5.9.20

Thất bại lớn của chính phủ nhỏ

Mariana MazzucatoGiulio Quaggiotto
Ảnh: Matt Cardy - Getty Images
Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia có chính phủ theo định hướng về sứ mệnh đã đạt được kết quả tốt hơn trong cuộc khủng hoảng COVID-19 so với các quốc gia tỏ ra sùng bái tính hiệu quả. Hóa ra, quản trị hiệu quả không thể được tạo ra theo ý muốn, bởi vì nó đòi hỏi đầu tư vào năng lực của nhà nước.
LONDON - Nhiều thập kỷ tư nhân hóa, thuê ngoài và cắt giảm ngân sách với danh nghĩa “hiệu quả” đã cản trở đáng kể đáp ứng của nhiều chính phủ đối với cuộc khủng hoảng COVID-19. Đồng thời, các đáp ứng thành công của các chính phủ khác đã cho thấy rằng các khoản đầu tư vào các năng lực cốt lõi của khu vực công tạo ra mọi sự khác biệt trong thời điểm khẩn cấp. Những quốc gia xử lý tốt cuộc khủng hoảng là những quốc gia duy trì được mối quan hệ hữu ích với những người tạo ra giá trị trong xã hội, bằng cách đầu tư vào những năng lực quan trọng và thiết kế các hợp đồng của khu vực tư nhân để phục vụ lợi ích công cộng.
Từ Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đến Châu Âu, Nhật Bản và Nam Phi, các chính phủ đang đầu tư hàng tỷ - và trong một số trường hợp là hàng nghìn tỷ USD để củng cố nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, nếu có một điều mà chúng ta học được từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, thì đó là chất lượng ít nhất cũng quan trọng như số lượng. Nếu tiền rơi vào các cấu trúc trống rỗng, yếu kém hoặc được quản lý kém, thì tiền sẽ có ít tác dụng và có thể đơn giản là bị hút vào lĩnh vực tài chính. Nếu ta lặp lại những sai lầm trong quá khứ, sẽ có quá nhiều cuộc sống bị đe dọa.
Thật không may, trong nửa sau của thế kỷ vừa qua, thông điệp chính trị phổ biến ở nhiều quốc gia là các chính phủ không thể - và do đó không nên - thực sự điều hành. Từ lâu, các chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia đã luôn lệ thuộc vào và luôn nghĩ đến một tín điều quản lý chỉ tập trung vào các thước đo hiệu quả tĩnh để biện minh cho việc cắt giảm chi tiêu, tư nhân hóa và thuê ngoài.
Do đó, các chính phủ hiện có ít lựa chọn hơn để ứng phó với cuộc khủng hoảng, đó có thể là lý do tại sao một số người hiện đang tuyệt vọng bám vào hy vọng viễn vông về các công nghệ chữa bách bệnh như trí tuệ nhân tạo hoặc các ứng dụng truy vết. Với việc ít đầu tư hơn vào năng lực công đã làm mất đi kí ức thể chế (như chính phủ Vương quốc Anh đã phát hiện) và tăng sự phụ thuộc vào các công ty tư vấn tư nhân, các công ty này đã thu về hàng tỷ USD. Không có gì ngạc nhiên khi tinh thần của các nhân viên trong khu vực công đã sụt giảm trong những năm gần đây.
Xem xét hai trách nhiệm cốt lõi của chính phủ trong cuộc khủng hoảng COVID-19: lĩnh vực y tế công cộng và lĩnh vực kỹ thuật số. Chỉ tính riêng trong năm 2018, chính phủ Anh đã thuê ngoài các hợp đồng y tế trị giá 9,2 tỷ bảng Anh (11,2 tỷ USD), đặt 84% số giường trong các nhà chăm sóc vào tay các nhà điều hành khu vực tư nhân (bao gồm cả các công ty cổ phần tư nhân). Làm cho vấn đề tồi tệ hơn, kể từ năm 2015, Dịch vụ Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh đã phải gánh chịu 1 tỷ bảng Anh về cắt giảm ngân sách.
Bản thân việc thuê ngoài không phải là vấn đề. Nhưng rõ ràng việc thuê ngoài các năng lực quan trọng của nhà nước là như vậy, đặc biệt là khi “quan hệ đối tác” công-tư không được thiết kế để phục vụ lợi ích công cộng. Trớ trêu thay, một số chính phủ đã quá háo hức thuê ngoài đến mức họ đã làm suy yếu khả năng của chính họ trong việc cấu trúc các hợp đồng thuê ngoài. Sau 12 năm nỗ lực thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển máy thở giá rẻ, chính phủ Mỹ hiện đang nhận ra rằng thuê ngoài không phải là cách đáng tin cậy để đảm bảo khả năng tiếp cận thiết bị y tế trong tình thế khẩn cấp.
Trong khi đó, cách tiếp cận thành công của Việt Nam đối với COVID-19 đã nổi lên như một sự tương phản nổi bật so với các cách ứng phó của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Ngoài ra, chính phủ Việt Nam đã có thể tích lũy các bộ dụng cụ thử nghiệm giá rẻ rất nhanh chóng, bởi vì họ đã có đủ năng lực để huy động các học viện, quân đội, khu vực tư nhân và xã hội dân sự vào một nhiệm vụ chung. Thay vì chỉ đơn giản là thuê ngoài với một vài câu hỏi được đặt ra, chính phủ đã sử dụng nguồn tài trợ công đối với nghiên cứu và phát triển cùng với mua sắm công để thúc đẩy đổi mới. Kết quả là sự hợp tác công-tư đã cho phép thương mại hóa nhanh chóng các bộ dụng cụ, hiện đang được xuất khẩu sang châu Âu và các nước khác.
