25.9.20

Liệu có đánh thuế được GAFA hay không?

LIỆU CÓ ĐÁNH THUẾ ĐƯỢC GAFA HAY KHÔNG?

Ngày 18/09/2017
Các Bộ trưởng Tài chính của Liên minh châu Âu đã họp vào các ngày 16 và 17 tháng 9 để cố gắng đi đến nhất trí về một vấn đề then chốt: làm thế nào để bắt các tập đoàn Google, Apple, Facebook, Amazon (GAFA) và các công ty kỹ thuật số khác trả đúng phần thuế của họ? Đã có rất nhiều đề xuất được xem xét, nhưng cho đến giờ chưa có một đề xuất nào thực sự thỏa đáng. Chỉ có một giải pháp toàn cầu mới mang lại một câu trả lời thích đáng.
Vấn đề là gì?
Các quy định đánh thuế công ty đều dựa trên nguyên tắc “cơ sở thường trú”: chỉ có thể đánh thuế những công ty nào có một sự hiện diện vật lý trong một quốc gia, được đo bằng giá trị các tích sản, số lượng nhân viên và doanh thu bán hàng. Thế nhưng, các công ty kỹ thuật số có thể cung cấp các dịch vụ qua mạng, mà về mặt pháp lý vẫn đặt trụ sở tại những nơi mà họ muốn, trên thực tế, tại những nơi mà họ được chào mời các sản phẩm thuế thiếu minh bạch, cho phép họ trốn những khoản thuế mà họ đáng ra phải trả.
Google hưởng lợi ở châu Âu với một mức thuế từ 0,36 đến 0,82% và Facebook thì từ 0,03 đến 0,1%
Vì thế, Amazon đặt trụ sở ở Luxembourg, Apple ở Ireland, Booking ở Hà Lan, v.v.. Những nước này, nằm ở trung tâm của châu Âu, làm hơn cả việc áp đặt một sự cạnh tranh về thuế, bằng cách đưa ra những mức thuế thấp trên các khoản lợi tức. Họ hợp thức hóa, trong sự thiếu minh bạch lớn nhất, các chiến lược hung hăng để tối ưu hóa thuế của các công ty đa quốc gia, cung cấp cho các công ty đó một hồ sơ khống chỉ về pháp lý để tự do trốn thuế ở các nước EU khác.
Paul Tang (1967-)
Kết quả là rất ấn tượng: các công ty đa quốc gia kỹ thuật số ở châu Âu được hưởng một mức thuế trên lợi nhuận chỉ bằng một vài phần trăm. Một phân tích gần đây của Paul Tang, một đại biểu châu Âu, tập trung vào hai công ty, cho thấy Google ở châu Âu chỉ bị đánh thuế từ 0,36% đến 0,82%, và Facebook từ 0,03% đến 0,1%! Chỉ riêng với hai công ty nói trên, các nước EU sẽ mất từ 5,1 đến 5,4 tỷ euro doanh thu thuế (741 triệu euro đối với Pháp) trong giai đoạn 2013-2015.
Đề xuất của Pháp
Các quốc gia có thể phản ứng như thế nào? Họ đã bắt đầu cố gắng phản ứng một cách phân tán. Ví dụ, Vương quốc Anh đã thương lượng một khoản điều chỉnh tiền khai thuế với Google vào năm 2016, được ấn định ở mức 150 triệu euro, nhưng mức tiền phạt này có vẻ khá thấp. Italia đã làm điều tương tự vào năm 2017, với một giải pháp tốt hơn một chút, Google đồng ý trả 306 triệu euro cho cơ quan thuế Italia để thanh toán hết mọi khoản còn thiếu.
Phản ứng của các quốc gia không thích đáng
Pháp đã chọn con đường đối đầu, yêu cầu điều chỉnh khai thuế lên đến 1,1 tỷ euro. Công ty Mỹ đã đưa vấn đề ra trước tòa án Pháp, mà vào tháng 7 năm 2017, đã tuyên hủy bỏ yêu cầu điều chỉnh này. Vì lý do gì? Do Pháp không thể chứng minh rằng Google có một “cơ sở ổn định” ở Pháp, mà theo quy định nổi tiếng của Pháp, là một công ty con để từ đó các hoạt động kinh doanh được thực hiện trên lãnh thổ Pháp. Trên thực tế, công ty Google đóng ở Ireland và sử dụng các sản phẩm thuế thiếu minh bạch được nước này cung cấp để giảm thiểu việc nộp thuế trên toàn bộ lục địa.
