31.7.20

Tại sao các trường đại học nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sinh thái và khí hậu

TẠI SAO CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÊN TUYÊN BỐ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP VỀ SINH THÁI VÀ KHÍ HẬU

Không có thiên nhiên, không có tương lai”. Sinh viên giương cao tấm biển khẩu hiệu trước Quốc hội Châu Âu ở Strasbourg vào ngày 15 tháng 3 năm 2019. Patrick Hertzog/AFP
Các trường đại học tự hào về việc chuẩn bị cho sinh viên của mình một tương lai tươi sáng. Nhưng trước cuộc khủng hoảng khí hậu, nơi các thảm họa, với cường độ và tác động “chưa từng có tiền lệ”, trở thành chuẩn mực, thì sẽ hứa hẹn tương lai nào cho sinh viên chúng ta? Trước sự xuống cấp của môi trường và sự biến mất rất quan trọng của môi trường đa dạng sinh học, các trường đại học và các cơ sở giáo dục khác nên ưu tiên chuẩn bị thích ứng cho sinh viên và nhân viên của mình trước những thời cuộc ngày càng khó khăn.
Biến đổi khí hậu và hủy hoại môi trường ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh đời sống, bao gồm những gì chúng ta cần đến nhiều nhất hoặc những gì chúng ta coi trọng nhất: nước sinh hoạt, thực phẩm, hệ sinh thái, hệ động vật, sự an toàn, nhà ở, năng lượng, giao thông, sức khỏe, các cộng đồng và nền kinh tế. Những nhu cầu cơ bản của rất nhiều người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, đang bị đe dọa.
Đối mặt với những cuộc xung đột gây ra bởi sự biến đổi khí hậu, tình trạng di cư ồ ạt, những ảnh hưởng lên sức khỏe, thì những chi phí kinh tế và sự xuống cấp của môi trường là những thách thức vô cùng to lớn. Đơn giản là không có thách thức nào lớn hơn việc đối phó với tình trạng cấp bách về sinh thái và khí hậu: các trường đại học nợ sinh viên của mình trong việc đi đầu giải quyết các vấn đề nói trên.
Sinh viên lo lắng về tương lai của họ
Greta Thunberg (2003-)
Qua tiếng nói của Greta Thunberg, các cuộc đình công ở hoc đường vì khí hậu và các cuộc xuống đường vào những “ngày thứ Sáu vì tương lai, giới trẻ trên khắp thế giới đang phát đi lời kêu gọi mạnh mẽ và rõ ràng cho một sự thay đổi trong xã hội. Các tấm biển khẩu hiệu phản đối xuất hiện ở khắp nơi: “Tại sao phải học vì tương lai trong khi không ai hành động đủ để cứu vãn tương lai của chúng ta?, Biến đổi khí hậu còn tồi tệ hơn các bài tập, Nếu bạn không hành động như người lớn, thì chúng tôi sẽ làm, hoặc “khí hậu thì biến đổi, tại sao chúng ta lại không biến đổi theo?
Các trường đại học đóng một vai trò đặc biệt vì hành tinh. Với tư cách là những định chế lớn, dấu ấn về khí thải carbon và môi trường của đại học là rất quan trọng, điều mà tự thân nó có thể là một động lực đủ để hành động. Nhưng đó cũng là trách nhiệm phải trung thực với sinh viên của mình, bởi vì những công việc mà sinh viên sẽ tìm kiếm sau khi tốt nghiệp sẽ được định hình lại một cách cơ bản bởi một tình trạng khí hậu ngày càng biến đổi và bởi một số hiện tượng khí hậu cực đoan chưa từng thấy về cường độ và tần suất.
Với tư cách là một tổ chức giáo dục, các trường đại học cũng có một tiềm năng vô song. Đã có nhiều triệu sinh viên tốt nghiệp mỗi năm trên khắp thế giới. Họ đang và sẽ bị ảnh hưởng ngày càng nhiều bởi sự biến đổi khí hậu. Nhân loại cần có những công dân có cam kết, những người hiểu rõ vô số những tác động của sự biến đổi khí hậu và có khả năng đối mặt với vấn đề trong trường hợp cấp bách.
Tuyên bố của các định chế về tình trạng khẩn cấp khí hậu
Thách thức khí hậu đòi hỏi sự hợp tác của các nhà tư tưởng sáng tạo và phê phán, giới truyền thông và các chuyên gia trong việc giải quyết vấn đề, các nhà lãnh đạo và cộng tác viên, các doanh nhân và nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và các triết gia.
Đây là một cuộc khủng hoảng về vấn đề văn minh và hiện sinh. Việc chia sẻ và kiến tạo kiến ​​thức nên được định hướng mạnh mẽ theo hướng đó. Tất cả các môn học ở đại học phải cân nhắc đến những thách thức của sự bất định khi đối mặt với diễn biến của sự biến đổi khí hậu.
Có rất nhiều định chế, chẳng hạn như Đại học bang Southern Connecticut ở Hoa Kỳ, các trường đại học Bristol, Exeter, Glasgow và Lincoln, cũng như các trường đại học Keele và Newcastle ở Vương quốc Anh, và Đại học Bách khoa Catalonia ở Tây Ban Nha, đã đưa ra tuyên ngôn về tình trạng khẩn cấp khí hậu.
Các trường đại học đó đang mở đường cùng với hàng triệu người trẻ trên khắp thế giới, các chính quyền ở cấp địa phương và cấp quốc gia, và khu vực tư nhân.
Có ý nghĩa lớn hơn một sự chứng minh mang tính biểu tượng, tuyên ngôn về một cuộc khủng hoảng môi trường và khí hậu có những hệ quả có thật.
