13.9.20

“Ngày nay, trên thế giới, chính châu Âu là hiện thân của chủ nghĩa tự do sáng suốt”

“NGÀY NAY, TRÊN THẾ GIỚI, CHÍNH CHÂU ÂU LÀ HIỆN THÂN CỦA CHỦ NGHĨA TỰ DO SÁNG SUỐT”

Chân dung Thomas Philippon 26/10/2011 ©Antoine DOYEN/Opale/Leemage (©Antoine Doyen/Opale)
Thomas Philippon (người viết thời luận cho báo “Les Echos”, giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Stern)
Đăng ngày 27 tháng 8 năm 2019
Trong cuốn sách sắp được Harvard University Press xuất bản, “The Great Reversal: How America Gave up on Free Markets [Sự đảo chiều vĩ đại: Nước Mỹ đã từ bỏ thị trường tự do như thế nào]”, Thomas Philippon, nhà kinh tế học người Pháp, giáo sư tại Trường Kinh doanh Stern ở New York, đã phân tích sự suy giảm rất ấn tượng của cạnh tranh tự do ở Hoa Kỳ, dưới ảnh hưởng của sự tập trung các doanh nghiệp ngày càng tăng. Phải chăng Châu Âu là tương lai của chủ nghĩa tư bản?
Cuộc phỏng vấn do Elsa Conesa ghi lại
Cuốn sách của ông kể lại việc người Mỹ đã để một số ngành công nghiệp trở thành một cartel mà không có phản ứng gì. Điều đó đã diễn ra như thế nào, thưa ông?

Khi tôi đến Mỹ vào cuối những năm 1990, mọi thứ đều rẻ hơn so với ở châu Âu. Internet được sử dụng không giới hạn, trong khi ở Pháp, bạn phải trả tiền theo phút, giá điện thoại di động rẻ và vé máy bay rẻ hơn 30 hoặc 40%. Ngày nay, thì ngược lại. Phí thuê bao cáp quang và điện thoại thực sự đắt hơn từ hai đến ba lần. Ở Pháp, người tiêu dùng có quyền lựa chọn giữa năm nhà cung cấp dịch vụ, ở Mỹ sự lựa chọn bình quân đó là 1,5 và giá thuê bao thì cao hơn gấp ba lần. Những đối thủ cạnh tranh “chi phí thấp” (“low cost”), như các hãng hàng không Free hay Easyjet đã đến châu Âu để kinh doanh, trong khi ở Mỹ, chúng ta chứng kiến ​​mt s hp nht ln, với các vụ sáp nhập hoàn toàn không biện minh được. Hoa Kỳ đã trở thành Châu Âu của hai mươi năm trước. Chúng ta cũng thấy hiện tượng tương tự trong lĩnh vực y tế, một thị trường tập trung vào rất ít tác nhân, kết quả của một trò chơi giữa các công ty bảo hiểm, các phòng thí nghiệm và các mạng lưới chăm sóc y tế, tập trung lại theo nhiều đợt liên tiếp. Kết quả, chi phí chăm sóc y tế bình quân đắt hơn gấp đôi, với các chỉ báo kết quả khá tầm thường. Và lần đầu tiên, kì vọng sống giảm trong thời bình.
Sự thay đổi này diễn ra khi nào?
Sự phân kì xảy ra vào những năm 2000 do một số nhân tố: sự tập trung [của các doanh nghiệp], sự điều tiết yếu kém, sự xuất hiện các rào cản gia nhập thị trường vào lúc mà châu Âu bắt đầu bãi bỏ các quy định. Ở Mỹ, số lượng các ngành nghề được quy định vẫn đang tăng lên trong thời gian gần đây. Một phần ba người lao động Mỹ ăn lương trong khu vực tư nhân bị ảnh hưởng bởi các quy định đôi khi không phù hợp. Ví dụ, ở Arizona, phải mất 1.000 giờ học việc để có thể làm việc trong một tiệm tóc. Trong mười lăm năm qua, tất cả các dấu chỉ mà chúng ta có xu hướng gắn kết với hệ thống của Mỹ, như điều kiện dễ dãi trong việc thành lập doanh nghiệp, đã xuống cấp, trong khi ở Pháp, thì ngược lại. Sự phân mảnh trong điều tiết giữa các bang của Mỹ không có lợi cho người tiêu dùng. Trong hai mươi năm qua, các quy định mới ở Hoa Kỳ thường có lợi cho các doanh nghiệp lớn, nhưng lại gây bất lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty khởi nghiệp, trong hầu hết các ngành nghề.