New Zealand lại là một câu chuyện thành công khác, và không phải ngẫu nhiên. Sau khi ban đầu áp dụng câu thần chú thuê ngoài vào những năm 1980, chính phủ New Zealand đã thay đổi hướng đi, áp dụng “tinh thần phục vụ” và “đạo đức chăm sóc” trong các dịch vụ công của mình và trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng ngân sách an sinh. Do tầm nhìn về quản lý công này, chính phủ đã áp dụng cách tiếp cận “y tế là trên hết, kinh tế là thứ hai” đối với cuộc khủng hoảng hiện nay. Thay vì tìm kiếm khả năng miễn dịch cộng đồng, chính phủ đã sớm cam kết ngăn chặn sự lây nhiễm.
Các bài học tương tự áp dụng cho dữ liệu và công nghệ kỹ thuật số, những lĩnh vực mà hiệu quả hoạt động của các chính phủ rất khác nhau. Ở Pakistan, người dân có thể đăng ký chuyển tiền mặt một cách khẩn cấp (đang sẵn có cho một số lượng ấn tượng là 12 triệu hộ gia đình) trực tiếp từ điện thoại di động của họ, trong khi người Ý phải in ra bản tự đánh giá để cho thấy rằng họ đang tuân thủ các quy tắc phong tỏa.
Chắc chắn, các chính phủ Nam Á đã được hưởng lợi từ kí ức thể chế được xây dựng trong trận dịch SARS 2002-03, điều này cũng làm thay đổi thái độ về quyền riêng tư của công chúng. Nhưng nhiều quốc gia trong số này cũng đã đầu tư vào khả năng dữ liệu cốt lõi của họ, đặc biệt hiệu quả khi tạo điều kiện cho hành động phi tập trung hóa. Ví dụ, Hàn Quốc đã áp dụng phương pháp truy vết công nghệ cao tích cực và công bố dữ liệu theo thời gian thực về các kho chứa khẩu trang và địa điểm hiệu thuốc, cho phép các công ty khởi nghiệp và công dân bình thường tạo ra các dịch vụ bổ sung để đảm bảo phân phối hiệu quả hơn và an toàn hơn.
Sự đối lập giữa một bên là Mỹ và Anh, với bên kia là Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand, đã cho ta những bài học quan trọng. Thay vì lui trở về vai trò người khắc phục những thất bại của thị trường và người đi thuê ngoài các dịch vụ, các chính phủ nên đầu tư vào những ngành quan trọng của riêng mình. Đại dịch đã làm bộc lộ nhu cầu nhà nước cần gia tăng năng lực sản xuất, khả năng mua sắm công, sự hợp tác cộng sinh giữa nhà nước và tư nhân, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và các giao thức bảo mật và quyền riêng tư rõ ràng.
Ta không nên nhầm lẫn cách tiếp cận theo định hướng sứ mệnh đối với hành chính công với việc ra quyết định từ trên xuống. Ta nên xem đó là cách tốt nhất để đảm bảo tính năng động, bằng cách nuôi dưỡng các mối quan hệ hiệu quả giữa những người đổi mới và thu thập giá trị của trí thông minh phân phối. Các chính phủ từ lâu đã thoái thác trách nhiệm đối với khu vực tư nhân nay cần phải nhận lại trách nhiệm, điều này sẽ yêu cầu họ xem xét lại một cách tổng quát hơn về các chế độ sở hữu trí tuệ và cách tiếp cận của họ đối với R&D (nghiên cứu và phát triển) cũng như đầu tư và mua sắm công nói chung hơn.
Lấy một ví dụ trong thực tế, tại sao một máy thở giá rẻ đã được các cơ quan quản lý ở Nhật Bản phê duyệt lại không được các nước khác sẵn sàng chấp nhận? Rõ ràng là ngoài vai trò đổi mới của các chính phủ quốc gia, chúng ta cần một cơ quan trao đổi quốc tế cho các giải pháp cấp cơ sở và lấy người dân làm trọng tâm.
Trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào - liên quan đến tài chính, y tế công cộng hoặc khí hậu - việc thiếu sự lựa chọn sẽ hạn chế đáng kể khả năng điều động của khu vực công. Sau nhiều năm theo đuổi một mô hình quản trị sai lầm, các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới chắc chắn đang than thở về việc thiếu các nguồn lực và bí quyết nội bộ để triển khai các công cụ kỹ thuật số cần thiết để cứu mạng người. Hóa ra, quản trị hiệu quả không thể được tạo ra theo ý muốn.
Người dịch: Lê Thị Hạnh
Nguồn:The Big Failure of Small Government, Project Syndicate, 19.5.2020
Vài dòng về các tác giả:
Mariana Mazzucato (1968-)
Giulio Quaggiotto
MARIANA MAZZUCATO là Giáo sư Kinh tế Đổi mới và Giá trị Công; bà cũng là Giám đốc Viện Đổi mới và Mục đích Công của UCL, và là tác giả của tác phẩm The Value of Everything: Making and Taking in the Global Economy (Giá trị của mọi thứ: Tạo ra và tiếp nhận nền kinh tế toàn cầu).
GIULIO QUAGGIOTTO là Giám đốc Trung tâm Đổi mới Khu vực ở Châu Á Thái Bình Dương tại Chương trình Phát triển Liên hợp quốc.

Print Friendly and PDF