20.7.20

Phương Pháp Quy Nạp (A. Virieux-Reymond, 1970)

PHÉP QUY NẠP
MUỐN
ĐI TỪ SỰ KIỆN ĐẾN ĐỊNH LUẬT
(1966)
Tác giả: Antoinette Virieux-Reymond[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*


Sadi Carnot (1796-1832)
(...) Ta nhận thấy có hai trình tự sự kiện và một tương quan giữa hai trình tự đó, thế là ta nâng tương quan này lên thành định luật. Ví dụ, Sadi Carnot[2] phát hiện ra rằng tất cả các động cơ đốt [nhiệt] đều có cùng một đặc trưng cơ bản: sự sản xuất ra công luôn luôn đi kèm với “sự chuyển ca-lo-ri từ một cơ thể có nhiệt độ cao sang một cơ thể khác có nhiệt độ thấp hơn”. Một sự quan sát, sau khi được thảo luận kỹ, đã dẫn tới nguyên lý thứ hai của nhiệt động lực học.

Jules Lachelier (1832-1918)

Chỉ có một khó khăn đặt ra: dựa trên thẩm quyền nào ta có thể nhảy từ sự quan sát một số sự kiện sang việc dựng lên những định luật mà các sự kiện này được giả định chỉ là những ví dụ? Jules Lachelier[3] đã thảo luận về câu hỏi này trong luận án đến nay vẫn còn được xem là cổ điển của ông: Về Nền Tảng Của Phép Quy Nạp. Ông viết: “Quy nạp là thao tác qua đó chúng ta chuyển từ sự hiểu biết về những sự kiện sang hiểu biết về các định luật chi phối chúng. Khả năng thực hiện thao tác này không hề bị nghi ngờ bởi bất cứ ai; nhưng mặt khác, tình huống là một vài sự kiện, được quan sát ở một thời điểm và tại một nơi cụ thể, được cho là đã đủ để chúng ta dựng lên một quy luật có thể được áp dụng cho mọi nơi và mọi thời, có vẻ gì rất kỳ quặc. Kinh nghiệm nghiêm túc nhất thật ra cũng chỉ có thể được dùng để chỉ cho ta thấy các hiện tượng kết nối với nhau như thế nào trước mắt ta thôi, chứ nó không hề dạy ta rằng chúng sẽ phải luôn luôn kết nối với nhau và theo cùng một cách thức như vậy; thế nhưng đấy lại là điều ta khẳng định không chút ngần ngại” (...).

Trong thực tế, phương pháp quy nạp (...) cho phép ta (...) tiến tới một thứ hiểu biết chỉ có tính xác suất, và một tính xác suất chỉ tiệm cận với tính phổ quát mà thôi, bởi vì ta không thể loại trừ khả năng là vẫn còn có thể phát hiện ra những trường hợp không tuân theo định luật.

Antoinette Virieux-Reymond,
Triết Lý Khoa Học
(L'épistémologie
,
Paris, P.U.F, 1966, tr. 38-40).

Nguồn: Phương Pháp Quy Nạp (A. Virieux-Reymond, 1970), Viện Giáo Dục IRED, 28.4.2019




Chú thích:

[1] Antoinette Virieux-Reymond (…-…), triết gia và sử gia khoa học Pháp. Tác phẩm: La Logique et l'épistémologie des stoïciens (1950), Histoire des sciences et vie culturelle (1956), Histoire des sciences et vie culturelle (1958), La logique formelle (1962, 1967), L'épistémologie (1966), Platon (1971), Introduction à l'épistémologie (1972), Pour connaître la pensée des Stoïciens (1976), Les grandes étapes de l'épistémologie jusqu'à Kant (1985)

[2] Nicolas Léonard Sadi Carnot (1796-1832), nhà vật lý học và kỹ sư người Pháp, Tác phẩm duy nhất: Réflexions sur la puissance motrice du feu et sur les machines propres à développer cette puissance (1824).

[3] Jules Lachelier (1832-1918), triết gia Pháp. Tác phẩm: Du fondement de l'induction; suivi de Psychologie et Métaphysique; et de Notes sur le pari de Pascal, Paris, Alcan, 1924.

Print Friendly and PDF