Bruno Le Maire (1969-)
Sự kiện này đã góp phần đẩy nhanh các nỗ lực phản ứng có phối hợp về chính sách, đặc biệt là đề xuất mới của Bruno Le Maire, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính của Pháp. Do các công ty nói trên chơi trò trốn tìm với lợi tức của họ, thì hãy thay đổi cơ sở tính thuế: đánh thuế, từ 2% đến 5%, trên doanh thu. Bất luận là doanh thu đến từ đâu - Ireland, Hà Lan hay Luxembourg - thì các hóa đơn thanh toán của những khách hàng người Pháp sẽ giúp biết được doanh thu của các công ty này và đánh thuế họ, ở cấp độ châu Âu hoặc quốc gia, để bù đắp cho khoản thiếu hụt doanh thu thuế do các chiến lược tránh thuế của các công ty.
Đề xuất của Pháp còn lâu mới thỏa các khía cạnh kỹ thuật, pháp lý và chính trị: chỉ là một “trò chính trị”?
Hấp dẫn trên văn bản, nhưng đề xuất vấp phải nhiều trở ngại. Có những khó khăn thực tế trong việc xác định doanh thu của các công ty, dù toàn là các công ty kỹ thuật số nhưng có những hoạt động khá đa dạng, như Facebook, Uber hay Netflix, và trong việc thiết lập danh sách những công ty có liên quan mà không vi phạm nguyên tắc bình đẳng về thuế. Ngoài ra còn có nguy cơ từ bỏ những nỗ lực của OECD (Organization for Economic Cooperation and Development - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) trong những năm gần đây, kêu gọi các công ty trả đúng mức thuế trên lợi tức của họ. Các công ty kỹ thuật số bắt khách hàng chi trả phần thuế trên giá sản phẩm và lợi nhuận của họ vẫn được che giấu. Rồi còn có một trở ngại khổng lồ về chính trị: vấn đề thuế suất châu Âu phải được quyết định một cách đồng thuận. Pháp đã thành công trong việc bắt tay với Đức, Tây Ban Nha và Italia trong dự án của mình, rồi đến cuối tuần ngày 16-17 tháng 9 đã có thêm một chục nước khác. Nhưng với một chục nước đó, còn rất xa với con số 27 nước. Đặc biệt hơn là Ireland, Malta, Đan Mạch và Luxembourg đã bày tỏ “mạnh mẽ nhiều điều kiện bảo lưu”, như cách nói của các nhà ngoại giao khi đề cập đến một sự từ chối.
Một đề xuất còn lâu mới thỏa các khía cạnh kỹ thuật, pháp lý và chính trị: từ phía Brussels, một số quan chức không ngần ngại gọi đề xuất của Pháp là một “trò chính trị” đơn thuần. Vào lúc mà nước Pháp chuẩn bị để bỏ phiếu cho một ngân sách giảm mạnh thuế suất cho những người giàu nhất, thì đó cũng là thời điểm tốt để cho thấy họ tấn công các công ty đa quốc gia quyền lực của Mỹ.
Một hướng đi khác
Alain Lamassoure (1944-)
Đại biểu Alain Lamassoure, thuộc Nghị viện châu Âu, đã đưa ra một hướng đi khác. Ông đề xuất xem xét lại định nghĩa về cơ sở ổn định, để xác lập định nghĩa “cơ sở kỹ thuật số ổn định”. Ý tưởng rất đơn giản: thêm vào các tiêu chí thông thường của định nghĩa tiêu chí sự hiện diện của một cơ sở kỹ thuật số, được đo bằng khối lượng các dữ liệu cá nhân thu thập được trên một lãnh thổ.
Liệu có thể định nghĩa một “cơ sở ổn định” về kỹ thuật số?