Giảm lượng khí thải carbon
Trước tiên, điều đó hàm ý giảm lượng khí thải nhà kính và dấu ấn sinh thái của nó. Các trường đại học sẽ đặt ra những mục tiêu minh bạch, chịu trách nhiệm hoàn thành các mục tiêu đó và thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện.
Bằng cách áp dụng những thực hành mang tính lâu dài trong tất cả các khía cạnh hoạt động của mình, từ sự phục hồi nền kinh tế đến vấn đề vận chuyển và đi lại, thông qua các hoạt động đầu tư, thiết kế và bảo trì các tòa nhà hoặc quản lý chất thải và năng lượng, trong số nhiều thứ khác, các trường đại học sẽ có xu hướng trở nên bền vững hơn trên bình diện quản lý môi trường và làm gương cho các tổ chức khác.
Thích ứng với những tác động của sự biến đổi khí hậu
Để thích ứng với sự biến đổi khí hậu, các trường đại học cần triển khai các biện pháp để đảm bảo các sinh viên, nhân viên và khách viếng của mình được chuẩn bị tốt nhất trước các rủi ro và tác động liên quan đến khí hậu: lũ lụt, sóng nhiệt, thiếu hụt nước sinh hoạt, lốc xoáy nhiệt đới, cháy rừng, cũng như tình trạng bất ổn xã hội, suy giảm năng suất và những hậu quả lên sức khỏe, những điều chắc chắn bắt nguồn từ tình trạng suy thoái khí hậu.
Điều cũng quan trọng không kém là chuẩn bị cho sinh viên khả năng tiếp nhận những cơ hội mới, có thể xuất hiện vào những thời điểm nào đó, ở những vùng miền nào đó, do tình trạng biến đổi khí hậu.
Tích hợp sự thay đổi vào tất cả các môn học
Để làm được, điều cần thiết là tích hợp những tác động về sinh thái và khí hậu vào tất cả các môn học. Các trường đại học sẽ đảm bảo sao cho tất cả các sinh viên, bất luận môn học và trình độ học tập, hiểu rõ những tác động khí hậu cụ thể và những biện pháp khắc phục khả thi.
Điều này sẽ được phản ánh trong các chương trình giảng dạy, bảng xếp hạng đại học, các thuộc tính của sinh viên tốt nghiệp, cũng như trong các biện pháp về hiệu suất làm việc của nhân viên, kể cả hiệu suất của các nhà quản lý cấp cao.
Các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu liên ngành về những thách thức môi trường toàn cầu, khả năng phục hồi và giải pháp nên là những ưu tiên hàng đầu và là đối tượng của các khoản đầu tư. Khuyến khích các hành động tập thể, sự tham gia của cộng đồng, quan hệ đối tác, chia sẻ các cách thực hành tốt nhất và các nền tảng mở để đổi mới.
Một lời kêu gọi đến tất cả các trường đại học
Quy mô những thách thức mà nhân loại phải đối mặt đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải là những người can đảm và có cam kết, những khoản đầu tư tận tâm, một sự chuyển đổi về mặt tổ chức và cấu trúc, và trên hết là những thay đổi cơ bản trong các hành vi kinh tế và ứng xử của con người. Các trường đại học đóng một vai trò quan trọng để đảm bảo duy trì nhiệt độ thời tiết toàn cầu tăng không quá 1,5°C, và nên làm điều này một cách kiên quyết.
Lấy cảm hứng từ giới trẻ, chúng tôi kêu gọi các quan chức ở đại học, thành viên các hội đồng quản trị, nhân viên ở các trường đại học và phi đại học, cũng như sinh viên đưa ra tuyên ngôn về tình trạng khẩn cấp về sinh thái và khí hậu. Không có thách thức nào lớn hơn cho tương lai của nhân loại và đã đến lúc nên đưa ra tuyên ngôn về tình trạng khẩn cấp này.
Michael E. Mann (Đại học Penn State), John Cook (Đại học George Mason), Christopher Wright (Đại học Sidney), Will Steffen (Đại học Quốc gia Úc), Patrick Nunn (Đại học Sunshine Coast), Pauline Dube (Đại học Botswana), Stephan Lewandowsky (Đại học Bristol), Anne Poelina (Đại học Notre-Dame Australia), và Katherine Richardson (Đại học Cambridge) là đồng tác giả của bài viết này.
Các tác giả
Jean S. Renouf
Jean Jouzel (1947-)
Jean S. Renouf
Giảng viên về chính trị và quan hệ quốc tế, Đại học Southern Cross
Giám đốc danh dự [đã nghỉ hưu] nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm về khoa học khí hậu và môi trường (CEA-CNRS-UVSQ)/Viện nghiên cứu Pierre Simon Laplace, Hội đồng năng lượng nguyên tử và năng lượng thay thế (CEA)
Tuyên bố công khai
Các tác giả không làm việc, không tham vấn, không sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hay tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này, và tuyên bố không có bất cứ quan hệ nào khác ngoài công việc mang tính học thuật.
Đối tác
Hội đồng Năng lượng nguyên tử và Năng lượng thay thế (CEA) cung cấp kinh phí với tư cách là thành viên của The Conversation FR.
Đại học Southern Cross cung cấp kinh phí với tư cách là thành viên của The Conversation AU.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF