cuộc chiến chống khủng bố” của Hoa Kỳ, đã được hiện thực hoá để bào chữa cho những cuộc trả thù đẫm máu ở Thái Lan và những cuộc thảm sát ở Myanmar. Và các nhà sư luôn là trung tâm của mọi sự việc.
Amar Diwakar là một nhà văn, nhà nghiên cứu độc lập. Ông đã viết cho tờ Al Jazeera English, The Boston Globe, In These Times và các ấn phẩm khác. Ông viết blog tại trang web Splintered Eye.
Đọc thêm
Chu Xuân Huy dịch
Print Friendly and PDF