Ông giải thích như thế nào tác động của hiện tượng đó đến nhiều lĩnh vực khác nhau như vậy?
Kể từ đầu những năm 2000, chúng ta đã thấy các chi phí vận động hành lang và tiền tài trợ cho các chiến dịch bầu cử đã bùng nổ, được hỗ trợ bởi phán quyết Citizens United [Công dân Thống nhất] của Tòa án Tối cao, vào năm 2010, công nhận kết quả của một xu hướng cơ bản. Ngày nay, chi phí cho một chiến dịch tranh cử thành công ở Thượng viện đã tăng từ mức trung bình 6 triệu US$ năm 1998 lên 12 triệu US$ và xu hướng đó cũng diễn ra tương tự ở Hạ viện. Song song đó, chi phí vận động hành lang đã tăng từ 1,5 tỷ lên 3,5 tỷ US$ kể từ những năm 2000, và ước tính này chắc chắn là còn thấp. Gần 50% các doanh nghiệp thuộc S&P 1500 đã vận động hành lang so với 30% các doanh nghiệp cách đây hai mươi năm, và phân tích cho thấy những doanh nghiệp nào thuyết phục được các nhà lập pháp là những doanh nghiệp chi nhiều nhất: các hãng hàng không, các công ty trong lãnh vực chăm sóc y tế, viễn thông và tất nhiên là quốc phòng.
Nhưng các cơ quan điều tiết Mỹ có vẻ như ưu tiên sự tăng cường kiểm soát các đại gia công nghệ Gafam...
Công nghệ gần giống như là mục tiêu của cơ hội. Sự yếu kém trong việc điều tiết các đại gia công nghệ Gafam [Google, Amazon, Facebook, Apple và Microsoft] có thể được giải thích một phần về mặt lịch sử, họ là những nhà tài trợ lớn cho Đảng Dân chủ. Đây là một trong những lý do vì sao Google không bị kiện theo luật chống độc quyền trong cuộc điều tra vào năm 2010. Nhưng câu chuyện xoay quanh vấn đề này đã thay đổi, các tập đoàn công nghệ đã trở nên dễ bị tổn thương, cho dù đó là việc bảo vệ các dữ liệu và/hoặc về vấn đề chống độc quyền. Sự thay đổi đảng cầm quyền đã không có lợi cho họ.
Ông có nghĩ rằng cần xem xét lại các tiêu chí chống độc quyền đối với các công ty công nghệ hay không, thưa ông?
Tôi cho rằng các khái niệm và công cụ đã có sẵn, nhưng vấn đề là các điều kiêng k. Khái niệm lạm dụng vị thế thống trị tồn tại trong pháp luật Mỹ, nhưng nó không được áp dụng. Chúng ta thấy điều đó, ví dụ, trên các thị trường đấu giá quảng cáo trực tuyến. Các nhà kinh tế thuộc trường phái Chicago đã đưa ra ý tưởng không một doanh nghiệp duy lý nào giảm giá sản phẩm để tiêu diệt đối thủ cạnh tranh, nhưng thực tế đã chứng minh họ sai. Vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp nêu trên cũng không phải là mới. Chúng ta đã biết đến hiệu ứng mạng kể từ khi phát minh ra điện thoại: nếu không có sự can thiệp của cơ quan điều tiết, thì các nhà khai thác dịch vụ viễn thông sẽ không bao giờ tạo ra các mạng kết nối. Cần buộc Facebook phải kết nối với các nhà khai thác khác. Ngay cả khái niệm “miễn phí” không phải là mới. Các thẻ tín dụng đều “miễn phí”, ngoại trừ việc là người bán phải trả tiền. Điều đó không có gì khác so với những gì Facebook hay Google đang làm. Khó khăn là các doanh nghiệp công nghệ tích hợp khá chặt, nên rất khó để phân hóa. Nhưng đó không phải là điều bất khả.