Một giải pháp có ưu điểm là tính đơn giản, nhưng cũng vấp phải nhiều trở ngại. Tất cả các công ty đều số hóa và sử dụng dữ liệu của khách hàng để cung cấp dịch vụ tốt hơn, thế làm thế nào để xác định phạm vi những hoạt động nào được đánh thuế? Với điện toán đám mây, thật khó để biết chính xác là dữ liệu nằm ở đâu, khi chính điều đó phải giúp xác định cơ sở tính thuế. Hơn nữa, Netflix hoặc Uber, trong khi vận hành trên kỹ thuật số, nhưng lại kiếm lời ở nơi khác chứ không phải là sự khai thác thuần túy các dữ liệu thu thập được. Làm thế nào để đảm bảo rằng họ cũng trả đúng số tiền thuế của họ? Cuối cùng, các công ty đa quốc gia là những nhà vô địch trong việc thao túng các giá chuyển nhượng,[*] cho phép họ chuyển lợi nhuận, một cách giả tạo, đến những nước nào thuận lợi cho họ. Khi định nghĩa lại một cơ sở ổn định, vì vậy, cũng cần phải định nghĩa lại các quy định về giá chuyển nhượng.
Một hành động toàn cầu
Từ quan điểm nói trên, khuôn khổ thỏa đáng nằm ở cấp độ thế giới hơn là ở cấp độ châu Âu. Vả lại, tổ chức OECD đàm phán vấn đề này theo yêu cầu của G20 và vấn đề đánh thuế các công ty kỹ thuật số nằm trong lĩnh vực suy nghĩ của họ, với những đề xuất được dự kiến đưa ra vào cuối mùa xuân năm tới [2018]. Cho dù sử dụng con đường đánh thuế trên doanh thu, hoặc định nghĩa lại khái niệm cơ sở ổn định và các quy định về giá chuyển nhượng, thì cần phải có sự tham gia của Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước đang phát triển để có thể tìm ra một giải pháp. Nếu không, các nước có nguy cơ triển khai những chính sách quốc gia mang tính tạm thời, theo đó các công ty đa quốc gia, hôm nay cũng như ngày mai, sẽ biết cách để tránh thuế. Không hề có một giải pháp kỳ diệu nào cho vấn đề này.
G20 là cấp độ giải đáp thích hợp
Christian Chavagneux
Pháp đóng vai trò bổ ích khi chỉ ra là việc đánh thuế các công ty kỹ thuật số không hiệu quả với các quy định hiện hành. Chính phủ Pháp đã đúng khi thúc đẩy các đối tác châu Âu và thế giới phản ứng. Nhưng để thực sự đáng tin, chính phủ cần trình bày một giải pháp được chuẩn bị tốt hơn về mặt kỹ thuật, pháp lý và chính trị vượt ngoài châu Âu. Và mở rộng diễn ngôn của mình đến toàn bộ các công ty đa quốc gia, các công ty kỹ thuật số không phải là những công ty duy nhất liên quan đến nạn tránh thuế.
Một cách để tiến lên là ủng hộ sự minh bạch công khai trong các báo cáo của từng nước một: khi chứng minh công khai và đều đặn các thực hành trốn thuế đáng xấu hổ của các công ty đa quốc gia, thì cũng là một cách để nuôi dưỡng sự ủng hộ của dư luận để tiến lên. Và sự cam kết của chính phủ trong vấn đề này còn phải trung thực, nhưng cho đến nay, thủ tướng và tổng thống [nước Cộng hòa Pháp] chưa hề phát đi bất kỳ tín hiệu nào dù nhỏ nhất theo hướng này.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Peut-on taxer les GAFA?, Alternatives Economiques, 18/09/2017.




Chú thích:

[*] Theo định nghĩa của OECD, giá chuyển nhượng là “giá mà một công ty chuyển nhượng các tài sản hữu hình, các tích sản vô hình, hoặc cung cấp dịch vụ cho các công ty liên kết”.

Print Friendly and PDF