Chúng ta phải phá bỏ huyền thoại theo đó các doanh nghiệp này là khác biệt! Hoạt động của họ cũng không hiệu quả hơn hoặc sinh lợi nhiều hơn các doanh nghiệp đàn anh. Tỷ suất lợi nhuận của Gafa lên tới 25%, ngang với tỷ suất lợi nhuận của ATT hay của IBM trong những năm 1960-1970. Mức vốn hóa chứng khoán tương đối của các doanh nghiệp đó không có gì đặc biệt: 5 công ty vốn hóa lớn nhất đã chiếm 10% thị trường Mỹ vào năm 1980 (và thậm chí cao hơn nữa trong những năm 1960), so với 10% ngày nay. Sự khác biệt, ngoài việc họ trả tiền thuế ít hơn, là việc họ sử dụng nhân viên ít hơn, trừ công ty Amazon. Những doanh nghiệp để lại dấu ấn cả một thập kỷ, như ATT, General Motors hoặc General Electric, đã sử dụng cả công nhân lẫn nhân viên quản lý. Ở Facebook, mức lương trung vị là 230.000 US$, khiến nó trở thành một câu lạc bộ, hơn là một doanh nghiệp.
Nhìn từ Châu Âu, các đại gia công nghệ Gafam vẫn được đánh giá cao về các giá trị sáng tạo đổi mới của Hoa Kỳ.
Hẳn vậy, nhưng Gafam hội nhập rất ít vào cấu trúc công nghiệp, họ không thúc đẩy nền kinh tế và không tạo ra giá trị cho các doanh nghiệp khác, ở thượng nguồn hay hạ nguồn. Facebook không mua bất cứ thứ gì ngoại trừ văn phòng và các máy chủ, mọi thứ đều được thực hiện bên trong công ty. Công việc của họ là viết mã, sản xuất này không được chia sẻ với bất kỳ ai. Các doanh nghiệp này không có sức nặng kinh tế quan trọng như các doanh nghiệp ngôi sao trong quá khứ. Và hơn thế, họ chuyên về quảng cáo, là một hoạt động hạng hai trong tăng trưởng kinh tế. Điều quan trọng trong sự tăng trưởng GDP là năng lượng, giao thông vận tải hoặc y tế. Đó là những lãnh vực mà các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần hoạt động, đặc biệt để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Liệu Châu Âu có đột nhiên trở thành mô hình chống độc quyền cho Mỹ hay không, thưa ông?
Nước Mỹ có cảm tưởng như châu Âu không tự do, do Ủy ban Brussels đang can thiệp chống lại các công ty độc quyền thay vì “cứ để cho làm” (“laiser-faire”). Nhưng đi theo chủ nghĩa tự do thì cần phá bỏ các công ty độc quyền! Tầm nhìn của Mỹ là tầm nhìn của một con cáo tự do trong một chuồng gà tự do - đó là trường hợp của Facebook. Châu Âu bảo vệ người tiêu dùng bằng cách ngăn các doanh nghiệp lớn lợi dụng vị thế thống trị của mình. Đây là định nghĩa cổ điển của chủ nghĩa tự do. Ở cấp độ thế giới, ngày nay, chính châu Âu là hiện thân của chủ nghĩa tự do sáng suốt này, mọi người đều thừa nhận điều đó.
Làm thế nào để đi đến đó, thưa ông?
Lý thuyết của tôi là châu Âu không cố ý làm điều đó. Đó là một lợi ích phụ của sự bất hòa giữa các nước châu Âu với nhau. Để vượt qua sự chia rẽ, cần phải thành lập những định chế tầm cỡ siêu quốc gia, hoạt động hoàn toàn độc lập. Nếu các nước thành viên chấp nhận để mất ảnh hưởng của mình trên các định chế này, chính là để ngăn các nước khác có được ảnh hưởng đó. Chính vì vậy mà cơ quan quản lý cạnh tranh và ngân hàng ECB đã ra đời, ECB độc lập nhiều hơn so với Cục dự trữ liên bang Fed. Điều đó không được nghĩ ra một cách có cân nhắc, nhưng hệ quả là chúng ta có một cơ quan điều tiết hoạt động hoàn toàn độc lập, ngày càng độc lập hơn, và hoạt động hiệu quả hơn trong việc chống lại các cuộc vận động hành lang, so với các cơ quan điều tiết của Mỹ.
Trong môi trường không lạm phát, liệu có nên xem lại nhiệm vụ của các ngân hàng trung ương hay không?
Không, nhiệm vụ của họ vẫn là kiểm soát lạm phát. Các ngân hàng trung ương đã bị chỉ trích vào những năm 1970 khi lạm phát quá cao, có thể trách họ chưa kiểm soát đủ mức. Chức năng kiểm soát phải đối xứng. Nếu không có lạm phát, thì phải in tiền cho đến khi có lạm phát. Nói dễ hơn làm, nhưng một lần nữa, các ràng buộc mang tính chính trị, chứ không phải là kỹ thuật. Đặc biệt, cần có sự phối hợp với chính sách tài khóa vốn còn thiếu ở châu Âu.
Ông có tin vào giả thuyết một cuộc suy thoái ngắn hạn hay trung hạn hay không? Các rủi ro là gì, thưa ông?
Theo định nghĩa, những rủi ro lớn là những rủi ro không nhìn thấy được. Nhưng rủi ro [của ngày nay] không giống như các rủi ro của năm 2007. Chúng ta có nợ, nhưng không có nhiều hiệu ứng đòn bẩy trong các ngân hàng. Có thể có một hình thức hạ cánh nào đó, như trong những năm 2000. Cuộc chiến thương mại cũng có thể trở thành rủi ro, nếu các bên bước vào một thế giới hoàn toàn không có luật, theo kiểu luật của “Trump”. Nhưng những rủi ro dài hạn thực sự đối với nền kinh tế Mỹ là vấn đề y tế và khí hậu, mà hậu quả của chúng rất khó dự đoán.
Tác động của cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là gì, thưa ông?
Tác động chính trị là rất lớn, nhưng tác động kinh tế thì khiêm tốn hơn, bất luận những ồn ào xung quanh. Hoa Kỳ có thể tồn tại rất tốt với hàng rào thuế quan, nhưng thực sự không có nền kinh tế nào khép kín hơn nền kinh tế Mỹ. Họ có thể không cần nhập khẩu hàng hóa từ các nước xa xôi, đặc biệt khi tiếp tục buôn bán với các nước láng giềng gần. Ngược lại, cuộc xung đột đã thúc đẩy Trung Quốc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, ví dụ, phát triển hệ điều hành riêng cho điện thoại. Trung Quốc không còn muốn bị phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ và châu Âu.
Ông có nghĩ rằng các doanh nghiệp sẽ chuyển địa điểm sản xuất của họ hay không?
Đó là điều không thể tránh khỏi. Trung Quốc đã trở nên giàu hơn, tức là chi phí đắt đỏ hơn, và việc đặt nhà máy ở đó ít thuận lợi hơn. Và cú sốc gia nhập thị trường thương mại thế giới sẽ không xảy ra nữa. Ngoài ra, môi trường đã thay đổi so với thời điểm cuối những năm 1990: khí hậu đã trở thành một mối quan tâm, và công nghiệp không còn chiếm ưu thế như trước nữa. Giỏ trung bình về sản phẩm của người tiêu dùng ngày càng ít những mặt hàng vật chất được trao đổi qua các công-te-nơ, và ngày càng nhiều những mặt hàng phi vật chất, như các mặt hàng văn hóa, kỹ thuật số, và chi phí chăm sóc y tế. Liệu các trao đổi những mặt hàng phi vật chất mới này, mà tỷ trọng trong tiêu dùng thế giới đã tăng lên, có thay thế được các trao đổi những mặt hàng vật chất hay không? Câu trả lời là không rõ ràng. Đó là những mặt hàng không gây ô nhiễm và sẽ rẻ hơn khi sản xuất phần mềm ở Ấn Độ. Nhưng không phải lúc nào cũng dễ trao đổi các mặt hàng đó - ví dụ như những bộ phim không phải của Mỹ thường vẫn là các sản phẩm địa phương. Và trên hết, chúng đặt ra vấn đề bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư.
Liệu chủ nghĩa tư bản có thể cứu vãn hành tinh hay không, thưa ông?
Chủ nghĩa tư bản tiêu thụ ít năng lượng hơn cách đây ba mươi năm. Ở các nước giàu, mức tiêu thụ năng lượng tăng chậm hơn GDP kể từ những năm 1970. Hệ thống biết cách phản ứng, vấn đề là thang thời gian. Cần phải đi nhanh hơn, và để đạt được điều đó thì cần thỏa thuận về thuế carbon. Chắc chắn sẽ có một động lực liên bang theo hướng đó nếu đảng Dân chủ giành chiến thắng vào năm 2020. Nếu không, chính các bang, đứng đầu là California, cần phải làm điều đó.
Cuộc phỏng vấn do Elsa Conesa ghi lại (Văn phòng New York) 
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn:Aujourd'hui, c'est l'Europe qui, dans le monde, incarne le libéralisme éclairé“, Les Echos, ngày 27 tháng 8 năm 2019.
Print Friendly and PDF